Lễ hội 100 năm Trường Đồng Khánh – Một số bài viết, thơ

Chương trình Lễ hội kỷ niệm 100 năm thành lập trường Đồng Khánh – Hai Bà Trưng

1) Ngày 02/3/2017:

+ Từ 7hh00: Các tập thể tiến hành dựng gian hàng.

+ Từ 14h00: Bắt đầu đón tiếp các thế hệ Thầy – Cô giáo và các thế hệ học sinh ở xa. Các lớp tiến hành dựng trại (Học sinh không được phép ở lại trại tối 02/2/17). Khai mạc các gian hàng.

+ Từ 15h00: Khai mạc triển lãm ảnh “Ngôi trường hồng 100 tuổi”.

+ Từ 19h00: Chung kết Hội thi “Nét đẹp học đường 2016 – 2017” tại sân khấu chính.

2) Ngày 03/3/2017:

+ Từ 07h30 – 08h15: Đón tiếp quý vị đại biểu, các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh tại khu vực tiếp đón.

+ Từ 08h15 – 08h45: Văn nghệ chào mừng (sân khấu chính).

+ Từ 08h45 – 10h00: Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường (sân khấu chính).

+ Từ 10h30: Khánh thành và thăm phòng truyền thống, chấm trang trí trại.

+ Từ 14h00:

– Tiếp tục đón tiếp các thế hệ Thầy – Cô giáo và học sinh, các hoạt động giao lưu giữa cán bộ, giáo viên qua các thời kỳ với các thế hệ cựu học sinh.

– Hoạt động của các sân khấu nhỏ:

Sân khấu 1 (14h00 – 15h00): Các tiết mục văn nghệ Anh – Việt – Nhật.

Sân khấu 2 (15h00 – 16h00): Các nhóm nhảy flasmob và dân vũ.

Sân khấu 3 (16h00 – 17h00): Các nhóm nhạc Hai Bà Trưng.

– Hoạt động của các trại sinh tại khu vực trại: Khối 10: Kéo co (14h00 – 15h00); Khối 11: Nhảy bao bố (15h00 – 16h00); Khối 12: Đổ nước vào chai (16h00 – 17h00).

– Bóng đá giao lưu giữa cán bộ – giáo viên với cựu học sinh tại sân vận động (từ 17h00).

+ Từ 19h30 – 21h30: Văn nghệ – giao lưu các thế hệ Thầy – Trò: “Hội Ngộ” (sân khấu chính).

+ Từ 21h30 – 23h00: Lửa trại.

3) Ngày 04/3/2017:

+ Từ 7h30: Tiếp tục đón các thế hệ Thầy cô giáo và cựu học sinh tại các phòng học.  Tiếp tục các hoạt động Hội.

+ Từ 8h00: Quảng diễn (tái hiện hình ảnh bến đò Thừa Phủ và nữ sinh Đồng Khánh). Lộ trình: Xuất phát từ trường, đi theo đường Lê Lợi qua cầu Dã Viên, rẽ về đường Trần Hưng Đạo. Qua cầu Tràng Tiền, theo đường Lê Lợi quay về trường.

+ 11h00: Dự bữa cơm thân mật giữa HĐGD nhà trường, cựu giáo viên và đại diện các thế hệ cựu học sinh.

+ Từ 16h00: Chương trình văn nghệ “Cô gái nữ sinh Đồng Khánh” (tại hội trường).

TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC

******************************************

Mời bạn đọc bài viết và thơ của bạn Trương Thị Hoa (Mê Hoa):

100 năm NGÔI TRƯỜNG HỒNG ĐỒNG KHÁNH đang sống dậy với bao thế hệ học trò: phương xa thì náo nức quay về chốn cũ, tại đất thần kinh thì rộn ràng, vui vẻ chào đón Thầy Cô và bạn bè từ mọi nẻo về mừng tuổi “tròn thế kỹ của NGÔI TRƯỜNG HỒNG” ….Mỗi cựu nữ sinh đều chung tay đóng góp một mảng hoạt động nào đó làm phong phú thêm cho ngày hội lớn. Ban liên lạc hội họp liên tục, lên kế hoạch, tổ chức, điều động sao cho trong ấm ngoài êm; ban văn nghệ các khoá tập dợt không kể hao tốn thời gian, tiền bạc, công sức; ban báo chí vất vả ngày đêm để cho ra đời kịp thời đứa con tinh thần sau một thế kỹ thai nghén….rồi cùng nhau dựng TRẠI LÃNG BẠC để tiếp đón những người con ĐỒNG KHÁNH có một chỗ nghỉ chân trên đường về quê Mẹ…
Đi đâu cũng nghe âm vang ĐỒNG KHÁNH 100 năm…
Chợ Đông Ba vui như ngày tết, hàng nón toàn khách nữ lưu thanh lịch với nón lá, quai tím thật chạy hàng…
Hàng vải, tiệm may thì hai màu chủ đạo tím, trắng của các cựu nữ sinh ĐK làm vui lòng người bán kẻ mua..
Ngay cả những em sau này thuộc thế hệ của trường TRƯNG TRẮC, HAI BÀ TRƯNG cũng may áo tím, đội nón lá đề chớp hình, quay phim..
Hơn 100 bác xích lô cũng chung sức để chào mừng ngày kỹ niệm ngôi trường thế kỹ của xứ Huế mộng mơ…
Mấy O bán đậu hủ, bánh bèo, cơm hến, mấy chị công nhân hưu trí đã một thời cắp sách đến trường cũng hãnh diện mình từng là nữ sinh Đồng Khánh dù chỉ một hai năm rồi vì hoàn cảnh không thể tiếp tục theo bạn bè để được mang bảng tên màu tím và gắn bó với trường lâu hơn…
U chao, vui chi lạ, một dịp bạn bè gặp nhau để nhắc lại những trò tinh nghịch của thời ” những con yêu bánh nậm ” thật dễ thương mà cô TUYẾT dạy thể dục từng gọi chúng tôi một cách thân thương…Vì vậy, dù sắp cập kề tuổi 70 tôi vẫn tràn đầy tinh thần hăng say, yêu đời và nhiệt tình như các đàn em út. Ban tổ chức gọi đâu tôi dạ đó, tham gia bất cứ việc gì trong khả năng, văn nghệ gọi cũng ừ, tiếp tân kêu cũng OK, báo Chí reo cũng gởi bài sớm nhất. Tiếc là đất thì ít mà con lại đông nên phần tôi hưởng thừa kế đã 3 mảnh nên còn một bài Thơ không còn đất dụng Võ, cũng thông cảm cho ban biên tập…
XIN CHÀO NGÀY SINH THỨ MỘT TRĂM NGÔI TRƯỜNG HỒNG.
XIN CHÀO ĐÓN TẤT CẢ THẦY CÔ VÀ BẠN BÈ VỀ VỚI HUẾ TRONG NGÀY HỘI LỚN NÀY.
Sau đây là bài Thơ của tôi về Huế, về O nữ sinh Đồng Khánh ( không đăng báo được ), thân kính gởi mọi người để có sự đồng cảm với xứ Huế thân thương và cô nữ sinh Đồng Khánh e ấp ngày nào.
                      HUẾ TÔI ….
THƯƠNG QUÁ HUẾ TÔI, sáng mùa Xuân,
Hải đường khoe sắc, sứ đơm bông,
Cô em ĐỒNG KHÁNH khua guốc gỗ,
Mộng ước ngày Xuân chất chứa lòng.

THƯƠNG QUÁ HUẾ TÔI, trưa mùa hè,
Cô nàng áo trắng xoả tóc thề,
Nón nghiêng che nắng, đi trong gió,
Kim Long, Vỹ Dạ, hường mô về ?

THƯƠNG QUÁ HUẾ TÔI, chiều mùa thu,
Nhớ sao Đồng Khánh, mái trường xưa,
Màu xanh sân cỏ pha phượng thắm,
In dấu chân em, tuổi vui đùa.

THƯƠNG QUÁ HUẾ TÔI, tối mùa Đông,
Mưa buồn tí tách, thấm ướt lòng,
Xót xa thương nhớ người viễn xứ,
Sông Hương nước lạnh, cuộn giữa dòng…
Huế, vào Hạ 2016
TRƯƠNG HOA (MÊ HOA) ĐK 68

Trong tinh thần nao nức đón SINH NHẬT THẾ KỸ CỦA NGÔI TRƯỜNG HỒNG, Trương Hoa ( Mê Hoa ) cũng xin gởi đến trang”bloghai khóa LVC-HTK một bài Thơ cũng bắt đầu bằng hai chữ “THƯƠNG QUÁ “:

THƯƠNG QUÁ NGÔI TRƯỜNG HỒNG
THƯƠNG QUÁ, ngày xưa thuở ngây thơ, 
Tóc xoả ngang vai, đợi với chờ, 
Sáng chiều hai buổi lê guốc gỗ, 
Áo trắng vờn bay, tuổi học trò. 

