Câu chuyện cảm động: Bông hồng đêm Giáng Sinh


Thứ Ba, 25/12/2018
Tuyết đang rơi. Bobby đang ngồi ở khoảng sân sau nhà, nó thấy lạnh hơn. Bobby không mang giày ống cao. Nó không thích, mà nó cũng chẳng có đôi nào. Chiếc áo khoác mỏng tang không đủ giữ ấm cho Bobby. Nó lạnh lắm.

Tuyết vẫn không ngừng rơi. Hơn một giờ trôi qua, nó nghĩ mãi chưa ra món quà Giáng sinh tặng mẹ. “Ôi, thật là chán. Giờ đây nếu có nghĩ ra mua gì thì mình cũng đâu có tiền mà mua”. Nó lắc đầu, mặt buồn rười rượi.

Đã 3 năm kể từ khi bố nó qua đời. Ba năm qua, cả nhà năm miệng ăn vật lộn từng ngày với cuộc sống. Không phải vì mẹ nó không quan tâm, mà chỉ vì không biết bao nhiêu mới đủ. Mẹ làm cả ca đêm ở bệnh viện, nhưng đồng lương nhỏ bé cũng chỉ đủ chống chọi qua ngày.

Càng thiếu tiền và những thứ khác, cả nhà càng thương yêu và bảo bọc nhau hơn. Cùng với anh chị và một đứa em, Bobby đảm trách mọi việc nhà khi mẹ vắng. Ba chị em gái của nó đã chuẩn bị những món quà Giáng sinh rất dễ thương cho mẹ rồi. Còn Bobby thì vẫn tay trắng, dù bây giờ đã là đêm Giáng sinh.

Lau vội dòng nước mắt, nó đá chân vào tuyết và đi xuống phố, nơi các cửa hiệu đang lấp lánh ánh đèn màu và nhộn nhịp tiếng nhạc Giáng sinh. Một đứa bé 6 tuổi mồ côi cha, sao giờ đây nó thấy rất cần một người đàn ông để chuyện trò. Nhưng sao khó quá!

(Photo by MEAX PROD on Unsplash)


Bobby đi dọc theo các cửa hiệu, nhìn đăm đắm vào những tủ kính được trang trí thật lộng lẫy. Mọi thứ sao mà đẹp đến thế, mà cũng xa tầm tay nó đến thế! Trời tối dần. Bobby đành phải quay về nhà. Bỗng mắt nó bắt gặp một tia sáng nhỏ từ phía chân tường. Nó cúi xuống và phát hiện ra đó là một đồng tiền sáng chói.

Giây phút đó, Bobby như thấy mình là kẻ giàu có hạnh phúc nhất thế gian. Một làn hơi ấm chạy dọc cơ thể. Nó chạy nhanh về phía cửa hiệu đầu tiên nó nhìn thấy. Nhưng rồi lòng phấn khích bỗng tan thành mây khói khi người chủ hiệu bảo rằng nó sẽ chẳng mua được thứ gì với đồng tiền này.

Nó trông thấy một hàng hoa và quyết định bước vào trong chờ tới lượt mình.

“Gì vậy cháu?”, người bán hoa hỏi.

Bobby chìa đồng xu ra và nói rằng liệu nó có thể mua một bông hoa làm quà Giáng sinh cho mẹ không.

Người bán hoa nhìn vào đồng 10 xu. Đặt tay lên vai thằng bé, ông trả lời: “Hãy đợi ở đây. Để chú xem chú có thể giúp cháu được gì nhé!”.

Đứng đợi, Bobby nhìn những bông hoa đầy màu sắc xung quanh. Dù là một cậu bé nhưng nó có thể tưởng tượng được rằng mẹ và các chị em gái nó yêu những bông hoa như thế nào.

Tiếng cánh cửa đóng lại của người khách cuối cùng đưa Bobby trở về với hiện tại. Chỉ còn một mình trong cửa hiệu, nó cảm thấy cô đơn và hơi chút lo sợ.

Bỗng người bán hoa xuất hiện, đi tới quầy. Ông lấy lên 12 bông hồng đỏ thắm, với những cành lá xanh điểm xuyến những chấm hoa trắng li ti, được bó lại với một chiếc nơ bạc thật xinh. Tim Bobby như lặng đi khi người chủ hiệu đặt bó hoa vào một chiếc hộp màu trắng trong.

“Đây, của cháu đây. Tất cả là 10 xu”. Ông nói rồi chìa tay ra. Bobby đưa đồng xu một cách rụt rè. Ôi, không biết mình có nằm mơ không đây? Ai lại bán cả một bó hoa tuyệt đẹp thế kia với chỉ 10 xu cơ chứ! Dường như cảm nhận được vẻ lưỡng lự của thằng bé, người chủ hàng hoa nói: “Chú đang bán giảm giá mười hai bông 10 xu, cháu có thích chúng không nào?”.

Nghe vậy, Bobby không còn ngần ngại nữa. Khi chạm tay vào chiếc hộp dài xinh xắn, nó mới tin rằng đó là sự thật. Bước ra khỏi hàng hoa, nó còn nghe giọng người bán hoa gọi với theo: “Giáng sinh vui vẻ nhé, con trai!”.

(Ảnh minh họa/shutterstock.com)


Người bán hoa quay vào, cùng lúc vợ ông đi ra. “Chuyện gì vậy anh?”

Nhìn ra ngoài cửa sổ, cố ngăn dòng nước mắt, ông nói: “Một điều kỳ lạ vừa mới xảy ra sáng nay. Em biết không, trong lúc anh sửa soạn mở hàng, anh nghe một giọng nói bảo rằng hãy dành ra một tá hoa hồng để làm một món quà đặc biệt. Rồi mải mê với công việc anh cũng không nhớ tới nó lắm; nhưng vừa rồi không biết sao anh lại để 12 bông hoa sang một bên. Chỉ một vài phút sau, một thằng bé bước vào và hỏi mua một bông hoa tặng mẹ chỉ với một đồng 10 xu”. Anh bỗng nhớ lại…

“Đã lâu lắm, khi ấy anh là một cậu bé rất nghèo, không có lấy một đồng mua quà Giáng sinh cho mẹ. Đêm Giáng sinh năm ấy, khi đang lang thang một mình trên đường, anh gặp một người đàn ông xa lạ. Ông ấy ngỏ lời cho anh 10 đô la. Đêm nay, khi gặp thằng bé, anh đã biết giọng nói ban sáng là của ai. Và anh đã để lại 12 bông hoa đẹp nhất.”

Hai vợ chồng ôm nhau thật lâu. Rồi họ bước ra khỏi nhà trong cái giá rét đêm Giáng sinh. Trời lạnh lắm, nhưng trong lòng họ ấm áp hơn bao giờ hết!

(Sưu tầm)

Nguồn: https://trithucvn.co/doi-song/cau-chuyen-cam-dong-bong-hong-dem-giang-sinh.html

Phan Nữ Lan và HTN Huệ Tâm chuyển

ĐÂU CẦN PHẢI NÓI “I LOVE YOU”…

Thú vị bất ngờ

(nguồn kieumauhue)

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược Khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa của thành phố NewYork để trở về nhà. Tất cả các anh chị em của cô đều hẹn là sẽ về nhà đúng 7 giờ để đoàn tụ trong buổi cơm chiều thân mật cùng cha mẹ theo truyền thống của gia đình họ. Bỗng Wendy để ý đến một cặp nam nữ đang đứng cách cô vài bước, họ đang ra dấu bằng tay để giao lưu với nhau. Wendy hiểu được thuật ngữ ra dấu bằng tay vì trong những năm đầu đại học cô đã tình nguyện làm việc trong trường tiểu học dành cho người khuyết tật nên cô đã học được cách ra dấu tay để trò truyện với những người câm điếc.

Vốn tính chịu khó học hỏi, Wendy đã khá thông thạo thuật ngữ này. Nhìn vào cách ra dấu của hai người khuyết tật ở trạm xe, Wendy đã “nghe lóm” được câu chuyện của hai người. Thì ra, cô gái câm hỏi thăm đường đến một nơi nào đó, nhưng chàng thanh niên câm thì “trả lời” là anh không biết nơi chốn đó. Wendy rất thông thạo đường xá trong khu vực này nên cô mạnh dạn đứng ra chỉ dẫn cho cô gái. Dĩ nhiên cả ba đều dùng cách ra dấu bằng tay để “nói” trong câu chuyện của họ. Khi xe lửa đến trạm thì Wendy và hai người bạn mới quen đã kịp thời trao đổi địa chỉ email cho nhau.

Những ngày sau đó, ba người tiếp tục trò chuyện dùng tin nhắn của điện thoại di động rồi dần dà họ trở thành bạn thần giao cách cảm với nhau. Chàng trai kia tên là Jack và cô gái tên là Debbie. Jack cho biết anh đang làm việc cho một hãng xuất nhập khẩu và ở cách nhà Wendy không xa . Từ những tin nhắn điện thoại, email thăm hỏi xã giao lúc đầu, cả hai dần dần tiến đến chổ trở thành bạn thân lúc nào không hay. Đôi khi Jack đến trường đón và mời cô đi ăn. Cả hai thích khung cảnh êm đềm trong công viên nên thường yên lặng đi bên nhau trong những giờ phút nghỉ ngơi. Tuy phải ra dấu để trò chuyện nhưng Wendy không cảm thấy bất tiện mà cô lại có dịp trau dồi “thủ thuật” để nghệ thuật ra dấu của cô càng lúc càng tinh xảo hơn. Đến mùa thu năm đó thì hai người đã thân thiết như một cặp tình nhân. Wendy đã quên hẳn Jack là một người khuyết tật, cho nên lần đầu tiên khi Jack ra dấu “I Love You” thì Wendy đã nhẹ nhàng ngả đầu vào vai anh.

Sau những giờ học, thỉnh thoảng Wendy cũng vào chatroom đấu láo với bạn bè, mỗi khi Wendy đặt câu hỏi “Bạn có thể có tình yêu với một người câm điếc hay không?” thì hình như không có bạn bè nào của cô có được câu trả lời dứt khoát. Điều này đã khiến cho Wendy bị dày vò không ít.

Vào dịp lễ Tạ ơn năm đó, Jack tặng cho Wendy một bó hoa hồng kèm theo câu ra dấu: “Wendy có chịu làm bạn gái của mình không?” Wendy vừa vui mừng vừa kinh ngạc nhưng sau đó là những sự mâu thuẫn khổ sở trong nội tâm. Wendy biết rõ là cô sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người thân. Quả nhiên cha mẹ cô khi biết rõ sự việc đã dùng đủ mọi phương thức để mong lôi kéo đứa con gái “lầm đường lạc lối” trở về. Thôi thì hết chú bác, cô dì, lại đến các anh chị em, bạn học, được cha mẹ có vận động tới để làm thuyết khách. Đứng trước áp lực này, Wendy chỉ có thể phân trần với gia đình về nhân cách cao cả của Jack, cô còn cho mọi người biết là thái độ lạc quan, đầu óc thực tế, tích cực của anh đã khiến cô cảm thấy gần gũi hơn những bạn trai mà cô đã từng quen biết trước đây.

Gia đình sau khi nghe giải bày đã không còn quá khắc khe phê bình, mọi người dự định là sẽ gặp mặt Jack trước rồi mới có thể đánh giá cuộc tình của hai người. Cả nhà đồng ý là sẽ gặp mặt Jack vào trưa ngày 25 tháng 12 sau khi mọi người đã hưởng được một đêm Giáng sinh bình yên cho tâm tư lắng đọng. Wendy đã có quyết định trong đầu, nếu như cha mẹ, anh chị của cô có những cử chỉ, hành động khinh miệt Jack thì cô và Jack sẽ đi đến nhà thờ để nhờ sự gia ơn và chúc lành của Thiên chúa. Trên đường dẫn Jack đến nhà, tâm trạng hồi hộp của của Wendy đã không thoát khỏi cặp mắt quan sát của Jack, anh mỉm cười ra dấu cho cô:

– Wendy yên tâm, bảo đảm với em là cha mẹ em sẽ hài lòng. Anh cho họ biết là anh sẽ thương yêu em, chăm sóc em suốt đời.

Đó là lần đầu tiên trong đời cô sinh viên trường dược rơi những giọt lệ cảm động.

Vừa vào đến nhà, Wendy nắm tay Jack đi đến trước mặt cha mẹ, cô nói:

– Thưa ba má, đây là Jack, bạn trai mà con thường nhắc đến.

Câu nói của cô vừa thốt ra thì tất cả những hộp kẹo bánh, hoa tươi trên tay Jack tức thời lộp độp rơi xuống đất, anh nhào tới ôm lấy cô vào vòng tay khỏe mạnh của anh. Một điều mà Wendy không thể ngờ được là cô bổng nghe một giọng nói thảng thốt phát ra từ miệng của Jack:

– Trời đất, em biết nói à?

Đó cũng chính là câu mà Wendy muốn hỏi Jack.

Mọi người ngoại cuộc đều ngẩn ngơ ngạc nhiên trong khi hai người trong cuộc thì ôm nhau cười, nói, la, hét, nhảy nhót như điên dại. Thì ra Jack cứ ngỡ Wendy là một cô gái câm thế mà anh vẫn sinh lòng quyến luyến mà còn muốn tiếp tục đi đến hôn nhân. Wendy cũng tự hào có quyết định sáng suốt vì đã chọn được người tình trong mộng tuyệt vời nhất thế gian.

Từ FB. Đào Nguyên

MÁNG CỎ CỦA CU TÝ

Mời các bạn đọc thêm một truyện ngắn nữa của nhà văn Duyên Anh, trích từ tập truyện “ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG”, Bạn Ngọc xuất bản, Saigon, 1973.

Vĩnh Bá (AV-LSPT)

––––––––––––––

MÁNG CỎ CỦA CU TÝ

Duyên Anh

Cu Tý học trường Lasan Taberd từ lớp hai. Và ngay từ lớp hai, cu Tý đã được các sư huynh dạy giáo lý. Tâm hồn tuổi thơ là tâm hồn thánh. Tâm hồn ấy học những lời thánh thiện thì nhớ mãi và chỉ muốn làm những điều Chúa khuyên răn. Bố cu Tý không theo tôn giáo nào. Ông tự cho mình sung sướng và thích nói: “Hồn lưu lạc thờ chưa riêng một Chúa”. Nhưng ông đã không thích cu Tý để hồn nó lưu lạc. Trẻ con cần thiết có niềm tin. Chúa bảo mọi người là anh em, mọi người phải thương yêu nhau, mọi người làm việc lành, tránh điều dữ. Cu Tý tuân lời Chúa và rất buồn bã nếu bố cu Tý cứ đi đánh bài. Cu Tý nghĩ rằng bố thua thì mẹ khổ, bố thắng thì mẹ những đứa trẻ khác khổ. Gây khổ cho người ta là phạm tội. Hễ ai phạm tội, chết sẽ bị xuống địa ngục. Cu Tý tưởng tượng ra một địa ngục toàn lũ quỷ độc ác sẽ đánh đập bố. Đôi bận bố vui vẻ, cu Tý hỏi bố những câu hát liên hệ tới Chúa, bố trả lời tử tế, cu Tý quả quyết bố sẽ lên thiên đường.

– Bố ơi, tại sao Chúa thiên tòa lại giáng sinh thấp hèn?

– Vì Chúa sinh ra đời ở máng lừa. Chúa không được đặt trên một chiếc nôi êm ái. Chúa không được bú sữa Guigoz. Bấy giờ nhằm mùa đông, trời đầy tuyết. Con biết tuyết chưa? Giống lớp bông mỏng trong ngăn đá tủ lạnh và lạnh như đá.

– Ai đã sưởi ấm Chúa?

– Những vì sao trên trời. Đó là mắt của Thượng Đế.

– Ai đã nuôi Chúa?

– Đức Mẹ.

– Nuôi bằng gì?

– Tình thương. Tất cả những bà mẹ đều nuôi con bằng tình thương. Ai được nuôi bằng tình thương, lớn lên sẽ biết thương yêu ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè, người tàn tật, người gặp hoạn nạn, người giúp việc và cả trâu bò, lợn gà, chim muông… Và biết tha thứ mọi người, tha thứ cả kẻ định giết mình.

– Rồi Chúa có đi học không?

– Bố không thấy nói trong kinh Cựu Ước.

– Kinh Cựu Ước là gì?

– Là sách viết truyện cuộc đời Chúa. Để bố nói tiếp: Chúa là con nhà nghèo. Người ta thường đối xử không tốt với những người nghèo. Chắc thuở bằng tuổi con, Chúa cũng đi học và bị bạc đãi. Nên Chúa mới phó thác cho các sư huynh, các nữ tu lo việc giáo dục cả trẻ con có đạo lẫn ngoại đạo và làm cho trẻ con bình đẳng bằng cách mặc đồng phục. Ở sân trường, Chúa muốn thế, trẻ con nhìn bạn bè mình giống mình thì chúng không tủi thân, không buồn bã. Con nên nhớ rằng, Chúa đã có thời thơ ấu nghèo nàn, khổ sở.

– Chúa có chơi đùa không?

– Có.

– Chúa có đánh lộn không?

