Tiến tới Hội Khoá Đà Lạt 2022

Mời các bạn xem một số video lồng nhạc về Đà Lạt (Click vào các đường link dười hình này):

cid:image003.png@01D85A27.46E75620

+ Thành phố buồn – NS Lam Phương/Ca sĩ Đan Nguyên

+ Tôi đi tìm lại một mùa Xuân

+ Tháng 4 và chợ đêm Đà Lạt…

IMG_1186
IMG_1188

Ly cà phê nghe thơm nồng hơi thở

Ngồi xuống đây nhìn hoa nở quanh vườn

Cả không gian còn lành lạnh hơi sương

Nhớ Đà Lạt, thành phố buồn xa cách…

DN/NGiao

Đà Lạt5

Từ Diễn đàn PSXH

ANNAM & VIETNAM

Hôm 26.4 post ảnh Gà So Trung bộ ghi nhận được ở khu vực Bạch Mã. Sau đó vài bạn nhắc tôi chú thích Annam Partridge mới đúng, thay vì Vietnam Partridge.

Cám ơn và có đôi lời chia sẻ để được thông cảm: Thường, tôi sử dụng đúng thuật ngữ khoa học, định danh nào không biết thì tra cứu hay học hỏi từ bạn bè. Riêng Annam Partridge là câu chuyện khác. Tôi thấy may không là nhà khoa học/ điểu học, cũng không thuộc giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp về các loài chim để cần tuân thủ cách gọi, cách viết này.

Từ thời sinh viên ĐH Huế trước 1975 tôi đã tham gia phong trào tẩy chay việc dùng từ An Nam/ Annam trong các văn bản liên quan Việt Nam. An Nam đầy đủ là “An Nam Đô Hộ Phủ” được đặt ra dưới thời nhà Đường. Hẳn mọi người nhận ra tên cái “Phủ” ấy hàm ý gì và từ điểm nhìn của ai. Tôi ghét quân Tàu xâm lược nên thấy từ An Nam là ghét luôn. Dị ứng với cả những người Pháp vẫn dùng Annam để chỉ Việt Nam, hoặc chỉ Trung kỳ. Mới gõ thử Vietnam Partridge trên Google, hóa ra đã có hàng ngàn lượt sử dụng trước tôi. Nhưng nếu chỉ một mình tôi, thì tôi cũng rứa thôi: không An Nam/ Annam mà là Việt Nam/ Vietnam.

Vĩnh Quyền (VH-HTK)

Từ FB. Vĩnh Quyền

***

Opera ngợi ca thế giới hoang dã.

Gà so phân loài đặc hữu Trung Bộ / Vietnam Partridge / Bạch Mã 26.4.22.

Kỷ niệm một ngày lội suối băng rừng. Gà so phân loài đặc hữu Trung Bộ / Vietnam Partridge / Bạch Mã 26.4.22.

Hạ đỏ – 30/4/2022

Vĩnh Quyền

NGUYỄN THIỆN TỐNG VIẾT VỀ NGÀY 30 THÁNG 4

PGS. TS Nguyễn Thiện Tống
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống quỳ vấn an thầy giáo của mình trong lễ tri ân thầy cô giáo thời Trung học Hàm Nghi tại Huế.

1. Vui mừng khi đất nước hòa bình

Tôi còn nhớ cảm giác vui mừng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi dân chúng Sài Gòn được an lành, không bị chết chóc, và thành phố Sài Gòn được nguyên vẹn, không bị tàn phá. Nếu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ nắm quyền chứ không phải Đại tướng Dương Văn Minh thì trận chiến ác liệt đã xảy ra, thành phố Sài Gòn bị tàn phá đổ nát và rất nhiều người chết, cả binh lính hai bên và nhiều dân thường nữa. Vì thế tôi rất biết ơn Đại tướng Dương Văn Minh và những binh sĩ VNCH đã ngừng bắn và buông súng. Tôi vẫn còn nhớ lời Đại tướng Dương Văn Minh và Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh nói trên đài phát thanh Sài Gòn lúc 9 giờ sáng 30/4/1975 có câu “…không nổ súng và ở đâu ở đó để bàn giao cho chính quyền cách mạng”.

Chiếu 30/4 tôi từ nhà ở Quận 3 đi thăm mẹ tôi ở Thị Nghè. Gia đình tôi có 9 anh em trai, mà 5 ngưởi trong Quân đội VNCH: một anh tử thương năm 1964 mà gia đình đã được báo tin tử trận nhưng rồi may mắn được Quân y viện Duy Tân ở Đà Nẵng cứu sống lại và trở thành thương phế binh, một anh tử thương năm 1966 rồi mất ở Quân y viện Gò Vấp, một anh là Trung sĩ, một anh là binh nhì, một em là Thiếu úy. Em tôi là sĩ quan nên phải đi học tập cải tạo năm 1975. Hai người anh khác của tôi đã có số quân, chỉ tôi và đứa em trai nuôi chưa có số quân mà thôi. Sau này mẹ tôi có lúc nói rằng nếu chiến tranh tiếp tục thì không biết mẹ tôi mất thêm mấy đứa con trai nữa.

Tôi nhớ nhất là cảm giác vui mừng khi nhận thấy hòa bình đang đến với đất nước. Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, thời gian 30 năm chiến tranh lớn hơn tuổi đời 28 của tôi lúc đó. Cuộc chiến đau thương lâu dài đã kết thúc, dầu có bên thắng bên thua nhưng đất nước được hòa bình.

Cũng chiếu 30 tháng 4 đó tôi đi lên trường Đại học Kỹ Thuật ở Phú Thọ (mà nay là trường Đai học Bách Khoa TpHCM) để xem có gì không hay xãy ra cho trường không, vì tôi là người ở vị trí thứ 3 trong ban lãnh đạo nhà trường lúc đó mà người đứng đầu đã đi nước ngoài trước đó mấy ngày. Tôi thấy khi đó đã có một số nhân viên mang băng đỏ đứng ra tổ chức bảo vệ trường. Tôi mừng khi thấy trường Đại học Kỹ Thuật cũng nguyên vẹn không bị cướp phá.

2. Tại sao anh không đi?

Tôi nhớ cảm giác rất buồn sau buổi họp cuối cùng của Hội đồng Giáo sư trường Đại học Kỹ Thuật ở Phú Thọ một tuần trước đó. Kết thúc buổi họp thì hầu như mọi người đều ghi tên vào danh sách muốn đi để chuyển đến các Tòa Đại sứ Mỹ, Pháp, Úc… Chỉ có tôi và hai người khác không ghi tên thôi. Lúc đó một người bạn hỏi tôi: “Anh đã được nhận đi nước nào vậy?”. Thấy mọi người như thế, tôi đứng lặng bên cửa sổ rồi than thầm: Trời ơi, sao ai cũng đi hết vậy!

Hôm đó chúng tôi quyết định phát bằng tốt nghiệp sớm cho tất cả các sinh viên năm cuối và TS Nguyễn Thanh Toàn là Khoa trưởng đã ký hết các văn bằng này trước khi ra đi. Tôi là người trao bằng cho các sinh viên đến muộn vào ngày thứ sáu 25/4. Họ nhận bằng trong nước mắt từ biệt. Sau 30/4/75 những sinh viên năm cuối không trở lại trường nữa.

Tôi rất buồn vì nhiều người đã ra đi trước và sau 30/4/75, trong đó có bà con anh em bạn bè của tôi.

Tôi chọn ở lại vì tôi đã chọn trở về quê hương năm 1974 cùng vợ con sau gần 9 năm du học ở Úc.

Sau ngày đất nước thống nhất, kinh tế đi xuống, đời sống khó khăn, rồi chiến tranh ở biên giới tây nam với Campuchia và chiến tranh biên giới phía bắc với Trung Quốc năm 1979 đã làm cho nhiều người cảm thấy tuyệt vọng và ra đi nhiều hơn.

Sau đợt đổi tiền lần đầu, tôi được xếp vào mức lương 75 đồng/tháng mà sau này tôi mới biết là bằng với lương của anh Trung úy công an khu vực tôi ở.

Từ thứ hai đến thứ sáu tôi hàng ngày đạp xe lúc sáng sớm chở 2 con vào Xóm Gà quận Bình Thạnh gửi bà ngoại rồi đi lên trường Đại học Bách Khoa ở quận 10, buổi trưa vào chở con trai đưa đi học trường Lê Quý Đôn ở quận 3 rối lên trường làm việc tiếp, đến chiều quay vào Xóm Gà quận Bình Thạnh chở con gái về nhà ở chung cư Yên Đỗ quận 3, còn vợ tôi sau giờ làm việc thì đón con trai về nhà. Tôi đạp xe như thế trong mấy năm liền. Gia đình tôi lúc đó cũng rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn, và vì thiếu ăn nhiều năm nên vào những năm đầu thập kỷ 1980 tôi giảm mất 15 kg chỉ còn 53 kg như hồi học sinh 18 tuổi.

Nhưng tôi vẫn quyết ở lại quê hương với gia đình với mẹ và anh chị em và bạn bè dù cũng vơi dần một số người.

Để có thêm thu nhập cho gia đình, vợ tôi dạy Anh văn ở nhiều tư gia, có nơi phải đi đạp xe gần 10 km. Tôi thấy thương cho vợ con tôi phải chịu đựng gian khổ vì tôi và không hề có suy nghĩ phải chi chúng tôi đừng về nước mà ở lại Úc hay đi Anh đi Mỹ. Vợ tôi còn nói với một số bạn bè rằng: “Anh Tống mà bị trục xuất khỏi Việt Nam thì anh sẽ vượt biên trở về.”

Và như thế cho đến nay, mỗi khi có người hỏi: “Tại sao anh không đi?” thì tôi luôn trả lời: “Bời vì tôi đã chọn trở về năm 1974.”

3. Tôi thuộc về đất nước sinh ra mình

Những người đi du học theo học bổng Colombo Plan có ràng buộc là phải về nước sau khi học xong. Nhưng với những người có học vị tiến sĩ thì dễ dàng ở lại Úc hoặc đi nước khác làm việc. Khi biết tôi quyết định về Việt Nam năm 1974 nhiều người cũng tỏ ra ngạc nhiên, trong đó có cả Giáo sư trực tiếp hướng dẫn luận án tiến sĩ cho tôi. Ông đưa ra cho tôi nhiều sự lựa chọn, hoặc ở lại Úc tiếp tục phát triển mô hình tính toán khí động lực học áp dụng cho phi thuyền con thoi, công trình khoa học mà tôi làm trợ lý nghiên cứu cho ông suốt sáu tháng trong thời gian chờ nhận bằng, hoặc ông giới thiệu tôi qua một số nước có khoa học hàng không phát triển như Mỹ, Anh… để tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học. Còn về Việt Nam, ông nói tôi chỉ có thể đi dạy thôi.

Tôi cũng nghĩ rằng tôi về nước để dạy đại học, tôi mong muốn nhân rộng tri thức, sự hiểu biết của mình cho các sinh viên đại học để góp phần phát triển đất nước.

Hầu như tất cả sinh viên đi du học đều nói về hoài bão “học tập cho thành tài để về xây dựng quê hương”. Khi đó tôi nhận thức khoảng cách biệt lớn lao về hòa bình, về phát triển giữa Úc và Việt Nam và tôi rất xót xa cho số phận dân mình.

Bằng nỗ lực học tập tôi đã thoát khỏi cảnh nghèo nàn cơ cực thời niên thiếu để có một cuộc sống tiện nghi sung túc hơn mình từng mơ ước. Nhưng tôi nghĩ như Albert Camus rằng: “Dù nếu có thể, tôi cũng không từ bỏ địa ngục trần gian có những người thân đang sống để thoát lên thiên đàng một mình”. Tôi còn nghĩ rằng trong nhiều anh em mới có một người giỏi – người đó thuộc về gia đình đó, trong hàng vạn người mới có một số người tài năng – những người tài năng này thuộc về hàng vạn người đó. Lẽ công bằng của phân bố tự nhiên phải như thế. Tôi thấy mình thuộc về gia đình, thuộc về đất nước sinh ra mình và không thể tự cướp mình khỏi quê hương để làm kẻ vong thân sống lưu đày trong sung túc ở xứ người được.