THƯƠNG QUÁ, ngày nao Thầy Cô ơi, 
Cao sang, quý phái, đẹp rạng ngời, 
Thương Cô, em (dệt) mộng làm cô giáo, 
Quý Thầy, em kết nghiệp trồng người. 

THƯƠNG QUÁ, uy nghiêm cạnh dòng sông, 
Soi bóng Hương Giang, mái TRƯỜNG HỒNG, 
Ghế đá, gốc cây, dòng tâm sự, 
Phượng hồng tô điểm cỏ sân trường. 

THƯƠNG QUÁ, trường tôi sắp đến ngày, 
100 năm sinh nhật mùa Xuân này, 
Khắp nơi rộn rã về chốn cũ, 
Thăm trường, viếng bạn, tạ ơn Thầy. 

THƯƠNG QUÁ, trăm năm vẫn cứ thương, 
TRƯỜNG HỒNG, ôi quá đổi thân thương, 
Thầy Cô nay kẻ còn, người mất, 
Sống mãi trong tôi- ĐỒNG KHÁNH TRƯỜNG.
Đầu Xuân ĐINH DẬU 2017
TRƯƠNG HOA (MÊ HOA) – ĐK 68

Image result for trường đồng khánh huế

***************

Mời các bạn đọc một số bài viết và thơ đầy cảm xúc của một nữ tác giả, cựu nữ sinh Đồng Khánh với cái tên làm mọi người nhớ đến cô gái bên song cửa đầu đường Gia Hội ngày nào, đăng trên Trang “Thuở ban đầu Quốc Học”:

NGÀY XƯA ẤY, TRƯỜNG CŨ ƠI 
By Luong Thuy Anh , C.N.S. Đồng Khánh

Vào học trường Đồng Khánh từ lớp 6, năm lên lớp 10, tôi học Văn với Thầy giáo N.V.C( đã qua đời), ngày đầu tiên của môn Văn, Thầy đọc cho lớp nghe mấy câu thơ:
“Đồng Khánh trường ta thật hữu tình,
Là trường đẹp nhất chốn Thần Kinh…”
Tôi đã bất cẩn quên không hỏi Thầy tác giả là ai…
Nhưng từ đó tôi bỗng nhiên mà thấy trường mình đẹp quá, và… yêu thương ngôi trường lớn và nổi tiếng này thêm chút nữa.
Thuở ấy, đi học, tôi hoặc là đi bộ hoặc đi xe búyt, nếu đi xe búyt thì nam sinh nữ sinh cứ là chung những chuyến xe, một hôm tôi nghe trong nhóm nam sinh tự nhiên mà đồng thanh: “Nguyễn Tri Phương thương Đồng Khánh, đánh Quốc học, chọc Hàm Nghi”
Hồi ấy ngoài trường Quốc học thì còn có trường Nguyễn Tri Phương cũng là một trường cấp 3 và cũng chỉ tòan học sinh nam, và cả trường Hàm Nghi cũng vậy. Tuy câu nói đùa ấy chỉ là nói cho vui và cho luôn vần, nhưng sao nghe cũng thấy ấm lòng quá, có nghĩa là nữ sinh Đồng Khánh chúng tôi vẫn luôn có những người bảo vệ tình nguyện âm thầm hộ tống đến trường rồi còn gì…
Con đường Lê Lợi dẫn chúng tôi đến trường, ngày dù mưa ngày dù nắng, dù xa dù gần, chúng tôi vẫn ngang qua con đường đó, con đường đầy ăm ắp kỉ niệm tuổi thanh xuân , cái tuổi “Ăn chưa no – lo chưa tới”, ngày sang ngày chỉ biết đến trường, học và đùa giỡn bên nhau. Con đường có những lúc nắng vàng trải thảm dưới bước chân, êm đềm là thế, và chúng tôi vẫn vô tư bước trên đó mà đi, đâu ai biết được con đường ấy sau này sẽ dẫn đi đâu về đâu…
Con đường có cả những ngày mưa tầm tã , đường đến trường, đường trở về nhà, những nữ sinh chúng tôi cứ là ướt như vừa mới chui ra từ máy giặt mà chưa qua công đoạn quây khô.
Thế nhưng, chúng tôi cứ nắng cười theo nắng, mưa đùa kiểu mưa, chẳng âu lo, chưa biết muộn phiền.
Những mái tóc thề thuở ấy cứ thế mà tung bay sau vành nón, nghiêng nghiêng một chút điệu đàng, duyên duyên một cái hất tóc cho thêm …dịu dàng. Gió sông Hương vẫn mát dịu lắm, đường quê hương vẫn hanh hanh màu nắng, nồng nồng mùi hoa phượng mùa chưa trổ hoa, thỉnh thỏang có chút gió thổi đong đưa mấy tà áo trắng hãy còn khép nép vô cùng.
Những mái tóc thề của các chị ngày xưa, những mái tóc buông dài của các bạn, các em nữ sinh Đồng Khánh năm cũ, đang ở Huế hay đang lưu lạc khắp muôn phương, có phải rằng là… cho dù giờ này có đầu tắt mặt tối, có phải vẫn đang tay bế tay bồng… cũng không thể không có lắm khi bỗng dưng mà lặng hồn đọng lại giây phút bâng khuâng, chao lòng nghe nhoi nhói vấn vương những năm tháng thơ mộng gấm hoa xa xưa ấy:
“Con đường xưa em đi
Vàng lên mái tóc thề…

truong-dk

CON ĐÒ ẤY MANG TÊN DUYÊN NỢ
By Luong Thuy Anh C .N .S. Đồng Khánh

Ai ở Huế đã trải qua một thuở là học trò của các anh chị lớn, hoặc khoảng trang lứa tôi, hẳn sẽ không quên được những chuyến đò ngang trên sông Hương.
Chuyến đò Thừa Phủ một thuở sớm đón chiều đưa những cuộc đời học sinh, có vui có buồn có hờn có giận.
Tôi ngồi trên chuyến đò ấy nhiều lần, cái cảm giác lâng lâng trên sóng nước, gió sông Hương thổi lồng lộng, ngồi trên đò, một tay giữ cho nón không rơi xuống sông để nón lại phải …lênh đênh, tay còn lại phải ôm cặp và dằn cho tà áo thôi bay bay…
Cái tuổi học trò vẫn hồn nhiên quá, ngồi bên mạn đò mà cứ đùa giỡn chọc phá nhau, lắm khi có chị lơn lớn nào đó lại phải nhắc nhở: “con gái con đứa, đi đò thì ngồi cho yên, không lại rớt đầu xuống dưới nớ chừ…”, nhưng thường thì chỉ ngồi yên có đôi phút, rồi lại đùa nhau, cho đến khi đò cập bến.
Thế là tóc Huế đã sang sông, sang sông Hương để đến trường.
Trên những chuyến đò ngang ấy, tất nhiên không thể thiếu bóng mấy anh trai Quốc học cùng chung lối về. Thế là những mối tình học trò bất chợt xuất hiện, đơn phương cũng nhiều mà “song chiều” cũng không thiếu.
Tình cờ gặp nhau trên một chuyến đò, còn hơn cả tiếng sét chiều Huế mưa giông, anh Quốc học bỗng dưng mà thấy xao xuyến bởi một đôi mắt của chị Đồng Khánh nào đó. Thế là hôm sau, anh đến bến đò rất sớm nhưng không vội lên, anh đứng xa xa, chờ bóng cô gái kia thấp thóang mới làm như rất tình cờ lại gặp nhau để chung chuyến đò, hôm sau và hôm sau nữa cũng thế, anh Quốc Học vẫn cố ý như vậy để được coi như là tình cờ.
“Quá tam ba bận”, vài hôm sau, cô Đồng Khánh bỗng như thiếu thiếu điều chi khi mà có hôm không thấy bóng anh Quốc Học đã mấy lần…tình cờ chung chuyến đò ngang. Coi như là bông hoa tình học trò đã trổ nụ đầu mùa.
Tuổi học trò vô tư như thế mà qua nhanh quá. Đồng Khánh và Quốc học, bao nhiêu lứa học sinh, lần lượt chia tay để đi vào Đại học, hay vào cuộc đời mới. Những cuộc duyên tình ngang qua sông nước cũng nhạt nhòa với thời gian.
Thế nhưng, cũng có khi đôi ba cặp lại thành duyên nợ vợ chồng, lại cùng chung trên chuyến đò sang ngang thật sự của đời mình, vui và hạnh phúc cho tận chuyến đò cuối cùng trong đời về nơi xa xôi.
Cũng có những mối tình tan rã, anh trai Quốc Học cũng đưa cô gái Đồng Khánh sang sông, nhưng mà chỉ đứng xa xa để nhìn người xưa của mình sang ngang trên con thuyền khác bến, lòng lại xót xa, bâng khuâng, đổ thừa cho duyên kiếp chẳng chịu ghép thành đôi, thì thôi ta lại hẹn hò kiếp sau.
Bao nhiêu năm qua, rồi cũng có lúc bạn cũ gặp lại, những kỉ niệm xưa bỗng ùa về, lũ lượt, dồn dập. Những câu chuyện cũ trở về rôm rả, những mối tình xưa quay trở lại trong ký ức, ai đã nên đôi nên đũa thì hạnh phúc ngập tràn, ai còn xót xa thì luyến tiếc xa xôi, trường xưa còn đó mà dáng xưa đã mờ nhòa.