– Chắc chắn không. Chúa chỉ bị đánh chứ không đánh lại. Nên Chúa dạy: Kẻ nào tát ta má bên trái, ta chìa má bên phải cho nó tát thêm.

– Con là con tát lại liền.

– Vì vậy mới có một Chúa. Ngay cả một số linh mục bị người đời bình phẩm còn hằn học phẩm bình lại người đời, nữa là con.

– Bị bắt nạt, hẳn Chúa buồn lắm, bố nhỉ?

– Tuổi thơ của Chúa buồn như tuổi thơ Việt Nam. Chúa không muốn tuổi thơ buồn bã. Chúa muốn tuổi thơ hồn nhiên, sung sướng. Ngày sinh của Chúa đã là ngày vui của trẻ con. Và người vâng lệnh Chúa đem niềm vui đến cho trẻ con trong ngày Giáng Sinh là ông già Nô-en.

– Ông già Nô-en bao nhiêu tuổỉ

– Một tuổi.

– Bố kỳ quá, ông già mà một tuổi!

– Đó là tuổi vui.

– Bố ơi!

– Ơi…

– Có phải Chúa ở khắp mọi nơi, Chúa thương hết mọi ngườị

– Ừ, Chúa ở khắp mọi nơi nhưng Chúa chỉ thương người thành thật, nghèo khổ. Chúa ghét bọn giầu sang.

– Sao bố biết?

– Cu Tý thấy cái lỗ kim khâu áo rồi chứ?

– Dạ.

– Cu Tý thấy con lạc đà chưa?

– Ở ti vi, bố ạ! Nó to gồ ghề.

– À, Chúa nói, con lạc đà có thể chui qua cái lỗ kim (vì nó hiền lành thành thật, chịu khó làm việc) nhưng bọn nhà giầu thì khó lên thiên đường (vì ham ăn diện và lo cách bóc lột nhà nghèo).

– Bố tin Chúa ở khắp mọi nơi không?

– Con tin không?

– Tin.

– Vậy bố tin con.

– Chúa đang ở trên đầu con, Chúa đã nghe hết chuyện bố kể về Chúa cho con nghe, bố hén?

– Ừ

– Chúa sẽ thương con.

– Cu Tý sẽ lên thiên đường.

✽ ✽ ✽

Câu chuyện về Chúa của bố con cu Tý khác hẳn những câu chuyện về Chúa của các linh mục. Và không giống kinh sách. Điều ấy, cu Tý chẳng cần hiểu. Cu Tý chỉ biết Chúa là chúa tể của muôn loài, muôn vật. Chúa đủ quyền uy, phép Tích. Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa thương người nghèo và không ghét người giầu. Chúa thương nhất trẻ con. Thuở thơ ấu, Chúa nghèo hèn, cô đơn. Chúa ra đời ở máng lừa, khóc chào đời trên cỏ khô. Chúa thương người nghèo nên cu Tý thương người nghèo. Cu Tý theo mẹ đi lễ ở nhà thờ thường bỏ vào hộp tiền “cứu giúp người nghèo” mười đồng. Mẹ cu Tý ngoại đạo. Đến nhà thờ nào cũng dâng hoa cung kính Đức Mẹ và xin đủ ân huệ. Cu Tý thì không xin gì. Chỉ mong được lên thiên đường. Đó là những năm tháng cu Tý học lớp hai, lớp ba, lớp tư. Năm nay, cu Tý học lớp năm. Vẫn bé nhỏ, loắt choắt, khờ khạo và có vẻ… nghệ sĩ. Vì có vẻ nghệ sĩ, thành thử, tâm hồn thường đi đá cầu, đá dế, đá cá, quên lời mẹ dặn, bị đánh đòn hoài. Cu Tý bị đánh đòn hay kêu cầu cứu bố thảm thiết lắm. Nhắc lại, năm nay, cu Tý học lớp năm, đứng hạng bình liên tiếp bốn tháng. Trường của cu Tý tổ chức cuộc thi làm máng cỏ. Sư huynh giám học bảo máng cỏ nào đẹp nhất sẽ được phần thưởng và máng cỏ được bầy trong tủ kính ở văn phòng nhà trường. Cu Tý dự cuộc thi liền. Dự thi với niềm tin trúng giải một cách ngây thơ và với hy vọng nhìn máng cỏ của mình bầy trong tủ kính và các sư huynh khen giỏi và Chúa mỉm cười trìu mến.

Mê Chúa vô cùng nhưng, buổi tối, khi vào giường ngủ, cu Tý quên cầu nguyện. Có lẽ, cu Tý mệt với bài vở. Trường Lasan Taberd bắt trẻ con học thật nhiều. Tiểu học, học buổi chiều, đến trường lúc hai giờ trưa. Tối về thường làm thêm, ít nhất, hai bài toán. Nhiều hôm, cu Tý loay hoay với bài làm ở nhà tới mười một giờ đêm. Nên vào giường, cu Tý lăn ra ngủ. Hai đứa em của cu Tý chăm chỉ cầu nguyện hơn cả trẻ con có đạo. Con Ki và cu Đốm học trường nữ tu Công giáo. Con Ki cầu nguyện Chúa giúp mẹ ngủ được, hết bệnh, hết càu nhàu. Cu Đốm nghiêng tình thương về bố, cầu nguyện Chúa giúp bố… đánh bài “ăn” và muỗi đừng đốt chân cu Đốm vì cu Đốm sợ chân có sẹo. Bây giờ mới là mười hai tháng chạp. Miền Nam không có mùa đông. Nhưng tuyết đang rơi trong tâm hồn cu Tý. Hễ hai em cầu nguyện trước giờ ngủ, cu Tý vội bỏ bài vở, vô cầu nguyện với em. Và nó cầu Chúa giúp nó làm cái máng cỏ đẹp nhất. Cu Tý đã nhớ cầu nguyện. Vì cái máng cỏ.

Mỗi ngày, bố cho cu Tý hai chục uống nước. Cu Tý uống chai xá xị mất mười đồng. Từ hôm “ghi tên dự thi” làm máng cỏ, cu Tý nhịn uống. Cu Tý dành tiền mua “vật liệu” kiến trúc cái máng cỏ đầu tiên trong đời cu Tý. Trước hết là những tấm hình in rô-nê-ô về sự tích Giáng Sinh bán ở nhà sách trong trường. Cu Tý “thanh toán” bài vở rất nhanh để loay hoay tô mầu lên hình Chúa và các thánh. Cu Tý hỏi bố cách tô mầu. Bố dốt về mầu sắc. Cu Tý hỏi mẹ. Cu Tý có cái tật đáng ghét ghê đi. Là làm hỏng cái gì thì ngồi khóc, ngồi khóc. Cu Tý cắt hình bị lẹm, ngồi khóc. Y như cu Tý làm bài, học bài. Bố cu Tý hỏi han, rõ chuyện phải an ủi:

– Con làm đi làm lại nhiều lần mới đẹp. Giải thưởng thường về tay những người kiên nhẫn. Nước chảy đá món, cu Tý ạ!

Cu Tý lau nước mắt. Hôm sau, mua về một xấp hình. Cu Tý ngỏ ý nhờ bố mẹ tô mầu giúp. Bố nói:

– Bố tô cũng được và sẽ đẹp nhưng con sẽ bớt vinh dự nếu máng cỏ của con trúng giải nhất. Hãy tự con làm một máng cỏ đẹp nhất như tự bố, bố đã làm lấy cuộc đời bố.

– Chúa có giúp con không?

– Con cứ giúp con trước đã, Chúa sẽ giúp sau.

Cu Tý học lớp năm, sắp lên trung học rồi, nên hiểu lời bố. Cu Tý không nhờ vả bố mẹ nữa. Cu Tý thức khuya tô mầu hình Chúa và các vị vua từ phương Đông. Hỏng. Xé bỏ. Khóc. Nín. Tô hình mới. Cuối cùng cu Tý đã có những tấm hình có chân dán tô mầu thật đẹp, cắt thật hay, cần thiết cho sự trang trí bên trong máng cỏ. Cu Tý hài lòng. Cu Tý cười nói huyên thuyên. Để đền ơn hai em không phá nghịch, cu Tý mua xí muội tặng cu Đốm và đậu phụng da cá tặng con Ki. Đã đến lúc cu Tý lo cái nền máng cỏ. Cu Tý nhờ bố bắc thang leo lên gác xép kiếm miếng gỗ mỏng. Cu Tý lục lọc tung cả gác xép. Bị mẹ cho ăn roi. Mông cu Tý nổi hình con lươn đỏ. Bố vắng nhà không “can thiệp” kịp. Cu Tý dấu chuyện ăn đòn. Chờ bố về, cu Tý tán bố:

– Bố ạ, nhà mình chẳng có miếng gỗ mỏng nào. Đằng sau cái khung ảnh của con là miếng các tông dầy cộm, con lén mẹ gỡ ra làm cái nền máng cỏ được không hả, bố:

– Rồi lấy gì thay thế?

– Dự thi xong con đem về, gỡ ra, lắp vô như cũ.

– Con sẽ trúng giải nhất mà.

Cu Tý ngây người ra giây lát. Bố xoa đầu cu Tý:

– Thì gỡ đi. Bố nhận tội giùm con.

Cu Tý cười:

– Con chịu nổi năm roi, bố ạ!

Cu Tý tháo miếng các tông sau khung ảnh chụp cu Tý đứng ở bãi biển Vũng Tầu làm cái nền máng cỏ. Cu Tý cuốc bộ lên Tân Định mua giấy bạc làm hang đá, mua cỏ nhuộm nhân tạo làm cỏ máng lừa nơi hang Bê lem. Cu Tý mua cả cây “sa panh” nhỏ xíu lốm đốm tuyết trắng. Cu Tý “sáng tác” thêm cái cột trên nóc hang đá và cột thêm nhiều cành để máng sao và các thiên thần do cu Tý vẽ và tô mầu. Bố cu Tý ngạc nhiên:

– Hang đá và máng cỏ của con lạ thật.

Cu Tý nói:

– Con làm theo bài hát, bố ơi: “Nghe trên không trung, tiếng hát thiên thần vang lừng…”

Bố khen máng cỏ đẹp, mẹ không có ý kiến. Con Ki chê dở ẹt. Cu Đốm bảo máng cỏ sẽ chiếm giải bét ăn bánh tét. Cu Tý buồn lắm. Khi cu Tý bảo mẹ.

– Con sẽ chiếm giải nhất, mẹ ạ!

Mẹ xua tay:

– Con sẽ chả được cái giải gì đâu.

Cu Tý càng buồn hơn. Và càng buồn thì buổi tối cu Tý cầu Chúa càng lâu hơn. Cu Tý tin tưởng máng cỏ của cu Tý sẽ nhất. Bố đã nói lời Chúa dạy với cu Tý: “Kẻ nào có niềm tin bằng hạt cát sẽ di chuyển được trái núi từ chỗ này qua chỗ khác”. Cu Tý có niềm tin to bằng cái máng cỏ của cu Tý.

Trước ngày đem máng cỏ nộp sư huynh giám học, cu Tý hỏi ý kiến bố:

– Bố nói thật đi, máng cỏ của con xấu lắm phải không bố?

Bố gật đầu:

– Máng cỏ của con không đẹp.

– Con thôi dự thi nhé?

– Con nên đem dự thi. Bố có thể nhờ thợ làm hay đi đặt cho con một cái máng cỏ thật đẹp, thật đắt tiền, thật lộng lẫy; bố cũng có thể làm giúp cho con chiếm giải. Nhưng bố đã nói với con về cuộc đời ấu thơ của Chúa. Chúa đâu có ra đời ở chỗ giầu sang lộng lẫy. Mà Chúa ra đời ở chỗ thấp hèn, ở cái máng cỏ đơn sơ hơn cái máng cỏ của con. Cu Tý, nhà mình không theo đạo Công giáo nhưng mẹ con và các em đều thờ phụng Chúa. Và con đã làm cái máng cỏ đúng ý Chúa nhất. Con đã làm cái máng cỏ bằng tấm lòng của con, bằng cả sự. . . chịu đòn vọt. Con đã học giáo lý, đã biết Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa đã ở nhà ta, đang ở nhà ta. Chúa đã nghe bố con mình nói về Chúa, đã theo dõi con làm cái máng cỏ kỷ niệm sinh nhật Chúa, đã thấy con khóc khi tô mầu hình Chúa, đã thấy con cười khi cắt hình Chúa, đã thấy con bị đòn đau vì tâm hồn con để hết vào cái máng cỏ. Cuối cùng, Chúa thấy một điều làm Chúa sung sướng là, đứa trẻ ngoại đạo làm cái máng cỏ đơn sơ tặng Chúa, đồng thời, nó biết làm sáng danh Chúa. Và bố tin chắc cái máng cỏ của con sẽ chiếm giải nhất. Chúa phát giải cho con.

Cu Tý mở tròn mắt, há hốc miệng nghe bố nó. Cu Tý ngồi bất động. Tâm hồn cu Tý bay lên trời cùng với chiếc máng cỏ. Tâm hồn cu Tý gặp thiên thần. Và các thiên thân dẫn cu Tý mang quà sinh nhật dâng lên Chúa. Chúa xúc động. Chúa khóc…

(13-12-72)

CHUỖI NGỌC LAM

✍️ Nguyễn Hiến Lê dịch

● Ngày cô bé Joan Grace đẩy cửa bước vào tiệm của Pierre Richard thì Pierre là con người cô độc nhất thành phố. Có lẽ hồi ấy các bạn đã được nghe phong phanh câu chuyện đó. Nhưng báo chí không nêu tên mà cũng không kể chi tiết nên hôm nay tôi xin thuật lại tường tận.

Pierre đã được ông nội để lại cho một cửa tiệm bán đồ cổ. Trong cái tủ kính nhỏ xíu anh chất đủ các thứ đồ kỳ cục: vòng, mề đay đeo vào dây chuyền có từ thế kỷ trước, nhẫn vàng, hộp bạc, ngọc thạch hoặc ngà chạm trổ, tượng nhỏ bằng sứ.

Buổi chiều, mùa đông hôm đó, một em gái đứng áp trán vào tủ kính, trố mắt ngó kỹ từng vật cổ lỗ đó như muốn kiếm một vật gì. Bỗng em ngững đầu lên, vẻ khoan khoái rồi đẩy cửa bước vào tiệm. Tiệm tối tăm mà còn bừa bãi hơn mặt tiền nữa. Có những ngăn tủ muốn sập vì chất quá nặng: hộp đựng tư trang, súng lục cũ không còn dùng được nữa, đồng hồ chuông đèn; còn trên sàn thì chất đống nào là giá để củi trong lò sưởi, đờn măng-đô-lin và những đồ cũ kỹ khó mà phân loại được. Pierre ngồi ở sau quầy. Mặc dầu mới ngoài ba mươi mà tóc của anh đã hoa râm. Anh ngó cô bé. Em hỏi:

– Thưa ông, con có thể coi chuỗi ngọc lam bày ở tủ kính không ạ?

Pierre kéo tấm màn, lấy chuỗi ngọc ra đưa cho cô bé xem. Những viên ngọc lam chiếu rực rỡ trong bàn tay xanh xao của anh. Em đỡ lấy, thốt lên lời khen:

– Đẹp quá! Xin ông gói lại thành một gói đẹp cho con.

Pierre lạnh lùng ngó em:

– Có ai sai em đi mua hả?

– Thưa không. Con mua cho chị Hai con. Chị đã nuôi nấng con từ khi má mất. Đây là lễ Noel đầu tiên chị em con được ở gần nhau. Con muốn tặng chị một món quà đẹp.

Pierre nghi ngờ hỏi:

– Em có bao nhiêu tiền?

Em mở khăn tay ra, đổ lên bàn một nắm bạc xu, bảo:

– Con đã đập con heo của con ra đấy.

Pierre Richard ngó em, vẻ trầm tư. Rồi anh ý tứ cầm chuỗi ngọc lên, sợ em trông thấy giá tiền. Nói thẳng cách nào cho em biết được? Cặp mắt xanh đầy tin tưởng của em gợi cho anh nhớ lại vết thương lòng thời trước. Quay lưng lại em, anh bảo:

– Em đợi một chút nhé.

Rồi vừa lúi húi làm một việc gì đó, anh vừa quay lại hỏi:

– Em tên gì?

– Thưa, Joan Grace.

Khi quay lại thì trong tay anh đã cầm một gói nhỏ bao bằng giấy lụa đỏ và cột bằng một băng lụa màu xanh lá cây. Anh đưa cho em bé và bảo:

– Này, coi chừng em đừng đánh rơi nhé.

Em Joan mỉm cười rạng rỡ, chạy vụt về nhà. Anh nhìn theo, một nỗi buồn mênh mông dâng lên trong lòng. Em nhỏ đó và chuỗi ngọc lam khêu gợi lại một vết thương lòng không bao giờ lành hẳn của anh. Tóc em vàng như lúa chín, mắt em xanh như nước biển; mới mấy năm trước, anh đã yêu một thiếu nữ cũng có mớ tóc đó, cặp mắt đó. Chuỗi ngọc đã tính để tặng nàng. Nhưng một chiếc cam nhông trượt bánh trên con đường trơn trợt một đêm mưa đã làm tiêu tan ước mơ. Từ đó anh sống cô độc, ôn lại hoài nỗi khổ tâm. Anh ân cần lễ độ tiếp khách, nhưng ngoài công việc ra, anh thấy đời trống rỗng vô nghĩa một cách khủng khiếp. Lầm lì, không giao thiệp với ai, anh ráng quên mà không quên được, nỗi thất vọng như sương mù cứ mỗi ngày mỗi dày đặc.

