GỬI NHỮNG NGƯỜI HUẾ XA QUÊ – QUÊ HƯƠNG KHUẤT BÓNG…

Đặng Thị Thanh Nhã (VH-HTK)

Khi tôi hỏi một người bạn, ở cách Huế nửa vòng địa cầu: “Anh có hay về Huế không?”. Anh trả lời tôi bằng hai câu thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc Lâu, Tản Đà dịch:

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn,

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai …”

Một người bạn khác, sống cách Huế có hơn trăm cây số, mặc dầu ở Huế anh chẳng còn người thân nào, cũng vừa viết email than: “Bận quá, hai tháng rồi chưa về Huế được, nhớ lắm!”.

Tâm trạng Nhớ Huế cùng lúc của hai người bạn bỗng chảy tràn sang tôi. Tôi cũng đã từng sống xa Huế nhiều năm, tuy khoảng cách không gian không nhiều, nhưng lúc ấy, đó là cả một khoảng cách vời vợi. Phương tiện di chuyển lúc ấy vô cùng khó khăn. Thời gian và tiền bạc là hai lá bùa hộ mệnh có thể mang tôi về với quê nhà những lúc nhung nhớ, nhưng tôi thiếu cả hai thứ đó. Những buổi chiều, sau khi rời bếp ăn tập thể, tôi lang thang trên quốc lộ, dõi theo những chuyến xe đang chạy về hướng quê hương mình, thấy trái tim chợt nhói buốt. Trong những lúc “cuồng điên vì nhớ” như thế, tôi hay nghĩ đến sự biểu cảm của từ home sick trong tiếng Anh. Có lẽ diễn tả tâm trạng thương nhớ quê nhà này, thì từ này gợi tả hơn tiếng Việt, tiếng Hán nhiều, bởi nó không chỉ tả tâm trạng “Nhớ” mà còn gợi lên niềm quằn quại trong nối “Đau”. Nhớ đến buốt trái Tim.

Sau này khi đã “quy cố hương”, thỉnh thoảng tâm trạng này vẫn dằn vặt tôi, những lúc đó, tôi lại lang thang trên khắp các con đường của Huế và sống lại nỗi hoài hương năm xưa. Những bước chân phiêu lãng cuối cùng cũng vô thức, mang tôi về với dòng sông Hương, linh hồn của Huế. Đó là “Mảnh trăng” trong thơ Nguyễn Du, “Dải lụa dịu dàng” dưới mắt Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Thanh kiếm dựng trời xanh” dưới cái nhìn của Cao Bá Quát… Còn với tôi, dòng sông quen thuộc kia là một phần máu thịt của mình, bởi tôi đã từng vui, buồn, khóc, giận, đau đớn cùng nó những sáng Hè biếc xanh, những chiều Thu tím thẫm, những Đông vàng lũ dữ, những ngày Xuân ấm áp và cả những lúc dòng sông mang đầy thương tích. Tôi chợt “Ngộ” ra một điều: Nỗi nhớ thương da diết của mỗi người Huế đối với quê hương dường như bắt nguồn từ nỗi thương nhớ dòng sông, vì mỗi bước chân của chúng ta, những người con Huế, đều có ánh dõi nhìn của dòng Hương, không khác ánh nhìn của Mẹ, dõi về những đứa con yêu dấu.

Nỗi nhớ quê nhà sẽ càng thấm đẫm, ray rứt hơn, trong những dịp Xuân về, lúc đó, khái niệm Tha hương càng rõ nét. Cho dù những cái Tết xa quê vẫn đủ đầy hương vị của bánh mứt, của pháo Tết, của trầm hương, của hoa Mai vàng, nhưng không gian Tết vẫn ngậm ngùi, thiếu vắng, đó là một không gian Huế Xuân. Sẽ không có tiếng rơi nhẹ của cơn mưa cuối năm, rớt trên dòng Hương đêm trừ tịch, không có tiếng trống chầu rộn rã, thúc dục bói tuồng đầu năm. Không có tiếng hò lô tô, tiếng bầu cua vang động xóm thôn. Thiếu vắng âm thanh của tiếng xúc xắc đổ xâm hường mỗi gia đình. Và cũng khó thưởng thức được loại bánh đúc mật, màu xanh lục, đẹp như màu “cỏ non xanh rợn chân trời” một ngày Xuân trong truyện Kiều, một loại bánh “rất Huế”, chỉ xuất hiện trong những ngày Tết, quyện với màu vàng ánh của mật, được vấn lại quanh chiếc chéo nhỏ bằng tre, giống chiếc chèo dùng để ăn bánh nậm, bánh bèo, Và đặc biệt sẽ không thể có được phiên chợ độc đáo, mỗi năm chỉ ba ngày Tết: Chợ Gia Lạc, nơi chỉ bán áo quần và đồ chơi trẻ em dân gian,… (xem thêm bài về chợ Gia Lạc, phần chú thích).

Chợt gợi nhớ Mùa Xuân lữ thứ của thi hào Nguyễn Du. Một đời phiêu bạt đất khách, quê người, tâm mòn, chí cụt. Những Mùa Xuân trong ông chất ngất một nỗi muộn phiền bởi khó nghèo, bệnh tật. Đó là Mùa Xuân phải trốn tránh ở quê vợ Quỳnh Côi. Ông đã cảm thán:

“Cỏ biếc, lòng đau, trời Nam phố,

Mai vàng chi nữa, Chúa Xuân ơi !…”

(Xuân nhật ngẫu hứng, Vĩnh Ba dịch)

Sau này, khi ra làm quan với triều Nguyễn, sống ở kinh đô Huế, những mùa Xuân trong ông vẫn đậm nét u hoài. Trong “Xuân tiêu lữ thứ”, Tố Như đã ngậm ngùi:

“Giấc mộng văn chương chưa dứt bóng

Mai vàng sân trước đã mời Xuân”.

(Xuân tiêu lữ thứ, Vĩnh Ba dịch)

Cũng như Nguyễn Du, hình như lưu lạc đã là định mệnh của dân Huế. Từ điểm đầu tiên đến nơi cuối cùng của mảnh đất hình chữ S, không nơi nào là không có sự hiện diện của người Huế. Cuộc “di dân” này của người Huế không chỉ dừng lại trong phạm vi lãnh thổ mà lan ra toàn cầu.

Nhưng cho dù đi đến đâu, họ vẫn không sao quên được một dòng sông lấp lánh yêu thương, một nơi chốn không thể không quay về.

Đặng Thị Thanh Nhã (VH-HTK)

***

Ghi chú:

Bánh đúc mật là món bánh ngày xưa người ta thường chỉ làm bán vào dịp Xuân. Bởi bánh đúc mật được làm từ bột gạo và một loại lá, gọi là lá bồng bồng. Lá để làm bánh chỉ là lá non (mùa Xuân cây có nhiều lá non), để cho bánh có màu xanh đẹp mắt, nên người ta thường làm bánh đúc mật ở dịp Xuân về Tết đến.

——

Chợ Gia Lạc đầu Xuân!

Hôm nay tôi sẽ viết về chợ Gia Lạc theo ký ức của tôi vì tôi đã sinh sống ở đó gần 25 năm (từ 1958-1983).

Nhắc đến chợ Xuân Gia Lạc, ai cũng biết rằng “Người sáng lập chợ Gia Lạc là Định Viễn Công Nguyễn Phước Bình, con thứ tư của Gia Long, lập chợ Gia Lạc từ thời Minh Mạng (1820-1840). Định Viễn Công là người hào hoa phong nhã thích vui chơi múa hát, đã lập một đội tuồng riêng để diễn trong phủ. Định Viễn Công còn là người có óc thương nghiệp, thường liên hệ mua bán với các thương nhân Trung Quốc lúc ấy thường xuyên có mặt tại kinh đô Huế, lấy sông Hương làm đường giao thông (?).

Nhân ngày Tết, Công muốn lập một ngôi chợ nhỏ cho thân nhân trong phủ đệ có nơi trao đổi hàng hóa, vui chơi. Lúc đầu chợ chỉ họp nhóm trong giới hạn thân nhân của phủ đệ, sau thấy vui, nhân dân quanh vùng cũng đến mua bán, rồi bày ra các trò chơi dân gian. Chợ Gia Lạc trở thành một hình thức hội chợ vui xuân, loại chợ phiên trong ngày Tết…” Đó là một đoạn trong bài viết của Tác giả Tôn Thất Bình đăng ở tạp chí Sông Hương năm 1986. 

Tuy nhiên, theo tác giả Tôn thất Cổn, người đứng đầu Tôn Nhơn Phủ trước năm 1945, viết trong quyển Hoàng Tộc Lược Biên thì Ngài Định Viễn Quận Vương được phong tước Vương chứ không phải tước Công. Một chi tiết khác cũng trong sách nầy thì Định Viễn là con thứ sáu của vua Gia Long, con thứ tư là vua Minh Mạng, còn con đầu là Hoàng tử Cảnh.

Chợ Gia Lạc thoạt đầu chỉ mở trong phạm vi phủ Định Viễn cho con cháu vui ngày tết mang ý nghĩa niềm vui trong gia tộc (Gia Lạc). Về sau người ngoài cũng được tham dự.  Những năm về sau vì đông quá nên mới thương lượng với các làng lân cận cho dời Gia Lạc ra ngả ba Âm Hồn, chỗ ở đường về Thuận An rẽ phải để đi Chiết Bi, Dưỡng Mong, An Truyền tức làng Chuồn. Ngả ba là nơi lý tưởng tụ họp.  Phải nói điểm họp chợ Gia Lạc là một Ngả Năm mới đúng nghĩa vì còn 2 ngả theo sông đào từ Nam Phổ ra và một ngả khác từ Ngọc Anh, Lại Thế tới.  Người tới họp chợ Gia Lạc từ xa xưa phải tuân một lệ bất thành văn là phải ăn nói hòa nhã, chào cười vui vẻ, không mua bán, chỉ trao đổi. Đó là chuyện thuở ban đầu của chợ Tết ấy!

Bây giờ tôi có thể kể ra chi tiết hơn vì gia đình tôi sinh sống ở đó và là chủ nhân của gian hàng đồ chơi lớn nhất ở chợ Gia Lạc.

Mảnh đất tổ chức thành những gian hàng trong 3 ngày Tết nằm chung quanh cái miễu âm hồn được tổ chức kỵ giỗ rất lớn hằng năm vào ngày 23 tháng 5. Bây giờ thì chẳng ai nhìn ra dấu tích xưa vì diện tích mặt bằng đã bị chiếm hữu để xây nhà nên chợ cứ họp bừa bãi ở hai bên lòng đường trông rất mất… trật tự.

Ngày xưa, mỗi lúc gần Tết, là có một nhóm viên chức làng Ngọc Anh ra địa điểm đó dựng những dãy rạp dài rất khang trang để làm gian hàng bán thịt. Số tiền thu được dùng làm quỹ cho việc Lễ tế Âm Hồn mỗi năm. Ngoài thịt heo luộc, heo quay, các quầy hàng đó bán chủ yếu là thịt … bê thui. Từng tảng thịt bê thui vàng ươm treo lủng lẳng trông rất hấp dẫn và đẹp mắt. 

Tôi nhớ là Tết nào cũng ăn thịt bê thui mệt nghỉ. Nào là bê thui chấm nước mắm gừng ăn kèm với rau sống, chuối chát và vả rất ngon, nếu ngán thì mẹ tôi thay đổi khẩu vị bằng bê thui chấm tương gừng ăn ghém với cải con, ngò, rau thơm cũng ngon không kém. Ngoài những hàng thịt thì không thiếu những gian hàng rau cải đồ vặt như cà rốt, su su, khoai tây… để người mua có thể làm những mâm cỗ cúng tổ tiên ông bà. Đắt nhất là gian hàng trầu cau của O Tính, mâm cỗ cúng đưa ông bà không thể nào thiếu dĩa cau chẻ trầu têm. Còn phải mua thêm để đón những vị khách trưởng thượng trong làng đến viếng nhà, nhai miếng trầu… lấy hên (như tụi nhỏ mình cúp hạt dưa vậy). Về hàng ăn thì tôi nhớ không có nhiều (có lẽ người ta cữ ăn hàng đầu năm chăng?), chỉ có hàng bún chay và vài hàng bánh lọc nậm mà thôi. Món ăn mà tôi nhớ nhất là bánh đúc mật đặc biệt chỉ bán trong 3 ngày Tết. Từng miếng bánh đúc mềm mại, xanh mướt với lớp mật tươm trên mặt như chực tan trong miệng, ăn xong còn muốn liếm luôn dĩa.

Vượt lên đầu người lố nhố đi chợ là những cây bông giấy và cây lung tung.  Cây bông giấy là một đoạn tre bằng cổ tay dài không quá 2 thước, đoạn trên quấn rơm bện cắm những cành hoa giấy nhiều màu rực rỡ. Thường người ta mua hoa này để cắm ở các am thờ và ông táo xó bếp. Hoa giấy xuất phát ở nơi có tên thật đẹp là làng Thanh Tiên. Cây lung tung cũng thế, thay vì cắm hoa giấy thì cắm lung tung. Ngoài ra, còn có những chùm bong bóng bay nhiều màu được thổi căng bằng bình ga, khác bong bóng được thổi phồng từ một bơm xe đạp thường.

Tôi thích nhất là những gian hàng bán đồ chơi truyền thống như con giống bột, con gà nung bằng đất sét gắn tu huýt, cái lung tung, những cái kèn thổi làm bằng 2 đoạn tre ngắn và cái lưỡi gà bằng lá tre. Tôi đã nhiều giờ đứng mê mải ở gian hàng chú nắn con giống. Những con thú đầy màu sắc tươi tắn bày trên chiếc rổ tre đan xinh xắn cuốn hút đám trẻ con chúng tôi. Chú còn nhận đặt hàng theo “order” nữa. Năm nào tôi cũng đặt chú làm cả một bầy gà (chả là vì tôi tuổi dậu), chú gà trống hiên ngang với cái mồng màu đỏ tía, cô gà mái đủng đỉnh xù lông và đám gà con màu vàng tươi với cái mỏ đỏ hoét. Những cục bột màu dưới bàn tay phù thủy của chú có thể biến ra bất cứ gì có trong trí tưởng tượng của tụi nhỏ chúng tôi.

Rời hàng con giống, tôi lại đi theo ông già bán “cái lung tung”. Lung tung giống như cái trống nhỏ, có khung là nan tre uốn tròn to bằng miệng chén ăn cơm, dày khoảng 4 cm và được phất căng với giấy màu làm mặt trống. Hai bên thành trống có dán sợi chỉ gắn với 1 tí đất sét bằng hạt gạo. Khi lấy tay xe cái cần thì hai hạt gạo đó vỗ vào thành trống kêu… lung tung rất là vui tai.

Vì nhà là cửa hàng bán đồ chơi cho con nít đủ mọi lứa tuổi nên thấy tôi cầm về các món đồ chơi là thế nào cũng bị mạ mắng “Nhà có thiếu thứ gì đâu mà mua thêm nữa” và lúc nào ba cũng bênh con gái “Anh lớn rồi mà nhìn vẫn còn thích huống gì con.”