Bỏ lại cuộc sống tiện nghi mình có và đã quen sau thời gian dài ở Úc, từ chối tương lai hứa hẹn những thành tích khoa học kỹ thuật mà mình có thể đạt được nếu ở lại Úc hay đi Anh đi Mỹ, tôi cùng vợ con trở về nước giữa năm 1974. Cũng như TS Lưu Tiến Hiệp từ Úc về trước tôi sáu tháng và cũng như nhiều anh chị khác từ Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Canada… chúng tôi trở về nước như lời hứa lúc ra đi. Trí thức du học thuộc các thế hệ đàn anh chúng tôi cũng đã làm thế. Dẫu rằng có nhiều người khác ở lại nước ngoài “để có cơ hội phát huy tài năng mình hơn, phục vụ chung cho thế giới, cho nhân loại”.

4. Con đường đau khổ của người trí thức

Với chức vụ Phụ tá Khoa trưởng tôi bị xếp loại ngụy quân ngụy quyền cao cấp và phải đi trình diện với Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định. Tôi có “Giấy Chứng Nhận Trình Diện” do ông Cao Đăng Chiếm ký ngày 14/5/1975. Vào tháng 6/1975 tôi được lệnh di học tập cải tạo tập trung, nhưng hôm đó đông người quá nên phải hoản lại hôm sau. May thay sau đó người trong ngành giáo dục và y tế phải đi học tập cải tạo được giảm một cấp nghĩa là Viện trưởng, Phó Viện trưởng và Phu tá Viện trưởng của Viện Đại học mới phải đi học tập còn Khoa trưởng, Phó Khoa trưởng, Phụ tá Khoa trưởng khỏi đi.

Tôi tham gia sinh hoạt ở Hội Trí thức Yêu nước và gặp rất nhiều nhà trí thức lớn của Sài Gòn lúc đó như GS Lê Văn Thới, GS Phạm Hoàng Hộ, GS Phạm Biểu Tâm, GS Lý Chánh Trung, GS Chu Phạm Ngọc Sơn, GS Trần Kim Thạch, GS Châu Tâm Luân… GS Châu Tâm Luân được đưa lên làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng rồi cũng vượt biên. GS Phạm Hoàng Hộ đi công tác ở Pháp cũng không về. Rồi GS Phạm Biểu Tâm cũng ra đi chính thức. Có nhiều người vượt biên bị bắt giam rồi được Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu nước – anh Huỳnh Kim Báu vận động Bí thư thành ủy can thiệp để được tha. Ở các trường đại học, cứ sau dịp nghỉ Tết hay nghỉ hè là có một số người vượt biên.

Trong mười mấy năm sau 1975, “con đường đau khổ” của người trí thức chúng tôi còn gian nan hơn chuyện phim Liên Xô nhiều. Tôi thấy trong nhiều năm nghèo đói, bệnh tật và bão tố tinh thần siết vòng vây tấn công từng người, từng gia đình chúng tôi – những người trí thức đào tạo trong nước cũng như từ nước ngoài trở về. Anh Liêu Sanh Oanh Liệt, Tiến sĩ vật lý ở Mỹ về đầu năm 1975 ở Đại học Bách Khoa đã chết vì bệnh tật và trong nghèo khó. Anh ôm hoài bão tuổi trẻ xuống suối vàng. Niềm cô đơn trong tôi lớn lên khi bạn bè trí thức cũ vượt biên dần.

Anh Nguyễn Tân Phục, Thạc sĩ công nghệ thông tin, tình nguyện trở về sau 1975 và làm việc ở trường Đại học Bách Khoa. Anh được sắp xếp làm cấp dưới của một Trưởng Bộ môn trình độ kỹ sư. Đáng lẻ ra anh Phục có thể xin đi ra nước ngoài trở lại nhưng anh không dám xin mà phải vượt biên, bỏ lại nhà cửa và một thư viện sách anh mang về. Anh Trần Xuân Danh là Tiến sĩ Cơ khí ở New Zealand về làm Phó Khoa trưởng trường Đại học Khoa học ở Viện Đại học Huế rồi sau 1975 thì xin chuyển vào trường Đại học Bách Khoa TpHCM. Ba anh Danh là một cán bộ cách mạng tập kết khi về hưu thì sống ở Sài Gòn. Anh Danh được Thư ký Công đoàn trường lúc đó là anh Trần Chí Đáo đề nghị kết nạp Đảng nhưng anh từ chối, rồi đến năm 1989 thì anh vượt biên. Sau khi anh Lưu Tiến Hiệp, Tiến sĩ kỹ thuật hóa học xin nghỉ để qua làm việc ở trường Tin học và Quản lý Hoa Sen năm 1991 thì ở trường Đại học Bách Khoa chỉ có tôi là Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài trước 1975 còn ở lại giảng dạy.

5. Thương cho mình và tiếc cho đời

Ngày nay thì “cửu thập cổ lai hy” 90 tuổi mới hiếm. Bây giờ tôi đã 75 tuổi cũng đã trải nghiệm qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời. Kể từ 1974 đến nay tôi gắn bó với trường Đại học Bách khoa này gần 48 năm và đã “xoáy” cùng dòng chảy lịch sử của đất nước, để không chỉ chứng kiến mà còn có cả những trải nghiệm buồn vui thậm chí có lúc đắng cay… khi tiếp tục chọn công việc giảng dạy đại học với mong muốn nhân rộng tri thức, sự hiểu biết của mình cho các sinh viên đại học để góp phần phát triển đất nước.

Tuy có đôi chút ngậm ngùi, có chút buồn lòng nhưng tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định của mình. Tôi có lúc cảm thấy “Thương cho mình và tiếc cho đời”. Thương cho mình vì ôm nhiều hoài bão lớn nhưng lại không có cơ hội để đóng góp như mong ước. Còn tiếc cho đời đã không cho mình cơ hội để đóng góp được nhiều hơn. Tôi không đòi hỏi có được điều kiện thuận lợi, chỉ cần đừng bị gây khó.

Dù sao tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào trong thời gian 11 năm làm Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, đặt nền tảng cho sự phát triển ngành kỹ thuật hàng không của Việt Nam ở miền Nam và miền Trung.

Tiếp đến, điều khiến tôi rất vui, đó chính là tôi luôn là “người mở đường”, tiếp sức cho nhiều thế hệ sinh viên. Tôi là người khởi xướng Chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ bắt đầu từ năm 1988. Từ đó đến nay chương trình đã trao 60.000 học bổng với trị giá tổng cộng 250 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong 12 năm gần đây, tôi đã vận động các bạn bè thân quen cũng như các thế hệ học trò của tôi ở trong và ngoài nước ủng hộ Chương trình học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Thừa Thiên Huế, mà gần đây số tiền trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm.

6. Hòa giải hòa hợp dân tộc

Tôi thấy quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh và hòa giải hòa hợp dân tộc diễn ra quá chậm. Chủ động cho quá trình này phải ở “bên thắng cuộc” và phải thực tâm vì lợi ích lâu dài của đất nước.

Hãy xem xét những gì xãy ra ở ĐHBK như một case study để rút ra những bài học. Theo tôi thấy thì những đại học khác ở Miền Nam Việt Nam cũng tương tự ĐHBK. Về mặt lịch sử thì có lúc các trường đại học này vào năm 1995 làm Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và từ chối quá khứ trước 1975. Qua đấu tranh và thuyết phục thì đến năm 2007 có lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường Đại học Bách Khoa TpHCM, tính từ năm 1957. Tuy nhiên những gì xảy ra trên Hội trường chỉ là từ 1975 mà thôi. Những người là Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng từ 1957 đến 1975 không hề được nhắc đến. Mà PGS.TS Lưu Tiến Hiệp và tôi là 2 Phó Hiệu trưởng cũ của trường đã bàn giao cho Ban Quân quản năm 1975 cũng không được nhắc đến, mặc dù chúng tôi có trong Hội trường. Ngày kỷ niệm 60 năm thành lập trường Đại học Bách Khoa cũng tương tự như thế. Trang web của trường ĐHBK TpHCM cũng chỉ có đầy đủ các vị lãnh đạo Trường, Khoa… từ sau 30/4/1975 mà thôi. Tôi chứng kiến năm 1975 cảnh toàn bộ hồ sơ tài liệu của trường cũ bị đốt cháy đến 3 – 4 giờ mới tàn. Tuy nhiên việc tìm lại thông tin về danh sách những người lãnh đạo cũ của trường ĐHBK trước 1975 có thể thực hiện thông qua các cựu giảng viên và cựu sinh viên của trường thời đó mà còn sống đến nay.

Tôi tham gia Ban Việt kiều thành phố HCM từ sau 1975 cho đến nay 2022 trừ một số năm khoảng từ 1990 đến 2000. Trí thức Việt kiều rất nhiều nhưng tham gia giảng dạy ở ĐHBK không tới 5 người, tức không tới 5% lực lượng giảng dạy của trường. Rất nhiều cựu giáo sư và cựu sinh viên trước 1975 của trường đã thành công trong công tác giảng dạy và nghiên cứu ở nước ngoài nhưng hầu như không có ai được đón tiếp ở trường ĐHBK cả, ngay cà TS Nguyễn Thanh Toàn ở cương vị Hiệu trưởng năm 1975 cũng không được tiếp đón chính thức khi TS Toàn về Việt Nam và có vào thăm trường.

Bi đát nhất là trường hợp GS Nguyễn Duy Xuân, cựu Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, đi học tập cải tạo ở trại Ba Sao tình Hà Nam 11 năm rồi chết vì bệnh năm 1986 trong trại. Chẳng biết có ai trong Bộ Giáo dục và Đào tạo chia buồn sâu sắc với gia đình GS Nguyễn Duy Xuân trên tinh thần hòa giải dân tộc không?

Ở một trường đại học, một tỉnh hay trên bình diện quốc gia, quá trình hòa hợp hòa giải phải được những người lãnh đạo có tài có tâm chủ động khởi xướng bằng lời nói bằng hành động có thực chất chứ không phải chỉ là lời nói “ngoại giao” kêu gọi đoàn kết chung chung.

Tôi là nguyên Phó Hiệu trưởng năm 1975 của trường tiền thân của ĐHBK rồi sau 2 năm từ 1975 – 1977 làm Phó Trưởng Khoa Cơ khí rồi trở về làm giảng viên, mãi đến 1989 trong lần bầu cử Hiệu trưởng tôi có số phiếu 188, anh Trương Minh Vệ có 190 phiếu, anh Bùi Song Cầu 191 phiếu, anh Huỳnh Văn Hoàng có 112 phiếu và vào vòng 2 thì anh Vệ đắc cử Hiệu trưởng. Tôi bị chuyển từ Khoa cơ khí qua Khoa Thủy lợi chỉ để dạy môn Cơ lưu chất thôi. Rồi do bầu cử ở Bộ môn mà tôi được làm Chủ nhiệm BM Cơ Lưu chất, chức vụ cao nhất của tôi sau 1977.

Tôi nghĩ rằng quá trình dân chủ mới giúp đưa những người lãnh đạo tài đức lên và giúp quá trình hòa giải hòa hợp tiến nhanh hơn để đất nước phát triển nhanh hơn.

7. Đào tạo ngành kỹ thuật hàng không

Sau khi hoàn tất chương trình Thạc sĩ Hành chánh công MPA ở Harvard rồi trở về nước, tôi làm việc bán thời gian cho Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam năm 1995 với mức lương 1.500 USD/tháng. So với đồng lương giảng viên mà tôi vẫn nhận từ trường hằng tháng, thì khoản thu nhập này khá hậu hĩnh. Đúng lúc đó thì GS Trương Minh Vệ, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TpHCM đề nghị tôi xây dựng và triển khai chương trình đào tạo Kỹ thuật Hàng không.