Con đò ấy mang tên duyên nợ
Nối đôi bờ trên dòng sông thơ
Dõi bước nhau bến đợi bến chờ
Ơi, ngày xưa… ngày xưa…thương nhớ!

ben-do-thua-phu

Bến đò Thừa Phủ

ĐỪNG GỌI ANH LÀ THẦY 
By Luong Thuy Anh

Ngày ấy, tôi học năm cuối cùng của trường Quốc Học.

Một lần, một buổi chiều thật tình cờ, tôi bất chợt thấy cô em nhỏ xíu, áo dài trắng mới tinh, đang loay hoay nhặt một xấp sổ sách gì đó rơi lung tung trước cổng trường. Tôi vội ngồi xuống làm giúp, cô bé ngước lên nhìn tôi, nở nụ cười, như thay lời cám ơn, lộ hẳn một núm đồng tiên rất xinh một bên má. Nhìn cô hay hay lạ lạ nên tôi chú ý, chỉ có thế thôi rồi, tôi quên bẵng.
Nhưng trước khi quên tôi cũng kịp nhìn ra màu chỉ thêu trên áo của cô, là màu vàng mơ.
Nghỉ hè năm ấy, tôi thi vào Sư phạm Văn, tôi chỉ có thể thi vào khoa Văn vì các môn khác , tôi chỉ là người học…vẹt.
Ba năm học ngành làm Thầy, cuối năm thứ 3 tôi bắt đầu đi thực tập, để chuẩn bị làm thầy.

Việc chọn trường thực tập chỉ là bốc thăm, hoặc phân về theo địa bàn gần nơi ở .
Như một sự tình cờ, tôi vô tình mà trở lại tập dạy ngay ngôi trường mái đỏ tường hồng, người bạn láng giềng một thuở.
Lớp đầu tiên tôi tôi được phân vào là 11.
Đứng trên bục giảng, nói rằng không run thì là nói dối, nhưng tôi cũng cố mà trấn tĩnh , cố gắng lắm để thật chỉnh chu là một người thầy tương lai trước mấy mươi em học sinh, áo dài trắng muốt, tóc dài, tóc ngắn đen lay láy, bảng tên thêu chỉ viền hồng.
Tôi có cảm giác như đang có hàng chục đôi mắt nhìn chằm chằm vào mình.
Và chỉ sực tỉnh khi một giọng nói vang lên nhẹ nhẹ bên cạnh:

“Thưa thầy, dạ thưa thầy, đây là sổ điểm danh.”

Tôi quay qua hướng có giọng nói, đối diện là một cô học trò, bất giác tôi cảm nhận có điều gì lạ lạ, lại vừa quen quên. Rồi ngay trong phút giây ấy, tôi chợt nhớ ra chính là cô bé mấy năm trước tôi đã gặp tình cờ trước cổng trường, ngày ấy cô mang áo dài có bảng tên thêu viền chỉ vàng.

Tôi đã từng là một trong những anh trai Quốc học…rất nhẫn nại vác cuốc xẻng , đào đất trồng hàng cây tình si trước cổng trường Đồng Khánh.
Xe đạp thì có đấy thôi, nhưng không đi đâu nhé, cứ là xin ba mẹ chút tiền lẻ để lên xe đò cho kì được, hoặc là đi bộ về nhà, dù chỉ để nhìn ngang liếc dọc mấy cô Đồng Khánh, đang cố tình úp nón làm thinh.
Chúng tôi, những nam sinh Quốc Học thường bảo nhau rằng, mỗi cô Đồng Khánh là một bông hoa, tùy thuộc vào màu chỉ thêu viền trên bảng tên mà gọi hoa màu tím, hồng, xanh…
Những mẫu đối thoại của chúng tôi thường là… “mày trồng cây hoa màu chi?” Ý muốn chỉ màu thêu viền trên các bảng tên của nữ sinh Đồng Khánh, hoa tím , hoa hồng…
Chúng tôi thường đặt trọng tâm vào các màu hoa cấp 3, chứ các em mang màu hoa của cấp 2 gồm gạch, lục, vàng, đỏ, còn rất bé, chưa phải là tầm ngấm của mấy anh trai Quốc Học chúng tôi.
Để rồi, tôi đâu ngờ, một cô học trò nho nhỏ ngày ấy, ngày mà tôi chỉ nhìn thấy chứ chưa bao giờ trồng cho cô bé một cây si trước cổng trường.
Bây giờ, tình cờ gặp lại, vừa trớ trêu, vừa ngộ nghĩnh, ai mà ngờ cô trổ mã xinh ơi là xinh, duyên dáng, mặn mà đúng độ của tuổi trăng rằm. Từ đóa hoa vàng rất bé, chừ “Em như một nụ hồng”.
Chuông reng hết tiết, cũng là vừa kịp cho tôi kết thúc bài giảng, nói theo cách hiện nay, là tôi không bị cháy giáo án.
Nói vài lời cám ơn, và chào tạm biệt các em học sinh.
Trước lúc ra khỏi phòng học, tôi không quên liếc xéo về phía cô bé ấy, như gởi thầm một lời dặn dò rằng là:
“Xin đừng gọi anh là Thầy”
Sau khoảng thời gian thực tập ngắn ngủi, tôi trở về trường miệt mài học tiếp năm thứ tư, chăm lo chuẩn bị luận văn tốt nghiệp, thi thoảng hình ảnh có bé phảng phất ẩn hiện trong tôi, nhưng sự bận rộn làm cho tâm trí tôi cũng xao lãng.

Rồi tốt nghiệp ra trường, tôi nhận nhiệm sở xa nhà, khá xa.
Rồi xã hội gập ghềnh buổi giao mùa, tôi lao vào cuộc sống tất bật mưu sinh, hầu như lãng quên hoàn toàn những bông hoa nhiều màu ngày ấy.
Thi thoảng, đâu đây trong những lúc rảnh rỗi, tôi bất chợt thả hồn đi hoang, trở về một thời vàng son của đời người, và cũng vờ như vô tình, lắm lúc tôi đã nghĩ nhiều về cô bé mang bảng tên viền vàng như một đóa hóa vàng nhỏ bé ấy.
Mãi mãi từ ấy, đến bây giờ tôi chưa một lần gặp lại.

Nhưng cũng có thể lắm chứ, biết đâu trên lối đời khúc khuỷu quanh co này, tôi và em cũng đã mấy lần ngang qua nhau, cũng vô tình như một mối duyên mà chẳng hề có nợ.
Để rồi đôi khi lòng chợt lơi lỏng, lại trăn trăn trở trở:

“Hoa vàng năm cũ giữ hương về sau…
Hoa vàng năm cũ biết phai về đâu”

Lời bình: Không biết có anh Việt Hán nào của hai Khóa LVC-HTK  đúng tâm trạng này không ? Có người bình: nhân vật nữ có lẽ là tác giả chăng?

CHUNG BÓNG NẮNG CHIỀU
By Luong Thuy Anh C . N . S . Đồng Khánh

Giữ dùm tôi, em nhé, một thời
Chưa hẹn hò vẫn bước chung đôi
Nắng thanh xuân rợp đường Lê Lợi
Bóng ngã bên nhau, dấu nụ cười.

Giữ dùm tôi, con đường tơ hồng
Mây giữa trời giăng ngang nối bóng
Hai ngôi trường níu cây liền cành
Trên con đường chung một giòng sông.

Giữ dùm tôi, chốn xưa lối cũ
Có chuyến xe sớm đón trưa đưa
Có con đò bến đợi bến chờ
Có con đường phượng rũ chiều mưa.

Giữ dùm tôi, một thời niên thiếu
Có anh trai Quốc học tập… yêu
Vu vơ ngắm sân trường Đồng Khánh
Đôi mái trường chung bóng nắng chiều.

Giữ dùm tôi, hàng cây tình si
Trước cổng trường dõi bước em đi
Dẫu thời gian bạc màu kỉ niệm
Vẫn xin em, giữ mãi những gì…

******************

KỂ CHUYỆN TRƯỜNG CON GÁI 
By Đậu Khuôn ( Tôn Nữ Quỳnh Tương )
Chỉ còn vài ngày nữa trường tôi tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường . Ngôi trường hồng bên dòng Hương Giang một thời vang bóng- Trường Nữ Trung Học ĐỒNG KHÁNH. Kỷ niệm về trường, Thầy Cô, bè bạn không bao giờ viết cho hết được và không bao giờ quên lãng mà ngày càng ghi sâu vào ký ức . Là một bông hoa nhỏ trong vườn Trường, góp chút hương sắc trong ngày hội lớn . Hôm nay tôi xin kể câu chuyện có thật xảy ra tại trường tôi và nam sinh trường Quốc Học , hậu quả do tôi gây ra .
Đó là năm tôi đang học lớp 10 ,học tại dãy lầu ngó qua trường Quốc Học (Nam sinh ) . Thứ 5 thời khóa biểu học cả ngày , những người ở xa đều ở lại trường và được các giám thị giám sát chặt chẽ sau khi ăn trưa xong tất cả đều phải lên lầu giữ yên lặng . Ở lại trường buổi trưa cũng có nhiều thú vị nên nhiều bạn ở gần trường thỉnh thoảng cũng ở lại ôn bài, làm bài và tâm sự cùng bạn bè , nên hai dãy lầu khi nào cũng đông học sinh ở lại trưa . Sau giờ quy định phải lên lầu giám thị đi kiểm tra bạn nào cố tình không lên lầu bị bắt được đều phải bị zero kỷ luật – một năm mà có 3 trứng ngỗng thì cầm chắc ở lại lớp – .
Hôm đó thứ 5 trời mưa , ăn trưa xong tôi ra nhà xe lấy xe đạp về nhà sách Hương Bình gần cầu Trường Tiền để mua cuốn Tuổi Hoa số mới , Đang loay hoay lấy xe, tôi nghe có tiếng gọi :
– Ê, T học phòng mô rứa ?
Nhìn qua thấy anh HVK đang đứng bên kia tường rào trường Quốc Học . Tôi nói và đưa tay chỉ:
– T học trên lầu ni .
– Anh qua bên nớ chơi hí . Chờ nghe ,
Tôi vừa dắt xe ra cổng vừa ” dạ ” và đạp xe đi , trong bụng nghĩ thầm : ” Làm răng qua đây chơi được , anh ấy chẳng dám qua đâu “.Anh HVK người cùng làng với tôi và sinh hoạt GĐPT cùng với tôi , anh là Huynh trưởng , anh em rất thân thiết . Năm trước đó trường tôi tổ chức lễ hội có nhờ trường Quốc học làm cho 2 con voi có anh HVK và anh NTL ( cùng GĐPT , nay đã mất ) và các anh lớp anh K cùng qua làm , nhưng chỉ được giới hạn ngang phòng tổng giám thị . Có thể từ đó anh K mới mạnh dạn qua bên này chơi trong giờ nghỉ trưa .
Đầu giờ học chiều khi tôi đến trường thì cả dãy trên lầu , dưới lầu nhốn nháo cả lên , mọi người đang cười nói đứng chờ ở cầu thang lầu . Tôi nhìn lên lầu thấy Thiếu Anh đang cười nói :
– Bắt được 2 tên Quốc Học đi lộn chuồng , vui quá luôn . Nhốt đây, cho bên nớ chuông reo mới thả về .
Những bạn khác thì reo hò lên :” Dám đi lộn chuồng , nhốt , nhốt ”
Tôi giật mình , tái mặt : Chắc là anh K rồi , làm sao đây ?. Lỗi tại tôi , lỗi tại tôi ! chắc anh bị trễ học rồi mà còn quê cơ với nữ sinh trường tôi nữa chứ ? trời ơi ! sao dại dột vậy trời! . Tôi vừa ân hận vừa sợ anh ấy trách tôi chơi ác . Trên lầu nữ sinh cương quyết không mở cửa cầu thang cho xuống , dưới này hưởng ứng tích cực : ” Dám vô trường ta , ha ha” ( Không biết lúc đó tâm trạng 2 anh ấy như thế nào nhỉ ? tôi không dám hỏi ) . Cho đến lúc nghe chuông vào học bên Quốc Học reo , các cô nàng trên lầu mới mở cửa cầu thang cho 2 anh đi xuống giữa 2 hàng nữ sinh đang đứng trên cầu thang . Tôi nấp tránh mặt sau cánh cửa phòng học , nhìn thấy 2 anh mặt đỏ bừng , anh K còn cười cười nữa chứ !.
Nếu tôi không đi mua sách thì các anh ấy đã không bị “yêu tinh nhền nhện ” nhốt lại ,nhưng các người nam khác cũng không thể tự do đi vào trường tôi như thế mà không bị nữ sinh trêu chọc làm cho quýnh chân, đỏ mặt , tía tai chỉ còn muốn độn thổ mà thôi .
Hôm nay nhân kỷ niệm 100 năm ĐỒNG KHÁNH – HAI BÀ TRƯNG về ngôi trường thân yêu ắp đầy kỷ niệm một thời trong sáng , vô tư tuổi con gái nghịch ngợm nhưng vô cùng dễ thương và hậu quả do tôi gây ra cho anh HVK và bạn anh ấy cũng là một kỷ niệm đáng nhớ cho bạn bè tôi dưới mái trường Đồng Khánh thân yêu .
17/2/2017

Lễ tưởng niệm Thầy Nguyễn Văn Dương ở Huế

https://luongvancanhuynhthuckhang.wordpress.com/wp-admin/post.php?post=156&action=edit

I- Tường thuật lễ tưởng niệm thầy Nguyễn Văn Dương tại Huế
Thầy Nguyễn Văn Dương qua đời khuya 15/02/2017 (19/Giêng/Đinh Dậu) tại Sài Gòn và lễ an táng đã được cử hành ngày 19/02/2017 (23/Giêng/Đinh Dậu) tại nghĩa trang gia đình ở Bình Dương.
Hôm nay (22/02/2017 tức là 26/Giêng/Đinh Dậu), lúc 08 giờ, môn đệ của Thầy từ viện Hán Học, trường Quốc Học, Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Huế, tổ chức lễ Tưởng Niệm Thầy trong khuôn viên Phủ Thờ Công Chúa Ngọc Sơn – nơi ở của gia đình cựu sinh viên Hán Học khoá I (1959 – 1964) Phan Thuận An.
Dự lễ có 29 người, trong đó, 28 người là môn đệ và 01 người là đại diện gia đình Thầy.
Bàn thờ thiết dưới chiếc lọng che có chưng di ảnh Thầy, lư trầm, lư hương, bộ đèn đồng có gắn đèn cầy, hương hoa bánh trái và một số tác phẩm biên khảo tiêu biểu cho sự nghiệp nghiên cứu, trước tác của Thầy.
Đèn thắp lên hoà ánh sáng vào nắng ban mai, trầm ngún toả mùi thơm cùng với các bông hoa đang nở, hương đốt ngoằn ngoèo khói toả. Anh Phan Thuận An trong bộ quốc phục trình bày ý nghĩa buổi tưởng niệm hôm nay; anh Hoàng Đằng, cựu sinh viên Hán Học khoá II (1960 – 1965), thay mặt tất cả anh chị em, đọc lời tưởng niệm; những người tham dự lần lượt dâng hương; những môn đệ từ trường Quốc Học, từ Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Huế trình diện trước di ảnh Thầy, mỗi đơn vị cử một bạn đại diện ứng khẩu tụng ca công đức của Thầy.
Mọi người đều nói lên lòng cảm phục đối với sự hiếu học của Thầy, sự tận tuỵ, phương pháp truyền thụ đem đến nhiều kết quả trong giảng dạy của Thầy, sự nghiêm túc, cần mẫn, say mê trong nghiên cứu, trước tác của Thầy.
Cô Nguyễn thị Minh Nguyệt, cháu dâu gọi Thầy bằng chú, thay mặt gia đình cảm ơn các cựu môn đệ đã nghĩ đến Thầy bằng buổi lễ hôm nay, cô Nguyệt cũng cho biết một đôi điều về cuộc đời và con người Thầy mà có lẽ, ngoài gia đinh ra, chưa ai biết.
Anh Phan Thuận An giới thiệu sơ lược từng tác phẩm của Thầy.
Anh Phan Thuận An vào chiếu lạy tạ, buổi lễ kết thúc trên 09 giờ.
Cuối cùng, gia đình anh Phan Thuận An chiêu đãi bún giò, bánh, trái và cà phê xem như dọn bữa ăn sáng cho tất cả anh chị em.
10:30 giờ, anh chị em chia tay nhau.
II-Một vài điều đặc biệt về cuộc đời và con người Thầy do gia đình tiết lộ
1- Thầy Nguyễn Văn Dương có rất nhiều sách. Sau năm 1975, do có yêu cầu ấu trĩ giao nộp sách báo “đồi trụy”, Thầy cho đào một cái hầm lớn trong vườn, sau gian thờ của ngôi nhà – nơi Thầy sinh ra – tại làng Ngọc Anh, huyện Phú Vang, rồi trục đổ tất cả sách xuống chôn. Một thời gian sau khi ổn định tình hình, đào lên thì sách đã mủn hết. Thầy cho đem chôn xuống lại. Thầy xem chôn sách như chôn một người thân yêu. Chôn xong, ba ngày sau, Thầy làm lễ mở cửa mả.
2- Khoảng năm 1980, thấy rằng công việc nghiên cứu khó thực hiện trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, Thầy vượt biên; rủi là bị bắt và bị giam cầm; trong thời gian giam cầm, Nhà Nước hiểu được lòng say mê nghiên cứu của Thầy; trong nhà giam, Thầy được cấp một phòng riêng, tương đối tốt và Nhà Nước khuyến khích Thầy muốn nghiên cứu thì cứ dùng phòng giam ấy mà nghiên cứu.
3- Sau khi ra khỏi nhà giam, Thầy mời các vị có thực học, lập một ban dịch thuật và trước tác gồm 06 người. Thầy trả tiền thù lao. Bao nhiêu tiền bạc Thầy Cô làm ra chi vào việc ấy và xuất bản tác phẩm. Thậm chí đại gia đình Thầy có bán (nhượng quyền sử dụng) một số đất; tiền thu về chia cho các thành viên trong đại gia đình; Thầy cũng sử dụng phần mình được chia vào nghiên cứu, dịch thuật, biên khảo; Thầy nói để lại sách là để lại tri thức cho đời; đời này chưa biết dùng những tri thức hôm nay thì đời sau, đời sau nữa sẽ dùng.
Anh Nguyễn Đức Cung, cựu sinh viên Hán Học 1959 – 1962, trước Tết Đinh Dậu có ghé thăm Thầy và thắc mắc không biết tại sao nơi ở của Thầy không xứng đáng cho một trí thức lớn như vậy. Tháng 12 năm 2015, nhân dịp ghé Sài Gòn trên đường về Cần Thơ họp bạn viện Hán Học, tôi có ghé thăm nơi ở của Thầy, tôi cũng có cảm nhận như anh Nguyễn Đức Cung.
Vậy mà một bạn gần đây phỏng vấn Thầy rồi đưa lên Internet, bạn ấy hỏi:
– Thầy sống trong môi trường như thế này, cảm thấy thoải mái không?
Thầy trả lời không chút do dự:
– Thoải mái chơ! Ngoài hưu bổng ra, các con thành đạt, làm ăn khá, chu cấp thêm nhiều cho ba mẹ chúng; thành thử, Thầy chẳng thấy thiếu cái gì nữa.
Sự đam mê vào công việc đã làm cho Thầy quên đi những cái “chưa xứng đáng” mà một người như Thầy đáng lẽ được hưởng.
Đó cũng là một nét đặc biệt thêm vào nhiều nét đặc biệt nơi con người Thầy./.
Người đưa tin: Hoàng Đằng

Điếu Văn Tưởng Niệm Thầy Nguyễn Văn Dương
Cựu sinh viên các khoá Viện Hán Học Huế

Kính lạy anh linh Thầy,
Khuya 15/02/2017 (19/Giêng/Đinh Dậu), tại Sài Gòn, sau một thời gian dài Thầy vật lộn với bệnh tật của tuổi già, linh hồn Thầy đã thoát ra khỏi sự gò bó của thể xác, bay bổng tìm cõi an nhàn. Thân xác là vật chất sẽ tan, về với cát bụi, linh hồn là tinh anh, tự do rong chơi.
Trong niềm tin đó, hôm nay (22/02/2017 – 26/Giêng/Đinh Dậu), chúng em – những cựu môn đệ của Thầy tại Viện Hán Học ngày xưa hiện định cư ở Huế và vùng phụ cận –, vì đường sá xa xôi, vì tuổi già sức yếu, vì điều kiện khó khăn, không thể đích thân vào Sài Gòn, nhập đoàn tiễn đưa Thầy về nơi an nghỉ ngàn thu, đành mượn nơi đây – khuôn viên phủ thờ Công Chúa Ngọc Sơn – lập linh án vọng bái tưởng niệm Thầy.
Chúng em chọn nơi này vì đây là nơi Thầy đã đến nhiều lần thể theo lời mời của chúng em trong những dịp họp mặt thân mật, mỗi khi Thầy từ Sài Gòn về thăm quê.

Kính lạy anh linh Thầy,
Nhìn di ảnh Thầy, chúng em trong lòng tuôn dậy biết bao kỷ niệm.
Viện Hán Học Huế mở vào năm học 1959 – 1960 trong hoàn cảnh thiếu thốn: trường sở mượn tạm Di Luân Đường, đội ngũ giảng huấn gồm đa số là các bậc khoa bảng cựu học tuổi đời trên dưới 70, “gần đất xa trời”, sự sống còn như ngọn đèn trước gió. Năm học sau (1960 – 1961), Thầy được điều động đến tăng cường ban giảng huấn. Lúc ấy, Thầy 27 tuổi, là vị giáo sư trẻ nhất của Viện. Với vốn học hàn lâm, Thầy dạy chúng em các môn: Hán Văn Giáo Khoa, Việt Văn, Triết Học Trung Hoa. Hình ảnh một thầy giáo trẻ, tay xách cặp, tay đánh xa theo nhịp bước thoăn thoắt của đôi chân còn in đậm trong trí chúng em.

Kính lạy anh linh Thầy,
Chúng em bùi ngùi nhớ lại: Thầy là người rất tốt bụng. Một số trong chúng em muốn thi Tú Tài, vì là thí sinh tự do, cần giấy chứng nhận đã được dạy xong chương trình lớp đệ Nhị hoặc đệ Nhất, đến ngỏ ý với Thầy, Thầy sốt sắng đáp ứng ngay; Thầy ngày xưa của chúng em là vậy, không đòi hỏi, không gây khó khăn, một lòng một dạ muốn môn đệ thăng hoa.
Trong giảng dạy, Thầy có phương pháp đặc biệt. Thầy không chú trọng nhồi nhét kiến thức mà chú trọng nhiều đến cách tự học. Trước một đề mục trong chương trình, Thầy giới thiệu những sách đã viết về đề mục ấy, khuyến khích chúng em tìm đọc và ghi chú những điều quan trọng cần nhớ vào những tấm fiche bằng giấy bìa cứng cỡ nửa bàn tay, sắp xếp fiche theo từng nội dung vào những ngăn riêng, để khi cần dễ bề tra cứu. Phương pháp làm việc khoa học mà Thầy truyền thụ ấy, sau này, vào đời, chúng em đem ra áp dụng và đã thành công dễ dàng trong sinh hoạt, học tập, công tác, nghiên cứu.
Trong học tập, Thầy là một tấm gương sáng. Xuất thân từ một làng quê – làng Ngọc Anh, huyện Phú Vang, trong thập kỷ 1940, 1950, chiến tranh loạn lạc, Thầy vẫn quyết chí học, xong tiểu học, trung học, Thầy lên đường vô Nam tiếp tục bậc Đại Học; Thầy khởi nghiệp với văn bằng Cử Nhân Giáo Khoa Việt Hán năm 1957 từ Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Thầy vừa đi dạy, vừa nghiên cứu để đạt học vị cuối cùng là văn bằng Tiến Sĩ Ngữ Văn năm 1991 khi tuổi đời đã xấp xỉ 60.
Thầy còn là tấm gương tuyệt vời trong nghiên cứu và viết lách, Thầy đã để lại cho đời hơn 10 công trình biên khảo, dịch thuật đồ sộ về triết học, văn học, sử học, từ điển …
Qua học tập, giảng dạy và nghiên cứu, Thầy tỏ ra có kiến thức rộng về các ngành khoa học xã hội nhân văn, am tường các ngôn ngữ và văn tự: Việt, Nôm, Hán, Quan Thoại, Pháp, Anh, Nhật. Người như Thầy thuộc vào hàng quý hiếm của Việt Nam. Điều làm cho chúng em cảm động là mỗi công trình – đứa con tinh thần của Thầy – ra đời, Thầy không quên gởi tặng chúng em đọc để mở mang thêm kiến thức, chứng tỏ, qua dâu bể cuộc đời, đối với chúng em, dù cách mặt, Thầy vẫn gần lòng. Tình cảm thầy trò gắn bó suốt đời như thế, đẹp quá, Thầy ơi!

Kính lạy anh linh Thầy,
Công ơn, tình cảm Thầy đối với chúng em không thể nói hết được. Đã hơn nửa thế kỷ thầy trò xa nhau; bây giờ, nghe tin Thầy đi xa, bồi hồi xúc động, chúng em rối lòng, điều nhớ điều quên.
Hương đang cháy, khói đang toả, chúng em tin tưởng anh linh Thầy đang về với chúng em. Chúng em xin lần lượt vái lạy, cầu nguyện Thầy sớm về cõi Vĩnh Hằng. “Sống khôn thác thiêng”, mong Thầy chứng giám!
Vẫn biết “sinh là ký, tử là quy”, cõi đời này chỉ tạm bợ, nhưng trước cảnh chia ly, Thầy ra đi; những người thân yêu đang ở lại, làm sao khỏi khổ đau, nhung nhớ. Chúng em xin gởi lời chia buồn đến cô Phan Ngọc Quế và toàn thể tang quyến.
Trong nỗi niềm tiếc thương vô hạn, chúng em thành kính bái biệt Thầy!

16832355_683793715125492_1929598923804978283_n

16832116_492220404498934_2926312288841375929_n

16864123_492219804498994_4233600497957512796_n

Ông Phan Thuận An, môn đệ của Thầy, nhà Nghiên cứu Huế, giới thiệu những công trình nghiên cứu của GS. Nguyễn Văn Dương.