Quả thật hàng nhà tôi không thiếu một món gì. Từ những cây súng bắn nước, bắn pháo đủ loại và cả dàn xe hơi, xe tăng bằng nhựa… cho các bé trai cho đến một loạt búp bế lớn nhỏ đủ loại cho các bé gái, bong bóng đủ màu… Ngoài ra, mẹ tôi còn có một hàng nữ trang bằng vàng giả từ dây chuyền cho đến hoa tai vòng ngọc… dành cho các cô bé mới lớn biết làm điệu… Tôi còn nhớ một cô bé đến mua cái ví đựng tiền xinh xinh hình con thỏ, sau khi rút hết những đồng tiền lì xì mới keng trả tiền cho cái ví thì chẳng còn đồng nào bỏ vào ví cả. Nhìn cái dáng tần ngần thương hại quá nên tôi lén lấy tờ tiền mới cho lại em, nhìn dáng em chạy vụt đi mà tôi thấy ấm lòng.

Trước 75, tuy đất nước còn đang nóng bỏng vì chiến sự nhưng nói chung tình hình an ninh của dân rất ổn định và thanh bình. Chợ Gia Lạc nằm ngay trên ngã ba hướng về các làng Dưỡng Mong, Mậu tài, An truyền, Chuồn, Xuân Ổ, Xuân Đại… nên cư dân thành phố đổ về như nêm. Những chiếc xe xích lô chở những ông bà lớn tuổi về thăm quê hay mồ mả tổ tiên ông bà. Những cặp vợ chồng trẻ và con nhỏ cũng đàn đúm nhau trên những chiếc xe máy trực chỉ về làng. Ngang qua chợ thế nào họ cũng dừng lại mua thêm thẻ nhang, gói trầm, gói mứt gừng… Hoặc mua cho cháu bé thêm vài chiếc bong bóng… Ai ai cũng áo lượt quần là, trẻ em thì xúng xính trong những bộ đồ mới còn nguyên cả hồ nhìn rất… Tết.

Nhưng không khí Tết rộn ràng và ồn ào nhất phải nói đến mấy sòng bầu cua, mấy hàng bài vụ, chẵn lẻ… Tiếng xóc  lóc cóc của hột bầu cua, hột nhứt lục lẫn tiếng rao “Hai cua một gà” “Hai bầu một nai” làm sống động cả một quãng đường đi vào chợ Nam Phổ. Lần vào chợ Nam Phổ, cảnh tượng càng thích mắt và náo động hơn với Hội bài Chòi cổ truyền dành cho người lớn. Cờ xí đủ màu cắm ở giữa sân, chung quanh là 8 chòi cao có người tham dự và cờ cắm trước chòi tượng trưng cho những con bài vừa thắng được. Mỗi lúc người chủ xướng giữa sân rút và xướng lên một con bài bằng câu thơ ví von nghĩa bóng. Chòi nào hiểu nghĩa và có con bài đó thì hô lớn, sẽ có một anh long tong cầm cờ đó cắm vào chòi sau khi kiểm tra quân bài. Tiếng hò bài thai, tiếng rao bài chòi, tiếng mỏ tre chòi trúng con bài và mỗi lần “tới” chòi trúng đánh mỏ liên hồi, các chòi khác cũng lốc cốc chúc mừng náo loạn cả lên một lúc. Mỗi ván bài chỉ có 6 hoặc 8 người chơi nhưng người tò mò hiếu kỳ và những người ủng hộ “gà nhà” reo hò rất đông vui và náo nhiệt.

Tên chợ ở Huế có tên độc một chữ thường do dân chúng quen gọi thành tên như chợ Hôm, chợ Mai, chợ Mới, chợ Cống, chợ Xép, chợ Sam, Chợ Phổ, chợ Nọ, chợ Dinh… Chợ mang tên đôi có tính chất hành chánh mang tên địa phương nơi chợ tọa lạc như chợ Kim Long, chợ Vỹ Dạ, chợ Dưỡng Mong, chợ Bến Ngự, chợ Bao Vinh, chợ An Cựu… Riêng chợ Đông Ba ban đầu ở Đông Ba thật sau dời ra chỗ bây giờ xưa có tên là Giại chỗ luyện voi ngựa trận của triều Nguyễn gần sở đúc tiền:              

            Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại,

           Cầu Trường Tiền đúc lại xi mon

Tên chợ Gia Lạc vượt ra khỏi dân chúng hay địa phương gọi tên mà được đặt dựa lên ước mong nhà nhà an vui, ngày xuân hạnh phúc.

Sau 75, những trò chơi cổ truyền dần dần biến mất, những gian hàng thịt bò tái cũng giảm lần lần vì tình hình đói kém sau cuộc “đổi đời”. Gian hàng đồ chơi của nhà tôi cũng dẹp vĩnh viễn sau một trận bị đánh tư sản của chính quyền. Người ta ra sức xoá những thuần phong mỹ tục, những nét hay đẹp cổ truyền mà ông cha ta cố công gìn giữ. Để đến bây giờ, những gì còn lại là “một nước Việt buồn.” Tôi đã rất lạc lõng khi mỗi lần về thăm quê cha đất tổ, mới có mấy mươi năm mà vật đổi sao dời. Về đến mái nhà xưa của chính mình cũng không còn nhận ra được. Những ngôi nhà chen lấn mất trật tự làm mất hết cảnh quan của một cố đô trầm mặc. Không thể làm gì hơn, đành mượn bút giấy ghi lại đôi dòng, nửa như hoài niệm, nửa mong lưu lại hầu chống chỏi với sự xói mòn dâu bể của thời gian: 

“Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.”

Thu Sương (Cựu học sinh Trung học Kiểu Mẫu Huế)

Nguồn: http://www.ykhoahuehaingoai.com/99do/ChoGiaLacDauXuan_TS.htm

ĐƯỜNG ĐI CỦA NHỮNG TẤM LÒNG

ĐƯỜNG ĐI CỦA NHỮNG TẤM LÒNG

———————————————————

Lê quang Thông

Bạn Trần dư Sinh kêu gọi viết bài cho Đặc san HỘI NGỘ ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HUẾ, đánh dấu HỘI KHOÁ ĐÀ LẠT 2022 vào tháng 12.2022 của hai khoá Huỳnh thúc Kháng (1970-1074) và Lương văn Can (1969-1973).

Tôi hưởng ứng ngay. Nhưng trông đợi nhìn thấy cuốn Đặc San in trên giấy thì không, một phần, viết theo tôi, là “gởi gió cho mây ngàn bay”…,phần khác làm phiền các bạn, tuổi đều trên 70, là một chuyện không nên, đọc qua bản online được rồi.

Vậy mà hai bạn Hao Le Thi và Sinh Tran du, cùng bộ môn Toán như tôi, đã liên lạc nhờ cậy người mang tay và tôi nhận vào đúng ngày mồng Bốn đầu năm Quý Mão.

Cuốn ĐẶC SAN HỘI NGỘ đã đi từ tay bạn Sinh từ Huế, vô tay bạn Hảo ở Sài Gòn. Bạn Hảo lại nhờ cô em một nhân viên trong phòng mạch cô con gái của Hảo, đem qua Đức, sau chuyến về thăm nhà. Tờ Đặc san về Minden ở Bắc Đức, sau đó bằng đường Bưu điện đến tay tôi.

Đường Hàng không, đường đất…từ Huế qua đến đây khoảng non 15.000 km, và mang đi, gởi lại…mấy ngoai, tôi xin đặt tên là ĐƯỜNG ĐI CỦA NHỮNG TẤM LÒNG. Xin cám ơn hai bạn Hảo và Sinh.

Lê Quang Thông (T-LVC)

Từ FB. Mongthu Lenhu (Phu nhân bạn Lê Quang Thông)

Về một vụ bêu riếu đáng xấu hổ CÒN THƯƠNG RAU ĐẮNG MỌC SAU HÈ

Về một vụ bêu riếu đáng xấu hổ

CÒN THƯƠNG RAU ĐẮNG MỌC SAU HÈ

Viết ngắn Nguyễn Đại Hoàng

********

1.

Hôm nay, 27 tháng 1 năm 2023, tôi chuẩn bị viết một bài ngắn kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sỹ Phạm Duy (1921- 2013)- thì một bạn trẻ hỏi tôi rằng:

-Thầy ơi, thầy có biết bài hát Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè không?

-Tất nhiên là biết rồi. Đó là một bài hát của nhạc sỹ Bắc Sơn (1931-2005)!

-Thầy có thể nói rõ hơn không ạ?

-Vâng. Theo CHÍNH LỜI KỂ LẠI của nhạc sỹ Bắc Sơn thì ca khúc được ông sáng tác dựa trên CẢM HỨNG từ bài thơ TRƯỜNG CA RAU ĐẮNG ĐẤT của THI SỸ NGUYỆT LÃNG viết năm 1972- để làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình BẾP LỬA ẤM, phát trên Đài Truyền hình Sài Gòn năm 1974 và được ca sỹ Hoàng Oanh thu âm lần đầu tiên.

Điều này ai cũng biết mà! Bất cứ tài liệu nào có trên mạng Internet đều ghi rõ vậy – từ WIKIPEDIA cho tới những bài viết cá nhân –

Source : [ Còn thương rau đắng mọc sau hè – Wikipedia tiếng Việt] & [ Bài hát Còn Thương Rau Đắng… “coi cỏi đốt đồng…” hay “coi khói đốt đồng…”, “ba vá miếng dừa…” hay “ba vá miểng vùa…” (nhacxua.vn)]

-Nghĩa là…..?

-Nghĩa là nhạc sỹ Bắc Sơn chỉ lấy cảm hứng từ bài thơ của thi sỹ Nguyệt Lãng mà viết thành ca khúc, chứ HOÀN TOÀN KHÔNG PHỔ NHẠC từ bài thơ!

Mọi chuyện rất minh bạch! Chúng ta hãy xem lại LỜI THƠ của Nguyệt Lãng và CA TỪ của bài hát thì rõ:

CÒN THƯƠNG RAU ĐẮNG MỌC SAU HÈ – nhạc sỹ Bắc Sơn 1974

Nắng hạ đi

mây trôi lang thang cho hạ buồn

coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng

ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần

biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau

Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu

rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng vùa

đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa

Ai cách xa cội nguồn,

ngồi một mình

nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm

chợt thèm rau đắng nấu canh

Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ

ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương

xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao

chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau

Xin sống lại tình yêu đơn sơ,

rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng vùa

đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa

Xin nắng hạ thổi buồn để mình ngồi nhớ lũy tre xanh

dạo quanh, khung trời kỷ niệm

chợt thèm rau đắng nấu canh …

——

Còn đây bài thơ Trường Ca Rau Đắng Đất của thi sỹ Nguyệt Lãng – 1972 – Source : [ Phan Đăng An: TRƯỜNG CA RAU ĐẮNG ĐẤT – Nguyệt Lãng 1972 (phandangan.com)]

TRƯỜNG CA RAU ĐẮNG ĐẤT

Trời mưa nước ngập ruộng sâu

Cá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm

Mưa là mưa lũ mưa dầm

Hẹn mùa, rau đắng mọc quanh thềm nhà ..

Tộ cá rô kho,

Tô canh rau đắng

Đượm làm sao tình nghĩa nhà quê

Nhớ làm sao thuở còn bé bỏng

Nhà ở xa trường qua mấy nhịp cầu tre

Bấm ngón chân chai bờ đất ruộng

Trời mưa trơn trợt lối đi về …

Tới cổng,

Mùi cá kho đã dậy

Lạnh cóng tay, cơn đói réo trong lòng

Em với chị vừa đi vừa chạy

Cùng tranh nhau kịp để ngồi mâm!

Em ngồi bên cha,

Chị ngồi cạnh mẹ

Bới chén cơm đầy và đua cho lẹ

Hạnh phúc reo mừng như tiếng chim ca.

Cá rô non nấu canh rau đắng đất

Là tình thương bồi đắp mãi không tròn

Là những buổi cha dầm mưa khai ruộng nước

Quần vo cao,

Áo bà ba rách nách

Điếu thuốc vồng ngấm nước tắt, lạnh run

Tay rổ xúc

Vai đeo đụt mướp

Lũ đĩa trâu thèm máu hút bầm chân!

Là những buổi trời vui mây dẫn gió

Trôi lang thang không biết đến phương nào

Chiều dâng hương cuồn cuộn tiếp chân nhau

Trên ruộng thấp bầy cò bay trắng xoá

Những khi nhàn hạ

Mẹ nhổ rau đắng đất

Đốt lấy tro lắng nước gội đầu

Gió thật hiền lay lá trúc lao xao

Mái tóc chị dài êm như sóng mạ

Mẹ xăm xoi bắt chí

Mẹ chăm chút chải gầu

Xức dầu dừa óng mượt

Cột đuôi gà nhỏng nhảnh đằng sau

Mẹ vuốt tóc chị trầm trồ khen đẹp

Ôi! Dòng tóc hiền thắm nghĩa cù lao!

Mười lăm năm,

Thời gian con đủ lớn

Và tóc mẹ trải màu bông bưởi bông cau

Cha lưng còng như tre gặp gió

Cho lòng con nặng một niềm đau!

Chị theo chồng về nơi xứ lạ

Em linh đinh rày đó mai đây

Thuở nhỏ mưa dầm băng mấy ruộng

Bây giờ mưa ngại bước chân đi! ..

Chị về bên ấy,

Ơ hờ gương lược biếng săm soi

Tóc chị rối bù hong mùi khói bếp

Gió dẫn mây trôi nhìn chỉ ngậm ngùi

Đường về biệt mù

Chồng con bận bịu,

Nơi quê xưa thung đường ươn yếu

Mà nhớ thương như thả tóc lên trời

Em lang thang đầu sông cuối bãi

Thèm một bữa cơm dưới mái gia đình

Nhưng dĩa cá kho mặn mùi nhân ngãi

Tô canh ngày nào cũng đắng vị công danh!

Tộ cá rô kho,

Tô canh rau đắng

Đời nhiều lận đận

Nên mất rồi thời thơ dại dấu yêu

Đã hết rồi thời tan học nghêu ngao

Câu hát cũ bây giờ nghe nuối tiếc

Khi mây trắng lưng trời bay mù như tóc

Gió vờn trên lá cỏ

Và đường đời sự nghiệp trắng đôi tay

Đêm nhà trọ chập chờn giấc điệp

Tình hoài hương ray rức ngủ không yên

Tiếng võng ai kẽo kẹt

Giọng ru hời buồn điệu Vân Tiên:

“Trời mưa nước ngập ruộng sâu

Cá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm

Mưa là mưa lũ mưa dầm

Cho rau đắng đất mọc quanh thềm nhà!”

Mười lăm năm,

Bao lần gió nam non thổi lòn hang dế

Em đi từ ấy,

Chân ruộng đồng chưa mòn gót phiêu linh

Ăn quán ngủ đình,

Nước sông gạo chợ

Bao lần đau những cuộc tình tạm bợ

Bao nhiêu lần làm khách lữ qua sông!