Tâm trạng tôi lúc đó khá phân vân. Nếu tiếp tục tham gia Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tôi có cơ hội truyền tải kiến thức về kinh tế thị trường, nghiên cứu và đóng góp ý kiến về mặt chính sách. Còn nhận lời xây dựng và phát triển Bộ môn Kỹ thuật Hàng không thì sẽ rất mệt, bởi quá nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, giáo trình, giảng viên… đều thiếu trong khi thời gian chuẩn bị khá gấp gáp. Tôi quyết định nhận lời vì tôi là người duy nhất ở Trường Đại học Bách Khoa và ở miền Nam lúc đó có trình độ hiểu biết đáng kể về kỹ thuật hàng không, và đây là cơ hội để tôi đóng góp về chuyên môn khoa học kỹ thuật. Cuối năm 1995 tôi hoàn tất đề án mở ngành đào tạo kỹ thuật hàng không rồi Bộ môn Kỹ thuật Hàng không được thành lập ngày 18/4/1996, trực thuộc Ban Giám hiệu. Tôi được tạm cử làm Chủ nhiệm Bộ môn và cũng là thành viên duy nhất, mãi đến hơn 2 năm rưởi sau mới được bổ sung TS Lê Thị Minh Nghĩa chuyên ngành Cơ Lưu chất làm Phó Chủ nhiệm Bộ môn. Trong vòng bốn tháng đầu, tôi vừa biên soạn chương trình chi tiết các môn học, vừa kêu gọi những anh em Việt kiều ở nước ngoài hỗ trợ tài liệu. Tháng 8 năm 1996 nội dung chương trình đào tạo được phê duyệt, thì tháng 9 chúng tôi tuyển sinh khóa I. Đối tượng là sinh viên vừa học xong năm thứ hai ở các khoa trong trường, có điểm trung bình từ 7 trở lên. Chỉ tiêu là 30 sinh viên nhưng chỉ tuyển được hơn 20 người. Trong quá trình học, một số xin rút, nên còn 17 người tốt nghiệp năm 1999. Tôi dạy hầu hết các môn chuyên môn về kỹ thuật hàng không từ 1996 đến 2003 mới có TS Nguyễn Anh Thi là người tốt nghiệp khóa 1 kỹ thuật hàng không và đi du học ở Pháp trở về Bộ môn tham gia giảng dạy.

8. Cách chức Chủ nhiệm Bộ môn 3 tháng trước khi hết nhiệm kỳ

Lúc thành lập Bộ môn Kỹ thật Hàng không, nhà trường hy vọng xin được nguồn viện trợ từ Chính phủ Pháp, khoảng 700 ngàn USD để trang bị phòng thí nghiệm. Nhà trường có cấp cho Bộ môn 400 triệu đồng để xây dựng phòng thí nghiệm. Tuy nhiên để tranh thủ nguồn viện trợ, chúng tôi đã dành phần lớn số tiền đó để mua một thiết bị đo vận tốc gió bằng laser cho đồng bộ với hệ thống thiết bị trong dự án xin viện trợ. Nhưng vì nhiều lý do mà dự án xin viện trợ 700 ngàn USD bất thành, nên chúng tôi kẹt một khoản tiền khá lớn vào thiết bị đã mua, và thiếu các thiết bị đồng bộ. Tôi thiết kế và nhờ xưởng Cơ khí của trường chế tạo hai hầm gió nhỏ để làm thí nghiệm về khí động lực học. Ngoài ra, chúng tôi làm thí nghiệm ảo, bằng cách cho sinh viên xem những thí nghiệm nước ngoài được ghi lại trên băng video do một số anh em Việt kiều gửi về. Mặc dù học tập trong điều kiện thiếu thốn như vậy nhưng những sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật hàng không của chúng tôi khi được học bổng đi du học nước ngoài đều hòa nhập khá tốt và phần lớn ở trong nhóm giỏi. Như vậy chất lượng đào tạo ngành kỹ thuật hàng không của chúng tôi rất tốt. Trong 11 năm làm Chủ nhiệm BM, qua quan hệ và uy tín của mình tôi đã viết thư giới thiệu cho hơn 100 sinh viên hàng không được học bổng học lên Thạc sĩ và Tiến sĩ ở các nước Pháp, Singapore, Hàn, Nhật, Indonesia, Úc, Mỹ.

Bộ môn KTHK trong 2 năm đầu chỉ có tôi là giảng viên duy nhất, đến năm 2007 thì có 2 PGS, 7 TS mới và 2 ThS. Các TS và ThS này đều là cưu sinh viên hàng không được học bổng du học nước ngoài trở về. Trong tổng số 284 kỹ sư hàng không tốt nghiệp ở ĐHBK tính đến năm 2007 thì 51 người có bằng TS hay đang học lên TS, 50 người có bằng ThS hay đang học lên ThS, số người học lên ThS và TS chiếm 36% của số tốt nghiệp đại học.

Tuy nhiên với những đóng góp như thế, thay vì tôi được tuyên dương khen thưởng thì lại bị cách chức Chủ nhiệm Bộ môn 3 tháng trước khi hết nhiệm kỳ mà nhà trường không nêu được lý do gì cả.

9. Có trí không do dự, có dũng không sợ hải, có đức không lo âu

Tôi hiểu Đạo Phật là Đạo của Từ bi, của Trí tuệ, của Dũng khí nên tôi lấy Bi Trí Dũng làm châm ngôn cho hành động của mình. Từ bi theo tôi là thương người, thương dân mình, thương nước mình nên thấy điều gì lợi cho đất nước thì cố mà làm, thấy gì hại cho đất nước thì cố mà cản. Phải có trí tuệ mới thấy rõ điều gì lợi, điều gì hại cho đất nước. Tôi hiểu biết về kỹ thuật hàng không khi học Tiến sĩ ở Viện Đại học Sydney, tôi cũng hiểu về chính sách công khi học Thạc sĩ ở Viện Đại học Harvard nên tôi thấy mình có trách nhiệm đóng góp ý kiến về chính sách hàng không. Có tấm lòng với đất nước và có trí tuệ để thấy điều lợi hại cho đất nước thì tôi được phát sanh dũng khí để đấu tranh không sợ hải.

Tôi nhận thấy số đông đang bị lừa dối bởi những thông tin sai lệch và lãnh đạo cũng bị che mắt bởi số đông chung quanh đang bị lừa đối đó. Cho nên tôi phải kiên trì trình bày sự thật, vạch ra những điều sai lệch của thông tin không trung thực đó của những kẻ vì lợi ích nhóm mà làm thiệt hại cho đất nước.

Chẳng hạn như Bộ Giao thông Vận tải đã trình Quốc hội khóa 13 “Báo cáo đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành” mà trong đó cho rằng để nâng được năng suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 40 – 50 triệu khách/năm thì tốn khoảng 9,15 tỷ USD và phải giải tỏa, di dời khoảng 500.000 nhân khẩu. Trong kỳ họp cuối của mình giữa năm 2015, Quốc hội khóa 13 đã vội vàng quyết định chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dựa trên kết luận “Phương án tối ưu là Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành” từ bảng Tổng hợp so sánh các phương án phát triển cảng hàng không để có thêm năng suất 25 triệu khách/năm thì sân bay Long Thành tốn 7,83 tỷ USD, sân bay Tân Sơn Nhất tốn 9,15 tỷ USD, sân bay Biên Hòa tốn 7,51 tỷ USD.

Tuy nhiên từ năm 2017 đến 2018 các phương án mở rộng để tăng năng suất sân bay Tân Sơn Nhất được nghiên cứu lại. Ngày 01 tháng 10 năm 2018 Bộ GTVT công bố quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với việc xây mới nhà ga T3 và cải tạo 2 nhà ga hiện hữu giúp nâng khả năng phục vụ của sân bay lên khoảng 50 triệu lượt khách/năm mà chi phí đầu tư là 25.000 tỷ đồng (1,08 tỷ USD).

Như vậy có thể thấy Bộ GTVT đã đánh lừa Quốc hội khóa 13 với những thông tin không trung thực, không đáng tin cậy về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Một vấn đề khác việc duy trì sân golf Tân Sơn Nhất nằm trong sân bay là điều rất kì cục.

Dự án sân golf Tân Sơn Nhất được cấp phép ngày 10/5/2007 là vi phạm Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đã được Thủ tướng chính phủ duyệt ngày 27/2/1995 và trái với mục đích sử dụng đất quốc phòng. Từ giữa năm 2013, khi chủ trương xây dựng sân bay Long Thành được lấy ý kiến rộng rãi, nhiều cử tri tại TP HCM, các chuyên gia đã phản đối dự án sân golf Tân Sơn Nhất. Sau khi Quốc hội khóa XIII có Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành ngày 25/6/2015, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục đầu tư Dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất.

Từ nhiều năm qua, ý kiến xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội phản ánh nhiều về sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất gây khó khăn trong việc mở rộng sân bay nhằm giảm ùn tắc giao thông vận tải hàng không.

Với ngành hàng không, đất đai xung quanh sân bay rất quan trọng để phát triển khu vực hậu cần. Có những sân bay, dịch vụ phi hàng không mang lại doanh thu lớn hơn dịch vụ hàng không. Vì thế, lấy sân golf để xây dựng nhà ga, sân đỗ, trung tâm thương mại, hội nghị là rất cần thiết. Nguyên thủy, đất sân golf đó dành cho sân bay nên việc sân golf trả lại toàn bộ đất cho sân bay là việc không cần bàn cãi.

Trong tháng 6 năm 2017, Thủ tường chính phủ đã có cuộc họp bàn luận về vấn đề dừng xây nhà hàng và biệt thự trong sân golf, nhưng cho đến nay thì vụ việc sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, và chưa có quyết định thu hồi lại sân golf để mở rộng sân bay.

Khi thấy tôi đưa những lý lẻ để yêu cầu thu hồi đất sân golf Tân Sơn Nhất cho sân bay, có người lo lắng cho tôi. Đại tá phi công Từ Để, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có lần nhắc tôi đề phòng: “Anh đi xe gắn máy ngoài đường cần nhìn trước ngó sau cẩn thận nhé.”

Người có trí không do dự, người có dũng không sợ hải, người có đức không lo âu. Tôi tin luật nhân quả nên không lo âu.

10. Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không hết là bất nghĩa

Từ năm 1992 tôi đã đóng góp rất nhiều ý kiến về giáo dục đại học và sự cần thiết của Luật Giáo dục đại học. Tôi tham gia rất nhiều buổi hội thảo góp ý cho Luật Giáo dục đại học 2012. Tuy nhiên Chiến lược phát triển giáo dục nước ta trong những năm qua vẫn chưa đưa ra biện pháp giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển số lượng với nâng cao chất lượng.

Cuộc khủng hoảng kép về số lượng và chất lượng của giáo dục đại học nước ta kéo dài trong hơn ba thập kỷ qua có nguyên nhân chủ yếu ở việc tổ chức quản lý giáo dục đại học với 3 nhược điểm sau:

Nhược điểm lớn nhất là sự phân tán trách nhiệm quản lý cho qua nhiều bộ và nhiều tỉnh thành chủ quản. Việc chia cắt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đại học giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ ngành khác đã làm cho việc quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất. Do đó cần bải bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Nhược điểm lớn thứ hai là sự tách rời giữa các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu khoa học. Sự tách rời này làm cho những người làm khoa học ít được tham gia giảng dạy và giảng viên đại học bị hạn chế tham gia việc nghiên cứu khoa học, sinh viên cũng ít được tiếp cận những nhà khoa học giỏi. Chính sự tách rời này làm cho trường đại học chưa thực sự là trung tâm chất lượng về đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Nhược điểm lớn thứ ba là sự phân tán của quá nhiều học viện và trường đại học chuyên ngành riêng rẽ với các chương trình đào tạo quá hẹp. Chính việc tổ chức quản lý các trường đại học chuyên ngành có mục tiêu đào tạo nặng về kiến thức cụ thể theo những chuyên ngành rất hẹp mà người sinh viên không được trang bị một nền tảng vững chắc về giáo dục tổng quát mang tính khai phóng cần thiết cho việc tự học tập suốt đời và khả năng đáp ứng cao với môi trường làm việc thay đổi không ngừng trong tương lai.

Nếu Việt Nam chỉ có những đổi mới manh mún và chậm chạp mà không có chủ trương và chính sách cải tổ một cách cơ bản hệ thống giáo dục đại học bằng biện pháp sáp nhập và tái cấu trúc các cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan nghiên cứu thành các viện đại học đa lĩnh vực được giao quyền tự trị đại học cao thì giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục kém hiệu quả, kém chất lượng và không đáp ứng nhu cầu nhân lực của phát triển, rồi biến thành trở lực cho phát triển.