16649122_492219837832324_1297194332027770632_n 16649394_492219721165669_2816892741831429916_n

16649550_492219144499060_5103196946667658471_n

16831834_492220231165618_305887128978223490_n 16832083_492220137832294_3533026277025398135_n

Nhóm ĐHSP hai khóa LVC-HTK và một số bạn.

16832119_492220527832255_986162309399585778_n

Bìa trái: Môn đệ Hoàng Đằng từ Quảng Trị vào dự và đọc điếu văn.

Nên hiểu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của nhà cách mạng Phan Châu Trinh như thế nào?

 

Phan Châu Trinh (1872-1926) là một nhà cách mạng kiệt xuất, người tiên phong cổ vũ dân chủ ở Việt Nam, người đã đề xướng đường lối cứu nước bất hủ: “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Nói một cách vắn tắt thì “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” là mở mang nhận thức, tri thức của dân; chấn hưng ý chí, chí khí, khí phách của dân; làm cho đời sống của dân được đầy đủ, hùng hậu.

  1. Mở mang nhận thức, tri thức của dân: Mất nước không phải vì thực dân mạnh mà vì ta yếu. Mà cái yếu nhất của dân ta chính là nhận thức, tri thức, trình độ văn hóa, trình độ khoa học – kĩ thuật của dân ta quá thấp kém, quá lạc hậu, quá lỗi thời. Muốn cứu nước, phải dựa vào dân. Do đó, phải mở mang tri thức, nhận thức của dân. Cụ thể là phải mở mang hiểu biết của dân về lịch sử, về địa lí, về quyền và nhiệm vụ của công dân, về khoa học – kĩ thuật, về công nghệ và phải xóa bỏ những hủ tục, những mê tín dị đoan. Trường học, các cơ sở dạy nghề có vị trí hàng đầu trong công cuộc “khai dân trí”.
  2. Chấn hưng ý chí, chí khí, khí phách của dân: Trước sức mạnh vật chất áp đảo của thực dân, một bộ phận dân chúng đã mất tự tin, đã trở nên bạc nhược, ươn hèn, cam chịu. Vì vậy, khơi dậy ý chí, chí khí, khí phách của dân là cực kì quan trọng. Sức mạnh tinh thần càng quan trọng hơn khi phải “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”. Trước hết, phải làm cho dân thấy rõ lẽ phải, chính nghĩa của mình, thấy rõ truyền thống anh hùng – bất khuất của dân tộc. Trên cơ sở đó, dân sẽ tự tin, tự hào, dũng cảm đương dầu với mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì lẽ phải, vì chính nghĩa của dân tộc, của Tổ quốc!
  3. Làm cho đời sống của dân được đầy đủ, hùng hậu: Ông bà ta thường hay nói: “Có thực mới vực được đạo” (Tục ngữ). Công cuộc “khai dân trí, chấn dân khí” chỉ có kết quả vững chắc khi biết làm cho đời sống của dân được đầy đủ, hùng hậu. Cụ thể là phải làm cho người dân có ăn, có mặc, có cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ hơn, hùng hậu hơn. Muốn được vậy thì phải phát triển sản xuất, cải tiến kĩ thuật, không ngừng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Các trường dạy nghề, các cơ sở sản xuất đã được thành lập ở Quảng Nam và các nơi khác chính là để “hậu dân sinh”.

Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, khi người dân còn khá mơ hồ về quyền và nhiệm vụ của mình, khi khoa học – kĩ thuật còn lạc hậu, khi mê tín dị đoan còn tác oai tác quái, khi không ít người e sợ bọn bành trướng và bá quyền Bắc Kinh, khi đời sống của đại bộ phận dân chúng còn khó khăn, vất vả thì chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của nhà cách mạng Phan Châu Trinh vẫn còn phù hợp, vẫn còn đúng đắn, vẫn còn cần thiết, vẫn còn mới mẽ.

Phan Châu Trinh, từ hơn 100 năm trước, đã “lấy dân làm gốc”, đã cổ vũ dân chủ, dân quyền, đã vạch ra đường lối cứu nước bằng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Đó là một đường lối cứu nước bất hủ!

Ninh Thuận, 23-02-2017

PHAN THÀNH KHƯƠNG

VÒNG SINH NHẬT

                VÒNG SINH NHẬT
CỨ TÍNH VÒNG XOAY CỘNG TUỔI TRỜI
MỪNG SINH NHẬT ĐẾN SỐNG VUI CHƠI
LỚN LÊN RÈN HỌC CÔNG DANH NÍU
LÃO LẠI DƯỠNG BỒI SỨC KHỎE TRÔI
LỜI CHÚC CẦU MONG LUÔN VỮNG BƯỚC
CÂU CHÀO ƯỚC NGUYỆN MÃI YÊU ĐỜI
NHIỀU VÒNG CỨ THẾ TĂNGTHÊM MÃI
TỐT ĐẸP AN LÀNH XUÔI THẢNH THƠI
NHA TRANG,05.02.2017
VÕ SĨ QUÝ

TIN BUỒN 16/02/2017

Xin thông báo đến thân hữu cựu sinh viên ĐHSP Huế hai khóa Lương Văn Can – Huỳnh Thúc Kháng tin buồn:
THẦY NGUYỄN VĂN DƯƠNG, NGUYÊN GIÁO SƯ BAN VIỆT HÁN – ĐHSP HUẾ, CỰU GIÁO SƯ VIỆT VĂN TRƯỜNG QUỐC HỌC, ĐÃ TỪ TRẦN HỒI 2:30 NGÀY 16/02/2017.

di-anh-thay-nguyen-van-duong

LỄ VIẾNG TỪ 10:00 NGÀY 17/02/2017 TẠI NHÀ TANG LỄ 25 LÊ QUÝ ĐÔN,  P. 7, QUẬN 3 . ĐƯA TANG NGÀY 19/02/2017. AN TÁNG TẠI NGHĨA TRANG BÌNH DƯƠNG.

Cựu SV hai khóa LVC-HTK, cựu sinh viên ban Việt Hán 2 khóa LVC-HTK vô cùng thương tiếc và gửi lời chia buồn đến gia đình và cầu nguyện Thầy ra đi thanh thản, sớm siêu thoát về cõi Vĩnh hằng!

Vòng hoa điếu
( Anh Lê Duy Đoàn báo tin )

Nhà khoa học nữ gốc Việt trong top ảnh hưởng nhất thế giới

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên sinh ra ở Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk) trong một gia đình thượng lưu gồm 5 anh chị em. Sau năm 1975, cha đi cải tạo, mẹ chị – một cô giáo dạy toán cấp 2, dẫn dắt đàn con đến các vùng kinh tế mới như Phước Lâm, Long Điền, Đất Đỏ, Phước Tỉnh và Vũng Tàu để sinh nhai. 

Lúc 5-6 tuổi, cô bé Quyên phải phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, kiếm củi nấu cơm, đào khoai, câu cá, gánh nước… Cuộc sống cơm áo, gạo tiền cứ đeo bám cho đến năm 1986 khi gia đình mở tiệm phở ở Bến Đá – Vũng Tàu, Quyên mới được đi học ở trường Trung học Trần Nguyên Hãn.

nha-khoa-hoc-nu-goc-viet-trong-top-anh-huong-nhat-the-gioi

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Nhọc nhằn nơi xứ người

Tháng 7/1991, chị cùng bố mẹ và 5 anh chị đến Mỹ định cư. Hai năm đầu, các anh chị em của chị Quyên cứ đòi về Việt Nam vì không biết tiếng Anh và phong tục tập quán Mỹ. Nhưng chị thấy ổn vì được làm điều mình thích mà không sợ người khác dị nghị. 

Khi còn ở Việt Nam, gia đình đã vất vả rồi, nên khi sang Mỹ tôi phải cố gắng hơn rất nhiều để có được cuộc sống tốt hơn”, chị Quyên chia sẻ. Để tự khẳng định bản thân nơi đất khách quê người, chị đã quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đăng ký ở ba trường trung học tại ba thành phố. Ở Mỹ, tiếng Anh được học miễn phí.

Vất vả với bao tủi nhục khi bị nhiều người coi thường càng khiến chị có thêm động lực vươn lên. “Có giáo viên chế nhạo tôi trước cả lớp vì khả năng nói tiếng Anh kém. Một ông người Mỹ còn nói thẳng với tôi hãy về nước của cô đi”, chị nhớ lại và cho biết ở Mỹ vẫn còn một số người phân biệt kỳ thị như vậy. “Thậm chí có đồng nghiệp lúc ở trường không bao giờ nói chuyện với tôi mặc dù tôi đã cố gắng để nói chuyện với anh ta vài lần”, nữ giáo sư nói.

Tháng 9/1993, người cô họ cho chị ở cùng nhà, nhưng chị phải dọn dẹp, nấu nướng, đi chợ và chạy việc vặt cho cô. Thời gian này, chị xin học ở Đại học Santa Monica nhưng không được nhận vì tiếng Anh kém. Chị đã năn nỉ nhà trường cho học thử một kỳ và hứa nếu không học được sẽ trở về trường trung học để học thêm tiếng Anh. Ban ngày đi học, ban đêm chị tìm lớp học thêm ở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng chị cũng được nhận vào học. 

Thấy bố mẹ vất vả làm trong nhà hàng và ở hãng may, chị không cho phép bản thân thất bại mà cố gắng gấp đôi, gấp ba so với những bạn cùng trang lứa. Để có tiền học, chị xin làm thêm trong thư viện trường từ 17h đến 22h mỗi ngày, nhưng vẫn không đủ nên phải vay thêm tiền của Chính phủ.

Tháng 9/1995, chị xin chuyển lên Đại học Califonia, Los Angeles và làm thêm trong phòng thí nghiệm với công việc rửa dụng cụ. Chị xin làm nghiên cứu nhưng không có phòng thí nghiệm nào nhận. Sau khi tốt nghiệp bằng đại học Hóa năm 1997, chị nộp đơn học cao học. Chỉ trong một năm chị đã có bằng thạc sĩ ngành Lý – Hóa và quyết định học tiếp tiến sĩ. Thật bất ngờ, cuối năm của chương trình này chị là một 7 nghiên cứu sinh xuất sắc của Đại học Califonia, Los Angeles được trao học bổng.

Tháng 6/2001, chị nhận bằng tiến sĩ và ra trường trước cả những sinh viên chị từng rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ trước đây. Ra trường chị đạt giải thưởng xuất sắc ngành Lý – Hóa. Tháng 9/2001, được giải thưởng của liên bang đi tu nghiệp ở phòng thí nghiệm quốc gia nhưng chị từ chối và đến làm ở Đại học Columbia, New York.

Ba năm sau chị bắt đầu làm việc ở Đại học California, Santa Barbara và mất hơn hai năm xây dựng hai phòng thí nghiệm riêng. Sau 11 năm, chị đã có 7 phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu. Chị còn xin hơn 10 triệu USD cho những dự án nghiên cứu, được mời tới hơn 200 địa điểm trên thế giới để thuyết trình cũng như nhận nhiều giải thưởng lớn cho công trình nghiên cứu.

“Bạn bè tôi ở Việt Nam vẫn thường bảo hồi ở quê học dốt thế mà sao qua Mỹ học giỏi ghê thế. Tôi trả lời rằng ngày xưa làm gì có thời gian để học vì còn phải phụ giúp gia đình”, vị giáo sư nói.

Pin năng lượng mặt trời làm từ chất nhựa dẫn điện Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Giáo sư .

Pin năng lượng mặt trời làm từ chất nhựa dẫn điện Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của giáo sư Nguyễn Thục Quyên.Ảnh do nhân vật cung cấp.

Những vất vả của phụ nữ khi làm khoa học

Giáo sư Quyên tâm sự, có được ngày hôm nay là nhờ sự dìu dắt của mẹ và người cậu ruột khi hướng cho chị đi theo con đường tốt nhất có thể. Trong khi bố cho rằng, con gái thì nên lấy chồng, không cần học, thì mẹ ngược lại. Chị còn nhớ ngày học xong lớp 12, chị đã xác định sẽ ở nhà và tính chuyện lấy chồng, nhưng mẹ vẫn đưa chị lên Sài Gòn để thi đại học. “Mẹ đưa tôi lên Sài Gòn ở nhà bà ngoại để thi đại học, nhưng tôi không muốn. Lớn lên và học ở trường làng tôi thấy ở tuổi 18 người ta đã lấy chồng và có con rồi”, chị nói.

Người cậu đã gọi chị đến nói chuyện hơn hai giờ, với mục đích khuyên chị đi thi và cố gắng vào đại học. “Tại sao có cơ hội như vậy mà cháu lại từ chối. Học đại học sau này cháu sẽ có công ăn việc làm ổn định, có sự nghiệp, nếu lấy được người tốt thì không sao…”, chị kể lại lời ông cậu. 

Lớn lên, người chị hâm mộ đó là bà Marie Curie, bởi thời đó khoa học gia là nữ rất ít. Bà chính là tấm gương vượt khó để chị tiếp tục cố gắng cho nghiên cứu khoa học.

Hơn 11 năm làm việc ở Đại học California, Santa Barbara, chị làm khoảng thời gian 15 tiếng mỗi ngày. Bên cạnh việc giảng dạy, chị còn làm nhiều công việc khác như biên tập báo khoa học, tổ chức hội nghị khoa học quốc tế, xin tiền dự án nghiên cứu trả lương, học phí, và bảo hiểm y tế cho sinh viên (mỗi nghiên cứu sinh tốn khoảng 100.000 đôla mỗi năm), hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu, giúp sinh viên viết bài đăng báo, làm trong ban xét lên lương và lên chức cho tất cả giáo sư trong trường, ban tuyển dụng giáo sư… 

Chị chia sẻ, làm khoa học đã khó nhưng phụ nữ trong lĩnh vực này càng vất vả hơn, bởi ngoài sự nghiệp, họ còn phải lo cho gia đình. Ngay bản thân chị, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng đôi khi vẫn không nhận được sự tôn trọng của đồng nghiệp nam giới. “Cũng may tôi có người chồng tâm lý và thông cảm, anh dạy hóa hữu cơ cùng trường, luôn hỗ trợ nên tôi có thêm động lực để giảng dạy và nghiên cứu”, nữ giáo sư nói.

“Phần đông mọi người nghĩ con gái thì nên lo cho chồng con, dọn dẹp nhà cửa và không nên có sự nghiệp riêng. Tôi muốn cho những người phụ nữ khác biết là họ có thể làm cả hai. Tôi muốn làm những điều hữu ích cho xã hội”, chị nói.

Chị vẫn còn nhớ như in thời điểm bắt đầu vào học trong trường. Lúc đó chị xin vào phòng thí nghiệm nhưng không được vì nhiều người nghĩ chị không thể làm được điều gì và khuyên rằng “nghiên cứu không dễ dàng và không phải ai cũng làm được. Bạn nên tập trung để học tiếng Anh đi”. Mãi sau này, có vị giáo sư thấy chị có những câu hỏi hay trong lớp nên khuyến khích theo đường nghiên cứu. Biết được tin này chị rất vui vì từ bé đã thích tìm tòi những điều mới.

Đầu năm 2004, chị đi phỏng vấn ngành hóa ở một số trường đại học. Chị cũng rất sợ vì những trường này ngành hóa rất ít hoặc không có nữ giáo sư. “Con đường đi đến thành công ở Mỹ không phải dễ dàng vì quốc gia này thường thu hút nhà khoa học hàng đầu trên thế giới nhưng bản chất người Việt Nam thông minh và chăm chỉ”, vị giáo sư nói và cho rằng có công mai sắt có ngày nên kim. 

Thích về Việt Nam

“Tôi nhớ Việt Nam lắm. Nếu có thời gian là tôi về ngay, bởi hiện nay anh em họ hàng, nhất là ông cậu – người đặt viên gạch đầu tiên trong cuộc đời khoa học của tôi vẫn ở quê hương”, nữ giáo sư tâm sự.

Lần đầu tiên chị và mẹ về Việt Nam là năm 1999 để thăm bà ngoại trong 3 tuần. 9 lần về nước ngoài dự hội nghị khoa học, chị dành thời gian để thăm gia đình.

Chị cho biết, thời gian 21 năm sống ở Việt Nam, chị nhớ món ăn thuần túy Việt Nam và các bài hát Việt, nên lần nào về nước chị cũng nhờ cậu mợ dẫn đi xem ca nhạc. “Tôi thích nhạc dân ca như bài Quê hương, Ai đưa con sáo sang sông“, chị nói. 

Khi hỏi ý định về Việt Nam sinh sống, chị nói: “Có lẽ khi nào về hưu tôi mới về nước, vì quê hương vẫn chưa có đủ cơ sở vật chất điều kiện tốt để tôi có thể nghiên cứu”, chị nói và cho biết 7 phòng thí nghiệm riêng của chị trị giá khoảng 4 triệu đôla.

Bên cạnh giải thưởng là một trong những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới ngành khoa học vật liệu, chị còn nhận nhiều giải thưởng khác như: Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Alexander von Humboldt-Foundation của Đức năm 2015; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ 2010, Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Alfred P. Sloan Foundation 2009; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Camille Dreyfus Foundation 2008; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Harold J. Plous Memorial Award and Lectureship 2007.

Huế, cùng nhau đón Bạn đầu năm

Đêm hôm thanh vắng. Mùi hương trầm nhà ai cúng Rằm phảng phất trong không gian, thơm và buồn. Mai đã là Nguyên Tiêu, là họp bạn, là đàm văn luận võ, thao thao bất tuyệt rồi chuốc chén tít cung mây! Nghĩa là cuộc gặp mặt đầu năm của nhóm Huế chúng ta, cũng là đón cặp đôi Viện-Yến, đã trôi qua được một tuần. Vậy mà giọng nói, nụ cười, niềm vui hôm ấy sao còn mới quá. Thời gian, hình như khi mình (hơi?) lớn tuổi, đã trở nên vô tình và trôi nhanh hơn!
Để xe ở quán Thôn Vỹ, mình và Châu  đi tìm Sân Mây một cách lơ đểnh. Theo Châu, không nên đi nhanh vì sợ muộn, khi mà muốn làm bộ là người…quan trọng!
Các bạn mình đều là người lịch sự nên đến như đã từ lâu lắm. Nhìn vào những nụ cười mở toang, những cánh tay vẫy chào, những lời dành nói lao xao là biết. Câu chuyện đang rất ấm, và bên ngoài bắt đầu lắc rắc mưa. Hôm nay các bạn mình đều rất đẹp. Không phải vì áo mới đâu, mà có một cái gì đã phớt lên những khuôn mặt ấy, những ánh mắt ấy. Những làn da tươi tắn hơn, những ánh mắt long lanh hơn. Có phải không khí hân hoan mùa xuân đã về trên những cánh hoa kia cũng đã về trong lòng bạn mình.Ôi, được gặp nhau , trong không khí thơm ngát mùa xuân, sao mà vui thế, hạnh phúc thế!
Viện chỉ tay vào chúng bạn nói, các bạn có nhớ đã từng gọi mình là Mã Viện không. Rồi toác miệng cười lớn. Mình nhìn nụ cười ấy mà xúc động và cảm thấy thân quen chi lạ! Đó chính là nụ cười của Thầy Thơ mà mình đã từng gặp ở trung học và cả ở  lần gặp lại sau cùng, rồi được Viện khuếch lớn lên dành cho bạn bè! Một nụ cười thân ái và hết lòng làm sao!
Quán Sân Mây là một căn nhà cổ độc đáo. Một bàn thờ Phật hơi tối, với tượng Ngài Quan Thế Âm  trang nghiêm mà ánh sáng chỉ chảy dài trên nếp áo  phía dưới, tăng thêm vẻ thanh khiết và yên lặng. Một tượng  Bồ Đề Đạt Ma  trên gỗ luỗi ngàn năm,  râu hàm én với cặp mắt xoáy sâu tra hỏi đi suốt tâm hồn chúng đệ tử. Những cành lan thanh thanh. Một cặp trà mi khói hương lặng lẽ bên khung cửa…Cảnh mùa xuân, pha không khí thiền, đưa tình bạn thêm thân thiết mà lắng đọng. Làm sao không cùng nhau, đứng sát nhau lại, và một hai ba…cười!
Người mẫu Thanh Nhã, người luôn nhắc  mình cần sử dụng cục gạch cho thuần thục hơn, chỉ vào khóm trà mi khói hương.
Ôi! Đứng yên ngoài hàng dậu,
Em mỉm nụ nhiệm mầu.
Lặng nhìn em kinh ngạc.
Vừa lắng nghe Em hát.
Lời ca Em thiên thâu.
Ta sụp lạy cúi đầu!
(Quách Thoại)
Thanh Nhã vươn tay dài ra. Ngoài trời mưa nặng hạt, nước lọt qua kẽ tay, rơi long tong. Mình ngồi đây, gõ những dòng nầy, chợt dừng lại vô thức, hai tay chắp lại đưa ra. Những giọt thời gian trôi tuột qua kẽ tay, thành dòng vô thanh…Đã khuya!
Khi mình ra về trời vẫn còn mưa. Những lớp nước mỏng thay nhau phủ qua sân vắng, in hình bầu trời  với lớp mây xám đang trôi. Ha ha…Sân Mây là đây. Cám ơn Sân Mây, cám ơn các bạn tôi, cám ơn những lần hẹn hò…
Trần Tuấn Phương
Sau đây là những hình ảnh do ban Trần Tuấn Phương ghi lại bằng “cục gạch” thân quen (Xem hình ảnh gốc tại: https://drive.google.com/drive/u/1/folders/0B8sN0tdwhashY0Fmd0p5OFF3VXM)
new_dsc_9678 new_dsc_9680 new_dsc_9682 new_dsc_9683 new_dsc_9684 new_dsc_9686 new_dsc_9687 new_dsc_9688 new_dsc_9689 new_dsc_9690 new_dsc_9691 new_dsc_9692 new_dsc_9693 new_dsc_9694 new_dsc_9695

Họp mặt đầu xuân ĐHSP – 2 khóa LƯƠNG VĂN CAN- HUỲNH THÚC KHÁNG tại Huế

Xuân đã về rồi trọn niềm vui,
Nét mặt hân hoan nở đầu môi.
Tóc bạc hoa râm thắm tình bạn
Hớn hở bắt tay rạng nụ cười.

Một tô bún riêu ấm cỏi lòng
Ly cà phê sánh, thỏa nhớ mong.
Bạn cũ tình xưa về gặp mặt,
Hoa xuân khoe sắc tỏa hương nồng..

Nguyễn Văn Dòa

Một số hình ảnh do bạn Nguyễn Khoa Phương ghi lại và gửi các bạn.

new_dsc00195 new_dsc00196 new_dsc00198 new_dsc00201

Bên trái: Võ Văn Viện và phu nhân

new_dsc00204new_dsc00205new_dsc00210new_dsc00212

Danh sách liên lạc lớp Toán – HTK

Bạn thân mến,

Khoa Toán ĐHSP Huế có nhờ mình cập nhật thông tin liên lạc của các cựu sinh viên lớp Toán – HTK để họ gửi thiệp mời dự kỷ niệm 60 năm Trường ĐHSP Huế và Khoa Toán. Mình đã gọi điện liên lạc với mọi người và đã có một danh sách với thông tin liên lạc gần như đầy đủ. Xin gửi đến các bạn, nhất là các bạn lớp Toán – HTK được biết để liên hệ thăm hỏi nhau. Các lớp khác của hai khóa LVC-HTK nếu tập hợp được thông tin liên hệ, có thể gửi để mình chuyển cho các khoa tương ứng để họ có thể gửi thiệp mời:

danh-sach-lien-lac-lop-toan-70_74-htk-dhsp-hue (bạn có thể click vào đường link này để tải file danh sách dạng pdf)

DANH SÁCH SINH VIÊN KHOA TOÁN – ĐHSP HUẾ
KHÓA 1970 -1974 (KHÓA HUỲNH THÚC KHÁNG)
STT Họ và tên Địa chỉ liên lạc bằng thư E-mail Điện thoại
1 Trần Dư Sinh 23/11 Hai Bà Trưng, TP. Huế tdsinh1951@gmail.com  0914202338
2 Lê Đình Châu 93/3 Đặng Văn Ngữ, An Cựu, Huế chauledinh@yahoo.com 0914050129
3 Phan Đức Nguyên 84/7/9 Hùng Vương, TP.Nha Trang phannguyen08@gmail.com 0905121307
4 Võ Văn Viện 132/11Bis, Trần Kế Xương, P.7, Q. Phú Nhuận,TP. HCM vien_yen1980@yahoo.com  0982802905
5 Phạm Đình Cầu TP. HCM dinhcau52@yahoo.com 0903850801
6 Nguyễn Thị Thanh Thanh 2A Lô F, Cư xá Phúc Hải, P. Tân Phong, TP. Biên Hòa bonnixiu@yahoo.com 0613823984,
0932653884
7 Nguyễn Thị Tình 101/9 Trần Não, Q. 2, TP. HCM phamsytoan@yahoo.com 0909528274
8 Nguyễn Thanh Huệ 3A/6 La Sơ Phu Tử, Đà Lạt nguyenthanhhue1950@gmail.com 0633700231
9 Trần Như Mật 42 Hà Huy Tập, TP. Quy Nhơn nhumat@gmail.com  0914231177
10 Nguyễn Em 69/21 Hải Hồ, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng enguyen373@gmail.com 0913432149
11 Võ Quang Đa 560/10 Ông Ích Kiêm, Đà Nẵng davoquang11@gmail.com 0905726160
12 Huỳnh Sanh Canada sanh_huynh@yahoo.ca
13 Lê Thị Hảo 15/25 Cầu Kéo, P. Tân Sơn Nhì, Q. Tân Phú,TP. HCM 01648658127
14 Cái Triêm USA caitriem0205@gmail.com 
15 Lê Thị Định 129/8 đường Hải Phòng, TP. Đà Nẵng 0935207547
05113892983
16 Võ Hữu Lược Đắc Lắc 05006576222
17 Nguyễn Văn Thế 186 Trần Phú, Thị trấn Gia Rai, Xuân Lộc, Đồng Nai thevahoa186@gmail.com 01636156404
18 Nguyễn Thành Tài 285 Tiểu La, TTr. Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam 0903756232
19 Lê Bá Trân 15/2A Phan Văn Hớn, Ấp 7, XTT9, Xuân Thới thượng, Hóc Môn,TP. HCM (Cty Việt Trung Thông) 0905038118
20 Võ Đang 100 Nguyễn Trọng Tuyển, TP. HCM 01227950003
21 Mai Đình Vũ Huế 01669344452
22 Nguyễn Sanh Nguyên Đà Nẵng 01225507973
0914083245
23 Nguyễn Văn Trẻ 368/8E Lê Hồng Phong, Q. 10, TP. HCM 0939107700