Chợt giựt mình, trẻ nhỏ gọi bằng ông

Bỗng nghe nhớ về cố thổ ..

Nhớ rau đắng nấu canh

Nhớ con cá rô kho tộ

Nhớ chị tôi theo chồng năm lên mười sáu

Tóc cột đuôi gà khóc lúc vu qui!

Chị trách hờn cha mẹ đuổi chị đi

Thân con gái ở nhà ngoài, ăn cơm nguội.

Con chim đa đa kêu đâu bờ bụi

Thương cha mẹ già ươn yếu chẳng ai lo

Chị gói một nắm tro

Dặn em gội đầu cho mượt

Xức dầu dừa cho mướt

Đừng để mủn vùa khô khốc rễ tre

Mười lăm năm,

Mới hiểu lời chị dặn

Thì đã bao lần mấy dề rau đắng

Mọc quanh thềm nhà trổ bông trắng rồi khô!

Đã mấy mùa nước ngập chân đê

Con cá rô mấy lần ra sông lớn

Cha không còn dầm mưa thăm ruộng

Không còn ai giành nữa chuyện ngồi mâm!

Bao năm dài không một lời thăm

Thôi thì kể như nước sông chảy ra biển cả

Thằng em nhỏ tóc vẫn chừa ba vá

Như mủng vùa mẹ gọt, lúc lên ba?

Con rô đồng ôm trứng tháng mưa

Chờ đến lúc thả con về ruộng

Chị ngồi nhớ mỗi chiều mỗi sớm

Thả nỗi buồn theo lọn tóc bay.

Một hôm chị ngồi ngạch cửa bấm lóng tay

Rồi chị khóc một mình Không đếm nữa

Buổi trưa nồng gió nồm ru nắng hạ

Khói đốt đồng làm mắt chị cay.

Từ ngày em làm mây

Lang bạt giang hồ khắp ngã

Bặt tin nhạn cá

Có còn nhớ đất, thương quê?

Như ngày lặng lẽ ra đi

Em âm thầm trở lại

Vừa thương em, chị vừa ái ngại

Ba mươi năm, như thể một ngày

Vẫn rám đen như ngày trốn học

Đi mò cua bắt ốc

Giũ trứng kiến vàng câu con cá rô non

Chị ngồi ngạch cửa liếc mắt nhìn em

Đứa em xưa có gì ngờ ngợ

Quần áo bận nửa quê nửa chợ

Chút giang hồ, chút vị quê hương!

Chị ngồi kế bên

Nhìn em ăn cơm mà khóc

Lại bấm lóng tay, lại chùi nước mắt.

Cũng tô canh rau đắng đất

Cũng tộ cá rô kho

Lòng chị như cục than vùi dưới lớp tro

Gió đòi khêu ngọn lửa.

Chị lại ngồi ngạch cửa

Biểu em xích lại gần hơn

Chị ngập ngừng đưa ngón tay run

Lượm sợi tóc sâu ở trên vai áo.

Bây giờ chị gọi em bằng cậu

(Lẽ ra tiếng ấy,

phải kêu từ lúc chị theo chồng!)

Ôi! Con đò đã xa biệt bến sông

Chị cũng thấy mình ngượng nghịu!

Sợi tóc sao bạc phếu?

Đâu phải tóc sâu,

Mà vì bao lâu mưa dải nắng dầu

Qua bao tháng ngày luân lạc

Hai chị em mái đầu đều bạc

Hai chị em cũng già như nhau

Nhớ ngày nào té nước cầu ao

Hát khúc đồng dao cùng cười khùng khục

“Chị em (người) ta như hoa dâm bụt

Chị em mình như cục .. cức trôi!

Cục cức trôi, người ta còn vớt

Chị em mình như ớt chín cây”

Không hẹn mà cùng bấm lóng ngón tay

Hai số dư không biết đường nào đếm

Em muốn kể quãng đời lận đận

Ba mươi năm dài bao nỗi nhớ mong.

Ngày về nhà chị

Ngủ đêm đầu tiên

Nghe rạo rực không thể nào yên giấc

Dưới mé thềm rêu mọc đầy rau đắng đất

Con dế mèn thôi kể chuyện phiêu lưu

Nén tiếng thở dài

Sợ rung giọt đèn lu

Muốn được ngủ say trong vòng tay chị

Lời trách móc sao y như mẹ

Cái hồi còn thơ trẻ bên nhau!

Ai buộc đời mình vì một cọng rau

Ai khôn lớn qua cầu đi hút bóng

Nhìn quãng đồng xa một làn khói trắng

Cũng bâng khuâng nhớ lắm quê mình

Bỗng nghe thèm rau đắng nấu canh!

Biết tìm nơi đâu khung trời kỷ niệm?

Những chiều hoàng hôn tím

Những buổi dầm mưa đi học lạnh run!

Những buổi mưa dầm

Cha giắt đụt mướp trên lưng

Bắt con cá đồng ngược nước

Bên chái hè mưa tạt

Mẹ hái từng cọng rau đắng đất nấu canh.

Để nỗi nhớ vây quanh

Tóc trên đầu đã bạc

Chân giang hồ bỗng dưng chùn bước

Nghe giữa hồn rau đắng đất mọc xanh!

3.

Bạn trẻ nghe xong bảo:

-Em đã hiểu và em xin lỗi. Cũng bởi vì sáng nay trong một FB cá nhân em đọc được những lời nhục mạ nhạc sỹ Bắc Sơn thật không bút mực nào tả xiết, mô tả cố nhạc sỹ như là “.. một kẻ không biết nhục, một kẻ vô liêm sỹ vì đã đạo văn thơ của người khác ….”.

Sự thật là vậy mà họ cố tình dựng đứng, cố tình hướng dư luận đi theo một hướng khác!

-Bạn ạ, một người vô cớ nhục mạ biêu riếu một người khác vì một chuyện không có, và như trên đã nói, tư liệu về bài hát, bài thơ đã được đăng tải rõ ràng minh bạch trên mọi phương tiện truyền thông đã mấy chục năm như vậy – thì đã là một chuyện rất tệ, rất lớn rồi.

Tôi nghĩ sắp tới giới văn học nghệ thuật, thân hữu thân nhân của cố nhạc sỹ và cả cơ quan chuyên trách sẽ lên tiếng đấy!

Hãy để hương hồn của người nhạc sỹ được yên.

NGUYỄN ĐẠI HOÀNG

-/-

Nguồn : FB Anh Dung Hoang

***

Mời đọc thêm:

Đôi điều về ca khúc nổi tiếng “Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè” của nhạc sĩ Bắc Sơn

Có lẽ những người yêu nhạc, không ai là không biết đến ca khúc Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè của cố nhạc sĩ Bắc Sơn, được danh ca Hoàng Oanh hát năm 1974, rồi thực sự nổi tiếng vang dội khi được Hương Lan hát lại vào thập niên 1980

Một bài hát ai cũng biết, ai cũng từng nghe qua như vậy, hẳn là không cần giới thiệu nhiều nữa. Sau đây, trong bài này, chỉ xin nhắc lại một số thông tin thú vị mà người viết lượm lặt được trong quá trình tìm hiểu ca khúc này.

Trước tên, ca khúc mang tên Rau Đắng, làm cho đa số người nghe nghĩ rằng đó là loại rau đắng ruộng, lá tròn, thân to và trơn bóng mà chúng ta thường ăn với món đặc sản cháo cá lóc, hoặc lẩu rau đắng. Một thời gian dài tôi cũng đã tưởng như vậy. Cho đến khi trong một chuyến đi miền Tây, tôi được ăn món Bún Nước Lèo cá đồng ở Sóc Trăng thì mới biết đến sự tồn tại của Rau Đắng đất, khác với rau đắng ruộng. Rau đắng đất thân nhỏ, lá nhọn, mỏng, và ăn ít đắng hơn. Những ai sành ăn uống thì đều biết loại rau đắng này.

rau đắng đất

và rau đắng ruộng

Quay lại bài hát của nhạc sĩ Bắc Sơn, ông nói về một loại rau đắng mọc sau hè, tức là rau đắng đất, chứ không phải loại rau đắng ruộng. Ngoài ra, một điều ít người biết rằng ca khúc này được nhạc sĩ Bắc Sơn sáng tác với cảm hứng là một bài thơ rất dài của thi sĩ Nguyệt Lãng viết năm 1972. Bài thơ đó mang tên: Rau Đắng Đất.

Thật ra bài nhạc và bài thơ đó không có câu nào là hoàn toàn giống nhau, nhạc sĩ Bắc Sơn đã rất tinh tế khi “nhặt” ra một số ý trong 1 vài câu thơ của Nguyệt Lãng để viết thành nhạc.

Vì bài thơ rất dài, tôi xin chép ở phía cuối cùng của bài này, và ghi ra đây vài câu thơ của Nguyệt Lãng có nội dung giông giống với bài hát Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè:

Là những buổi trời vui mây dẫn gió
Trôi lang thang không biết đến phương nào

Thằng em nhỏ tóc vẫn chừa ba dá
Như mủn vùa mẹ gọt, lúc lên ba?

Buổi trưa nồng gió nồm ru nắng hạ
Khói đốt đồng làm mắt chị cay.
Từ ngày em làm mây

Lang bạt giang hồ khắp ngã

Đâu phải tóc sâu,
Mà vì bao lâu mưa dải nắng dầu
Qua bao tháng ngày luân lạc
Hai chị em mái đầu đều bạc
Hai chị em cũng già như nhau..

Bỗng nghe thèm rau đắng nấu canh!
Biết tìm nơi đâu khung trời kỷ niệm?

Một điều khác liên quan đến lời hát của bài Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, đó là xuất hiện những tranh cãi xung quanh lời hát như thế nào mới là đúng. Cụ thể là câu:

Coi cỏi đốt đồng để ngậm ngùi, chim nhớ lá rừng..

Hay là:

Coi khói đốt đồng để ngậm ngùi, chim nhớ lá rừng…

“coi cỏi” hay là “coi khói”?

Khi nghe lại bản thu âm năm 1974 của ca sĩ Hoàng Oanh, là người đầu tiên hát bài hát, chúng ta có thể nghe được cô hát là “coi khói”. Còn nghe lại các bản thu âm sau năm 75 của ca sĩ Hương Lan, Phương Dung, chúng ta nghe được thành “coi cỏi”.

Lẽ thường, khi muốn tìm hiểu xem lời bài hát chính xác là gì, người ta thường tìm lại tờ nhạc gốc phát hành trước 75 ghi là gì. Rủi thay, nhạc sĩ Bắc Sơn từng cho biết ông thường không phát hành nhạc của mình thành tờ nhạc, với lý do là… bị lỗ vốn.

Khi tìm hiểu về câu hát này để xem là “coi khói” hay là “coi cỏi” mới đúng, tôi bắt gặp một tờ báo ghi như sau:

“Lâu nay trên các chương trình ca nhạc, sân khấu lớn nhỏ nhiều ca sĩ khác lại hát “coi khói đốt đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng…” là chưa đúng và chưa hiểu bối cảnh và không gian trong bài hát mà nhạc sĩ muốn chuyển tải đến người nghe…

Sinh thời, trong một lần phỏng vấn báo chí, cố nhạc sĩ Bắc Sơn từng nói đại ý rằng: Hát “coi cỏi đốt đồng…” mới đúng lời vì cỏi là loài chim đồng như gà nước làm tổ dưới đất chứ không phải trên cành cây. Mùa nắng, chim cỏi trốn vô mấy đống rơm, mỗi lần dân quê miền Tây dọn dẹp đồng cho mùa vụ tới hay đi đốt đồng bắt chuột thì chim cỏi sặc khói bay ra…”

Tuy nhiên, sau bài báo đó, vẫn còn nhiều tranh cãi “coi cỏi” hay là “coi khói” không có lời kết. Bài phỏng vấn nhạc sĩ Bắc Sơn mà bài báo bên trên nhắc tới cũng không tìm thấy lại được. Vì vậy mọi việc chỉ có thể suy đoán chứ không thể chắc chắn chữ nào đúng, chữ nào sai.

Tôi đã cố công tìm hiểu về loài “chim cỏi”, nhưng không một ai biết gì về loài chim lạ này. Có một người suy đoán rằng “coi cỏi” không phải là tên loài chim như bài báo kia nói, mà “coi cỏi” là một từ địa phương hay được người miền Tây dùng, gần nghĩa với từ “côi cút”, nghĩa là chỉ có “mình ên” đi đốt đồng, không có ai khác nữa. Hình ảnh đó rất đẹp, gợi lên bức tranh một người mục đồng bơ vơ giữa cánh đồng mênh mông, khói đồng lên nghi ngút.

Sau khi tôi nghe lại bản thu âm năm 1974 của Hoàng Oanh (bạn có thể nghe ở bên dưới), thấy cô hát là “coi khói đốt đồng”, theo ý kiến của riêng tôi thì chữ “coi khói” là hợp lý nhất.

Trong một chuyến hành trình qua các tỉnh miền Tây, tôi đã dừng chân bên đồng ruộng đã gặt xong còn vương nhiều rơm rạ, ở một nơi nào đó của vùng biên giới An Giang, được chứng kiến cảnh bác nông dân đốt đồng, xa xa là tiếng chim ríu rít gọi bầy hòa lẫn với tiếng vịt kêu chiều, tôi mới thấu cảm được thế nào là “coi khói đốt đồng để ngậm ngùi…” Mời bạn xem lại hình ảnh và clip mà tôi ghi lại trong quá trình “coi khói”:

Xin bàn qua một câu hát khác trong bài hát này mà có nhiều người hát sai, đó là:

…rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng vùa…

Nhiều người không biết “miểng vùa” (hay còn gọi là mủng vùa, muỗng vùa) là gì, nên đã hát thành “ba vá miếng dừa”.

Ở câu này, chữ “miểng vùa” hay là “muỗng dùa”, “mủng vùa”, “muỗng vùa” là do cách gọi khác nhau của người miền Tây, do người miền Tây hoặc miền Nam thường gọi sai giữa “v” và “d”.

Vậy “miểng vùa” là gì? Trước tiên xin dẫn ra 4 câu thơ về “tóc miểng vùa” như sau:

Ngày xưa hớt tóc miểng vùa
Ngày xưa mẹ bắt đeo bùa cầu ông
Đôi ta cùng học vỡ lòng
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh

Còn trong bài thơ của Nguyệt Lãng thì nhắc tới chi tiết này như sau:

Thằng em nhỏ tóc vẫn chừa ba vá
Như mủng vùa mẹ gọt, lúc lên ba?

Mủng vùa (miểng vùa, cô Hoàng Oanh hát giọng Nam Bộ thành “miểng dùa”) là một cái gáo dừa khô chẻ ra làm đôi để làm gáo múc nước, đựng cơm. Còn “ba vá” là tóc ba chỏm của em bé trai ngày xưa thường để (kiểu tóc của nhân vật Tí trong Thần đồng đất Việt).