Về sự phát triển của ngành hàng không, tôi thấy mình có trách nhiệm đóng góp ý kiến về chính sách hàng không bao gồm lĩnh vực công nghiệp vận chuyển hàng không và sân bay và lĩnh vực công nghiệp chế tạo máy bay, đặc biệt là công nghiệp chế tạo drone – máy bay không người lái. Nước ta cần phát triển ngành công nghiệp drone, cả trong dân sự lẫn quân sự với chiến lược “quân sự dân sự dung hợp” hay “quân sự dân sự tích hợp”

Hàng rào đầu tiên ngăn cản việc phát triển công nghiệp drone – UAV ở nước ta là sự ngăn cấm do lo lắng về an ninh quốc phòng. Thật ra những rủi ro và phiền toái mà drone gây ra có thể hóa giải dễ dàng bằng luật pháp, bằng những quy chế kiểm soát drone dân sự.

Nhà nước cần khuyến khích các công ty tư nhân nghiên cứu drone, cạnh tranh với nhau, phát triển sản phẩm mới, thị trường mới. Nhờ có cạnh tranh trong lĩnh vực drone dân sự, những sản phẩm drone mới liên tục được sáng sáng tạo. Những kỹ thuật drone này phát triển trong kinh tế dân sự trước, nhưng chắc chắc sẽ được nghiên cứu ứng dụng vào quân sự mà không phải tốn kém nhiều cho đầu tư từ đầu.

Trong đào tạo và nghiên cứu khoa học về kỹ thuật hàng không cũng thế, Nhà nước cần có chiến lược “quân sự dân sự dung hợp” để đặc cử quân nhân vào học chung lớp kỹ thuật hàng không với sinh viên hay học viên cao học trong Đại học Bách Khoa TpHCM hay Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Tôi tiếp tục kiên trì đóng góp ý kiến vì “biết mà không nói là bất nhân, nói mà không hết là bất nghĩa”.

PGS. TS Nguyễn Thiện Tống (Chuyên gia đầu ngành Hàng không Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng Không, ĐH Bách Khoa Sài Gòn, cựu học sinh Trung học Hàm Nghi, Trung học Quốc Học Huế)

P/S: Tôi viết trả lời phỏng vấn ngắn gọn hơn cho phù hợp với một bài báo và cũng thỏa thuận bỏ bớt những đọan “nhạy cảm” để đăng:

https://www.nguoiduatin.vn/e-chung-toi-tro-ve-nuoc-nhu-loi-hua-luc-ra-di-a551511.html?fbclid=IwAR0INKekA3gt5ml91R5n2QyeL5yJ1vEvvmxwCS_EJwQjQYWNwrZBQeAbbWk

PGS. TS Nguyễn Thiện Tống

***

Mời đọc thêm:

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống và những quyết định khác người

01/05/2015 | 13:19

TP – Biết thầy Tống đem tài liệu nghiên cứu ra chợ trời bán ve chai, học trò xót xa hỏi thầy có ân hận khi quyết định trở về giữa lúc đất nước loạn lạc để sống trong cảnh túng thiếu, thay vì ở nước ngoài làm việc với thu nhập mà nhiều người nằm mơ cũng không nghĩ tới.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống và đồ dùng học tập (máy bay mô hình)
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống và đồ dùng học tập (máy bay mô hình)

Đã sang bên kia sườn dốc cuộc đời, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TPHCM vẫn nói sự trở về của ông cuối năm 1974 là quyết định đúng đắn nhất trong đời.

Hết lòng vì học trò

Chúng tôi may mắn được dự một tiết dạy của PGS-TS Nguyễn Thiện Tống. Thầy về hưu gần chục năm và vẫn được nhà trường mời thỉnh giảng chuyên ngành kỹ thuật hàng không bậc đại học và cao học.

“Chỉ tội các em đến lớp mà mặt tái nhợt vì đói. Tôi khổ từ nhỏ, quen rồi. Bố mẹ từ Huế tản cư ra Quảng Trị, giáp biên giới với Lào rồi sinh ra tôi trong nghèo đói. Bữa cơm nào cũng độn khoai, sắn. Người dân ví vùng quê ấy là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, nghe ám ảnh đến bây giờ.

 Tôi phải học vỡ lòng ở đình làng, trẻ con bẻ lá quét bụi rồi ngồi dưới đất mà học”.

PGS-TS Nguyễn Thiện TốngTiết dạy bắt đầu lúc 12 giờ 30, sớm hơn 45 phút so với giờ học chính thức nhưng có khá đông sinh viên đến lớp. Thầy tranh thủ giờ nghỉ trưa, dạy ngoài giờ và không nhận thù lao để trang bị các kỹ năng thực hành cho sinh viên một cách bài bản.

Nhiều giảng viên kỳ cựu vẫn còn nhớ hồi thầy Tống tình nguyện dạy thêm môn khí động học (không phải là môn học bắt buộc). Từ đó, nhiều sinh viên đã chế tạo ra máy bay dây thun đem ra Sở thú bán cho trẻ con, giải quyết những cơn đói triền miên thời bao cấp.

Thời ấy, gia đình thầy Tống cũng khó khăn không kém. Gần chín năm ở xứ người, thầy mang về vỏn vẹn 2.000 USD và trên một tấn sách. Cả nhà trông vào đồng lương “chết đói” của thầy. Tài sản, tư trang trong nhà lần lượt ra đi. Hết áo ấm, máy ảnh, đến máy đánh chữ. Không còn gì, thầy chọn những cuốn tạp chí bắt mắt đem ra chợ trời bán cho người ta làm giấy bao sách vở.

Thầy Tống vẫn nhớ có người bảo các thầy là “tiến sỹ chăn bò”. Tận dụng khuôn viên trường, công đoàn mua một con bê nuôi lớn để cải thiện. Các thầy phân công nhau chăn bò. Nhiều người tận dụng đất trống trồng sắn (khoai mì), đào ao thả cá rô phi. Sắn trồng dưới gốc cây mọc không nổi, cá thì lứa nào cũng chết gần hết.

Ao nhà vẫn hơn…

Tình cờ biết thầy đem sách đi bán, có học trò xót xa hỏi thầy có ân hận khi quyết định trở về, trong lúc người ta tìm mọi cách để di tản, thậm chí vượt biên ra nước ngoài, thầy Tống chỉ cười.

Thầy kể: Tôi đỗ đầu tú tài ở Huế. Năm ấy toàn miền Nam có 25 người được học bổng du học. Tôi là một trong số ấy. Trước khi đi, chúng tôi phải cam kết làm việc cho chính quyền 10 năm để trả nợ. Nếu tốt nghiệp đại học hoặc lấy bằng thạc sỹ thì chỉ được thực tập một năm là về nước, học lên tiến sỹ thì được tự do. Bằng tiến sỹ ngày ấy như giấy thông hành quốc tế, được định cư ở Canada và nhiều nước châu Âu.

Cuối năm 1965, Nguyễn Thiện Tống sang Australia học ngành kỹ thuật hàng không tại trường đại học Sydney và xuất sắc đỗ thủ khoa với thứ hạng fist class honours. Với kết quả đó, thầy được trường đại học Sydney cấp học bổng toàn phần học thẳng lên tiến sỹ mà không cần qua chương trình đào tạo thạc sỹ.

Thầy may mắn được làm việc và cộng tác với nhiều nhà khoa học lừng danh, trong đó có vị giáo sư chuyên nghiên cứu về khí động học của phi thuyền con thoi, được nhiều giải thưởng danh giá của NASA. Sau khi thầy Tống bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, vị giáo sư nói trên muốn thầy tiếp tục cộng tác và sẵn sàng giới thiệu thầy sang làm việc tại các phòng nghiên cứu, cơ quan không gian của Anh, Mỹ, thu nhập mỗi tháng hàng nghìn USD nhưng thầy đã cương quyết từ chối.

Cuối năm 1974, thầy Tống xin nhận bằng sớm rồi đưa cả gia đình về nước. Khi ấy Sài Gòn bắt đầu hỗn loạn. Quan chức ùn ùn di tản ra nước ngoài. Thầy Tống lâm vào cảnh thất nghiệp phải xin dạy không lương tại trường đại học kỹ thuật Phú Thọ.

Thầy Tống nhớ lại: Tháng 4/1975, hội đồng nhà trường họp, quyết định phát bằng non cho sinh viên. Trưởng khoa ký văn bằng rồi ra nước ngoài. Chỉ còn ba người ở lại phát bằng tốt nghiệp cho các em. Ngày 30/4/1975, chúng tôi bàn giao trường cho lực lượng tiếp quản.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống vẫn nhớ đến GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo. Khi còn là hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TPHCM, ông Quân đã yêu cầu thầy Tống soạn chương trình đào tạo, đặt nền móng cho ngành kỹ thuật hàng không.

Đội ngũ giảng viên bộ môn kỹ thuật hàng không của trường Đại học Bách khoa hiện nay đều có trình độ tiến sỹ, bảo vệ luận án ở nước ngoài. Nhiều học trò của thầy Tống đang là các chuyên gia nổi tiếng như PGS-TS Nguyễn Anh Thi, TS Nguyễn Chí Công, thạc sỹ Nguyễn Phụng Tâm – kỹ sư trưởng hãng hàng không Emirates (Mỹ), một trong những người Việt Nam đầu tiên được đào tạo sửa chữa máy bay Airbus 380,… 

 Đầy trách nhiệm

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống dạy ngoài giờ cho sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM      

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống là một trong những chuyên gia phản đối việc triển khai dự án xây dựng sân bay Long Thành. Ông nói mọi vấn đề cần phải được xem xét thấu đáo bằng tư duy khoa học biện chứng. Chừng nào những cứ liệu các Bộ, Ngành chức năng đưa ra còn mập mờ thì thầy vẫn không ủng hộ.

Thầy Tống là vậy. Ngay như chuyện hồi còn học lớp đệ tứ (lớp 9), chỉ đứng nhì lớp, thầy được chọn trao giải thưởng toàn trường, vượt qua 5 người đứng nhất, xếp trên thầy đến nay còn làm thầy trăn trở.

Hay như lúc đang học đệ nhất (lớp 12) trường Quốc học Huế năm 1963, căm ghét chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, thầy Tống tham gia bãi khóa và bị bắt giam. Hết cảnh sát đến mật vụ lần lượt sử dụng nhiều đòn tra khảo, khủng bố tinh thần nhưng vẫn không khuất phục được, cuối cùng chúng tống thầy vào nhà lao Thừa Phủ.

Thầy Tống nói nếu Ngô Đình Diệm không bị lật đổ, có thể cuộc đời thầy đã rẽ sang hướng khác. Đang chờ được xét học bổng du học, thầy Tống vẫn tham gia các hoạt động phản chiến như tuần hành, rải truyền đơn, viết báo, biểu tình vì căm ghét chính quyền Thiệu – Kỳ – Hương.

Có lần trường đại học Bách khoa TPHCM quyết định trao huy chương vàng cho sinh viên đạt kết quả học tập cao nhất các khoa. Khi ấy, bộ môn kỹ thuật hàng không đã sáp nhập khoa kỹ thuật giao thông. Các sinh viên xuất sắc nhất đang học ngành hàng không lại không được chọn để trao huy chương.

Thay vào đó, lãnh đạo khoa đề cử một sinh viên ngành giao thông có kết quả kém hơn. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không đã phản đối kịch liệt.

Tư duy logic, sai – đúng, yêu – ghét rạch ròi, không thỏa hiệp để vừa lòng ai, nên có người bảo thầy Tống không phù hợp với chốn quan trường, dù thầy có bằng thạc sỹ quản trị hành chính công của Viện Đại học Harvard.

Ba tháng trước ngày nghỉ hưu, thầy Tống bị miễn nhiệm chức vụ chủ nhiệm bộ môn. Đến nay, quyết định này vẫn còn khiến nhiều người băn khoăn.

Huy Thịnh

Nguồn: https://tienphong.vn/pgs-ts-nguyen-thien-tong-va-nhung-quyet-dinh-khac-nguoi-post777877.amp

Thơ:THÁNG BA GỌI NẮNG …

LINK video:

THÁNG BA GỌI NẮNG – HTN HUỆ TÂM – 23/4/2022

https://www.youtube.com/watch?v=TvaDnEoABEk

Tháng ba nắng vàng màu mật
Nắng nhẹ nhàng vương vấn hồn ai        
Nắng trong vắt rơi trên sợi tóc
Rung tơ trời dịu mát khúc tình ca

Có phải nắng làm em nhẹ bước
Ngập ngừng… theo áo trắng đến trường
Ngơ ngẩn đợi để nắng vàng hờn dỗi
Không dám nhìn khi tắt nắng chiều rơi!