Cặp mắt xanh của em Joan Grace gợi cho anh hình ảnh người yêu. Vào dịp lễ này, khách hàng tới đông, ai cũng bộc lộ niềm vui làm cho anh càng đau lòng. Khách qua đường bước vào tiệm, chuyện trò, sờ mó các món đồ, trả giá lăng xăng. Đêm Noel đã khuya rồi, khi người khách cuối cùng bước ra, Pierre Richard thở phào nhẹ nhàng. Thôi thế là qua được năm nay. Nhưng anh đã lầm.

Cửa thình lình mở ra, một thiếu nữ bước vào. Anh thấy nhói ở tim: thiếu nữ có vẻ mặt quen quen nhưng anh không nhớ rõ đã gặp ở đâu, hồi nào. Tóc cô vàng hoe, mắt xanh thăm thẳm. Cô im lặng lấy trong túi xách ra một gói nhỏ bao vội vàng một thứ giấy lụa đỏ, lại có cả cái băng lụa màu xanh lá cây đã mở ra rồi. Và những viên ngọc lam chiếu rực rỡ trên bàn:

– Chiếc chuỗi ngọc lam này có phải của tiệm ông không?

Pierre ngước mắt lên nhìn cô, nhẹ nhàng trả lời:

– Phải.

– Phải ngọc thật không?

– Nhất định rồi. Không phải thứ ngọc quý nhất nhưng ngọc thật đó.

– Ông có nhớ đã bán cho ai không?

– Bán cho một cô bé. Tên em là Joan. Em mua để tặng quà Noel cho chị Hai của em.

– Giá bao nhiêu?

Pierre nghiêm mặt đáp:

– Tôi không khi nào nói giá tiền khách hàng đã trả cho tôi.

– Em Joan chỉ có ít đồng tiền tiêu vặt làm sao em có đủ tiền mua chuỗi ngọc này?

Trong lúc đó, Pierre vuốt kỹ lại tờ giấy lụa, gói lại chuỗi ngọc. Anh bảo:

– Em đã trả đắt hơn hết thảy các người khác. Có bao nhiêu tiền em đưa tôi hết.

Hai người làm thinh. Cửa hàng bỗng tĩnh mịch lạ thường. Tiếng chuông từ một giáo đường ở gần đó bắt đầu đổ, văng vẳng đưa lại. Cái gói nhỏ đặt trên bàn, vẻ thắc mắc dò hỏi trong cặp mắt thiếu nữ và cảm giác hồi sinh kỳ dị dồn dập dâng lên trong lòng Pierre, tất cả những cái đó đều là do tình yêu của một em nhỏ.

– Nhưng sao ông lại làm như vậy?

Pierre vừa đưa gói nhỏ đó cho cô vừa trả lời:

– Hôm nay là ngày Noel. Tôi bất hạnh không có ai để tặng quà. Cô cho phép tôi đưa cô về nhà và chúc cô một lễ Noel vui vẻ với gia đình nhé!

Thế là trong tiếng chuông đổ hồi, giữa một đám đông vui vẻ, Pierre Richard và một thiếu nữ mà anh chưa biết tên, cùng nhau bước qua một ngày mới đem lại nguồn hy vọng tràn trề trong lòng mọi người.

Bao Nguyen Quang ST

✒ Tác giả: Fulton Oursler

Oursler, (Charles) Fulton (1893 -1952) nhà văn, nhà báo, sinh ngày 22-1-1893 ở Baltimore, tiểu bang Maryland, Mỹ. Ông viết những tiểu thuyết có tính thần bí dưới bút danh Anthony Abbot hoặc Anthony Abbott ngoài tên Charles Fulton Oursler. Ông cũng viết kịch và những tác phẩm về tôn giáo, được bạn đọc ưa thích, trong đó đáng chú ý nhất là tác phẩm Những truyện hay nhất từng được kể (1949). Năm 1944 ông trở thành chủ bút lâu năm nhất của báo Reader’s Digest. Ông mất ngày 24-5-1952 tại New York.

Nguồn: FB. Bao Nguyen Quang 

Xóm Đạo

Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” để chỉ một khu dân cư gồm toàn những người theo Ki Tô giáo sống chung, sinh hoạt với nhau chung một niềm tin. Xóm Đạo không nằm giữa lòng đô thị, không phố xá nhà cao cửa rộng, không có tiếng xe cộ ồn ào, không có đường lớn, không chợ búa đồ sộ bán buôn tấp nập… Nhắc đến Xóm Đạo theo tôi, là nhắc đến sự bình yên gần như tuyệt đối của một thời chưa nghe tiếng bom rơi đạn nổ. Giờ đây. Sau gần một phần tư của thế kỷ thứ 21, nhắc lại hai chữ “Xóm Đạo”, tôi nghe hình như mình đang nhắc chuyện cổ tích.  

Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” từ thuở biết yêu “thơ” vào những năm đầu bậc trung học. Bài thơ có hai chữ “Xóm Đạo” tôi đọc dầu tiên là bài “Tha La Xóm Đạo” của tác giả Vũ Anh Khanh (1926-1956) viết vào năm 1950:

Đây Tha La xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh…
Ngậm ngùi Tha La bảo:
Đây rừng xanh rừng xanh
Bụi đùn quanh ngõ vắng                                                                                                 
Khói đùn quanh nóc tranh                                                                                              
Gió đùn quanh mây trắng                                                                                              
Và lửa đạn xây thành…

Đọc vài câu đầu của bài thơ dài ngót 100 câu của Vũ Anh Khanh đã thấy cái buồn len lỏi vào trong tâm can người tôi (không dám nói là tâm can người đọc). Khung cảnh của “Xóm Đạo” Tha La quả là bình yên tới mức u tịch. Khách lãng tử Vũ Anh Khanh về thăm “Xóm Đạo” chỉ thấy cảnh chứ không thấy người có lẽ vào một buổi chiều mùa thu vắng ngắt nên nắng chỉ thấy “nắng vàng hanh” phả xuống những “rừng xanh rừng xanh…Ngõ vắng không bóng người, chỉ thấy “bụi đùn quanh”. Đưa tầm mắt lên cao lại thấy “khói đùn quanh nóc tranh” rồi nhìn lên cao nữa “gió đùn quanh mấy trắng…”.

Đọc xuyên suốt bài thơ dài thấyhầu như tác giả chỉ đối thoại “ảo” với “Tha La”. Tha La hỏi. Tha La trả lời. Lữ khách lắng nghe. Lữ khách buồn. Duy chỉ có một người mà lữ khách gặp trên con đường bụi vắng. Đó là một cụ già:

Nắng lổ đổ rụng trên đầu lữ khách                                                                              
Khi bước nhẹ trên con đường đỏ hoạch                                                                     
Gặp cụ già đang ngóng gió bâng khuâng                                                                  
Đang đón mây xa khách bỗng lại gần                                                                         
Kính thưa cụ vì sao Tha La vắng ?                                                                              
Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng                                                                        
Nhẹ bảo chàng: em không biết gì sao? 

Chiến tranh bom đạn đạn đã dày xéo lên “Xóm Đạo” đã có từ bao đời. Xóm Đao bị khổ nạn. Văng bóng người. Vắng tiếng chuông. Vắng tiếng cầu kinh. Vắng lời khấn nguyện…

“Tha La Xóm Đạo” là bài thơ viết từ thời cuộc kháng chiến chống Pháp. Tuy bài thơ không nói rõ nhưng ai cũng biết là “Xóm Đạo” quạnh hiu điêu tàn vì giặc. Tác giả Vũ Anh Khanh là người hoạt động cho Việt Minh bị bắt, sau trốn vào bưng và tập kết ra miền Bắc với thiên đàng “Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Chỉ hai năm sau Vũ Anh Khanh đã được “sáng mắt! sáng cả lòng!” nên tìm được quay về Nam. Tác giả làm giấy tờ giả để đi lần vào phương Nam, vượt qua sông Bến Hải ở vĩ tuyến thứ 17. Không thoát được! Tác giả bị chính những đồng chí của mình ở phía bắc vĩ tuyến dùng tên có tẫm thuốc độc bắn chết ở giữa dòng sông chia cắt. Hình như Vũ Anh Khanh là người đầu tiên vượt tuyến “từ Bắc vô Nam” thì phải?

Có một bài thơ khác cũng có hai chữ “Xóm Đạo” ở câu đầu tiên mà thưở học trò tôi rất thích. Đó là bài “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím” của tác giả Kiên Giang:

 Lâu quá không về thăm Xóm Đạo                                                                                
Từ ngày binh lửa cháy quê hương                                                                                
Khói bom che lấp chân trời cũ                                                                                       
Che cả người yêu, nóc giáo đường

Đọc trên nhiều trang mạng nói về bài “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím”, có nhiều ý cho rằng tác giả Kiên Giang đã “đọc và thấm” bài “Tha La Xóm Đạo” của Vũ Anh Khanh nên mới viết ra bài “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím”. Nhưng “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Aó Tím” không nói về cảnh u tịch, vắng buồn, xơ xác của một “Xóm Đạo” vì chiến tranh tàn phá mà nói về mối tình “hụt” của tác giả với một cô nàng học sinh áo tím thời mười sáu tuổi:

Mười năm trước em còn đi học                                                                                    
Áo tím điểm tô đời nữ sinh                                                                                             
Hoa trắng cài duyên trên áo tím                                                                                   
Em là cô gái tuổi băng trinh

Cho đến khi:

Sau mười năm lẻ anh thôi học                                                                                       
Nức nở chuông trường buổi biệt ly                                                                              
Rộn rã từng hồi chuông Xóm Đạo                                                                                
Khi nàng áo tím bước vu quy…


Em lên xe hoa về quê chồng                                                                                           

Dù cách đò ngang cách mấy sông                                                                                
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím                                                                                    
Nên tình thơ ủ kín trong lòng…

Theo tôi, “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím” chỉ là một bài thơ thuộc vào loại “thất tình” thì với những ai yêu thơ đang ở vào lứa tuổi “biết yêu biết mơ” như tôi khi đọc lên sẽ rất thích. Bài thơ có một chút buồn vì chia ly ngăn cách  cũng  khiến cho người đọc như tôi cảm nhận được và đôi khi cũng buồn theo ray rứt. Nhưng như trên đã đề cập “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím” là “Tha La Xóm Đạo” thứ hai khi tác giả viết thêm:

Từ lúc giặc cuồng vô Xóm Đạo                                                                                       
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương                                                                                   
Giữ màu áo tím, người yêu cũ                                                                                       
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường

Theo trình tự bài thơ mô tả, sau khi “người em áo tím” bước lên xe hoa để về nhà chồng thì chàng (thi sĩ) “làm chiến sĩ giữ quê hương” và về Xóm Đạo để giữ “màu áo tím” cho có vẻ bi tráng…Đoạn cuối bài thơ lại thấy có “áo quan”, có “hoa trắng”…Tang thương đến thế!…

Ba năm sau chiếc xe hoa cũ                                                                                           
Chở áo tím về trong áo quan                                                                                         
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt                                                                           
Khi anh ngồi viết vòng hoa tang                                                                              
Anh kết màu hoa màu trắng lạnh                                                                              
Từng cài trên áo tím ngây thơ                                                                                                 
Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng                                                                                    
Anh kết tình tang gởi xuống mồ…

Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh (1928-2014) còn có bút hiệu là Hà Huy Hà khi soạn các tuồng cải lương. Theo trang Wikipedia thì năm 1943 Kiên Giang lên Sài Gòn học tại trường Lê Bá Cang, năm 1948 về học tại Cần Thơ và yêu cô nàng “áo tím” học cùng lớp. Đến năm 1948 theo việt minh. Năm 1955 về Sài Gòn làm ký giả, soạn tuồng cải lương. Sau 1975 được vinh danh là người của “cách mạng”.

Hai bài thơ “Tha La Xóm Đạo” của Vũ Anh Khanh và “Áo Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím” của Kiên Giang, một bài viết từ năm 1950, bài kia viết năm 1957 (năm 1958 mới phổ biến) đều có chung là khung cảnh chung là Xóm Đạo. Xóm Đạo của Vũ Anh Khanh là một Xóm Đạo điêu tàn, hoang vắng, dân chúng đã ra đi mười phương tám hướng sau mùa chinh chiến… còn Xóm Đạo của Kiên Giang là Xóm Đạo của một thuở thành bình, có trường học, có giáo đường mỗi chiều chuông đổ, có cả người yêu e ấp trên đường về, có cả tình yêu “one way”, có cả người yêu lên xe hoa về nhà chồng, có cả chàng trai ôm súng giữ nóc giáo đường và giữ luôn màu tím. Có cả xe tang chở người mình yêu thuở nào trở về cố quận, có vòng hoa tang cài hoa trắng…

Theo tôi nếu “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím” viết thành một kịch bản theo tuồng tích cải lương để diễn trên sân khấu thì có lẽ số lượng người xem tuồng sẽ nườm nượp, rạp thiếu chỗ chứa thay vì phỏng theo đó để viết thành bài hát của hai nhạc sĩ Huỳnh Anh và Anh Bằng.

Xóm Đạo của Vũ Anh Khanh – người Phan Thiết và Kiên Giang – người Kiên Giang là hình ảnh qua hai bài thơ nổi tiếng mà giới trẻ thời 50-60 của thế kỷ trước hầu như đều biết và yêu thích. Tôi là một trong số đó. Nay tôi đã là một cụ ông đang ngồi bên lề tám bó, cái nhìn và cảm nghĩ của tôi về hai Xóm Đạo có vài điều hơi khác xưa do nhận thức giữa “cái thực” và “cái ảo” có phần thay đổi. Hồi xưa có những lúc đọc một bài thơ mình đã bị “lụy” mà không biết lý do. Bây giờ đọc một bài thơ thì còn phải “soi mói” xem trong đó gói ghém những gì, cả ý và ngôn từ. Đọc lại bài “Hoa Trắng Thôi Cái Trên Áo Tím” của Kiên Giang, cảm nhận của tôi không còn giống như ngày xưa nữa vì thấy có nhiều “nhà bình luận dăng học” đã thêm xì dầu và đường vào thơ của tác giả nhiều quá.

Tôi nhớ. Từ bé tôi đã sống gần một Xóm Đạo. Chữ Xóm theo tôi được hiểu theo tổ chức hành chánh ngày xưa. Xóm nằm trong Làng nên ông bà ta thường gọi là Xóm Làng. Như vậy Xóm là đơn vị nhỏ nhất về phương diện địa lý hành chánh. Ngày xưa dân cư trong Xóm thường là những người cùng giòng tộc bà con và cả những người khác tộc đã cùng sống chung lâu đời với nhau, có những sinh hoạt, tập tục, nghi lễ… giống nhau. Nếu một Xóm mà tất cả mọi người hoặc đa phần cư dân đều là những tín đồ Ki Tô giáo thì Xóm đó có thể được gọi là Xóm Đạo. Trong Xóm có một nhà thờ là nơi thờ phượng, nơi các tín hữu Ki Tô  đến để dự lễ, cầu nguyện hoặc tổ chức các hội tôn giáo. Thường các Xóm Đạo ở xa các thành phố, thị trấn nên cuộc sống nơi đây quanh năm bình yên. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Xóm được đổi thành Ấp là đơn vị nhỏ nhất trong hành chánh. Trong những Ấp có Xóm Đạo người ta vẫn gọi là Xóm Đạo chứ không ai gọi là Ấp Đạo.

Năm tôi 10 tuổi thì hiệp định Genève được ký kết để chia đôi nước Việt Nam ở vĩ tuyến thứ 17. Trên vĩ tuyến 17 thuộc cộng sản bắc việt. Dưới vĩ tuyến 17 thuộc Quốc Gia Việt Nam Công Hòa. Từ mùa thu 1954 cho đến cả năm sau đã có hơn một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam để tìm cuộc sống Tự Do. Nhà tôi ở cách trung tâm thành phố chừng năm cây số, dân cư thưa thớt, đất đai còn bỏ hoang rất nhiều, đặc biệt là cùng đồi núi chập chùng với những rừng thông xanh quanh năm và thỉnh thoảng có nghe những người lớn bảo có cọp mò về bắt bò, cũng có khi vồ cả người…

Năm 11 tuổi tôi còn nhớ vào một buổi sáng, thấy một đoàn xe GMC chừng hai mươi chiếc, chở đầy người và đồ đạc chạy vào con đường đất cách hông  nhà tôi chừng hơn trăm mét. Đoàn xe chạy vào khoảng năm trăm mét rồi dừng lại. Người và đồ đạc được đổ xuống dọc một sưòn đồi, phía sau là cả một rừng thông bạt ngàn. Những người lớn tuổi trong xóm tôi nói chuyện với nhau cho biết đó là những người từ miền Bắc di cư vào Nam và được đưa đến định cư nơi đây. Những tấm bạt lớn kiểu nhà binh được dựng lên san sát để làm nơi tạm trú cho đồng bào tị nạn.

Chỉ trong vòng sáu tháng, những chiếc bạt nhà binh đã biến mất, thay vào đó là những căn nhà bằng gỗ. Ngôi nhà thờ cũng bằng gỗ được giáo dân dựng lên để làm nơi thờ phượng và xem lễ. Đời sống của những người rời bỏ quê hương để đi tìm Tự Do dần dần ổn định. Tiếng chuông nhà thờ đổ vang vào lễ sáng lễ chiều. Những vườn rau cải, hoa trái đã vây kín cả khu định cư. Đời sống của những người ngày nào “chân ướt chân ráo” đến vùng đất lạnh lẽo cao nguyên nay đã nhập hòa vào đời sống chung với những người đã lâu đời ở nơi đây. Rồi chỉ vài năm sau, đa phần những căn nhà gỗ thô sơ đã biến thành những ngôi nhà khang trang bằng gạch. Ngôi nhà thờ kiểu Gothic được xây lên trên một ngọn đồi đối diện vơi khu dân cư nằm thấp bên dưới với các thửa vườn liền nhau thành một tấm thảm màu xanh có điểm những khoảng màu sắc của những anh đào, thược dược, hồng, mimosa…

Khu định cư được mô tả trên là Ấp Thánh Mẫu mà tôi vẫn gọi là “Xóm Đạo Thánh Mẫu”. Xem ra đã lâu lắm rồi, lúc tôi còn bé là như thế. Rồi cũng Từ ngày binh lửa cháy quê hương (KG) tôi thỉnh thoảng có về thăm quê. Mỗi lần về tôi không quên thả bộ đi vào “Xóm Đạo”để ngắm những dãy nhà bên sườn đồi và xa hơn là ngôi nhà thờ trên đồi lộng gió… Và bây giờ ra sao?

     Phong Châu

    Tháng 12 – 2023

Phan Nữ Lan chuyển từ bạn

*****

CÂY LINH SAM XINH ĐẸP CỦA TÔI

Này cây Linh sam xinh đẹp của tôi – Vua của rừng núi
Tôi yêu tấm màn nhung xanh của em biết bao!
Vào mùa đông, khi rừng và đồi hoang
Đã không còn xanh tươi hấp dẫn

Cây Linh sam xinh đẹp của tôi -Vua của rừng núi
Em vẫn giữ vẻ hào quang lộng lẫy của mình.
Mùa Giáng Sinh đã mang em vào nhà chúng tôi
Vào ngày sinh nhật của Đấng Thiêng Liêng
Người bạn xinh đẹp của tôi, thật là ngọt ngào 
Khi thấy em tỏa sáng thật rực rỡ 
Mùa Giáng sinh đã mang em  vào nhà chúng tôi 
Lấp lánh ánh sáng rạng ngời.

Này cây Linh sam xinh đẹp của tôi, với tán lá xanh ngát cao vút của em
Đã tỏa muôn ngàn bóng mát dịu êm
Của niềm tin luôn vững chắc
Của lập trường kiên định và hòa bình.
Này cây Linh sam xinh đẹp của tôi, với tán lá xanh ngát cao vút của em 
Đã dâng tặng cho tôi bao dịu dàng êm ái ngất ngây.

𝓽𝓷𝓵 – tháinữlan dịch

MÓN QUÀ CỦA NHỮNG NHÀ THÔNG THÁI

Thay lời chúc Mùa giáng sinh an lành, mời các bạn đọc truyện ngắn sau:

MÓN QUÀ CỦA NHỮNG NHÀ THÔNG THÁI

O’Henry ( 1862-1910 ) , nhà văn Mỹ, tác giả của gần 400 truyện ngắn đăng trong các nhật báo và tạp chí, sau được in trong mười tập truyện. Cuộc đời của Ông rất phong phú : làm nhiều nghề khác nhau ( dược sĩ, vẽ kỹ thuật và kiến trúc, thư ký, đầu bếp nhà hàng, nhân viên công ty địa ốc, nhân viên xưởng in… ), từng tham gia ca hát, diễn kịch, vẽ hí họa, có lúc bệnh nặng, có lúc ở tù. Có lẽ vì thế mà bối cảnh các truyện ngắn của Ông cũng rất phong phú, khắc họa xã hội nước Mỹ thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Phần lớn truyện ngắn của Ông có cốt truyện đơn giản, với nhiều tình tiết oái oăm, khắc nghiệt, có khi khôi hài để kết thúc bất ngờ.

Nhan đề trong nguyên tác là “Món quà của những nhà thông thái” ( The Gift of the Magi ), theo sự tích từ sách Phúc Âm, tác giả có giải thích ở đoạn cuối truyện. Để dễ hiểu hơn, người dịch mạn phép đổi lại, như bên trên. Giới văn học thường cho rằng đây là truyện ngắn hay nhất viết về đề tài Giáng sinh.

***

Món quà của những nhà thông thái (The Gift of the Magi)

Một đô la và tám mươi bảy xu. Tất cả chỉ có thế. Và trong đó sáu mươi xu là những đồng xu lẻ, tích cóp mỗi lần một hay hai xu khi kỳ kèo với những người bán tạp hóa, rau cải hay thịt thà cho đến khi mặt mày xấu hổ đỏ bừng lên vì cái kiểu mặc cả như thế bị ngầm hiểu là bủn xỉn. Della đếm tới đếm lui ba lần. Một đô la và tám mươi bảy xu. Và hôm sau là lễ Giáng sinh.

Tình cảnh này thì không biết làm gì hơn là ngồi bệt xuống chiếc ghế nhỏ tồi tàn và gào khóc. Della làm như thế thật. Đúng với cái quy luật tâm lý con người rằng cuộc sống hình thành từ những tiếng nức nở, tiếng sụt sịt và tiếng cười, trong đó nổi trội là tiếng sụt sịt.

Trong khi cô chủ nhà đang từ từ giảm bớt từ trạng thái thứ nhất sang trạng thái thứ hai, ta thử nhìn một chút vào cái tổ ấm. Một căn hộ có sẵn đồ đạc tiền thuê 8 đô la một tuần. Không hẳn là không đủ từ ngữ để tả cái tồi tàn của nó, nhưng căn hộ này phải coi chừng đội cảnh sát chống hành khất để mắt tới.

Trước phòng ngoài ở bên dưới có một thùng thư mà lâu rồi không lá thư nào gởi tới, và một nút chuông điện mà hầu như không ai đụng vào. Cạnh bên là một tấm các ghi tên “ Ông James Dillingham Young”.

Danh xưng “Dillingham” đã nức tiếng xa gần trong suốt thời kỳ huy hoàng khi mà sở hữu chủ được trả tới 30 đô la một tuần. Giờ đây, khi thu nhập đã tụt xuống còn 20 đô la một tuần thôi, đành phải nghĩ đến việc viết tắt lại thành một chữ D. khiêm tốn, nhún nhường. Dẫu sao, mỗi lần Ông James Dillingham Young đi về căn hộ nói trên, ông vẫn được bà James Dillingham Young, tức là Della như đã được giới thiệu, gọi là “Jim” và ân cần ôm chặt lấy. Điều này thật tuyệt vời.

Della không khóc nữa và lấy phấn hồng thoa lên má. Cô đến đứng tựa cửa sổ, buồn rầu nhìn con mèo xám đang lững thững trên bức tường thành xám trong khoảng sân u tối. Ngày mai là lễ Giáng sinh và cô chỉ có môt đô la tám mươi bảy xu để mua quà cho Jim. Kết quả đó là cô đã tằn tiện để dành từ mấy tháng nay. Hai mươi đô la mỗi tuần thì chẳng làm được gì. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Chỉ có một đô la tám mươi bảy xu để mua quà cho Jim. Jim của cô. Cô đã mất nhiều giờ tính toán nghĩ cho ra món quà gì thật đẹp dành cho anh. Món quà đẹp, hiếm và có giá trị … món quà thực sự xứng đáng cho Jim hãnh diện.

Trên tấm vách ngăn giữa hai cửa sổ có một chiếc gương lớn. Có lẽ bạn đã thấy một chiếc gương như vậy trong căn hộ thuê 8 đô la. Một người thon gầy, mảnh mai soi vào đấy, ngắm hình ảnh phản chiếu qua những đường nét theo chiều thẳng đứng, có thể hài lòng về ngoại hình của mình. Della vóc người thon thả từng cảm thấy như vậy.

Cô chợt quay lưng phía cửa sổ và đến đứng trước gương, mắt sáng rực, nhưng trong vòng hai mươi giây mặt cô tái nhợt dần. Cô vội thả mái tóc cho nó chảy dài xuống lưng.

Gia đình James Dillingham Young có hai vật sở hữu mà cả hai người đều tự hào. Một là chiếc đồng hồ vàng của Jim, do bố anh và trước nữa là ông nội anh để lại. Thứ hai là mái tóc của Della. Nếu hoàng hậu Sheba sống ở căn hộ trước mặt, có ngày Della sẽ ngồi hong tóc bên cửa sổ để thấy bao ngọc ngà châu báu của hoàng hậu lu mờ đi. Nếu hoàng đế Salomon là người gác dan, với cả kho vàng chất dưới hầm, Jim sẽ rút chiêc đồng hồ ra mỗi lần đi ngang qua, chỉ để thấy ông bứt đầu bứt tai vì ganh tị.

Giờ này đây Della buông suối tóc của cô chảy dài xuống, óng ả, mượt mà. Mái tóc thả dài xuống tận gối, ôm lấy người như một chiếc áo khoác ngoài. Rồi cô cuộn tóc lại, bồn chồn, vội vã. Cô loạng choạng một lát, rồi đứng yên, một giọt nước mắt chảy xuống, loang trên tấm thảm đỏ tồi tàn.

Thoắt cái cô khoác chiếc áo nâu cũ, thoắt cái cô đội cái mũ nâu cũ. Chân xoay vòng làm tung chiếc váy, mắt lóe sáng, cô lách ra khỏi cửa và xuống bậc cấp bước ra đường. Nơi cô dừng có tấm biển ghi : “ Bà Sofronie, Tóc thật tóc giả đủ loại”. Della vụt chạy đến, và dừng lại, kìm hơi, trấn tĩnh. Bà chủ mập mạp, nhợt nhạt, lạnh lùng, chẳng có chút hình ảnh mà cái tên Sofronie gợi lên.

“Bà có mua tóc tôi không?” Della hỏi.

“Tôi chuyên mua tóc mà. Chị giở mũ ra cho tôi xem tóc của chị.”

Suối tóc huyền buông xuống.

“Hai mươi đô la”, bà vừa nói vừa nâng mái tóc với bàn tay thành thạo.

“Đưa cho tôi nhanh lên”, Della nói.

Trong hai tiếng đồng hồ sau đó, Della tung tăng trên đôi cánh hy vọng, theo kiểu sáo mòn của phép ẩn dụ. Cô lục soát hết các cửa hiệu để tìm cho ra món quà cho Jim.

Cuối cùng cũng tìm ra. Có vẻ như nó dành sẵn cho Jim chứ không ai khác. Không có cái nào giống như thế trong bất cứ tiệm nào cô đã ghé đến, đã săm soi săn lùng từ trong ra ngoài. Đấy là cái dây đeo đồng hồ bằng bạch kim, kiểu dáng đơn sơ giản dị, giá trị thực sự từ chất liệu, không cần trang trí hoa hòe hoa sói. Nó xứng đáng với Chiếc Đồng Hồ. Vừa nhìn thấy nó là cô biết ngay rằng nó phải là của anh, thanh nhã và quý giá, giống như anh vậy. Cô trả hai mươi mốt đô la để mua rồi vội vàng trở về với tám mươi bảy xu còn lại. Với chiếc dây đồng hồ này từ nay Jim có thể đàng hoàng xem giờ dù đang đi với ai. Chiếc đồng hồ quý như thế mà thỉnh thoảng Jim phải kín đáo xem giờ chỉ vì chiếc dây bằng da tạm bợ hiện nay.

Về đến nhà, cơn phấn khích của Della dần dần nhường chỗ cho tính thận trọng, đắn đo. Cô lấy những kẹp sắt uốn tóc ra, bật bếp ga và bắt tay vào việc sửa chữa những thiệt hại do tình yêu và lòng độ lượng gây ra. Đúng là một công việc vất vả, tốn nhiều công sức.

Trong vòng bốn mươi phút, đầu cô đầy những lọn tóc nhỏ xoăn tít khiến cô trông giống như một cậu học trò lêu lổng. Xong việc cô đến soi gương thật lâu, lòng đầy lo âu.

“Nếu Jim không giết mình,” cô tự nhủ, “khi nhìn kỹ lại có lẽ anh sẽ bảo mình giống như một vũ nữ ở hý viện. Nhưng biết làm gì, ôi, biết làm gì được với môt đô la tám mươi bảy xu?”

Bảy giờ. Cà phê đã pha sẵn, chảo đã bắc lên lò chuẩn bị cho món sườn chiên.

Jim không bao giờ về trễ. Della nắm chặt chiếc dây đồng hồ trong lòng bàn tay, đến ngồi ở góc bàn cạnh cửa ra vào. Cô nghe tiếng bước chân anh xuống cầu thang, mặt tái xanh một lúc. Có thói quen việc gì cũng cầu nguyện, cô thì thầm: “ Lạy Chúa, cầu sao trong mắt anh mình vẫn còn đẹp.”

Cửa mở, Jim bước vào rồi đóng lại.Trông anh gầy và trầm lặng. Tội nghiệp, anh chỉ mới hăm hai đã phải lo gánh nặng gia đình. Đến áo khoác ngoài và găng tay anh cũng chẳng có.

Jim dừng chân và đứng bất động, như chó săn đánh hơi thấy con mồi. Anh nhìn chăm chăm vào Della với một ánh mắt kỳ lạ khiến cô không hiểu nổi và lo sợ. Không phải là giận dữ, ngạc nhiên, chê bai, ghét bỏ, không phải một trong những tình cảm mà Della chuẩn bị đón nhận. Anh chỉ nhìn cô chăm chú, vẻ khác thường.

Della lách khỏi chiếc bàn đến bên anh.

“Jim yêu quý, đừng nhìn em như thế. Em đã cắt tóc bán rồi vì em không thể thấy lễ Giáng sinh đến gần mà không tặng anh món quà nào. Tóc sẽ mọc lại nhanh thôi – anh không lo điều đó phải không? Em phải làm như vậy. Tóc em mọc lại nhanh lắm. Thôi, chúc mừng Giáng sinh đi, chúng ta sẽ hạnh phúc. Anh không biết món quà em tặng anh đẹp đến cỡ nào đâu!”

“Em đã cắt tóc rồi sao?”, Jim hỏi một cách khó nhọc, chừng như anh không thể hiểu được sự thực hiển nhiên đó tuy đã mất công suy nghĩ.

“Cắt rồi và bán rồi,” Della đáp, “ Nhưng anh vẫn cứ yêu em chứ? Không có tóc em vẫn là Della của anh thôi, phải không?”

Jim thẫn thờ nhìn khắp phòng.

“Em nói là em bán tóc rồi à?”, Jim hỏi lại như một kẻ ngớ ngẩn.

“Đừng mất công tìm kiếm”, Della nói, “Em nhắc lại là em bán rồi. Ngày mai là lễ Giáng sinh. Đừng giận, em hy sinh mái tóc vì anh. Có thể tóc em quý thật đấy, cô nói tiếp, giọng êm ái mà nghiêm túc, nhưng không ai tính được cái giá của tình yêu em dành cho anh, Jim ạ. Bây giờ em chiên sườn nhé?”

Jim như chợt tỉnh cơn mê. Anh ôm ghì lấy Della. Ta hãy kín đáo quay nhìn chỗ khác trong mười giây. Tám đô la mỗi tuần hay một triệu mỗi năm, điều ấy có gì khác nhau? Nhà toán học hay người hóm hỉnh đều trả lời sai. Những người thông thái mang đến các món quà giá trị, nhưng trường hợp này không phải thế. Điều quả quyết khó hiểu này sẽ được soi sáng lát nữa đây.

Jim lấy một gói nhỏ từ túi áo khoác và ném lên bàn.

“Đừng hiểu sai về anh, Della. Không thể nào có chuyện một kiểu tóc cắt hay uốn hay gội khác đi lại làm cho anh bớt yêu em. Nếu em mở gói này ra thì em sẽ hiểu tại sao lúc nãy anh lại ngỡ ngàng như thế.”

Những ngón tay thon mềm lanh lẹ tháo tung dây buộc và mở gói giấy. Một tiếng reo mừng thích thú, và rồi, hỡi ơi, lập tức chuyển thành tiếng sụt sùi nức nở, cần có ngay sự vỗ về an ủi kịp lúc của chủ nhân căn hộ.

Bởi vì, trước mắt Della là những chiếc lược, cả một bộ lược, xếp xuôi và ngược, mà Della từng khao khát nhìn trong tủ kính một cửa tiệm ở Broadway. Những chiếc lược xinh xắn, làm bằng mai rùa, viền ngọc – Della biết là rất đắt tiền, lâu nay cô chỉ thầm mong ước mà không mảy may hy vọng có ngày sắm được. Giờ đây chúng đã là của cô nhưng những lọn tóc cho chúng trang điểm lại không còn nữa.

Della ôm mấy chiếc lược vào lòng, mơ màng nhìn chúng rồi nở nụ cười dịu dàng nói: “Tóc em mọc nhanh lắm, Jim à!”

Rồi Della nhảy nhót như chú mèo con phỏng lửa và kêu lên :”Ôi, ôi”.

Jim vẫn chưa thấy món quà của anh. Cô vội vàng xòe bàn tay đưa quà ra. Ánh kim khí lóe sáng như phản chiếu nét hân hoan rạng rỡ trong cô.

“Thật tuyệt vời, đúng không, Jim? Em lùng khắp phố để kiếm nó. Bây giờ anh có thể mỗi ngày xem giờ cả trăm lần. Đưa đồng hồ đây, để em xem có dây này nó trông ra sao.”

Thay vì làm theo lời cô, Jim đến ngồi trên ghế, tay ôm lấy đầu và mỉm cười.

“Della, cứ cất những món quà Giáng sinh này đi. Chúng thật quý, không cần phải dùng ngay . Anh đã bán đồng hồ, lấy tiền mua lược cho em. Thôi, em chiên sườn đi!”

Magi, như các bạn biết đấy, là những người thông thái, những nhà thông thái tuyệt vời – đã tặng quà cho chúa Hài đồng trong máng lừa. Họ đã sáng tạo ra nghệ thuật tặng quà Giáng sinh. Bởi họ là nhà thông thái nên quà tặng của họ chắc chắn cũng khôn ngoan, có thể được ưu tiên thay đổi trong trường hợp trùng lặp. Và ở đây tôi đã chắp vá thuật lại cho bạn một chuyện thời sự chẳng mấy ly kỳ về hai đứa bé ngu ngốc sống trong một căn hộ chung cư đã hi sinh cho nhau một cách ngớ ngẩn để mất đi những tài sản quí báu nhất. Tuy nhiên điều muốn nói sau cùng với những người khôn ngoan ngày nay là: trong tất cả những người tặng quà, hai người này là thông thái nhất. Trong tất cả người tặng quà và nhận quà, họ là hai người thông thái nhất. Ở nơi đâu họ cũng là người thông thái nhất. Họ là những Magi.

THÂN TRỌNG SƠN

dịch và giới thiệu.

HOẢI CÂU LỤC LÁC

Thái Cát Thân Trọng Tuấn (VH-LVC)

Thái Cát sinh ra tại làng Trường Xuân, huyện Đông Sơn, tỉnh Thánh Hóa. Là con địa chủ, khi thấy một hàng người mang cờ và biểu ngữ la hét ồn ào kéo vào nhà như đã ra lệnh từ mấy ngày trước, vẫn không chút sợ hãi, chỉ im lặng giương mắt đứng nhìn. Rồi thấy cái chảo cháo rau má trên bếp bị đổ ụp xuống đất, tịch thu mang ra sân phát cho người bị bóc lột đang la hét vang lừng! Rồi … những câu than thở “Nhà người ta ăn ngày ba bữa nó cằn bụng!”. Rồi phải cẩn thận dè chừng khi ra đường, không được bước vào những vùng đất cấm! Trong trí nhớ lưa thưa, một khúc đường đất nào đó trong chợ Rừng Thông … một khúc đường đất bụi mù của Phố Thanh mà Thái Cát lén chạy ra lượm  hòn đá đã làm người trong nhà la hoảng chạy vội ra bồng vào … Những cái bánh Tây trong lều vải di cư ở Hải Phòng vàng hơn bỏng ngô … Chai nước cam vàng được đổi bằng đồng bạc xé hai trên bến tàu của những người có giọng nói nghe như hát … “Con có nhớ Trường Xuân không?! Nếu không ngoan, sẽ bị trả về ngoài ấy!?” … Vâng! Con sẽ mãi ngoan! Ngoan cho đến khi đang gỏ những hàng chữ này nơi xứ Mỹ! Trường Xuân! Chợ Rừng Thông! Phố Thanh! Hà Nội! Hải Phòng! Sài Gòn! Huế! Nguyệt Biều! Đầy ắp như vậy thì còn chỗ nào nữa mà nghịch, mà hư, mà quậy phá? Nhớ và thèm mấy con bọ nuỗm nướng trên lửa rơm trong mùa gặt. Kể chuyện bọ nuỗm này, ai nghe cũng cười ngạo cho là mọi rợ. Kể chuyện những con mối đất bay ra khỏi hang khi trời mưa, thắp  ngọn đèn để giữa thau nước, khiến lũ mối bay vào, sa xuống, rụng hết cánh, xong vớt ra, cho vào chảo, bắc lên bếp, rang vàng. Ngon tuyệt! “Thế đôi cánh gà của mi mô rồi? Gà ăn mối đất!”

Hè năm 1957, theo nhóm văn nghệ của anh Hồ Xuân Xãi ra chơi bãi cát làng Lương Quán. Nghe hát bài “Màu Tím Hoa Sim”. “Màu tím hoa sim là màu áo em tôi! … Màu hoa như máu, chan hòa những khổ đau … Là màu nhớ thương nhau … Bao mái đầu …” Nhìn qua bên tê sông, dãy Trường Sơn hùng vỹ. Cây Thông Một sừng sững. Góc mô đó, một sở của dòng Phú Xuân lặng lẽ, nơi mà Thái Cát có lần được các chị trong trường Trung Hòa dẫn lên “ăn sim”. Lời bài hát lãng đãng, vu vơ…

Rồi sau Tết Mậu Thân… Tờ báo Văn kể chuyện Nhân Văn Giai Phẩm… Rồi ống loa của Ty Thông Tin Huế hàng tối, phát ra giọng Thái Thanh qua những bản nhạc của Phạm Duy. Màu tím hoa sim bàng bạc trong làn sương khói mờ mờ … Trong lớp Việt Hán 4A, Nguyễn Đức Liệu truyền cảm ngâm bài thơ tình lãng mạn của Hữu Loan, khiến mềm lòng một  em Bắc Kỳ Di Cư nhưng biết noái giọng Huế ngồi hàng ghế đầu trong lớp. Âm hưởng bài thơ bay về cư xá Sư Phạm, tạm kết thúc với ly chè thịt heo quay. Thời thế đổi thay, mấy cánh hoa sim thày lay bay sang Mỹ! Thái Cát ngồi đây, nhướng con mắt già ti hí nhìn màn hình của máy điện toán! Nhớ Trường Xuân! Nhớ chợ Rừng Thông! Nhớ phố Thanh có quán bán hộp sữa bò giá mười vạn đồng bạc. Nhớ chuyện tình của anh chàng làm bài thơ choáng váng một chuyện tình! Nên quý trọng những chút chút xinh xinh. Phải dứt khoát quên đi những gì gai gai ghét ghét! Thái Cát cả đời chưa hề thấy hoa sim Thanh Hóa! Nhưng vẫn yêu hoa sim như nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển hẹn người yêu dưới gốc sim già khi hạt sim vẫn chưa rơi xuống đất! Trong một chút rãnh rỗi, giữa cuộc đời lao xao, Thái Cát bỗng tào lao, hoải một câu lục lác, chuyện hoa sim tan tác, làm đổ lệ nhiều người!

Hè năm 1975, Thát Cát bỏ đi chơi, trở thành kẻ mất dạy. Đi đến cuối chân trời, bàn chân chai những vảy.

Lắm lúc nhớ lại đời. Tại sao ra làm vậy? Tài thua hột cỏ may. Mà đặc bày khí khái. Thơ rặc giọng kẻ chài. Văn tầm phào ngu dại! Cũng theo đòi tạo dựng một mối tình. Lại xách mé bày những điều trái khóe!

Này nhé! Chuyện học hành thi cử của cái nước Việt Nam. Hai chế độ phong kiến và thực dân đã từng diễn ra cùng một lúc. Thực dân mạnh thế, ép bức phong kiến xếp ve. Dựng trường học để đào tạo hàng nô lệ. Bày lớp nhì nhất niên rồi lớp nhì nhị niên làm gì thế? Thi tiểu học rồi thi vào trung học để làm chi? Rồi thi Thành Chung là bởi cớ gì? Trò gian xảo lật lường của thực dân bảo hộ! Ơi những người đã sống trong thời kỳ đó! Hãy làm ơn lên tiếng lấy vài lời! Ới anh bác sĩ Nguyễn Hy Vọng MD ơi! Anh đã trên 90 tuổi rồi, làm chút rảnh, kể lại chuyện đời xưa một chút! Chuyên đi thi bằng Thành Chung tức Đít Lôm ấy mà! Kẻ đi  thi, đậu cũng mừng và đậu cũng phải sợ lo. Đậu sẽ được phát bằng. Bảng ghi tên thi đậu có hai loại: Thứ nhất là đậu bảng chính. Thứ nhì là đậu bảng phụ, nói rõ ra là đậu bảng Gót! Người đậu bảng Gót có trình độ học lực quá dốt, cấm không được nạp đơn thi nữa! Cái thời hồi đó, những người nạp đơn đi thi Đít Lôm kháo với nhau câu “Thà hỏng tuột còn hơn đậu Gót”.

Sau khi đậu bằng Thành Chung, thời mấy ôn Khải Định và Bảo Đại chơi đùa trong Đại Nội, học sinh phải xin vào học trường Khải Định, tức là trường Nhà Tranh bên  bờ sông Hương, hay trường Bưởi tức trường Bảo Hộ tại Hà Nội. Hoàn tất hai năm này, có nghĩa là thông suốt, không thiếu điểm bị ở lại lớp, sẽ được nạp đơn xin dự thi bằng Tú Tài Thứ Nhất, tức Tú Tài Bán Phần, nôm na là Tú Tài Một, tiếng Pháp là baccalauréat du première. Ui chao ơi! Chứng chỉ học trình hai năm sau khi đậu Thành Chung! Tiếng Pháp là Certificat de cours de deux ans pour la troisième et la deuxième année. Ui Chao! Chứng Chỉ Học Trình! Certificat de cours! Năm 1957, gia đình Thái Cát lo lắng vất vả vì cái chứng chỉ học trình lớp Tư để xin vào học lớp Ba trường làng Nguyệt Biều! Tây  về nước hết cả rồi! Vua cũng sang Tây sống cho sướng! Chỉ vì cái tờ giấy mà làm cho thằng con nít tui đây khốn đốn! Ganh tị với nhà thơ Nguyễn Hữu Loan, lừng danh  với bài thơ tình Màu Tím Hoa Sim được tình nguyện mua  với  giá một trăm triệu đồng Giải Phóng của Hà Nội. Hoải rằng: «Ôn Nguyễn Hữu Loan lấy mô ra chứng chỉ học trình lớp Đệ Tam và Đệ Nhị (la troisième et la deuxième année) để nạp đơn thi Tú Tài Một (baccalauréat du première) rứa hè?» Ôn Nguyễn Hữu Loan nghèo, không thể vô học trường Ly Xê Khải Định ở Huế, cũng không thể ra Hà Nội học trường Bưởi tức là trường Lycée du Protectorat (Trường Trung học Bảo hộ) về sau là trường Chu Văn An. Nghĩ về một chuyện cũ, có ông tên Tôn Thất Triêm ở trên dốc Nam Giao, đậu bằng Tiểu Học (Primiere), làm thư ký tòa Khâm sứ gần cầu Trường Tiền. Lâu ngày thăng Phán sự. Tôn Thất Triêm có hai con rễ là Tướng Lữ Lan và Tướng Tôn Thất Đính của Việt Nam Cọng Hòa. Chỉ đậu tiểu học mà đã xênh xang như ri. Nguyễn Hữu Loan đậu đến bằng Thành Chung (Diplôme) nếu không dạy học cho các trường của người Pháp, thì có nhiều cơ hội làm cho các sở tư nhân, lương vững vàng. Cớ sao lại làm tên «Đầy tớ trí thức» gia sư? Vẫn gọi là «précepteur». Phải chăng bằng Thành Chung (Diplôme) của Nguyễn Hữu Loan là bằng đậu Gót, nên đơn xin việc luôn bị bác? Và chuyện ôn Nguyễn Hữu Loan thi đậu bằng Tú Tài có thiệt không đây? Ai đó rảnh thì giờ, lòng hy sinh vô bờ, ghé Paris, vô viện bảo tàng Paris, tìm thử coi có thấy văn thư ghi lưu những chuyện thi cử của Pháp tại Việt Nam, có thấy tên Nguyễn Hữu Loan thi đậu Bac 1 hay không?

Chuyện tình của Nguyễn Hữu Loan giai đoạn đầu đẹp như chuyện tình của anh chàng Rémi nghèo đói với cô bé câm Lise trong chuyện Vô Gia Đình (Sans famille) củaHector Malot. Ôn Nguyễn Hữu Loan đưa cô học trò mới 8 tuổi lên đồi sim. Thăng hoa từ đây! Ơi mấy người đồng môn ban Vạn Vật! Cây bí, cây mướp, vừa ra hoa, vừa cho quả cùng thời! Cây lúa, khi trổ đòng đòng thì chưa có hột lúa. Khi lúa chín, sẵn sàng gặt hái thì không còn đòng đòng. Đầu mùa hè thì cây phương vỹ của xứ Huế bắt đầu nở hoa đỏ rực. Khi những con ve sầu hò hẹn, thì những trái phượng uốn  mình trong lớp lá xanh um. Cơn lụt tháng mười, cuốn trôi những trái phượng nâu đen còng quẹo! Trong nước lụt, lượm trái phượng rơi ẩm ướt, hỏi các bạn đồng môn ngành Vạn Vật, các bạn cầm trái phượng rụng, có còn thấy cái hoa phượng màu đỏ rực lẫn chút cánh trắng chấm đen mô không? Cụ Nội của Thái Cát có trại Cổ Bi trong vùng Hiền Sĩ. Núi Sơn Quả tui cũng đã có lần chui vô. Sim, Móc, Muồng, Ươi, Chằm tơi đều đã thò tay hái. Chuyện về Cổ Bi ăn sim vẫn có hàng năm! Những trái sim mỡ đen láng bóng ngon lành, những trái sim cồi loang lỗ trông thiệt tội.  Lúc đi ăn sim này, đố mà tìm cho ra một cái bông sim gọi là có! Chắc có lẽ vùng núi Nưa, sông Chuồn ngoài Thanh Hóa khác biệt với núi Cổ Bi, nên hoa sim vẫn tràn đầy trên chùm sim tím, cơ hội cho cô bé Lê Đỗ Thị Ninh hái đầy một nón lá những trái sim tím ngọt tươi! Thăng hoa như rứa thì thôi!

Lại chuyện từ Thanh Hóa, làng Nguyệt Viên, có ông Nhiêu họ Lê Xuân mở cửa hiệu sản xuất loại nhựa làm đế giày như những đế giày thể thao của Pháp. Hình ảnh của những cán bộ Việt Minh  vào thủ đô Hà Nội năm 1945 mang loại giày này. Chỉ có quân đội Pháp mới mang giày đinh, thời Thái Cát vẫn gọi là « Giày Săng Đá ». Câu thơ «Tôi mặc đồ quân nhân đôi giày đinh bết bùn đất hành quân … » trong bài thơ Màu Tím Hoa Sim nhắc nhỡ một hình ảnh thế nào? Sau năm 1975, câu «Đôi dép râu dẫm nát đời tươi trẻ…» tạo một hình ảnh rõ ràng, không phản biện. Sau năm 1975, chẳng thấy một anh Giải Phóng nào mang giày sô của Mỹ Ngụy cả. Vậy hoải một cách lục lác: «Ôn Nguyễn Hữu Loan là Việt Minh hay lính đánh thuê của Pháp rứa hè?»

Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, Ôn Nguyễn Hữu Loan nói rằng ôn nạp đơn xin ra khỏi quân đội, nhưng bị từ chối. Ôn ngang nhiên bỏ ngũ, trở về Thanh Hóa. Ui chao! Sao dễ dàng như vậy nhỉ? Trong khi Nguyễn chí Thiện, Vũ Thư Hiên bị giam không bản án hàng chục năm. Ôn Nguyễn Hữu Loan lại cả gan lấy cô con gái thuộc vào hàng địa chủ đã bị án xét của chủ tịch xã cấm mọi người giao thiệp. Cô gái con địa chủ này sinh cho ông đến những 10 người con! Chắc chắn là không phải sinh mười! Cũng không nghe nói sinh đôi, sinh ba. Ôn Nguyễn Hữu Loan tự sống thoải mái theo ý riêng, lại lấy xe ba gác, vào núi chở đá ra chợ bán, lấy tiền sống qua ngày. Công an chỉ mất công tịch thu xe, không «kỷ luật» ôn. Ôn lại dùng gỗ đóng xe cút kít, tiếp tục vào núi lấy đá. Như vậy là ôn ăn trộm đá núi của nhà nước, tài sản của nhân dân. Kẻ trộm và kẻ mua đồ ăn trộm sao vẫn thong dong tự tại. Ôn lại ngang nhiên làm dũi trộm cá ven sông vào ban đêm, mà không sao cả. Chắc có lẽ Công An Nhân Dân ngủ say hết hay sao? Ngủ chi mà lắm thế? Đêm nào cũng ngủ say nên không biết chuyện người ta dũi trộm cá bờ sông! Ôn Vũ Thư Hiên sau khi được thả ra khỏi chỗ tạm giữ vì Hà Nội không bao giờ có cái gọi là nhà tù, nhờ có giấy  phép của Vũ Văn Kiệt mới được vào Sài Gòn gặp đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Ai ký giấy cho phép ôn Nguyễn Hữu Loan vô Nam rứa hè?  Lại nữa, đào ngũ trên 30 năm, lại được truy cứu lương hưu, phải nhờ bạn thúc dục, mới chịu ký giấy nhậu hưu. Kiki và TôTô ơi ! Liệu mấy chú có chịu tin đây  là sự thật hay không? Nên lịch sự một chút, không nên nói tiếng Mỹ để mong ta đi một cách rừng rú, nghe chưa?!