Trong bài hát Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, hình ảnh 2 chị em ngồi nhổ tóc sâu và tóc đều bạc như nhau đã làm rung động nhiều thế hệ yêu nhạc:

Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần
Biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau…

Tiếp sau đó là hình ảnh hồi tưởng về thời thơ ấu:

Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu
Rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng dùa…

Đó là hai chị em của những ngày xưa, người em chừa tóc ba vá, bà chị thì tóc miểng dùa, hình ảnh đó đã luôn ở trong ký ức của người đã trải qua gần hết 1 đời…

Khi ca sĩ Hương Lan thu âm và ghi hình bài hát này ở Pháp vào thập niên 1980, hình ảnh vọng cố hương, gợi nhớ quê nhà cùng giai điệu của dòng nhạc dân ca Nam Bộ của bài hát này đã đồng cảm với hàng triệu người Việt tha hương vào thời điểm đó, rồi nhanh chóng trở thành một hiện tượng đặc biệt của nhạc hải ngoại.

…chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau…

Có thể nói ca sĩ Hương Lan đã làm sống lại ca khúc này vào đúng thời điểm nhiều người Việt rời xa quê hương để đi khắp thế giới. Sau đó, ca sĩ Hoàng Oanh cũng có thu âm lại bài hát, và tôi thật sự bị ấn tượng với bản thu âm mới này của cô Hoàng Oanh. Khi hát tới đoạn sau đây, cô gần như đã nức nở, làm tan chảy trái tim đang rung rinh những nỗi nhớ nhà, nhớ quê xưa:

Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ
Ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương…

Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)

Nguồn: https://nhactrinh.vn/doi-dieu-ve-ca-khuc-noi-tieng-con-thuong-rau-dang-moc-sau-he-cua-nhac-si-bac-son/

MẤY VẤN ĐỀ VỀ VUA GIA-LONG

GS TRẦN QUỐC VƯỢNG

* PHẦN MỘT

0.1. Tôi không phải là một chuyên gia về lịch sử, đặc biệt là về nhà Nguyễn, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng có những nghĩ suy và thực ra là từ những năm giữa thập kỷ 70 cho đến gần đây, đầu xuân Bính Tý 1996. Tôi vẫn thường qua lại xứ Huế và viết dăm bẩy bài về vị thế địa – văn hóa của xứ Huế và vai trò của các chúa Nguyễn, bắt đầu từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558-1613) đến các vua đầu nhà Nguyễn, mở đầu là vua Gia Long (1802-1820) và kết thúc là vua Bảo Đại (1925-1945).

Tôi đã nói và viết tản mạn nhiều vấn đề về xứ Đàng Trong, về thời Nguyễn và nhà Nguyễn.

0.2. Ông Nguyễn Khoa Điềm – thuộc dòng họ Nguyễn Khoa nổi danh từ các chúa Nguyễn mà bà nội ông (Đạm Phương Nữ Sĩ) là cháu nội vua Minh Mạng, sinh ra thân phụ ông là nhà Mác-xít và là một trong những người cộng sản đầu tiên, tức Hải Triều Nguyễn Khoa Văn – đã từng phát biểu ở trường Đại học viết văn Nguyễn Du trong dịp lễ khai giảng khóa 5 (1995-1998), rằng khi ông là tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Sông Hương ở một thời chưa đổi mới lắm, ông đã cho đăng bài của tôi về “Xứ Huế và vị thế lịch sử của Huế” và đã cùng ban biên tập tạp chí ấy tặng tôi giải thưởng đặc biệt cho bài viết này, mà khi ấy người ta cho là một sự “xét lại” về mặt sử học. Bởi trước đó, theo giới Sử – Văn – Triết – Mỹ chính thống của Việt Nam, thì gần như là một sự “phủ định sạch trơn” (table rase) về thời Nguyễn và nhà Nguyễn, trong khi đó ở bài viết ấy và những bài tiếp theo, tôi cùng với các nhà nghiên cứu Dân tộc – Xã hội – Mỹ học như Nguyễn Đức Từ Chi, Trần Lâm Biền đã đề nghị một cách nhìn hơi khác, tóm tắt lại là:

– Cần phân biệt thời Nguyễn, đời Nguyễn và nhà Nguyễn.

– Cần phân biệt thời các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn.

– Và trong các vua Nguyễn, cũng cần phân biệt các vua đầu Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng (1820-1840) và các vua cuối Nguyễn như Tự Đức (1848-1883); và ngay cả các vua Nguyễn sau Tự Đức, cũng cần phân biệt những ông Đồng Khánh, Khải Định với những ông vua yêu nước như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Lại càng nên phân biệt chính trị triều Nguyễn và học thuật, trước tác và mỹ thuật của nền Quốc học Nguyễn. Có “cộng đồng” triều đình và có các “cá thể” vua – quan nữa chứ!

1.0. Nay theo yêu cầu của Ban tổ chức Hội nghị về vua Gia Long (1802-1820), tôi chỉ xin nói tóm tắt đôi điều mà tôi cảm nhận được về Nguyễn Ánh – Gia Long.

1.1. Về Nguyễn Ánh: Nếu tôi nhớ không nhầm thì cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (mà những người theo lý thuyết Mác-xít thường gọi là “Khởi nghĩa nông dân”) bắt đầu xảy ra vào năm 1771, khi Nguyễn Huệ sau này trở thành vua Quang Trung vĩ đại bấy giờ mới 18 tuổi, thì lúc đó Nguyễn Ánh còn kém Nguyễn Huệ ít ra là 7 tuổi, nghĩa là mới chỉ một cậu bé con trên 10 tuổi, cháu của chúa Nguyễn Phước Thuần. Thế mà chính “cậu bé” Nguyễn Ánh đó – sau khi chúa Nguyễn và gần như hết thảy những nhân vật của dòng chúa đã bị họ Nguyễn Tây Sơn thủ tiêu sạch trơn – đâu chỉ khoảng 14 tuổi, từ xứ Huế, xứ Quảng chạy vô châu thổ sông Cửu Long và gần như là đại diện duy nhất còn lại của dòng chúa Nguyễn, đã trở thành vị Nguyên Soái chống lại phong trào Tây Sơn đang dâng lên và lan tỏa trong toàn quốc từ Nam chí Bắc như triều dâng thác đổ.

1.2. Tôi không bao giờ phủ định rằng phong trào Tây Sơn đã có những công tích vĩ đại, ít nhất ở ba mặt sau đây:

– Ở Đàng Trong thì lật đổ “triều đình” của các chúa Nguyễn rồi tiến ra Đàng Ngoài lật đổ “triều đình” của các chúa Trịnh cùng với triều Lê – mà những ông vua Lê từ quãng đầu thế kỷ XVII trên diễn trình lịch sử đã trở thành những ông vua “bù nhìn”, hay là các “con rối” (puppet) trong tay các chúa Trịnh.

– Chiến thắng vĩ đại chống quân xâm lược Xiêm mà đỉnh cao là trận Rạch Gầm – Xoài Mút ở Mỹ Tho (Tiền Giang) vào cuối năm 1784 đầu 1785. Quân xâm lược Xiêm 5 vạn đã “sợ Tây Sơn như sợ cọp” và chính là do lợi dụng việc Nguyễn Ánh cậy nhờ mà định sang chiếm đoạt miền Nam. Nguyễn Ánh mãi mãi mang tiếng xấu “cõng rắn cắn gà nhà”, cầu ngoại viện để giải quyết vấn đề quốc sự.

– Đại chiến thắng chống vài chục vạn quân xâm lược Thanh đầu xuân Kỷ Dậu 1789 – mà ông vua cuối cùng của nhà Lê là Chiêu Thống đã cầu cứu. Và cũng như Nguyễn Ánh, ông vua Lê ấy cũng mang một bộ mặt nhọ nhem trong lịch sử.

1.3. Nguyễn Ánh cùng Chiêu Thống càng lem luốc bao nhiêu trước lịch sử thì hình ảnh Nguyễn Huệ – Bắc Bình Vương – Quang Trung càng được xem là bộ mặt tỏa rạng và có một vai trò lịch sử lớn lao bấy nhiêu trong lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII.

Nhưng bảo rằng Huế – Phú Xuân là do vua Quang Trung xây dựng thành một đô thị thủ đô thì theo tôi lại là một lối viết quá đà! Huế, với thành Lồi ở Long Thọ bờ phải sông Hương và thành Lý Châu – sau đổi là Hóa Châu ở lưu vực sông Bồ đã trở nên một thị thành, một cảng thị (City-Port, Nagara) – từ thời Chiêm Thành và sau đó thời Đại Việt Huyền Trân nhà Trần (sau 1306) và sau đó nữa là Quảng Phước, Kim Long thời chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên và Phú Xuân thời chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1636-1648) và sau chót là Gia Long – Minh Mạng (trước Gia Long, Phú Xuân vẫn chỉ là Làng Xã).

1.4. Tuy không phải là một nhà sử học chính tông, nhưng tôi không bao giờ dám thể tất cho Nguyễn Ánh khi ông vì thế cùng lực kiệt, đã qua giám mục Bá Đa Lộc (Evêque D’Adran) và cậu bé tí hon hoàng tử Cảnh (lúc bấy giờ khoảng 6 tuổi) đi cầu viện các thế lực phương Tây (nhất là Pháp), đã dám cho vị giám mục người Pháp đó toàn quyền đại diện cho nước Việt phương Nam ký với Pháp cái gọi Hiệp ước Versailles, nhượng cho Pháp nào đảo Côn Lôn, nào cảng cửa Hàn… để mong nước Pháp quân chủ cuối mùa (1787) cứu một nền quân chủ cũng cuối mùa nốt của Đại Việt. Cho dù cái nước Pháp quân chủ cuối mùa ấy đã không giúp đỡ gì được cho Nguyễn Ánh và đã được / bị cuộc cách mạng 1789-1790 xóa sổ khỏi lịch sử phương Tây, nhưng sao chăng nữa, việc đó cũng tạo “tiền lệ” cho giới thực dân phương Tây mà trước hết là Pháp cùng với vài thế lực Thiên chúa giáo thân (Pro) thực dân can thiệp ngày càng sâu vào nội trị Việt Nam, và dẫn tới việc mất nước của ta vào nửa cuối thế kỷ XIX. Ký hiệp ước, hòa ước để nhượng địa rồi “mãi quốc cầu vinh” là những thủ đoạn hèn hạ của thực dân đầu mùa và quân chủ cuối mùa.

1.5. Tuy sự thật lịch sử cho tôi – và cho chúng ta – biết rõ rằng những điều khoản của Hiệp ước Versailles ấy đã không thực hiện và sau này, khi đại diện của chính phủ Pháp đòi vua Gia Long thực hiện hiệp ước Versailles thì vua Gia Long đã kiên quyết từ chối với lý do rất chính đáng là: nước Pháp có thực hiện điều khoản nào của hiệp ước Versailles đâu!

Trên đường từ Pháp về Pondichery (Ấn Độ), giám mục Bá Đa Lộc chỉ tuyển được một số sĩ quan, kỹ sư, kẻ “phiêu lưu” người Pháp và với một số rất ít kinh phí mua được vài cái tàu bọc đồng – mà vua Quang Trung coi là những sự hù dọa vớ vẩn – để mang về giúp Nguyễn Ánh. Cho nên theo tôi, cố giáo sư Trần Đức Thảo và một số người khác đã viết hơi quá đà, rằng sự viện trợ của Pháp là một trong những nhân tố quan trọng nhất để tập đoàn Nguyễn Ánh đã đánh bại phong trào triều đại Tây Sơn, từ Nguyễn Nhạc đến Cảnh Thịnh – Bảo Hưng (1792-1802).

1.6. Như vậy, với những điều viết trên, là tôi đã có một hàm ngôn rằng, sự thắng lợi của Nguyễn Ánh đối với triều đại Tây Sơn chủ yếu là do những nguyên nhân nội sinh, và đứng về mặt cá nhân tôi hay là của chúng ta nhỉ, cũng đáng nên “khâm phục” dù “chút chút” – Nguyễn Ánh – một người có cá tính mạnh, từ một cậu bé con của một ông chúa bị giết hại trong tù, gần như đã nhiều lúc không còn một mảnh giáp, không còn một tấc đất, đã lấy lại được quyền bính trong cả nước Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Theo PGS Trần Lâm Biền, nền mỹ thuật Việt Nam chỉ có những thi pháp kiến trúc chung từ xứ Lạng đến Gia Định thành là từ Nguyễn Gia Long.

1.7. Cho nên, cũng không phải quá đáng lắm khi linh mục Nguyễn Phương và một số nhà sử học nước ngoài khác – từ phe XHCN (cũ) đến phe tư bản chủ nghĩa – cho rằng Nguyễn Ánh là người trên thực tế đã thống nhất đất nước chứ không phải là ông vua anh hùng Nguyễn Huệ – Quang Trung, mặc dù ông vua anh hùng 3 lần vĩ đại này đã gạt bỏ những thế lực quân chủ thối nát ở Đàng Trong, Đàng Ngoài và những lực lượng ngoại xâm đứng đàng sau những quyền lực khốn nạn ấy. Và như vậy, xét về mặt lịch sử khách quan là đã góp phần rất lớn vào công cuộc thống nhất đất nước(1).

1.8. Không nói gì đến ông Nguyễn Lữ – là “thầy tu” hay là “thầy võ” – không đủ nội lực để đối địch với Nguyễn Ánh ở miền Nam, chỉ nói đến ông anh Nguyễn Nhạc xuất thân “nậu nguồn” và ông em Hồ Thơm (Nguyễn Huệ) thì, do sự chia rẽ ngay trong nội bộ gia đình, mà theo tôi “ghê tởm” nhất là ông anh cả Nguyễn Nhạc đã vì sự thỏa mãn nhỏ nhen được làm Trung ương Hoàng đế ở thành Trà Bàn, rồi vì ghen tị và “chãnh chọe” với em sau vụ Bắc Bình Vương “xóa hận sông Gianh” tiến ra Thăng Long, đã vội vã ra Bắc kéo em về, rồi lại hãm hiếp cô em dâu – vợ Nguyễn Huệ – tạo mối thù hận khôn nguôi và chiến tranh giữa hai anh em, khiến dưới triều Tây Sơn có một ông hoàng đế ở Quy Nhơn và một ông hoàng đế ở Phú Xuân. Vậy làm sao có thể nói được là nước ta đã được thống nhất ngay dưới thời Tây Sơn? Đó là một “lập trường giai cấp” máy móc đang chuyện nọ (chống ngoại xâm) “xọ chuyện kia” (chống quân chủ Nguyễn – Trịnh).

1.9. Ở đây có một vấn đề thuộc phương pháp luận sử học cần được làm sáng tỏ là: Lịch sử bao giờ cũng có một sự gián cách giữa lịch sử – thực tại (Histoire – Réalité) và lịch sử nhận thức (Histoire – Conscience). Mà cái lịch sử nhận thức thì luôn gắn liền với chủ quan nhà sử học – nhưng trách nhiệm và bổn phận của nhà sử học chân chính là luôn luôn cần cố gắng có cái nhìn khách quan đến mức cao nhất. Mức cao nhất đó là như các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam cuối thế kỷ XX nói: Hơn ai hết là nhà sử học cần “nhìn thẳng vào sự thật! ”, nói đúng sự thật, và giải thích một cách khoa học cái sự thật khách quan ấy. Vẫn theo tôi, “tâm thức tiểu nông” Việt Nam là nền tảng tinh thần của nền “dân chủ làng xã”, của sự đồng dạng văn hóa (Cultural Identity) ở cấp văn hóa xóm làng Đại Việt – Việt Nam một thời. Thống nhất rồi chia rẽ, đó là “trách nhiệm lịch sử” của cấu trúc quân chủ Phật giáo (Lý – Trần), rồi quân chủ Nho giáo (Lê – Nguyễn). Lịch sử chính trị và lịch sử văn hóa, có cái CHUNG và cũng có cái RIÊNG. Quy mọi thứ vào chính trị hay vào kinh tế là cái nhìn (Point of view) đã “lỗi thời” (Over time) lâu rồi, quá lâu rồi!

* PHẦN HAI

01. Luôn “trung thành” với tư duy tự ý thức rằng “Tôi không phải là một nhà sử học chính tông”, sau đây tôi chỉ nói – và viết – đôi điều “lặt vặt” tôi nhớ lại và cảm nhận được về vị vua khai sáng triều Nguyễn – Gia Long.

01.1. Nguyễn Ánh đã từng bôn ba từ đất liền ra các hải đảo, Côn Lôn, Phú Quốc…

Do nghiệm sinh cá nhân, tôi rất thích những người “bôn ba”, “từng trải”… dù với ý định chủ quan gì hay là do sự dủi dun của Trời Đất – Tự nhiên. Vị Tam Nguyên Vị Xuyên xứ Nam Hạ – Nam Hà quê tôi Trần Bích San đã có hai câu thơ mà tôi coi là tuyệt bút, nhất là câu sau:

Văn vô sơn thủy phi kỳ khí,

Nhân bất phong sương vị lão tài!

Nghĩa là:

Văn không sông núi, không cao diệu,

Người chẳng phong sương, khó rạng tài!

01.2. Rất gần đây, tôi được đọc bản thảo bài viết của một học giả Mỹ, trong đó có đoạn đại ý rằng:

Phụ thân Hồ Chí Minh – Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Huy (Sắc) là một người phiêu lãng (Wanderer), nhưng cụ mới chỉ “lãng du” ở trong nước Việt từ xứ Nghệ xứ Huế đến xứ Thanh, xứ Bình Định rồi vô miền Nam, Sài Gòn, Sông Bé, Long An, Sa Đéc…

Có thể Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cũng được “di truyền” bởi cái “gen” văn hóa phiêu lãng (wandering) đó, nhưng “CON hơn cha là nhà có PHÚC”, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã phiêu lãng gần như toàn thế giới, từ Á, Âu đến Phi, Mỹ… và ông đã có dịp “sống nghiệm” với nhiều nền văn hóa khác nhau; do đó ông đã trải nghiệm đối sánh nhiều LỐI SỐNG (Way (s)) trên tảng nền LỐI SỐNG VIỆT NAM. Ông giỏi ngoại ngữ mà ngôn ngữ là một sản phẩm đồng thời là một thành tố của Văn hóa, cho nên ông trở thành người của toàn Nhân loại và ông trở nên DUNG DỊ (Generous), rất Việt Nam và cũng rất “Thể tất”, rất “Cận NHÂN TÌNH” (Hunman Sense). Do vậy, Wandering phiêu lãng ở ông là một GIÁ TRỊ VĂN HÓA.

Thế mà đã có kẻ dám dịch “wandering” là “lang bang, lang thang” và bảo rằng học giả Mỹ đó có dụng ý nói xấu Cụ Hồ! Đáng xấu hổ thay người “DỐT HAY NÓI CHỮ” hay là “HAY CHỮ LỎNG”!

01.3. Nguyễn Ánh (Gia Long từ 1802) đã bôn ba từ đất liền đến hải đảo, từ Việt đến Xiêm, đánh Tây Sơn bại rồi thắng to cũng có, mà đánh thắng cả Miến Điện theo yêu cầu – có lúc là “quái ác” – của vua Xiêm cũng có. Nguyễn Ánh bẩm sinh và sinh nghiệm là một vị tướng tài ba “thắng không kiêu, bại không nản”. Bị Xiêm rồi bị Pháp và sau cả Thanh Mãn Trung Hoa khống chế, gây “áp lực” song Nguyễn Ánh vẫn tìm mọi cách để “thoát ra” được sự khống chế đó và – cho dù chỉ theo ý kiến cá nhân tôi – ông vẫn là NGƯỜI VIỆT NAM và đứng đầu một CHÍNH QUYỀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM, cho dù ông chịu nhiều áp lực ngoại bang và cũng có lúc phải sử dụng nhiều cố vấn trong nước và nước ngoài. Ông nghe nhiều nhưng ông nghĩ và làm phần nhiều theo ý ông. Từ 1815 hay về cuối đời, dù nể trọng Tả quân Lê Văn Duyệt, ông vẫn quyết định chọn hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng ngày sau) chứ đâu có chọn cháu đích tông – con hoàng tử Cảnh – làm người kế vị ông. Mà Minh Mạng, thì nên trọng nể và học tập ông về việc quản lý hành chánh đất nước và xã hội nhiều hơn nữa, chứ trách cứ ông thì cũng dễ thôi.

01.4. Cho dù ông tin cậy và nhờ cậy vào giám mục Bá Đa Lộc và tỏ ra “khoan hòa” với Thiên chúa giáo của phương Tây, cho dù hoàng tử Cảnh – trưởng nam của ông – đã trở thành giáo dân Thiên chúa giáo, khi ở Gia Định (Nam Bộ) cũng như khi trở thành hoàng đế toàn Việt Nam, ông vẫn tôn Nho, trọng dụng “Gia Định tam gia” người Việt gốc Hoa (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh), vẫn trọng Phật, Lão và tín ngưỡng dân gian, dù là Việt Nam, là Khơ Me, hay là Chăm, là Thượng… Đội cận vệ của Gia Long, theo sử chép, chủ yếu là người “Thượng” (Sơn nhân). Ở thập kỷ 80, tôi đi điền dã ở xứ Quảng, ở Tây Nguyên, các tộc “thiểu số” vẫn nhắc đến Gia Long với một niềm kính nể. Có một thứ cây nửa trồng nửa hoang dại mang tên “Hoàng oanh quất” (quýt vàng) quả ăn ngon, người dân tộc vẫn bảo tôi rằng đó là thứ quả cây của vùng sơn cước đã nuôi sống Nguyễn Ánh thời khăn khó, sau này trở thành Quýt Ngự. Ấy là tôi chưa kể “Quế Trà My”…

01.5. Ông không chống Tây, Thiên chúa, cũng không sùng bái quá đáng Thanh – Nho như người ta tưởng, và ông loay hoay – tìm mà chẳng được – một HỆ Ý THỨC VIỆT NAM. Ông làm theo kiểu Việt Nam mà chưa điều chế nổi một lối suy nghĩ (Way of thinking) Việt Nam. Chỉ sau này Nguyễn Ái Quốc mới xây dựng được một Tư tưởng Hồ Chí Minh tương đối thuần Việt Nam. Nhưng đó lại là một đề tài chuyên luận Triết – Sử khác, ít dính dáng đến chủ đề ta đang bàn về Gia Long.

02. Sau 10 năm chinh chiến mà dân gian miền Nam Trung Bộ gọi là “TRẬN GIẶC MÙA” (1791-1801) – mùa gió nồm nam, Nguyễn Ánh mới dùng đội thủy chiến THUYỀN BUỒM ra đánh Tây Sơn – cuối cùng ông đã thắng.

02.1. Tôi là con cháu nhà Nho nên cũng có biết câu “Bất tương thành bại luận anh hùng”, nghĩa là “luận anh hùng, chớ kể hơn thua! ”.

Song, nếu tôi là nhà sử học như các quý vị Phan Huy Lê, Nguyễn Phan Quang… khả kính, tôi cũng phải tìm cách “giải thích” lịch sử chiến thắng của Nguyễn Ánh với Tây Sơn chứ nhỉ?

Chả nhẽ lại chỉ dùng một thứ “chủ nghĩa Mác thô sơ” là cuối cùng NÔNG DÂN – nếu không có một Đảng của giai cấp công nhân đô thị hiện đại lãnh đạo thì bao giờ cũng THUA giai cấp địa chủ – phong kiến, mà dù có thắng – như Tây Sơn đã từng thắng trước đó – thì rồi cũng bị ĐỊA CHỦ HÓA, PHONG KIẾN HÓA mà thôi!

02.2. Như tôi đã nghiệm sinh trên điền dã khắp Bắc Trung và chút chút ở miền Nam, tôi đã thấy cả Nguyễn Nhạc và cả Bắc Bình Vương – Quang Trung (tất nhiên cả Nguyễn Lữ nữa) đã thất nhân tâm khi các ông – như học giả Tạ Chí Đại Trường đã dẫn ra nhiều chứng cứ (Xem Nội chiến ở Việt Nam 1771-1801…) – ở miền Trung, chỉ để 01 chùa ở cấp huyện, ở miền Bắc chỉ để 01 chùa ở cấp tổng. “ĐẤT VUA – chùa LÀNG – Phong cảnh BỤT” – sáng – chiều nghe tiếng chuông chùa “chiêu mộ” để tấm lòng thư giãn, để biết thời gian trôi chảy vô thường đã từ lâu in hằn vào tâm thức người Việt. Phá chùa, đập tượng, nung chuông (làm tiền, làm khí giới) là làm phản lại tâm thức Việt Nam. Có lẽ nào dân gian xứ Bắc – Đàng Ngoài vốn kính VUA (Lê) nể CHÚA (Trịnh) và sùng Phật – Đạo, dù rất trọng Quang Trung đã vì dân mà chiến đấu và chiến thắng giặc Mãn Thanh, thế mà bên câu ca dao “cổ” (XV):

Lạy trời cho cả gió lên,

Cho cờ vua Bình Định(2) phất (phới) trên kinh thành(3).

Lại có câu ca dao “cận đại”:

Lạy trời cho cả gió Nồm,

Cho thuyền chúa (vua) Nguyễn thắng buồm thẳng ra!

Ra… là ra Bắc. Vô là vô (vào) Trung – Nam. Đấy là một câu ca dao thuần Bắc cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Đừng nên chỉ suy diễn lòng dân (XVIII-XIX) theo chủ quan “bác học” (XX), mà nhà làm sử rất nên tham khảo Folklore, nhất là Folklore cổ – cận – dân gian.

02.3. Quân Tây Sơn vào Nam – Nam Bộ – thì phá Cù Lao Phố (Biên Hòa hiện nay), giết hại thương nhân Hoa kiều, vứt phá hàng ngoại bỏ ra đầy đường, sau ở Sài Gòn thì cũng vậy; ra Trung thì tàn phá Hội An (Faifoo), 10 năm sau còn chưa phục hồi lại được; ra Bắc thì phá Vị Hoàng, phố Hiến và có đâu chừa lắm cả Thăng Long. Khi nho sĩ Bắc Hà – mượn lời nông dân xóm Văn Chương – để thưa kiện với chúa Tây Sơn về việc tòa Văn Miếu – bia Tiến Sĩ bị phá thì Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã thành thật phê vào đơn:

Thôi! Thôi! Thôi! Việc đã rồi!

Trăm điều hãy cứ trách bồi vào ta!

Nay mai dựng lại nước nhà,

Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian.

Thôi cũng đừng đổ oan cho thằng Trịnh Khải (1785-1786)!

02.4. Gia Long dù bắt đổi Thăng Long (昇 龍) từ thành phố Rồng bay thủ đô cả nước ra Thăng Long (昇 隆) – ngày thêm thịnh vượng – thủ phủ Bắc thành và dời thủ đô cùng cả Quốc Tử Giám – Văn Miếu vào Huế thì ở Văn Miếu Thăng Long, Gia Long vẫn cho xây một tòa Khuê Văn Các, nhỏ thôi mà cực đẹp; và ở thành cũ hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan, ông cũng cho xây một tòa Cột Cờ cao đẹp nhất kinh thành ngày ấy và cho đến nay còn tồn tại!

Thế thì kể ra cũng khó mà chê Gia Long và nghệ thuật kiến trúc Nguyễn! Mà chê bai làm gì nhỉ, khi chúng – với thời gian – đã trở thành cái ĐẸP, cái Di sản Văn hóa Dân tộc – Dân gian.

Huế trở thành một Di sản Văn hóa Nhân loại – theo Quyết định của UNESCO 1993, mà hiện nay ta rất tự hào và đang biến thành Trung tâm Du lịch Văn hóa Việt Nam là NHỜ AI, nếu không phải là nhờ VUA – QUAN – DÂN thời Gia Long – Minh Mạng – Tự Đức và Nguyễn nói chung?

Kính xin quý vị Sử gia – tạm / gượng gọi là “đồng nghiệp” của tôi bơn bớt việc “chửi bới” nhà Nguyễn – đời Nguyễn – bắt đầu từ Gia Long – đi cho tôi và dân chúng nhờ… Và thái độ tốt nhất là xếp cả xứ Huế và Việt Nam khi ấy vào Bảo tàng Lịch sử và coi khi đó, không gian đó như một TẤT YẾU TẤT NHIÊN của LỊCH SỬ VIỆT NAM!

03. Có một huyền tích lưu hành rất dai dẳng – và còn được ghi bằng giấy mực nữa kia – là khi Nguyễn Ánh – Gia Long (năm 1801) chiếm lại được Phú Xuân – Huế từ tay triều đại Tây Sơn, đã “cướp” công chúa Lê Ngọc Hân – Bắc cung Hoàng hậu của Quang Trung làm vợ. Huyền tích ấy nay đã được giải ảo hiện thực (désenchanter le réel). Sự thực lịch sử là thế này:

03.1. Sau khi vua Quang Trung mất (1792), Ngọc Hân đã dời cung điện ra ở chùa Tiên gần lăng mộ Quang Trung (xem sách “Đi tìm lăng mộ Quang Trung” của Nguyễn Đắc Xuân và nhất là xem thơ Phan Huy Ích). Theo tôi, đó là vì vua Cảnh Thịnh kế nghiệp Quang Trung mới 12 tuổi (không phải là con đẻ của Ngọc Hân) cùng thái sư Bùi Đắc Tuyên (cậu của Cảnh Thịnh) rất lộng quyền, chẳng ưa gì bà Ngọc Hân xứ Bắc, nên bà đã có ứng xử “chẳng tu thì cũng như tu mới là”; cũng có thể là bà “nặng tình nặng nghĩa” với Quang Trung. Bà có với Quang Trung hai (02) người con, bà mất sớm (1799) và cả hai con bà cũng vậy (1801).

03.2. Cho nên không làm gì có chuyện vua Gia Long giết hai con bà và lại lấy bà làm vợ. Khi Ngọc Hân làm vợ Quang Trung, đã môi giới để người em cùng nhũ mẫu là Ngọc Bình làm vợ của Cảnh Thịnh.

Khi Cảnh Thịnh chạy ra Bắc, không hiểu vì lý do gì, bà Ngọc Bình bị kẹt ở Phú Xuân. Gia Long chiếm Phú Xuân, bắt được Ngọc Bình và quyết định ngay lấy làm vợ (phi). Cả đám triều thần của Gia Long xúm lại can ngăn, họ nói: – Bệ hạ nay có cả thiên hạ, thiếu gì gái đẹp – trinh nguyên, việc gì phải lấy vợ của giặc làm vợ mình! Vua Gia Long cười ha hả mà nói: – Đến đất nước của giặc “tau” còn lấy, huống chi là vợ giặc,“tau” lấy vợ giặc làm vợ “tau” thì có chi mô!

Về việc này Biên Niên sử của triều Nguyễn còn chép hẳn hoi, xem – chẳng hạn – Đại Nam Thực lục Chính biên.

Tôi kể chuyện này với ông bạn thân – nay đã quá cố “người xứ Huế” (mẹ là dòng Hoàng phái Nguyễn) là PGS Nguyễn Đức Từ Chi, ông cười lâu lắm và bảo tôi rằng: – Ở đại học, tôi học cổ sử Việt Nam với các thầy khác nên không biết chuyện này. Nay nghe anh kể mới biết. Thật là tuyệt! Đây là một “ca” (cas = trường hợp) mà nếu lý giải bằng phân tâm học (psyanalyse) thì sẽ rất lý thú. Nhưng câu nói ấy của Gia Long trả lời các quan đại thần là rất “cynique” (tôi chưa biết dịch là gì cho đúng, đại khái là rất “tởm”, “lỗ mãng”, “bất cần sĩ diện”, “trắng trợn”… nhưng mà rất THỰC) đấy chứ, phải không anh?

Tôi mủm mỉm gật đầu đồng ý.

03.3. Tôi được đọc GIA PHẢ nhà họ Nguyễn ở làng Nành (nay thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) quê bà Nguyễn Thị Huyền, mẹ bà Ngọc Bình, nhũ mẫu của bà Ngọc Hân. Gia phả có đoạn chép:

Bà cụ Nguyễn Thị Huyền – qua con gái là bà Ngọc Bình – có làm đơn xin cải táng mộ bà Ngọc Hân (và hai con bà) về Bắc, về quê bà. Vua Gia Long đồng ý. Tiểu sành đựng xương cốt bà Ngọc Hân được chở bằng thuyền về làng Nành và được xây mộ hẳn hoi. Mãi đến thời Thiệu Trị (1840-1847), có một tên cường hào ở làng Nành vì có sự chảnh chọe ngôi thứ gì đó với dòng họ Nguyễn nên làm đơn vu cáo họ Nguyễn đã “lợi dụng” gì đó về ngôi “mả ngụy” Ngọc Hân, cấp trên nó quan liêu hay ăn đút lót gì đó – không biết – phê vào đơn cho phép đào mả Ngọc Hân quẳng xuống sông Nhị Hồng…

Hiện nay ở Gia Lâm có đền Ghềnh, tương truyền là “rất thiêng”, đấy chính là nơi hài cốt Ngọc Hân dạt vào, được dân vớt lên mai táng lại. Nhiều nhà “Hà Nội học” – không đọc gia phả họ Nguyễn làng Nành – đã nói và viết rất “lu bu” về chuyện này và “đổ vạ” cho Gia Long và nhà Nguyễn đào mả vợ Quang Trung để trả thù! “Trả thù”, vâng, có thể có ở mọi thời, song việc đào mả Ngọc Hân quẳng xuống sông không phải là việc và trách nhiệm – tội lỗi của Gia Long.

03.4. Gia Long “tội vạ” gì mà gây thù chuốc oán thêm với sĩ phu và dân chúng Bắc Hà mà ông chê bai là “bạc” – theo thành ngữ dân gian – hay được / bị “dân gian hóa” thành câu: “Bạc như dân, bất nhân như lính”.

Theo chỗ tôi được biết (tôi biết rất ít thôi), thì sau khi vua Gia Long ra Bắc (1802) diệt nốt “dư đảng Tây Sơn” và cử Nguyễn Văn Thành (“Tiền Quân Thành”) làm Bắc thành trấn thủ, vua Gia Long đã – qua ông Thành – làm vài việc sau đây:

03.5. Tổ chức một lễ tế “Trận vong tướng sĩ” ở bên bờ sông Nhị phía Đông thành Thăng Long. Bài văn tế này vẫn còn và khi xưa – tôi học trung học – vẫn được học ở sách Việt Nam văn học sử yếu của cố GS Dương Quảng Hàm. Sách này đề tên tác giả bài văn tế là “Vô danh”, sau này giới Văn học và Hà Nội học đã tìm ra tác giả chính là Nguyễn Huy Lượng, sĩ phu Bắc Hà – người đã cộng tác với triều đình Tây Sơn đến cùng (1801) và viết bài Phú nôm nổi tiếng “Tụng Tây hồ phú” (và do vậy Phạm Thái, sĩ phu Bắc Hà chống Tây Sơn đã viết bài phản bác cũng khá hay với nhan đề “Chiến tụng Tây hồ phú”). Lễ tế vong này và bài văn tế giành cho mọi sĩ tử binh không phân biệt ai là “chân” ai là “ngụy”. Tế xong, Nguyễn Huy Lượng không bị phạt tù tội gì về việc cộng tác với nhà Tây Sơn và Nguyễn Gia Long “bổ” cho ông cử nhân hay chữ này một chức tri huyện ở phủ Nghĩa Hưng (Nam Định), sau ông bị – theo gia phả và sử địa phương chí chép – giặc cướp giết.

03.6. Cũng dưới thời vua Gia Long, bà phi “tòng vong” với Lê Chiêu Thống xin triều Nguyễn cho đưa hài cốt ông vua Lê cuối cùng này cùng vài quan tòng vong (đã chết bên nước Thanh) đem về nước. Vua Gia Long – qua lời tâu của Trấn thủ Bắc thành – đã đồng ý. Bà phi họ Nguyễn này mang hài cốt chồng và vài quan khác về Việt Nam chôn cất xong thì tự tử chết. Bà cũng được mai táng tử tế (tôi được học chuyện này từ thời trung học Pháp thuộc).

Vua Gia Long đã sai lập “đền Cố Lê” ở Hà Nội (mạn phố Thụy Khuê) để thờ vua Lê cũ và sai dỡ nhà Thái miếu ở Thăng Long về Bố Vệ xứ Thanh quê nhà Lê lập đền thờ. “Đền vua Lê” (còn gọi là “Thái miếu”) hiện vẫn còn và đã được Bộ Văn hóa Thông tin nhà nước CHXHCN Việt Nam xếp hạng (“Di tích Văn hóa được xếp hạng”).

03.7. Quê tổ nhà Nguyễn là Gia Miêu ngoại trang ở Hà Trung – Thanh Hóa, đối diện với dãi núi Triệu Tường. Ở Đàng Trong, Nguyễn Hoàng đã trở thành “ông Hai” (ông cả Nguyễn Uông đã bị anh rể – chồng bà Ngọc Bảo – giết để cướp chính quyền Thái Sư (như thủ tướng ngày sau), thay thế ông bố vợ Nguyễn Kim (phụ thân Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng) đã bị đầu độc chết. Từ thế kỷ XVII-XVIII trên đường hình thành đạo Mẫu Việt Nam mà mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giầy (Vụ Bản, Nam Định, Nam Hà) trở thành “Thánh Mẫu” theo thần tích, ít ra là từ đời Cảnh Hưng (1740-1786). Nguyễn Hoàng đã được thờ ở khắp xứ Đàng Ngoài dưới tên gọi “Quan Lớn Triệu Tường”. Vua Gia Long đã về thăm quê gốc Gia Miêu.

Trên đường công tác điền dã, năm 1994, tôi đã về thăm Gia Miêu, thăm ngoại / nội trang, thăm núi Triệu Tường, và đang đứng trầm ngâm chiêm ngắm ngôi đình được trùng tu lại thời Gia Long, rất đẹp mắt nhưng đang gần như bị “bỏ quên” (chưa được xếp hạng và đang xuống cấp, chưa được trùng tu tôn tạo) thì được một cán bộ xã mời về trụ sở Đảng ủy và UBND xã.

Tôi những tưởng mình sẽ bị khiển trách và “thăm hỏi” vì đã dám ghé thăm ngôi đình làng mang niên hiệu Gia Long trùng tu mà không trình báo lãnh đạo xã. Nhưng không!, tôi được chiêu đãi một bữa bia “đã đời”, vì đã được cán bộ xã đứng tựa cột đình “nghe lỏm” – tôi đang giảng giải cho các cán bộ cùng đi – về nét đẹp ngôi đình làng này và tỏ ý tiếc vì bị nhà nước bỏ quên! Nghe các nhà lãnh đạo xã quê hương Gia Long nói thêm về tình hình xã, tôi rất mừng vì các đảng viên cộng sản Gia Miêu quê hương nhà Nguyễn đã tỏ ra có “tư duy đổi mới” khi nhận nhìn vai trò lịch sử của vua Gia Long và nhà Nguyễn với thái độ “thể tất nhân tình”, rất đậm đà bản sắc Việt Nam. Vua Gia Long sai sửa đình làng quê gốc của mình nhưng không hề sai sửa lại tên quê. Mãi đến thời Tự Đức (1848-1883), ông vua này mới sai đổi tên Gia Miêu cũ xưa thành tên mới Quý Hương!

03.8. Tuy Trịnh Kiểm đã giết Nguyễn Uông, nhưng chính sử nhà Nguyễn, kể cả Đại Nam nhất thống chí, quyển về Thanh Hóa tỉnh, mục nhân vật vẫn chép về Trịnh Kiểm mà không hề có một lời nói xấu nào về ông tổ họ Trịnh này.

Thật là lạ! Càng lạ hơn, khi tôi (1992) về thăm lại quê hương Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan ở Thạch Thất xứ Đoài (nay thuộc tỉnh Hà Tây) – người được coi là “Trương Tử Phòng” (quân sư Trương Lương của Hán Cao Tổ) của Trịnh Kiểm. Gia Long rồi Minh Mạng đã ban cho ngôi nhà thờ Trạng Bùng một bức đại tự chạm trổ rất đẹp với 4 chữ “TRUNG HƯNG CÔNG THẦN”, miễn sưu dịch cho con cháu Trạng Bùng, lại cho 2 “đinh phụ” được coi sóc nhà thờ và mồ mả của ông Trạng đã hết lòng “phù Lê phù Trịnh” này.

03.9. Tôi có một số bạn bè họ Trịnh đã / đang làm cán bộ cao cấp của nhà nước CHXHCN Việt Nam. Tôi đưa cho họ xem bản Trịnh gia thế phả do Trịnh Cơ vâng lệnh Gia Long, khai báo lại năm 1802.

Lời mở đầu cuốn gia phả họ Trịnh này viết rằng khi vua Gia Long ra Bắc (1802), ông đã cho gọi tộc trưởng họ Trịnh – Trịnh Cơ – từ xứ Thanh ra Thăng Long và phán bảo rằng: – Họ nhà ngươi và họ ta là hai họ có thâm thù vì tổ họ ngươi đã giết tổ họ ta!

Trịnh Cơ run rẩy nghĩ rằng mình và họ mình sẽ bị Gia Long “làm cỏ sạch gốc rễ” để trả thù. Nhưng mà không!, vua Gia Long nói tiếp: – Nhưng họ nhà ngươi và họ ta đã từng là thông gia – thân gia. Ta sẽ lấy tình thân gia mà đối đãi với họ ngươi. Song họ ta ở Nam đã quá lâu, ta chẳng biết rõ gì về họ ngươi cả. Vậy ngươi hãy cung khai về gốc gác họ Trịnh trình cho ta biết!

Trịnh Cơ mang gia phả cũ ra tham khảo và cứ theo sự thực viết ra (cố GS Hoàng Xuân Hãn rất khen ngợi bản gia phả nhà Trịnh này là trung thực, đã viết rõ gốc gác nghèo hèn và hành xử “xấu xa” của Trịnh Kiểm như ăn cắp gà, giết trộm trâu, ăn cắp ngựa…). Đọc xong Gia phả họ Trịnh, Gia Long đã phê ban cho họ Trịnh 200 mẫu ruộng công để dựng nên Trịnh điện làm nơi thờ tự các chúa Trịnh (nay làng Trịnh Điện bên bờ sông Mã có diện tích đúng 200 mẫu, 1 mẫu Trung bộ = 5000m2).

* LỜI TẠM ĐÓNG

Khi còn ở Gia Định và mới chỉ có Gia Định (châu thổ sông Mê Kông) trước 1801-1802, Nguyễn Ánh – Gia Long đã vận dụng “cơ chế thị trường” và đã biến Sài Gòn miền Nam thành nơi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo ra toàn Đông Nam Á để đổi lấy các sản phẩm công nghiệp phương Tây, cố nhiên hàng nhập khẩu được ưu tiên hàng đầu là vũ khí để chống lại Tây Sơn. Tôi không muốn / không cần bình luận về ý đồ chủ quan của Nguyễn Ánh, nhưng Nam Bộ cho đến nay vẫn quen với “cơ chế thị trường” hơn miền Bắc. Có nhiều nguyên nhân lắm, song phải chăng cũng có vai trò của NGUYỄN ÁNH?

Tôi đã nhắc đi nhắc lại – làm rườm tai bạn đọc, nếu bài này được đọc và được in – rằng tôi, kẻ ngu hèn này, không phải là một nhà Sử học chính tông.

Vậy, theo ý F. Engels vĩ đại, ai không am hiểu lắm về một lĩnh vực khoa học nào đó mà cứ cố tình “nói chõ” vào thì có thể được lượng thứ về một số sai lầm không đến nỗi lớn lắm.

Tôi, từ lâu đã rất mê F. Engels, mượn và có thể là “lợi dụng” mấy lời nói của ông để tạm đóng bài viết có nhiều phần “dở hơi” này.

Hà Nội – Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh)

Mùa thu tháng Tám, 1996

Kính nộp,

GS Trần Quốc Vượng

(Đại học Quốc gia Hà Nội)

(1) Có nhà Việt Nam học ở Liên Xô (cũ) còn xem vai trò Gia Long như vai trò của Pi-e đại đế nước Nga xưa nữa kia. Thật là “quá đáng”, nhưng theo tôi, Quang Trung cũng không hề là nhà cải cách vĩ đại của Việt Nam.

(2) Bình Định Vương Lê Lợi.