Nắng gọi sóng xôn xao con nước
Biển sáng nay sao lại bạc đầu
Nắng len lỏi ôm cát vàng ấm áp
Em ru mình trong tiếng sóng trào dâng

Từng giọt nắng ùa về trong nỗi nhớ
Tiếc ngày xưa ai mãi rong chơi
Để hụt mất mối tình đầu một thuở
Đau xót vô cùng… gọi nắng tháng ba!

                Huyền Tôn Nữ Huệ Tâm

              23/3  Nhâm Dần (23/4/2022)

Những Ngôi Nhà Không Có Đàn Ông

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Tôi không biết có lời nguyền nào gán cho khu phố của tôi không, mà những người phụ nữ tại khu phố này đều sống đơn chiếc! Nếu không thì  tại sao tính từ đầu ngõ đến cuối dãy gần chục căn nhà liền kề nhau, trong mỗi căn nhà đều do phụ nữ làm chủ, với lý do này hoặc lý do khác mà người đàn ông của ngôi nhà ấy đã nhường vô điều kiện cho phụ nữ để ra đi…

Bình thường thì không gây được sự chú ý, nhưng mùa Xuân đang đến, những ngày cuối năm sự rộn ràng đến với mọi nơi, thì chỉ thấy toàn phụ nữ trong các ngôi nhà ấy đồng loạt chường khuôn mặt đẹp như hoa với tất bật công việc từ nặng đến nhẹ để chuẩn bị đón chào năm mới. Những người phụ nữ chân không yếu, tay không mềm kia xắn tay làm những việc mà lẽ ra là của đàn ông. Vì người đàn ông của họ đã vắng trong ngôi nhà mà họ từng hạnh phúc, còn cách nào hơn là các người đẹp phải tự gánh vác công việc một mình.

Từ đầu xóm cô Ngọc đang ngồi trên mái nhà moi rác trong chiếc máng xối bị tồn đọng đầy lá cây suốt mùa mưa, rồi cô leo xuống dễ dàng với vài động tác của loài mèo.

Chị Hiền nhà kế bên thì đứng trên chiếc ghế cao sơn phết lại các cánh cửa một màu tươi mới, chị khéo léo thao tác như đang vẻ tranh không…hình.

Cô Nga kế nữa thì một mình vần những chậu cây kiểng từ vị trí này sang vị trí khác, cánh tay cô gồng lên thì các chậu kiểng chỉ việc chịu thua theo sự sắp xếp của cô.

Chị Mai đang leo lên chiếc thang tháo những tấm rèm cửa, vừa thay rèm vừa hát “…đồn anh đóng ven rừng mai, nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa…”. Giọng hát của chị không cần giàn âm thanh hổ trợ cũng hay ra phết khiến vài người đi ngang nhà phải quay nhìn vào.

Còn tôi thì chú ý tên chị được nhắc đến hai lần trong câu hát, thảo nào mà chị cứ hát mãi câu ca bất hủ ấy. Không thể không nhắc đến cô Thảo, cô đang trộn một thau hỗn hợp cát với xi măng, rồi cẩn thận trét lại những chỗ bong vỡ trên sân, cô vừa tô hồ vừa lẩm bẩm gì đó như đọc thần chú. Chiếc bay lướt nhẹ nhàng và hoàn tất công việc thành thạo như một thợ hồ chuyên nghiệp.

Còn vài chị nữa nhưng các chị cách xa nhà tôi quá, nên tôi không tiện quan sát để kể tường tận về hoàn cảnh của họ. Chỉ bấy nhiêu đó thôi có thể đủ để kết luận rằng phụ nữ xóm tôi thật giỏi, ngoài việc nhà họ còn phải làm việc kiếm tiền để mưu sinh và họ có thể làm những việc khó cũng như dễ mà không cần có sự giúp sức của đàn ông.

Đừng hỏi “Tại sao tài sắc như vậy mà không có người nào cho họ cơ hội được nâng khăn, giữ bóp?”. Có đấy! Họ đã từng có những đức ông chồng, nhưng cuộc hôn nhân không đem họ đến bến bờ hạnh phúc, thì đành vẫy tay chào nhau.

Cô Ngọc có một ông chồng ghen tuông vượt mức báo động. Cô làm việc ở một nhà hàng, nơi tiếp những ông khách thường xuyên say xỉn, cô phải nghe những câu tán tỉnh của khách khi rượu đã vào.

Chồng cô biết vậy nên mỗi khi cô về nhà trễ là có ‘trò chơi” rượt đuổi, cô thường xuyên “vút” lên mái nhà trốn. Khi hết chịu đựng nổi cô đâm đơn ly dị, cũng là lúc cô thành thạo việc leo lên mái nhà. Giờ thì đừng hỏi tại sao máng xối nhà cô luôn sạch sẽ!

Chị Hiền đúng thật là hiền, chồng chị là đệ tử của Lưu Linh, nhưng không bao giờ chị ngăn cản sở thích của chồng. Chị còn nghiên cứu nấu các món ngon cho chồng nhậu, ổng thích nhậu lúc nào chị phục vụ lúc ấy. Chị thân cò lặn lội nuôi chồng, con. Mua quà cho con là kèm rượu cho chồng.

Riết…lá gan của ổng thọ nạn, ổng gút bai cuộc đời. Chị đau khổ dày vò, chị cứ mua sơn ra mộ ổng sơn, không để một vết trầy, khi ổng sống chị tốn thời gian chăm lo cho ổng thế nào, bây giờ chị cũng “chăm sóc” mộ y như thế.

Từ đó nhà cửa của chị cũng được hưởng tài “sơn” của chị. Chị cứ ước nếu chồng chị còn sống, chị sẽ cho ổng nhậu gấp đôi, gấp ba, miễn là ổng sống trọn đời với chị. Chị không bao giờ nghĩ ra được người vợ ngoan không có nghĩa là phải chìu cả những thói hư tật xấu của chồng, vì như thế là hại chứ không phải là chu toàn bổn phận.

Chị không biết chính rượu đã đưa đường, dẫn lối ổng ra nghĩa địa! Để lại đôi mắt của chị đẹp và buồn đến nao lòng, chị nói đời chị chỉ tôn thờ một người, tình đầu là tình cuối!

Cô Nga có khuôn mặt đẹp từng nét, dáng cô cao hơn thước bảy! Ba má cô có ý muốn cô trở thành hoa hậu nên “đầu tư” rất kỹ. Sữa để cao giò, sữa làm trắng da, sữa thông minh cô đều được uống, kết quả là cô phát triển cả chiều ngang nên vỡ mộng đi thi người đẹp. Bù lại cô có một sức vóc thuộc loại vận động viên thể hình.

Cô đã quen tai với lời khen, cô không thích nghe phê bình điểm yếu của mình. Cô lấy chồng và cho rằng người đàn ông may mắn mới lấy được cô. Còn chồng cô lại nói “Sắc đẹp không bỏ vô nồi nấu ăn được!”, anh ta cần một người vợ biết tôn trọng chồng.

Cứ thế họ không ít lần cãi vã, có lần hai bên xáp lá cà với các chiêu cào, cấu, cắn và chồng cô…thua trận với thân thể đầy thương tích! Anh ta cuốn gói đi theo một phụ nữ khác có chiều ngang vừa đủ một vòng tay ôm, vừa hiền hậu nhu mì.

Tiếng dữ đồn xa, cô Nga không thể bước vào trái tim người đàn ông nào nữa, bất mãn quá nên cô tỏ ra bất cần “Đàn ông là cái mắm gì? (Cô không biết đàn ông là…mắm nhĩ! Các món ăn không thể ngon khi thiếu…mắm!). Còn các ông nghe thì càng tránh xa vì thấy cô dữ quá! Cô đành ngậm ngùi sống kiếp độc thân. Giờ chỉ có mấy chậu kiểng lãnh đủ sự lực lưỡng của cô!

Chị Mai rất là đáng thương! Chị là thợ may, bàn tay cầm kéo của chị tạo nên vô số chiếc áo đẹp, tiền cứ theo đó mà vào tủ của chị. Tiền ai chẳng thích, nhưng chị quên hết mọi việc ngoài may và may nên không có thời gian chăm sóc gia đình.

Chồng phê bình không ăn thua. Nhất là mùa cận tết thì chị không còn thời gian để dành cho chồng chị dù một cái nắm tay. Anh buồn nên hát karaoke. Hát một mình chán anh bèn đến quán Karaoke đèn sáng, từ quán đèn sáng anh chuyển sang quán Karaoke đèn mờ!

Thế rồi một ngày giật mình nhìn lại, chị mới hay rằng anh đã đi theo một cô biết hát đồng ca với anh. Chị hát hay, nhưng ngày ấy không chịu dành thời gian để hát với anh. Chị hiểu ra rằng người phụ nữ hoàn hão là người phụ nữ phải biết biến căn nhà thành mái ấm, biết chia thời gian của mình cho các công việc sao cho hợp lý, khi hiểu được như thế thì người đàn ông của đời chị đã vắng trong căn nhà có rèm cửa đẹp như cung tiên!

Chị đã mất anh rồi, giờ đến lượt chị khi buồn chỉ còn biết hát một mình “…nếu mai không nở, em đâu biết xuân về hay chưa…”

Còn cô Thảo? Cô rạch ròi công việc hẳn hoi, việc của phụ nữ thì phụ nữ làm, việc của đàn ông thì đàn ông làm. Cô phân công từng việc, ví dụ “Kiếm tiền là đàn ông, giữ tiền là đàn bà!”, “Mua sắm là đàn bà, chi tiền là đàn ông!”, “Sinh con là đàn bà, nuôi con là đàn ông!”, “Việc khó là đàn ông, việc dễ là đàn bà!”, “Hờn giận là đàn bà, xin lỗi là đàn ông!”…, thậm chí cô còn thảo ra bản hợp đồng có chữ ký của cả hai. Cứ thế cô không bao giờ làm thay cho chồng những việc mà cô đã giao hẹn từ ngày anh mới ngỏ lời cầu hôn.

Ngày chưa cưới, cô nói gì anh cũng “yes”, cưới xong thì lời hứa gió bay, anh thường “no”, có khi còn nhấn mạnh “no…no”. Hỏi sao cô cam tâm cho được. Cho đến một ngày chồng cô ủ rũ nói: “Em yêu! Chúng mình phải làm một cuộc trắc nghiệm, phải xa nhau một thời gian đã ngâm cứu lại bản hợp đồng sống chung của chúng ta.

Anh nghĩ thần kinh của anh có gì đó không ổn khi ký kết. Em cứ ở đây, còn anh sẽ ra ngoài sống. Sự cách biệt sẽ giúp chúng ta nhận ra mình cần nhau đến thế nào hoặc có cần nhau nữa không…”. Cô nghẹn ngào không nói nên lời. Đã lỡ cam kết “…xin lỗi là đàn ông!” nên cô không thể làm thay anh điều đó.

Sau này nghiền ngẫm lại bản thân, cô nhận biết mình đã quá đáng vì được yêu chìu. Những ngày vắng anh là những ngày cô ăn năn sám hối. Cô nhật tụng “I love you! My dear…I miss you…”.

Cô luôn mong một ngày nào đó anh sẽ quay về. Cô giấu nhan sắc chim sa, cá lặn của mình vào nỗi u hoài, không màng đến lời ong bướm bên ngoài. Cô hy vọng ngày anh trở lại sẽ thấy ở cô một đức tính biết sống vì người khác, không giành phần hơn cho mình. Cô sẽ là người vợ biết chia sẻ với chồng mọi việc, cô luôn tâm sự như thế…

Tôi tin câu nói của người xưa rằng “Hồng nhan…”. Ai bảo phụ nữ xóm tôi…tài sắc vẹn toàn thế chứ! Còn tôi hả? Tôi đang bận sửa điện nên không trả lời được! Nói ngắn thôi hả?

Thì tôi cũng ở xóm này, nên tôi không thoát khỏi thế giới cô đơn tình ơi! Tệ hơn nữa là tôi chưa bao giờ lọt vào mắt xanh của chàng nào mới là lạ! Nếu có “lọt”, không chừng tôi cũng rơi vào một hoàn cảnh nào đó để tiếp tục cuộc sống hẩm hiu!

Vì như đã nói, những ngôi nhà ở xóm tôi đã bị lời nguyền không có đàn ông!

Hồ Thụy Mỹ Hạnh

NHỮNG CHIẾC BÁNH TRONG CUỘC ĐỜI.

Lúc yêu nhau thì muốn ăn bánh Hỏi.

Lấy nhau về có bánh Phu Thê (người Bắc phát âm là Xu Xê)

Tình nghĩa vợ chồng luôn có bánh Khoái.

Đem lòng nghi kỵ thì có bánh Canh.

Chi ly từng đồng đành nhai bánh Bèo.

Ra vào đụng mặt đã có bánh Gai.

Cãi nhau hoài chán có thêm bánh Đập.

Đập cho bầm giập rồi ăn bánh Tét.

Đánh cho tơi tả đã có bánh Phồng.

Nhừ tử xong rồi nếm bánh Da lợn.

Gọi Công an đến có ngay bánh Còng.

Sức khỏe kém rồi đành ăn bánh Ít.

Đi đứng loạng choạng chỉ còn bánh Bò .

Cuối một quãng đời thì là bánh Tiêu.

Sưu tầm

Đoàn Phùng Thuý Liên (PV-HTK) chuyển

NĂM MƯƠI NĂM

Tặng chị Ngô Hương Thủy và các anh chị Ban Việt Hán, ĐH Sư Phạm Huế, Khoá 1972-1976

***

Năm mươi năm về lại trường xưa
Tường vách cũ đã thay màu vôi mới
Khung trời cũ đong đầy mong nhớ
Biến mất rồi. Cảnh mới dẫu người xưa

Năm mươi năm mừng rỡ gặp lại nhau
Màu sương khói ám trên từng mái tóc
Sóng thời gian làm chùng da mặt
Miệng cười vui mà khóe mắt lệ rơi

Năm mươi năm biển đổi sao dời
Bao người đã dừng chân không nguyện ý
Đồi thông cũ lối mòn trơ mộ chí
Hỏi thời gian sao mãi mãi ra đi

Năm mươi năm về lại gặp nhau
Cười nói đó sao lòng chùng chi lạ
Chao ôi nhớ thuở đầu đời ngơ ngác
Mắt nhìn nhau lòng ngại lại quay đi

Năm mươi năm bao mai ngó đêm sầu
Cuộc đời nhặt mấy lần hoa rơi rụng
Bao lần đếm sao khuya mờ đêm lạnh
Biết cùng ai lòng trăm mối tơ vò

Năm mươi năm về lại gặp nhau
Đời sóng vỗ ai còn đang ngụp lặn
Dòng Hương vẫn miên man bờ nhung nhớ
Biết ai người trôi dạt dội hồn vang

Năm mươi năm hoa cúc vẫn thu vàng
Màn sương mỏng đã tan mờ ảo ảnh
Bạn bè ngó chao ôi là thương nhớ
Những người đi đã mãi mãi không về

Năm mươi năm ta lại trở về
Hình bóng cũ mờ đi trong sương khói
Con sóng cũ vỗ chân cầu trơ trọi
Biết bao người trôi dạt tận nơi đâu

Năm mươi năm tan nát bể dâu
Sen trở lại hoàng thành xưa ngày ấy
Trời xanh thắm mây tím vàng chân núi
Hoàng hôn về thấm đẫm dãy núi xưa

Năm mươi năm người lại là người
Tắt hết tiếng súng gươm dồn giục giã
Màu ảo ảnh đỏ xanh vàng rộn rã
Mang theo đi bao mạng sống oan khiên

Năm mươi năm ngẩnh mặt nhìn trời
Ta về lại đất thần kinh xưa cũ
Cám ơn bạn cùng về vui gặp gỡ
Góp nụ cười thổi bạt những vấn vương.

Thanh Thuy Nguyen, 24/4/2022

Từ FB. Thuy Ngo

Ai sợ ai?

Hôm qua, Nga vô cùng tự tin trước việc tập đoàn Gazprom đóng van, ngắt hoàn toàn dòng khí đốt cung cấp cho Ba Lan và Bungari với lý do 2 nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Ngay lập tức Liên minh Châu Âu EU đã đáp trả cứng rắn:

– Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Robert Metzol đã kêu gọi áp dụng một lệnh cấm vận toàn Châu Âu đối với các nguồn năng lượng của Nga.

– Chủ tịch EU Leyen tuyên bố: “Hôm nay Putin lại một lần nữa thất bại trong nỗ lực gieo rắc sự chia rẽ giữa những người châu Âu.

Kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch của Nga ở châu Âu sẽ kết thúc. Chúng tôi quyết tâm thực hiện điều này càng sớm càng tốt.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo cung cấp và lưu trữ đủ khí cho nội khối trong trung hạn.

Chương trình REPowerEU sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của chúng tôi vào nhiên liệu hóa thạch của Nga ngay trong năm nay. Và chúng tôi sẽ trình bày kế hoạch đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch vào giữa tháng Năm.

Chúng tôi đảm bảo rằng, quyết định của Gazprom tác động ít nhất có thể đến người tiêu dùng EU.”

Sau khi bị EU cáo buộc “tống tiền” bằng khí đốt, Điện Kremlin vội vàng bác bỏ. Cố vấn Peskov trấn an: “Nga đã và vẫn đang là nhà cung cấp nguồn năng lượng ĐÁNG TIN CẬY cho người tiêu dùng, đồng thời phủ nhận cáo buộc Nga sử dụng khí đốt “như một công cụ tống tiền”.

Ba Lan và Bungari hiện đang nhận khí đốt từ các nước láng giềng EU.

Phản ứng lại động thái đóng van cắt nguồn cung cấp khí đốt của Gazprom, hôm nay Đức và Ba Lan đã thỏa thuận với nhau sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga trong vài ngày tới.

Ba Lan dọa sẽ khởi động các thủ tục pháp lí để kiện Nga ra tòa, bắt Nga phải bồi thường. Ba Lan cho rằng việc Nga đòi thanh toán khí đốt bằng đồng rúp và dừng cung cấp là vi phạm hợp đồng đã kí, không thể chấp nhận được.

Nhưng chỉ vài tiếng sau khi đóng van, Nga đã phải nối lại ngay nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan. Theo dữ liệu, dòng khí đốt thực tế chuyển qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu từ Belarus đến Ba Lan vào lúc 4 giờ 22′ GMT ngày 27/4 (tức 11giờ 22′ Việt Nam) đã đạt mức 3.449.688 kWh.

Thế là ai sợ ai nhỉ!

FB. Trần Quốc Quân

https://www.reuters.com/…/russian-gas-supplies-resume…/

Hãng tin Reuters

Những ngôi nhà không có đàn bà

 Hồ Thụy Mỹ Hạnh  04 April 2022  Hits: 2834 

Ở đây là xóm toàn đàn ông sinh sống nên cả một dãy phố bình yên, vắng lặng. Không có cảnh vài người ngồi tán gẫu chuyện trên trời dưới đất như bên xóm đàn bà ở dãy phố ngoài kia. Nguyên nhân việc không có đàn bà trong các ngôi nhà này sẽ được kể dưới đây.

                                                                                             o O o

Buổi sáng những người đàn ông đóng cửa vội vàng rồi rời nhà đến nơi làm việc, khu phố chìm vào sự yên tĩnh. Chỉ có chú Tám là ở nhà vì chú đã hết tuổi lao động. Nhà có hai cha con, nhưng con trai của chú sáng cũng đi làm chiều mới về. Chú thành người gác dan cho cả xóm khi các chủ nhà đi vắng. Rảnh rỗi chú cứ tản bộ từ đầu xuống cuối dãy dòm dòm, ngó ngó thấy nhà nào có sự gì là chú ra tay liền. Có nhà cổng bị bật ra thì chú đến cài chốt lại, có nhà đèn còn sáng thì chú tiện tay kéo cái cầu dao điện gắn ở vách ngoài xuống. Hiền lành và tốt bụng như thế nhưng chú bị vợ bỏ vì chú quá thật thà, ai nói gì cũng tin, vì vậy người quen lợi dụng chú, thay vì lãnh lương về nộp hết cho vợ thì chú có thể trích bớt cho bạn mượn mà không nghĩ người đó có nhớ để trả lại không. “Tiền là thước đo lòng người…” vợ chú không tốt và cả tin như chú nên bả chia tay chú để đi lập cuộc đời mới, may mà bả không cần dắt con theo, nên thằng cu Tí đẹp trai được chú nuôi nấng từ đó và giờ đã là một chàng trai hoàn hảo, giống tính hiền lương như chú. Chú Tám thề ở vậy nuôi con, không dính tới đàn bà nữa vì chú đã nếm đủ rắc rối từ bà vợ nên..ngán!.

Kế nhà chú Tám là nhà lão Quang, lão này rất keo kiệt! Vợ lão đã goodbye từ lâu vì cái tính thương tiền của lão. Ðối với lão, hôn nhân cũng giống kinh doanh nên phải tính cho kỹ, nếu không là lỗ vốn như chơi. Nhà có hai vợ chồng nhưng lão luôn đề phòng cẩn mật. Tiền lão gởi ngân hàng không dám cất ở nhà, cuốn sổ tiết kiệm cũng cất kỹ trong két sắt mà mật mã là một bí mật chỉ lão biết. Chi phí trong gia đình lão so đo với vợ từng chút. Chị vợ hận nên trước khi ly hôn ra đi, chị hết nhịn, kiếm chuyện đánh nhau với lão một trận cho bỏ những ngày cắn răng chịu đựng đến nỗi hai hàm răng của chị…rơ hết trơn!. Sau khi vợ bỏ đi, lão không rước bà nào về nữa, lão luôn nghi ngờ không tin ai nên chỉ bồ bịch qua đường. Nhưng không cô nào được nhận gì từ lão dù chỉ là một đóa hồng. Lão cho rằng các cô chỉ thích thông qua lão để đi tới két tiền của lão chứ yêu đương cái nỗi gì. Khi biết tính lão như thế, cô nào cũng chạy mất dép! Ðó là lý do lão cô đơn bền vững. Ai nghe chuyện của lão cũng nói “Mơi mốt để lão ôm tiền mà sưởi ấm đêm Ðông!”. Họ còn xầm xì “Ðàn ông như vậy đừng hòng có đời vợ thứ hai!”

Kế nhà lão Quang là nhà anh Thư, một người ít nói. Nhưng vợ của anh thì nói nhiều, còn có giọng nói lớn hơn bình thường. Lỡ có chuyện gì không ưng ý, thì chị vợ “phát thanh” cho cả xóm nghe. Anh Thư xấu hổ vì điều đó nhưng không muốn thi thố tài xem ai nói lớn hơn để áp đảo đối phương dù tinh thần anh bị vợ khủng bố dài dài. Anh luôn tự an ủi: “Người sợ vợ là người yêu hòa bình”, cứ cho là anh sợ vợ cũng được. Vợ mình, mình sợ chứ có sợ vợ ông hàng xóm đâu. Nghĩ vậy nên anh lúc nào cũng ngọt ngào, dùng hết những câu yêu thương để vuốt ve cơn tam bành của vợ. Nhưng cái gì xài nhiều cũng phải cạn, lời yêu thương cũng vậy. Ðến lúc anh mệt mỏi nên cảm thấy con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo, vậy là anh ra đi bỏ lại khối tình biết ngỏ cùng ai cho vợ. Duyên tiền định thế nào anh lại đến “định cư” ở cái xóm toàn đàn ông, không thấy một bóng đàn bà! Nhiều người nhận xét rằng cô nào khôn nên kết duyên với anh sẽ hạnh phúc, vì một người có tính chịu đựng và hiểu biết như anh sẽ không làm ai tổn thương.

nhung ngoi nha khong co dan ba

Bảo Huân

Kế nhà anh Thư là nhà Quận, anh chưa có vợ lần nào vì yêu mãi ngàn năm mối tình rất sâu đậm nhưng không được kết hợp, do lần đầu ra mắt nhà gái đã bị chê vì làm mếch lòng má vợ tương lai! Ngày ấy, vừa được giới thiệu, anh liền chào hỏi vui vẻ: “Dạ…nếu không được giới thiệu con cứ tưởng cô là bà ngoại của em Thy đó ạ…”

Vẻ mặt của má vợ tương lai sậm lại, nhưng chưa đến nỗi bất lịch sự tiễn khách ngay. Quận biết mình lỡ lời nên trong lòng cũng áy náy nên tìm cách “gỡ”. Sau một hồi chuyện trò, Quận cũng nghĩ ra câu để khen: “Con thấy cô già hơn vài tuổi thôi, nhưng nghe cô nói chuyện thì lại duyên dáng tưởng trẻ hơn vài chục tuổi. Cô nói chuyện nhí nhảnh như thế không biết cô già đâu ạ…”

Một đứa thật thà bằng ba đứa dại! Có những người nếu im lặng lại tốt hơn là nói. Má của Thy nói riêng với con gái: “Nếu con lấy nó, khi có con nhan sắc thường tàn phai không chừng nó lại nói nhìn con giống bà ngoại của má cho mà xem”. Thy vẫn yêu Quận. Nhưng tình yêu đó bị trở lực vì sự chân chất của Quận. Họ đành đợi chờ ngày tái sử dụng những thứ có thể. Còn bây giờ Quận nằm trong “sào huyệt” với một trái tim chưa kịp vá lại mà đau! Nhưng gặp là duyên, lấy nhau là nợ. Nên Quận cứ trông mong mình là con nợ càng sớm càng tốt, Thy ơi!…bà chủ nợ ơi!. Ai cũng mong thuyền xưa cập bến để Quận thôi lẻ loi, lẽ nào bến nước thứ mười ba không dành cho Quận, anh thật thà thôi chứ có tội gì đâu!

Kế nhà Quận là nhà Vũ. Anh có vợ là một người hơi đẹp nhưng điệu đà. Ngày nào đi làm về Vũ cũng nghe vợ khoe: “Hôm nay em đi chợ, có một anh chàng cứ chạy xe theo sát sau em. Anh chàng ngắm em đến nỗi cán cục đá té nhào”. Hôm nữa: “Trời ơi! Sao em lại đẹp quá như vầy không biết. Em vào quán uống nước mà có một anh đến xin số điện thoại, nói rằng vì thấy em đẹp nên muốn liên lạc…”

Mỗi ngày mức ảo tưởng mỗi tăng: “Em gặp lại anh bạn cũ, anh ấy tỏ tình với em!”

Ðôi khi Vũ cũng bực mình hỏi lại:

– Em cho anh ta biết là em có chồng rồi chứ?

– Có! Nhưng ảnh vẫn nói rằng “Có chồng thì mặc có chồng! Yêu cứ yêu…”

– Như vậy là họ khinh em đó!

– Hả? Theo đuổi em sao lại vì khinh em?

– Vì một người đàn bà đoan chính đã có chồng thì không bao giờ còn yêu người khác! Trừ loại lăng loàn trắc nết. Anh ta tỏ tình vì nghĩ em là loại đàn bà dám phản bội chồng để đáp lại, đàn bà như thế không đáng khinh thì còn là gì nữa???.

Thế là “chiến sự” xảy ra, chị vợ tuyên bố bỏ Vũ sẽ dư sức lấy một người hơn Vũ. Ðôi khi lý do chia tay đơn giản vậy thôi nhưng người ta không biết kiềm chế nên mới xảy ra cớ sự. Nghe đâu chị vợ không tìm được người hơn Vũ, mà tệ hơn anh cũng không có, nên chị rất muốn quay lại với anh nhưng nhà xưa đã bít cửa. Chị đang ăn năn, tu sửa bản thân mình, biết rằng nhan sắc là thứ sẽ mất theo thời gian, chỉ có tình thương yêu và sự hiểu biết mới giữ được mái ấm của mình. Nếu từ đầu chị đừng tự đề cao mình bằng ảo tưởng thì chị không mất đi người chồng mà chị yêu thương. Nếu chị đừng xem thường những cái lỗ đinh chị đóng vào con thuyền hạnh phúc mỗi ngày thì nó không đắm, để bây giờ phải hối tiếc muộn màng.

Kế nhà Vũ là nhà anh Mây. Anh là nhà báo có đời sống tự do bay bổng như cái tên của mình, mọi thứ ràng buộc đều khiến anh khó chịu. Nhưng rồi anh gặp chị! Sự dịu dàng, hiểu biết và nhất là tình yêu của chị khiến anh thay đổi “sở thích” độc thân của mình. Anh rước chị về bằng tình yêu không kém phần lãng mạn trong anh. Chị là người biết sống cho người khác, chị quan tâm, chăm sóc anh từng ly từng tí, mới đầu anh thấy hạnh phúc vì điều đó, nhưng rồi…

…Lại phải đổ tội cho thời gian! Sống với nhau lâu mọi thứ chợt trở nên nhàm chán, Mây không muốn nói những lời ngọt ngào với chị nữa, cũng không cần giữ gìn những lời phê bình, chê trách chị. Và một điều đáng nói là Mây không cho phép chị chen vào suy nghĩ của anh! Lúc này chị mới biết Mây là một người đa tình, nhưng không hề… dại gái. Ða tình và dại gái rất khác nhau, nhưng ở với nhau lâu sự đa tình đã hết. Họ không còn muốn tâm sự thâu đêm suốt sáng như thuở ban đầu. Thời gian đi qua họ chả thấy gì, chỉ thấy già. Vậy thì níu kéo làm chi! Chị chia tay Mây với một trái tim thổn thức vì còn yêu anh nhưng không thể chịu được sự trái tính của anh. Nhưng Mây không bao giờ chịu nghĩ tình yêu và tình vợ chồng luôn cần sự chia sẻ, không thể phân biệt việc của ai thì người ấy quyết định. Và chừng nào Mây còn chưa hiểu ra điều đó, thì căn nhà của anh sẽ “…nhiều Ðông lắm Hạ, nối tiếp đi qua, thiếu bóng đàn bà…”

                                                                           o O o

Xóm đàn ông được hình thành từ những nhiêu khê, rắc rối của cuộc đời cộng lại như thế. Rồi bóng râm sẽ phủ xuống cuộc đời của họ, mà có hoàng hôn nào không chứa nỗi buồn. Bên kia là xóm toàn đàn bà, bên này là xóm của các ông. Mong sao ma đưa lối, quỷ dẫn đường…ủa lộn…duyên đưa lối, tình dẫn đường cho hai cái xóm kỳ lạ kia có khúc cua để gặp nhau mà đồng ca bản “Tình Bắc duyên Nam”! (Muốn được như thế chỉ có tác giả kể chuyện này mới làm được điều “kỳ diệu” đó!?).

                                                                                                                                                                              HTMH

Nguồn: https://saigonecho.com/lich-su-vn/thoi-can-dai/76-van-hoc/truyen-ngan/45748-nh-ng-ngoi-nha-khong-co-dan-ba

Phiếm: Những giai thoại

CU TIN
*SONG THAO

Napoleon Bonaparte mà các cụ ta xưa phiên âm thành Nã Phá Luân, chắc ai đã cắp sách tới trường đều biết. Ông này văn võ toàn tài, rất thích chinh chiến và đã tạo được nhiều chiến công hiển hách, trở thành hoàng đế của Pháp. Ông đã mất được 201 năm, vào năm 1821, tại đảo Ste. Helène, nơi ông bị lưu đầy từ tháng 10 năm 1815. Trước đó ông đã bị lưu đầy tại đảo Elba của Ý nhưng đã vượt ngục, tập họp quân đội và cố gắng chinh phục Âu Châu một lần nữa. Ông làm mưa làm gió ở Âu châu trước khi bị quân Anh và Phổ đánh cho xất bất xang bang dẫn tới thất bại thảm thương trong trận Waterloo vào năm 1812.

Napoleon.


Sống đã tạo sóng gió tại châu Âu, chết cũng nhiều chuyện mà lịch sử phải ghi lại. Ông mất vì bệnh ung thư dạ dày, giống như cha ông. Có giả thuyết nói ông bị đầu độc từ từ bằng thạch tín. Điều này để các sử gia lo, chúng ta nói chuyện khác. Khi ông trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, 17 người có mặt trong đó có 7 bác sĩ người Anh, 2 hầu cận của ông, linh mục Vignali, người đầy tớ Ali và bác sĩ riêng của ông tên Francesco Antommarchi. Bác sĩ Antommarchi đã giải phẫu tử thi, cắt bỏ gan ruột, thả vào bình rượu ethylic để nghiên cứu sau. Thừa lúc đám đông hỗn loạn không chú ý, bác sĩ Antommarchi tiện tay cắt phăng dương vật của tử thi và giấu đi.

Dương vật được ông bác sĩ giao cho linh mục Ange Vignali cất giữ. Vị linh mục đã mang về đảo Corse, quê hương của Napoleon. Khi linh mục Vignali qua đời, của quý của người tạo giông bão tại Âu châu đã được trả lại cho gia đình Napoleon. Họ cất giữ tới năm 1916, gần một trăm năm sau ngày Napoleon mất. Dương vật sau đó vào tay ông Charles-Marie Gianettini, cháu của linh mục Vignali.

Hộp đựng thứ được cho là dương vật của Hoàng đế Pháp Napoleon.


Ông này chắc có máu lý tài nên bán liền vào năm 1916 cho công ty bán sách và sưu tập Anh Maggs Bros. Ltd. có trụ sở tại London. Năm 1924, hộp đựng của quý được mô tả như “một đoạn gân được lấy từ cơ thể của Napoleon trong quá trình khám nghiệm tử thi”, được bán cho nhà sưu tập người Mỹ tên A.S.W. Rosenbach, ngụ tại Philadelphia với giá 400 bảng Anh. Ông tiến sĩ Rosenbach này rất tự hào khi làm chủ được “báu vật”. Đi dự tiệc hay hội họp ở đâu ông cũng khoe nhặng xị về chiến công này. Ông cho bảo tàng nghệ thuật Pháp “Museum of French Art” ở New York mượn trong một thời gian ngắn vào năm 1927 để trưng bày cho công chúng coi. Phóng viên báo Time tới coi và mô tả nó “như một chiếc dây cột giày da hoẵng bị co lại”. Một phóng viên khác lại cho nó trông giống như “một con lươn bị teo lại”. Thực ra vật thể này không được bảo quản tốt nên nhìn bề ngoài có vẻ chỉ hơi giống dương vật, xù xì như một miếng da thuộc.
Tiếp tục cuộc phiêu du, 23 năm sau, của quý của Napoleon được Tiến sĩ Rosenbach bán lại cho nhà sưu tập Donald Hyde. Sau khi Hyde qua đời, vợ ông lại bán cho nhà sưu tập John Fleming. Fleming bán tiếp cho Bruce Gimelson. Mua xong, Gimelson ký gửi nó cho nhà bán đấu giá Christie’s ở London. Người thắng trong cuộc đấu giá là bác sĩ tiết niệu John Lattimer. Cuối cùng, vào năm 1977, Lattimer quyết định chấm dứt hành trình di chuyển lung tung của cậu nhỏ này bằng cách giấu kín dưới gầm giường, không cho ai coi nữa. Nhà tiết niệu học Lattimer mất vào năm 2007, cậu nhỏ của Napoleon được bà Evan, con của Lattimer, cất giữ. Kể từ đó, không có tin tức chi thêm về bửu bối nho nhỏ của vị hoàng đế lừng danh của nước Pháp.

Thiệt chóng mặt với cuộc chu du hơn trăm năm của cậu nhỏ của ông vua danh vang khắp thế giới. Mà nhỏ thiệt. Bửu bối của Napoleon có kích thước chẳng đáng chi. Chỉ dài có 1,5 inch (3,8 phân). Thiệt đáng xấu hổ với một con người chọc trời khuấy nước. Trong cuốn Napoleon’s Private, tác giả Tony Perrottet tiết lộ: “Nó nằm trong một chiếc hộp da nhỏ, đã được sấy khô trong không khí, không dùng formaldehyde hoặc các hóa chất khác nên trông giống như miếng thịt bò khô”.

Tôi nghĩ chẳng nên mất nhiều thời giờ về thứ mà đàn ông ai cũng có, và có một cách hùng tráng hơn. Nhưng chính sự nhỏ thó bất thường của nó đã làm nên tính cách của Napoleon khiến thay đổi cả lịch sử. Vậy mới biết nó bé nhưng là thứ bé hạt tiêu cay nồng.

Không biết có phải vì kích thước khiêm nhường của cậu nhỏ không mà đời sống tình dục của Napoleon rất nản. Ông chiếm hạng bét trên giường chiếu. Thời lượng một cuộc mây mưa của ông rất chóng vánh. Đây là một bi kịch ám ảnh ông suốt cuộc đời. Bi kịch thêm…bi khi chỉ ở tuổi 42 ông đã…giã từ vũ khí. Đời sống của một quân vương lừng lẫy trên chiến trường khiến ông có rất nhiều phụ nữ say mê. Ông cũng đáp lại nhưng chỉ là những mối tình chay tịnh. Hai bà vợ của ông đều có một cuộc sống tình dục riêng với những người đàn ông khác. Sừng ông mang trên đầu chắc có số lượng không ít.

Thông thường anh đàn ông nào cũng muốn thể hiện mình như một người hùng. Hùng có nghĩa là chinh phục được phái yếu. Muốn vậy, kích thước của vũ khí là một yếu tố quan trọng. Ngay từ thời xa xưa, các nền văn hóa đều cho dương vật là sức mạnh và uy quyền của một nam nhân, làm sinh sôi nảy nở giống nòi và lòng tôn kính của người phụ nữ. Ngay từ những năm trước công nguyên, các vị vua chúa đã được tôn vinh bằng những bức tượng hay tranh chân dung với một cậu nhỏ có kích thước khổng lồ. Tại các lăng mộ chôn cất các vị vương, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những di chỉ khắc hình những dương vật vượt tầm cỡ. Các nền văn hóa La Mã và Ai Cập không hiếm những tác phẩm được khắc chạm với những dương vật khổng lồ tượng trưng cho sức mạnh. Như thần Geb, một vị thần đất được dân Ai Cập vô cùng tôn kính, khi tạ thế đã được tạc một bức tượng với dương vật vừa to vừa dài hướng thẳng lên trời trong một tư thế đầy kiêu hãnh. Dân La Mã cũng có một vị thần đất tên Priapus. Vị thần này cũng đã được tạc tượng với thân hình cuồn cuộn bắp thịt và một chiếc dương vật có kích thước khủng chĩa thẳng về phía trước.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói khúc thịt lắm chuyện của nam giới là của quý. Nó quý thật. Càng sừng sỏ càng quý. Một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh sừng sỏ này là kích thước của nó. Anh nào sở hữu thứ…vĩ đại coi như mình được tạo hóa ưu đãi. Anh nào chịu cảnh xinh xinh thường có mặc cảm. Mặc cảm tự ti thường biểu hiện thành tính hiếu thắng và hiếu chiến. Napoleon ưa chinh chiến và hiếu sát chính là vì sự thua kém của thứ được coi là hùng dũng của một nam nhi.

Nhà độc tài Hitler cũng rứa. Hitler độc tài và tàn ác như thế nào, ai cũng đã rõ. Nhưng tại sao nhân vật lịch sử khét tiếng này lại dễ sợ như vậy? Hai nhà sử học Jonathan Mayo và Emma Craigie viết trong cuốn “Hitler’s Last Day: Minute by Minute” (Ngày Cuối của Hitler: Từng Phút): “Hitler được cho là có hai dị dạng ở bộ phận sinh dục: thiếu một tinh hoàn và niệu đạo không nằm ở đầu dương vật (hypospadias)”. Hypospadias là một chứng bệnh hiếm và có nhiều mức độ. Hitler bị mức độ cao nhất, niệu đạo nằm ở cuối dương vật khiến cho bộ phận này có kích thước rất nhỏ.

Hitler.

Hội chứng này khiến Hitler phải đi tiểu thông qua một một lỗ nhỏ trên dương vật chứ không phải bằng đầu dương vật như các nam nhân bình thường khác. Hai khiếm khuyết nơi cậu nhỏ của nhà độc tài lớn này được cho là nguyên nhân của tính khí kỳ quái của Hitler. Ông thường xuyên nổi giận và rất sợ bị người khác coi thường. Bác sĩ Theodor Morell, bác sĩ riêng của Hitler, đã phải cho ông uống nhiều loại hormone và thuốc kích thích để cải thiện ham muốn tình dục của nhà độc tài này.

Nhà sử học người Anh Ian Kershaw viết trong một cuốn tiểu sử Hitler là nhà lãnh đạo Đức Quốc Xã gốc Áo này đã tự kiêng cữ các hoạt động tình dục vì sợ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Trong khi đó nhà viết tiểu sử người Đức Hike Gortemaker lại cho rằng nhà độc tài phát xít này có một đời sống tình dục viên mãn và một cuộc sống hạnh phúc với nhiều tình nhân. Ngay cả người tình Eva Braun, người đã cùng tự sát với Hitler vào ngày 30/4/1945, cũng đã từng chung tình với nhà độc tài.

Chuyện nhà độc tài phát xít có của quý khác thường là một thú vị cho phe  Đồng Minh trong Thế Chiến II. Họ đặt ra một bản nhạc mang tên: Hitler Has Only One Ball (Hitler chỉ có một viên bi!). Binh lính Đồng Minh rất khoái chí khi hát bài này. Thực ra đây chỉ là bài hát chế lời của bài Colonel Bogey March, tác giả của lời chế này không biết là ai. Chắc nhiều người thuộc thế hệ cùng với tôi còn nhớ cuốn phim Cầu Sông Kwai (The Bridge of River Kwai) được sản xuất vào năm 1957 với các diễn viên gạo cội Alec Guinness, William Holden, Jack Hawkins và Sessue Hayakawa. Bản nhạc của phim mà chúng ta quen gọi là bài “Cầu Sông Kwai” chính là bài Colonel Bogey March.
Bài nhạc chế Hitler Has Only One Ball có lời như sau:

Hitler has only got one ball,
Goering has two but very small,
Himmler is rather sim’lar,
But poor old Goebbels has no balls at all.

Tạm dịch: “Hitler chỉ có một bi / Goering có hai nhưng rất bé / Himmler cũng dzậy / Nhưng ông già đáng thương Goebbels lại chẳng có bi nào”. Tên các nhân vật được nhắc trong bài hát đều là các cận thần của Hitler. Theo các nhà nghiên cứu thì bản nhạc này được phổ biến vào năm 1939, khi đang có Thế Chiến II giữa Phát Xít Đức của Hitler và các nước Đồng Minh. Đây là một chiêu tuyên truyền miệt thị cái giống của các tên phát xít nhưng không chỉ trích dân Đức khi cho các nhà lãnh đạo phát xít vì khiếm khuyết tại cơ quan sinh dục nên mới nổi điên sanh ra tàn ác vô nhân tính. Đây là một kiểu tuyên truyền dìm hàng các tướng địch để nâng cao tinh thần binh lính Đồng Minh.

Trở lại với cuốn phim “Cầu Sông Kwai”. Đây là một kiệt tác của nghệ thuật thứ bảy, được coi như một tác phẩm lớn của mọi thời. Cuốn phim đã chiếm bảy giải Oscar kể cả giải Phim Hay Nhất. Bài hát này khi được lồng vào phim đã trở thành một bài hit trong giới trẻ. Ngày xưa, khi coi phim này, tôi cũng là một người trẻ. Cho tới bây giờ tôi vẫn có thể ê a rất đúng nhịp, đúng điệu bài hát. Có lẽ các bạn tôi cũng vậy. Chúng ta cứ thử hát lời bài hát trích ở trên coi. Vẫn còn rất ngon cơm. Nhưng có một chuyện hậu trường khi quay phim rất lý thú. Trong phim, bài hát được các binh sĩ Đồng Minh đồng ca khi đang bị tù trong một trại giam của quân phiệt Nhật tại Miến Điện. Nhật là một đồng minh với phát xít Đức, cùng phe Trục, trong Thế Chiến II. Cảnh trong phim là cảnh các tù binh Đồng Minh được điều động làm cây cầu bắc qua sông Kwai nối giữa Bangkok và Rangoon. Trong kịch bản đầu tiên của đạo diễn David Lean, các tù binh sẽ hát với lời của bản Hitler Has Only One Ball để diễn tả sự chống đối của tù binh. Nhưng bà vợ góa của tác giả bài chính gốc Colonel Bogey March phản đối, không muốn cho hát lời chế của bản nhạc trong cuốn phim. Cuối cùng mọi người đồng ý không hát lời trong phim. Các tù binh chỉ huýt sáo điệu nhạc, ai muốn hiểu lời nào tùy ý! Khi coi phim, tôi lại khoái cảnh huýt sáo này, nghe vừa hào hùng của nhịp quân hành vừa như cất giấu nỗi ẩn ức trong lòng các thân phận tù đầy. Sau này, khi bị nhốt trong trại tù cải tạo của cộng sản, những lúc muốn bày tỏ nỗi căm phẫn, chúng tôi cũng huýt sáo bài này. Nghe thấy một người huýt, lập tức mọi người bắt theo. Người nào cũng nước mắt lưng tròng.

Chuyện mấy anh chim nhỏ ác lớn tưởng đã chấm dứt với cái chết của Hitler vào ngày 30/4/1945, ai ngờ 77 năm sau, trong thời đại văn minh, lại đẻ ra một anh khốn lịn khác, anh Vladimir Putin. Anh này gốc KGB, tàn ác số một. Khi không, thế giới đang yên bình, anh lại ào ạt mang quân sang tấn công nước láng giềng nhỏ bé Ukraine. Máy bay, xe tăng, phi pháo đủ mọi cỡ được anh dùng hết với quyết tâm làm cỏ Ukraine, bắt quy hàng trong ba ngày. Ba ngày mơ ước đó không bao giờ tới, anh nổi điên ra tay tàn sát. Quân Nga pháo kích vào khu dân cư, bệnh viện, nhà thờ giết hại không biết bao nhiêu dân lành trong đó có nhiều trẻ em. Bù lại lính Nga chết như rạ, máy bay, xe tăng và các chiến cụ khác phơi thây trên chiến trường cũng lắm. Putin điên tiết bỏ bom, pháo kích vô tội vạ, gần như muốn san bằng đất nước có nhiều di tích văn hóa và lịch sử quý giá. Nhìn cảnh dân Ukraine dùng bao cát quây bảo vệ những tượng đài trên các quảng trường mà xót xa cho nền văn minh của nhân loại. Con người không tim Putin bị hầu như toàn thế giới nghỉ chơi, cấm vận, bị tonton Mỹ Biden gọi là tên đồ tể, tội phạm chiến tranh, và kẻ thù của nhân loại.

Vladimir Putin

Putin là một người ưa phô trương sức mạnh. Những tấm hình ông cởi trần đi bơi, đi săn hoặc phô trương võ nghệ được phổ biến rộng rãi có phải để che giấu một thứ mặc cảm nào không? Tâm lý gia Jenifer Higgins lý giải: “Thông thường một người trung niên có của quý nhỏ chỉ mua một chiếc xe xịn Ferrari hoặc khởi sự một cuộc du lịch không gian. Nhưng khi người đó có trong tay một đội quân thuộc hàng lớn nhất thế giới, vấn đề sẽ khác hơn”. Và bà khôi hài đề nghị quân NATO đột nhập vào Nga, ghép dương vật khác cho Putin. Bà viết: “Đó có lẽ là phương cách nhanh nhất để chấm dứt chiến tranh!”. Nhà văn nổi tiếng người Pháp Frederic Begbeder hô hào: “Các bạn Ukraine thân mến! Ba ngày trước đây, tôi nghĩ Zelensky (Tổng thống Ukraine) là một anh hề, nhưng nay tôi biết ông có cặp bi lớn nhất thế giới. Và Vladimir Putin không chỉ là một tên điếm đàng mà còn là một tên chết nhát và lố bịch. Ông ta có một dương vật rất, rất nhỏ, một con chim rất rất nhỏ!”.

Biếm họa Putin.

Chuyện thuộc về lịch sử luôn cần sự tìm tòi nghiên cứu thêm. Không biết chuyện chim nhỏ của các “đồ tể” có bao nhiêu phần chính xác nhưng tôi khoái hướng nghiên cứu này. Hóa ra những chuyện lớn tày trời của nhân loại lại có nguyên do từ những cái rất nhỏ.

04/2022

Nguồn: http://www.songthao.com/phiem-chu/cu%20tin.htm

Nguyễn Hoàng Quý (SĐ-HTK) chuyển