Ơi mấy ai đã đọc bài này, có thể làm ơn trả lời giùm câu hoải lục lác này của Thái Cát chút không?!

Thái Cát Thân Trọng Tuấn (VH-LVC) chuyển từ California ngày 20 tháng 12 năm 2023. Xin tùy ý sử dụng.

Chín Chuyện Tào Lao

Thái Cát Thân Trọng Tuấn (VH-LVC)
Năm 1954. Thái Cát may mắn di cư vào Nam. May hơn nữa là được ra Huế, lên làng Nguyệt Biều sống với bà Nội. Lúc đó, cơ thể Thái Cát gầy còm, bụng ỏng, khi ngồi thì “đầu gối quá tai”. Đây là kết quả của hai năm sống ở Thanh Hóa, chỉ có rau má và nước lã. Do đó các bác, các chú, các cô bàn với bà Nội cho Thái Cát vào học nội trú trường nhà dòng, luôn tiện được chăm sóc chữa các chứng bệnh bị lây nhiễm từ làng Trường Xuân, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nhân lúc đang còn nghỉ hè, bà Nội cho ra học hè theo lớp của anh Đặng Đức Tín, mở tại ngôi nhà làng ở xóm Trung, sau lưng quán Mụ Nghĩa, mạ của hai thằng Bò Anh và Bò Em, ngang lứa tuổi với Thái Cát. Anh Đặng Đức Tín là chắt nội của cụ Thượng Đặng Đức Siêu, nhà ở trong cửa phường họ Đặng, đối diện với nhà bà Nội của Thái Cát. Cụ Thượng Đặng Đức Siêu là Thượng Thư bộ Lễ triều Gia Long, kiêm hàm Thái Bảo, là thầy dạy Thái Tử Đởm đọc sách thánh hiền, nhưng không thèm đi thi mà có quyền ra đề thi và chấm bài các thí sinh thi bằng Tiến Sĩ. Thái Tử Đởm tức là vua Minh Mạng sau này.

Cửa phường họ Đặng của cụ Thượng Đặng Đức Siêu (Nguyệt Biều)

Sau khi xong lớp hè, Thái Cát được vào trường Trung Hòa, thuộc dòng Phú Xuân. Trường không ở trong vùng đất Phú Cam, lại ở ngay trên đường cái làng Nguyệt Biều, cách đình làng Nguyệt Biều một quảng ngắn, và chỉ cách nhà của bà Nội của Thái Cát vài ba quảng đường làng. Vì cần chữa bệnh, nên cuối tuần, lễ Giáng Sinh và Phục Sinh vẫn phải ở lại trong trường. Chỉ Tết và nghỉ hè mới được về nhà Bà Nội. Hết chuyện tào lao thứ nhất.

Năm 1957, bà Nội Mất. Thái Cát rời trường Trung Hòa, xin học trường làng Nguyệt Biều. Ba năm theo học trường Trung Hòa, Thái Cát nằm trên giường bệnh nhiều gấp mấy lần ngồi trong lớp học, và lừng danh đội sổ! Đây là một tình trạng mà cơ thể Thái Cát không thể hấp thụ cũng như không thể tiêu hóa lactose (đường sữa) có sẵn ở bên trong loại sữa bột của Mỹ viện trợ. Bánh mì và sữa bột khuấy nước đun sôi trong bữa ăn sáng là căn bản cho những học sinh “Inh Tẹc” tức là “Học Trò Nội Trú” nôm na là “Học Trò Trong”. Chị Louis hàng ngày chích thuốc, theo dõi tình trạng sức khỏe của Thái Cát, thỉnh thoảng thụt nước thông bụng đi cầu làm Thái Cát rét run! Lắm lần Thái Cát cầu xin được Cha Bề Trên làm phép cho hết bệnh, nhưng không ai chịu ngỏ lời xin giúp. Ba niên khóa khổ sở, không ai thắc mắc lý do gây chứng đau bụng hãi hùng. Không ai thắc mắc là trong mấy tháng hè về ở với Bà Nội, Thái Cát khỏe re! Sau khi rời trường dòng Trung Hòa, ra học trường làng Nguyệt Biều, không hề bị đau bụng. Vì vậy, xin theo học lớp Nhì trường làng, nhưng bị chê, bắt xuống lớp Ba. Lại cái nạn Chứng Chỉ Học Trình phải là lớp Tư mới được học lớp Ba. Trường Trung Hòa cứ theo cuốn Thông Tín Bạ cấp Chứng Chỉ Học Trình Lớp Ba mới gây ra những chuyện lôi thôi. Cuối cùng, Bác Thân Trọng Tề đang dạy lớp Ba trường làng Nguyệt Biều, nhận dạy, nên được vào trường. Hết chuyện tào lao thứ nhì.

Học hết lớp Nhất, chương trình của bộ Quốc Gia Giáo Dục cho miễn thi Tiểu Học. Lúc này, Thị xã Huế có ba trường công lập cho nam sinh là Quốc Học, Nguyễn Tri Phương và Hàm Nghi. Trường công lập cho nữ sinh là Đồng Khánh. Bác Cả Thân Trọng Hy biểu nên nạp đơn thi vào trường Hàm Nghi, vì trường mới mở, hơn nữa có anh con Bác là Thân Trọng Thắng đang dạy ở trường này. Thế là Thái Cát mừng như trúng số độc đắc, đã được “gởi” như ri thì còn lo chuyện chi nữa! Do đó, khoe rùm lên, chê sách vở không bằng mấy con chim non trong tổ chưa chập bệ lụn! Vào phòng thi: Làm bài Luận thì lạc đề, làm bài thi Toán thì loay hoay tính hoài không ra đáp số! Ngày ra bảng, ghé thăm anh Thắng, anh biểu cầm lấy cây gậy tre ra đuổi mấy con gà! Gà chạy lạc lên chùa Báo Quốc, trốn vào trường Hàm Long do Bác Cả Thân Trọng Hy lập nên, đang làm hiệu trưởng. Gà quậy phá cục tác vang lừng làm cho một con rắn hổ mang nằm trong hang dưới gốc cây bồ đề, hoảng sợ trốn chui vào bàn giấy của bác Cả, may mà không cắn Bác. Cả nhà đề nghị bác Cả nhường trường Hàm Long lại cho Đại Đức Thích Trúc Phương đang giữ chức Giám Học của trường. Thích Trúc Phương đồng ý, sai anh thư ký của trường đem con rắn hổ mang xuống thả dưới gầm cầu Nam Giao, không rõ bằng cách nào. Đại Đức Thích Trúc Phương xuống Bến Ngự, vô nhà Bác Cả nhận giấy chuyển nhượng. Thái Cát chứng kiến rõ ràng. Thái Cát cũng sợ rắn hổ, nên bác cả Hy biểu chạy về trường Bình Minh của bà Ngô Đình Nhu trên đường Lê Lợi. Cây gậy tre anh Thắng cho chống quanh vườn Đoát. Thỉnh thoảng lại chọc mấy con cừu trắng và cừu đen trong sân cỏ sau viện Bài Lao. Buồn buồn ghé coai ôn gù khâu giày trên đường Lý Thường Kiệt nhìn qua ngả sáu Shaffanjon. Những khi Thái Cát có tiền, sau 2 giờ chiều, từ trường Bình Minh, nhảy cửa sổ tức là “Tẩu” khỏi lớp, qua mua cái bánh Paté Chaud giá hai đồng một cái, không thèm mua cái bánh mì lạp xưởng giá đến 4 đồng. Ông Mười bán bánh lạnh lùng, chẳng hề có được nụ cười. Chiếc tạp dề màu trắng sạch sạch nhớp nhớp trên người ông trông thiệt là sang nhất Huế. Hết chuyện tào lao thứ ba.

Mới đó mà đã hơn 63 năm rồi tề! Thỉnh thoảng cũng có người nhắc tới bánh ở “Sạt măng rông!”. Nhắc sơ thôi để gượng nhớ chút hương của thời hồi đó! Cái thời mà chẳng có ôn mô mụ mô noái cái bánh “cờ roát xăng” này nọ. Chỉ gọi thẳng cái tên “bánh mì lạp xưởng ở phát măng rông”! Nhớ ra chưa? “Ở Phát Măng Rông” chứ không phải “Của Phát Măng Rông”. Cái thứ bánh mì mà mấy cái “Thằng Lìn Ôn” không thèm mua, chỉ để dành cho mấy “Mụ Lìn Bà” các thứ! Mà nì! Noái thiệt rõ cho mà nghe! Nhưn nhụy của Paté Chaud là thứ “Nhưn Rời Xào Sẵn” thiệt sự đó nghe! Rời và khô đến độ có lúc một cái nhân nổ như hột bắp rang văng ra khỏi chảo. Không phải cái thứ nhân nhụy đóng cục như của mấy chú ba tàu làm theo cái kiểu kinh doanh thời thượng! Đời hồi đó, xen lạc vô mấy anh chàng mang nặng nền văn minh rừng rú, đi ăn sò tươi nhai rau ráu gần mẻ hết cả răng! Để qua ngày hôm sau mấy anh trở chứng, chê cơm cháo chẳng thèm ăn, ai hỏi tới thì than rằng chẳng biết vì răng khi không “sinh nặng bụng!”. Mấy eng “kheng” bánh “Pa tê sô (Paté Chaud) của Pháp thiệt sự đúng là loại bánh ăn thấy ngon “thứ dứt” thế giới”! Ui chao! Thiệt là mấy ôn trí thức! Trong căn nhà lợp “tôn-tranh” xứ Huế, mấy ôn không hề biết “nhà mền có bao nhiêu cái kiềng ba chân trong bếp”, nhưng biết tất rõ có bao nhiêu cây cầu bắc ngang qua “Sông Xen” bên Pháp. Không hề biết chùa Viên Thông ở chổ mô trên đường lên núi Ngự Bình, lại biết rõ con đường lên núi Phú Sĩ bên Nhật, biết rõ trong chuồng heo rừng ven đường lên núi Phú Sĩ có mấy con heo, biết đúng giờ bò đen Kô Bê thoải mái uống bia! Hết chuyện tào lao thứ tư!

Lại còn có mấy ôn biết rõ những anh chàng lực lưỡng hùng hục trong công việc nhồi bột, sau giờ quán “Phát Măng Rông” ở ngả sáu nhà thờ Nhà Nước chứ không phải ở sát bên cạnh trụ sở Phan Xi Cô Xa Vi Ê nhìn ngược ra phía sau có sân quần vợt, đang đóng cửa nghỉ đêm, ngoan ngoãn mở cửa giữa đêm khuya, bán cho cái bánh “Ba Tê Phờ Roa” (Paté Froid) tức là cái bánh “Ba Tê Nguội Lạnh” chứ có còn cái bánh Paté Chaud mô nữa, sau khi quán đóng cửa vào lúc 6 giờ chiều. Có eng Van Que Nguyen trời sinh cho con mắt tốt vàng trời, có thể nhìn qua loại kính cong mờ ngăn cách hình ảnh hai bên, loại kính này, tiếng Tây là verre obscur, tiếng Mỹ là obscure glass. Đứng trên vỉa hè rộng thênh thang, nhìn qua khung cửa sổ gắn kiếng verre obscur của tiệm Chaffanjon, mà thấy rõ những cái có bên trong tiệm, lại thấy luôn những cái chỉ xảy ra ban đêm sau khi quán đóng cửa. “Đứng trước cửa tiệm vẫn nhìn thấy rõ ở bên trong người ta đang làm bánh.Thợ làm bánh là các thanh niên lực lưỡng, ở trần trùng trục, ngực và bắp tay săn chắc vì ngày nào cũng dùng sức nhồi bột, còn hơn cả luyện thể hình. Da họ láng bóng trông như những võ sĩ quyền anh, mồ hôi mồ kê chảy dài, không biết có chảy xuống bột đang nhồi! có thể vì vậy mà bánh pâté chaud ngon cũng nên. Van Que Nguyen BÁNH PÂTÉ CHAUD Hết trích.” Gớm! Chuyện bánh Tây ở Thần Kinh và kéo thêm Tàu Chợ Lớn vô làm bánh thì thiệt nói không ngạ. Muốn vào tiệm Shaffanjon, phải qua một cái cổng vòm, nhìn ra sân quần vợt. Về sau, có người thuê sân quần vợt này bán bún bò, có ngay tên gọi “ Bún Bò sạt măng rông”. Qua khỏi bức tường phía tay trái, rẻ trái sẽ thấy một cái cửa sổ lớn, có song sắt. Đứng bên ngoài cửa sổ này, hỏi mua bánh bên trong. Ông Mười sẽ mang bánh ra từ chỗ nào đó, nhận tiền qua khung cửa sổ. Không có biên lai giá cả mua bán, rất khó thấy các thứ bánh trưng bày. Giữa phòng là một cái bàn thật rộng, mặt bàn thường để trống, bịt kín không thấy chân bàn. Mấy cái lò nướng cần để ý mới thấy nằm mé xa phía bên vách hướng tay phải. Trí nhớ chập chùng của Thái Cát sau 60 năm lưu lạc! Cuối năm 1973, rời xứ Huế quen thân, lên nhận nhiệm sở Pleime, đùa chơi với cái đuôi trâu xứ Thượng như vẫn hằng mong ước. Cây cầu mới ồn ào đóng cọc ngày đêm vang động xứ Huế, xây cất vội vàng không thèm nghiên cứu địa thế cái chi mô. Từ múi cầu Mới, trên đường Lê Lợi, hướng về phía nhà Ga Huế, bắt đầu là Viện Bài Lao, liên tiếp Nhà Thương Lớn, Tòa Tỉnh, trường Đồng Khánh, trường Quốc Học, nhà ông Tỉnh trưởng, trường Luật khoa, … Từ múi cầu Mới, trên đường Lê Lợi, hướng về cầu Trường Tiền, Nhà thuốc tây Lê Đình Phòng nhìn qua câu lạc bộ Thể Thao. Khách sạn Thuận Hóa, Thư Viện Đại Học, trường Hưng Đạo (Thành Nhân) ngó xéo qua Trung tâm Liễu Quán… Sở Du Lịch, Công Viên Đài Phát Thanh, băng qua Văn Khoa, Khoa Học, phía sau là Cà phê Tổng Hội, hướng ngược lên Ga Huế, tư gia, quán phở Cỏ May, Ty Y Tế Thừa Thiên, nơi Thái Cát phải đến chụp hình phổi bổ túc hồ sơ trước khi ra trường, nhận nhiệm sở. Quán Góp Gió ở chỗ mô rứa hè? Có lẽ là đã bay vô chơi trong phi trường Cù Hanh, Pleiku, khi bay, rơi mất chữ Góp, chỉ còn chữ Gió, hay bay ra tắm sương ở vùng núi Sapa cùng những khách du lịch? Từ cầu Mới đi thẳng lên Shaffanjon, bên phải là Vườn Đoát, bên trái là đồn Cảnh Sát Trương Định, tiếp những ao rau muống lên tới chỗ ông Gù sửa giày. Quán Góp Gió ở chỗ mô rứa tề? Chắc chắn là phải nằm gọn trong trí tưởng tượng, thảnh thơi luyến ảo. Cũng đành! Hết chuyện tào lao thứ năm.

Thời Khải Định sang Tây, người dân An Nam cũng có nhiều người đi Tây. Dân Việt gốc Pháp giàu có ở Nam Kỳ Quốc như gia đình Nguyễn Hữu Hào, gia đình Trần Văn Đôn, gia đình Phạm Ngọc Thảo v.v. Chuyện Bảo Đại du học đã được kể riêng trong “Mệ Vững Phá Nhà”. Gia đình nghèo của quan Huyện gốc Quảng Nam ở Bắc Kỳ Quốc thuộc tỉnh Hải Dương như thân sinh Nguyễn Tường Tam. Nguyễn Tường Tam du học. Không rõ tình trạng du học của Nguyện Tường Tam ra sao vì không được đọc cuốn “Đi Tây” của Nhất Linh. Sau khi Bảo Đại về làm vua, hay làm Quốc Trưởng, cũng có nhiều người sang Pháp du học như Dược Sư (thầy dạy Dược Sĩ) Thân Trọng Tuệ về dạy trường Dược ở Sài gòn thời đệ Nhất Cọng Hòa. Anh Tuệ lúc ban đầu phải nhờ tài trợ của gia đình, sau mới được học bỗng, hoàn thành chương trình học. Anh Tuệ là anh ruột của thầy Thân Trọng Thắng, dạy trường Hàm Nghi trong Thành Nội, Huế, cả hai đều cùng là con của Thầy Thân Trọng Hy, hiệu trưởng trường Nguyễn Tri Phương, Đốc học trường Khải Định tức là trường Quốc Học, về sau là người sáng lập ra trường Trung học Tư Thục Hàm Long trong chùa Báo Quốc, Huế.

Trong số những người sang Pháp, hoặc là du học, hoặc là theo chồng, hoặc là những người giúp việc theo hầu cậu Ấm, cô Chiêu, hoặc là chính trị, hoặc là buôn bán, vân vân, có nhiều hình thức phát triển về sau theo những ngành nghề khác nhau. Một số những người này có chung một sở thích là thèm món ăn An Nam. Từ thời đệ nhất Thế Chiến, những người lính An Nam sang Pháp theo nhu cầu được Thượng Thư Phạm Quỳnh kêu gọi trên Quốc Trái Phiếu “Rồng Xanh Phun Bạc – Đánh Đuổi Đức Tặc”. Hàng ngày, những người lính An Nam này vẫn thường nấu một nồi soup bò vẫn gọi là pot-au-feu. Truyền thuyết món Phở là do từ âm Feu (Lửa) của nồi xúp tha phương này mà thành. Xa quê hương, những du tử này thường nấu món dân tộc và mời nhau trong chổ ở riêng. Những bộ lòng heo, lòng trừu, lòng gà ở sở Tể Sinh (abattoir) được nhân viên cắt tặng cho dân Mít sang Tây một vài khúc chút chút, vì lẽ dân Mít sang Tây này đã văn minh, biết yêu thương nuôi các loại chó. Nấu món An Nam đãi nhau cũng có giới hạn, nhưng nhu cầu càng ngày càng tăng. Việc Mít xin mở tiệm ăn nấu món Việt ở Paris thật khó khăn vì những món lạ lùng, lạc hậu, nhất là món tiết canh lòng heo, thắng cố ngựa, nem chua! Cho dù món bơ thúi lẫy lừng của Pháp là loại bơ Langres, Maroilles, Trou du Cru, Pont l’Évêque, Roquefort, Époisses de Bourgogne, Munster, Camembert, Roquefort , Époisses de Bourgogne, Vieux Lille cũng phải thua loại Froma d’Annam tức là món Chao Thúi truyền thống An Nam tại Hà Nội.

Người Pháp, người Ý, người Pháp và một số lớn của những người trong các quốc gia ở châu Âu cũng ăn nội tạng gia súc. Ngoài ra còn có cả món giòi bọ do trứng ruồi nở ra từ những thú rừng săn được mang về, treo giữ hàng tuần như nai, ngỗng, vịt trời, vân vân. Mắm nêm của Việt Nam được cho là ngon khi có những con giòi lúc nhúc, nhưng tuyệt đối không ai ăn giòi chiên bơ như người Pháp. Nếu người Việt có món dồi thì người Pháp, người Đức, người Âu Châu cũng có món xúc xích, bắt đầu từ bộ đồ lòng. Người Anh có pork sausage, Pháp có saucisse de porc, Đức có Schweinswurst, Ý có salsiccia di maiale, Dutch có varkenssaus, Portuguese có salsicha de porco, Thổ Nhĩ Kỳ có domuz sosisi, Czech có vepřová klobása, Hy lạp có χοιρινό λουκάνικο, Ả Rập có sajaq lahm alkhanzir (سجق لحم الخنزير), Hung gia Lợi có sertés kolbász. Vân vân.

Lá sách, bao tử, thận,… cũng là những món ngon đặc biệt của dân Âu Châu, tuy cách nấu khác với dân Á Châu. Hết chuyện tào lao thứ sáu.

Người Tàu nổi tiếng về tài nấu thức ăn. Nhưng người Tàu không thể nấu Phở Bắc, Bún riêu, Bún Bò Huế hay Chả Giò Nam Kỳ ngon như các tay bếp người Việt. Nước Việt Nam, tài nấu ăn vẫn được dành cho các người miền Bắc. Ăn Bắc, Mặc Kinh. Tuy nhiên, năm 1932, Bảo Đại về nước chấp chánh, hội chợ được mở ra tại các thành phố lớn. Riêng tại Kinh Đô Huế, giải thưởng nấu ăn trao tặng cho cô Công Tằng Tôn Nữ thị Cơ, tục danh Cô Ngãi, thuộc Phòng Trấn Định, Hoàng Tử thứ 56 của vua Minh Mạng là Nguyễn Phúc Miên Miêu. Chuyện Cô Ngãi có kể trong ”Mệ Vững Phá Nhà”. Cô Ngãi thắng giải nấu ăn của Hội Chợ qua các tài: Làm Bánh Chưng không cần khuôn, không cột giây, để cả tháng vẫn dẻo thơm ngon, không sống lại gạo. Bánh in đủ loại bằng bột măng tre. Bánh lá chả tôm. Chè thịt heo quay. Giấm nuốc. Bún Bò Tái, vân vân. Tan cuộc hội chợ Kinh Đô Huế, qua sự trợ giúp bí quyết nhồi bột và kỹ thuật lò nướng của tiệm Shaffanjon, Cô Ngãi có cơ hội chế ra bánh mì lạp xưởng và bánh Paté Chaud. Trong công việc gia chánh, không phải một mình Cô Ngãi lo hết mọi chuyện. Trợ giúp Cô là những người phụ tá và các học trò có khiếu trong việc bếp núc. Về sau này, Cô Hoàng Thị Kim Cúc rất nỗi tiếng, đàn em của Cô Ngãi, dạy Gia Chánh cho trường Đồng Khánh Huế. Cô Hoàng Thị Kim Cúc có ra sách dạy nấu ăn, xét kỹ, Cô Hoàng Thị Kim Cúc vẫn không biết nấu phở bò và làm bánh tét. Cho đến hôm nay, các hiệu phở trên thế giới, không ai xổ một quả trứng gà vào bát phở theo như sự hướng dẫn trong sách dạy nấu ăn của cô Kim Cúc. Ông Nguyễn Phúc Vĩnh Bạch, từng giữ chức Phó Thị Trưởng Thị Xã Huế, là em trai Cô Ngãi, sau năm 1975 sang Texax, làm loại Chả Lụa bán cho dân Việt Di Tản, đủ tiền nuôi đàn con ăn học thành tài. Khi nhập tịch công dân Mỹ, ông Vĩnh Bạch cho con cháu của ông cải từ họ Nguyễn Phúc ra họ Trấn Định lấy từ tước Trấn Định Phòng do vua Minh Mạng phong tặng. Lại thêm một chút lôi thôi! Khi nghe khai là họ Trấn Định, người ta chê sao mà dốt quá vậy? Ngay cả họ của mình là Trần Đình mà cũng nói sai, bày đặt sửa dấu huyền thành dấu sắc và dấu nặng làm chi không biết nữa! Thiệt là ngu hết biết! Nì, vậy thì ai là đứa ngu ở đây ri hè? Hết chuyện tào lao thứ bảy.

Hình ảnh một bữa cơm gia đình hàng ngày của nhà giàu trong những cái năm hồi đó, có bồi bếp đứng vây quanh phục vụ. Người Bếp lo bày dọn thức ăn, người Bồi lo xới cơm hay làm những chuyện chủ cần khí ăn cơm như lấy thêm nước mắm hay mấy cái tăm bông. Đây là cảnh trưởng giả học làm sang theo lối thực dân Pháp thời ôn vua Louis. Cụ Lớn cho con, cháu của Cụ sang Pháp du học bất kỳ mọi thứ ngành nghề, Cụ vẫn kín đáo cho người sang Pháp theo hầu hạ cậu Ấm, cô Chiêu như giặt áo quần, xếp dọn giường chiếu, rửa chân cho tiểu chủ trước khi tiểu chủ đi ngủ, vân vân, nếu cô cậu chê đời sống Inh Tẹc trong ký túc xá rộn ràng, phải thuê nhà riêng mà sống cho thoải mái. Riêng chuyện Thái Tử Vĩnh Thụy, có ông Hoàng Tùng Đệ Nguyễn Phúc Vĩnh Cẩn đi theo làm bạn; có cả thầy dạy văn hóa Á Châu cho Thái Tử biết rõ về tông tộc cội nguồn; có người lo rửa chân dọn giường cho Thái Tử ngơi; vân vân. Có điều, nhà của vợ chồng ông bố nuôi là Jean François Eugène Charles – cựu khâm sứ Trung Kỳ – chỉ còn một chỗ cho Vĩnh Cẩn, ngoài ra, không đủ chỗ chứa bốn vị đại thần theo hầu Thái Tử, và sau khi Khải Định hồi hương, ít kẻ biết sự việc của bốn vị này đã ra sao?

Muốn mở tiệm ăn ở thủ đô ánh sáng, phải có bằng cấp ghi nhận khả năng nấu ăn – Diplôme de cuisine pour ouvrir un restaurant. Luật thuế của Pháp dành cho tiệm ăn có chút đặc biệt, ngoài số bàn ghế, có luôn cả thuế cửa sổ ! Do đó chuyện « kéo ghế » rất tốn tiền ! Sự quyền biến của người Việt có tài nấu món quê hương rất đáng khâm phục. Họ đã thấy những gầm cầu trên bờ sông Seine là nơi lý tưởng, khách đông vì giá quá rẻ bởi lẽ không bị đóng thuế theo kiểu nhà hàng. Không tốn tiền thuê cửa tiệm. Chổ dưới gầm cầu có lẽ giá phí cũng chẳng bao nhiêu. Những gầm cầu tốt đã bị người ta chiếm hết chỗ, bèn chọn những gầm cầu xa trung tâm Paris mà bán lậu Bún, phở, cháo lòng, các loại bánh chiên, bánh hấp, bánh nướng và có luôn cả bánh nướng Paté Chaud! Ở đây, trước nước Mỹ cả trăm năm, đã có vô số người vô gia cư tức là «hôm lét» không biết xuất hiện từ bao giờ tại Kinh Đô Ánh Sáng! Có những «homeless» tức «sans-abri» và «sans abri depuis longtemps» dài hạn, và cũng có những hôm lét định kỳ «sans-abri à court terme»! Chuyện ông chủ ngân hàng, hay ông chủ công ty lớn đi bụi đời ngắn hạn, hàng năm ngự nằm hai tuần dưới gầm cầu hơi vắng khách là chuyện bình thường, không đáng ngạc nhiên ! Hết chuyện tào lao thứ tám.

Mãi đến năm 1954, khi vào lều tạm di cư ở Hải Phòng, Thái Cát mới được ăn «Bánh Tây Ram Bông» của mấy «Bà Xơ» phát ra. Tới Huế, loại bánh Tây bị đổi tên gọi là bánh mì. Phải vào buổi tối hơi khuya khuya, tại nhà bà Ngoại ở chợ Xép trên đường Ngô Đức Kế sát hồ Mưng, mới được ăn bánh mì nóng vừa mới ra lò. Vào nội trú trường Trung Hòa, buổi sáng ăn bánh mì tươi mềm hay khô cứng, và uống sữa bột pha nước nấu sôi của Mỹ Quốc Viện Trợ.

Người Việt Nam tính thường thích món dòn rụm, nên thường chọn loại bánh mì nóng mới ra lò. Người Pháp trái lại, muốn ăn bánh mì mềm, phải từ 2 đến 8 tiếng đồng hồ sau khi ra khỏi lò nướng. Người Mỹ cũng vậy. Thì cứ cho là không như hồi xưa làm bánh tại nhà, bây chừ thì ra tiệm mua cho nó khỏe! Không ăn bánh mì nóng dòn thì có chết thằng Mỹ đen mô mà sợ? Riêng bánh Paté Chaud thì phải từ nóng ấm đến nguội trơ mới đúng điệu. Tách cà phê đen nóng bỏng gạt tí bơ pertain vàng óng, từ từ nhâm nhi thưởng thức mùi vị thơm dòn của miếng Paté Chaud tí tẹo gậm nhấm dài thăm thẳm trong câu chuyện rì rào như mưa thu ngập ngừng không dứt hạt…

Sang tới Mỹ, những món ăn do dân di tản mở tiệm, nấu bán theo tiêu chuẩn thời khai sinh. Dần dần, các tay nghề xuất hiện. Trên đường Bolsa của thành phố Westminster, tiệm Croissant Duré, quảng cáo có bán bánh Paté Chaud học từ trường dạy làm bánh tại thành phố Paris. Thái Cát vội tìm đến, từ hình thức trông giống như cái bánh bày bán trong tiệm Tàu nằm trên đường Hoàng Diệu ve vẫy úp tròn kiểu đuôi trâu Pleiku, nhân bánh thuộc họ Màn Thầu ung ủng! Ấm ức vì tốn công, tiếc của, than phiền với cháu CHÍN, tức Thân Trọng Thị Túy Diễm, cử nhân Anh Văn, thủ khoa liên trường là Sư Phạm, Văn Khoa và Luật Khoa năm 1973. Trường Kiểu Mẫu Huế mời dạy. Năm 1974 du học trường Penn. State. Thuộc bang Pennsylvania. Hè năm 1975, Chú cháu gặp nhau ở thủ phủ Harissburg. Cùng dọn về California. Chín lo giấy tờ, rước Mạ và 2 chị sang Mỹ. Mạ tức Công Tằng Tôn Nữ thị Quế, là chị dâu trưởng của Thái Cát, vẫn gọi là Chị Cả. Chị Cả là em ruột của Cô Ngãi, tức Công Tằng Tôn Nữ thị Cơ, thuộc Trấn Định Phòng. Cậu của Chị Cả là quan Ngự Y, chăm sóc sức khỏe cho vua Khải Định, giới thiệu Chị Cả vào cung Diên Thọ, kể chuyện ngoài đời cho hai bà phi nghe. Tiện thể, Vĩnh Thụy mới lên 4 tuổi, Chị Cả có dịp dạy cho Vĩnh Thụy cách đếm các ngón tay. Thái Cát vốn thích nghe chuyện đời xưa, nên đến hầu thăm Chị Cả thường xuyên. Vì thế, khi nghe Thái Cát than về cái bánh Paté Chaud của tiệm Croissant Duré, Chín mới bảo cho biết bánh Paté Chaud phải là nhân rời, biến chế theo kỹ thuật riêng, mới ngon như vậy. Nhân đó, Chị Cả mới kể chuyện Cô Ngãi đoạt giải nấu ăn năm 1932 tại Huế. Càng khơi nguồn, càng biết thêm nhiều chuyện cũ nhưng rất mới lạ! Rồi từ cái tính lục lác, Thái Cát bày đặc chơi trèo. Loay hoay hơn nửa đời người mà làm cái bánh Paté Chaud trong mộng cũng không xong. Cô Ngãi là người tài hoa, đạt giải thưởng nấu ăn của Hội Chợ Kinh Đô Huế. Thái Cát mền chỉ là một du tử lạc loài, nấu nước lạnh cho sôi cũng chưa chắc đã xong, thì bày đặc bon chen làm chi cho mệt xác. Cặm cụi làm ba cái bánh, goại đại là Paté Chaud ọp ẹp, mời ai, cho dù chưa hề trông thấy hình hài chiếc bánh người ta đã vội từ chối cái rột. Có thể chỉ có một người đồng ý nhận lời, nói tiếng cám ơn, không bình phẩm, không đề nghị gởi thêm để cho Thái Cát ta vui thêm cẩm chút! Hủ mắm nêm gởi tiếp theo sau, chỉ bảo với Thái Cát là có người mô đó khen ngon. Ừ, cũng đành, có còn hơn không. Một vì sao xa thẳm mông lung. Mấy cái chuyện bánh búng tào lao có còn dòn thơm ngon như cái thời cây Cầu Sông Hương bò lảy trên mấy cái xuồng cao su sau Tết Mậu Thân không rứa hè?!

Thái Cát Thân Trọng Tuấn (VH-LVC) chuyển từ California ngày 19 tháng 12 năm 2023. Xin tùy ý sử dụng.

NGUYỄN KHẮC VIỆN – NHƯ TÔI ĐàBIẾT

Nhà báo Lê Phú Khải, tác giả của Hồi ký đình đám Lời Ai Điếu viết về một trong những nhà dân chủ đầu tiên và thực sự ở VN, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một trí thức cách mạng nổi tiếng cùng thời với GS. Trần Đại Nghĩa, triết gia Trần Đức Thảo, GS. Tạ Quang Bửu…

Ông nhận giải thưởng Grand Prix de le Francophonie năm 1992, tiền thưởng là 400.000 franc (tương đương 80.000 USD) cho hàng chục đầu sách tiếng Pháp vô cùng giá trị của ông (trong đó có Truyện Kiều dịch sang tiếng Pháp)

Ông là người đầu tiên đưa ra luận điểm: nước ta chưa có truyền thống dân chủ. Xưa nay, chúng ta quen nghe người khác ca ngợi mình, hoặc mình tự hào về dân tộc mình. Tự hào đến mức nhà thơ Nguyễn Duy phải viết ” ngộ độc ngợi ca, bội thực tự hào” thì những ý kiến thẳng thắn của ông là cần thiết để chúng ta bình tĩnh nhìn nhận lại những gì mình đã có và chưa có.

Phóng viên báo Tuổi Trẻ phỏng vấn ông sau khi ông nhận giải thưởng lớn Pháp văn :

– Bạn trẻ ngày nay nên học ngoại ngữ gì?

Ông đáp

– Nên học Anh văn. Đến hãng Air France cũng dùng tiếng Anh thì học tiếng Pháp làm chi, nếu muốn mưu sinh 🙂

Năm 1963, khi mới về nước, Nguyễn Khắc Viện đã tuyên bố một câu mà sau đó được giới trí thức ở Hà Nội lưu truyền: “Nếu mở mắt ra, nước Việt Nam biến thành nước Pháp thì tôi đi theo chủ nghĩa tư bản, còn như phải đi 200 năm đầy máu và nước mắt để Việt Nam trở thành nước Pháp thì tôi theo Liên Xô”.

Khi Liên Xô sụp đổ, nhà báo Lê Phú Khải thẳng thắn thân tình hỏi ông: “Khi xưa, mới về nước, bác đã nói một câu nổi tiếng về Liên Xô, nay Liên Xô đã tan rã rồi … giờ “cụ” nghĩ sao đây?”. Vẫn điềm đạm, chân tình, Nguyễn Khắc Viện trả lời: “ Giờ thì tôi đi theo kinh tế thị trường văn minh chứ không phải tư bản hoang dã …”.

Về sống cùng quê hương xứ sở, Nguyễn Khắc Viện mới bàng hoàng nhận ra: “Chủ nghĩa xã hội ngây thơ mang tính hoàn toàn Nhà nước thúc ép tất cả mọi người vào một cái khung áp đặt từ trên xuống, tạo ra một bộ máy quan liêu và hào lý nặng nề, tiêu diệt óc sáng kiến của nhân dân.”

Khi tình hinh xã hội đã trở nên rất nghiêm trọng, ông viết “Thất trảm sớ” gửi Quốc hội. Nội dung tóm tắt như sau:

1 – Đường lối đề ra tiến lên sản xuất lớn XHCN, nhưng phải điều chỉnh lại để sản xuất nhỏ cũng có vị trí nhất định.

2 – Phải mở rộng quan hệ quốc tế rộng rãi, trước hết là với các nước anh em đã có quan hệ lâu năm. Việc làm ăn với Liên Xô nên đàng hoàng, thân tình, cởi mở hơn, không để cho tinh thần chống chủ nghĩa xét lại khống chế một cách nặng nề.

3 – Ở các cấp có 2 bộ máy mà bộ máy Đảng đứng trên bộ máy Nhà nước thì bộ máy Nhà nước không thể có hiệu lực, không thể nào phát triển kinh tế, văn hoá được.

4 – Thưởng phạt phải nghiêm minh.

5 – Báo chí chỉ thông tin một chiều nên không phản ánh được dư luận của nhân dân. Chế độ kiểm duyệt quá sát sao, không cho đăng ý kiến của quần chúng nên đã dẫn đến những sai lầm.

6 – Đáng nhẽ khoa học xã hội phải đi trước một bước nhưng vì phải đợi chủ trương đường lối để minh hoạ nên chẳng đóng góp được gì xứng đáng.

7 – Đại hội lần thứ 2 của Đảng (1951) đã xác định đường lối cơ sở Đảng ta dựa trên căn bản chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông. Cần nghiên cứư lại tác hại của tư tưởng Mao Trạch Đông để xoá bỏ tàn tích của nó.

Trong bản kiến nghị có một câu rất hay khi nói về quyền bình đẳng trước pháp luật: “Không làm theo kiểu phong kiến: dân thì chịu hình pháp, quan thì xử theo lễ”.

Nguyễn Khắc Viện không chỉ mạnh dạn phê phán và đóng góp nhiều ý kiến mới lạ so với chủ trương đường lối của Đảng nên nghe rất “nghịch nhĩ“ mà còn thẳng thắn, chân tình góp ý với nhiều quan chức cao cấp trong Đảng. Nghe tin Đảng định đưa nhà thơ Tố Hữu làm thủ tướng chính phủ, ông gặp trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nguyễn Đức Tâm bầy tỏ ý kiến phản đối.

Trước Đại hội VI ông đã từng viết một lá thư gửi ông Tố Hữu, đại ý như sau: Trước kia, tôi rất mến phục tài thơ của anh, tôi thích thú một số bài thơ của anh và đã dịch những bài đó ra tiếng Pháp đưa ra quốc tế. Nhưng anh làm lãnh đạo chính trị, đặc biệt về văn hoá văn nghệ, rồi làm phó thủ tướng, làm kinh tế như thế này, không ai đồng tình, nhiều người oán trách, anh nên biết rõ. Dịp này anh nên tự nguyện rút lui, đừng ứng cử vaò Trung ương nữa, trở lại làm nhà thơ, chắc anh sẽ lại được lòng kính mến tài làm thơ của anh.

Ông họa thơ Tố Hữu :

Năm mươi năm ấy vẫn còn thơ
Từ bấy đua chen mãi đến giờ
Mái tóc pha sương chưa hết dại
Con tằm rút ruột chẳng còn tơ

Thuyền con quá tải không qua sóng
Mộng lớn tài hèn chớ ước mơ
Với giá, lương, tiền dân khốn đốn
Trăm năm bia miệng, hỡi nhà thơ!

(Bài thơ của Tố Hữu đăng trên báo Văn nghệ, lúc ấy được rất nhiều người họa là:

Trên năm mươi tuổi Đảng và thơ
Từ ấy hồn vui mãi đến giờ
Mái tóc pha sương chưa cạn ý
Con tằm rút ruột vẫn còn tơ

Thuyền con vượt sóng không nghiêng ngã
Nghiệp lớn muôn đường lộng ước mơ
Mới nửa đường thôi, còn bước tiếp
Trăm năm duyên kiếp Đảng và thơ
.

… Thế rồi! Không biết vì sao và từ đâu, những tai ương bắt đầu bổ xuống đời ông.

Báo Nhân Dân và hầu hết các báo cấm chỉ không đăng bài ký tên Nguyễn Khắc Viện nữa. Chẳng những thế, sau khi đài BBC phát thư kiến nghị của ông gửi Đại hội VII thì trong nước dấy lên một chiến dịch rầm rộ công kích, lên án ông. Khởi đầu là báo Nhân Dân tung ra một loạt bài, không nêu rõ tên Nguyễn Khắc Viện nhưng trích một vài đoạn trong bức thư rồi quy chụp rằng người viết những dòng như thế là có ý đồ thâm hiểm, mượn cớ dân chủ tự do để chống cách mạng, chống Đảng.

Tháng 5 năm 1991, báo công an TPHCM loan báo trong màng lưới tay sai cho gián điệp, có một tên gián điệp ở Pháp về. Cùng luận điệu đó, có bài ghi rõ tên đầy đủ, có bài ghi tắt N.K.V. Cán bộ tuyên huấn của Đảng đi nói chuỵện khắp nơi rằng trong nước có một nhóm chống Đảng, chống cách mạng mà Nguyễn Khắc Viện là một phần tử.

(Nguyễn Thanh Giang – Số nhà 6 – Khu tập thể Địa Vật lý Máy bay

Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội)

Tổng kết cuộc đời sáu mươi năm làm việc không mệt mỏi, luôn ở hàng đầu cuộc sống trí tuệ Việt Nam và châu Âu, Nguyễn Khắc Viện phân làm ba bước: Tham gia giải phóng dân tộc, tham gia đấu tranh dân chủ hóa, và tham gia khoa học con người. Ông viết: “Trong cả một quá trình như thế, tôi đã học đạo lý Nho giáo, rồi đến thuyết Mác, thuyết tự do, có mặt theo đạo Lão, có mặt theo đạo Phật. Tất cả những gì tôi tiếp thu được, nay tôi không phủ nhận, phủ định một vấn đề gì. Con người tôi tiếp nhận tất cả, xem đấy như là một cái vốn riêng”.

Chuyện ngoài lề:

Nhà văn Algérie Mohammed Dib (1920-2003), nổi tiếng từ năm 1952 với tiểu thuyết Ngôi nhà lớn viết bằng Pháp ngữ, được báo Le Nouvel Observateur ca ngợi là “một nhà văn Pháp lớn đích thực”, báo Le Monde gọi là “một nhà thơ lớn” của nước Pháp. M. Dib được Viện Hàn lâm Văn học Pháp trao Giải thưởng lớn về Pháp ngữ năm 1994. Báo chí châu Phi coi đó là một sự kiện lớn, bởi ông là “nhà văn Bắc Phi đầu tiên nhận giải thưởng”.

Nguyễn Khắc Viện nhận giải trước Mohammed Dib hai năm, và là người thứ bảy trên thế giới được trao giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Văn học Pháp.

FB. Nguyễn Trương Thu Quỳnh.

CÓ MỘT KẺ SĨ XỨ NGHỆ

Tôi không có cái may mắn là học trò của GS Phan Huy Lê nhưng do công việc cho phép tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều lần. Ở ông toát lên sự đàng hoàng, đĩnh đạc, lịch lãm… Và từ nhà cổ sử ấy có chút gì như là âm hưởng của hiện đại? Ông đã đột ngột ra đi, xin viết mấy lời về ông.

Trước đây, tôi không mấy quan tâm tới môn khoa học lịch sử. Song, vì nghề nghiệp viết báo liên quan nhiều tới sử học, nên kết quả là tôi có mối liên hệ khá mật thiết với nhiều nhà sử học. Thời tôi làm việc tại Tạp chí Cộng sản, dựa vào tư liệu của những nhà lịch sử người Nga cung cấp, tôi đã viết bài về 6 người Việt Nam tham gia cuộc duyệt binh lịch sử tại Quảng trường Đỏ Moskva vào ngày 7/11/1941, rồi từ đó thẳng tiến ra chiến trường. Kết quả là có 4/6 người hi sinh trong những cuộc chiến bảo vệ Moskva.

Sau khi bài báo được đăng, những nhà sử học nổi tiếng của nước ta là Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Phạm Xanh… quan tâm tới vấn đề này. Lần ấy, GS Phan Huy Lê hỏi tôi: “Những điều cậu viết chính xác đến mức độ nào?”. Nghĩ sao nói vậy nên tôi ngập ngừng trả lời: “Em không biết, em không phải là nhà sử học, em chỉ dựa vào tài liệu tiếng Nga để viết thôi. Em nghĩ thứ này là công việc của các anh – những nhà sử học”.

GS cười hiền hậu động viên khuyến khích tôi đại ý là cậu đã có chút tư chất của người làm sử rồi đó… Sau đó, các nhà sử học Việt Nam đã vào cuộc và xác định được, tên tuổi, quê quán của những người hi sinh (đều ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An). Nhà nước Liên Xô (cũ) đã truy tặng họ Huân chương chiến tranh Vệ quốc hạng nhất. Những người này có họ khác nhau, được Nguyễn Ái Quốc đưa từ Quảng Đông sang Moskva vào năm 1926 và đổi họ sang họ Lý. Rồi các nhà sử học cũng tìm ra người duy nhất còn sống là ông Lý Phú San (tên thật là Lê Tư Lạc). Sau chiến tranh Thế giới thứ hai, ông sống ở Moskva, lấy vợ, có con gái là Lê Thị Phượng; ông mất năm 1980.

Việc làm công phu để phát lộ lý lịch và thân nhân các Liệt sĩ đã khiến tôi kính nể các nhà sử học. Đây cũng là thời điểm tôi bắt đầu chú ý tới công việc của các nhà sử học nước nhà, biết rõ “tứ trụ” trong môn khoa học lịch sử lúc bấy giờ là GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn.

Có một phong cách Phan Huy Lê

Không riêng tôi mà nhiều nhà báo, nhà giáo đều có chung nhận xét, GS Phan Huy Lê là người đẹp trai và có phong cách hào hoa, phong nhã, hiện đại nhất trong giới sử học. Nhất là khi chứng kiến ông giao tiếp với mọi người, đăng đàn diễn thuyết. Sau một số lần được trò chuyện với ông, (chủ yếu là ở các cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức tại Việt Nam), tôi thấy ông có phong cách đàng hoàng, đĩnh đạc, sâu sát và … rất hiện đại.

Một lần đã lâu, cách đây trên hai mươi năm có lẻ, tôi thấy GS Phan Huy Lê cầm một vật gì nho nhỏ ở trong tay và giơ lên ngắm, bấm… Tò mò, tôi hỏi: “Dạ thưa, giáo sư làm gì thế ạ?”, ông trả lời: “Mình chụp ảnh”. Câu trả lời đó thu hút tôi, khiến tôi giật mình vì sự lạc hậu về công nghệ chụp ảnh của mình. GS Phan Huy Lê cho biết đây là loại máy ảnh mini rất tiện dụng, ông mua nó trong một lần đi công tác ở nước ngoài. Có lẽ, ông là một trong những người đầu tiên sử dụng loại máy ảnh này ở Việt Nam?

Năm 1995, sau nhiều năm học tập, nghiên cứu ở Moskva trở về, tôi lại được gặp GS Phan Huy Lê. Ngần ngừ mãi, tôi mới ngỏ với GS điều mình đương băn khoăn “Một số nhà sử học người Nga cho rằng, ở một số nước thuộc phe XHCH, trong thời gian gần đây, môn lịch sử hầu như không còn là một bộ môn khoa học đúng nghĩa nữa. GS đánh giá về nhận xét này như thế nào ạ?”. Ông cười buồn rồi nói: “Chưa đến mức thế đâu nhưng quả thực là lịch sử của nhiều quốc gia đã một thời thuộc phe XHCN đang có một số vấn đề. Đó là độ chính xác của các sự kiện…”.

Qua những lần trò chuyện với GS Phan Huy Lê, tôi biết là ông có nguyên tắc phải làm sáng tỏ mọi sự kiện lịch sử trên cơ sở khoa học. Tôi cho rằng, đây là đòi hỏi cao nhất, khó nhất trong môn khoa học lịch sử vì chúng chủ yếu liên quan đến quá khứ – những sự việc đã bị lớp bụi thời gian phủ mờ.

Phong cách “kẻ sĩ xứ Nghệ”

Có một dạo loáng thoáng nghe được chuyện GS Phan Huy Lê bị một số người “ném đá” vì quan điểm liên quan đến “hình tượng Lê Văn Tám”. Tôi đã tìm gặp GS… Qua câu chuyện tôi nhận thấy, GS Phan Huy Lê vẫn trung thành với nguyên tắc của mình là phải tìm cách làm sáng tỏ một số sự việc, sao cho những sự việc đấy được lý giải hợp lý trên cơ sở khoa học. Việc ông được nhà sử học Trần Huy Liệu dặn dò về “nhân vật Lê Văn Tám” khiến ông luôn luôn cảm thấy mình mắc nợ. Ông biết, để trả “món nợ” này, ông sẽ gặp rắc rối nhưng phong cách của một “kẻ sĩ xứ Nghệ”, ông vẫn quyết định thực hiện lời dặn của Nhà sử học Trần Huy Liệu.

Quan tâm đến những ý kiến phản biện liên quan đến “hình tượng Lê Văn Tám”, GS Phan Huy Lê viết: “Điểm lại những tư liệu đã thu thập được thì càng thấy rõ, trên cơ sở sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sĩ tẩm xăng thời đó, GS Trần Huy Liệu tạo dựng nên biểu tượng “ngọn đuốc sống” gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn Tám.”

Ở đây, chúng ta hiểu rằng, Nhà sử học Trần Huy Liệu vào thời điểm năm 1945 -1946 không biết rõ người đốt kho xăng là ai nhưng đây là sự kiện có thật nên ông tạm dùng tên Lê Văn Tám. Là một nhà khoa học lịch sử , ông Trần Huy Liệu day dứt về điều này nên dặn ông Phan Huy Lê sau này có điều kiện thuận lợi thì tìm cách làm sáng tỏ. Là một nhà sử học có nguyên tắc, GS Phan Huy Lê đã nói rõ: “Theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực.” GS Phan Huy Lê cũng đã khẳng định: “Tôi kể lại câu chuyện này một cách trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một công dân, một nhà sử học.”

GS Phan Huy Lê đã làm xong trách nhiệm của mình. Vậy vấn đề còn lại là những nhà sử học, nhà báo, nhà nghiên cứu và tất cả những ai quan tâm tới “hình tượng Lê Văn Tám” phải nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi để xác định chính xác tên tuổi của người (hoặc nhiều người) đốt kho xăng (kho đạn) của địch ở Thị Nghè tháng 10/1945.

Thời gian gần đây, những nhà giáo, nhà khoa học người xứ Nghệ – những kẻ sĩ đích thực lần lượt ra đi. Đó là Nhà giáo Văn Như Cương, GS Phan Đình Diệu, GS Phan Huy Lê. Đây là mất mát rất lớn đối với chúng ta. Cần phải lưu giữ và phát huy “chất kẻ sĩ” của những con người này để làm đẹp cuộc sống.

FB. Ho Bat Khuat