(3) Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội

—–

Nguồn từ:

Lịch sử VN qua ảnh

FB. Đại Việt tàng thư

Ngày Mồng Năm

Mồng năm nhớ tết Quang Trung
(Bắc) Bình Vương Nguyễn Huệ anh hùng nước Nam
Ngày xuân trống giục lên đàng
Tiến quân ra Bắc diệt đàn giặc Thanh
Sử sách ghi đã rành rành
Mậu thân năm ấy tiến hành lên ngôi (1)
Ngai vàng chưa kịp yên ngồi
Mang quân vượt núi băng đồi lướt sông
Đường về phương bắc mênh mông
Hịch truyền tướng sĩ đồng lòng tiến quân 
Nghệ An quân sĩ tạm dừng
Lệnh ăn tết trước để mừng đón xuân
Tam Điệp mây trắng chập chùng
Giữa đêm trừ tịch xuất quân lên đường
Vua quan chiến sĩ can trường
Hẹn ngày mồng bảy phá tường Thăng Long
Lục Giang vây bủa thành vòng
Hải Dương nối tiếp tới vùng Lạng Giang
Quân Nam lớp lớp hàng hàng
Khiến cho lũ giặc hết đàng thoát thân
Hà Hồi giặc chết trăm phần
Ngọc Hồi tràn ngập xác quân giặc Tàu
Danh tướng một bọn cầm đầu
Hứa Thế Hanh đã đi chầu diêm vương
Quan to ở Điền Châu đường
Là Sâm Nghi Đống rõ phường Hán gian
Tự treo cổ, chưa kịp hàng
Tôn Sĩ Nghị biết lại càng hoảng kinh
Bèn cùng một lũ bại binh
Vượt qua sông Nhị rung rinh nhịp cầu
Cả bọn chúng đều lao đầu
Xuống dòng sông, nước đỏ ngầu máu Thanh
Đống Đa xác giặc biến thành
Gò cao gò thấp đã thành cỏ xanh
Mỗi ngày quân tiến càng nhanh
Cờ bay trống giục nhạc hành quân ca
Đó đây vang dậy tiếng loa
Báo tin quân sĩ vượt qua cửa thành
Tin chiến thắng đến thật nhanh
Quang Trung đại đế vào thành Thăng Long
Dân Nam đã lập chiến công
Ấy năm Kỷ Dậu ngày mồng năm ta
Quang Trung cứu cõi sơn hà
Đuổi quân xâm lược nước nhà bình yên…

Phong Châu                                                                                      

Mồng 5 tết Quý Mão (2023)

  • Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22 tháng 12 – 1788)

Phan Nữ Lan chuyển từ bạn

Mai anh đào Đà Lạt nở rộ đúng dịp Tết

Những ngày này, khắp các triền đồi ở Langbiang, huyện Lạc Dương (cách thành phố Đà Lạt chừng 15 km hay còn gọi Mộng đào nguyên) rừng mai anh đào bung hoa khoe sắc chào xuân.

Đây là khu vực được cho là đẹp nhất để ngắm mai anh đào mỗi dịp xuân đến. “Mai anh đào thưởng nở hồng rực, không có lá nên rất đẹp, khó lẫn với các loại hoa khác ở Đà Lạt”, anh Anh Tuấn, một nhiếp ảnh gia ở Đà Lạt, cho biết.

Một cây mai anh đào nở bên hồ ở vùng ven ngoại ô Đà Lạt. Theo người dân địa phương, ngoài các khu vực trồng tập trung thì có rất nhiều nơi, mai anh đào chỉ đứng một mình nhưng vẫn đẹp vì màu sắc rực rỡ.

Nhiều du khách thích thú đạp xe đi qua những con đường để ngắm sắc mai anh đào.

Mai anh đào có năm cánh, cây nở đẹp nhất khi không còn lá và mang màu hồng từ cành đến ngọn.

Một cô gái Đà Lạt tạo dáng chụp ảnh bên “rừng mai anh đào”. Cô cho biết, mỗi mùa mai anh đào đều được ông xã dẫn đi chụp để làm kỷ niệm với phố núi.

Con đường quốc lộ 20 từ Đà Lạt đi Dran hoa cũng bắt đầu nở hai bên đường. Để đến được con đường này, du khách có thể đi xe máy, xe buýt chừng 15 đến 20 phút từ trung tâm Đà Lạt.

Mai anh đào bên khung cửa sổ căn nhà gỗ ở thành phố Đà Lạt. Người dân Đà Lạt có vườn thường trồng thêm cây mai anh đào bên cạnh để mỗi khi năm mới đến có thêm sắc xuân.

Mai anh đào thường nở từ tháng 1 đến dịp cuối tháng 2 rồi tàn dần. “Tùy theo thời tiết mà mỗi năm mai anh đào nở rộ vào các dịp khác nhau, do năm nay mưa với lạnh nên hoa nở muộn, nhưng may mắn là đúng dịp Tết”, chị Nga, một người dân địa phương, nói.

Hiện nay ngoài khu vực rừng Langbiang thì các khu vực như Trại Mát, Xuân Thọ, khu hồ Tuyền Lâm, đồi chè Cầu Đất cũng nhiều hoa. Trong trung tâm dễ dàng bắt gặp mai anh đào ở đường Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo, Hoàng Diệu. Theo các tay săn ảnh, mùa mai anh đào năm nay sẽ có thể kéo dài đến 14/2.

Phước Tuấn
Ảnh: Phan Anh, Anh Tuấn, Khánh Hương

Nguồn: https://vnexpress.net/mai-anh-dao-da-lat-no-ro-dung-dip-tet-4562130.html

Phan Nữ Lan giới thiệu

THƠ: BIỂN XUÂN SÁNG MỒNG MỘT TẾT QUÍ MÃO

Huyền Tôn Nữ Huệ Tâm (VH-LVC)

Vài hình ảnh du xuân sáng mồng một tết Quí Mão,link:
https://www.youtube.com/watch?v=vaw6lL3scOA

                           Khai bút đầu xuân Quí Mão

Biển xuân mồng một tết Quí Mão đẹp như mơ

Nước trong xanh mơn man bàn chân nhỏ

Từng con sóng xô bờ êm nhẹ

Nắng xuân về xua giá rét đêm đông

Em dạo bước trên cát vàng thư thái

Có biết chăng biển đợi bao ngày

Đã qua rồi mùa lạnh giá sương giăng

Đón du khách về thăm biển rộng…

Vài giọt nắng lang thang trên cát

Vướng vít chân ai xao xuyến tâm hồn

Thuở yêu đương tuổi trẻ vấn vương

Con tim hòa nhịp bên nhau nghe sóng hát

Ngồi lặng yên ngắm trời xanh bát ngát

Đàn hải âu vỗ cánh ngập ngừng…

Khúc nhạc xuân tha thiết buổi bình minh

Ôi biển mộng cho lòng thêm ấm áp…

       Huyền Tôn Nữ Huệ-Tâm 

Mồng 1 tết Quí Mão (22/1/2023)

Hình: Biển xuân Đà Nẵng mồng một Tết Quí Mão. Xa xa là núi Sơn Trà.

——HẾT—–

Tản Mạn Ngày Tết

Năm nào cũng vậy, nơi mình ở. Cứ đến những ngày cận tết cho mãi đến sau tết, thời tiết lạnh giá vẫn chưa chịu ra đi khiến không khí xuân thiếu phần khởi sắc như trong những bài văn, bài thơ, bài hát qua những lời ca tụng mùa xuân nắng ấm chan hòa, hoa màu muôn sắc và người người đang hớn hở đón mừng xuân. Không biết có phải mình đã luống cái tuổi xuân từ lâu nên nhìn sự vật chung quanh có phần ảm đạm hay không? Chắc là vậy…

Mấy tuần nay đã thấy không khí tết diễn ra nhiều nơi trên màn ảnh truyển hình, trên youtube, trên facebook, trên radio và trên nhiều phương tiện truyền thông khác nữa. Nhiều nhất vẫn là hình ảnh trước tết tại Việt Nam từ thành thị cho đến thôn quê do những kênh truyền thông cá nhân ghi nhận. Tại hải ngoại, cảnh trưng bày, mua bán, sắm tết tại những thành phố có đông người Việt cũng không sao bằng với Việt Nam dù là với một thị trấn nhỏ miền quê.

Mình đã “ăn tết” tại Việt Nam từ thuở tấm bé cho đến lúc phải “cất bước ra đi…mang theo niềm nhớ” (hình như đây là lời của một bài hát… xin mượn). Lúc tị nạn ở nước Cờ Hoa, nếu tính luôn tết  “Quý Mão” này thì mình cũng đã xơi tái được 31 mùa xuân ở hải ngoại. Vậy tết ở Việt Nam thì sao? Tết ở hải ngoại thì sao? Khó mà nói cho hết! Thôi thì nhân ngày xuân về tết đến, xin kể câu chuyện mồng một tết lúc còn ở quê nhà, thời mà đi học phải kè kè bình mực xanh và cây bút lá tre cùng cây thước kẽ.

Mình được sinh ra trên mảnh đất Hoàng Triều Cương Thổ của triều nhà Nguyễn (nghe oai chưa!) vào cái thuở “đất rộng người lưa thưa”, sống dưới rừng thông gió hú bốn mùa và với cả cọp beo thường lảng vảng từ Cầu Quẹo lên tới Dankia – Suối Vàng – Suối Bạc…Miệt dưới thì mấy bác “30” cũng thường ghé thăm khu vực thác Cam Ly để nghe tiếng thác reo ì ầm quanh năm khiến mấy em con nít như mình nghe các cụ già như ông bà ngoại, các cụ trẻ như bố mẹ mình kể… mà rợn cả tóc mai (không rợn tóc gáy). Về phía nam chút nữa như thác Prenn, Gougah, Ponggour thì khỏi phải nói, còn rừng rú hoang vu nguyên thủy. Tóm lại đó là hình ảnh Đalat của thập niên “40” vào thế kỷ hai chục. Qua đến thập niên “50” trở đi thì dân Dalat mới từ từ đẩy mấy chú cọp bác beo vô tuốt trong bưng. Rồi dân số Đà Thành gia tăng sau cuộc di cư của người miền Bắc vô Nam để trốn các đồng chí đồng rận búa liềm. Đà Lạt lại có các khu định cư mới, ở miệt Bắc có các ấp Thánh Mẫu, Kim Thạch, còn ở miệt Nam thì có ấp Nam Thiên, Du Sinh…Xa chút nữa có Tùng Nghĩa – Phi Nôm nằm trên quốc lộ 20 chạy đi về hướng Sài Gòn hoa lệ…

Hồi còn bé tí tẹo mình cũng như bao thằng nhóc tì khác, thấy gần đến tết là vui trong cái bụng lắm (nói theo tiếng của người K’ho…cái bụng…) vì: Thứ nhất là được nghỉ học đến cả hai tuần, khỏi phải học bài làm bài gì cả. Thứ hai được dự trại tất niên do trường tổ chức (thời trung học) vui lắm với những màn thi đua văn nghệ, thể thao, bích báo và được ngủ lều dưới cái lạnh “teo gân” của Đà Lạt…Hồi đó các nhóc tì Đà Lạt ưa nói lạnh “teo gân” để chỉ cái lạnh rừng rú hoang dã. Thứ ba là được ông bà bu mua cho bộ quần áo và một đôi sandal mới cáu cạnh để diện ba ngày tết. Thứ tư là mấy ngày tết được ăn thức ăn ngon và nhiều. Thứ năm là được lì xì vào sáng mồng một. Còn nhiều cái vui linh tinh khác nữa xin giấu bớt.


Nếu kể “vòng vo” chắc là tốn giấy hao mực (xin lỗi, sợ mệt hai ngón tay) nên chỉ xin kể câu chuyện của ngày mồng một tết mà thôi. Số là mình có một người bác dâu (vợ của bác ruột) ở đường Phan Đình Phùng, gần ngả ba chùa Linh Sơn rất thương mình vì bác không có con trai – chỉ có sáu trự con gái – thích cái tính lanh lợi vui vẻ của mình nên bác thường nhắc nhở mỗi khi gần tết “sáng mồng một mi ghé nhà bác để xông đất nghen”. Mình tuân lệnh răm rắp không dám ý kiến ý cò chi cả. Hơn nữa mình cũng thấy có lợi (được tiền lì xì) nên trong suốt thời gian dài, cả chục năm trời ròng rã, cứ sáng mồng một là mình đạp xe đạp mất ba cây số để đến “xông đất” nhà bác.

Khi bước chân vô nhà là phải vòng tay cúi đầu chào hai bác, sau đó chào mấy bà chị kèm theo nụ cười trên môi và mặt phải lộ vẻ vui mừng, không được nhăn nhăn nhó nhó và nói năng lắm lúc “vô trật tự” như những ngày thường. Bác khen ngoan rồi móc túi dí vào tay một phong bì màu đỏ chói. Mình cám ơn và nhét ngay vô túi quần. Có vài bà chị cũng tặng bao lì xì. Sau đó bác bảo mấy bà chị dọn thức ăn ra bàn và bảo mình ngồi ăn, có bánh tét, có dưa món, có thịt đông, thịt luộc, chả, xôi, chè chuối…ôi thôi đủ thứ. Ăn xong thấy một bà chị mở radio hiệu Philips cho nghe tin tức ngày xuân trong đó có lời chúc tết của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, tiếp theo là một lô các bài hát xuân như bài Xuân Và Tuổi Trẻ, Cánh Bướm Vờn Xuân…của thập niên 50 (thế kỷ trước), rồi những Đón Xuân, Xuân Đã Về, Hoa Xuân, Ly Rượu Mừng, Cánh Thiệp Đầu Xuân, Anh Cho Em Mùa Xuân…đặc biệt là những bài hát nói về mùa xuân của lính như bài Đồn Vắng Chiều Xuân, Xuân Đầu Tiên, Phiên Gác Đêm Xuân của thập niên 60. Bài Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là bài hát được ưa chuộng nhất được nghe mỗi dịp xuân về. Bài này sau tháng tư bảy lăm mấy anh giải phóng cho đi ngồi tù đằng đẵng suốt 43 năm, đến năm 2018 mới ký giấy cho tháo xích xiềng để thả ra để cho trăm triệu dân “từ bắc xuống nam” cùng nghe. Không hiểu mấy ảnh có biết rằng trong 43 năm đó, dân Việt đã nghe Ly Rượu Mừng mỗi lần xuân về khắp hang cùng ngõ cụt hay không?…Có khi mấy ảnh cũng hân hoan “ngày xuân nâng chén” không chừng…

Khoảng 8 giờ, bác sắm sửa y phục chỉnh tề bước ra và ra lệnh cho mình và hai bà chị cỡ bằng tuổi mình xuất hành đi theo bác. Mấy bà chị cũng mặc áo dài có điểm bông hoa tươm tất, người nào cũng có cái ví cầm tay nho nhỏ. Mình không biết bác có coi hướng để xuất hành sáng mồng một hay không nhưng năm nào cũng vậy, một đồng nam và một hai đồng nữ theo chân bác đi về hướng hướng bắc. Ban đầu cứ tưởng bác dắt lên Núi Bà xin xăm, ai dè đến ngả ba Mả Thánh bác bèn quẹo vô con đường đất đi tuốt vào trung tâm mồ mả của cư dân Đà Lạt. Thì ra bác đi thăm mộ phần của những người thân trong gia đình. Lên đến Mả Thánh mới thấy cảnh bà con đi thăm mộ phần đông ơi là đông…sau này mình nghiệm ra đây là một trong những tập tục của đa số người Đà Lạt lúc bấy giờ. Nhìn cảnh thiên hạ đi viếng mộ mồng một tết mình nhớ đến hai câu thơ của thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiểu tả cảnh chị em Thúy Kiều đi tảo mộ “trong tiết tháng ba”:                                                                                        …Ngổn ngang gò đống kéo lên                                                              Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay…

Bác dắt mấy chị em đi thăm và thắp nhang trên từng ngôi mộ. Mộ nằm rải rác đó đây chứ không cùng một chỗ, thế mà bác nhớ mộ ông, mộ bà, mộ anh em, con cháu nằm ở đâu, bác nhắm hướng đi đến là trúng phóc. Hai ba đứa trẻ theo chân bác sau chừng nửa giờ đã đổ cả mồ hôi thấm ra áo. Gần 10 giờ bác đưa xuống núi. Nghe ông bà bu mình kể rằng Mả Thánh trước là quả đồi cao thuộc sở hữu của Hoàng Triều Cương Thổ, vào năm 1936 cụ Võ Đình Dung bỏ tiền ra mua để cho dân Đà Lạt có nơi chôn cất. Thật là công đức vô lượng…Giờ thì mấy bác giải phóng đã san bằng từ lâu, không biết có xây cất gì chưa?

