Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại

Những ngày cuối tháng Tám này, nhớ hơn nửa thế kỷ trước, cha tôi hỏi con đọc Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại chưa, thiếu niên tôi lắc đầu. Mươi năm sau, tôi tốt nghiệp đại học, ông lại hỏi. Tôi thưa đã đọc được đâu đó một câu trích từ bài Chiếu, và thấy vậy là đủ: “Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị”. Chừng mươi năm nữa ông lại hỏi trổng, như chỉ để hỏi vào sương mù ký ức chính ông, không tỏ ra lắng nghe tôi trả lời. Rồi mươi năm sau khi cha mất, tôi mới thật sự đọc Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại. Và hiểu tại sao câu hỏi kia được kiên nhẫn nhắc lại, hiểu tại sao toàn văn bài Chiếu không được phổ cập cho tới khi có Internet.

Vĩnh Quyền (VH-HTK)

***

CHIẾU THOÁI VỊ

“Vì hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Vì nền độc lập của Việt Nam.

Để đạt hai mục đích ấy, Trẫm tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả, và ước mong rằng sự hy sinh của Trẫm đem lại lợi ích cho Tổ quốc. Nhận định rằng sự đoàn kết của toàn thể đồng bào chúng ta vào giờ phút này là một sự cần thiết cho Tổ quốc chúng ta, ngày 23 tháng 8, Trẫm đã nhắc lại cho toàn thể nhân dân ta là: Ở giờ phút quyết định này của Lịch sử, đoàn kết có nghĩa là sống, mà chia rẽ là chết.

Chiếu đà tiến dân chủ đang đẩy mạnh ở miền Bắc nước ta, Trẫm e ngại rằng một sự tranh chấp giữa miền Bắc với miền Nam khó tránh được, nếu Trẫm đợi sau cuộc trưng cầu dân ý, để quyết định thoái vị. Trẫm hiểu rằng, nếu có cuộc tranh chấp đó, đưa cả nước vào hỗn loạn đau thương, thì chỉ có lợi cho kẻ xâm lăng.

Trẫm không thể không ngậm ngùi khi nghĩ đến các tiên đế đã chiến đấu trên bốn trăm năm để mở mang bờ cõi từ Thuận Hóa đến Hà Tiên. Trẫm không khỏi tiếc hận là trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm không thể làm gì đem lại lợi ích đáng kể cho đất nước. Mặc dù vậy, và vững mạnh trong sự tin tưởng của mình, Trẫm đã quyết định thoái vị, và Trẫm trao quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa.

Trước khi từ giã ngai vàng, Trẫm chỉ có ba điều muốn nói:

—Thứ nhất: Trẫm yêu cầu tân chính phủ phải giữ gìn lăng tẩm và miếu mạo của hoàng gia.

—Thứ hai: Trẫm yêu cầu tân chính phủ lấy tình huynh đệ đối xử với các đảng phái, các phe nhóm, các đoàn thể đã chiến đấu cho nền độc lập của đất nước, mặc dù không theo cùng đường hướng dân chủ của mặt trận, như vậy có thể giúp cho họ được tham gia vào sự kiến thiết đất nước, và chứng tỏ rằng tân chế độ đã được xây dựng trên tình đoàn kết dứt khoát của toàn thể nhân dân.

—Thứ ba: Trẫm yêu cầu tất cả các đảng phái, các phe nhóm, tất cả các tầng lớp xã hội cũng như toàn thể hoàng gia phải đoàn kết chặt chẽ để hậu thuẫn vô điều kiện cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa, hầu củng cố nền độc lập quốc gia.

Riêng về phần Trẫm, trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là Dân tự do, trong một nước độc lập. Trẫm không để cho bất cứ ai được lợi dụng danh nghĩa Trẫm, hay danh nghĩa hoàng gia để gieo rắc sự chia rẽ trong đồng bào của chúng ta.

Việt Nam độc lập muôn năm…”

*****

Cùng với “Chiếu thoái vị”, Vua Bảo Đại còn ban hành một văn bản kèm theo, để gửi riêng tới toàn thể Hoàng gia, Hoàng tộc triều Nguyễn:

“Kể từ ngày Đức Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế vào trấn ở Thuận Hóa đến nay đã 399 năm. Trong non bốn thế kỷ, Liệt Thánh chúng ta đã trải qua biết bao sự gian lao nguy hiểm, vì nước vì dân mới truyền ngôi lại cho Trẫm được đến ngày nay.

Cái gia tài quý báu di truyền đã gần 400 năm ấy, trong giờ phút Trẫm bỏ hết, bà con trong Hoàng Tộc, ai nghe cũng phải đau đớn, ngậm ngùi.

Song Trẫm biết rằng: Đó chỉ là cái cảm tình thoáng qua trong chốc lát mà thôi, chớ bà con ta, ai cũng sẵn tính bình tĩnh, sẵn trí sáng suốt để xét rộng thấy xa, cho nên sau khi đã chuẩn định ba chữ “Dân Vi Quý” làm khẩu hiệu của chánh thể mới sau khi đã tuyên bố “Để Hạnh Phúc Dân Lên Trên Ngai Vàng”, nay Trẫm nhất định thoái vị để giao vận mạng quốc gia cho một Chính phủ có đủ điều kiện huy động hết cả lực lượng của toàn quốc giữ vững nền độc lập của nước và mưu hạnh phúc cho dân.

“Độc lập của nước, Hạnh phúc của dân”, vì tám chữ đó mà trong tám chục năm vừa qua biết mấy mươi vạn đồng bào đã rơi đầu bỏ xác nơi nước thẳm non xa trong lao tù ngục tối.

Đối với những sự hy sinh của những kẻ anh hùng liệt nữ ấy, của muôn ngàn chiến sĩ vô danh ấy, Trẫm cho sự thoái vị của Trẫm là thường.

Vậy Trẫm muốn bà con trong Hoàng Tộc sau khi nghe lời thoái vị ai ai cũng vui lòng để nghĩa nước lên trên tình nhà mà đoàn kết chặt chẽ với toàn thể quốc dân để ủng hộ Chính phủ Dân chủ Cộng hòa giữ vững nền độc lập cho Tổ Quốc. Thế mới là một cách chân thành cao thượng, giữ chữ Trung với Trẫm, chữ Hiếu với Liệt Thánh.

Việt Nam Độc lập Muôn năm – Dân chủ Cộng hòa Muôn năm.

Khâm thử!

Bảo Đại

* Nguồn: Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam, Nguyễn Phước Tộc Xuất Bản, 1990, trang 189-190.

Từ FB. Phạm Văn Hải

Thằng Khùng (Thanh Ngang Trên Thập Tự Giá)

(Thằng Khùng trong tù này là Cha Chính Vinh, tức là Linh Mục Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh (1912-1971), của Nhà thờ lớn Hà Nội. Bài viết của Phùng Quán đã kể lại chuyện thật những năm, những ngày cuối trong ngục tù của Ngài. Phùng Quán viết lại theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Tuân – không phải là nhà văn có cùng tên – khi cùng ở trong tù)

“… Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương.

Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính.

Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương anh ta. Những trại viên được gia đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh, người cho điếu thuốc.

Ở trại, anh ta có một đặc quyền không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Đó là khâm liệm tù chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi “thằng khùng” (tên họ đặt cho anh ta) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ.

Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài.

Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc.

Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy. Một lần giám thị trại gọi anh ta lên:

– Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy?

Anh ta chấp tay khúm núm thưa:

– Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ lẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích được.

Thằng khùng nói có lý. Giám thị trại mặc, cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc. Nhưng mình không tin là anh ta khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc… Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta chan chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn, “đầu chày, đít thớt, mặt bù loong” cũng phải rơm rớm nước mắt. Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?…

Thế rồi, một lần, mình và anh ta cùng đi lùa trâu xuống con sông gần trại cho dầm nước. Trời nóng như dội lửa. Bãi sông đầy cát và sỏi bị nóng rang bỏng như than đỏ. Trên bãi sông mọc độc một cây mủng già gốc sần sùi tán lá xác xơ trải một mảng bóng râm bằng chiếc chiếu cá nhân xuống cát và sỏi. Người lính gác ngồi trên bờ sông dốc đứng, ôm súng trú nắng dưới một lùm cây. Anh ta và mình phải ngồi trú nắng dưới gốc cây mủng, canh đàn trâu ngụp lặn dưới sông. Vì mảng bóng râm quá hẹp nên hai người gần sát lưng nhau. Anh ta bỗng lên tiếng trước, hỏi mà đầu không quay lại:

– Anh Tuân này – không rõ anh ta biết tên mình lúc nào – sống ở đây anh thèm cái gì nhất?

– Thèm được đọc sách – mình buột miệng trả lời, và chợt nghĩ, có lẽ anh ta chưa thấy một cuốn sách bao giờ, có thể anh ta cũng không biết đọc biết viết cũng nên.

– Nếu bây giờ có sách thì anh thích đọc ai? – anh ta hỏi.

– Voltaire! – một lần nữa mình lại buột miệng. Và lại nghĩ: Nói với anh ta về Voltaire thì cũng chẳng khác gì nói với gốc cây mủng mà mình đang ngồi dựa lưng. Nhưng nhu cầu được chuyện trò bộc bạch với con người nó cũng lớn như nhu cầu được ăn, được uống… Nhiều lúc chẳng cần biết có ai nghe mình, hiểu mình hay không. Đó chính là tâm trạng của anh công chức nát rượu Marmeladov bất chợt nói to lên những điều tủi hổ nung nấu trong lòng với những người vớ vẩn trong một quán rượu tồi tàn, mà Dostoievsky miêu tả trong “Tội ác và Trừng phạt”.

Anh ta ngồi bó gối, mắt không rời mặt sông loá nắng, hỏi lại:

– Trong các tác phẩm của Voltaire, anh thích nhất tác phẩm nào?

Mình sửng sốt nhìn anh ta, và tự nhiên trong đầu nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: một người nào khác đã ngồi thay vào chỗ anh ta… Mình lại liên tưởng đến một cậu làm việc cùng phòng hồi còn ở Đài phát thanh, tốt nghiệp đại học hẳn hoi, đọc tên nhạc sĩ Chopin (Sôpanh) là Cho Pin.

Mình trả lời anh ta:

– Tôi thích nhất là Candide.

– Anh có thích đọc Candide ngay bây giờ không?

Không đợi mình trả lời, anh ta nói tiếp:

– Không phải đọc mà nghe… Tôi sẽ đọc cho anh nghe ngay bây giờ.

Rồi anh ta cất giọng đều đều đọc nguyên bản Candide. Anh đọc chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người Pháp, thầy dạy mình ở trường Providence. Mình trân trân nhìn cái miệng rúm ró, răng vàng khè đầy bựa của anh ta như nhìn phép lạ. Còn anh ta, mắt vẫn không rời dòng sông loá nắng, tưởng chừng như anh ta đang đọc thiên truyện Candide nguyên bản được chép lên mặt sông…

Anh đọc đến câu cuối cùng thì kẻng ở trại cũng vang lên từng hồi, báo đến giờ lùa trâu về trại. Người lính gác trên bờ cao nói vọng xuống: “Hai đứa xuống lùa trâu, nhanh lên!”.

– Chúng mình lùa trâu lên bờ đi! – anh nói.

Lội ra đến giữa sông, mình hỏi anh ta:

– Anh là ai vậy?

Anh ta cỡi lên lưng một con trâu, vừa vung roi xua những con trâu khác, trả lời:

– Tôi là cái thanh ngang trên cây thập tự đóng đinh Chúa.

Rồi anh ta tiếp:

– Đừng nói với bất cứ ai chuyện vừa rồi…

Giáp mặt người lính canh, bộ mặt anh ta thay đổi hẳn – ngu ngơ, đần độn như thường ngày.

Cuối mùa đông năm đó, anh ta ngã bệnh. Nghe các trại viên kháo nhau mình mới biết.

Thằng chuyên gia khâm liệm e đi đong. Thế là nếu bọn mình ngoẻo, sẽ không còn được khâm liệm tử tế và chẳng có ai khóc tống tiễn vong hồn… – những người tù nói, giọng buồn.

Mình gặp giám thị trại, xin được thăm anh ta.

Giám thị hỏi:

– Trước kia anh có quen biết gì thằng này không?

Mình nói:

– Thưa cán bộ, không. Chúng tôi hay đi lùa trâu với nhau nên quen nhau thôi.

Giám thị đồng ý cho mình đến thăm, có lính đi kèm. Anh ta nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng. Anh ta nằm như dán người xuống sạp nằm, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật…

Mình cúi xuống sát người anh ta, gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khoé môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh ta. Anh ta thè luỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều thào nói:

– Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa bàn tay đây cho mình…

Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh ta rờ rẫm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ Nhẫn.

Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật.

Người lính canh dẫn mình lên giám thị trại với bàn tay có viết chữ Nhẫn ngửa ra. Người lính canh ngờ rằng đó là một ám hiệu.

Giám thị hỏi:

– Cái hình nguệch ngoạc này có ý nghĩa gì? Anh mà không thành khẩn khai báo, tôi tống cổ anh ngay lập tức vào biệt giam.

Mình nói:

– Thưa cán bộ, thật tình tôi không rõ. Anh ta chỉ nói: tôi vẽ tặng cậu một đạo bùa để xua đuổi bệnh tật và tà khí.

Nghe ra cũng có lý, giám thị trại tha cho mình về lán…

Phùng Quán

________

Ghi Chú:

(*) Xin mời đọc thêm (bài kèm theo dưới đây) tiểu sử của Cha Vinh để chúng ta biết thêm nhiều chi tiết về cuộc đời Ngài; và cũng để hiểu thêm gương phụng sự Chúa của Ngài….

Linh mục Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh* – Tấm gương can trường.

Cha chính Hà Nội, (1912 – 1971).

Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh chào đời ngày 2 tháng 10 năm 1912 tại làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Cậu Vinh, một thiếu niên vui vẻ, thông minh, có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh về âm nhạc, ca hát. Cậu biết kính trên, nhường dưới, trong xứ đạo, ai cũng quý yêu. Cha xứ Ngọc Lũ thời đó là Cố Hương, một cha người Pháp tên là Dépaulis giới thiệu cậu lên học tại trường Puginier Hà Nội. Năm 1928, cậu học Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Phú Xuyên, Hà Tây.

Năm 1930, thầy Vinh được cố Hương dẫn sang Pháp du học. Năm 1935, thầy vào Đại Chủng viện St Sulpice, Paris. Ngày 20-6-1940, thầy được thụ phong linh mục ở Limoges.

Chiến tranh thế giới xảy ra, cha Vinh phải ở lại Pháp và tiếp tục học tập.

Ngài học Văn Khoa – Triết tại Đại Học Sorbone, học sáng tác và hòa âm tại Nhạc viện Quốc Gia. Ngài phải vừa học vừa làm. Vóc dáng nhỏ nhắn dễ thương của ngài đã làm cho nhiều người Pháp tưởng lầm ngài là phụ nữ nên cứ chào: “Bonjour Madame!”. Nhưng ẩn trong cái dáng vóc nhỏ bé đó là một tâm hồn rộng lớn, sau đôi mắt sáng là tính cương trực, dưới nụ cười là ý chí sắt son.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn Triết ở Sorbone, ngài gia nhập dòng khổ tu Biển Đức tại Đan Viện Ste Marie.

Sau 17 năm du học, năm 1947 cha Vinh về nước, nhằm góp sức xây dựng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vững mạnh về mọi mặt. Khi ấy, Đức cha François Chaize – Thịnh, Bề trên Giáo phận đã bổ nhiệm ngài làm cha xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Ngài xin Bề trên lập dòng Biển Đức ở Việt Nam, nhưng không thành.

Cha Vinh, dù tu học ở Pháp nhưng luôn có tinh thần yêu nước, độc lập, không nệ Pháp. Năm 1951, Nhà Thờ Lớn Hà Nội tổ chức lễ an táng cho Bernard, con trai tướng De Lattre de Tassigni. Trong thánh lễ, tướng De Lattre kiêu căng đòi đặt ghế của ông trên cung thánh và bắt chuyển ghế của Trần Văn Hữu, Thủ tướng Việt Nam xuống dưới lòng nhà thờ. Vì lòng tự trọng dân tộc, danh dự quốc gia, cha Vinh cương quyết không chịu.

Tướng De Lattre rất tức giận, gọi cha Vinh tới, đập bàn quát tháo, đe dọa. Cha Vinh cũng đập bàn, lớn tiếng đáp lại, quyết không nhượng bộ, nhưng Thủ Tướng ngại khó nên tự nguyện rút lui. Sau vụ đó, để tránh căng thẳng, Đức Cha Khuê đã chuyển cha Vinh làm giáo sư của Tiểu Chủng Viện Piô XII, phụ trách Anh văn, Pháp văn, âm nhạc, triết học; ngài khiêm tốn vâng lời. Ngài cũng giảng dạy Văn Triết ở trường Chu Văn An.

Năm 1954, Đức cha Trịnh Như Khuê cho phép cha Vinh và cha Nhân đưa chủng sinh đi Nam, nhưng cả hai đều xin ở lại sống chết với giáo phận Hà Nội, dù biết hoàn cảnh đầy khó khăn, nguy hiểm. Đức Cha Khuê bổ nhiệm ngài làm Cha Chính, kiêm Hiệu Trưởng trường Dũng Lạc.

Ngài tổ chức lớp học giáo lý cho các giới, có những linh mục trẻ thông minh, đạo đức cộng tác, như cha Nguyễn Ngọc Oánh, cha Nguyễn Minh Thông, cha Phạm Hân Quynh. Lúc đầu, lớp học được tổ chức thành nhóm nhỏ tại phòng khách Tòa Giám Mục, về sau, con số người tham dự tăng dần, lớp học được chuyển tới nhà préau, và ngồi ra cả ngoài sân. Lớp học hiệu quả rất lớn, những tín hữu khô khan trở thành đạo đức nhiệt thành, ảnh hưởng lan tới cả giới sinh viên và giáo sư đại học, nhiều người gia nhập đạo. Sau chính quyền ra lệnh ngừng hoạt động vì lý do an ninh.

Khi cha Vinh đang làm Hiệu Trưởng Dũng Lạc, Chính phủ ra chỉ thị phải treo ảnh lãnh tụ thay vào ảnh Thánh Giá ở các lớp học. Ngài không tuyên đọc chỉ thị cũng không tháo bỏ Thánh giá, nên năm 1957, trường bị đóng cửa.

Thời bấy giờ, Đại học Y khoa Hà Nội thiếu giáo sư, nên đã đề nghị Đức Cha Khuê cử cha Vinh đến trường dạy La tinh. Nhiều sinh viên cảm phục ngài. Một hôm, Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc đến thăm trường, thấy bóng dáng chiếc áo chùng thâm linh mục, ông nói với đoàn tháp tùng: “Đến giờ này mà còn có linh mục dạy ở Đại Học quốc gia ư?” Ít lâu sau trường Đại học Y khoa không mời cha dạy nữa.

Biết tài năng và kiến thức âm nhạc của ngài, nhiều nhạc sĩ ở Hà Nội tìm cha Vinh tham khảo ý kiến và nhờ xem lại những bản nhạc, bài ca họ mới viết.

Cha Vinh, một trong những nhạc sĩ tiên phong của Thánh nhạc Việt Nam, và là một nhạc sĩ toàn tài. Ngài chơi vĩ cầm và dương cầm thật tuyệt, chính ngài là người Việt Nam đầu tiên chơi vĩ cầm ở Hà Nội.

Ngài có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, lại được học tập chu đáo nên đã sáng tác và để lại nhiều nhạc phẩm thánh ca tuyệt vời. Cha Vinh trình bày bản hợp tấu “Ở Dưới Vực Sâu” nhân cuộc đón tiếp phái đoàn Việt Nam do ông Hồ Chí Minh dẫn đầu sang dự Hội Nghị Fontainebleau năm 1946.

Ngài cộng tác với Hùng Lân sáng tác “Tôn Giáo Nhạc Kịch Đa-Vít.” Sáng tác nhiều nhạc phẩm lớn: “Mở Đường Phúc Thật,” “Tôn Vinh Thiên Chúa Ba Ngôi,” “Ôi GiaVi,” “Lạy Mừng Thánh Tử Đạo.” Ngài phổ nhạc cho các Ca Vịnh 8, Ca vịnh 16, Ca vịnh 23, Ca vịnh 41, Ca vịnh 115 và nhiều bài hát khác như Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thánh Tâm Giêsu. Ngài còn viết những bài ca sinh hoạt: Sao Mai, Đời Người, phổ nhạc bài “Bước Tới Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.

Hằng tuần ngài đến dạy nhạc, xướng âm và tập hát bên chủng viện Gioan. Cha Vinh có giọng nam cao, âm hưởng thanh thoát, lôi cuốn. Ngài tổ chức và chỉ huy dàn đồng ca trong nhiều cuộc lễ và rước kiệu lớn như cuộc Cung Nghinh Thánh Thể từ Hàm Long về Nhà Thờ Lớn Hà Nội.

Năm 1957, Nhà nước muốn tỏ cho dân chúng trong nước và thế giới thấy là ở Việt Nam đạo Công giáo vẫn được tự do hành đạo và tổ chức được những lễ nghi long trọng, tưng bừng. Dịp Lễ Noel, chính quyền tự động cho người đến chăng dây, kết đèn quanh Nhà Thờ Lớn, sau lễ họ vào đòi nhà xứ Hà Nội phải thanh toán một số tiền chi phí lớn về vật liệu và tiền công.

Năm 1958 cũng thế, gần đến lễ Noel, không hề hỏi han, xin phép, một số người của Nhà nước ngang nhiên đưa xe ô tô chuyển vật liệu, tự động bắc thang, chăng dây treo bóng điện màu trang trí ở mặt tiền và trên hai tháp Nhà Thờ Lớn. Cha xứ thời đó là cha Trịnh Văn Căn bảo vệ chủ quyền Giáo Hội trong khuôn viên cơ sở tôn giáo, không đồng ý, nhưng họ cứ làm. Để phản đối, cha Căn liền cho kéo chuông nhà thờ cấp báo, giáo dân kéo đến quảng trường nhà thờ rất đông ủng hộ cha xứ, hai bên to tiếng.

Cha Căn gọi Cha Vinh ra can thiệp, sau một hồi tranh luận không kết quả, cha Vinh kéo những người của Nhà nước đang leo thang chăng đèn xuống, rồi chính ngài leo lên thang, hai tay đưa cao trước mặt, hai bàn tay nắm lại, hai cườm tay đặt lên nhau, làm dấu hiệu còng tay số 8, và nói lớn:

“Tự do thế này à!”

Vụ giằng co lộn xộn kéo dài suốt buổi sáng, công cuộc trang trí không thành. Cha Căn, cha Vinh cùng một số giáo dân bị cơ quan an ninh thẩm vấn, đem ra xét xử. Tòa án Hà Nội tuyên án: Cha Trịnh Văn Căn, Chính xứ Nhà Thờ Lớn, người chịu trách nhiệm tổ chức lễ Noel năm 1958 chịu án 12 tháng tù treo.

Cha Chính Nguyễn Văn Vinh chịu án 18 tháng tù giam, với tội danh: “Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân” (!).

Sau phiên tòa, cha Vinh bị đưa đi giam ở Hỏa Lò, sau bị chuyển đi nhiều trại giam khác như Chợ Ngọc, Yên Bái, cuối cùng là trại “Cổng Trời”, nơi dành riêng cho các tù nhân tử tội.

Khi cha Vinh mới đến trại Yên Bái, ngài còn được ở chung với các tù nhân khác, nhiều giáo dân, chủng sinh, tu sĩ đến xin cha giải tội, vì thế ngài bị kỷ luật, phải biệt giam, bị cùm chân trong xà lim tối. Mấy tháng sau được ra, ngài lại ban phép giải tội. Cán bộ hỏi:

“Tại sao bị cùm, bị kỷ luật, được ra, anh tiếp tục phạm quy?”

Ngài đáp:

“Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận mình!”

Ở tù đói rét là đương nhiên, lúc nào cũng đói, hằng ngày mỗi bữa một bát sắn độn cơm, ăn với lá bắp cải già nấu muối, khi chia cơm phải cân đong từng chút một… Một lần cha Vinh nhận được gói bưu kiện do cha Cương, quản lý Nhà Chung Hà Nội, gửi lên, trong đó có ít thức ăn, lương khô và vài đồ dùng cá nhân, ngài đem chia sẻ cho anh em trong nhóm, cả Công giáo lẫn lương dân, ăn chung, dùng chung. Anh em tù hình sự thân thương gọi ngài là “Bố.”

Ngay trong nhà tù, cha Vinh vẫn can đảm bảo vệ người bị áp bức, có lần một tổ trưởng đánh đập tù nhân, ngài lên tiếng bênh vực, liền bị người tổ trưởng này xông đến giang tay đánh, ngài đưa tay gạt, anh ta ngã khụy. Từ đó trong trại có tiếng đồn cha Vinh giỏi võ, mọi người phải nể vì.

Một cán bộ cao cấp ở Hà Nội lên Cổng Trời gặp cha Vinh, nói: “Đảng và Chính phủ muốn anh được tha về, nhưng với điều kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn Thế Vịnh (Chủ tịch Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo). Nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà Nội ngay bây giờ với tôi”. Ngài khẳng khái đáp: “Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh. Tôi có đường lối của tôi”.

Vì không khuất phục được ngài, nên bản án từ 18 tháng tù giam, không qua một thủ tục pháp lý án lệnh nào, đã biến thành 12 năm tù kiên giam, xà lim, biệt giam và án tử.

Năm 1971, khi ngài từ trần không ai được biết, một năm sau, chính quyền mới báo cho Đức Cha Khuê và cha Cương quản lý Nhà Chung: “Ông Vinh đã chết. Không được làm lễ áo đỏ cho ông Vinh!”

Suốt đời mình, trong mọi tình huống cha Chính Vinh làm tròn trách vụ của mình. Ngài đã mạnh mẽ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho đức tin, khi thuận tiện cũng như khó khăn. Vượt mọi thử thách gian khó, không chịu khuất phục trước cường quyền, luôn trung kiên với Thiên Chúa và Giáo Hội.

Cha Chính Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh là một chứng nhân của thời đại, một linh mục Công Giáo Việt Nam can trường, hậu thế kính tôn và ghi ân ngài.

TGP Hà Nội

BBT (Theo HĐGMVN)

Trần Văn Giang sưu tầm.

Nguồn: http://tongphuochiep.com/index.php/bao-chi/van/23909-th-ng-khung-thanh-ngang-tren-th-p-t-gia-phung-quan (Trang của Một nhóm cựu học sinh Trung học Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long)

NHỚ MẸ – ĐỔI CẢ THIÊN THU TIẾNG MẸ CƯỜI

NHỚ MẸ

Thơ: Đỗ Trung Quân

“Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn

có Mẹ.”

Con sẽ không đợi một ngày kia

Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc

Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?

Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt

Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua

Mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ

Ai níu nổi thời gian?

Ai níu nổi?

Con mỗi ngày một lớn lên

Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn

Con sẽ không đợi một ngày kia

có người cài cho con lên áo một nụ bạch hồng

mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ.

mỗi ngày đi qua đang cài cho con một nụ hồng

hoa đẹp đấy — cớ sao lòng hoảng sợ

Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ

Sống tự do như một cánh chim bằng

Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái

Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?

Những bài thơ chất ngập tâm hồn

đau khổ — chia lìa — buồn vui — hạnh phúc

Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta

độc ác

mà vẫn cứ đêm khuya thao thức làm thơ

Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ

Giọt nước mắt già nua không ứa nổi

Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi

Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng

Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân

Mấy kẻ đi qua

Mấy người dừng lại?

Sao mẹ già ở cách xa đến vậy

Trái tim âu lo đã giục giã đi tìm

Ta vẫn vô tình

Ta vẫn thản nhiên?

Hôm nay…

Anh đã bao lần dừng lại trên phố quen

Ngã nón đứng chào xe tang qua phố

Ai mất mẹ?

Sao lòng anh hoảng sợ

Tiếng khóc kia bao lâu nữa… của mình?

Bài thơ này xin thắp một bình minh

Trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối

Bài thơ như một bạch hồng

Con cài sẵn cho tháng ngày

… sẽ tới!

Đỗ Trung Quân

1986

***

Từ FB. Uyen Nguyen – Nguyễn Thị Yến (VH-LVC)

MẠ ƠI!…

Trần Tuấn (cựu HS Quốc Học tốt nghiệp năm 1976-1977)

Mời các bạn đọc câu chuyện cảm động và rất thật của một học trò cũ Quốc Học của admin. Em đang học năm nhất Địa lý địa chất, ĐH Tổng hợp Huế, khoá 1, phải nhập ngũ lên đường vào chiến trường Campuchia, may mắn nguyên vẹn trở về học lại, sau đó làm công tác nghiên cứu khoa học ở Sờ KHCN Thừa Thiên Huế, nay đã nghỉ hưu, lập công ty sản xuất xi măng chống thấm và một số thiết bị khác,… rất thành công.

***

Ảnh minh hoạ từ internet

Hàng năm cứ đến mùa Vu Lan là tui lại nhớ đến Mạ tui (miền Bắc gọi là Mẹ, miền Nam gọi là Má), do quen nghe nên từ Mạ đối với tui răng mà thân thương, trìu mến đến lạ thường. Mở mấy bài hát về Mẹ như: Bông hồng cài áo, Lòng mẹ, … tự nhiên tui thấy bồi hồi, nhớ Mạ tui chi lạ! Sống mũi thấy cay cay, nước mắt cứ rứa mà tuôn trào. Ai cũng nghĩ rằng tui cứng rắn lắm! Thực sự, tính tui rất đa cảm, thấy ai khóc lóc ai oán là tui không cầm được nước mắt.

Mạ tui hiền lắm, có khuôn mặt tròn thật đôn hậu, đôi vành tai dày và dài như tai Phật (nếu không mất vì bị sốc thuốc thì sẽ sống thọ lắm!) mọi việc trong nhà một mình mạ tui cáng đáng, lo cho chồng, cho con, ngoài ra còn lo buôn bán, tần tảo sớm hôm để nuôi một đàn tàu há mồm như chúng tui, đã rứa còn lo cho ăn học, dựng vợ và sự nghiệp cho con đàng hoàng. Ôi! Tình mẫu tử thật là bao la, vô bờ bến!…

Mạ tui có đến 14 người con (khiếp chưa?), cứ 2 năm đẻ 1 đứa, đặc biệt đẻ toàn con trai, chính vì mong muốn kiếm tí mụn gái mà ráng đẻ, đẻ hoài cứ ra thằng cu, nghe thiên hạ nói là nhà tui có mã phát Đinh (mà đúng là đinh thiệt, vừa to vừa dài,…hihi). Nhưng đàn con của Mạ cứ rơi rụng dần, ngày xưa ở nông thôn, dân trí kém, điều kiện sống còn thấp, đứa mô đau ốm, cứ bảo là bị vương ma quỷ, nhờ thầy cúng, tui tận mắt chứng kiến thằng em kế tui chết vì uống nước lá bùa đốt cháy thành than và hoà trong chén nước lạnh, chờ đến khi sốt quá lên cơn động kinh mới đưa lên Bệnh viện Huế thì cũng đã muộn màng. Năm 1963, bỏ quê ngoại Thuỷ Phù lên thành phố Huế sinh sống thì đứa chết nước, đứa chết điện, gần đây có đứa em chết vì đột quỵ, hưởng dương 50 tuổi. Hiện chỉ còn một nửa số đó, tức còn 7 anh em trai.

Hôm nay, tui muốn nói đến 2 từ: Mạ ơi! Vì nó liên quan đến lần suýt chết đầu tiên của tui ở chiến trường Campuchia ác liệt. Trong chiến tranh, khi bắt được tù binh, đặc biệt là những tù binh trọng yếu, người ta thường hay tra khảo để biết thêm thông tin như quê hương, gia đình, đơn vị, cấp bậc, chức vụ, …vv và vv… Những tù binh ấy thường rất kiên cường, bất khuất, không chịu khai một lời. Nhưng với những đòn thù tàn bạo, những dụng cụ tra tấn dã man, họ đi dần vào vô thức, trước khi về bên kia thế giới, họ buột miệng kêu lên 2 tiếng: Mẹ ơi! Bằng tiếng mẹ đẻ của mình (và họ đã vô tình hé lộ gốc gác của mình, có khi được cứu sống để tiếp tục bị tra khảo). Tui cũng rứa, khi cận kề với cái chết, tự nhiên tui kêu lên: Mạ ơi! Mạ ơi!… Chắc là con chết rồi Mạ ơi!…Mạ ơi!… Trời ơi! Nhớ lại giây phút ấy mà cả người tui sởn hết cả gai ốc! Không thể nào lột tả hết được cảm xúc của tui lúc này.

Ngày ấy, đón cái Tết đầu tiên ở chiến trường Campuchia vào đầu năm 1979 tại thị xã Takeo. Trung đoàn bộ đóng ở giữa, xung quanh là các đơn vị trực thuộc và xa hơn nữa là các đơn vị bộ binh của các Tiểu đoàn 4, 5, 6 thuộc Trung đoàn. Công tác hậu cần của Sư đoàn, Trung đoàn cho các đơn vị trực thuộc tương đối chu đáo để đón Tết Kỷ Mùi, có đường, sữa, lương khô, bánh kẹo, mì tôm, … Vào đêm giao thừa giữa năm cũ và năm mới (27/01/1979), nhóm đồng hương Bình Trị Thiên tụi tui ở đơn vị khoảng 7-8 đứa ngồi quây quần với nhau (phần lớn là dân thành phố, có trình độ, con nhà tập kết, chỉ có tui là con công nhân, dân nghèo thành thị, không có nợ máu với nhân dân), vừa liên hoan bánh kẹo vừa nghe Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đọc lời chúc Tết qua cái Radio cũ rích mượn của đồng chí Đàn – B trưởng B1, quê Nghệ An, đi lính năm 1974. Tụi tui đã lắng nghe, sau đó râm ran lời chúc tụng nhưng chỉ dám nói khẽ thôi. Khi tụi tui nhập ngũ, chưa có Luật NVQS nên tụi tui không xác định được ngày về, tụi tui đã quàng vai nhau và tự hứa cũng như nhắc nhỡ nhau là cố gắng giữ mạng sống cho đến ngày trở về, tiếp tục thực hiện những ước mơ, hoài bão đang còn dang dở của bản thân. Chết là hết! Chỉ thiệt thòi cho bản thân và gia đình mà thôi! Chẳng là cái đinh gì cả đối với xã hội! Rứa mà, sau ni cũng có vài đứa chết, chúng nó không chịu giữ lời hứa chi cả, tranh làm chi cái bằng Tổ quốc ghi công nớ hè?!… Tưởng Liệt sỹ là oai hùng lắm hả! Rõ khổ!…hihi…

Vài ngày sau đó, tui được lệnh đi bảo vệ đ/c Tư Huyền – Tham mưu phó Trung đoàn về Tiểu đoàn 4 để chỉ đạo phòng ngự chiến đấu vì lúc ni bọn lính Khmer đỏ đã tập trung lực lượng rất đông quay lại đánh chiếm thị xã Ta keo, cùng đi có thằng Tín, lính Hà Nam Ninh, 2 đứa với 2 khẩu AK47, 2 ba lô con cóc và 2 bao xe đạn trước ngực (trong đó có 4 băng đạn AK, mỗi băng 30 viên) và 2 ruột tượng gạo nữa. Hầu như toàn bộ Trung đoàn tập trung án ngữ dọc theo đường sắt, phía Tây thị xã Ta keo. Tụi lính Pôn Pốt tràn lên tiến đánh vỗ mặt, có cả xe tăng yểm trợ, bụi mù trời, hai bên bắn nhau loạn xạ, tiếng đạn bay của các loại súng hoả lực và súng cá nhân cùng với âm thanh đủ loại của các loại đạn nổ, khói thuốc súng càng làm say máu. Bất ngờ, chúng ta bị địch đánh bọc sườn, quân ta hoảng loạn, tiếng la hét, tiếng người bị thương, … làm xáo trộn đội hình. Cả một đội hình dàn hàng ngang của ta nằm bên ni đường ray đang bị bóc dần. Đồng chí Kha – Tiểu đoàn trưởng D4 giật lấy khẩu M.79 của một người lính gần đó và đưa lên nhắm bắn, tui nhìn theo hướng súng của ông thì thấy lúc nhúc toàn lính Pôn Pốt nhưng ông không bắn mà từ từ hạ súng xuống, tui nhìn vào mắt ông thì thấy vẻ thẩn thờ và nỗi sợ hãi trong đó. Ông chỉ ra lệnh gọn trong 2 tiếng: Rút! Chạy! thế là mọi người đều tháo chạy về phía sau, hướng Trung đoàn bộ đóng quân tại thị xã Takeo, lần đầu tiên biết được răng là chạy làng! Cũng rất may là một số lính Pôn Pốt không màng đuổi theo mà đang giành giật nhu yếu phẩm Tết của bộ đội ta. Số còn lại vừa đuổi theo, vừa bắn loạn xạ, có lẻ quân ta chết nhiều vì lúc này tui chẳng còn tâm trí mô mà để ý xung quanh, cứ cắm đầu chạy bừa về phía hồ Takeo (là con đường ngắn nhất để đến thị xã, do đường lộ đã bị tụi Miên khống chế). Thật không thể tả cảnh quân ta bị thua và chạy làng, mạnh ai người nớ chạy, hỗn loạn trong làn đạn từ phía sau bắn tới, tiếng đạn nghe chíu…chíu…chíu…chiu…bay trên đầu mà ớn lạnh xương sống. Tui cũng kịp vứt ba lô, ruột tượng gạo và chạy thục mạng, bán sống, bán chết, chỉ mang theo khẩu AK và bao xe đạn trước ngực. Trong ba lô là tài sản của người lính, ngoài quân trang quân dụng cho đến cây kim, sợi chỉ cũng nhét vô, lỡ khi cần lại không có, hành trang của tui còn có 1 quyển toán cao cấp, 3 quyển sách 3,4,5 của bộ sách English for today (để dành học Anh văn), 1 quyển lưu bút của người thân, bạn bè và 1 quyển nhật ký đời lính. Thật tiếc đứt ruột! Nhưng quan trọng nhất là giữ mạng sống cái đã. Tui cứ rứa mà chạy hết sức, đạn thì bay chíu chíu xung quanh, vừa chạy, vừa mệt, vừa sợ và vừa thầm kêu: “Mạ ơi!… Mạ ơi! Chắc con chết rồi Mạ ơi!”. Hình như Mạ tui có nghe hay sao ấy? Hoặc là Trời, Phật, Tổ tiên ông bà có phù hộ, độ trì mà tui không bị trúng đạn chi hết. Tôi cũng khun (khôn) khi chạy men bờ hồ, chứ không bơi qua giữa hồ, cái hồ nó rộng lắm! Ước chừng rộng khoảng nửa cây số. Đau thương nhất là cảnh quân ta nhảy ào xuống hồ Takeo để bơi qua bên tê hồ, trên bờ là lính Pôn Pốt bắn xuống như bắn vịt, có lẻ chết nhiều! Các đồng đội có linh thiêng thì nhớ về báo công dâng Đảng hí!…

Cao trào nhất là đoạn tui bơi qua một đoạn ngắn ven hồ, khoảng chừng 20m. Tui đã phải trả giá cho sự thiếu hiểu biết của mình khi không tháo bao xe đạn ở trước ngực ra, nó đã dìm tui xuống nước theo sức nặng của nó trong khi chân lại mang giày bố. Tui thực sự hốt hoảng vì chủ quan là mình bơi tốt, đến khi cả người tui ngày càng chìm sâu xuống, mặc cho tui vùng vẫy. Tui cảm thấy chừng như mình sắp ngất, mắt tối sầm, lúc này tui lại thầm nghĩ: “Mạ ơi!…Mạ ơi! Lần ni là con chết thiệt rồi, Mạ ơi!…” Tự nhiên, tui đâm ra bình tĩnh dễ sợ, thản nhiên đón cái chết như anh nông dân cày xong thửa ruộng (xéo) rứa!

Rứa mà, trời chưa cho tui chết. Khi chìm xuống đáy hồ, tui lại ra sức đạp mạnh để ngoi lên thở, may gặp được mô đất cứng nên tui cũng nổi lên được. Mừng quá, tui ra sức nhoài người, tay quạt, chân đạp, cuối cùng cũng đến nơi. Nằm ngữa một tí lấy lại sức, tôi liền mò mẫm lần theo bờ hồ và bên dưới đường lộ để về Trung đoàn bộ dưới bộ dạng lôi thôi, lếch thếch. Về đó, còn có một đám tàn quân của các tiểu đoàn sau khi chạy làng, trông họ như không còn sức sống. Ông Hai Bô – Trung đoàn phó, quê miền Tây Nam bộ cầm khẩu K59 ra hô hào trở lại: “Đù má! Tụi bây quay lợi uýnh đi!” mà chẳng có thằng nào buồn đáp. Rứa là hết câu chuyện lần đầu suýt chết của tui ở chiến trường Campuchia ác liệt!…

Mạ ơi!…. Con đã già rồi!…. Con ngồi nhớ Mạ trong ngày Vu Lan!…

Trần Tuấn

MẸ

Ảnh minh hoạ từ internet

Kính dâng Mẹ

Mẹ ơi sao chiều này buồn quá !
Khi con về lại bến sông xưa
Bến đã không còn – đò cũng thôi đưa
Trời  ảm đạm  hắt hiu chiều quạnh quẽ …

Bến đò này năm xưa con về quê Mẹ
Cách quê Cha chỉ một giòng sông
Bên lở bên bồi khi đục khi trong
Bên đất thịt – bên phù sa  bãi chiều nhuộm nắng.

Con lớn lên giữa mướp cà khoai sắn
Nước lên đồng nhờ cần vọt giếng sâu
Về quê Mẹ bao ruộng vườn xinh xắn
Nước bờ xe đầy tưới mát đêm thâu
Quê Mẹ quê Cha khắng khít cau trầu…

***

Con ra đi  thương bến đò thuở ấy
Nay đổi mai dời như chính đời con …
Buổi chiến tranh sông núi cũng vương buồn …
Ba mất một ngày hòa bình chưa lại
Mẹ ở quê nhà hiu quạnh hôm mai…

Rồi con đi xa … quê người biền biệt…
Bao năm rồi mây núi trắng bạc phau
Giòng sông  thương yêu  bao lần nước thay màu
Bãi cát vắng quê nhà Mẹ già chiếc bóng …

Mẹ là quê hương suốt đời con tưởng vọng
Mẹ là cội nguồn của mọi tình thương
Con yêu quê nghèo một nắng hai sương
Bởi nơi ấy chắt chiu hình bóng Mẹ…

***

Mẹ ơi! Sao chiều này buồn quá !
Khi con về lại bến sông xưa…
Thương Mẹ sinh thời trong nắng vàng thưa
Gánh nặng quê Cha giữa đời khó nhọc…

Mẹ ơi chiều nay con khóc …
Thương tưởng Mẹ nhiều … sông cạn trông mưa
Con tìm về ngày bên Mẹ năm xưa
Sông nước dạt dào ấm êm tình Mẹ
Đò đầu làng nối nhịp hai quê …

QuangNgai-Bangkok, năm 2000

GS Huỳnh Ngọc Phiên

THĂM MỘ ALEXANDRE DE RHODES TẠI BA TƯ – TRI ÂN NGƯỜI KHAI SÁNG CHỮ QUỐC NGỮ VIỆT NAM

Xin cám ơn người, một vị đại ân nhân của những người con nước Việt. Xin tri ân người với lòng kính yêu sâu sắc: Alexandre de Rhodes

“Từ thuở còn sinh viên, khi được học về nguồn gốc chữ Quốc ngữ mà chúng ta có được để sử dụng một cách dễ dàng và tiện lợi như ngày nay. Tôi đã thầm cảm ơn những nhà truyền giáo phương Tây, đặc biệt là Alexandre de Rhodes, người đã có đóng góp lớn lao trong việc hoàn thiện hệ thống bảng chữ cái cho người Việt Nam của chúng ta.

Và may mắn thay, trong chuyến đi Ba Tư (Iran) lần này. Một cơ duyên vô cùng quý báu đã giúp tôi có cơ hội đến viếng thăm ngôi mộ, nơi yên nghỉ của ông trong một nghĩa trang nằm ở ngoại ô của thành phố Esfahan, Iran.

Chân dung người sáng tạo chữ Quốc ngữ Việt Nam – Alexandre de Rhodes

SỰ CHỈ GIÚP CỦA NHỮNG NGƯỜI BẠN TỐT BỤNG

Từ lời gợi ý của một chị bạn, chúng tôi biết được thông tin về ngôi mộ của Alexandre de Rhodes được an táng trong một nghĩa trang công giáo của người Armenia tại Esfahan. Nhưng do thời gian lưu lại nơi đây khá ngắn, vì thế hy vọng được đến viếng thăm ngôi mộ của ông là khá mong manh cho chúng tôi.

Khi nghe chúng tôi nói về ước nguyện của mình, cô Malih – một Hướng dẫn viên người Iran vô cùng thông cảm và hết sức tận tình giúp đỡ. Mặc dù với thâm niên hơn 10 năm làm nghề hướng dẫn viên, đã đưa biết bao nhiêu đoàn khách từ khắp năm châu đến thăm Esfahan, nhưng là người Hồi giáo cho nên cô chưa hề biết đến thông tin về khu nghĩa trang người công giáo Armenia nằm ở đâu. Và cô cũng không hề biết đến thông tin nào về Alexandre de Rhodes.

Người đã giúp anh Trường có được tờ giấy phép vào thăm mộ ngài Alexandre de Rhodes

Sau quá trình tìm kiếm, thông qua một người bạn gốc Armenia, cô Malih hỏi thăm được địa chỉ của nghĩa trang. Nhưng vấn đề là không phải ai cũng được vào thăm nghĩa trang. Mà cần phải có sự đồng ý của người quản lý ở nghĩa trang.

Một lần nữa, chúng tôi may mắn gặp được một vị quản lý ở nhà thờ Vank, ông đã nhiệt tình viết cho chúng tôi một tờ giấy phép để xuất trình cho người quản lý ở nghĩa trang.

Cầm tờ giấy trên tay, chúng tôi vội vàng đi về phía ngoại ô thành phố Esfahan. Nơi có nghĩa trang của cộng đồng người Armenia sống tại đây.


NƠI NGƯỜI NẰM XUỐNG

Trước mặt chúng tôi là một nghĩa trang rộng lớn. Những dãy mộ xếp hàng dài nối bên nhau mênh mông. Chúng tôi biết là sẽ không dễ dàng để tìm ra vị trí lăng mộ của ngài. Chúng tôi tìm gặp một cụ già quản mộ ở đây dò hỏi. Cụ nhanh chóng lên xe đưa chúng tôi đến ngôi mộ có tên Alexandre de Rhodes….

Đường vào nghĩa trang nơi Ngài Alexandre de Rhodes an nghỉ

Hôm chúng tôi đến, là ngày đầu năm mới của tết cổ truyền Nowruz của người Ba Tư (Iran), một vài ngôi mộ gần đấy được đặt những chậu hoa. Còn ngôi mộ của ông không có một cành hoa nào, đó chỉ là một nấm mồ nhỏ làm bằng một tảng đá hình chữ nhật nằm khép mình khiêm tốn bên những ngôi mộ khác.

Anh Trường cùng thành viên trong Đoàn mua hoa trước khi đến thăm mộ Ngài Alexandre de Rhodes

Một niềm xúc cảm thân thương nghẹn ngào mà tôi không thể tả thành lời đang tuông chảy trong tôi. Đây là nơi an nghỉ của người đã có đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc Việt Nam. Dưới lớp đất ấy là thi hài của một người phương Tây xa lạ.

Ông đã mất từ gần 4 thế kỉ trước nhưng ông là người đã giúp cho dân tộc Việt Nam có được một bảng chữ cái với các thanh sắc uyển chuyển nhẹ nhàng, nhằm để ghi lại và diễn đạt tiếng mẹ đẻ của người Việt Nam.

Mộ ngài Alexandre de Rhodes

Đặt một chậu hoa tím mua được trong một hiệu bán hoa tết của người Iran lên mộ ông. Chúng tôi không ai nói lời nào. Nhưng giữa chúng tôi có một sự đồng cảm sâu sắc. Chấp tay lên ngực, tôi khẽ cúi đầu xin gửi đến người một lời tri ân sâu sắc.

Nhìn thái độ thành khẩn và tôn kính của chúng tôi dành cho người nằm dưới nấm mộ. Người quản trang hỏi cô Malih: “ông ấy là ai mà chúng tôi có vẻ tôn kính thế?”. 

Và ông đã vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng đây là người đã có công hoàn thiện bảng chữ cái cũng như xuất bản những quyển tự điển Việt – Bồ – La tinh đầu tiên cho người Việt Nam từ những năm 1651.

Anh Trường đặt lên mộ ngài bó hoa tươi thắm với tấm lòng thành kính

NGƯỜI QUẢN NGHĨA TRANG

Qua cuộc chuyện trò, tôi đuợc biết người quản trang có tên gọi là Rostam Gharibian, ông đã làm việc ở đây được 17 năm.

Tôi hỏi, trong 17 năm đó có bao giờ ông thấy ai là con cháu hay người thân của ngài Alexandre de Rhodes đến viếng mộ ông ấy hay không.

Thoáng chút đăm chiêu, ông trả lời rằng: vì là một thầy tu cho nên khi mất đi cũng như bao người khác Alexandre de Rhodes cũng không có vợ con. Và họ hàng thì cũng ở xa tít tận châu âu cho nên chắc cũng không ai còn nhớ.

Vì thế trong 17 năm nay ông cũng chưa hề nghe thấy một người họ hàng hay con cháu nào của ông đến thăm. Chỉ thỉnh thoảng đôi khi ông thấy có một vài người Việt Nam đến viếng mà khi đó thì ông cũng không biết họ là ai và có quan hệ như thế nào với người đã mất…

Anh Trường cùng người quản trang Rostam Gharibian

THAY LỜI TRI ÂN

Theo truyền thống của những người Iran, tôi lấy một ít nước rửa lên nấm mồ của ông. Những giọt nước mát trong chảy lên bia mộ ông tựa như lời thì thầm của chúng tôi xin gửi đến người. Cả một đời ông cống hiến vì đạo. Và trong quá trình truyền giáo, với mục đích mong muốn truyền tải những thông điệp trong kinh thánh một cách dễ dàng hơn.

Ông đã không quản khó nhọc để tìm cách sáng tạo ra bảng chữ cái tiếng Việt. Và đến khi cuối đời, Ngài đã lặng lẽ nằm lại nơi xứ người. Có lẽ giờ đây ông không còn một người bà con họ hàng nào nhớ đến ông để thỉnh thoảng ghé thăm, chăm nom nấm mồ của ông nữa, nhưng có lẽ ông cũng ấm lòng khi biết rằng vẫn còn đó những người con nước Việt.

Vẫn còn đó hơn 90 triệu người con nước Việt trên khắp 5 châu sẽ mãi mãi không bao giờ quên ơn ông. Người đã có công vĩ đại trong việc chấm dứt 1000 năm tăm tối, 1000 năm khốn khó khi những người Việt phải đi mượn chữ Tàu ghi lại tiếng Việt.

Những người con đất Việt kính cẩn nghiêng mình trước mộ ALEXANDRE DE RHODE

Và giờ đây, hạnh phúc thay. Chúng ta đã có được bảng chữ cái của riêng mình. Một bảng chữ cái dựa trên các ký tự La Tinh nhưng vô cùng uyển chuyển và dễ học.

Xin cám ơn người, một vị đại ân nhân của những người con nước Việt. Xin tri ân người với lòng kính yêu sâu sắc: Alexandre de Rhodes !”

Esfahan, Iran. 21/3/2017

Trần Văn Trường – GĐ VYC Travel

Nguồn: https://vyctravel.com/tin-tuc/tin-tuc/tham-mo-alexandre-de-rhodes-tai-ba-tu-tri-an-nguoi-khai-sang-chu-quoc-ngu-viet-nam.html

(Phan Nữ Lan giới thiệu)

Tinh thần quốc dân

Nguyễn Hồng Lam 07:57 – 22/08/2023 – Văn nghệ Thái Nguyên

VNTN- Ngày 2/9/1945, tại Hà Nội, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hàng chục vạn quần chúng lao khổ đã ngẩng mặt kiêu hãnh đón nhận vị thế công dân một quốc gia độc lập vừa giành được từ tay đế quốc Nhật Bản…

Tướng Umezu, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nhật ký văn kiện đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện trên chiến hạm USS Missouri, ngày 2/9/1945 (ảnh tư liệu lịch sử).

Cũng ngày 2/9/1945, trên chiến hạm USS Missouri của Mỹ neo đậu trong vịnh Tokyo, tướng Umezu, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhật Hoàng, có Ngoại trưởng Shigemitsu và nhiều thành viên nội các khác đứng nghiêm trang phía sau, đã cúi thấp người ký văn kiện đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện. Trước sự chứng kiến của hàng loạt tướng lĩnh Đồng Minh, gồm: Đô đốc Nimitz của Mỹ, Tướng Xu Yongchang của Quốc Dân Đảng Trung Quốc, Đô đốc Fraster của Anh, Trung tướng Derevyanko của Liên Xô, Trung tướng Blamey của Úc, Thiếu tướng de Hauteclocque của Pháp, Phó Nguyên soái Isitt của New Zealand và nhiều sĩ quan cao cấp của một số quốc gia Đồng Minh khác…, Thống Tướng McArthur, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã trịnh trọng đọc lời chấp thuận cho Nhật đầu hàng.

Kể từ hôm đó, từ vị thế một đế quốc hùng mạnh, làm mưa làm gió khắp Châu Á, nước Nhật đã phải khép mình sống lệ thuộc dưới chính sách hậu chiến McArthur. 

Nhưng trái tim họ vẫn trỗi lên những nhịp đập mạnh mẽ. Người Nhật chấp nhận vị thế chiến bại, nuốt trái đắng thua cuộc vào lòng để làm lại từ đầu. Và họ đứng dậy. Chỉ 15 năm sau, từ hoang tàn, đổ nát và kiệt quệ, họ đã vượt lên thành một quốc gia công nghiệp phát triển. Miền Nam Việt Nam, nửa quốc gia chiến thắng, đã vui mừng, hồ hởi đón nhận những khoản viện trợ. Nhà máy thủy điện Đa Nhim, Bệnh viện Chợ Rẫy, công trình Thủy lợi Kênh Nam, Kênh Bắc (thường gọi chung là mương Nhật) ở cả Bắc và Nam tỉnh Ninh Thuận… đều được Nhật giúp xây dựng từ thập niên 1960, đến nay vẫn phát huy tác dụng và không thể thay thế.

Bây giờ, sau gần 80 năm, Việt Nam vẫn là quốc gia nhận nhiều nhất Viện trợ không hoàn lại, Viện trợ phát triển từ Nhật Bản, quốc gia chiến bại có bầu trời u ám, có con người cúi đầu trong ngày chúng ta đang ngẩng đầu mơ bầu trời xán lạn!

Hãy nhìn nhận cho đúng, sòng phẳng và nghiêm túc. Khi nói về thực tế chậm phát triển, lạc hậu lâu dài của Việt Nam, xin đừng đổ lỗi cho những cuộc chiến tranh, dù nó là sự thật lịch sử. Bởi lẽ, chiến tranh thật sự đã lùi xa đất nước chúng ta những gần nửa thế kỷ (1975 – 2023), gấp 3 lần khoảng thời gian Nhật Bản từ tro tàn thảm bại vươn mình thành một cường quốc kinh tế (1945 – 1960), và sau đó tiến như vũ bão. Phải thừa nhận, cái khác cơ bản chính là cái khác tâm thế giữa con người hai dân tộc.

Người Nhật biết nhún mình, cúi đầu để chìa tay cùng bè bạn, thậm chí cùng cựu thù ở bên ngoài, nhưng bên trong là niềm kiêu hãnh, tự tôn, là ý chí vượt lên chính mình trong những cố gắng khiêm tốn chưa bao giờ nguôi tắt. Còn người Việt, chúng ta quá quen với sự cao ngạo chiến thắng, kiêu hãnh ngẩng đầu với những chiến tích, thật ra chỉ để khỏa lấp mặc cảm tự ti, một tâm thế dân tộc dễ bị tổn thương, dễ nảy sinh hoang mang đố kỵ từ trong sâu thẳm. Ta tự kìm hãm ta vì mặc cảm bé nhỏ, luôn tự đặt mình vào vị thế đáng thương của một nạn nhân, dù là nạn nhân đã giành chiến thắng. Kẻ thiếu tự tin ưa mơ ước nhỏ nhoi, thiển cận, thường dễ sa vào những hành vi nhỏ nhen, không minh bạch.

Tôi sẽ không so sánh sự khác biệt trong ý thức hệ và cấu trúc chính trị của hai quốc gia để lấy đó làm nguyên nhân giải thích sự phát triển hay tụt hậu. Và nếu có, điều đó sẽ được phân tích trong một phản biện khác. Bởi lẽ, dù phát triển vượt bậc, trong nhiều thập niên sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền chính trị Nhật Bản vẫn đầy rẫy những biến động. Cùng với Thái Lan, một quốc gia yên bình không bị cuốn vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong thế kỷ XX, Nhật Bản là quốc gia châu Á thay đổi nội các nhiều nhất, luôn xoành xoạch. Thực trạng này chỉ thật sự lắng lại, ổn định hơn khi chạm ngõ thế kỷ XXI, nghĩa là kéo dài liên tục hơn 50 năm. Đã có những thời điểm, nội các nước Nhật bị chi phối bởi cả chính sách hậu chiến McArthur lẫn sự thao túng của các tập đoàn tội phạm Yakuza. Nhưng ngay cả trong những giai đoạn đó, người Nhật công dân vẫn luôn nhìn về một hướng. Họ vẫn mạnh mẽ trong khiêm tốn để góp sức tái thiết và phát triển đất nước mình.

Còn Việt Nam, nhất là từ sau 1975, cho dù đã hoàn toàn thống nhất, đã có một thể chế chính trị đồng nhất, một con đường chính trị duy nhất thì lòng người vẫn ly tán. Con đường xây dựng và phát triển lấp ló quá nhiều ngã rẽ đi ngang về tắt; cũng nảy nở quá nhiều những khúc quanh của lòng tham quyền lực. Không ít người Việt cò con, ỷ lại, cam chịu, tự dối mình và ưa níu chân người khác. Sự thống nhất bên ngoài không che kín được cho sự phân tâm bên trong lòng người. Ở một góc nhìn nào đó, xã hội Việt Nam là một khối chuyển động Brown khổng lồ với hành vi cá nhân, mục đích cá nhân không quỹ đạo và khó kiểm soát, kéo dài hàng nhiều thập kỷ.

Cái người Nhật có, để phát triển, là tinh thần quốc dân trong mỗi công dân, được đặt trong tinh thần xã hội pháp trị từ thời Minh Trị. Tinh thần quốc dân được xây dựng và phát triển dựa trên niềm tin vào con người, sự tự trọng, tự giác, tinh thần ái quốc, ý thức trách nhiệm. Nó được bảo đảm và giáo dục để phát huy dựa trên nền tảng thượng tôn luật pháp. Giáo dục tinh thần quốc dân trước hết là giáo dục và khơi dậy lòng tự trọng, trong trách nhiệm của mỗi cá nhân, trong đời sống lao động và giao tiếp hàng ngày.

Say sưa với những hào quang quá khứ, chúng ta mất quá nhiều thời gian để hướng nền giáo dục tới những niềm tự hào, niềm kiêu hãnh nặng tính khẩu hiệu, bỏ qua sự cần thiết bắt buộc giáo dục lòng tự trọng và ý thức trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm công dân. Chúng ta lấy mục đích đẹp đẽ, hào nhoáng thay cho phương pháp kỷ luật, nền nếp cần phải có. Nhiều thế hệ người Việt đã trở nên ảo tưởng và kiêu ngạo. Mục đích sống tử tế, cống hiến bằng sự cố gắng và nhẫn nại bị bẻ lệch thành mục đích tìm kiếm sự kiêu ngạo, từ vật chất đến quyền lực. Xã hội trở nên thiếu sức đề kháng, co rúm mình trước những tác động từ sự thay đổi của thế giới quanh ta, dẫn đến nhìn đâu cũng chỉ thấy nguy cơ và đối thủ, nếu không nói là kẻ thù.

Có thể nói, xã hội Việt Nam bị tụt hậu về nhiều mặt vì thiếu hẳn tinh thần quốc dân, nhất là ở giai đoạn mở cửa, ý thức cá nhân lên ngôi. Không nhận ra chân ngọn, chúng ta loay hoay chống đỡ sự băng hoại, sự thua kém bằng cách thỏa hiệp, từ thỏa hiệp cá nhân dẫn đến ảnh hưởng ở tầm quốc gia. Thiếu ý thức công dân và tinh thần quốc dân, từ một dân tộc kiên cường trong chiến tranh, chúng ta dễ trở thành một dân tộc bạc nhược, dễ tổn thương giữa thời bình.

Muốn thay đổi, không còn cách nào khác, chúng ta cần khiêm tốn và can đảm xác định lại: chúng ta chỉ mới ở không xa vạch xuất phát. Đừng quá ảo tưởng tụng ca những thành tựu không bền vững. Cái cần nhất phải là giáo dục ý thức thượng tôn luật pháp trong mỗi công dân, để từ đó khơi dậy và củng cố tinh thần quốc dân cho toàn xã hội.

Bất kỳ công dân một quốc gia nào, dù thiên kiến chính trị có khác nhau, cũng mong được nghĩ về ngày độc lập, ngày quốc khánh đất nước mình với một niềm tự hào, tin tưởng. Tôi cũng thế và bạn cũng thế. Nhưng phải nhìn rõ thực tế: trước, trong và sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, xã hội đã và vẫn có quá nhiều điều đáng để âu lo. Thời sự là những trang tin đầy những vấn đề nghiêm trọng để phải đối phó. Sau gần tám thập niên độc lập, chúng ta đang để tuột mất một cơ hội cho tinh thần quốc dân đáng tự hào trỗi dậy. 

Một quốc gia sau gần tám thập niên vẫn chưa xây dựng được nền móng tinh thần vững chắc thì khoan mơ tưởng sẽ xây dựng thành công một công trình kỳ vĩ nào khác.

Đề cập đến thực tế đáng buồn này, thật tâm tôi không muốn. Viết ra, rất có thể nó sẽ làm nảy sinh những tranh cãi, bất đồng. Bên thềm Quốc khánh, là một công dân, tôi ý thức rõ: chính trị xã hội còn nhiều điều nhạy cảm. Tôi không muốn bài viết chuyển tải ý kiến nặng lòng, góc nhìn tâm huyết của cá nhân tôi có thể tạo nên một vết mẩn ngứa, dù nhỏ, trên cơ thể xã hội vốn đã quá mẫn cảm với sự bất ổn. Nhưng nếu chúng ta đều nghi ngại, ngay cả điều lo buồn nhìn thấy cũng không dám nói, chính chúng ta cũng sẽ rơi tõm trong vũng tự ti. Và như thế, những mối lo cho mình, cho đời bao giờ mới có thể cất? Viết, nói ra, đó cũng là cách tôi thể hiện tinh thần quốc dân trong cá nhân tôi. Tinh thần quốc dân ấy vẫn luôn đầy ắp, chưa bao giờ bị lãng quên hay chịu sự chi phối nào, ngoài ý thức trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và rộng hơn, với xã hội và đất nước mà tôi yêu quý.

Nguyễn Hồng Lam

Nguồn: https://vannghethainguyen.vn/tinh-than-quoc-dan-p49962.html?fbclid=IwAR0moNZeXRGY_TaPTPMGPJUmmjsY2ZuYGa-YEt1ebAr_ww-LV0A8oj96XX0

***

Mời đọc thêm bài của GS Mạc Văn Trang với chủ đề tương tự:

CÁI CÒN LẠI và CÁI CÒN THIẾU

Mạc Văn Trang

Chuyện TP Đà Nẵng phải hoãn đặt tên đường phố mang tên hai giáo sĩ Francisco De Pena và Alexandre De Rhodes do có 12 người ký tên phản đối, đã có nhiều người bàn luận. Tôi đã định không viết gì về chuyện này nữa, nhưng hôm nay lại nhận được một bài viết, của một người, nêu thêm mấy lý do.

Gộp cả lại, mấy người phản đối hoặc chưa đồng tình, vì cho rằng:

– Các vị giáo sĩ này Latinh hóa tiếng Việt nhằm mục đích truyền giáo chứ không nhằm giúp dân Việt Nam có chữ Quốc ngữ (Món quà vô tình, nên không cần cám ơn);

– Các vị giáo sĩ có liên quan đến chuyện Pháp xâm lược Việt Nam, vậy là có tội, sao lại có công (Dù các vị này đã chết hơn 200 năm, trước khi Pháp xâm lược Việt Nam);

– Latinh hóa là xu thế quốc tế vào thế kỷ XVI – XVII, Nhật, Trung quốc, Ấn độ, các nước Ả Rập… cũng tiến hành Latinh hóa chữ viết của họ, chứ đâu chỉ có Việt Nam … (Nhưng xin thưa, họ không thành công, nên nay vẫn dùng chữ riêng của họ, hoặc dùng tiếng Anh);

– Các giáo sĩ này không làm việc Latinh hóa Tiếng việt thì cũng sẽ có người khác làm (Nói vậy, cũng như nói, nếu ông không là bố tôi, mẹ tôi cũng lấy người đàn ông khác và cũng đẻ ra… tôi!);

– Chữ Quốc ngữ là công của nhiều giáo sĩ, chứ đâu chỉ có hai ông này. (Nhưng, thưa, hai ông này có ghi rõ tên tuổi trong những công trình còn lưu giữ đến nay, các ông cũng ghi rõ đã tiếp thu cái gì, làm thêm cái gì, chứ không đạo văn);

– Chữ Quốc ngữ được bảo tồn và phát triển là nhờ công của nhiều người truyền bá, nhất là công người Pháp mở trường dạy chữ quốc ngữ, rồi bao nhiêu phong trào, chữ Quốc ngữ mới phát triển rực rỡ như ngày nay…(Vâng, những người nổi danh từ chữ Quốc ngữ đã được vinh danh rồi: Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phan Khôi… Nhưng hai ông “Tổ nghề” thì lại chưa “đạt yêu cầu”!

Nhân sự kiện này tôi nhớ tới câu nói nổi tiếng của nhà nghiên cứu văn hóa Pháp Edouard Herriot: “Văn hóa là cái còn lại khi ta quên đi tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả”.

“CÁI CÒN LẠI”… của Francisco De Pena và Alexandre De Rhodes đó chính là CHỮ QUỐC NGỮ toàn dân Việt Nam đang dùng; nó hay, nó đẹp, nó tiện ích ra sao, nên nó mới được bảo tồn và phát triển rực rỡ như ngày nay và chắc là Tiếng ta còn, thì Chữ Quốc ngữ sẽ trường tồn cùng dân Việt.

Nào, bao nhiêu vị được đặt tên đường phố, quảng trường… hỏi mỗi vị ấy có cái gì “CÒN LẠI” có ích cho dân tộc hôm nay? Chắc không nhiều lắm đâu!

Bới móc quá khứ, tội lỗi, cái “xấu” của nhau ra theo con mắt của thời nay thì kinh lắm đấy!

Giá trị Văn hóa, Lịch sử của mỗi Con người – Nhân cách của người ấy, chính là sau khi đã quên đi tất cả, họ CÒN LẠI cái gì CÓ GIÁ TRỊ cho hôm nay và mai sau?

“CÁI CÒN THIẾU” trong câu chuyện phản đối đặt tên đường phố mang tên Francisco De Pena và Alexandre De Rhodes là gì? Là SỰ HỌC HỎI!

Không chỉ 12 vị ký tên phản đối đặt tên đường hai giáo sĩ đâu! Dân ta, nói chung là thế! “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”; “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”… Khi trong lòng chứa chất đầy thù hận, định kiến “không tan” thì chẳng nhìn ra đâu là chân lý.

Hãy xem NGƯỜI NHẬT.

Người Mỹ đã ném 2 quả bom nguyên tử xuống TP Hiroshima (6/8/1945) và TP Nagasaki (9/8/1945), rồi sau đó Thống tướng Douglas MacArthur Tư lệnh Tối cao Tổng lực lượng Đồng Minh Vùng Tây Nam Thái Bình Dương, lực lượng chủ yếu đánh tan đội quân hùng mạnh của Nhật tại Châu Á – Thái Bình dương, đem quân vào chiếm đóng nước Nhật. Ông ta trực tiếp “bắt” Nhật Bản ký “đầu hàng nhục nhã” ngày 2/9/1945. Rồi ông ta đem 350 ngàn quân chiếm đóng Nhật bản suốt hơn 5 năm (1945 – 1951).

Ông ta đã tha tội chết cho nhà vua Nhật, đáng lẽ là tội phạm chiến tranh đầu sỏ, nhằm “duy trì chế độ phong kiến thối nát”; ông ta xây dựng nên một “Chính phủ bù nhìn, làm tay sai cho Mỹ”; ông ta làm ra một bản Hiến pháp mới “cưỡng bức từ vua quan đến toàn dân nhật phải tuân theo”; ông ta “áp đặt” hàng loạt chính sách tái thiết, phát triển Nhật Bản thành mô hình Tư bản mới… Ông ta đại diện cho đế quốc Mỹ, trực tiếp gây “tội ác tầy trời với Nhật”…

Ông ta còn “mắc nhiều khuyết điểm trầm trọng” nên bị Tổng thống Harry S. Truman triệu hồi về nước ngày 11 tháng 4 năm 1951.

Nhưng điều kỳ lạ là, trong Hồi ký của Kiichi Miyazawa (Thủ tướng Nhật nhiệm kỳ 1991-1993) có đoạn viết:

Ngày 11/4/1951, báo đài đưa tin MacArthur bị miễn chức. Tin này làm người Nhật vô cùng sửng sốt, họ không thể nghĩ tới chuyện Thống tướng MacArthur – người nghiễm nhiên tự cho mình là Thái Thượng Hoàng nước Nhật lại có thể bị bãi miễn dễ dàng bởi một mệnh lệnh của Tổng thống. MacArthur là người nắm quyền lực tối cao ở Nhật. Hàng ngày ông đi làm và về nhà bằng xe cắm quốc kỳ Mỹ. Khi ấy giao thông trên các đường phố xung quanh trụ sở Bộ Tư lệnh SCAP đều bị cấm, quân cảnh Mỹ đứng trên các ngã tư chỉ huy giao thông… Ngày 16/4, MacArthur rời Tokyo về Mỹ. Hôm ấy dân chúng Nhật đứng chật kín suốt hai bên đường từ trụ sở SCAP tới sân bay Haneda. Thủ tướng Nhật cùng toàn thể thành viên Chính phủ ra sân bay tiễn đưa. Tôi đứng sau Bộ trưởng Tài chính, đối diện với chiếc chuyên cơ. MacArthur cùng vợ và con trai lần lượt bắt tay từng quan chức. Khi MacArthur bước lên thang máy bay, một quan chức Nhật bỗng hô to “MacArthur muôn năm !” Thế là tất cả mọi người đều giơ tay hô theo “Muôn năm”…. (Dẫn theo Nguyễn Hải Hoành, http://nghiencuuquocte.org/…/macarthur-nguoi-mo-cua…/).

Người Nhật thế đó. Và nước Nhật đến 1968 đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và luôn là đồng minh tin cậy của nước Mỹ.

Có phải “CÁI CÒN THIẾU” của người Việt Nam là vẫn chưa học được như người Nhật?

29/11/2019

Mạc Văn Trang

VU LAN NHỚ MẸ

VU LAN về lại nhớ Mẹ nhiều hơn, dù hình bóng và tình thương của Mẹ luôn song hành với cuộc đời minh.

VU LAN NHỚ MẸ

MÙA VU LAN QUÝ MÃO 2023.

Mấy mươi năm qua rồi,

Hơn 20 có lẽ,

Từ ngày con mất Mẹ,

Tóc cũng điểm hai màu,

Trắng, đen hoà với nhau,

Như nổi nhớ, niềm đau,

Cuộn tròn tim nhức nhối…

Hái vài ba lá vối,

Hay ít cọng chè tươi,

Nước vàng óng ánh hơi,

Dâng lên mời Ba Mẹ.

Từ khi còn bập bẹ,

Cho đến tuổi trưởng thành,

Rồi lúc lập gia đình,

Mẹ vẫn nặng ân tình,

Chăm con và nuôi cháu…

Mẹ ơi ! Mẹ- của báu,

Cánh mai vàng đầu Xuân,

Nén nhang khắc nghĩa ân,

Nỗi nhớ Mẹ lâng lâng,

Rồi AN CƯ- “Vào Hạ “,

Sen trắng hương toả xa,

Lạy Đức A- DI- ĐÀ,

Đọc Chú và trì niệm,

Con một lòng cầu nguyện,

Xin sám hối mỗi ngày,

Tránh xấu, học điều hay,

Hồi hướng và hộ niệm,

Cho Mẹ Cha 7 kiếp,

Mưa Pháp luôn đượm nhuần,

Ác Đạo lìa xa dần,

Chóng tìm về Cõi Phật.

Hôm nay VU LAN nhật,

Kính lạy ngàn Chư Phật,

Chư Bồ Tát 4 phương,

Xin rủ lòng thương tưởng.

Mùa Vu Lan 2023

Mê Hoa (Truong Hoa, AV-LVC )

***

MẠ TRONG CON MÃI MÃI …

Thương nhớ Mạ suốt đời con …

Sacramento, Mùa Vu Lan 2023

Uyen Nguyen – Nguyễn Thị Yến (VH-LVC)

Tưởng Như Trở Về – Nha Trang xưa

Tùy bút

Điệp-Mỹ-Linh

Thành phố Nha Trang xưa
Đường dọc bờ biển Duy Tân, nay là con đường Trần Phú đẹp nhất Nha Trang

“Hà-Nội dịu dàng, Hà-Nội thướt tha, Hà-Nội quyến rũ…” Bằng một giọng không còn là Bắc-Kỳ nguyên thủy, diễn giả nhấn giọng ở dấu nặng mỗi khi lập lại danh từ riêng “Hà-Nội”. ..

Cứ mỗi lần chữ “Nội” được phát âm, cái dấu nặng dường như nặng hơn và dội thẳng vào tâm thức tôi; ở đó bao kỷ niệm ấu thơ đang yên ngủ, bỗng trở mình, thức giậy.

Trong khi diễn giả vẽ ra những cảnh sắc nên thơ, những con đường yêu mến của Hà-Nội thuở xưa thì hồn tôi như ngây, như dại, âm thầm tìm về những ngõ ngách quanh co của một quá khứ mịt mùng; nơi có tiếng sóng rì rào bên bờ cát mịn, tiếng chuông chùa đồng vọng trên đồi cao, tiếng chuông nhà thờ ngân vang khi chiều xuống và tiếng xình xịch rã rời của chuyến tàu đêm.

Bỗng dưng tôi tưởng như tôi thấy được chuyến xe lửa mệt nhọc đang hổn hển thở từng ngụm khói đen sì giữa cánh đồng bao la. Và từ một toa xe dơ bẩn, tôi đang lặng người, trải dài bao thương nhớ theo từng vết lăn trên đoạn đường đầy rỉ sét.

Khi tàu đến Suối-Dầu, nhìn ánh nắng mỏng lướt nhẹ trên rừng cao su xanh rì và chiếc cầu nhỏ bắt ngang con suối cạn để vào Quận đường, tôi không nén được xúc động! Phạm-Đình-Phê, ngón đàn vĩ cầm không đối thủ của Nha-Trang đã phục vụ nơi đây, một thời. Nếu thính giả đài phát thanh Nha-Trang từng mê hoặc tiếng vĩ cầm của Phê thì các cô gái Nha-Thành cũng nghe lòng mình đắm say khi tiếng Tây-Ban-Cầm của Phê dìu dặt trong điệu Rhumba Melody trầm buồn vào những buổi họp mặt. Bây giờ, tôi không hiểu sau bao nhiêu năm tù đày, ngón đàn của người anh cô cậu có còn làm nhức nhối lòng người nghe hay anh phải bán đàn và sử dụng những ngón tay thon dài ấy vào động tác lao động để mưu sinh? Tôi thở dài, nhìn rừng cao su im lìm lùi lại phía xa.

Tàu tiến vào Thành, nơi xuất phát loại mít ráo dày cơm, xơ ít; loại ô mai ngọt, bùi, màu vàng tươi như lòng đỏ trứng gà; loại vú sữa nếp dày cơm, hạt nhỏ; loại sam-bô-chê ngọt như mật; loại chuối tiêu trái nhỏ nhưng thơm khi chín vàng.

Mùi thơm của chuối chín chắc chắn không giống mùi thơm của lúa. Nhưng màu vàng của chuối chín cây lại rạng rỡ chẳng khác chi màu vàng của cánh đồng lúa từ đường rầy xe lửa vào đến bìa làng; nơi đó, những mái nhà ngói đỏ thẹn thùng núp sau vườn cây ăn trái. Trong những vườn cây ấy, tôi biết chắc chắn thế nào cũng có cây mận với những trái đỏ hồng, hình quả chuông; cây chùm ruột với những trái nho nhỏ, kết thành chùm, từ xa trông như chùm nho xanh; cây bông điệp với những đóa hoa nhỏ nhắn màu vàng xen lẫn đỏ.

Tàu đến Cây-Dầu-Đôi, nơi có ông thầy bói nổi tiếng một thời. Con tàu vẫn tiến về phía trước nhưng hồn tôi lại lui về quá khứ, vì thấy cây cổ thụ vẫn tỏa rộng bóng mát êm đềm trên con đường nhựa ngập nắng.

Trên con đường ngập nắng ấy, đã biết bao lần tôi cùng bạn bè đạp xe đạp từ Nha-Trang lên đây để xem bói. Đứa học giỏi thì nhờ thầy bói xem sẽ đậu hay hỏng; đứa học dở thì nhờ thầy bói xem có bị bảng “cót” (không đủ điểm để thi lại kỳ hai) hay không? Cũng có nhiều nam sinh đi theo chỉ với mục đích được đi cùng với một nữ sinh nào mà chàng ta ngầm để ý.

Xem bói xong, chúng tôi thường đến nhà bạn ở Bình-Can ăn thanh long. Những trái thanh long vỏ tím hồng và ruột mát, ngọt tự nhiên, bây giờ nghĩ đến cũng bắt thèm. Từ quốc lộ vào làng, chúng tôi phải đạp xe hàng dọc trên bờ ruộng khô. Những bờ ruộng này chia cách cánh đồng lúa mênh mông thành những thửa ruộng vuông vắn. Cuối những thửa ruộng ấy là lũy tre già. Bên kia lũy tre, dòng sông Cái lặng lờ xuôi ra biển, lưu lại đấy từng đụn cát im lìm.

Trên đường về, chúng tôi không quên ghé Phú-Vinh thăm bác Lê-Văn-Đào, giáo sư Anh văn và cũng là ngón đàn vĩ cầm một thời với Ba tôi ở Hội Mỹ-Thuật Nha-Trang. Chúng tôi cũng ghé thăm chú Vân-Sơn, người có ngón đàn Hạ-Uy-Cầm tuyệt vời của ban ca nhạc Bình-Minh, đài phát thanh Nha-Trang.

Sau đó chúng tôi ghé Chợ-Mới uống nước dừa tươi. Ôi! Những trái dừa xiêm nho nhỏ, xinh xinh, vừa tới độ “nạo” đã cho chúng tôi từng miếng dừa non beo béo, dòn dòn và từng ngụm nước dừa trong, mát, ngọt mà bất cứ loại giải khát nào trên hành tinh này cũng không thể sánh bằng.

Ngoài cái thú uống nước dừa, nam sinh còn thích ghé Chợ-Mới để ngắm những người con gái có làn da mỏng, trắng và mịn như da con gái Dalat. Riêng tôi, tôi thích ghé Chợ-mới để thỏa mãn khứu giác vì mùi cam sành, mùi xoài chín cây, mùi hoa chanh, hoa bưởi. Bưởi ở đây không mang tên diễm lệ như Thanh-Trà ở Huế, không ngọt đậm đà như bưởi Biên-Hòa. Nhưng bưởi ở đây mọng nước và hương vị riêng biệt của nó cộng với tý muối ớt cũng đủ làm cho dịch vị của chúng tôi tiết ra gấp bội.

Từ Chợ-Mới tôi có thể thấy mái chùa Hải-Đức vươn cao trên ngọn đồi dày đặc cây táo nhơn. Bậc cấp cao nghệu trước cổng chùa đã bao lần đếm bước chân tôi? Gốc bông sứ bên hông chùa đã bao lần nghe tiếng tôi “gạo” bài thi hoà với tiếng mõ nhịp nhàng thoát ra từ chánh điện? Mấy chú kỳ nhông có còn phóng nhanh vào khóm lá khô khi bất ngờ thấy tôi đang rón rén hái trộm đoá ngọc lan?

Chùa Hải Đức, phía Tây thành phố Nha Trang

Nhiều hôm học xong tôi men theo con đường mòn phía sau chùa Hải-Đức để sang ngọn đồi lớn; nơi chùa Phật-học im lìm sau hai hàng cây khuynh diệp, trường Bồ-Đề nương theo triền đồi thấp, và chùa Ngọc-Hội ẩn mình vào cuối ngọn đồi, về phía Tây. Từ ngọn đồi này tôi có thể thấy ngôi nhà thờ cao nghệu ở ngã sáu.

Dạo đó, những đêm Giáng-Sinh tôi thường choàng khăn voan quanh cổ, khoát chiếc áo lạnh ngắn, đi dọc theo đường Gia-Long, dưới hai hàng me sầu, rồi men theo bậc cấp bên hông nhà thờ, lên đến gốc đa, chỉ để nghe những bài thánh ca.

Cách nhà thờ không xa lắm, trên đường Nguyễn-Hoàng, Nhơn có còn cùng Ka-Lăng ru đời bằng Vần Thơ Sầu Rụng? Dàn hoa mimosa trước nhà “người” Hạ-Uy-Cầm Hà-Quang-Đức có còn nở rộ những đóa vàng hình tháp chuông? Cuối đường Thủ-Khoa-Huân, trường trung học bán công Lê-Qúy-Đôn có còn tổ chức những lớp luyện thi toán lý hóa vào mỗi mùa Hè?

Tôi vẫn nhớ, quanh trường Lê-Qúy-Đôn, hoa giấy nở rộ trên dàn, đơm bóng mát êm đềm trước những ngôi nhà tĩnh mịch. Nhiều khóm hoa giếng trắng, tím, hồng mọc hoang trên những vùng cát trắng, cạnh nhóm cây thồn bồn. Tôi thích hái hoa giếng, rút từ giữa đài hoa cái tim dài và nhỏ, rồi xoè bàn tay để cái tim lên, thổi nhẹ một tí là cái tim quay vòng vòng.

Ánh mắt tôi vượt khỏi rặng dương liễu và dừng lại nơi Trung tâm huấn luyện Không-Quân. Lòng tôi ngậm ngùi khi nghĩ đến Nguyễn-Đình-Tân, “dân” B-2, đã trở về lòng đất từ một cao độ trùng trùng! Và Nghị, người thường đi chiếc Vespa xanh xám, đến nhà tôi mỗi sáng chủ nhật để nghe ban Bình-Minh tập dượt. Là một người yêu nhạc, thích nghe nhạc, nhưng khi Nghị chết chỉ có tiếng phản lực thét gào!

Đến căn cứ Thủy-quân Lục-chiến tôi lại nhớ một lần ban Bình-Minh cùng nhóm học sinh đến đây ủy lạo binh sĩ theo lời mời của người hùng Nguyễn-Bá-Liên. Lần đó, Thúy-Minh đơn ca Em Gắng Chờ của Huỳnh-Anh, Hoàng-Thu đơn ca Mùa Thái Hòa, Thanh-Điệp vừa đệm phong cầm vừa hát bản Dạ-Khúc của Nguyễn-Mỹ-Ca và nhiều học sinh khác cũng đem niềm vui đến cho những người lính chiến. Sau đó, chúng tôi được một sinh viên sĩ quan Quân-Y, bút hiệu Hoàng-Việt-Sơn, tặng bài thơ Tiếng Đàn Đêm Trung-Thu mà nay tôi nhớ không trọn:

…. Về đây tôi đã gặp nàng,
Bên bờ biển đẹp lòng tràn nhớ thương.
Đêm Thu ai hát Nghê thường?
Phong cầm chuyển phím tay hường nhẹ buông.
……
Em về đâu? Em ở đâu?
Cho tôi nghe mãi tiếng đàn,
Tâm tình giọng hát qua làn gió đưa.
Thúy-Minh, Thanh-Điệp, Hoàng-Thu,
Những hình bóng cũ bao giờ phai đâu!…

Bây giờ không biết vị bác sĩ Quân-Y “về đâu? ở đâu?”, nhưng tôi biết người hùng Nguyễn-Bá-Liên đang ở một nơi rất yên bình và không có hận thù!

Và kia là Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân; nơi tôi có những gắn bó không rời; nơi tôi hiểu thế nào là lễ nghi quân cách của một quân chủng nặng truyền thống trưởng giả; và cũng là nơi Bùi-Tiết-Qúy, “dân” B-3 và Mùi, “dân bê bối (B-4) của tôi” đầu quân.

Qua khỏi cụm thông già nơi bệnh xá Hải-Quân là Chutt với những tô phở gà thịt thơm, bánh phở dai, nước dùng trong vắt và vài cái trứng non, ăn thơm thơm, bùi bùi.

Cách hàng phở không xa là con dốc nhỏ nối liền Chutt với Cầu-Đá. Tôi thích xuống Cầu-Đá vào mùa Thu để nhìn lá bàng bay bay trước khu phố hẹp và trong vòng rào Hải-Học-Viện; để nhìn những đợt sóng triền miên kéo về tung bọt trắng xóa bên ghềnh đá chơ vơ; để thấy con tàu an bình nhờ sự vây bọc của ngọn Corniche de Cauda và hòn Bảy-Miếu; để thấy mấy chàng Hải-Quân trong quân phục tiểu lễ trắng, áo dạ màu xanh đen, rời xe lam với những bước vội vàng.

Khoảng cách từ hòn Bảy-Miếu đến mỏm núi cuối làng Xóm-Bóng có thể gọi là “cửa lớn” của “ngôi nhà” Nha-Trang; vì muốn vào Nha-Trang bằng đường thủy phải qua vùng biển ấy.

Nơi vùng biển ấy, mỗi sáng, từng đoàn ghe lũ lượt ra khơi từ Xóm-Bóng, và mỗi chiều, từng cánh buồm no gió lửng thửng trở về. Cũng nơi vùng biển ấy, vào những đêm tối trời, những điểm sáng ly ty của đoàn ghe câu mực trông rực rỡ và kỳ bí như những vì sao lấp lánh trên nền trời đêm.

Khung cảnh cầu Xóm Bóng bắc qua cửa sông Cái
năm1988 Nha Trang. Ảnh: @diligam_te

Trên mỏm núi cuối làng Xóm-Bóng là tu viện và trường dòng. Không xa hai chốn trang nghiêm ấy, về hướng Bắc, là Hòn-Chồng; nơi dường như lúc nào sóng cũng nổi cơn cuồng nộ, dội ầm ì vào ghềnh đá cheo leo. Chính cái âm thanh vang động này và hình ảnh những lượn sóng vỡ ra trắng xóa đã đem đến cho Hòn-Chồng tính chất hùng vỹ và lãng mạn. Những lần đến đây tôi thích ngồi lặng lẽ nhìn những nhánh rong rêu sậm màu chờn vờn theo từng lượn sóng rạc rào trên những phiến đá phẳng, cạnh mặt nước. Ngoài mấy đụn cát bên bờ vắng, Hòn-Chồng chỉ có nắng, gió, đá và sóng. Trong tiếng thét gào của sóng, Hòn-Chồng âm thầm ghi lại không biết bao nhiêu mối tình thơ!

Lui về hướng Tây Nam, tôi thấy lại vườn ổi ở Lương-Sơn với bác giữ vườn đôn hậu. Ngày xưa, bất cứ toán học sinh nào đến đây, chỉ trao cho bác ít tiền tượng trưng là có thể ăn tại chỗ bao nhiêu cũng được. Ổi ở đây không lớn như ổi ở Bac Mỹ-Thuận hay Bac Vàm-Cống. Nhưng ổi ở đây da mởn, vị đậm đà, ruột đỏ hồng. Những trái ổi chín cây lại có mùi thơm ngọt ngào, lúc nào cũng quyến rũ lũ chim non.

Và đây, Tháp-Bà ngào ngạt trầm hương đang soi mình bên dòng sông Cái. Từ chân cầu Xóm-Bóng lên đến chánh điện không biết phải qua bao nhiêu bậc cấp, nhưng những người hoang mang trước nhiều uẩn khúc của dòng đời đầy hệ lụy đã tìm đến đây cầu nguyện, xin xăm. Vào dịp Tết hay cuối tuần, khung cảnh Tháp-Bà tấp nập hơn, vì lũ học trò như chúng tôi thường đến đây chụp hình, xin xăm và hái lộc.

Rời khóm cây đầy bóng mát và mấy tàng phượng vỹ đỏ rực quanh Tháp-Bà, ánh mắt tôi dừng lại một chốc nơi hòn Đá-Chữ chơ vơ giữa lòng sông Cái. Trên hòn Đá-Chữ, một cây Bồ-Đề nhỏ nhắn, lẻ loi.

Tháp Bà Ponagar thời ấy. Ảnh: @diligam_te

Nếu cây Bồ-Đề trên hòn Đá-Chữ xinh như loại cây trong chậu kiểng, thì cây Bồ-Đề trên miếu Sinh-Trung lại sum sê, um tùm như một cổ thụ. Từ mặt đường lên đến cổ thụ này cũng phải qua nhiều bậc cấp ven triền đồi. Từ đồi này nhìn xuống cửa sông Cái, doi Xóm-Cồn lặng lẽ với những mái nhà lụp xụp dưới rặng dừa xanh. Xóm-Cồn im lìm bao nhiêu thì trên đồi này cảnh vật cũng tĩnh mịch bấy nhiêu, tuy dưới chân đồi là bến xe đò Sinh-Trung nhộn nhịp, xô bồ.

Đối diện với bến xe Sinh-Trung là Rọc-Rau-Muống; nơi rau muống được trồng từng ao, từng ruộng, lan mãi đến đường Trần-Qúy-Cáp. Chính sự hiện diện của những ruộng rau muống đã tạo nên giao điểm của sự khác biệt nơi đường Trần-Qúy-Cáp: Một bên thì, Nha-Trang tấp nập, Nha-Trang yêu kiều, Nha-Trang lộng gió; và bên kia là vùng quê êm đềm bên những ruộng rau muống xanh ngút ngàn.

Nhắc đến đường Trần-Qúy-Cáp là nhắc đế tiệm nem Ninh-Hòa với những chiếc nem chua nho nhỏ, chỉ đủ vừa cắn làm đôi; những cuốn chả ram dòn rụm, có con tôm ở giữa; những lụi nem nướng bốc khói trên lò than hồng; và những đòn chả lụa nóng, dai, thơm mùi lá chuối.

Mỗi món ăn có một mùi thơm riêng biệt. Như mùi thơm của chả lụa không thể nào giống được mùi thơm của tô phở Chutt. Và hương vị phở Chutt cũng hoàn toàn khác với hương vị phở Bắc chính thống của tiệm phở Hợp-Lợi, trên đường Trần-Qúy-Cáp, gần đường rẽ vào Phường-Củi.

Con đường vào Phường-Củi khởi đầu từ đường Gia-Long, men theo công trường Trịnh-Minh-Thế trước sân ga, cắt đường Yersin, Hoàng-Tử-Cảnh, Độc-Lập và Trần-Qúy-Cáp. Nhờ vậy, từ phở Hợp-Lợi, nếu muốn sang đường Độc-Lập, chỉ cần đi vòng tiệm bánh Thanh-Vân là đến.

Đầu đường Độc-Lập, trước công trường Trịnh-Minh-Thế, là nơi ngày xưa tôi thường chen lấn, cố tìm một chỗ gần lề đường để xem duyệt binh. Lớn hơn một chút, tôi không đến đầu đường Độc-Lập để xem diễn hành nữa, mà tôi đến để mua sách, mua bản nhạc tại nhà sách Kim-Anh. Tôi vẫn nhớ chị bán sách tên Tuyền, có mái tóc rất dài và mượt như tơ. Cũng nơi đây, tiếng phong cầm dồn dập của Hoàng-Đình-Phiên nghe chẳng khác chi tiếng đàn chuyên nghiệp của Trần-Văn-Lý. Ngoài ra, vào những lúc tinh thần chùng thấp, Phiên cũng thích ru hồn bằng tiếng vĩ cầm thiết tha. Phiên là “linh hồn” của ban Gió-Mùa, đài phát thanh Nha-Trang. Nhưng mỗi khi Ba tôi – cụ Điệp-Linh – yêu cầu, Phiên cũng tăng cường cho ban Bình-Minh.

Xuôi theo đường Độc-Lập, chưa đến rạp xi-nê Tân-Tân, nhưng khứu giác của tôi bắt đầu “báo động” liên tục vì mùi thức ăn từ nhà hàng Dân-Thiên; nơi xuất phát những món ăn Tây chỉ thua nhà hàng Frigate ở bưu điện chút xíu thôi. Nhìn mấy bích chương đồ sộ treo ngay trước rạp Tân-Tân, không làm sao tôi không nhớ những xấp chương trình xi-nê mà thời đó chúng tôi rất thích cất giữ như cất giữ “Lưu bút ngày xanh” vậy. Tờ chương trình nào có in bản nhạc là chúng tôi tập hát ngay. Những bản nhạc được ưa chuộng lúc bấy giờ là Rivière Sans Retour, Bernadine, Letters In The Sand, Soyonara, Only you, v. v…

Nhắc đến mấy bản nhạc này không làm sao tôi không nghĩ đến bác Nguyễn-Hữu-Dưỡng, giáo sư toán và cũng là ngón đàn vĩ cầm cùng thời với Ba tôi trong Hội Mỹ-Thuật Nha-Trang.

Cách rạp Tân-Tân chỉ vài căn phố là ngã tư Độc-Lập và đường Nhà-Thờ. Nơi đây lúc nào lời ca và nhạc Ấn-Độ cũng vang dội từ máy khuyếch đại âm thanh đặt ngay trước rạp Tân-Tiến. Vốn không thích nhạc và phim Ấn-Độ và cũng không thích thưởng thức nhạc một cách ồn ào, không bao giờ tôi đến rạp Tân-Tiến để xem xi-nê mà chỉ đến vì… hủ tiếu, mì, sâm bổ lượng và các món chè. Nếu Sài-Gòn có Chợ-Cũ với những món ăn vặt rất hấp dẫn của mấy chú Ba-Tàu thì Nha-Trang có khu vực chung quanh rạp Tân-Tiến.

Rời khu vực Tân-Tiến, chỉ cần qua khỏi Garage Charner, tôi đã thấy lại cái quán nhỏ của ông Tàu già chuyên bán sữa đậu nành và pa-tê-sô, ngay ngã ba Độc-Lập và Công-Quán. Ngày xưa, mỗi khi thâu thanh hoặc phát thanh trực tiếp xong, Ba tôi thường đưa toàn ban Bình-Minh đến quán này uống sữa đậu nành. Những lần đó, chú Phan-Phi-Phụng, giáo sư trường trung học Kỹ-Thuật và cũng là người chơi Banjo Alto với cả ngón út của bàn tay trái, thường kể những mẫu chuyện rất ý nhị.

Rạp xi-nê Minh Châu xưa

Từ quán ông Tàu già, thấy ánh đèn sáng rực trước rạp xi-nê Minh-Châu, tôi bùi ngùi nhớ lại giọng hát, tiếng đàn của những nghệ sĩ tài tử của trường Võ-Tánh cũng như của ban Bình-Minh vào những dịp tổ chức xi-nê có phụ diễn tân nhạc để gây qũy. Những lần đó, Thanh-Điệp độc tấu phong cầm những bản Conserto của J. Rosas, Ivanovici, J. Strauss, v.v…, và Nguyệt-Thu không bao giờ đơn ca Sérénata mà không có tiếng vĩ cầm réo rắt của Phạm-Đình-Phê. Một lần, cũng tại rạp xi-nê Minh-Châu, Ka-Lăng, Thanh-Điệp, Bích-Khuê, Bích-Khê cùng Thọ và Luân trong trường ca Hội-Trùng-Dương của Phạm-Đình-Chương, hòa âm của Nghiêm-Phú-Phi, đã đem giải nhất trong cuộc thi văn nghệ toàn miền Trung về cho trường Võ-Tánh.

Qua khỏi rạp Minh-Châu, nơi góc đường Công-Quán và Yersin, hàng cây khuynh diệp trước ngôi nhà của nhạc sĩ Minh-Kỳ đang lã mình trong gió. Giờ đây Minh-Kỳ không còn nữa, thảo nào hàng khuynh diệp thì thầm tiếc thương!

Từ nhà nhạc sĩ Minh-Kỳ có thể nghe tiếng Dalida trong bản Bambino phát ra vang dội từ máy khuếch đại âm thanh nơi rạp Tân-Quang, ngay ngã sáu Nhà-Đèn. Xeo xéo Nhà-Đèn, trên đường Quang-Trung, là ngôi nhà của Hoàng-Cầm, tiếng hát nhà nghề.

Từ nhà Hoàng-Cầm trở ra đường Độc-Lập, quẹo phải là đầu đường Phan-Bội-Châu; nơi có căn lầu hai tầng của Trần-Nam, người có biệt tài xử dụng Tây-Ban-Cầm giả tiếng Đại-Hồ-Cầm mà bất cứ người nào có trình độ thẩm âm cao thế mấy đi nữa cũng khó có thể phân biệt. Nhưng đó chỉ là sở đoản của Trần-Nam thôi; sở trường của Trần-Nam là tiếng Clarinette trầm và đục.

Qua khỏi nhà Trần-Nam khoảng vài căn phố là ngôi nhà hai tầng của Thérèse Scott; người đã đơn ca bản Giòng Sông Xanh, phát thanh trực tiếp vào hôm khai mạc đài phát thanh Nha-Trang. Hôm đó Thanh-Điệp cũng đơn ca Trở Về Thôn Cũ của Nhị-Hà. Sát bên nhà Thérèse Scott là cửa hàng của gia đình Thúy-Minh và Hoàng-Thu, hai giọng nữ của ban Bình-Minh.

Xuôi theo đường Phan-Bội-Châu, qua khỏi rạp Modern, là khu phố sầm uất nhất của Nha-Trang. Vào những ngày trước Tết, chợ Tết thường được tổ chức trong lòng phố này, chiếm hẳn khoảng đường từ rạp Modern đến Toà án. Ban ngày chợ Tết thường đông người lớn tuổi đi mua sắm. Ban đêm là thời gian của người trẻ và lính. Cứ mỗi chiều, xe GMC từ các trung tâm huấn luyện Không-Quân, Hải-Quân, Đồng-Đế kéo về, “đổ” xuống cạnh chợ Tết không biết bao nhiêu là sinh-viên sĩ-quan và lính. Nhờ vậy, lúc nào chợ Tết cũng mang sắc thái vui tươi, nhộn nhịp.

Mỗi lần đi chợ Tết, chúng tôi thường chọn những chiếc áo dài vừa ý nhất, những chiếc áo lạnh hợp thời nhất và thế nào cũng choàng những chiếc khăn voan hợp với màu áo. Chúng tôi thích đi từng hai hay ba đứa với nhau, vừa đi chầm chậm vừa cắn hạt dưa vừa nói chuyện thầm thì. Thời đó, trong nhóm chúng tôi ít đứa được phép trang điểm, cho nên chúng tôi rất thích cắn hạt dưa cho môi hồng hồng. Chúng tôi, và hầu như tất cả mọi người đi chợ Tết ban đêm, cứ lượn lên lượn xuống dọc theo hai hè phố tràn ngập ánh sáng, rực rỡ lụa là, thơm mùi bánh mứt và lanh lảnh tiếng chào mời của mấy cô bán hàng xinh xinh. Khi nào biết “bị” người khác phái để ý và đi theo, chúng tôi thích thú trong lòng nhưng không hiểu tại sao lại cứ lẫn vào mấy cửa hàng để… trốn!

Một trong những nơi chúng tôi thường trốn là căn phố hai tầng của Mầu, ngay trước chợ Đầm. Mầu là “tay” Saxophone nồng cốt của ban Bình-Minh. Nếu ai đã nghe tiếng Saxophone Alto của Mầu nức nở từng hồi trong bản J’ai Rêvé De Vous, người đó sẽ không còn muốn nghe tiếng Saxo. của ai khác nữa, ngay như của Louis Amstrong!

Cách nhà Mầu một con đường nhỏ dẫn ra biển là cửa hàng và khách sạn của gia đình chú Huỳnh-Anh, người sử dụng Đại-Hồ-Cầm độc nhất của Nha-Trang thời bấy giờ. Ngày xưa, mỗi tối đi học Anh-Văn ở Thanh-Thương-Hội, gần Tòa Tỉnh, tôi thường đạp xe đạp qua đây và thấy chú Huỳnh-Anh ngồi đọc sách hoặc hút thuốc ngay dưới trụ đèn đường. Về sau, các lớp Anh-Văn ở Thanh-Thương-Hội không còn nữa, cũng như chú Thu-Hoài – giọng ca nồng nàn, ấm áp nhất của Nha-Trang vào thời điểm đó – đã giã từ tiểu đoàn Bảo-an phòng vệ Tòa Tỉnh.

Vì đài phát thanh nằm trong khuôn viên Tòa Tỉnh cho nên, ngày đó, trước hay sau khi thâu thanh hoặc phát thanh trực tiếp, tôi thích lang thang quanh những con đường rợp bóng cây bàng để thỉnh thoảng nghe tiếng trái bàng rơi trên mặt đường.

Trước đài phát thanh, bên trái, cuối giải cát vàng là Xóm-Cồn; nơi có Đài thiên-văn Yersin. Bên phải, con đường Duy-Tân uốn mình bên giải cát mềm và hàng thông cằn cỗi.

Khu vực tòa hành chính Pháp ngày xưa tại Nha trang, nay là công viên Yến Phi.
Ảnh do BS Yersin chụp ảnh khoảng năm 1932.

Cạnh những hàng thông này, dạo vừa cùng gia đình từ Dalat dời về Nha-Trang, mỗi chiều chủ nhật, tôi thích đến để nghe ban nhạc “Kèn đồng” (quân nhạc) của Hải-Quân hòa nhạc. Thỉnh thoảng khán giả cũng “nổi máu nghệ sĩ”, tình nguyện hát một bản. Lúc ấy tôi chỉ hơn mười tuổi. Nhưng khi nghe một người hát bản Viễn-Du tôi vẫn hiểu bản ấy không nên hát với ban nhạc “Kèn đồng” và trong khung cảnh này. Tuy vậy, lời ca, tiếng nhạc cũng dẫn dắt hồn tôi đi thật xa. Nhìn trời lồng lộng, nhìn biển mênh mông và nhìn quân phục tiểu lễ trắng của nhạc công, tôi thích. Tôi buồn. Và tôi ước mơ!

Dọc theo đường Duy-Tân là viện Pasteur, Khu Công-Chánh, nhà hàng Beau Rivage, Grand hotel, v. v… Nhưng nơi tôi thích nhất là ngã ba Duy-Tân và đường Bá-Đa-Lộc, vì đường này chạy ngang ngôi trường thân yêu của tôi: Trường Trung Học Võ-Tánh.

Trường Võ-Tánh là tòa nhà đồ sộ hai tầng, mái lợp bằng ngói đỏ, tường sơn màu trứng sáo. Trong sân trường trồng nhiều cây sao, nhưng cây còn nhỏ, chưa tỏa được bóng mát um tùm như hai hàng cây sao dọc theo đường Bá-Đa-Lộc. Trường tôi không giàu nên sân trước không được tráng xi-măng mà chỉ được “nện” bằng đất đỏ, sân sau là bãi cát trống, đầy hoa giếng và cây thồn bồn. Trên bãi cát này, ngày xưa, học sinh thường dựng sân khấu lộ thiên để trình diễn văn nghệ vào những dịp bãi trường hoặc mừng Xuân.

Đối diện với trường Võ-Tánh, cách một khoảng đất trống và đường Yersin, là sân vận động; nơi tôi thường theo Ba tôi đi xem đá banh, để thấy Ba tôi lăng xăng phỏng vấn, viết bài cho tờ Đuốc-Thiêng.

Từ sân vận động, theo đường Yersin ngược lên phía ga xe lửa, tôi bỗng lặng người khi thấy lại ngôi nhà cũ – nơi chị em tôi lớn lên trong vòng tay thương yêu của người Mẹ rất đẹp và trẻ cho đến độ ai cũng tưởng Bà là chị tôi; và người Cha mang giòng máu nghệ sĩ nhưng sống khắc khổ như vị chân tu!

Cách nhà tôi độ vài gốc cây muồng là khách sạn Phụng-Hoàng; nơi Hàn-Phong-Cao đã lớn lên, đã ca vang những ca khúc tình tự dân tộc và đã đưa tiếng ca ngọt ngào ấy theo từng vết lăn của đoàn Kỵ-Binh.

Xéo góc với khách sạn Phụng-Hoàng, trên đường Gia-Long, là ngôi nhà của Thanh-Hoa, người có giọng soprano cao vút, cũng trong ban Bình-Minh. Cùng với tiếng vĩ cầm lảnh lót của Phạm-Đình-Phê, tiếng hát Thanh-Hoa đã làm say đắm không biết bao nhiêu tâm hồn yêu nhạc trong sầu khúc cổ điển Sénérade của Schubert.

Trong nỗi nhớ khôn cùng, tôi tưởng như tôi thấy lại tôi của những lần chơi vũ cầu trong sân, hoặc tập xe đạp trên đường Yersin, té lăn nhào trong tiếng cười rộ của đám bạn cùng lứa. Ngày đó, nếu đường Yersin cho tôi những tràng cười hồn nhiên của tuổi ấu thơ thì khi tôi lớn hơn một chút, đường Gia-Long lại cho tôi những bâng khuâng, nhung nhớ ngập lòng, vì tiếng còi của những chuyến tàu đêm.

Đối với tôi, Nha-Trang tươi thắm nhất là khi những tia nắng đầu ngày vừa le lói cuối vùng biển xanh, và Nha-Trang dịu dàng nhất là thời gian trước khi màn đêm về. Vì lẽ đó, tôi thích lang thang một mình trên ngọn đồi sau chùa Hải-Đức để nhìn những tia nắng cuối cùng của một ngày còn bịn rịn trên ngọn Corniche de Cauda trong khi cả một vùng không gian rộng lớn đang từ từ chìm vào màn đêm.

Bây giờ, tuy đã xa Nha-Trang hơn một phần tư thế kỷ, nhưng đôi khi, từ vùng “a-lại-gia-thức” sâu thẳm, tôi vẫn như thấy được những tia nắng hấp hối trên đỉnh Corniche de Cauda. Những lúc ấy, hồn tôi rỗng lặng để cảm nhận được tất cả vẻ đẹp hùng vỹ của quê Nội thân yêu.

Điệp Mỹ Linh

wwwdiepmylinhcom 

*- Tên đường, địa danh và tên trường trong Tùy Bút Tưởng Như Trở Về là tên đường, địa danh và tên trường trung học công lập của thành phố Nha-Trang vào thập niên 60 của thế kỷ 20. 

***

Tác giả Điệp Mỹ Linh

Điệp Mỹ Linh là bút hiệu của Nguyễn Thị Thanh Điệp, sinh tại Đà Lạt. Điệp Mỹ Linh được thân phụ – cụ Nguyễn Văn Ngữ – dạy nhạc từ khi còn bé. Khởi đầu Điệp Mỹ Linh học đàn Mandoline, lớn hơn một tý học đán Accordion.

Học hết bậc tiểu học ở trường Domaine de Marie, Điệp Mỹ Linh theo gia đình về quê Nội ở Nha Trang. Tại đây, Điệp Mỹ Linh theo học trường trung học Võ Tánh, đệ nhị cấp học ban B (Toán). Cũng tại Nha Trang, cụ Nguyễn Văn Ngữ thành lập ban Ca nhạc Bình Minh để phụ trách phần ca nhạc cho Đài Phát thanh Nha Trang, vào tối thứ Năm và tối Chủ Nhật. Điệp Mỹ Linh đàn Accordion và hát, dùng tên thật Thanh Điệp. Thời gian này cụ Nguyễn Văn Ngữ viết cho báo Đuốc Thiêng, dùng bút hiệu Điệp Linh. Điệp Mỹ Linh cũng được thân phụ khuyến khích cầm bút.

Điệp Mỹ Linh bắt đầu viết từ năm 1961 và có bài đăng trên báo Đuốc Thiêng, Tin Sáng và Tia Sáng với các bút hiệu khác nhau như: Nguyễn Thị Kiều Lam, Thanh Điệp, Thuỷ Điện và Điệp Mỹ Linh.

Sau bậc trung học, Điệp Mỹ Linh theo học Luật tại Đại học Luật khoa Sài Gòn.

Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, năm 1975, Điệp Mỹ Linh không còn dùng các bút hiệu khác nữa.

Nguồn: http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=author&a=317

Ấn Độ làm nên lịch sử khi phi thuyền Chandrayaan-3 đáp gần cực nam Mặt trăng

Nhân viên Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn độ (ISRO) ăn mừng giây phút tàu Chandrayaan-3 đáp xuống cực nam Mặt trăng thành công

BBC Tiếng Việt, 23 tháng 8 2023

Hình ảnh tàu đổ bộ Vikram

Ấn Độ làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên đáp xuống gần cực nam của Mặt trăng thành công.

Phi thuyền Chandrayaan-3 gồm một tàu bay quanh quỹ đạo, một tàu đổ bộ và một cỗ xe đổ bộ nhỏ, rời trái đất hôm 14/7 từ trung tâm vũ trụ Sriharikota ở nam Ấn Độ.

Tàu đổ bộ Vikram, mang tên người sáng lập Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn độ (ISRO) ông Vikram Sarabhai – mang theo cỗ xe đổ bộ mang tên Pragyaan, có nghĩa là trí khôn trong tiếng Phạn (Sanskrit).

Nếu mọi chuyện diễn ra như dự tính, cỗ xe đổ bộ sáu bánh nằm trong tàu Vikram sẽ di chuyển trên bề mặt Mặt trăng để thu thập các hình ảnh và dữ liệu.

Một trong những mục tiêu chính của phi thuyền này là tìm kiếm nước đóng băng, điều mà các nhà khoa học nói có thể hỗ trợ cho sự sống của con người trên Mặt trăng trong tương lai.

Chỉ vài ngày trước, phi thuyền Luna-25 của Nga đã nổ tung khi đang tìm cách đáp xuống cùng khu vực trên Mặt trăng.

Cực nam Mặt trăng là nơi hứa hẹn cho cuộc tìm kiếm nước đóng bang. Diện tích bề mặt luôn nằm khuất bóng trên mặt trăng là rất lớn, và các nhà khoa học nói có khả năng có nước đóng băng ở vùng này.

Mỹ, Liên Xô cũ và Trung Quốc đều đã đổ bộ thành công gần đường xích đạo Mặt trăng – nhưng chưa nước nào có sứ mệnh thành công tới cực nam.

Sứ mệnh Chandrayaan-2 của Ấn Độ hồi 2019 đã thất bại – phi thuyền đâm vào bề mặt mặt trăng.

“Ấn Độ giờ đây đang trên Mặt trăng,” Thủ tướng Ấn Độ Modi nói với nhân viên tổ chức ISRO.

Ông hiện đang ở Nam Phi nhưng nói tâm trí ông hướng về Chandrayaan-3 cũng như tất cả người dân Ấn Độ.

Ông chúc mừng phòng điều khiển ISRO và tất cả người Ấn Độ về thành tựu lịch sử này.

Chi phí cho sứ mệnh này là 6,1 tỷ rupee, chừng 75 triệu USD. Chi phí này chưa bằng nửa khoản 200 triệu USD cho phi thuyền Luna-25 của Nga.

Các cuộc thám hiểm lên Mặt trăng và Sao Hỏa trước đây của Ấn Độ cũng cũng được thực hiện với chi phí khiêm tốn, theo truyền thông nước này.

Họ nói đây là nhờ nỗ lực giảm thiểu “sự lãng phí sản phẩm” của ISRO.

Giải thích vì sao sứ mệnh lên Mặt trăng này của Ấn Độ lại có chi phí thấp hơn của Mỹ, nhà khoa học vũ trụ GS Andrew Coates nói với BBC rằng Ấn Độ hạn chế trọng lượng của con tàu ở mức 15kg, khiến cho con tàu này “nhỏ” hơn.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ck53n2ex44ko

Mời xem clip: