Tin buồn – Ngày 31/3/2024

Nhận tin muộn, Vô cùng thương tiếc báo tin:

Bạn LÊ BÁ VĂN (VH-LVC) sau một thời gian bệnh nặng, bạn đã qua đời vào ngày 24/3/2024 và an táng ngày 26/3/2024 tại nghĩa trang Tra Đã Pleiku.

Thân hữu cựu SV ĐHSP Huế hai khóa Lương Văn Can và Huỳnh Thúc Kháng xin thành thật chia buồn cùng gia đình bạn Lê Bá Văn.

Nguyện Cầu Hương Linh bạn Lê Bá Văn sớm siêu thoát về Cõi Vĩnh hằng.

Phá Tam Giang: “Lòng đời nở thật lẻ loi một cành mai nhị độ” – Tống Mai

Mến gửi đến các anh chị em và các bạn bài viết mới nhất của người bạn thân của Ng , cô Tống Mai viết về Phá Tam Giang , bài viết thật hay với những hình ảnh đẹp xuất sắc .

** Bài viết này đã được Mai đăng trong blog khungcuahep.com

FB. MinhNguyet NguyenTrang Huế Online-HUẾ CỐ ĐÔ

***

Mar 23, 2024 (TM)

Ánh sáng yên lặng, ngày êm ả, và tôi đang về nhà. Đường không xa, chỉ một bến đò là tôi đã về đến nơi với sông nước mênh mang những con thuyền gầy guộc.

Bạn yêu dấu,

Thế là đã hơn ba tháng kể từ ngày tôi rời Phá Tam Giang. Biết bao điều trôi qua như một cơn lốc xoáy mòn sự thăng bằng của tâm hồn. Đêm hôm trước sau khi đọc thư của em tôi nói đang chờ những hình ảnh hoa anh đào năm nay của tôi ở DC, tôi mới giật mình ừ nhỉ, tôi đã ơ thờ với hoa nở ngoài kia và xóa mờ cả ký ức về con Phá thương yêu.

Nhưng tôi đang trở về và chổ ngồi trên góc chiếu của tôi thấp thoáng ánh nhìn một nét bao dung.  Những ngày rong ruổi trên Phá cùng ký ức mềm mại những con thuyền lặng lẽ đứng êm như màu xanh của sông nước khi ngày vỡ ra tia sáng đầu tiên sống dậy trong lòng.

Tôi đã từng phơi hồn mình trên trang giấy về vùng sông nước này nhưng cảm xúc của lần đầu tiên đặt chân vào Phá của những năm trước vẫn tinh khôi như mối tình đầu không kết thúc, nở ra như tiếng suối nhẹ nhàng, đều như cơn gió trong rừng sâu, rồi hóa thân thành niềm đam mê, để cuối cùng trở nên ngọt ngào êm đềm như một dòng sông luôn quay về bờ.

Hôm nay tôi sẽ đọc lại những gì tôi đã viết những năm về trước, những gì vẫn còn xanh màu tha thiết. Giọng của tôi sẽ rất nhỏ, không còn non nớt như xưa nhưng hồn tôi vẫn thủy chung một cành mai nhị độ:

Có cái gì đó quyến rũ lạ kỳ một vùng nước không thấy nơi nào khác, hay có lẽ vì sáng sớm trên mênh mông của nước khi mặt trời chưa lên, giữa những mê cung của cánh đồng nuôi tôm cá, sứa, hay có lẽ vì những huyền thoại ngày xưa của truông nhà Hồ, của thương em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ sợ Phá Tam Giang, của ơi bến đò Ca Cút gắn với câu chuyện một người tình nửa đêm sang sông gọi đò, chết hóa thành con chim Ca Cút.

Năm nay tôi không dừng lại ở bến đò Ca Cút vì bến đò nay không còn nữa, thay vào đó là cầu Tam Giang trơ trụi phũ phàng lấy đi dấu tích của một câu truyện tình dân gian về một người con trai bên kia núi yêu người con gái bên này núi, một lần hẹn, người con trai băng núi lội đầm, đến bến Ca cút đã khuya, không còn đò thì đứng bên kia gọi mãi kiệt sức chết hóa thành con chim Ca Cút mỗi đêm trăng lại gọi “Ơi đò Ca cút !”

Tam Giang là tên của ba con sông lịch sử, Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương cùng bắt nguồn ở ngã ba Sình chạy đến tận Trường Sơn, nơi đây là núi Ngọc Trản, Hòn Chén, và đỉnh Mang, nối liền với núi Bạch Mã và đèo Hải Vân. Tất cả những nguồn nước dẫn về Phá Tam Giang trước khi chảy ra biển bằng cửa Thuận An thì biến thành một vùng nước xoáy. Huyền thoại phá Tam Giang có sóng thần, mỗi khi tàu thuyền qua đây thường bị đánh chìm nên có câu ca dao “Phá Tam Giang chắn ngay nẻo nhớ, truông nhà Hồ làm khổ lòng nhau, cho nên xin hẹn kiếp sau, đổ truông Nhà Hồ, đập phá Tam Giang”.

Phá Tam Giang rộng ngút ngàn, nước ngọt mùa lũ và nước lợ vào mùa khô, là nơi nuôi nấng người dân nghèo với nhiều hải sản phong phú. Tôi tưởng xa thành phố Huế lắm, nhưng từ khách sạn Morin đến Phá chỉ 7 km qua đường Bà Triệu, xuống đường Tố Hữu, đụng đường vành đai 1 thành phố Huế, đoạn này được đặt tên là đường Tự Đức. Đến ngã tư Phú Mỹ thì đi tiếp đến làng Chuồn, tức là làng An Truyền,một hệ đầm trên Phá.  Từ bến đầm Chuồn, thuyền đưa tôi vào phá, vừa rời bến thì tiến vào vùng nước bao la ngay. Đẹp quá làm tôi mất bình tĩnh, cảm giác mênh mông bất tận không ngờ trước cái kỳ lạ của đầm làm tôi loay hoay trên mạn thuyền, xoay mắt nhìn tứ phía. Từng hàng lưới thẳng, xéo bày khắp nơi trên phá như một trận địa. Nắng buổi sáng còn mềm nên nước lặng, chỉ có chiếc thuyền làm xao động những cây cọc soi bóng nước mà thôi. Tôi thảng thốt, bàn tay nào dựng lên những rừng lưới trùng điệp này thật đáng phục.

Bài thơ “Chiều Trên Phá Tam Giang” của Tô Thùy Yên tôi nghe ác tà mùi chiến tranh, không hiền hòa như một Tam Giang nước lặng sóng li ti. Đầm nước vẫn còn mãi những giòng thơ cô liêu “trong lòng đời nở thật lẻ loi một cành mai nhị độ”.

Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi
Ngó xuống cảm thương người lỡ bước
Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ
Chiều dòn tan, nắng đọng nứt ran ran
Trời thơm nước, thơm cây, thơm xác rạ
Thơm cả thiết tha đời

Chiều trên phá Tam Giang
Anh chợt nhớ em
Nhớ bất tận

Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi
Một cành mai nhị độ …

Bạn yêu dấu,

Bài thơ chấm dứt những gì tôi đã viết năm trước.

Và ba tháng trước tôi đã trở về để thực hiện giấc mơ chứng kiến mặt trời lên và xuống trên Phá. Mỗi năm về quê hương bao giờ tôi cũng ra Huế thăm mộ cha tôi dưới chân núi Ngự Bình, ghé qua vội vàng con dốc Bến Ngự nơi có dấu tích của ngôi nhà xưa của mình rồi vội vã ra đi. Nhưng lần này tôi nán lại lâu hơn và suốt bốn ngày ở đó, tôi ra Phá Tam Giang mỗi sáng và mỗi chiều để chờ bình minh và hoàng hôn. Những đêm trong khách sạn tôi không hề chợp mắt, lòng nôn nao đợi chờ. Từ khách sạn vào khu làng chài chỉ mất nửa tiếng nhưng sáng nào tôi cũng đi thật sớm lúc bốn giờ sáng để được hòa vào những ghe đánh cá quay về trong đêm. Trời còn tối lắm, phải cố gắng mắt tôi mới thấp thoáng được những con thuyền nhỏ neo bên bờ kênh trên con đường làng quê. Bao giờ tôi cũng xin ông lái cho thuyền ra khơi trong đêm. Quanh tôi vào giờ đó chỉ lác đác vài chiếc ghe về sớm bán những miếng cá đánh được trong đêm. Họ rì rào với nhau trong tối, giọng lặng lẽ không bổng không trầm, đều đều như tiếng kinh cầu. Tôi xúc động ứa nước mắt cho âm hưởng quen thuộc một thời thơ ấu của tôi, tiếng nói ngày nào của mẹ tôi, của cha tôi, của người thầy áo nâu sồng sống trong ngôi chùa nhỏ bên kia đường trước mặt nhà chiều nào cũng cho tôi vào chánh điện nghe tụng kinh.

Người ơi, tôi muốn nói vô tận về vùng đầm phá đó lắm, nhưng đêm đã khuya, dù một ngày nào không còn thấy lại được những chiếc thuyền gầy khi tôi tan biến đi, nhưng đêm nay, những mảnh nhỏ tôi đem về vẫn còn đây, đó là chân dung của những con thuyền, màu đỏ của hoàng hôn và màu xanh cerulean của bình minh trên Phá.

Bonne nuit!

Tống Mai
Virginia, Mar 23, 2024

Nguồn: https://khungcuahep.com/photography/pha-tam-giang-long-doi-no-that-le-loi-mot-canh-mai-nhi-do-tong-mai.html?fbclid=IwAR1ZFwJGezs_6pesUVOr-3zXtBFnkjDfSKEA8eqkXggbvYQG8fsVBFDqNkA_aem_ATZRzhIwklk4rdmkvvdwn6fL-220n6ZyQ7WTavEiICuDVBIGerjtfKCWYDFMC2fEDAOOt7e_xayTHjy8rb0tNv9g

BÓNG CHIỀU

Chiều trên phá Tam Giang
Anh chợt nhớ em
Nhớ bất tận
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi
Ngó xuống cảm thương người lỡ bước
Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi
Chiều dòn tan, nắng đọng nứt ran ran
Trời thơm nước, thơm cây, thơm xác rạ
Chiều trên phá Tam Giang
Anh chợt nhớ em
Nhớ bất tận
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi
Như những mặt trời con thật dễ thương
Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại


ÁNH SÁNG

Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi
Một cành mai nhị độ

Nhật ký Hội khóa – Ngày 29/3/2024

1. Cập nhật danh sách đăng ký dự Hội khóa: Sau khi điện hỏi hoặc nhắn tin về một số bạn đã đăng ký dự Hội khóa Nha Trang 2024 nhưng không có đầy đủ thông tin dự các hoạt động của Hội khóa, BTC đã được biết:

Bạn Lê Văn Côi (VV-HTK) tuy sức khỏe không được tốt lắm, phải ngồi xe lăn, nhưng rất muốn đến Hội khóa để gặp lại bạn bè hai khóa, bạn bè cùng lớp VV-HTK và được sự động viên, giúp đỡ tận tình đầy tình cảm của chị Minh – phu nhân bạn Côi, bạn sẽ đến Nha Trang dự Hội khóa từ Bà Rịa – VT, có lẽ chỉ dự được 2 hoạt động, không tham gia được tour 3 đảo. Cùng đi theo nhóm có bạn Bành Phi Lân (SĐ-HTK).

Bạn Lê Văn Thành (VH-HTK) tuy có vấn đề về sức khỏe, nhưng đã nhăn tin lại sẽ khắc phục để đến được với Hội khóa và đã chuyển vào TK BTC các mục (trừ tour 3 đảo).

Bạn Nguyễn Thành Tài (T-HTK) vừa qua khỏi cơn tai biến, đang tạm phục hồi, tiếc lắm, muốn đến Hội khóa, nhưng đành rút lui vì sợ tai biến tái phát.

Như vậy, đến thời điểm này, có thể chốt danh sách dự Hội khóa gồm 101 người (kể cả Quý Thầy và khách mời), thống kê số lượng cập nhật đến chiều 29/3/2024 như sau:

ĐoànĐêm Gala 10/4Tham quan 12/4Tour 3 đảo 11/4
Nha Trang966
Sài Gòn292926
Các đoàn Lẻ14113
Huế201719
DN-QN151510
Khách141111
Cộng1018975

Các bạn có thể xem cụ thể danh sách chung, danh sách các đoàn, bằng cách tải file Excel (click vào đường link dưới đây):

2. Tài trợ Hội khóa: BTC đã nhận được từ bạn Hồ Lai Hải (T-LVC) hỗ trợ cho Quỹ Hội khóa số tiền 1.000.000 đồng hôm qua (28/3/2024). BTC gửi lời cám ơn đến bạn Hồ Lai Hải:

TTNgười tài trợSố tiền VNĐGhi chúTỉ giá USD
1Chuyển từ Quỹ HK Đà Lạt 2022 còn lại          16,863,788Trong đó có 250 USD bạn Yến hỗ trợ 
2Đoàn Phùng Thuý Liên (PV-HTK)          10,000,000Đã chuyển 
3Nguyễn Thị Yến            7,020,000Hỗ trợ đặc san 300 USD         23,400
4Nhóm 10 thân hữu Thân Trọng Tuấn          11,700,000Đổi từ 500 USD         23,400
5Phan Nữ Lan (PV-LSPT)            1,229,000Đổi từ 50 USD Viettinbank chuyển         24,580
6Chị Lương Kim Kê            1,000,000  
7Phan Thành Khương               500,000Chuyển từ 22/8/2023 
8Hồ Lai Hải            1,000,000  
     
 Cộng          49,312,788 

Đã chi từ Quỹ Tài trợ Hội khóa:

TTNgàyMục chiSố tiềnGhi chú
110/9/2023Vòng hoa viếng Nhạc phụ Lê Cầu       500,000Mê Hoa
212/11/2023Phúng điếu Tạ Ngọc Tân    1,000,000H. Quý chi
32/15/2024Phúng điếu Nguyễn Hoàng Quý    1,000,000Huu Dung
42/15/2024Vòng hoa viếng Hoàng Quý       800,000Nguyên
52/23/2024Vòng hoa viếng Nhạc phụ bạn Thế       500,000Dòa
62/12/2024mua 8 lạng hạt sen làm quà tết MTQ tặng 120 huy hiệu Hội khóa       960,000Sinh
71/15/2024In 4 bản đặc san để NCB duyệt lại       300,000Sinh
83/5/2024Đặt cọc phòng KS  12,000,000Thể Quỳnh
945357Đặt cọc tour 3 đảo (10,000,000) Trừ vào tiền nộp
103/7/2024Đặt cọc thuê xe sáng 12/4/2024       500,000Lê Lâu
113/8/2024Trả tiền làm 200 bì ni lông đựng ĐS       730,000Sinh
123/13/2024Đặt cọc quay phim, chụp ảnh    1,500,000Lê Lâu
133/13/2024Mua vé tàu cho thầy Phú    1,348,200Sinh
143/19/2024Trả đợt 1 in đặc san Hội ngộ Nha Trang    5,000,000Sinh
153/21/2024Nộp các khoản tại Hội khóa cho quý Thầy và khách mời    4,930,000Sinh
163/24/2024Trả đợt 2 in đặc san Hội ngộ Nha Trang  10,600,000Sinh
173/24/2024Cước chuyển ĐS Hội ngộ vào Nha Trang       324,000Sinh
     
 Cộng  41,992,200 
 Quỹ Tài trợ HK tạm còn lại    7,320,588 

Quỹ còn rút lại chuyển vào quỹ: 12.000.000 đồng đặt cọc thuê phòng KS Aries, sau khi các cá nhân tự thanh toán tiền phòng cho KS khi nhận phòng và 500.000 đồng tiền cọc thuê xe đi tham quan sáng 12/4.

3.Ban Văn nghệ đêm Gala 10/4/2024: Trưởng ban: bạn Lê Lâu, phối hợp với anh Hải (PQ bạn Phương Dung) sắp xếp các tiết mục và báo với 2 MC để giới thiệu. Quản ca hát tập thể: các bạn Đặng Ngọc Thanh Hải, Nguyễn Viết Kế, Trương Văn Tẩu.

Chương trình văn nghệ đêm gala 10/4: Sau đây là một số tiết mục đầu tiên đã đăng ký:

– Đoàn Nha Trang đề nghị diễn 3 tiết mục đầu tiên mở màn với tư cách là đoàn chủ nhà:

1. Nha Trang – Minh Kỳ (anh Hải hát), bài này nhiều người biết và xem như giới thiệu về Nhatrang.

2. Tưởng Niệm- Trầm Tử Thiêng (Lê Lâu hát), để tưởng nhớ những người bạn Nhatrang mới từ giã chúng ta.

3. Nhớ Nhatrang- Minh Kỳ (anh Hải hát).

4. Hãy yêu nhau đi – TCS – Võ Sĩ Quí

– Đoàn Sài Gòn đa dạng phong phú, tập luyện hàng tuần:

1. Hợp ca: Ngồi lại bên nhau-Phạm Uyên Nguyên

2. Múa: Mưa chiều miền Trung – Hồng Xương Long (tốp nữ)

3. Tứ nữ ca: Biển hát chiều nay-Hồng Đăng

4. Đơn ca:  Ta trở lại con đường xưa áo lụa – Thơ: Phan Phụng Thạch (đã mất), nhạc: Cao Hữu Điền (vừa mới mất) (Diệu Hoà hát tưởng nhớ 2 người Thầy trường Nguyễn Hoàng tác giả bài hát).

Mùa thu lá bay – Nguyễn Khả Nho; Tà áo tím (Minh Hà); Bài không tên số 50 – Lê Văn Lộc; Nguyễn Thị Sửu (bài đăng ký sau).

Hoa soan bên thềm cũ – Chị Lương Kim Kê

Bạn Nguyễn Văn Yên đề đăng ký bài: Tình tự mùa xuân – Từ Công Phụng

Đoàn Huế đăng ký các tiết mục:

1.Hợp ca: Tôi muốn – Lê Hựu Hà

2.Tốp nữ: Mùa Xuân đầu tiên – Văn Cao.

3.Đơn ca:

*Thanh Nhã: Nha Trang ngày về – Phạm Duy

*Diệu Huyền: Biển nhớ

*Nguyễn Văn Dòa: Tiếng Sông Hương

*Trần Thị Minh: Anh còn nợ em

4.Trương thị Hoa ngâm thơ tự sáng tác mừng Hội khóa Nha Trang 2024

Đoàn Đà Nẵng: Đơn ca Còn có bao ngày (TCS) – Võ Thị Vũ

***

Nhắc lại Chương trình 3 ngày Hội khóa:

1. Kế hoạch Hội khóa 3 ngày 10, 11 và 12/4/2024:

Ngày 10/4/2024:

 -14h00: đón tiếp các thân hữu dự Hội khóa đến làm thủ tục theo đoàn tại sảnh lễ tân KS ARIES HOTEL, TULIP, số 71/10 Nguyễn thị Minh Khai, Nha Trang: nhận phù hiệu, đặc san Hội ngộ Nha Trang 2024, huy hiệu Hội khóa,… tại các bàn của mỗi đoàn, nhận phòng ks tại lễ tân theo danh sách của đoàn đã đăng ký. KS yêu cầu danh sách mỗi đoàn có các cột ghi thông tin: họ tên, ngày tháng năm sinh, số CCCD, địa chỉ (để ks đăng ký với CA lưu trú  2 đêm 10,11/4). Đề nghị các cá nhân chụp mặt trước CCCD và gửi về Trưởng đoàn theo nhóm Zalo là tiện nhất.

-16:00: tập trung tại sảnh ks để chụp hình toàn đoàn, từng đoàn, từng khoá, từng lớp.

-17:00: vào sảnh nhà hàng TULIP, dự Gala NHATRANG NGÀY VỀ .

Ngày 11/4/2014:

– 6:30 đến 7:30 ăn sáng tại tầng 1 ks ARIES HOTEL

-8:00 xe đón theo Tour 3 đảo (xem chương trình).

– Chiều về, tự do ăn tối và khám phá Nha Trang về đêm. Có thể các lớp, liên lớp (Ban) sinh hoạt riêng.

Ngày 12/4/2024:

– 6:30 đến 7:30 ăn sáng tại tầng 1 ks ARIES HOTEL

– 8:00 lên xe đi tham quan các điểm trong tp: hòn chồng, nhà hát Đó, tháp Bà (mang theo CCCD để được miễn phí vô cổng), nhà thờ Núi.

-12:00 về ks trả phòng.

-12:30 ăn trưa tại ks và chia tay.

– Nhóm Toán LVC &HTK dự kiến giao lưu vào chiều tối.

BẮN CHẬM THÌ CHẾT

Quá hay. Quá cảm động…

BẮN CHẬM THÌ CHẾT

Bắn Chậm Thì Chết là tên một cuốn phim cao bồi Mỹ (The Fastest Gun Alive) trình chiếu tại các rạp chiếu bóng ở miền Nam trước năm 1975. Vai chính trong phim là Glenn Ford, diễn viên điện ảnh quen thuộc với khán giả yêu thích phim cao bồi miền Viễn Tây. Chuyện phim kể về một tay súng cừ khôi đã quyết định giải nghệ để sống cuộc đời bình dị bên vợ hiền con thơ trong ngôi làng nhỏ. Thế nhưng, cuộc đời không bình lặng như anh mong muốn. Một ngày kia, tên đầu sỏ khét tiếng của băng cướp dữ dằn quyết tìm đến anh để thách đấu tay đôi, một mất một còn. Kẻ sống sót là kẻ rút súng nhanh hơn đối thủ. Nếu anh không nhận lời thách đấu, hắn sẽ cho đốt phá, thiêu hủy cả ngôi làng. Câu chuyện gay cấn, ly kỳ đến phút chót.

Tấm ảnh hai bố con người lính

Đấy là chuyện phim, còn câu chuyện Bắn Chậm Thì Chết bên dưới là chuyện “người thật, việc thật” thời chiến tranh Việt Nam. Điểm hơi khác, hai đấu thủ đều không giỏi nghề bắn súng, không rút súng nhanh như chớp như câu chuyện trong phim. Ngược lại, trong giây phút căng thẳng đến nghẹt thở ấy cả hai đều… lọng cà lọng cọng, rút súng chậm rì.

Nhân vật chính trong câu chuyện là chàng lính Mỹ trẻ tuổi tham chiến ở Việt Nam, tên Rick. Đối thủ của anh là một người lính Bắc Việt, tên Ngọc. Rick không phải là tay súng lành nghề, anh chỉ mới 18 tuổi khi sang chiến đấu ở Việt Nam. Anh sống sót chỉ nhờ vận may, hay không bằng hên. Anh đã chậm mà ngón tay bấm cò súng của đối thủ lại còn chậm hơn anh.

Chuyện xảy ra giữa năm 1967, vào một ngày hè thật nóng bức trong một cánh rừng ở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Chàng lính trẻ Rick thuộc Đại đội A, Tiểu đoàn 2, Sư đoàn Kỵ Binh Bay 101, vừa mới ra trường đã được thả vào thử sức tại chiến trường Việt Nam.

Sau một trận đụng độ nhỏ, Rick và các bạn chạy tản ra. Anh vừa chạy vừa lăm lăm khẩu M16 trên tay. Một lát, Rick ngồi thụp xuống dưới một gốc cây lớn, đảo mắt nhìn quanh, nghe ngóng. Anh không nghe động tĩnh gì, cũng không thấy bóng đồng đội nào, chỉ thấy quanh mình rừng cây rậm rạp. “Không khéo mình bị lạc mất,” Rick nghĩ. Anh ghìm chặt tay súng, thận trọng dò dẫm từng bước qua những bụi cây cao quá đầu người. Bỗng, trong cái im ắng rờn rợn ấy anh nghe những tiếng động khe khẽ, xào xạc. Rick giật mình, hướng mũi súng về phía phát ra tiếng động. Anh trông thấy những cành lá lay động, một cái gì đó động đậy.

Khom người xuống nhìn cho rõ hơn, Rick bỗng lạnh toát cả người. Chỉ cách anh vài mét, xuyên qua những cành lá, hai con mắt mở lớn đang nhìn xoáy vào anh, trừng trừng. Căng mắt ra nhìn kỹ, anh thấy thấp thoáng một khuôn mặt, một chiếc nón cối, một mầu áo cỏ úa, một thân người ngồi tựa gốc cây, khẩu AK trên tay. Trong khoảnh khắc, toàn thân Rick như bị tê cứng. Khẩu súng vẫn nắm chặt trong tay nhưng anh không biết phải làm gì. Mặt đối mặt, bốn mắt nhìn nhau chằm chằm. Nhác thấy tay cầm súng của người lính cử động, Rick như bừng tỉnh, anh siết mạnh cò súng. Loạt đạn nổ giòn. Rick nhìn thấy một thân người bật ngửa ra sau. Rồi anh nghe những loạt đạn nổ tiếp theo, tiếng chân người chạy rầm rập về phía mình lẫn tiếng la hét của đồng đội.

“Rick, Rick, cậu ở đâu?”

“Tôi đây, tôi ở đây.” Rick kêu lớn.

Rất nhanh, đồng đội chạy xộc đến chỗ anh. Tiếng súng nổ chát chúa, tiếng cành lá rớt rụng. Tất cả nhoài người xuống.

“Nằm xuống! Đồ ngốc.” Người nào đó xô Rick ngã sấp.

Lính Mỹ đâu lưng vào nhau, chĩa súng bắn vãi đạn ra chung quanh. Tiếng súng đối phương thưa dần, rồi im bặt.

Cả bọn cúi nhìn xác người lính Bắc Việt nằm ngửa, mắt trợn trừng. Jack, anh chàng vui tính, giơ ngón tay cái lên, dứ dứ về phía Rick.

“Tuyệt lắm!”

Ai đó cúi nhặt khẩu AK- 47, lật nghiêng cái xác, lục lọi các túi quần áo. Một chiếc ví sờn cũ, ít giấy tờ nhàu nát bên trong, không có gì đáng giá. Một mẩu giấy nhỏ rơi xuống, Jack nhặt lên. Một tấm ảnh. Anh chàng liếc sơ qua, đưa cho Rick.

“Cậu quen người này chứ? Giữ làm kỷ niệm đi.”

Rick vẫn như kẻ mất hồn, anh nhìn kỹ tấm ảnh nhỏ, chỉ cỡ 1.5” x 2”. Ảnh chụp người lính bộ đội mặc quân phục và một đứa bé gái. Anh nhìn khuôn mặt người lính trong ảnh, nhìn khuôn mặt xác chết, rồi lại nhìn tấm ảnh. Đúng là người nằm chết dưới chân anh, dưới họng súng của anh. Đứa bé ấy là con anh ta? Không có thì giờ nghĩ ngợi nhiều, Rick nhét vội tấm ảnh vào túi áo, vội vã theo chân đồng đội thoát ra khỏi nơi ấy.

Dần dà Rick học cách làm quen với chiến trận sau ít lần đụng trận. Anh bị thương vài lần nhưng không nguy hiểm đến tánh mạng. Cho đến một hôm đơn vị của Rick bị phục kích, anh xông ra cứu một đồng đội ngã gục thì bị trúng đạn vào lưng, suýt chết. Vết thương mang anh về lại quê nhà.

Tấm ảnh, Rick vẫn cất giữ trong ví, cũng theo anh về Mỹ. Rick cắp sách đi học lại. Việc tình nguyện nhập ngũ giúp anh được hưởng những đặc quyền để theo đuổi việc học hành đến nơi đến chốn. Ít năm sau khi hoàn tất chương trình đại học, anh lập gia đình với Carol, cô bạn học xinh đẹp quen biết nhau từ thời trung học.

Rick có một việc làm ổn định ở Sở Cựu chiến binh Rochester, Illinois. Hai vợ chồng đã có những năm hạnh phúc bên hai đứa con gái xinh xắn. Cuộc sống bình lặng, êm đềm. Có lúc Rick tưởng đã quên đi tấm ảnh anh mang về từ Việt Nam, nhưng không hẳn. Đến lúc Amy, con gái đầu lòng của anh lên 5 tuổi, cứ mỗi lần nhìn ngắm đứa con trong vòng tay yêu thương của hai vợ chồng, anh lại nhớ tới đứa bé trạc tuổi con mình trong tấm ảnh ấy. Tim anh thắt lại.

Thỉnh thoảng Rick lấy tấm ảnh ra xem. Anh ngồi thừ người một lúc lâu, nghĩ ngợi lan man. Tấm ảnh toát lên một vẻ lành lạnh, buồn buồn. Rick không đoán được tuổi người lính, nhưng nếu đứa bé là con anh ta thì Rick hẳn kém anh vài tuổi. Người lính tóc hớt cao, khuôn mặt xương xương, trông hơi gầy ốm. Rick không đọc được cấp bậc trên cổ áo anh ta. Đứa bé trắng trẻo, mặc áo trắng, hai đuôi tóc thắt bím thả trước ngực, tựa vào một bên vai ông bố. Hai bố con đều nhìn thẳng vào máy ảnh, đều không có nụ cười nào trên môi. Tấm ảnh có lẽ được chụp trước khi người bố từ biệt gia đình, lên đường vào Nam chiến đấu, rồi không bao giờ về lại nữa.

Rick nhìn vào đôi mắt người lính Bắc Việt. Anh không sao quên được, đôi mắt ấy, từ khoảng cách có mấy thước, nhìn xoáy vào anh như thôi miên, khiến cả người anh như bị đóng băng. Rick tự hỏi người lính ấy trông thấy anh từ lúc nào. Anh ta nghĩ gì trong đầu vào khoảnh khắc ấy? Vì sao chỉ có một mình anh ta ở đấy? Vì sao anh ta không nổ súng khi vừa phát hiện ra Rick? Những câu hỏi và câu hỏi.

Rồi Rick chuyển cái nhìn sang đôi mắt đứa bé, anh ngỡ như mình bị hút vào đôi mắt ấy. Đôi mắt buồn buồn nhìn anh như oán trách, như gặng hỏi, “Vì sao? Vì sao chú lại làm thế? Bố cháu có làm gì chú đâu.” Anh không thể trả lời. Rick nghĩ anh có giải thích cách nào thì cô bé cũng không hiểu được và cũng không tha thứ cho anh. Cô chỉ biết anh là kẻ độc ác, kẻ đã giết bố cô, một người không quen biết, không thù oán. Giết người lính, anh đã biến cô bé thành đứa trẻ mồ côi bố, anh đã giằng tay cô ra khỏi người bố, chỗ dựa ấm áp của cô trong ảnh. Giết người lính, anh cũng giết chết niềm hy vọng của cô bé, của anh em cô, của bà mẹ cô ngày đêm mỏi mòn trông ngóng một ngày nào người chồng, người cha sống sót trở về.

Tấm ảnh ấy, đôi mắt ấy theo Rick vào trong giấc ngủ. Có đêm anh ú ớ, nói năng lảm nhảm. Có đêm anh la hét, giãy giụa, “Không không, đừng đừng!… Đừng nhìn tôi như thế.” Carol phải đập đập vai anh, lay dậy. Mồ hôi Rick toát ra như tắm. Cứ thế, ít có đêm nào anh được yên giấc. Carol nhận ra những biểu hiện bất thường nơi ông chồng mình. Nhiều lần cô tỏ ra lo lắng và gặng hỏi, Rick chỉ nói anh nằm mơ, giấc mơ kinh dị.

Từ lâu, Rick giữ kín câu chuyện tấm ảnh, anh chỉ kể cho vài người bạn thân và nhận được ở bạn mình những lời khuyên giống nhau, “Cậu đã làm đúng, quên chuyện ấy đi. Đấy là chiến tranh.” Anh không kể cho Carol vì không muốn một phụ nữ tính cách dịu dàng như cô phải khiếp hãi nghe chuyện bắn giết trong chiến tranh. Cho đến một hôm, anh nhờ Carol lấy giúp tấm thẻ tín dụng trong ví của anh. Khi cô rút tấm thẻ, tấm ảnh nhỏ rơi ra. Rick giật mình, hoa mắt. Trong một thoáng, anh tưởng như trông thấy tấm ảnh từ trong ví của người lính Bắc Việt rơi xuống dưới chân mình trong cánh rừng già ấy. Carol cúi xuống nhặt lên. Cô nhìn chăm chú tấm ảnh.

“Ai vậy?” Carol ngước lên nhìn Rick. “Em chưa thấy ảnh này bao giờ.” Cô hỏi và nhận thấy vẻ khác thường trên khuôn mặt chồng mình.

Rick biết là anh không thể giấu cô được nữa.

“Đấy là một người lính Bắc Việt,” Rick nói. “Em thấy người này như thế nào?”

“Làm sao em biết được,” Carol trả lời, “chỉ là tấm ảnh. Trông có vẻ hiền lành. Anh quen biết người này sao?”

Rick lại giật mình. Carol lặp lại đúng câu hỏi mà Jack, anh chàng đồng đội vui tính, hỏi anh khi cúi nhặt tấm ảnh bên cạnh xác người lính và đưa cho anh.

“Anh không quen,” Rick lắc đầu. “Anh chỉ gặp có một lần, thật ngắn ngủi.”

“Vậy sao anh lại hỏi em?”

“Anh đã giết người này.” Rick nói sau ít giây im lặng, và anh kể vắn tắt về cuộc chạm trán bất ngờ giữa hai người.

Carol sững sờ, chặn bàn tay lên ngực mình, kịp ngăn một tiếng kêu. Cô trố mắt chăm chăm nhìn chồng mình như nhìn người nào xa lạ, nhưng rồi cô kịp trấn tĩnh lại.

“Chỉ là tự vệ,” Carol thấp giọng, “anh đâu có chọn lựa nào khác. Nếu anh không nhanh tay hơn người lính ấy thì anh đâu còn ngồi đây được để kể em nghe chuyện này.”

“Nhanh tay hơn?” Rick cười, miệng méo xệch. “Em tưởng như vậy sao? Anh lính quýnh đến độ không biết phản ứng như thế nào. Người nổ súng trước lẽ ra phải là anh ta chứ không phải anh, vì anh ta trông thấy anh trước.”

“Vậy thì… vì sao anh ta không bắn anh?”

“Anh ước gì biết được câu trả lời,” Rick gục đầu. “Câu hỏi đó theo anh suốt từ ngày ấy đến nay.”

“Rick, nghe em nói này.” Carol nói, sau một lúc im lặng. “Anh không có lỗi gì cả. Đấy là chiến tranh. Hoặc anh, hoặc người lính Bắc Việt ấy, chỉ một người được sống. Em tin chắc người lính chiến nào cũng làm giống như anh. Anh phải quên tấm ảnh ấy đi. Đừng có tự dằn vặt mình như thế nữa.”

“Đấy là chiến tranh”, Rick từng nghe những bạn mình nói thế, có nghĩa là trong chiến tranh người ta được cấp giấy phép để có thể bắn giết kẻ đối đầu vô tội vạ. Đổ lỗi cho chiến tranh là cách tốt nhất để không phải bận tâm về những việc mình làm.

“Quên tấm ảnh ấy đi”, đã có đôi lúc Rick toan xé, đốt tấm ảnh ấy, nhưng rồi anh không thể. Cứ mỗi lần vừa lóe lên ý định ấy là anh lại bắt gặp ánh mắt nhìn của đứa bé, nửa buồn bã nửa trách móc, “Chú định làm gì vậy? Chú không làm vậy được đâu.” Rick tưởng nghe được giọng nói thì thầm, tưởng thấy được cái lắc đầu nhè nhẹ của đứa bé.

Rick chưa bao giờ gặp lại người lính trong giấc mơ anh, anh chỉ gặp có mỗi cô bé. Đứa bé trong ảnh bây giờ đã là cô gái xinh đẹp, chỉ có đôi mắt buồn buồn. Cô gái đứng xa xa, mỗi lần anh tiến lại gần định nói gì với cô thì cô từ từ biến mất. Cứ thế, những đêm trằn trọc, những tiếng kêu trong cổ họng, những lần choàng dậy trong cơn mơ. Carol cũng phờ phạc, mất ngủ theo anh. Rick trở nên ít nói hơn, nhiều lúc cô bắt gặp anh ngồi thẫn thờ nhìn thật lâu vào khoảng không.

“Hãy nghĩ lại đi, Rick.” Carol tìm mọi cách thuyết phục chồng. “Anh đã sống sót trở về, trong lúc bao nhiêu đồng đội khác lại không được may mắn như anh. Nếu anh không làm vậy thì anh đã mất mạng rồi và tên anh được khắc trên bức tường tưởng niệm lính Mỹ hy sinh trong chiến tranh Việt Nam.”

Câu nói của Carol làm Rick bất chợt lóe lên ý tưởng. Phải rồi. Anh sẽ mang tấm ảnh tới đó. Anh sẽ đặt nó dưới chân bức tường ấy, là cách người ta vẫn làm như đặt ở đấy những bó hoa, những kỷ vật thời chiến. Đấy sẽ là nơi thích hợp nhất cho tấm ảnh. Anh bộc lộ ý định ấy với vợ mình.

“Tuyệt!” Carol gật gật đầu. “Ý kiến hay đấy.” Tất nhiên là Carol tán thành, cô thúc giục Rick xúc tiến ngay việc ấy và chỉ sợ anh đổi ý.

Sau khi hội ý với vợ mình, Rick ngồi viết lá thư ngắn gửi người lính trong ảnh.

Thưa anh bạn,

Xin tạ lỗi với anh về việc tôi đã làm. Tôi tin là anh hiểu, tôi không còn cách nào khác hơn. Nếu anh biết rằng tôi đã sống những chuỗi ngày thật nặng nề trong nỗi ray rứt, dằn vặt. Cuộc chiến mà chúng ta tham dự vào từ hai phía đối nghịch đã chấm dứt từ nhiều năm qua, tôi mong nhận được ở anh sự tha thứ giúp tôi tìm được sự bình an trong tâm hồn bên những người thân yêu trong những ngày còn lại ở thế gian này. Tôi tin là chúng ta sẽ gặp lại nhau vào lúc nào đó, sẽ không giống như cuộc gặp nghiệt ngã giữa hai kẻ đối đầu trong chiến tranh.

Hôm nay tôi gửi lại nơi đây tấm ảnh trong ví của anh mà tôi đã giữ trong suốt 22 năm. Tôi luôn cầu nguyện mỗi ngày cho linh hồn anh được thảnh thơi ở bên kia thế giới.

Rick Littrell (ký tên)

Xong, anh cho lá thư và tấm ảnh vào một phong bì, bọc trong một túi nhựa zipper.

Ít hôm sau hai vợ chồng đã có mặt nơi Bức tường Đá đen (Vietnam Veterans Memorial) ở Washington D.C. Rick nhẹ nhàng đặt bó hoa và phong thư dưới chân bức tường. Anh thắp ngọn nến nhỏ và lâm râm cầu nguyện. Xong, anh thổi tắt ngọn nến, đứng im một lúc rồi lặng lẽ đưa tay chào như cử chỉ từ biệt người bạn thân thiết, gần gũi trong bao nhiêu năm.

Xong, anh nắm tay Carol, vội vã rời khỏi nơi ấy. Rick quay nhìn lần cuối. Bức tường Đá đen vẫn im lìm, câm lặng.

Cuộc chiến bây giờ mới kết thúc

Câu chuyện tưởng chấm dứt, nhưng vẫn chưa ngừng ở đó. Ít năm sau, một người bạn thân của Rick, cũng là cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, làm việc ở thư viện thành phố, tìm đến anh.

“Tôi có cái này cho cậu,” Don nói và đặt lên bàn làm việc của Rick cuốn sách bìa cứng. Tựa sách là Offerings at the Wall. Bìa trước là ảnh chụp Bức tường Đá đen và những bó hoa, những lá cờ, những vật lưu niệm đặt dưới chân tường.

“Chuyện gì vậy?” Rick hỏi.

“Cậu mở trang số 52 đi.”

Rick làm theo. Trang sách mở ra. Hình ảnh đập vào mắt anh là tấm ảnh quen thuộc, tấm ảnh người lính Bắc Việt và đứa bé gái. Bên dưới là hình chụp những dòng chữ trong một lá thư. Rick nhận ra ngay nét chữ của mình.

“Sao lại có chuyện này?” Rick giật nẩy người. “Tôi không hiểu gì cả.”

“Duke là người quản lý Phòng sưu tập nơi Bức tường Đá đen ấy,” Don kể. “Anh ta có ý định xuất bản cuốn sách giới thiệu những món kỷ vật đặc biệt thu nhặt được dưới chân bức tường. Trông thấy chiếc phong bì cậu để lại nơi đó, anh ta mở ra xem và quyết định đưa ngay vào cuốn sách này. Tôi nghĩ cần cho cậu biết.”

Rick ngồi chết lặng. Anh tưởng đã quên tấm ảnh, nhưng cô bé lại quay về với anh. Cô không chịu rời xa anh. Ánh mắt buồn buồn của cô nhìn xoáy vào anh như trách móc, “Sao chú làm vậy? Chú không thể làm vậy.”

Hai tay bưng lấy mặt, nước mắt Rick ứa ra.

“Cám ơn cậu nhiều, Don.” Rick nói, sau ít phút im lặng. “Tôi biết mình phải làm gì.”

Rick vẫn ngồi một mình bên trang sách sau khi Don rời đi. Cuốn sách in đẹp, trang trọng. Anh nhìn thật lâu tấm ảnh hai bố con người lính, tấm ảnh như chưa bao giờ rời xa anh.

“Này cô bé,” Rick thì thầm, “cô muốn gì ở tôi? Cô muốn tôi phải làm gì bây giờ?”

“Chú biết phải làm gì mà.” Rick nghe tiếng nói trong đầu mình.

Carol bước lại gần anh, cúi xuống trang sách mở rộng trên mặt bàn. Cũng như Rick, cô sững người. Cô ngồi xuống bên Rick, không ai nói với ai một lời.

“Anh biết mình phải làm gì,” một lúc sau Rick nói nhỏ. “Anh phải trả tấm ảnh này về đúng chỗ của nó.”

“Em không rõ ý anh?” Carol hỏi.

“Anh phải đi tìm đứa bé ấy,” Rick nói. “Tấm ảnh phải được trả về tận tay cô bé, trả về cho gia đình người lính ấy. Chính anh, không phải ai khác, phải làm việc ấy.”

“Để làm gì chứ?” Carol ngần ngừ, hỏi. “Anh không thay đổi được gì cả.”

“Có chứ, Carol. Anh sẽ tìm được viên thuốc ngủ tốt nhất và sự an bình khi rời bỏ thế giới này.”

Carol biết không gì có thể ngăn cản được Rick, làm như có tiếng gọi nào thôi thúc anh vậy. Cô cũng muốn một lần này nữa cho xong.