Trên đường về bác lại đưa đến chùa lễ Phật đầu xuân ở chùa Linh Sơn, gần nhà bác. Nơi đây cũng tấp nập Phật tử di lễ đầu xuân trong những bộ áo quần còn vương mùi vải mới đủ màu sắc, các bà các cô toàn mặc áo dài vì thưở đó phụ nữ Đà Lạt chưa mặc trang phục Tây phương. Nhớ trước chùa có hai cây hoàng lan cao cả chục thước tỏa hương thơm ngát. Vô chánh điện lạy Phật ba cái rồi rút lui, còn bác thì bỏ tiền vào thùng “phước sương”. Trước sân chùa tập nập người đi qua đi lại, kẻ vào chánh điện, người vô phòng khách và có người ra sau nhà bếp, chắc là để kiếm món ăn chay.

Rời khỏi chùa, tưởng rằng được về nhà nhưng không, bác đi tiếp trong khi “cái bụng” của mình thấy nao nao đói. Thôi thì bấm bụng để đi theo bác chứ chẳng dám nói năng chi hết. Ngặt một nỗi là mình mang một đôi sandal mới nên giày cọ vào da chân thấy đau và nhìn xuống thấy gót chân có chỗ bị trầy rướm máu! Thằng bé lại tiếp tục đi cà nhắc theo chân bác không một lời than tiếng thở. Không biết mấy bà chị có rơi vào tình trạng “đớn đau” gót chân như mình hay không nhưng mình đoán chừng các chị cũng có vấn đề nơi hai bàn chân vì mấy đôi giày mới…

Tiếp tục cuộc hành trình sáng mồng một là theo bác đi thăm người thân. Trước tiên bác đưa đi thăm người em của bác ở cây số bốn, từ Mả Thánh qua đây rất gần nhưng bác đã dẫn đi ngược về chùa Linh Sơn rồi mới quay lại hướng Mả Thánh để đến số bốn thăm người em. Điều mình thích ở Đà Lạt là dù đang đi ngoài trời nóng nực chảy mồ hôi nhưng khi bước chân vào nhà là thấy mát mẻ khiến người nhẹ nhõm ra ngay. Vào đến nhà ông cậu, sau các thủ tục cúi đầu vòng tay, mình được cho uống nước cam hiệu Birley’s rồi ăn mứt mứt dừa, mứt gừng và rỉ rả bốc vài hạt dưa cho vào miệng cắn bóc vỏ để ăn, lắm khi cắn hạt dưa nát cả vỏ cũng nhai và nuốt luôn cho tiện… Bác và cậu nói chuyện và chúc tết lẫn nhau và trước khi bước ra cửa, ông cậu lì xì mỗi đứa một chiếc phong vì đo đỏ, mình cúi đầu cám ơn và cho phong bì vào túi ngay. Hai bà chị thì mở ví cho phong bì vào.

Ra đường gặp lại cái nắng xuân râm ran dễ chịu, chắc là vừa mới trong nhà bước ra. Trong bụng thầm nghĩ chắc là bác đi về nhà sau hơn ba tiếng đồng hồ. Nhưng không! Bác không quay về đường Phan Đình Phùng mà bác đưa đồng nam đồng nữ đi theo đường Hai Bà Trưng đi đến tận cầu Bá Hộ Chúc, leo dốc Bà Triệu để đến đường Trần Hưng Đạo. Lâu lâu mình phải dừng lại để nhìn xuống hai gót chân xem nó trầy trụa đến đâu rồi. Trong bụng không muốn đi theo bác nữa nhưng không biết làm cách nào. Thật là “tiến thoái lưỡng nan”. Cuối cùng thì cũng phải tiến theo bác mà thôi!.. Đi đến nhà thờ Con Gà bác quẹo vô đường Nhà Chung, khoảng nửa đường thì bước xuống một con dốc đất gồ ghề để đến nhà một người bác của mình nằm thỏm trong ấp Xuân An. Ông bác này là một nhà nho, mặc áo dài vải the thâm màu đen, rất nghiêm nghị. Mình và hai bà chị ngồi im re cắn hạt dưa để nghe hai bác trò chuyện chúc tết lẫn nhau để cuối cùng đám nhóc cũng có bao lì xì dằn túi.

Rời khỏi nhà ông bác mình mừng muốn chết và trong “cái bụng” thầm mong cho bác đừng ghé đến nhà ai nữa. Ra đến đường Trần Hưng Đạo, ngang qua nhà thờ Con Gà vẫn thấy rất đông những người đi lễ nhà thờ, không kém gì cảnh đông đúc ở sân chùa Linh Sơn. Bác đi xuống dốc Lê Đại Hành trước mặt nhà thờ rồi vòng qua Cầu Ông Đạo, lên đến phố Hòa Bình, theo đường Hàm Nghi xuống dốc chùa Linh Sơn rồi queo phải về nhà. Lúc đến Cầu Ông Đạo mình thấy vô số tài tử giai nhân dập dìu du xuân quanh hồ với những tà áo dài xanh đỏ phất phới bay trong gió xuân, lên đến khu Hòa Bình thì thấy đám múa lân rộn rã tiếng trống và những tràng pháo nổ vang ở các góc phố.                                                                             

Vô nhà nhìn đồng hồ trên tường thấy kim chỉ hơn hai giờ. Thế là hơn sáu tiếng đồng hồ, bác đưa hai nhóc gái và một nhóc trai chạy bố show: Mả Thánh, Chùa Linh Sớn, ấp Số Bốn và ấp Xuân An. Bác mình đã mất từ lâu, nếu bác còn sống mà đọc được những điều mình viết như vầy thì thế nào cũng ăn vài cái cốc nhẹ lên đầu.

Tính ra tiền lì xì mình nhận được cũng đủ tiêu xài trong ba ngày tết. Nay nhớ lại có lẽ mình cũng có cả chục năm theo bác “du xuân” trong ngày mồng một của những ngày thuộc thập niên 50 – 60. Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…

Phong Châu                                                                                        

Cuối năm Nhâm Dần

Phan Nữ Lan chuyển

VÒNG NGUYỆT QUẾ CHO …….“PHỐ NÚI CAO”.

Hai Dangngoc đã chia sẻ một bài viết.

Về một bài hát yêu thích đã có tác động nhất định trong chọn lựa lên làm thầy giáo phố núi của tôi năm 1974.

Đặng Ngọc Thanh Hải (AV-HTK)

…………..

Thi sĩ Vũ Hữu Định làm bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ” vào năm 1970 khi bị đày lên Pleiku để làm Lao công đào binh.

Bài thơ sau đó được nhạc sĩ Phạm Duy – “ông vua” phổ nhạc của Việt Nam đã lấy nguyên bài thơ làm ca từ không bỏ hoặc thêm bớt một từ nào cả.

Bản nhạc nhanh chóng được công chúng đón nhận:

phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên

Vũ Hữu Định đã tiết lộ với bạn bè là “em” trong bài thơ này chỉ là nhân vật mà anh đã… nhặt được trong tưởng tượng trong giây phút linh hiển nhất của mình là khi làm thơ.

Khi Phạm Duy “chắp cánh” cho bài thơ bằng một bài hát bất tử, cả nhà thơ và nhạc sĩ đã đội vòng nguyệt quế cho Pleiku, một miền cao nguyên trung phần quanh năm sương phủ núi đồi, một vùng thủ phủ của quân khu 2 nên lính đóng quân nhiều hơn thường dân ở.

Nếu không có bài thơ này thì ít ai biết đến một thành phố xa xôi “quanh năm mùa đông” và những người yêu thơ không thuộc nằm lòng câu:

May mà có em đời còn dễ thương.

Bài thơ gắn liền với tên tuổi của Vũ Hữu Định, nhắc đến tác giả là người ta nhớ Còn Chút Gì Để Nhớ và ngược lại.

Thi sĩ Kim Tuấn là lính đóng quân gắn bó nhiều năm ở Pleiku, từng làm nhiều bài thơ cho phố núi sương mù này đã thốt lên về Vũ Hữu Định:

“Mình từng ăn dầm ở dề ở đây mà chẳng làm được tích sự gì, vậy mà bỗng dưng một gã giang hồ từ đâu đó ghé chơi đã làm bài thơ nổi đình nổi đám cho Pleiku!”

Như vậy mới biết là một địa danh nào đó để cho nhiều người biết đến phải nhờ đến âm nhạc và thi ca.

Những cung bậc tài hoa của nghệ thuật đã gây cảm xúc và lưu lại “chút gì để nhớ” để thôi thúc độc giả một ngày nào đó sẽ làm du khách được ghé thăm.

Bài thơ được đăng trong báo Khởi Hành năm 1970, được lọt vào mắt của Phạm Duy, và nhạc sĩ đã tìm lên đến Pleiku để gặp Vũ Hữu Định, người lính đào ngũ hai năm rồi bị bắt đày lên cao nguyên để phục dịch chiến trường.

Trong một buổi chiều họp mặt nhiều văn nghệ sĩ của Pleiku, trong đó có tác giả của “Còn Chút Gì Để Nhớ” – Vũ Hữu Định.

Anh mặc cái áo màu xám khắc sau lưng bốn chữ LCĐB (Lao công đào binh).

Trong giới văn nghệ, người ta quí trọng tài năng của nhau chứ không phân biệt người đương thời quan cách và kẻ làm tội nhân.

Phạm Duy đã rút giấy bút ra từ túi áo và kẻ rất nhanh những dòng nhạc, rồi hát thử cho mọi người nghe bài Còn Chút Gì Để Nhớ và sau đó bài hát đã nổi tiếng ngay sau khi phát hành.

Thi sĩ Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung (1942- 1981) sinh tại Thừa Thiên.

Đã từng sống nhiều nơi ở Cao nguyên và Đà Nẵng, anh sống nghèo túng trong khoảng đời ngắn ngủi của mình, có tật mê rượu và thường giang hồ lang bạt đi đây đi đó.

Anh đã có nhiều thơ đang rải rác ở các báo với nhiều bút hiệu khác nhau và cuối cùng tên Vũ Hữu Định mới được nhiều người biết đến sau khi bản nhạc Còn Chút Gì Để Nhớ ra đời.

“Giang hồ đâu cần ai phong ấn”

Chỉ trong chuỗi ngày giang hồ của mình, Vũ Hữu Định để lại cho đời một bài thơ làm nhiều người biết và để ý đến phố núi Pleiku.

Tác phẩm đôi khi do ghi lại tình tiết của đời tư của nghệ sĩ, và nghệ phẩm không phải xuất xứ từ salon, từ chăn êm nệm ấm, mà từ nỗi đày ải nhân gian mà tác giả đã trải qua.

Tôi đã có một đôi lần ghé lại Pleiku, từ con dốc cao đổ vào trung tâm, đã thấy “quanh năm mùa đông” ở trên từng màn sương ướt màu thông xứ sở cao nguyên.

Không thể không nhớ đến một gã giang hồ làm thơ Vũ Hữu Định tài hoa bạc mệnh đã từ giã cuộc chơi trần thế vào năm 39 tuổi.

Tôi đi trong hoài tưởng về một Pleiku ngày ấy đã được Vũ Hữu Định khoác lên cho chiếc áo thi ca, đi loanh quanh hết mấy con đường không còn mù bụi đỏ như xưa để có đúng là “đi dăm phút đã về chốn cũ” không?

“Xin cảm ơn một mái tóc mềm” nào đó của Vũ Hữu Định đã cho chúng ta những hình dung về một phố núi cao nguyên Pleiku ngoài đời và một miền sương mù bất tận trong thơ. Một mái tóc mềm dẫu không có thật ở ngoài đời cũng kệ, cũng đủ làm cho May Mà Có Em Đời Còn Dễ Thương.

Sinh thời Vũ Hữu Định không có thi phẩm nào được xuất bản. Phải tới năm 1996, thi phẩm Còn Một Chút Gì Để Nhớ của anh, gồm 45 bài, mới được ấn hành, do sự đóng góp (công và của) của bằng hữu, nhất là của Trần Từ Duy.

Một đêm thơ Vũ Hữu Định được tổ chức tại Phú Nhuận để ra mắt thi phẩm, qui tụ rất đông bạn hữu và người hâm mộ, và nhờ đó bà Kim Vân, vợ nhà thơ, đã tu sửa được cho chồng một nấm mồ khang trang tại nghĩa địa Gò Cà, Đà Nẵng. Bà là nhân vật trong bài thơ

Cảm Ân Người Vợ Khổ của Vũ Hữu Định:

Lần nào em sinh nở
Anh cũng trên đường xa
Lần này em sinh nở
Anh cũng không có nhà.

Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh tại Thừa Thiên, 1942,

mất 16 tháng 1 Tân Dậu (1981) bên bờ Sông Hàn, Đà Nẵng.

St.

Pleiku thập niên 1960.

Nguồn: FB. Trần Kim NgaiCỰU HỌC SINH TRUNG HỌC BUÔN MA THUỘT

Tin buồn – Ngày 22/1/2023

Vô cùng thương tiếc báo tin:

Thân Mẫu bạn Đinh Văn Dũng (T-HTK) là Cụ Bà Phạm Thị Bích Thược vừa tạ thế sáng hôm nay 22/1/2023, hưởng Thượng Thượng Thọ 96 tuổi.

Tang lễ tổ chức tại tư gia: 99 Đào Duy Anh, phường Thuận Lộc, TP. Huế.

Thân hữu Cựu SV ĐHSP Huế hai khoá LVC-HTK thành thật chia buồn cùng bạn Đinh Văn Dũng và gia đình.

Cầu nguyện Hương Linh Cụ Bà Sớm Vãng Sanh về Cõi Phật

BLL Cựu SV ĐHSP Huế 2 khoá LVC-HTK

***

Nhóm thân hữu cựu SV ĐHSP Huế 2 khoá LVC-HTK tại Huế sẽ viếng tang vào sáng 25/1/2023 (Mồng 4 Tết Quý Mão). Tập trung cạnh nhà số 99 Đào Duy Anh (đường HTK nối dài đoạn gần đến Bao Vinh), lúc 8h00. Mời các bạn cùng tham dự.