“Chuyện này cũng khó như mò kim đáy biển. Nhưng, nếu anh muốn vậy, em sẽ đồng hành với anh.” Sau cùng, Carol nói.

“Tốt lắm,” Rick khẽ nắm bàn tay cô, “chỉ cần em gật đầu. Anh luôn cần có em.”

Rick xúc tiến ngay việc ấy. Anh liên lạc với Duke, người biên soạn cuốn sách Offerings at the Wall, xin lại tấm ảnh. Sau đó anh tìm đến một nhà báo quen biết ở East St. Louis, thuật lại câu chuyện xoay quanh tấm ảnh ấy. Câu chuyện sau đó được đưa lên trang đầu tờ Sunday Post-Dispatch, tờ báo có nhiều độc giả ở địa phương.

Rick cắt trang báo ấy cho vào một phong bì, cùng với lá thư viết gửi về Đại sứ quán Việt Nam nhờ giúp đỡ tìm kiếm tin tức về gia đình người lính trong ảnh. Công việc xem ra không dễ dàng chút nào và Rick chỉ biết cầu nguyện. Rick đợi, đợi mãi, cho đến lúc anh ngỡ việc mình làm quả là chuyện “mò kim đáy biển” như lời Carol nói thì anh nhận được thư hồi đáp từ Đại sứ quán.

Tin ông rõ, chúng tôi vừa nhận được thư của một người tên là Nguyễn Văn Huy. Anh ta cho biết người lính trong ảnh là bố anh, tên Nguyễn Trọng Ngọc, và bé gái trong ảnh là chị của anh, tên Nguyễn Thị Loan, lúc 6 tuổi. Hai chị em hiện đang sống ở xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Ông có thể liên lạc với gia đình chị Loan theo địa chỉ bên dưới…

Qua lá thư, Rick biết được câu chuyện dẫn đến việc lần ra tung tích người trong ảnh: Một tờ nhật báo ở Hà Nội đưa tấm ảnh ấy lên trang báo với dòng ghi chú vắn tắt, “Độc giả nào có thông tin gì về người trong ảnh, xin liên lạc tòa soạn.” Đến gần một năm sau, một cậu sinh viên xa nhà ở Hà Nội dùng tờ báo cũ để gói quà, gửi về cho mẹ mình ở làng quê. Bà mẹ nhận được quà, mở trang báo ra đọc, nhìn thấy tấm ảnh cha con người bộ đội, nhận ra người lính. Bà vội mang tờ báo sang làng bên cạnh, gõ cửa một căn nhà. Một người phụ nữ ra mở cửa. Bà cụ chìa tờ báo, chỉ tay vào tấm ảnh nói, “Ông này là bố của cháu đây.”

“Tạ ơn Trời,” Carol vỗ mạnh vào vai Rick. “Anh sắp tìm ra được ‘chiếc kim’ ấy rồi.”

Cỗ xe bắt đầu khởi động. Rick vội viết lá thư cho Huy, kể rõ câu chuyện về tấm ảnh và ngỏ ý muốn được đến thăm gia đình để trao lại tấm ảnh ấy. “Thư đi” khá lâu, không có “tin lại”. Rick hoang mang, không rõ phản ứng của gia đình người lính như thế nào hoặc thư có đến tay người nhận. Cho đến một ngày, anh nhận được lá thư từ Việt Nam, tên người gửi là Nguyễn Văn Huy. Thư chỉ vắn tắt ít dòng, nói gia đình đã nhận được thư và sẵn sàng đón tiếp vợ chồng Rick khi có dịp nào đến Việt Nam.

Bàn tay đã chìa ra, Rick chỉ mong có vậy. Anh và Carol đã sắp xếp sẵn mọi việc, chỉ chờ ngày lên đường. Với Rick, đấy còn là chuyến đi thăm lại một đất nước từng là “mảnh đất chiến trường xưa” ba mươi năm về trước, khi anh còn là người lính trẻ của một bên tham chiến. Với Carol, đấy là chuyến đi đến một đất nước xa lạ, con người và ngôn ngữ cũng xa lạ và những rủi ro nào khó mà biết trước được.

Rick thuê khách sạn ở Hà Nội. Nhờ sự trợ giúp của Đại sứ quán Mỹ, anh thuê được một chiếc xe, một người thông dịch tiếng Anh và tin đến gia đình Huy ngày anh và Carol đến thăm gia đình.

Hôm ấy không phải là ngày đẹp trời, xe khởi hành vào một sáng trời mây âm u. Người tài xế cho biết mất khoảng hai tiếng rưỡi từ đây đến một thôn làng nhỏ xa Hà Nội.

Xe chạy vòng vèo qua những con đường làng nhỏ hẹp, có lúc tài xế phải xuống xe hỏi thăm đường xá. Đến một lúc, anh ta chạy chậm lại, ra dấu, chỉ tay vào dãy nhà lụp xụp trước mặt. Từ xa, Rick đã trông thấy nhóm người, khoảng hơn hai chục người, đứng lố nhố, đón đợi trước sân nhà. Rick cố trấn tĩnh, hít một hơi thở sâu vào lồng ngực rồi thở ra từ từ. Anh không sao biết được những gì chờ đợi mình ở phía trước.

Xe đậu ở ven đường, tài xế mở cửa cho Rick và Carol bước ra, người thông dịch theo sau. Tay ôm bó hoa cúc vàng, tay cầm túi xách nhỏ, Rick sánh đôi Carol rảo bước về phía cổng nhà. Mọi cái nhìn đều đổ dồn về phía anh. Người thông dịch tiến đến trao đổi ít câu với người đàn ông và một phụ nữ đứng ngoài cùng. Rick dừng lại, lưỡng lự. Người phụ nữ chầm chậm bước lên giữa khoảng sân, nhìn chăm chăm vào Rick.

Rick khẽ rùng mình, tim anh đập mạnh. Anh tin chắc người phụ nữ đứng trước mặt mình là cô bé trong tấm ảnh năm xưa, tuy không tìm thấy nét gì quen thuộc giữa người và ảnh. Điều gì khiến anh tin vậy? Rick hiểu ra, chính là ánh mắt nhìn anh. Đôi mắt trông quen lắm. Đôi mắt gợn buồn, nhiều đêm theo anh vào trong giấc ngủ.

“Đây là chị Loan và anh Huy,” người thông dịch chìa tay về người phụ nữ và người đàn ông đứng sau. “Còn đây là ông Rick.”

Người đàn ông Mỹ tóc bạc trắng và người phụ nữ đứng sững nhìn nhau, bối rối. Rick quên mất mình nói gì, làm gì. Ít giây sau, như tỉnh người, anh bước lại gần hơn.

“Chào chị Loan,” Rick nói, trao bó hoa cho cô.

Người phụ nữ nói cám ơn, đưa tay đón bó hoa. Rick rút trong túi áo mảnh giấy ghi câu tiếng Việt anh học được từ người thông dịch.

“Thưa chị,” Rick bập bẹ, vừa nói vừa nhìn vào mảnh giấy. “Hôm nay tôi đến đây để xin hoàn trả lại chị và gia đình tấm ảnh mà tôi đã giữ suốt ba mươi năm. Xin tha thứ cho tôi.”

Người phụ nữ cúi mặt, quay đi giấu những giọt nước mắt ứa ra. Rồi cô bỗng nấc lên, tiếng khóc bật ra. Rick lúng túng, anh vỗ nhè nhẹ bàn tay cô cầm bó hoa. Hai chân muốn khuỵu xuống, cô ngã chúi vào Rick, ôm chầm lấy vai người đàn ông Mỹ xa lạ. Cô úp mặt vào ngực Rick, khóc rưng rức. Bàn tay Rick xoa xoa, vỗ vỗ vào lưng cô.

Một lát, đợi cho Loan trấn tĩnh lại, Rick ra hiệu cho Carol đưa cho anh chiếc túi xách. Anh lấy ra chiếc khung hình lồng tấm ảnh nhỏ, đưa cho Loan. Cô cầm lấy, mắt nhòe đi. Cô úp mặt vào khung ảnh, khẽ nấc lên. Trao chiếc khung ảnh cho người em đứng bên, cô lại dúi đầu vào ngực Rick, tiếng khóc vỡ òa. Rick cảm thấy bờ vai cô rung rung theo tiếng nấc nghẹn. Nước mắt cô thấm ướt ngực áo anh. Rick cố nén xúc động, anh không biết phải làm sao. Anh lại vỗ vỗ, xoa xoa vào lưng cô như cố xoa dịu một vết thương.

Carol bước lại gần đưa khăn giấy cho Loan, rồi quay nhìn hướng khác. Cô nhìn dãy nhà lợp tôn, cũ kỹ, lụp xụp. Cô nhìn những đứa trẻ lem luốc, đen đủi, giương to mắt nhìn cô và Rick. Cô nhìn nhóm người già trẻ đứng vây quanh, hẳn là những thân nhân, những người quen biết với gia đình này. Cô nhìn thấy vẻ hiền hòa trên những khuôn mặt, vừa tò mò vừa lộ vẻ xúc động.

“Cháu có oán hận tôi không?” Rick khẽ hỏi, qua người thông dịch.

Loan vẫn gục đầu lên ngực anh, khóc nức lên, không trả lời. Anh hỏi lại lần nữa. Cô ngước lên, nhìn Rick, ít giây sau cô nhè nhẹ lắc lắc đầu. Huy, người em cô, đến bên Rick.

“Chị Loan rất ít nói,” Huy nói. “Chị ấy không oán ghét gì chú đâu. Ngày trước thì có, bây giờ thì không còn nữa. Chú không có lỗi, đấy là chiến tranh.”

Đấy là chiến tranh. Carol từng nói vậy, những bạn bè anh từng nói vậy, và bây giờ Huy cũng nói vậy. Vẫn là mấy chữ ấy. Chỉ đơn giản là vậy sao?

“Chúng cháu oán ghét chiến tranh chứ không oán ghét chú,” Loan bỗng ngước lên nhìn Rick, mắt đỏ hoe.

“Hai cháu không biết đâu,” Rick trầm ngâm, “lẽ ra người chết phải là chú chứ không phải bố của hai cháu. Ông ấy nhìn thấy chú trước khi chú kịp nhìn thấy ông, nhưng không hiểu vì sao ông đã không bắn chú. Câu hỏi ấy theo chú suốt bao nhiêu năm nay.”

“Đấy là phần số của bố cháu,” Huy nói, sau mấy phút im lặng. “Chú đừng tìm kiếm câu trả lời nữa, chẳng thay đổi được gì đâu. Cháu cũng có nhiều câu hỏi và khi biết sẽ gặp chú hôm nay cháu cũng định hỏi chú, nhưng bây giờ thì… cháu không muốn hỏi nữa. Chiến tranh đã đi qua. Mọi chuyện đã kết thúc như chiến tranh đã kết thúc.” Anh quàng tay ôm siết vai chị mình, “Mọi người cần hướng về phía trước, cần sống cho những người thân yêu của mình.”

Rick khựng người, mở lớn mắt nhìn người đàn ông. Anh chàng này là ai mà đã cho anh những lời khuyên ấy? Anh ta nghĩ thế và nói thế, hay là anh ta nói thay cho bố mình?

“Cám ơn chú đến thăm và gửi chúng cháu tấm ảnh bố cháu,” Huy nói thêm. “Ảnh này rất quý đối với chúng cháu.”

“Chính chú mới phải cám ơn gia đình cháu đã tha thứ cho chú và cất dùm chú khối nặng đè trên ngực chú từ bao lâu nay,” Rick nói, áp bàn tay lên ngực mình.

Huy nói anh chưa nhìn thấy tấm ảnh này bao giờ. Cả mẹ anh, khi còn sống, cũng không giữ được ảnh này. Ngày bố xa gia đình, đi biệt, anh chỉ mới 6 tháng tuổi, nên hình ảnh người bố chỉ là tấm ảnh đen trắng mờ mờ bên ánh nến lung linh trên bàn thờ.

“Cô chú có muốn đi thăm mộ bố chị Loan?” người thông dịch ghé tai Rick. “Ở gần đây thôi.”

“Vậy sao?… Cậu hỏi giúp hai chị em xem có tiện không.”

Mộ người bố nằm giữa cánh đồng gần nhà. Huy đưa mọi người đến đó. Nấm mộ thấp, đơn sơ, chỉ một tấm bia nhỏ, khắc tên người lính.

Huy thắp nén nhang trao cho Rick. Anh đón lấy, vụng về làm theo động tác khấn vái của hai chị em. Xong, anh đứng thẳng người, chụm hai chân, đưa cánh tay lên chào, môi mấp máy một đôi lời với người dưới mộ.

Đã lâu lắm Rick mới tìm lại được cảm giác nhẹ nhõm như lúc này. Anh đứng yên một lúc, dõi mắt nhìn đồng cỏ rộng trải dài tận chân núi xa xa, nhìn những bông lau trắng phau đong đưa theo chiều gió và những bông hoa dại lay động nhẹ nhàng trên mộ người lính.

“Chú biết không?” Huy khẽ nói, “Khi thoạt nhìn thấy chú bước vào cổng nhà cháu, chúng cháu tin rằng linh hồn bố cháu ở trong chú, và ngày hôm nay bố đã trở về lại nhà mình sau chiến tranh.”

Rick lặng người. Anh muốn thốt ra câu gì đó nhưng nghẹn lời. Anh dang rộng cánh tay ôm chặt hai chị em một lúc lâu. Đến lúc ra xe, anh và Carol lần lượt ôm hôn từng người trong gia đình, nói lời từ giã. Xong, anh bước vội vào xe. Xe nổ máy, Rick ngoái lại nhìn. Loan úp mặt vào lòng bàn tay trong lúc Huy ôm vai chị mình, đứng nhìn theo.

Xe chạy chậm, để lại đám bụi nhỏ trên mặt đường gồ ghề. Từ lúc ấy cho đến khi ra khỏi con đường làng dẫn ra đường lớn, bốn người trên xe, Carol và Rick, người tài xế và người thông dịch, không ai nói với ai một lời nào.

Một lúc sau trời chuyển mưa, rồi cơn mưa nặng hạt rơi xuống. Rick chăm chú nhìn chiếc cần gạt nước chuyển động qua lại quét những màng nước chảy ràn rụa trên mặt kính xe. Carol ngồi sát vào anh hơn.

“Anh có tin là người chết có linh hồn?” cô hỏi khẽ.

Rick lặng thinh, không trả lời.

“Em nhớ Huy nói gì chứ?” một lúc sau, anh hỏi lại cô. “Đừng tìm kiếm câu trả lời nữa.” Anh nói và mỉm cười, tìm bàn tay Carol.

Trong bài trả lời cuộc phỏng vấn của báo Mỹ sau chuyến đi ấy, Rick có đoạn nói:

Trong nhiều năm, tôi luôn cảm thấy nặng nề và ray rứt trong lòng mỗi khi nghĩ tới gia đình người lính ấy; tuy nhiên, là một cựu chiến binh, tôi không hề hối tiếc việc mình từng tham dự vào cuộc chiến đó, cuộc chiến mà biết bao đồng đội tôi đã hy sinh. Đấy là hai chuyện khác nhau, nói rõ là vậy. Tôi tin là gia đình người lính và mọi người hiểu được điều đó. Mỗi bên tham chiến đều chiến đấu cho niềm tin của mình. Niềm tin ấy ở trong tôi đến nay vẫn không hề lay chuyển.

Ở dòng cuối bài phỏng vấn, Rick nói lời sau cùng, “Với tôi, kể từ phút ấy, giây phút tôi đưa cánh tay lên chào người lính nằm dưới nấm mộ, cuộc chiến tranh đó mới thực sự kết thúc.”

Lê Hữu

* Viết phỏng theo bài báo NBC News, 25/5/2008

Ảnh từ Youtube “Emotional Return to Vietnam”

Gia Nguyễn chia sẻ từ Xuân Nghĩa Lê

HOA TÍM NGÀY XƯA

Con đường em về ban trưa
Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ
Tuổi em vừa tròn mười bảy
Tóc em vừa chấm ngang vai

Con đường em về mưa bay
Ta đứng trông theo bao ngày
Từ bao giờ lòng cứ ngỡ
Yêu người mà nào có hay!

Con đường em về thơm hương
Ngọc lan khuya rụng trong vườn
Tiếng dương cầm đâu lặng lẽ
Đưa ta về phía cuối đường

Con đường em về năm xưa
Có biết hay chăng bây giờ
Hoa tím thôi không chờ nữa
Chỉ còn ta đứng dưới mưa…

(Cao Vũ Huy Miên)

___

Nhà thơ Cao Vũ Huy Miên từng chia sẻ về sự ra đời của bài thơ “Hoa tím ngày xưa”:

“Thời còn học trung học ở Đà Nẵng, mỗi sáng đến trường, tôi thường đi ngang qua một ngôi nhà đầy vẻ u tịch, phía trước có giàn hoa giấy màu tím sẫm và trong sân có cội ngọc lan già lúc nào cũng toả hương. Điều khiến tôi càng thêm chú ý là từ ngôi nhà, đôi khi lại văng vẳng tiếng dương cầm… Và một người con gái đẹp đi học chung đường…

Tôi làm quen được em nhờ những tháng ngày kiên trì lẽo đẽo theo sau với một tâm hồn lãng mạn rất thơ ngây và những bài thơ hoa bướm vụng dại. Mối tình học trò nẩy nở nhẹ nhàng với những buổi hẹn hò đi ăn bánh bèo Huế, chè đêm, cùng những câu chuyện mưa nắng bâng quơ, đôi khi cũng có những dỗi hờn để không gặp nhau vài ba bữa…

Nhưng rồi, đậu tú tài tôi phải đi học xa và xa mãi mối tình đầu. Em đi lấy chồng, gởi cho tôi một phong thư, bên trong chỉ là trang giấy trắng và những cành bông giấy màu tím sẫm ép khô! Nhìn những cánh hoa mỏng manh sắc tím, tôi có cảm giác như trong đó còn thấm đẫm những giọt nước mắt…

Tôi trở về thành phố cũ, một buổi chiều mưa bay, dù ngại ngần nhưng không hiểu sao vẫn muốn đi ngang qua ngôi nhà cũ của em và bất chợt dừng lại trú mưa dưới giàn hoa giấy…

Từ đây một tứ thơ sáu chữ bỗng hình thành trong đầu và trong đêm đó tôi đã viết nên bài “Hoa tím ngày xưa”: Con đường em về ban trưa / Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ / Tuổi em vừa tròn mười bảy / Tóc em vừa chấm ngang vai…”

Bài thơ này đã được Hữu Xuân phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.

Nguồn: FB. trích diễm

***

Nhà thơ – nhà báo Cao Vũ Huy Miên tên thật là Đinh Đoan Hùng, sinh năm 1955 tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Cao Vũ Huy Miên là thế hệ nhà thơ trưởng thành từ lực lượng TNXP, cùng thời với các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Đỗ Trung Quân, nhạc sĩ Lã Văn Cường, Nguyễn Đức Trung, Lê Văn Lộ… Ông từng công tác tại Báo SGGP. Các tác phẩm đã xuất bản: Thời kỷ niệm, Hoa tím ngày xưa… Đặc biệt các ca khúc được phổ nhạc từ thơ ông được nhiều người yêu thích: Hoa tím ngày xưa (nhạc sĩ Hữu Xuân), Sài Gòn trong tôi (nhạc sĩ Thế Hiển) – ca khúc này từng đoạt giải 3 cuộc thi sáng tác với chủ đề Hát về thành phố yêu thương do Báo SGGP tổ chức.

Nhà thơ Lê Minh Quốc – một người bạn thân thiết với nhà thơ Cao Vũ Huy Miên – kể: “Thời tôi đi bộ đội, anh Huy Miên đã tặng tôi hai câu thơ Trưa cuốc đất trên đồng chó ngáp/ Cuốc đụng miểng bom cứ tưởng cục vàng. Tôi nhớ hai câu thơ này cho đến tận bây giờ, bởi nó phản ánh rất đúng với cuộc sống, tâm trạng của những người lính trẻ mới lơ ngơ bước vào chiến trường, không biết gì cả. Sau này, có nhiều dịp đi ăn phở với anh, hai người bạn đồng hương không hiểu vì sao cứ hay nói về bệnh tiểu đường và cả những phương thức phòng trị. Không ngờ sau này căn bệnh ấy đã vận vào anh”.

Một kỷ niệm đẹp trong đời TNXP, đời thơ của nhà thơ Cao Vũ Huy Miên mà người bạn chí thân của ông vẫn nhớ: Cao Vũ Huy Miên – con người ngỡ như giản dị, không muốn tâm tình, lại là người nhiều tâm tư. Anh từng kể: “Có một lần, đại đội tôi đổ quân xuống chân núi Chứa Chan. Đêm đầu tiên ở rừng, trăng sáng vằng vặc, tôi không sao ngủ được. Sẵn máu… thơ, tôi mò mẫm làm bài thơ Tháng tư em lên vùng đất mới. Bài thơ được đăng trên Báo Tuổi Trẻ và một cô TNXP dễ thương mua tặng. Tôi mừng quá… suýt nữa ôm hôn bất tử… Cuộc sống TNXP gian khổ nhưng chứa chan tình cảm và đầy chất lãng mạn đã đưa tôi đến nhiều vùng đất, cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Như vậy hỏi làm sao tôi không làm thơ cho được…”

Sau một thời gian dài chống chọi với bạo bệnh, nhà thơ Cao Vũ Huy Miên đã từ trần vào lúc 17 giờ ngày 25-11-2008, tại nhà riêng ở chung cư Miếu Nổi, P.3, Q. Bình Thạnh – TPHCM. R.I.P

Nguồn: https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/nha-tho-cao-vu-huy-mien-qua-doi-247153.htm#:~:text=Nh%C3%A0%20th%C6%A1%20%2D%20nh%C3%A0%20b%C3%A1o%20Cao,%2C%20L%C3%AA%20V%C4%83n%20L%E1%BB%99…

Tản mạn – Ngày hội ngộ nửa thế kỷ với thầy cô học trò Bình Sơn

Ngoài dạy thêm hai trường tư, bán công, tôi đã từng làm cô giáo ở ba ngôi trường công lập, mỗi trường là một gắn bó riêng: Bình Sơn xứ Quảng là nơi khởi nghiệp khi mới ra trường, rồi về Huế sau chinh chiến, trường Trung học Phú Vang lại gắn bó với cả đoạn dài cô trò vất vả khó khăn thời bao cấp và cuối cùng về trường THPT Hai Bà Trưng tức Nữ Trung học Đồng Khánh xưa nơi tôi từng học, từng có nhiều mơ ước. Cả ba trường dù gần, dù xa vẫn như nhà thơ Chế Lan Viên: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”.

Riêng với Bình Sơn, “ra đi rồi lại trở về”,có hai lần tôi trở lại để bây giờ trong tâm cảm lâng lâng sau ngày hội trường, ngồi ghi đây lời cảm xúc.

Đúng như trong phát biểu một người của BTC ngày hội trường Từ khi chia tay không có lời từ giã”, tôi cũng từ giã ngôi trường Trung học công lập Bình Sơn không kịp chào đồng nghiệp, học trò. Thời gian trôi nhanh với bao biến đổi, cho đến một ngày chỉ là tình cờ theo nhóm bạn đi xa ghé Quảng Ngãi, giựt mình ngó lại đã gần 40 năm. Bất ngờ trong xúc động khi thấy các em đang ở thị xã nhiệt tình đón tiếp và xúc động hơn khi gặp các em ở Bình Sơn, có nụ cười rất tươi có luôn nước mắt mừng vui khi đi đến Dung Quốc, khi về sân trường. Trong buổi trưa ở nhà hàng ven sông, những bài hát nối nhau không biết hay dở chỉ biết là kỷ niệm được gọi về, những bài từng hát từng nghe “ngày cô trò còn ở trường Bình Sơn.

Một lần gặp ấy thoáng chốc đã mười năm trôi, nay lại về. Vẫn vùng Châu Ổ mất nhiều dấu xưa, con đường xa lạ, ngôi nhà từng ở trọ cũng không còn, phố xá thênh thang thay cho dãy phố lúp xúp con đường nhỏ xưa, vừa mừng vì sự đổi thay mới mẻ mà cũng bùi ngùi cảnh cũ quen thuộc đâu còn. Lần trở về thứ hai này, là cô giáo cũ được cựu hs mời về dự họp mặt thầy cô bạn bè sau 50 năm thành lập trường. Bước xuống sân ga được một em đón về nơi ở có các cô thầy khác, xôn xao và vui mừng với gặp gỡ đồng nghiệp quen lẫn không quen do nhiều thế hệ khác nhau.Vậy mà, với cái tình cùng dạy ngôi trường, cùng bước đầu khởi nghiệp, cứ thế coi nhau như trong một gia đình, mừng các anh chị từ các nơi đã cùng về, có nhau.

Ngày trước lễ hội, cám ơn ban tổ chức dẫn cô thầy đến những điểm là thắng cảnh Quảng Ngãi, vì khi năm tháng giảng dạy thời chiến không thể nào đi đó đi đây. Một trong điểm đến là Thiên Ấn, bồi hồi nhớ năm 1974, cô trò đạp xe từ Châu Ổ lên đây, đi ngang Bình Liên đầy lính ùa ra vì vừa xong chiến trận đâu đó. Các em nam không hẹn mà đạp xe ra vòng ngoài như bảo vệ cho cô và các bạn nữ. Thấy áo dài bay, có tiếng “à, cô giáo dẫn học trò” và họ cũng dạt một bên để cô trò tiếp tục đạp xe. Nhớ luôn đi một đoạn, các em rủ nhau xuống ruộng thử đạp xe nước để cô được nghỉ cho khỏi mỏi chân (cô nghe loáng thoáng “bã mệt rồi mà không chịu lên ngồi xe Honda”, khi ấy có hai em chạy Honda). Mới đó 50 năm.

Rồi đến thăm nơi chốn cũ, trường cũ không còn dấu tích, con đường vào trường cũng không còn con đường như xưa. “Còn đâu hỡi ôi ngày tháng cũ, còn đâu trường dạy xưa, còn đâu…”, không dư âm chẳng có dư ảnh chỉ man man hoài niệm khi cô thầy, khi cựu hs chỉ chỏ cùng nhau “nơi này khi xưa là…, nơi này có cây bàng, nơi này là cây phượng, nơi này là..,”. Phải rồi, 10 năm trước trở về vẫn còn cây phượng cũ đầy hoa, “phượng vỹ ơi, ngươi cũng bỏ đi ư?”

Buổi chiều không dự cùng các anh chị đồng nghiệp mà gặp lại lớp hướng dẫn cũ (sau 1975 gọi là chủ nhiệm), lớp 9/3 (73-74). Có những khuôn mặt thân quen, những em đã tìm đã gặp để thỉnh thoảng mỗi lần vô Saigon có nhau, còn lại là sững sờ nhận diện nghe xưng tên. Ngày ấy em tuổi 16, 17 bây giờ tuổi trên 60 gọi là U70, làm sao cô giáo cũng tuổi U80 không ngẩn ngơ vì đã đến tuổi quên nhiều hơn nhớ. Nhớ quên vẫn rộn ràng trong cười nói trong tiếng gọi “cô ơi, cô H. ơi” như tiếng gọi đêm giao lưu văn nghệ, trong tiếng hát đầm ấm của thầy Yên nguyên hiệu trưởng tuổi U90, trong ngọt ngào giọng hát các cựu hs cùng “hát cho nhau nghe”. Bềnh bồng theo sáng hôm sau với lễ chính thức. Có trại riêng dành cho mỗi khối có nơi ngồi chung giữa sân trường Trung Học Bình Sơn thênh thang. Quen lạ lạ quen. Nhìn sân đầy người, chao ơi thời gian! làm thế nào nhận ra ai và ai? nhưng tôi biết đó là em, là các em, học trò Bình Sơn có học, có biết tôi vì ở đó, ở đây có những tiếng reo gọi “cô, cô Huyền” là tay bắt mặt mừng là cùng nhau ghi hình. Nơi này nơi kia, lần lượt nghe tên, nghe kể về ngày ấy, trong sân trường, trên dãy hành lang, áo dài sẫm màu và khăn quàng bay bay, là cô giáo trẻ thuở ấy là ký ức để nhớ của các em. Cám ơn các em, những nhắc lại những chuyện kể, chúng ta đang đi trong hiện tại không như xưa mà bước chân theo quá khứ vẫn tràn đầy năm tháng cũ.

Tôi trở lại thực tại để khen ban tổ chức chu đáo tình cảm để vui với “cuộc hội ngộ nửa thế kỷ”, cô trò gặp gỡ, đồng nghiệp gặp gỡ. Cái tuổi vượt xa “thất thập cổ lai hy” thì càng thêm quý sự gặp nhau giữa đời vốn vô thường. Cũng cám ơn quý anh chị đồng nghiệp, chúng ta đã gặp nhau, chan hoà trong đại gia đình THCLBS và như ý của tất cả không dễ gì có được buổi hội ngộ hoành tráng mà thân tình thế này”. Lại cám ơn các thế hệ học sinh đã về để “dây thân ái lan rộng”, mỗi một người về dự là mỗi một yêu thương trường dù dấu xưa trường cũ không là ngôi trường thuở nào nhưng trong lòng chúng ta vẫn có “Trung học công lập Bình Sơn”

Tháng 3/2024

Nguyễn Khoa Diệu Huyền (VH-LVC)

Phan Châu Trinh như tôi hiểu

Hôm nay 23/3/2024, Nhân Dân ta kỉ niệm 98 năm ngày đi xa của Chí sĩ, Nhà cách mạng PHAN CHÂU TRINH (24/3/1926 – 24/3/2024). Mời các Bạn đọc bài thơ dưới đây!

Phan Châu Trinh như tôi hiểu

Là một người yêu Nước và thương Dân,

Ông sống một đời vì Dân, vì Nước.

Là một người dẫn đường, đi trước,

Ông tiên phong cổ xuý DÂN CHỦ ở Việt Nam.

Trước cả Mohandas Karamchand Gandhi [1],

Trước cả Martin Luther King, Jr. [2],

Ông đề xướng BẤT BẠO ĐỘNG

Để đấu tranh giành Tự do, Độc lập.

Bởi tin, yêu Con Người,

Ông quyết không dùng súng, đạn.

Làm Cách mạng để cứu Nước, cứu Dân,

Ông quyết không thèm vay mượn

Những học thuyết của người ta để tròng lên cổ Dân ta!

Ông dựa vào Dân mình để cứu lấy Người mình:

KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH [3],

Một chữ Dân viết hoa trong lòng Người tin yêu Dân nhất.

Ông chủ trương DUY TÂN để tiến lên phía trước.

Đổi mới Con Người để đổi mới Quê hương, Tổ quốc.

Và đường lối ấy, nếu đã được thi hành trong hiện thực

Thì ngày nay, Việt Nam đã là một nước phú cường.

Yêu vợ, thương con, Ông viết những dòng đơn sơ, chân thật

Cho vợ, con Ông … mà đọc lại, tôi không thể cầm nước mắt.

Phan Châu Trinh

Là một Người rất Con Người

Của Quảng Nam, quê hương Ngũ Phụng tề phi [4],

Của dân tộc Việt Nam hơn bốn nghìn năm văn hiến

Và của Nhân loại văn minh, tiền tiến.

Ninh Thuận ngày 9-9-2008

PHAN THÀNH KHƯƠNG

[1] Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948) là người đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bất bạo động để giành độc lập cho Ấn Độ.

[2] Martin Luther King Jr. (1929-1968) là nhà hoạt động dân quyền người Mĩ gốc Phi, đoạt giải Nobel Hoà bình năm 1964.

[3] Mở mang nhận thức, tri thức của Dân; chấn hưng ý chí, chí khí, khí phách của Dân; làm cho đời sống của Dân được đầy đủ, hùng hậu.

[4] Năm con phượng cùng bay lên. Trong kì thi năm 1898, Quảng Nam có 5 vị cùng đỗ đại khoa – 3 Tiến sĩ: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn và 2 Phó bảng: Ngô Lí, Dương Hiển Tiến.

BÀI THƠ VĂN XUÔI TỪ GIàHUẾ

Trần Kiêm Đoàn (VH-PCT)

Gã phiêu bạt lang thang về lại Huế.
Duyên chưa tròn lãng tử lại ra đi.
Tối mai bay vô Sài Gòn đêm nay khó ngủ. Cứ thương thương chen lấn nỗi buồn.

Có chi mô ba tuần ở Huế; mà thời gian không đủ để vui buồn. Vui bè bạn năm châu hội ngộ, buồn cuộc vui nào cũng có lúc chia tay.

Huế mà nói thương thì còn mỏng quá. Nói quặn lòng e chưa đủ tình nhau.

Huế nói ghét e vẫn còn giận lẫy; nói chi mô nghe chưa đủ ân tình. Bởi tiếng Huế là nâng niu im lặng; để tím buồn mây núi vọng xa xăm.

Huế không cần nêm thêm gia vị, mà vẫn hồn nhiên cay đắng ngọt bùi. Phút hội ngộ mừng trở về cũng khóc; giờ chia tay nước mắt cũng lưng tròng. Ôm thật chặt sợ thời gian tuột mất, ngại vô thường ai dám hẹn năm sau.

Mong manh quá Huế ơi đời bọt nổi, có em rồi còn sợ mất trong mơ. Vì tình Huế là cây đa bến cũ, ngỡ muôn đời lo bến vắng đò trôi.

Đêm khuya lắm giọt mùa Xuân dài ngắn. Dế linh hồn man mác gọi đêm thâu. Bóng tối Huế như giọt thầm dễ vỡ. Giấc canh dài gà gáy tỉnh ban trưa.

Gặp lại Huế em nơi mô không thấy. Em đã về cung cấm thuở vàng mơ. Ôm viễn mộng trong vòng tay bát ngát. Huế hiện tiền mà Huế vẫn xa xưa.

Hẹn với Huế ngày mô về lại. Con đường xưa trảy lá đợi chờ. Anh chỉ sợ trên nẻo đường vĩnh cữu. Huế thật tình là Huế ở trong mơ.

Nhà Ba Á – An Cựu 21-3-2024
Tạm biệt Huế
TKĐ

***

RĂNG CỨ ĐÒI THƯƠNG HUẾ

Trần Kiêm Đoàn

Huế có chi mô mà đòi thương dữ rứa
Hạ nắng cháy mình mùa đông lạnh cắt da
Dãi đất hẹp Trường Sơn ra tận biển
Cuối tháng mười bão lụt cũng không tha

Nhưng khổ quá
Tui cũng là dân Huế
Đã xa quê khi mới nửa đời
Nơi đất khách có đủ điều mơ ước
Rủng rỉnh lợi danh tưởng quên được Huế rồi

Ma quỷ bắt cứ đăm đăm về Huế
Nhớ nhịp cầu thổn thức với dòng sông
Tô cơm hến dĩa xôi mè buổi sớm
Cháo gạo nghèo răng thương Huế rưng rưng

Tui đã tới đã đi nhiều xứ lạ
Cũng lặng nhìn bao cảnh đẹp kiêu sa
Nhưng nét Huế không đến từ đôi mẳt
Tự trong lòng thăm thẳm Huế lan ra

Im ắng mãi theo tượng đài cổ tích
Huế ngập ngừng như lời ngỏ tình nhân
Mắt rơm rớm cắn môi là đã nói
Không hẹn hò mà nhớ tới trăm năm

Không chi cả mà nghe đời rất Huế
Hạt bụi hồng thiên cổ vọng bao la
Trong giọt nước chứa linh hồn biển cả
Nên Huế gần mà Huế cũng rất xa
.

Ảnh: Ngô Lễ

THÔNG BÁO SỐ 6 HỘI KHÓA NHA TRANG 2024

Phông nền Hội khóa ở Hội trường đêm Gala 10/4

Hôm nay, ngày 25/3/2024, còn đúng 15 ngày nữa là đến Hội Khóa “Nha Trang Ngày về” 2024.

BTC đã cập nhật danh sách các thân hữu và khách mời gồm 105 người tham dự (Nguyễn Văn Thế và PN bạn Nguyễn Công Chiếu không đi nữa, vợ chồng bạn Nguyễn Em (T-HTK) không đi nữa vì lý do sức khỏe; bạn Lê Thí không dự, Phượng bạn của Huỳnh Thị Hường phút cuối rút lui), trong đó có quý Thầy và phu nhân (7 người, nhưng có lẽ chắc chắn chỉ có 5 người, thầy Hà Thúc Hoan vì sức khỏe nên không dự được, thầy Lê Tự Hỷ nghe nói lúc này Thầy cũng không đi xa) và 8 khách mời (Anh Ngô Văn Ban, chị Lương Kim Kê, bạn Kim Ngân – Phu nhân bạn Nguyễn Hoàng Quý, bạn Nguyễn Văn Tâm T-ĐHSP Sài Gòn – nhà tài trợ huy hiệu Hội khóa Nha Trang 2024, thêm 2 cặp vợ/chồng em của thầy Huỳnh Ngọc Phiên).

BTC vừa nhận tin, bạn Nguyễn Văn Yên (LH-HTK) sẽ về Phan Rang cùng với Nguyễn Văn Vang (LH-HTK) sẽ hỗ trợ dìu bạn Nguyễn Trung Quốc (LH-LVC) đi dự Hội khóa, cả 3 hoạt động, đêm gala chúng ta sẽ được nghe tiếng hát hay của bạn Yên.

Như vậy số thành viên dự không kể quý Thầy và khách mời là 90 (trong đó qua bạn Thể Quỳnh có đăng ký thêm bạn Trần Văn Châu lớp VV-HTK). BTC mong các bạn đã đăng ký nên chắc chắn dự để BTC chốt lại lần cuối với KS Aries về số phòng sẽ thuê (nếu bạn nào đã đăng ký rồi mà bỏ không ở KS thì BTC phải bù tiền phòng), đóng tiền các khoản trong Hội khóa đã ghi trong Thông báo số 5, gia hạn thêm đến ngày 25/3/2024 để BTC chốt số lượng suất ăn và các chi phí trong đêm gala 10/4 và ngày 12/4 (tham quan và tiệc chia tay), đồng thời khoản tour du lịch 3 đảo (650.000 đồng). Danh sách cập nhật sẽ đăng ở phần cuối Thông báo này. Ngoài các khoản đóng góp tại Hội khóa, tiền lưu trú KS Aries sẽ do các cá nhân tự trả tại Lễ tân khi nhận phòng: Phòng đôi: 250.000 đồng/người/ngày; Phòng 3 người: 217.000 đồng/người/ngày; Phòng 4 người: 200.000 đồng/người/ngày.

Đề nghị các đoàn sơ kết các khoản nộp, nhắc nhỡ các thành viên còn lại trong đoàn chuyển khoản hoặc nộp trực tiếp. Các đoàn lẻ chưa thấy động tĩnh gì!

Tài trợ thêm cho Hội khóa:

  • Ngoài những khoản tài trợ của các Mạnh Thường Quân cho Hội khóa trước đây, BTC cũng đã nhận thêm 50 USD tài trợ cho Hội khóa của bạn Phan Nữ Lan (PV-LSPT); chị Lương Kim Kê tài trợ 1.000.000 đồng cho Hội khóa; bạn Phan Thành Khương tài trợ 500.000 đồng từ ngày 22/8/2023 nhưng không có tin nhắn SMS nên mình đã vào thông tin của VCB mới tìm ra, xin lỗi bạn Khương. BTC gửi lời cám ơn tình cảm của bạn Phan Nữ Lan, mặc dù không về dự được nhưng đã quan tâm đến Hội khóa và chị Lương Kim Kê, Phan Thành Khương và các MTQ khác. Danh sách tài trợ sẽ cập nhật cuối TB này.
  • BTC cũng nhận được tài trợ của anh Hải (PQ của bạn Nguyễn Khoa Phương Dung (AV-HTK) dưới hình thức mời hai nhạc công trong đêm Gala: Thạch Dung, Guitar và Mỹ Linh, Violon.. là nghệ sĩ chuyên nghiệp, giúp cho văn nghệ đêm gala thêm hấp dẫn, phong phú. Cám ơn hai vợ chồng bạn Phương Dung và anh Hải đã rất nhiệt tình hỗ trợ cho Hội khóa.

MC trong đêm gala 10/4: Theo đề nghị trước đây của bạn Nguyễn Hoàng Quý, BTC đã mời hai bạn Lê Bân và Đặng Thị Thanh Nhã làm MC cho đêm gala tối 10/4, hai bạn đã làm MC rất thành công trong Hội khóa Đà Lạt 2022 và đã được hai bạn nhận lời.

Ban Văn nghệ đêm Gala 10/4/2024: đề nghị Trưởng ban: bạn Lê Lâu, phối hợp với anh Hải (PQ bạn Phương Dung) sắp xếp các tiết mục và báo với 2 MC để giới thiệu. Quản ca hát tập thể: các bạn Đặng Ngọc Thanh Hải, Nguyễn Viết Kế, Trương Văn Tẩu.

Chương trình văn nghệ đêm gala 10/4 đã được các đoàn tích cực tập dượt, nhất là đoàn Sài Gòn. Sau đây là một số tiết mục đầu tiên đã đăng ký:

– Đoàn Nha Trang đề nghị diễn 3 tiết mục đầu tiên mở màn với tư cách là đoàn chủ nhà:

1. Nha Trang – Minh Kỳ (anh Hải hát), bài này nhiều người biết và xem như giới thiệu về Nhatrang.

2. Tưởng Niệm- Trầm Tử Thiêng (Lê Lâu hát), để tưởng nhớ những người bạn Nhatrang mới từ giã chúng ta.

3. Nhớ Nhatrang- Minh Kỳ (anh Hải hát).

4. Hãy yêu nhau đi – TCS – Võ Sĩ Quí

– Đoàn Sài Gòn đa dạng phong phú, tập luyện hàng tuần:

1. Hợp ca: Ngồi lại bên nhau-Phạm Uyên Nguyên

2. Múa: Mưa chiều miền Trung – Hồng Xương Long (tốp nữ)

3. Tứ nữ ca: Biển hát chiều nay-Hồng Đăng

4. Đơn ca:  Ta trở lại con đường xưa áo lụa – Thơ: Phan Phụng Thạch (đã mất), nhạc: Cao Hữu Điền (vừa mới mất) (Diệu Hoà hát tưởng nhớ 2 người Thầy trường Nguyễn Hoàng tác giả bài hát).

Mùa thu lá bay – Nguyễn Khả Nho; Tà áo tím (Minh Hà); Bài không tên số 50 – Lê Văn Lộc; Nguyễn Thị Sửu (bài đăng ký sau).

Hoa soan bên thềm cũ – Chị Lương Kim Kê

Bạn Nguyễn Văn Yên đề đăng ký bài: Tình tự mùa xuân – Từ Công Phụng

Ta trở lại con đường xưa áo lụa – Phan Phụng Thạch, Cao Hữu Điền, Trần Quang Lộc

Đoàn Huế đăng ký các tiết mục:

1.Hợp ca: Tôi muốn – Lê Hựu Hà

2.Tốp nữ: Mùa Xuân đầu tiên – Văn Cao.

3.Đơn ca:

*Thanh Nhã: Nha Trang ngày về – Phạm Duy

*Diệu Huyền: Biển nhớ

*Nguyễn Văn Dòa: Tiếng Sông Hương

*Trần Thị Minh: Anh còn nợ em

4.Trương thị Hoa ngâm thơ tự sáng tác mừng Hội khóa Nha Trang 2024

Đoàn Đà Nẵng: Đơn ca Còn có bao ngày (TCS) – Võ Thị Vũ

Đề nghị các đoàn khác đăng ký tiết mục văn nghệ để BTC sắp xếp.

Ngoài ra, BTC sẽ in một số bài hát tập thể để cùng nhau hát giữa các tiết mục. Đề nghị các bạn Đặng Ngọc Thanh Hải, Nguyễn Viết Kế, Trương Văn Tẩu làm quản ca, làm sống lại hoạt ca trong những buổi sinh hoạt liên lớp các khóa hơn 50 năm trước.

Nhắc lại Chương trình 3 ngày Hội khóa:

1. Kế hoạch Hội khóa 3 ngày 10, 11 và 12/4/2024:

+ Ngày 10/4/2024:

 -14h00: đón tiếp các thân hữu dự Hội khóa đến làm thủ tục theo đoàn tại sảnh lễ tân KS ARIES HOTEL, TULIP, số 71/10 Nguyễn thị Minh Khai, Nha Trang: nhận phù hiệu, đặc san Hội ngộ Nha Trang 2024, huy hiệu Hội khóa,… tại các bàn của mỗi đoàn, nhận phòng ks tại lễ tân theo danh sách của đoàn đã đăng ký. KS yêu cầu danh sách mỗi đoàn có các cột ghi thông tin: họ tên, ngày tháng năm sinh, số CCCD, địa chỉ (để ks đăng ký với CA lưu trú  2 đêm 10,11/4). Đề nghị các cá nhân chụp mặt trước CCCD và gửi về Trưởng đoàn theo nhóm Zalo là tiện nhất.

-16:00: tập trung tại sảnh ks để chụp hình toàn đoàn, từng đoàn, từng khoá, từng lớp.

-17:00: vào sảnh nhà hàng TULIP, dự Gala NHATRANG NGÀY VỀ .

+ Ngày 11/4/2014:

– 6:30 đến 7:30 ăn sáng tại tầng 1 ks ARIES HOTEL

-8:00 xe đón theo Tour 3 đảo (xem chương trình).

– Chiều về, tự do ăn tối và khám phá Nha Trang về đêm. Có thể các lớp, liên lớp (Ban) sinh hoạt riêng.

+ Ngày 12/4/2024:

– 6:30 đến 7:30 ăn sáng tại tầng 1 ks ARIES HOTEL

– 8:00 lên xe đi tham quan các điểm trong tp: hòn chồng, nhà hát Đó, tháp Bà (mang theo CCCD để được miễn phí vô cổng), nhà thờ Núi.

-12:00 về ks trả phòng.

-12:30 ăn trưa tại ks và chia tay.

– Nhóm Toán LVC &HTK dự kiến giao lưu vào chiều tối.

Sau đây là danh sách chung và các đoàn cập nhật đến 17:00 ngày 25/3/2024:

TT chungTT
Đoàn
Họ và tênLớp-KhóaĐoànLưu trúĐặc sanTác giảMTQ
BTC
11Thầy Trương Ngọc Phú (GS, Sử Địa) Khách mờiPhòng đôi với Tẩux  
22Thầy Huỳnh Ngọc Phiên (GS Toán) Khách mờiP. đôixx 
33Chị Trần Thị Hường (PN thầy Phiên)SĐ-LVCKhách mờix  
44Trần Thị Huề (Người thân thầy Phiên) Khách mờiP. bax  
55Trần Thị Huệ (Người thân thầy Phiên) Khách mờix  
66Trần Thị Duy Ngãi (Người thân thầy Phiên) Khách mờix  
77Hoàng Đình Bằng (Người thân thầy Phiên) Khách mờiP. đôix  
88Trương Văn Hoạt (Người thân thầy Phiên) Khách mờix  
99Thầy Ngô Thế Phiệt (GS Toán) Khách mờiP. đôix  
1010Chị Hoàng Thị Thương (PN thầy Phiệt)VH-LVCKhách mờixx 
1111Anh Ngô Văn Ban(VH-PCT)Khách mờiKhông lưu trú KSx  
1212Thầy Hà Thúc Hoan Khách mờix  
1313Thầy Lê Tự Hỷ Khách mờix  
1414Kim Ngân PN bạn Hoàng QuýKhách mờiKhông lưu trú KSx  
1515Nguyễn Văn TâmĐHSP SGKhách mờix  
161Lê LâuT-LVCNha Trangx x
172Trần Thị Cúc.(PN Lâu) Nha Trangx  
183Võ Sĩ QuýVH-LVCNha TrangKhông lưu trú KSxx 
194CHTN Thể QuỳnhVV-HTKNha Trangx x
205Nguyễn Phước HưngSĐ-LVCNha Trangx x
216Phan Đức NguyênT-HTKNha Trangxx 
227Nguyễn Khoa Phương DungAV-HTKNha Trangx  
238Nguyễn Văn Hải PQ P. Dung Nha Trangx  
249Trần Văn Châu (Di Linh)VV-HTKNha TrangKhông lưu trú KSx  
251Nguyễn Khả NhoLH-LVCSài GònPhòng đôix  
262Nguyễn Thị Giáng HươngAV-LVCSài Gònx  
273Nguyễn Thị SửuVH-LVCSài GònPhòng đôix  
284Nguyễn Hùng Linh (PQ Sửu) Sài Gònx  
295Nguyễn Hữu DungLH-HTKSài GònPhòng đôix  
306Trần Đình Khoái (Phú Yên)LH-HTKSài Gònx  
317Lê BânSĐ-HTKSài GònPhòng đôix  
328Hồ Thị Diệu HoàVV-HTKSài Gònxx 
339Văn Đức TriệuPV-LVCSài GònPhòng đôix  
3410Nhung (PN Triệu) Sài Gònx  
3511Chị Lương Kim Kê (Khách mời) Sài GònPhòng bax  
3612Đặng Thị NgâuT-LVCSài Gònx  
3713Bùi Kim ChiVH-LVCSài Gònxx 
3814Trần Thị MaiVH-LVCSài GònPhòng đôix  
3915Đoàn Phùng Thuý LiênPV-HTKSài Gònxx 
4016Nguyễn Thị Lan HươngVH-LSPTSài GònPhòng đôixx 
4117Lê Khắc Phương AnhAV-HTKSài Gònx  
4218Nguyễn Văn Yên (Đà Lạt)LH-HTKSài GònPhòng đôix  
4319Nguyễn Trung Quốc (Ninh Thuận)LH-LVCSài Gònx  
4420Lê CầuLH-HTKSài GònPhòng đôixx 
4521Cao Xuân ThànhLH-HTKSài Gònx  
4622Hồ Đức HuyVV-HTKSài GònPhòng đôix  
4723Phan HiếuVV-HTKSài Gònx  
4824Nguyễn Lộc bạn Khả Nho Sài GònP. đôix  
4925Nguyễn Minh Hà (bạn Phương Anh Sài GònPhòng đôix  
5026Quang Mười (PQ bạn Minh Hà) Sài Gònx  
5127Trương Văn Lào (Đà Lạt)LH-HTKSài GònPhòng đôix  
5228Sang PN bạn Lào (Đà Lạt) Sài Gònx  
5329Nguyễn Quốc Thắng (USA)PV-LVCSài GònPhòng baxx 
541Đặng Ngọc Thanh HảiAV-HTKBMTx  
552Nguyễn Hoàng NgaPV-LVCBMTx  
563Hoàng TriềuAV-HTKBình ThuậnPhòng đôixx 
574Hoàng Đức PhúVV-HTKBình Thuậnx  
585Hồ Lai HảiT-LVCĐồng NaiPhòng đôix  
596Vy PN bạn Hồ Lai HảiĐồng Naix  
607Lê Văn CôiVV-HTKBR-VTPhòng bax  
618PN Lê Văn Côi BR-VTx  
629Người giúp việc BR-VTx  
6310Tài xế BR-VTPhòng đôix  
6411Bành Phi LânSĐ-HTKBR-VTxx 
6512Nguyễn Công ChiếuLH-HTKNinh ThuậnKo KSx  
6613Phan Thành KhươngVH-HTKNinh ThuậnKo KSxx 
6714Nguyễn Văn VangLH-HTKNinh ThuậnKo KSx  
681Trần Dư SinhT-HTKHuếPhòng đôixx 
692Vân Nga PN bạn Sinh Huếx  
703Nguyễn Văn DòaLH-HTKHuếPhòng đôixx 
714Nhụy PN bạn Dòa Huếx  
725Lê Xuân BânSĐ-LVCHuếPhòng đôix  
736Nguyễn Thị Bạch MaiVH-LVCHuếxx 
747Phùng Thị Cẩm Vân PN bạn Đức HuếPhòng đôix  
758Nguyễn Phúc Thị Xuân LộcVV-HTKHuếx  
769Trần Thị MinhVH-LVCHuếPhòng đôix  
7710Nguyễn Thị SungVH-LVCHuếx  
7811Trương Thị HoaAV-LVCHuếPhòng đôixx 
7912Nguyễn Khoa Diệu HuyềnVH-LVCHuếxx 
8013Đặng Thị Thanh NhãVH-HTKHuếKo KSx  
8114Tôn Nữ Lan HươngSĐ-HTKHuếPhòng đôix  
8215Huỳnh Thị BêT-LVCHuếx  
8316Tôn Nữ Thị ĐịnhLH-HTKHuếKo ở KSxx 
8417Nguyễn VêVH-HTKHuếPhòng đôixx 
8518Nguyễn Duy DẫnVH-HTKHuếx  
8619Trương Văn Tẩu (Lê Văn Thành)SĐ-LVCHuếPhòng đôix  
8720Nguyễn Viết KếVH-LSPTHuếx  
881Lê Văn ThànhVH-HTKĐà Nẵngở chung Kếxx 
892Trần Bá HàT-LVCĐà NẵngPhòng đôix  
903Tôn Nữ Hướng Thiện (PN bạn Bá Hà) Đà Nẵngx  
914Võ Thị VũVH-HTKĐà NẵngPhòng đôix  
925Lê Văn Thưởng (PQ bạn Vũ) Đà Nẵngx  
936Nguyễn Thành TàiT-HTKQuảng NamPhòng đôix  
947Hồ Thị Mỹ Linh (PN bạn Tài) Quảng Namx  
958Lê Thị BaVH-HTKĐà NẵngKo ở KSx  
969Huỳnh Thị HườngVH-HTKQuảng NamPhòng đôix  
9710Trần Thị TuyếtVV-HTKQuảng Namx  
9811Phạm Thị NhạnVH-HTKQuảng NamPhòng đôix  
9912Phạm Thị Kim Anh em bạn Nhạn Quảng Namx  
10013Phan Phước HiệpLH-HTKĐà NẵngPhòng bốnx  
10114Tống Văn ThụySĐ-LVCĐà Nẵngxx 
10215Hồ Thuyên (Di Linh)LH-LVCĐà Nẵngx  
10316Trần Tuấn PhươngLH-LVCHuếx  
10417Nguyễn Công HiệuVV-HTKĐà NẵngKhông ở KSx  
10518Đỗ Thị Bích Diệp (PN bạn Hiệu) Đà Nẵngx  
         
Cộng105223

Quỹ tài trợ của các MTQ, cập nhật đến 25/3/2024:

TTNgười tài trợSố tiền VNĐGhi chúTỉ giá USD
1Chuyển từ Quỹ HK Đà Lạt 2022        16,863,788Trong đó có 250 USD bạn Yến hỗ trợ 
2Đoàn Phùng Thuý Liên (PV-HTK)        10,000,000Đã chuyển 
3Nguyễn Thị Yến          7,020,000Hỗ trợ đặc san 300 USD        23,400
4Nhóm 10 thân hữu Thân Trọng Tuấn        11,700,000Đổi từ 500 USD        23,400
5Phan Nữ Lan (PV-LSPT)          1,229,000Đổi từ 50 USD Viettinbank chuyển        24,580
6Chị Lương Kim Kê          1,000,000  
7Phan Thành Khương             500,000Chuyển từ 22/8/2023 
     
 Cộng        48,312,788 

Đã chi từ Quỹ tài trợ, trong đó có khoản tạm ứng để đặt cọc KS, tour du lịch 3 đảo, thuê xe đi sáng 12/4 (22.500.000 đồng):

TTNgàyMục chiSố tiềnGhi chú
110/9/2023Vòng hoa viếng Nhạc phụ Lê Cầu       500,000Mê Hoa
212/11/2023Phúng điếu Tạ Ngọc Tân    1,000,000H. Quý chi
32/15/2024Phúng điếu Nguyễn Hoàng Quý    1,000,000Huu Dung
42/15/2024Vòng hoa viếng Hoàng Quý       800,000Nguyên
52/23/2024Vòng hoa viếng Nhạc phụ bạn Thế       500,000Dòa
62/12/2024mua 8 lạng hạt sen làm quà tết MTQ tặng 120 huy hiệu Hội khóa       960,000Sinh
71/15/2024In 4 bản đặc san để NCB duyệt lại       300,000Sinh
83/5/2024Đặt cọc phòng KS  12,000,000Thể Quỳnh
93/6/2024Đặt cọc tour 3 đảo  10,000,000Thể Quỳnh
103/7/2024Đặt cọc thuê xe sáng 12/4/2024       500,000Lê Lâu
113/8/2024Trả tiền làm 200 bì ni lông đựng ĐS       730,000Sinh
123/13/2024Đặt cọc quay phim, chụp ảnh    1,500,000Lê Lâu
133/13/2024Mua vé tàu cho thầy Phú    1,348,200Sinh
143/19/2024Trả đợt 1 in đặc san Hội ngộ Nha Trang    5,000,000Sinh
153/21/2024Nộp các khoản tại Hội khóa cho Thầy Phú    1,100,000Sinh
163/24/2024Trả đợt 2 in đặc san Hội ngộ Nha Trang  10,600,000Sinh
173/24/2024Cước chuyển ĐS Hội ngộ vào Nha Trang       324,000Sinh
     
 Cộng  48,162,200 
 Quỹ Tài trợ HK tạm còn lại       150,588 

Rất mong nhận được thêm sự tài trợ của các Mạnh Thường Quân khác.

Danh sách đoàn Nha Trang:

TT
Đoàn
Họ và tênLớp-KhóaĐoànĐặc sanTác giảMTQ
BTC
Tiền đêm GalaTiền tham quan 12/4Tour 3 đảoCộng các khoảnGhi chú
1Lê LâuT-LVCNha Trangx x        265,000     185,000     650,000  1,100,000Thể Quỳnh đã chuyển cho BTC
2Trần Thị Cúc.(PN Lâu) Nha Trangx          265,000     185,000     650,000  1,100,000
3Võ Sĩ QuýVH-LVCNha Trangxx         265,000       265,000
4CHTN Thể QuỳnhVV-HTKNha Trangx x        265,000     185,000     650,000  1,100,000
5Nguyễn Phước HưngSĐ-LVCNha Trangx x        265,000       265,000
6Phan Đức NguyênT-HTKNha Trangxx         265,000     185,000      450,000
7Nguyễn Khoa Phương DungAV-HTKNha Trangx          265,000     185,000     650,000  1,100,000
8Nguyễn Văn Hải PQ P. Dung Nha Trangx          265,000     185,000     650,000  1,100,000
9Trần Văn Châu (Di Linh)VV-HTKNha Trangx       
10Nguyễn Hữu Xuân (Đ.Nẵng)VV-HTKNha Trangx       
        
1023     2,120,000  1,110,000  3,250,000  6,480,000 

Đoàn Sài Gòn:

TT
Đoàn
Họ và tênLớp-KhóaĐoànChọn CT2Lưu trúĐặc sanTác giảMTQ
BTC
Mua  ĐSTiền đêm GalaTiền tham quan 12/4Tour 3 đảoCộng các khoảnGhi chú
1Nguyễn Khả NhoLH-LVCSài GònxPhòng đôix         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
2Nguyễn Thị Giáng HươngAV-LVCSài Gònxx         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
3Nguyễn Thị SửuVH-LVCSài GònxPhòng đôix         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
4Nguyễn Hùng Linh (PQ Sửu) Sài Gònxx         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
5Nguyễn Hữu DungLH-HTKSài GònxPhòng đôix         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
6Trần Đình Khoái (Phú Yên)LH-HTKSài Gònxx         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
7Lê BânSĐ-HTKSài GònxPhòng đôix         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
8Hồ Thị Diệu HoàVV-HTKSài Gònxxx        265,000     135,000       650,000        1,050,000 
9Văn Đức TriệuPV-LVCSài GònxPhòng đôix         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
10Nhung (PN Triệu) Sài Gònxx         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
11Chị Lương Kim Kê (Khách mời) Sài GònxPhòng bax        
12Đặng Thị NgâuT-LVCSài Gònxx         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
13Bùi Kim ChiVH-LVCSài Gònxxx        265,000     135,000       650,000        1,050,000 
14Trần Thị MaiVH-LVCSài GònxPhòng đôix         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
15Đoàn Phùng Thuý LiênPV-HTKSài Gònxxx        265,000     135,000       650,000        1,050,000 
16Nguyễn Thị Lan HươngVH-LSPTSài GònxPhòng đôixx        265,000     135,000            400,000 
17Lê Khắc Phương AnhAV-HTKSài Gònxx         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
18Nguyễn Văn Yên (Đà Lạt)LH-HTKSài GònxPhòng đôix         265,000     185,000       650,000        1,100,000Sinh nhận
19Nguyễn Trung Quốc (Ninh Thuận)LH-LVCSài Gònxx         265,000     185,000       650,000        1,100,000Sinh nhận
20Lê CầuLH-HTKSài GònxPhòng đôixx        265,000     135,000       650,000        1,050,000 
21Cao Xuân ThànhLH-HTKSài Gònxx         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
22Hồ Đức HuyVV-HTKSài GònxPhòng đôix         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
23Phan HiếuVV-HTKSài Gònxx         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
24Nguyễn Lộc bạn Khả Nho Sài GònxP. đôix         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
25Nguyễn Minh Hà (bạn Phương Anh Sài Gòn Phòng đôix         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
26Quang Mười (PQ bạn Minh Hà) Sài Gòn x         265,000     135,000       650,000        1,050,000 
27Trương Văn Lào (Đà Lạt)LH-HTKSài GònxPhòng đôix         265,000     135,000            400,000 
28Sang PN bạn Lào (Đà Lạt) Sài Gònxx         265,000     135,000            400,000 
29Nguyễn Quốc Thắng (USA)PV-LVCSài GònxPhòng ba chung BMTxx        265,000     135,000       650,000   1,050,000Nhờ mình nộp trước
            
Cộng2960    7,420,000  3,880,000  16,250,000      27,550,000 
Đoàn Sài Gòn chuyển BTC        24,300,000

Đoàn lẻ:

TT
Đoàn
Họ và tênLớp-KhóaĐoànĐặc sanTác giảMTQ
BTC
Mua  ĐSTiền đêm GalaTiền tham quan 12/4Tour 3 đảoCộng các khoảnGhi chú
1Đặng Ngọc Thanh HảiAV-HTKBMTx        
2Nguyễn Hoàng NgaPV-LVCBMTx        
3Hoàng TriềuAV-HTKBình Thuậnxx       
4Hoàng Đức PhúVV-HTKBình Thuậnx        
5Hồ Lai HảiT-LVCĐồng Naix       265,000   185,000       450,000Đã chuyển
6Vy PN bạn Hồ Lai HảiĐồng Naix       265,000   185,000       450,000Đã chuyển
7Lê Văn CôiVV-HTKBR-VTx        
8PN Lê Văn Côi BR-VTx        
9Người giúp việc BR-VTx        
10Tài xế BR-VTx        
11Bành Phi LânSĐ-HTKBR-VTxx       
12Nguyễn Công ChiếuLH-HTKNinh Thuậnx        
13Phan Thành KhươngVH-HTKNinh Thuậnxx       
14Nguyễn Văn VangLH-HTKNinh Thuậnx        
         
1430     530,000   370,000           –        900,000 

Đoàn Huế:

TT
Đoàn
Họ và tênLớp-KhóaĐoànLưu trúĐặc sanTác giảMTQ
BTC
Mua  ĐSTiền đêm GalaTiền tham quan 12/4Tour 3 đảoCộng các khoảnGhi chú
1Trần Dư SinhT-HTKHuếPhòng đôixx       265,000     185,000       650,000    1,100,000 
2Vân Nga PN bạn Sinh Huếx        265,000     185,000       650,000    1,100,000 
3Nguyễn Văn DòaLH-HTKHuếPhòng đôixx       265,000     185,000       650,000    1,100,000 
4Nhụy PN bạn Dòa Huếx        265,000     185,000       650,000    1,100,000 
5Lê Xuân BânSĐ-LVCHuếPhòng đôix        265,000     185,000       650,000    1,100,000 
6Nguyễn Thị Bạch MaiVH-LVCHuếxx       265,000     185,000       650,000    1,100,000 
7Cẩm Vân PN bạn Đức HuếPhòng đôix        
8Nguyễn Phúc Thị Xuân LộcVV-HTKHuếx        265,000     185,000       650,000    1,100,000 
9Trần Thị MinhVH-LVCHuếPhòng đôix        265,000     185,000       650,000    1,100,000 
10Nguyễn Thị SungVH-LVCHuếx        265,000     185,000       650,000    1,100,000 
11Trương Thị HoaAV-LVCHuếPhòng đôixx       265,000     185,000       650,000    1,100,000 
12Nguyễn Khoa Diệu HuyềnVH-LVCHuếxx       265,000     185,000       650,000    1,100,000 
14Đặng Thị Thanh NhãVH-HTKHuếKo KSx        265,000     185,000        450,000 
15Tôn Nữ Lan HươngSĐ-HTKHuếPhòng đôix        265,000     185,000       650,000    1,100,000 
16Huỳnh Thị BêT-LVCHuếx        265,000     185,000       650,000    1,100,000 
13Tôn Nữ Thị ĐịnhLH-HTKHuếKo KSxx       
17Nguyễn VêVH-HTKHuếPhòng đôixx       265,000        650,000       915,000 
18Nguyễn Duy DẫnVH-HTKHuếx        265,000     185,000       650,000    1,100,000 
19Nguyễn Thị Thuận (PN bạn Vê) HuếKo KS             650,000       465,000 Nộp tại Nha Trang
20Trương Văn TẩuSĐ-LVCHuếPhòng đôix        265,000     135,000        400,000 Nộp tại Nha Trang
21Nguyễn Viết KếVH-LSPTHuếx        
22Trần Tuấn PhươngLH-LVCHuếỞ chung Thụyx        265,000     185,000       650,000    1,100,000 
23Thầy Trương Ngọc Phú Huế          265,000     185,000       650,000    1,100,000BTC Tài trợ
         
2170   5,035,000  3,280,000  11,700,000  19,830,000 

Đoàn QN-ĐN:

TT
Đoàn
Họ và tênLớp-KhóaĐoànChọn CT2Lưu trúĐặc sanTác giảMTQ
BTC
Mua  ĐSTiền đêm GalaTiền tham quan 12/4Tour 3 đảoCộng các khoảnTạm ứngGhi chú
1Lê Văn ThànhVH-HTKĐà Nẵngxở Chung Khươngxx        
2Trần Bá HàT-LVCĐà NẵngxPhòng đôix        265,000     185,000     650,000    1,100,000  3,000,000?
3Tôn Nữ Hướng Thiện (PN bạn Bá Hà) Đà Nẵngxx        265,000     185,000     650,000    1,100,000
4Võ Thị VũVH-HTKĐà NẵngxPhòng đôix        265,000     185,000     650,000    1,100,000  4,000,000Thừa 440K
5Lê Văn Thưởng (PQ bạn Vũ) Đà Nẵngxx        265,000     185,000     650,000    1,100,000
6Nguyễn Thành TàiT-HTKQuảng NamxPhòng đôix         
7Hồ Thị Mỹ Linh (PN bạn Tài) Quảng Namxx         
8Lê Thị BaVH-HTKĐà NẵngxKo ở KSx        265,000     185,000     650,000    1,100,000  2,000,000Thừa 220K
9Huỳnh Thị HườngVH-HTKQuảng NamxPhòng bax        265,000     185,000        450,000  
10Võ Thị Phượng(Bạn của Hường) Quảng Namxx        265,000     185,000        450,000  
11Trần Thị TuyếtVV-HTKQuảng Namxx        265,000     185,000        450,000  
12Phạm Thị NhạnVH-HTKQuảng NamxPhòng đôix        265,000     185,000        450,000  
13 Kim Anh en bạn Nhạn Quảng Nam x        265,000     185,000        450,000  
14Phan Phước HiệpLH-HTKĐà NẵngxPhòng 4 thêm T. Phươngx        265,000     185,000     650,000    1,100,000  
15Tống Văn ThụySĐ-LVCĐà Nẵngxxx       265,000     185,000     650,000    1,100,000  2,000,000Thiếu 430K
16Hồ ThuyênLH-LVCDi Linhxx         
17Nguyễn Công HiệuVV-HTKĐà NẵngxKo ở KSx        265,000     185,000     650,000    1,100,000  
18Đỗ Thị Bích Diệp (PN bạn Hiệu) Đà Nẵngxx        265,000     185,000     650,000    1,100,000  
          
Cộng1820   3,710,000  2,590,000  5,850,000  12,150,000  

Khách mời:

TT
Đoàn
Họ và tênLớp-KhóaĐoànLưu trúĐặc sanTác giảMTQ
BTC
Tiền đêm GalaTiền tham quan 12/4Tour 3 đảoCộng các khoảnChuyển ĐS
1Thầy Trương Ngọc Phú (GS, Sử Địa) Khách mờiP. đôi với Tẩux       
2Thầy Huỳnh Ngọc Phiên (GS Toán) Khách mờiPhòng đôixx      
3Chị Hường (PN thầy Phiên)SĐ-LVCKhách mờix         265,000       185,000        650,000    1,100,000 
4Trần Thị Huề (Người thân thầy Phiên) Khách mờiPhòng bax         265,000       185,000        650,000    1,100,000 
5Trần Thị Huệ (Người thân thầy Phiên) Khách mờix         265,000       185,000        650,000    1,100,000 
6Trần Thị Duy Ngãi (Người thân thầy Phiên) Khách mờix         265,000       185,000        650,000    1,100,000 
7Hoàng Đình Bằng (Người thân thầy Phiên) Khách mờiPhòng đôix         265,000       185,000        650,000    1,100,000 
8Trương Văn Hoạt (Người thân thầy Phiên) Khách mờix         265,000       185,000        650,000    1,100,000 
9Thầy Ngô Thế Phiệt (GS Toán) Khách mờiPhòng đôixx      
10Chị Hoàng Thị Thương (PN thầy Phiệt)VH-LVCKhách mờix         265,000       185,000        650,000    1,100,000 
11Anh Ngô Văn Ban(VH-PCT)Khách mờiKo KSx       
12Thầy Hà Thúc Hoan Khách mời x      SG chuyển
13Thầy Lê Tự Hỷ Khách mời x      SG chuyển
14Kim Ngân PN bạn Hoàng QuýKhách mời x      NT chuyển
15Nguyễn Văn Tâm ĐHSP SG (MTQ)T-SPSGKhách mờiKo KSx       
     1520    1,855,000    1,295,000     4,550,000    7,700,000 

Vang Bóng Một Thời

Mời các bạn xem một tư liệu ảnh quý về toàn cảnh Cố đo Huế, Hoàng thành, những lễ vật, những đoàn hát ở các tỉnh về biểu diễn tại cung đình, các quan làm lễ tại các điện Cần Chánh, điện Thái Hòa, cuộc sống của vua Khải Định và Thái tử Vĩnh Thụy, hình ảnh đám tang vua Khải Định.

Tư liệu do bạn Phan Thành Khương cung cấp để các bạn tham khảo, bạn có thể tải xuống để làm tư liệu hoặc xem trự tiếp, click vào dấu cộng (+) để tăng độ lớn trang để xem cho rõ: