Ngôi trường dấu yêu!

Đại học Sư phạm Huế.

Ngôi trường tôi ở ven sông,

Ngày và đêm vẫn ngóng trông bạn về.

Cần chi phải đợi đến hè,

Khi mô nhớ thì mình về nghe em!

Annhien garden! (FB. Tôn Thất Dụng  – Trang Huế Online-HUẾ CỐ ĐÔ)

31.10.2023

Trường ĐH Sư phạm Huế, KTS Ngô Viết Thụ thiết kế, 1961-1963. Ảnh trên internet.
Cổng trường ĐH Sư phạm Huế. Ảnh trên internet.
Đêm ở ĐH Sư phạm Huế. Ảnh Tôn Thát Dụng, năm 2017.
Cầu thang xoắn, trường ĐH Sư phạm Huế. KTS Ngô Viết Thụ thiết kế.
Huế giao mùa. Ảnh Ngô Lễ

XƯỚNG HOẠ THẮM TÌNH BẠN TÌNH THƠ

Bạn VÕ SĨ QUÍ, Thân mời các bạn tham Gia xướng họa

Bài xướng của VÕ SĨ QUÝ

DUYÊN XƯỚNG HOẠ THẮM TÌNH BẠN TÌNH THƠ

Xướng Họa vui buồn chẳng chịu vơi 

Thất Ngôn Bát Cú Luật Đường bồi

Dưỡng thần tích sự vần niêm chọn

Luyện trí khai từ đối đáp chơi

Bằng hữu mất còn thương với nhớ

Đệ huynh già trẻ đến rồi rời

Nước non cuộc sống trong trời đất

Kỷ niệm còn nhau với cuộc đời

Nha Trang,26.10.2023

Võ Sĩ Quí

Bài họa 1 của Huệ Tâm

 LỚP VIỆT HÁN KHOÁ 69-73

Học tập ngày nào chẳng chút vơi

Thầy Dương giảng dạy gắng công bồi

Thơ Đường vần điệu luôn khăng khít

Bát cú thanh âm chẳng dám chơi

Thầy Khoách nghiêm trang ai cũng nể

Thầy Tường sâu sắc có đâu rời

PHƯƠNG, HOÀ, LIỆU, NGOẠN, CÔI, CAM, LỘC…

Giận dỗi mà chi xa cuộc đời!

   HTN HUỆ TÂM ở ĐÀ NẴNG 

       30/10/2023

Chú thích:

-Giáo sư Nguyễn Văn Dương, Giáo sư Đoàn Khoách, Giáo sư Nguyễn văn Tường đã giảng dạy lớp Việt Hán khóa Lương Văn Can 69-73.

– Lớp Việt Hán khóa LVC có 27 bạn. 
8 bạn đã rời xa cõi thế là: Phương, Hoà, Ngoạn, Lộc, Liệu, Côi, Cam và Ngô Sửu. Do hạn chế số chữ trong câu 7 nên tên một bạn phải ẩn đi.
Lớp Việt Hán xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các bạn và mãi mãi nhớ các bạn với những kỷ niệm thuở đi học ở trường ĐHSP HUẾ từ 1969-1973

        ————-/////———-

Cô taxi số 6 tại Huế.

NỮ UBER của XỨ HUẾ .

Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.

minhnguyet taxi

Cô taxi số 6 tại Huế.

***

Thời tôi mới qua Mỹ, có người quen cứ dặn lui dặn tới:

– Khi ai hỏi làm nghề chi, đừng nói làm nails, thay vào đó nói là làm tóc….Chứ nếu nói làm nails họ khinh.

Tôi nghe mà buồn lắm, vì nói láo thì tôi không quen, mà bị họ khinh chỉ vì làm nails thì mình cũng không muốn.

Biết làm răng chừ? Thôi tránh gặp “mấy người dị ứng nghề Nails” cho khoẻ, khỏi mang thêm tội nói láo.

Lúc còn ở Việt nam, tôi làm tài xế Taxi.

Cũng “Kinh qua gian khổ” nhiều năm, tự hào mình có “tay lái lụa” hơn hẳn các nam đồng nghiệp. Thế mà qua Mỹ thi lý thuyết đậu cái một, mà thi thực hành trầy trật đến cú thứ ba mới…..đậu vớt. Ai cũng nói người lái xe quen cái tật ở VN là đến bảng Stop cứ rề rề rồi vọt luôn, không hề ngừng hẳn; lúc quẹo trái, quẹo phải hay đổi lane không thèm quay qua nhìn, chỉ nhìn kiếng mà thôi.

Qua đây, thỉnh thoảng có mấy người khách tò mò “điều tra lý lịch” hay hỏi:

– “Vậy hồi còn ở bên Việt Nam, cô làm nghề gì?”

Tôi trả lời tỉnh queo:

-“Tài xế Tắc-xi.”

Họ không tin, cứ hỏi lui hỏi tới:

– “Cô nói đùa chứ làm sao cô làm được cái nghề nguy hiểm đó?”

Tôi phải lấy mấy cái hình chụp trong đồng phục lái xe và chiếc xe số 6 của mình cho họ coi thì họ mới chịu tin.

Thời đó đàn bà con gái biết lái xe ở thành phố Huế hiếm lắm; cả khoá tôi học chỉ có vỏn vẹn 5 “người đẹp” chơ mấy! Cả trường lái xe đếm không đủ trên mười ngón tay nữa là! Ra trường đậu bằng lái rồi, khỏi phải xin xỏ, năn nỉ ỉ ôi chi hết, đi ngã trước, ngã sau “chùi lót”, tự nhiên tôi được “mời” vô lái xe cho công ty ATC. Chả là công ty này muốn chơi nổi, có tài xế là người đẹp xứ Thần Kinh.

Tức cười có lần một ông khách từ miền Nam ra thăm xứ Huế, ông nói giọng Bắc, chắc Bắc Kỳ Di cư 54, hỏi tôi:

-“Cô có biết tại sao người đất Thần Kinh mà cứ mãi không giàu lên được không?”

Tôi tỏ ý không biết. Ông mới giải thích kèm nụ cười:

-“Thì người Thần Kinh mà”.

Ngôn ngữ ở VN sau này gọi người điên là bị thần kinh.

Làm nghề Taxi có đủ vui buồn sướng khổ.

Có ngày gặp khách vừa đẹp vừa thơm lừng lựng, ăn mặc thì mát hơn gió bờ sông, lại rộng rãi cho tiền típ hào phóng. Nhưng cũng có ngày, khách kẹo hơn kẹo kéo bị “lại đường” vừa dơ, vừa hôi, vừa xấu, vừa khó, vừa kiết nữa chứ. (khổ ghê!!!)

Kỷ niệm về những năm lái xe Taxi thì nhiều lắm, nhưng có một kỷ niệm vui vui mà tôi không bao giờ quên.

Như mọi ngày, bắt đầu nhận ca thì tôi đậu xe trong sân của khách sạn Century. Người khách vẫy xe từ sảnh của khách sạn, muốn tôi đưa qua Đập Đá. Tui nghĩ “Đây qua Đập đá có mấy bước mà răng không đi bộ cho khoẻ?” mới hỏi:

-Chú tới chỗ mô ở Đập Đá để con đưa đi?

-Tôi muốn tới chợ Vĩ Dạ.

-Chú muốn mua đồ?

-Không, tôi tìm người.

-Người nớ tên chi?

-Người đó tên Hoa hồi xưa gia đình có gian hàng ở chợ Vĩ Dạ.

-Hồi xưa là cách chừ lâu mau rồi chú?

-Hơn ba chục năm rồi.

Tôi đậu xe ở cái nhà hàng quen nằm trong hẻm, rồi đi bộ với ông khách tới chợ. Tôi nói:

-Chắc phải tìm mấy bà “già già” mà hỏi, chơ mấy O “sồn sồn” thì ngắm cho vui thôi, họ không biết chuyện của chú hơn 30 năm trước mô, hỏi chi cho mất thì giờ. (Vì chú đồng ý trả tiền giờ, nên tôi không muốn chú mất thì giờ vô ích!)

Sau khi hỏi lui hỏi tới cũng gần chục “bà già chợ” thì tìm ra manh mối của người mà chú muốn tìm. Hồi xưa gia đình bà có gian hàng ở chợ, nhưng giờ thì bà nghỉ bán rồi, và nhà ở không xa chợ mấy.

Đi ngoằn ngoèo qua mấy con đường xóm theo cái “bản đồ” tui vẽ theo lời của một bà cụ bán rau, cuối cùng tui cũng tìm ra ngôi nhà có “giàn hoa leo Ti-gôn”.

Chú nhờ tôi vào nhà hỏi coi có đúng ngôi nhà mình muốn tìm. Tiếp tôi là người đàn ông lớn tuổi:

-Đúng nhà bà Hoa đây cô, nhưng hôm nay nhà có kỵ bên ngoại, cách đây có 2 xóm thôi, nên bà đi qua đó rồi. Cô vô ngồi đợi để tui biểu tụi nhỏ kêu về, hay cô muốn chạy qua đó thì tui chỉ đường cho.

Ông khách không muốn đợi, nên chúng tôi xin địa chỉ ở nhà ngoại, và trước khi tới đó, ông khách muốn đi mua ít quà trước đã.. Tò mò tôi hỏi:

-Rứa người nớ là răng với chú?

-Hồi còn trẻ, hai gia đình quen nhau, tôi yêu thầm người đó.. Chỉ là yêu thầm thôi. Sau đó tôi đi lính, chiến tranh mà cô, không hề gặp lại. Nhưng lúc nào tôi cũng nhớ đến người xưa, lần này códịp đến Huế, nên tôi muốn đến thăm, coi như tình bạn vậy mà.

Tôi hỏi lại:

-Rứa nếu không tìm ra được bà, chú có buồn không?

-Buồn chứ cô. Thật ra tôi có về Huế một vài lần, nhưng không lần nào tìm được, tới lần ni thì tôi nhứt quyết tìm cho ra.

Tôi lên giọng “tra trắng”:

-Chú à, tìm người xưa thì phải kiên nhẫn chơ. Mất thời giờ một chút nhưng tìm được mới thấy quý.. Bởi rứa Nguyễn Bá Học mới nói “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” đó chú nờ….

Ông khách cười hiền lành:

-Cô đã đi tìm ai chưa, mà nói lý sự dữ rứa?

-Dạ chưa. Ai tìm con thì có, chớ con chưa tìm ai cả tề… (Trạng ghê!)

À, tôi quên nói, là ông khách ni nói được cả tiếng Huế, lẫn tiếng Nam. Ban đầu thì ông nói giọng Nam, nhưng nói chuyện một hồi với tôi thì ông xổ giọng Huế rặt, Huế chay…rất chuẩn.

Lòng vòng qua chợ Đông Ba, ghé tiệm bánh Bảo Thạnh, cho ông mua mấy hộp bánh, trà, chúng tôi quay trở lại chợ Vĩ Dạ..

Tôi đi trước, ông đi sau (chắc nhờ tôi….đỡ đạn!).

Đứng ngay cửa là người phụ nữ đứng tuổi, bà cao hơn tôi hình dung, (vì ông khách tôi người trung bình thôi,) tóc búi (như mạ tôi hay búi tóc đằng sau cho gọn gàng); khuôn mặt đẹp phúc hậu, đầy đặn, tươi cười nói lớn:

-Ui chào, nghe có người hỏi, mà không biết là ai, hồi nãy thấy xe taxi chạy qua, tui nói với chị Na “Ai mà giống Ngân quá, cặp mắt nhìn không làm răng “lạc” được”. Thì chừ đúng là Ngân rồi.

Tôi trở ra xe, ngồi chờ khách của mình trở về mà lòng bâng khuâng. Tôi vui vì đã giúp ông tìm ra được người xưa, còn ông nghĩ chi thì tôi không biết.

Trên đường trở về, trông ông có vẻ lặng lẽ hơn. Tôi hỏi:

-Răng chú? Gặp người xưa rồi, chừ có thất vọng không?

-Không cô à. Người xưa thuộc về ký ức, mình sống với hiện tại nhiều hơn chứ. Tuy nhiên, có khi đừng gặp thì hay hơn, để mình cứ giữ mãi hình bóng xưa, không bị thất vọng vì thực tại đổi thay.

Trước khi chia tay ông nói:

-Cô có biết nhạc sĩ viết bài “Tôi Đưa Em Sang Sông” mà hồi nãy ngồi trên xe cô nghe không?

Tôi nói:

-Dạ, biết chớ , nhạc sĩ Nhật Ngân, nhưng con không biết mặt.

Ông nói:

-Tôi là nhạc sĩ Nhật Ngân đây.

Tôi cười, bán tín bán nghi (Tính tui đa nghi mà. Ông ni có “trạng” không ri hè? Thấy mình cù lần nên giả đò làm người nổi tiếng để làm oai với mình?) nhưng cũng lịch sự nói:

-Rất hân hạnh được biết nhạc sĩ.

Mãi đến sau này khi tôi sang tới Mỹ, trong một lần coi dĩa nhạc của Paris by Night, chương trình dành riêng cho nhạc sĩ Nhật Ngân. Tôi nghĩ thầm: “Ông nhạc sĩ ni ngó quen quen, không biết mình gặp ông chỗ mô?” Tới lúc ông kể lần ông về Huế đi tìm người bạn gái cũ, và ông nhắc lại có người khuyên ông “Tìm người thì phải kiên nhẫn chú à” thì tôi mới sực nhớ lại chuyện cũ.

Đúng là mình hân hạnh được gặp người nhạc sĩ của bài hát mình yêu thích “Tôi Đưa Em Sang Sông.”

*

Một buổi tối kia trời mưa lớn, tôi đang trên đường trở về bãi đậu xe của công ty thì nghe bộ đàm báo tới đón khách ở trên Ga (đây là ga xe lửa.)

Vừa qua cầu Ga, chưa vào đến sân ga, đang dò tìm địa chỉ (không phải khách xuống tàu gọi, mà là mấy nhà ở khu vực quanh nhà ga) thì một người thanh niên chạy ra vẫy xe.

Trong khi tôi đang tìm cách quay đầu xe, thì người đó nói “Chị ơi, đợi chút vì có thêm 3 thằng bạn nữa.”

Chỉ ít giây thì có 4; 5 người nữa ào ào mở cửa nhảy vào xe. Tôi nói “Xe chỉ chở đươc 4 hành khách thôi.”

“Không can chi mô chị à, trời vừa mưa vừa túi ri thì công an mô mà chộ. Chị cứ chở đi, có chi bọn em chịu cho. Hồi tụi em gởi thêm chị ít tiền uống nước.”

Tui biết không còn cách chi hơn nên cho xe chạy.

Vừa lái xe, tui vừa liếc nhìn phía sau xe, rất khó nghe được họ nói gì vì trời mưa lớn, nhưng chắc chắn tôi nghe câu này:

-Hết xe hay răng mà mi kêu xe con gái lái?

-Ai biết mô, kêu tổng đài, họ đưa xe mô thì đi xe nấy thôi.

-Ai đời đi đập bậy (đánh lộn) mà lại kêu xe con gái, làm răng chạy cho kịp.

Tôi nghe bọn họ nói chuyện mà ngao ngán. Thôi rồi “Đời cô Lựu” của tui! Chở bọn đi đánh nhau thì coi như rước hoạ vô người rồi.

Một người trong nhóm có vẻ là người đầu têu nói:

-Chị lái lên Phủ Cam, rẽ phải ở nhà thờ, đi sâu vô trong con đường mới, tới cái quán AB. thì dừng lại, đợi tụi em 5 phút thôi, rồi chở về lại ga, tụi em sẽ trả tiền cho chị.

Tôi vừa lái vừa nghĩ “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” nên tìm kế hoãn binh:

-Chị còn con nhỏ, không lái khuya, mấy em chịu khó trả tiền cuốc ni cho chị đi, rồi chị gọi xe khác lên chở tụi em về.

Nhưng bọn họ nhứt định bắt tui đợi, vì “Chắc chắn không quá 5 phút mô, kêu xe khác chi cho mất công, tụi em trả thêm tiền. Chị đừng lo, tụi em có cả cọc tiền đây nè.”

Đúng là tụi hắn có cả cọc tiền, vì hắn nắm cả “bụm” tiền giơ lên cho tui chộ!

Thôi đành tương kế tựu kế chơ cãi với tụi này ngó không lại rồi. (mặc dù tui thuộc cỡ…bạn hàng thân thuộc của mấy bà bán cá ở chợ….Xép, chơ không phải…”đồ bỏ” mô nghe, ha ha ha)

Thật ra không phải tôi sợ tụi hắn không trả tiền, cái sợ là tuị hắn “lỡ tay” ..quơ nhằm tôi, gãy tay, mẻ chân, sứt đầu, bể trán …thì còn mô mà làm…”người đẹp của ATC” nữa! Hu hu hu..

Xe chưa dừng hẳn ở trước cái quán AB.. thì tôi nghe giọng cái thằng ban đầu ra lệnh:

-Thằng Cân nhảy ra trước, vô lôi thằng Ghẻ ra nghe chưa, làm thiệt nhanh cho tụi nớ không kịp trở tay.

Trong tích tắc, cả 3 cánh cửa xe mở toang, thằng Cân (thằng ngồi trước) nhanh như mèo lao ra, rồi biến vào màn đêm. 5 thằng còn lại cũng nhảy ra khỏi xe, đóng cửa rầm rầm và nói:

-Chị trở đầu xe lại, đừng tắt máy nghe, để về cho nhanh.

Chỗ đó khá rộng, chỉ có điều hơi tối, nên tui chầm chậm trở đầu xe. Đang phân vân có nên báo bộ đàm về trung tâm không, thì….

Cánh cửa sau lại mở ra, thằng Cân túm cổ thằng Ghẻ (tôi đoán vì hồi nãy nghe nói vậy) dúi đầu nó vào trong xe (băng ghế sau) và đấm liên tục. Năm thằng còn lại ở ngoài xe thì vừa chửi thề vừa đấm đá với một nhóm khác mới chạy ra từ nhà hàng AB.

Tôi, (cứ tưởng mình đang đóng phim hành động, chỉ có điều không biết vai diễn của mình là vai chi) sợ quá, đạp ga “lút chân” luôn.

Bị nhấn ga đột ngột nên xe rú ầm ầm, chồm lên, phóng vọt tới trước. Hai thằng ở băng ghế sau đang vật lộn bị hất văng ra khỏi xe. (Sorry khách hàng nha! Tui không cố ý hất khách xuống mô nờ!)

Đoạn đường ở Phủ Cam ngoằn ngoèo, nhà dân hai bên rất lưa thưa, chỉ có cây cối lùm xùm và vách đá nên càng tối hơn, tôi cứ đạp ga miết cho tới gần nhà thờ Phủ Cam thì mới “hoàn hồn” cầm lấy bộ đàm:

-Trung tâm ơi, tụi ni hắn đi đánh nhau, số 6 sợ bể kiếng xe, nên chạy về rồi, không lấy được tiền. Xe mô “đánh đấm” giỏi lên lấy tiền dùm số 6 với nờ!

Mấy thằng bạn lái xe nhao nhao, mà tui nhớ rõ nhất là giọng của xe 16 biệt danh Sơn Điên (đùa cho vui chơ hắn rất tốt bụng):

-Số 6 ở mô? Tụi hắn cướp tiền số 6 hở? 16 ở cầu Bến Ngự tới liền đây.

Tui vừa sợ, vừa cảm động vì bạn bè đồng nghiệp quan tâm tới mình.

-Số 6 không can chi, nhưng tụi hắn thì …chắc phải gọi cứu thương rồi đó.

Đang còn sợ; nhưng cái tật ưa “làm đày” thì không bỏ, nên sau khi hoàn hồn tui gân cổ lên cãi:

-Sợ tuị hắn cướp người số 6, chơ tiền mà kể chi? Hỏi vô duyên!

Sáng hôm sau, như thường lệ, các xe được rửa sạch sẽ để bàn giao ca. Lúc đó chưa tìm đủ 5 cô lái xe, chỉ có 2 nữ là bé Bình số 12 và tôi 06; lái từ 6 giờ sáng tới 9 giờ tối, 6 ngày một tuần, nghỉ ngày Chủ nhật. Con trai thì lái 24 giờ, làm 1 ngày nghỉ 1 ngày.

Tôi đang nhâm nhi ly cà phê, đọc tờ báo thì nghe thằng bạn Đoan là thợ sửa xe của công ty hỏi lớn:

-Rứa hồi đêm xe mô đi Phủ Cam?

-Có chuyện chi mà hỏi? Tui hỏi lại.

-Thằng bạn tui nhà ở trên Phủ Cam, gần quán AB. kể, hồi đêm xe taxi mình đưa một băng lên đó đập lộn. Đánh nhau toe tua, thức cả xóm dậy luôn. Công an tới mà không kịp. Hắn còn nói, “thằng” taxi nớ lái ngầu vô hậu, phóng xe ào ào, rú xe ầm ầm, chạy như bay rứa…Mà không biết răng, có người ở trong quán nói đó là “Con” lái xe chơ không phải “Thằng.” Rứa hồi đêm chị lái tới mấy giờ?

-9 giờ. Tui nói..

-Rứa thì chị chơ còn ai nữa, con Bình 12 ngày qua nghỉ mà, có mình chị thôi! Bà lái chi dữ rứa bà?

-Ha ha ha…Tui cười:

Khi ghi lại những kỷ niệm về những năm tháng lái xe Tắc-xi của mình, là tôi mong các bạn hiểu thêm về công việc này. (Cũng không phải tui làm quảng cáo không công cho mấy hãng taxi mô nghe!)

Tôi tự hào để nói rằng, lái xe cũng như bất kỳ một nghề nghiệp nào, sẽ luôn có người tốt và người xấu, có những “Con sâu làm rầu nồi canh.” Cái chính là con người, bản thân mình phải “tu”; không gian lận, dối lừa, không làm hại ai, thì ơn trên sẽ giúp đỡ cho mình vượt qua nghịch cảnh, sống cuộc đời an lành.

Sau mấy năm lái Taxi ở thành phố Huế thì cha mẹ tôi bảo lãnh chúng tôi qua Mỹ.. Lúc đó, tôi thường đi chợ Sài Gòn, một cái chợ nhỏ ở trên đường Lamar. Ba mẹ con đi chợ (cuốc bộ), với số tiền ít ỏi trong tay, lòng nhẩm tính số tiền phải trả, nhưng tới khi tính tiền thì cái biên lai nhiều hơn tôi dự đoán rất nhiều.

Tôi nghĩ là người ta tính không đúng nên muốn được kiểm tra lại…

Có một người đàn ông đứng ngay đằng sau có vẻ vội vàng, mặt mày nhăn nhó, quay sang tôi nói, “Chị à, nếu…”

Nghĩ ông này đang vội, muốn tôi đi ra chỗ khác, liền cự:

“Họ tính tiền sai, tui có quyền yêu cầu tính lại, ông có vội thì cũng phải ráng mà đợi!”

Thì ổng vội nói: “Không! không, tôi chỉ muốn hỏi nếu chị thiếu tiền trả, tôi sẽ giúp cho chị và hai cháu.”

Ui chao ơi là ốt dột hè! Mặt tôi đỏ lên vì mắc cỡ, đã lấy dạ hẹp hòi mà đi đo bụng người khác.

Nếu những người đã đối xử tốt với tôi có cơ duyên đọc được những “lời tự thú” này, thì một lần nữa, tôi xin được tạ lỗi và nói lời cám ơn.

Xin mượn câu nói người xưa để kết thúc chuyện Tắc-xi cùng tôi nghe các bạn:

“Trên đời này không có sự hy sinh nào là nhỏ bé, không có sự cố gắng nào là uổng phí và không có nghề nào là hèn mọn.”

Minh Nguyệt Graves (FB. Minh T Graves)

(Bài tui viết hi lâu, đăng trong Vit báo online.)

Từ FB. Trang Huế online – Huế Cố đô

Bottom of Form

Hình minh hoạ từ internet

 

 

CHUYỆN TÌNH KỲ DIỆU SAU GẦN 55 NĂM XA CÁCH!

Sau gần 55 năm xa cách. Chàng là Denny Vinar và nàng là Karen Lehmann. Họ bắt đầu quen nhau năm 1957 ở quê nhà khi nàng 13 còn chàng 15. Hai năm sau, chàng đẹp trai rực rỡ , là một cầu thủ tài năng còn nàng xinh đẹp và có tài vẽ vời thiết kế. Nhưng đúng lúc đó, nàng mang thai. Cái thai ngoài ý muốn khiến cho đôi trẻ vô cùng khổ sở. Chàng hỏi cưới nàng nhưng cha mẹ nàng không cho phép. Con gái của cặp đôi chào đời trong 1 nhà hộ sinh giành riêng cho các thiếu nữ lỡ làng. Và ngày cô bé sinh ra, chàng được tới thăm con. Họ chỉ được ôm cô bé 1 một giờ. Rồi cô được cho làm con nuôi.

Sau cú sốc này, nàng tiếp tục đi học. Chàng theo gia đình chuyển về tiểu bang Minesota sinh sống. Nhớ nhung người yêu, chàng viết rất nhiều thư cho nàng nhưng không có hồi âm. Nàng cũng không biết là ba mẹ mình đã giấu hết thư tín của chàng. Chàng đi lính và qua Đức, nàng vào đại học. Mấy năm sau, chàng một lần nữa cầu hôn với nàng, nhưng cha mẹ nàng vẫn không đồng ý vì sợ cuộc sống của một cô gái trẻ và một anh lính xa nhà sẽ bất ổn. Cuối cùng họ đành chia tay nhau và lập gia đình riêng.

53 năm trôi qua, nay họ trở nên già nua. Trong một buổi tối tháng 10/2014, chàng và các bạn cùng chơi trò chơi. Và câu hỏi đặt ra là nếu bác sĩ chỉ cho bạn sống thêm 60 ngày nữa, bạn muốn gặp ai?

Chàng lập tức trả lời: Karen.

Sau vài ngày đau buồn và bế tắc vì nhớ lại mọi chuyện đã qua, chàng quyết định lên mạng xã hội tìm nàng. Và mấy ngày sau, chàng tìm thấy nàng đang sống tại Monroe, tiểu bang Washington và vẫn làm nghề thiết kế nhà cửa. Không còn nghi ngờ gì nữa, chàng gọi cho cô thư ký của nàng và nhờ cô này chuyển lời xem có một người bạn cũ tên như vậy muốn hỏi thăm.

Vài phút sau, nàng gọi lại cho chàng, và nói ‘Làm thế nào mà anh tìm thấy em?”. Hai người nói chuyện không ngừng, giống như thời gian chưa từng trôi qua. Karen vui mừng vì thấy Denny vẫn có “đôi mắt xanh lấp lánh và nụ cười đẹp với má lúm đồng tiền” như thuở ban đầu. Và may mắn là họ đang cùng độc thân sau cuộc hôn nhân cũ của từng người.

Ngay sau đó, chàng muốn bay tới Seatle gặp nàng. Nhưng nàng không chịu. Và 3 tháng sau khi trao đổi qua lại, họ mới gặp lại nhau ngoài đời. Karen và Dennis gặp lại nhau, tình yêu vẫn mãnh liệt như ngày nào sau rất nhiều năm xa cách. Họ biết ngay rằng họ luôn muốn ở bên nhau và sẽ không bao giờ chia tay nhau nữa.

Bà chào đón ông rất nhiệt tình” Anh yêu, anh đã về với em rồi”. Và đám cưới của họ diễn ra sau đó 36 giờ. Cả hai chuyển về định cư ở Twin Cities, nơi ông Denny đang điều hành một công ty.

Hình ông bà hồi trẻ và kỷ vật cùng con gái lúc mới sinh.

3 tuần sau, họ quyết đi tìm con gái. Bởi ông còn giữ “Một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc này và một tấm thiệp nhỏ ghi chi tiết ngày sinh, cân nặng và chiều dài của con là kỷ vật duy nhất mà chúng tôi có về con”. May mắn thay, họ tìm ra con nhanh chóng. Cô con gái được nuôi dưỡng bởi 1 gia đình tử tế, nay đã lớn khôn, khỏe mạnh và có gia đình riêng cùng cả con lẫn cháu rồi. Cô chỉ ở cách nhà bố đẻ có 15 phút đi xe. Và vì thế tuần nào họ cũng gặp nhau vài lần. Kể từ khi đoàn tụ, họ thậm chí đã viết một cuốn hồi ký cùng nhau.

Hình ông bà và con gái

Thật là một mối tình kỳ diệu và một sự đoàn tụ kỳ diệu.

Dịch và soạn lại từ tɾαng dαilybɾeαk

Sưu tầm

My Lan Phạm

Nguồn: FB. Minh Nguyễn

Giáo sư giành giải thưởng Field: Yêu toán từ điểm số đội sổ

CÔNG NHẬT – Tuổi trẻ online

Hóm hỉnh, trò chuyện đầy năng lượng, đôi mắt bừng sáng khi nói về tình yêu khoa học… là những gì có thể bắt gặp ở vị giáo sư toán học trẻ vang danh nước Pháp – Hugo Duminil-Copin – người đoạt giải thưởng danh giá Fields năm 2022.


Giáo sư Hugo Duminil-Copin trò chuyện cùng phóng viên báo Tuổi Trẻ tại hội thảo Heidelberg Laureate Forum 2023 ở Đức – Ảnh: CÔNG NHẬT

Gặp Giáo sư Hugo Duminil-Copin tại hội thảo Heidelberg Laureate Forum 2023 ở Đức mới đây, bắt chuyện về toán học, anh cười lớn:

– Đâu đó chúng ta vẫn nghe không ít người nói toán là vô dụng, nhưng tôi tin họ đang nói theo hướng kiến thức về toán không thật sự tác động, hữu dụng cho cuộc sống, công việc đặc thù của họ khi nói vậy, chẳng hạn trong lĩnh vực thơ ca, nghệ thuật chứ không phải họ phủ nhận giá trị của toán học.

Có người có thể do không thấy rõ sự hiện diện của toán trong đời sống, mà mạng xã hội vốn liên quan mật thiết đến thuật toán. Cũng như họ, có lúc tôi thậm chí từng nghĩ việc nghiên cứu toán không thể nào là cái nghề và giúp tạo ra thu nhập nữa kìa.

Luôn trong trạng thái xuất phát lại

* Tức là anh từng không chọn theo đuổi toán từ đầu?

– Tôi đến với toán trễ lắm. Cha tôi là giáo viên thể dục, mẹ tôi là một vũ công. Gần như suốt thời trung học của tôi có thể nói là những tháng ngày chỉ vùi mình vào thể thao và âm nhạc. Cha thường khuyến khích tôi sẽ chuyển sang một môn thể thao mới sau mỗi hai năm.

Có lẽ vì thế mà tôi có thể chơi được nhiều môn thể thao và cả nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Tôi đi học nhẹ nhàng lắm vì hầu như không bị bất cứ áp lực nào từ gia đình.

Những năm cuối cấp phổ thông, tôi học khá chểnh mảng, môn toán còn từng bị điểm thấp gần như cuối lớp. Lúc đầu tôi chán nản và nghĩ chắc mình bỏ cuộc vì kiến thức toán quá khó nhưng nhờ thể thao, tôi chợt nhận ra một bài học vô giá.

Trong thể thao, một điều rất rõ là chúng ta học cách chơi từ những sai lầm, sau đó luyện tập nhiều và trở nên tốt hơn. Chưa kể việc cha khuyến khích tôi mỗi hai năm đổi sang môn thể thao mới giúp tôi quen với trạng thái luôn sẵn sàng xuất phát lại từ đầu. Khi vỡ ra như thế, tôi bắt đầu chuyên chăm hơn với toán học.

* Khá khó hiểu với người thành công lớn lại nhận ra đam mê khá trễ?

– Có một số sinh viên nói với tôi họ từng ghét toán nhưng ngẫm lại cái họ thật sự ghét là những trải nghiệm chưa được đẹp với toán. Nhưng chúng ta khó có thể đổ lỗi cho giáo viên khi một số chương trình dạy quá dày đặc kiến thức hàn lâm và thậm chí lỗi thời, chưa tạo không gian và thời gian phù hợp để người dạy được sáng tạo, được thổi bùng ngọn lửa đam mê, khả năng tư duy đến người học trong từng tiết dạy.

Song song đó, phải thừa nhận năng lượng, tinh thần cấp tiến của một số giáo viên có tuổi phần nào bị hạn chế.

Gia đình tôi có người theo nghề giáo nên tôi biết việc thay đổi chương trình học là câu chuyện vĩ mô và rất khó để bắt kịp với sự phát triển vũ bão của xã hội công nghệ, biết được cảm nhận “lực bất tòng tâm” trong giáo dục là như thế nào. Chắc không dễ để giải quyết các vấn đề trên nhưng với tôi, một xã hội chỉ có thể phát triển mạnh mẽ khi đứa trẻ nào cũng được nuôi dưỡng trong tình yêu toán học.

Toán học cũng cần thời gian luyện tập đều đặn với thái độ đúng, sự nỗ lực. Khi nhìn thất bại dưới một lăng kính khác, tôi không còn sợ toán và dần đam mê hơn, đoạt các thành tựu lúc nào chẳng hay.
HUGO DUMINIL-CO PIN

Hãy học trong sự cầu thị

* Anh có thần tượng nào trong đời mình không?

– Tôi chưa nghĩ đến điều này. Mà tôi cho rằng người trẻ không nhất thiết phải có thần tượng để có thể sống có mục đích, thành công và hạnh phúc. Có chăng tôi nghĩ rằng phụ nữ đi theo lĩnh vực toán học xứng đáng nhận được nhiều yêu thương và sự ngưỡng mộ hơn. Bởi đây vốn là lĩnh vực đặc thù đầy thử thách, tốn nhiều thời gian và ít phù hợp, thậm chí đầy áp lực với cuộc sống nữ giới.

* Là một người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực, nếu cần khuyên điều nào đó cho các bạn trẻ để hun đúc tình yêu toán học, anh muốn chia sẻ gì?

– Thật lòng tôi rất ngại đưa những lời khuyên chung chung. Điều này sẽ hiệu quả hơn nếu người đó ngồi trước mặt và trải lòng với tôi về sở thích, năng lực, tính cách hay bối cảnh cuộc sống của họ. Nhưng nếu phải có một lời khuyên, tôi sẽ nói với họ hãy học trong sự cầu thị, hợp tác vì tinh thần đó sẽ giúp chúng ta học hiệu quả, vươn xa hơn.

Cá nhân tôi lúc trẻ khá mạnh về nghiên cứu, tìm tòi nhưng khả năng viết, diễn đạt lại rất chậm so với những nhà khoa học trẻ khác. Nếu bước vào một cuộc thi cần tốc độ, tôi khó nắm được phần thắng. Một số đồng nghiệp của tôi nhận ra điều đó và chủ động đề xuất hợp tác, nên từ đó chúng tôi đã thực hiện mọi thứ nhanh chóng, hiệu quả cao hơn hẳn.

Giáo sư tuổi 28

Hugo Duminil-Copin sinh năm 1985, lớn lên ở “kinh đô ánh sáng” Paris (Pháp) và tốt nghiệp loại ưu ĐH Paris-Saclay. Do có nhiều công bố vang danh quốc tế, anh được bổ nhiệm làm giáo sư tại ĐH Geneva (Thụy Sĩ) từ năm 2013 khi mới 28 tuổi, rồi trở thành giáo sư chính thức tại Viện IHES (Pháp) từ năm 2016.

Năm 2022, anh được trao Huy chương Fields cho công trình nghiên cứu “Lý thuyết xác suất về sự chuyển pha trong vật lý thống kê”. Đây là giải thưởng toán học danh giá nhất thế giới, được coi như “Nobel Toán học”. Giải thưởng mà giáo sư Ngô Bảo Châu đến nay là nhà toán học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam, thứ hai của châu Á đoạt được vào năm 2010.

Từ 2012 – 2023, giáo sư Hugo Duminil-Copin bội thu với các giải thưởng khoa học danh tiếng của châu Âu và thế giới như Loeve Prize, Oberwolfach Prize, Dobrushin Prize, New Horizons Prize in Mathematics…

Công Nhật

Nguồn: https://tuoitre.vn/giao-su-gianh-giai-thuong-field-yeu-toan-tu-diem-so-doi-so-20231027102824587.htm?fbclid=IwAR1y8pRaDljytOZbKiYoNZ2tAVvGfxynD4rY5ZrtVmTXGST7aQDlEIbpytE

Dốc Sương Mù

Phong Châu

…Mày biết không? Nhà tao ở phía sau đường Bạch Đằng mà dân Đà Lạt hay gọi là cây số bốn, chắc có lẽ từ đó ra chợ Đà Lạt dài bốn cây số. Từ đường Bạch Đằng vô nhà tao phải đi gần cả cây số nữa mới đến, nằm gần phi trường Cam Ly, lúc đi học tao phải đạp xe trên con đường đất nhỏ, bề ngang chừng hơn thước rồi mới đến đường Bạch Đằng nơi giáp với đầu dốc La Sơn Phu Tử. Con đường này dài chưa đến cây số và cuối đường, nếu quẹo phải là đường Phan Đình Phùng, quẹo trái đi lên Mả Thánh nhưng nếu cứ đạp thẳng trên đường nhựa sẽ đến trường Trần Hưng Đạo, đường này mang tên  Nguyễn Hoàng, phía bên phải là ấp Hà Đông chuyên trồng dâu tây và bên trái là một quả núi toàn mồ với mả… không biết chôn từ đời thuở nào mà nhiều vô kể. Nhiều lần tao đạp xe đi ngang đây vào chặp nhá nhem tối, đôi lúc cũng thấy rợn cả người. Nhưng chuyện tao kể cho mày nghe không phải là chuyện ma ở Mả Thánh mà là chuyện có vẻ như là ma… mày có tin không?

Mày biết không? Đường La Sơn Phu Tử dài chưa đầy cây số mà một phần ba đường này là một đoạn dốc cao giáp với đường Bạch Đằng. Lúc đi học thì tao xổ dốc, còn lúc về thì năm khi mười họa mới đạp nổi lên dốc, thường phải xuống xe dắt bộ lên cho hết đoạn dốc ngắn này. Vừa xuống hết dốc thì gặp đường Hai Bà Trưng. Mày biết không? Tao học lớp sáng nên hôm nào tao cũng dậy sớm mà trời Đà Lạt dạo đó hầu như lạnh quanh năm, phải mặc có khi hai ba chiếc áo ấm mới khỏi lạnh và đi học buổi sáng thì lại có sương mù nên cả người tao, nếu không mưa ướt thì sương mù cũng làm áo quần lẫn tóc tai tao đẫm sương. Tao học ở trường Trần Hưng Đạo từ những năm đệ thất, lúc học sáng lúc học chiều và tao chưa bao giờ vắng mặt một buổi học hay đi học trễ, thế mà…

Mày biết không? Có một buổi sáng, trời lạnh và sương mù dày đặc, tao đạp hết đoạn đường đất đỏ từ nhà đến đường Bạch Đằng thì tự nhiên như có người bảo bên tai: “quẹo qua đường Phan Đình Phùng đến ngả ba chùa” và tao nghe như thế nhiều lần. Khi tao đạp đến cuối đường La Sơn Phu Tử lại nghe “quẹo qua Phan Đình Phùng đến ngả ba chùa”. Chung quanh tao lúc đó chỉ thấy sương mù dày đặc và trời thì tối om khiến tao không còn thấy đường đi trước mặt. Trong đầu tao cứ nghĩ “thế này thì làm sao đến trường không bị trễ học…”. Đầu thì muốn đạp xe đến trường mà chân cứ đạp xe đi hướng khác. Bình thường tao cũng hay đạp xe trên đoạn đườngnày và nhớ có một fontaine nước nằm bên tay phải, nơi có con đường mòn băng qua đường Hai Bà Trưng. Tao cố nhìn nhưng chẳng thấy cái fontaine nước đâu cả. Trong đầu lại nghĩ “tại sao mình không đạp xe đến trường mà lại đi đường này…”. Nhiều lần muốn quay trở lại nhưng chân vẫn cứ đạp xe về hướng ngả ba chùa. Đạp thêm một đoạn nữa thì phía bên trái là một dãy nhà mười căn nơi có gia đình người bác của tao ở số 256 nhưng tao không còn thấy dãy nhà này nữa, nó biến đi đâu mất và trong tai tao vẫn còn nghe: “đến ngả ba chùa…đến ngả ba chùa…”. Mọi khi vẫn có sương mù nhưng tao vẫn còn nhìn thấy đường để đi, vẫn còn lờ mờ thấy nhà cửa xe cộ hai bên thế nhưng hôm đó tao không còn thấy gì cả mà sương mù hình như mỗi lúc một nhiều thêm . Có một điều lạ là tao cứ đạp xe như thế gần giống như đạp trong bóng tối mà không đụng vào ai và cũng chẳng có người nào chạm vào mình. Quả là kỳ lạ! Tao không biết thời gian đạp xe trên đoạn đường này là bao lâu cho đến khi hình như có một vật gì rất lớn tông vào chiếc xe đạp của tao khiến tao ngả nhào xuống mặt đường, khi hoàn hồn thì thấy cả người lẫn xe nằm chỏng gọng trước cây xăng ở ngả ba chùa. Tao hoảng kinh vội đứng dậy nhìn quanh như người mất hồn. Có mấy người bu quanh và hỏi chuyện nhưng tao thật sự chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Có người cho tao hay: “cậu đang đạp xe phía bên phải bỗng xe đâm sang bên trái rồi ngả xuống đường, may mà không bị thương tích gì…”. Tao đứng dáo dát đâu chừng vài phút và nhận thấy quanh tao không có tí sương mù nào cả, bầu trời trong vắt sau những tia nắng ban mai rọi xuống khắp nơi… Khi tỉnh hẳn tao mới biết là mình đang trên đường đi học. Thế là tao vội vã nhảy lên xe rồi vội vã đạp đến trường. Biết mình trễ nên tao đi thẳng vào văn phòng xin giấy cho vào lớp. 

Mày biết không? Chuyện xảy ra như thế nhưng tao cứ nghĩ: “chắc mình bị sương mù che nên đi lạc đấy thôi…”. Chuyện này tao không kể cho ông bô bà bô nghe, sợ bị rầy là chuyện hoang đường bịa đặt. 

Mày biết không? Ngày hôm sau và ngày tiếp sau đó, khi vừa đến đầu dốc La Sơn Phu Tử thì chuyện lại diễn ra như ngày hôm trước. Hậu quả là tao đến trường trễ và bị đuổi về, không cho vào lớp. Tao không thể hiểu được chuyện gì khiến tao lâm vào tình cảnh như thế. Tao có đặt câu hỏi “hay là ma bắt!”. Nếu ma thì phải xảy ra ở Mả Thánh chứ sao lại trên đường đi… mà tao thì chưa bao giờ bước chân lên đến Mả Thánh hay là làm điều gì trái khuấy đối với những người đã nằm sâu dưới những ngôi mộ kia. Sự việc xảy ra làm cho tao sợ vì nếu cứ tiếp tục xảy ra nữa, thế nào tao cũng bị đuổi học. Đến ngày thứ ba khi tao vừa ló đầu vào nhà thì liền bị bà bô phán liền cho một câu: “Mày sao vậy? Giống người người mất hồn, sao không đi học mà trở về? Bị ma bắt hả?”. Nghe hai tiếng “ma bắt” tao càng hoảng kinh hơn và cả ngày hôm đó tao không ăn uống gì và ngủ li bì. Ông bà bô tưởng tao bị bịnh nên cứ để cho tao ngủ suốt ngày hôm đó và qua đêm luôn.

Mày biết không? Tối hôm đó tao ngủ thấy chiêm bao chuyện xảy ra trước đó. Thế này. Lớp tao có thằng bạn tên Nguyễn Mại học khá giỏi và hiền lành, không bạn bè, không đàn đúm, đến trường vào lớp, tan học lủi thủi về nhà và chỉ có một mình tao chơi với hắn nên hắn cũng mến và nhiều lần rủ tao về nhà hắn chơi. Nhà hắn ở tận dưới ấp Cô Giang và đi học bằng xe đạp mỗi ngày. Hắn có người anh học trên hắn hai lớp. Đến nhà chơi nhiều lần và biết anh hắn có một tủ sách chừng năm sáu chục cuốn nên nhiều lần tao tò mò đến đọc các tựa đề sách. Có lần tao thấy ở gáy một cuốn sách có tựa ghi “Liêu Trai Chí Dị” của Bồ Tùng Linh. Tao từng nghe một người chị nói về sách “Liêu Trai Chí Dị” kể toàn những chuyện ma quái kì ảo lạ thường rất hấp dẫn của tác giả người Trung Hoa viết vào thời nhà Thanh ở cuối thế kỷ thứ 17. Một hôm tao bạo miệng bảo hắn lấy cho tao mượn cuốn “Liêu Trai Chí Dị” để đem về đọc. Lúc đó không có anh hắn ở nhà nên hắn lén lấy cuốn sách đưa cho tao. Về nhà tao đọc một hơi hết cuốn truyện chỉ trong một đêm, đúng là toàn những chuyện thần tiên, ma quái, hồ ly, lang sói cọp beo khỉ rắn… chẳng hạn như chuyện “Thiến Nữ U Hồn” kể chuyện chàng trai họ Ninh trên đường đi vào tá túc trong một ngôi chùa, tình cờ quen Yến Xích Hà. Cô này đã chết 18 năm trước bị yêu tinh khống chế bắt phải quyến rũ người để giết. Chuyện “Họa Bì” kể về một chàng trai đi đường gặp một cô gái nói là bị lâm nạn, chàng trai cứu nàng rồi mang về nhà để sống chung. Một đạo sĩ phát hiện nơi chàng có tà khí nhưng chàng không tin. Về nhà lén nhìn cô gái thì phát hiện ra đó là con quỷ khoác tấm da người. Chuyện “Họa Bích” kể chuyện hai chàng trai họ Mạnh và họ Chu vào chơi một ngôi chùa. Chu thấy trong phòng có một bức tranh vẽ trên tường và thấy một cô gái rồi cùng nhau yêu đương. Mạnh đi tìm không thấy Chu nên hỏi vị sư già. Vị sư liền gọi Chu từ bức vẽ đi ra. Mạnh và Chu hãi sợ bèn bái biệt nhà sư ra về… Đại khái có cả hàng trăm truyện nội dung tương tự như thế.

Mày biết không? Một hôm có thằng bạn tao đến nhà chơi thấy cuốn “Liêu Trai Chí Dị” để trên bàn học mà tao chưa kịp trả lại cho Mại. Tên này năn nỉ mượn, nói đọc xong ngày mai mang trả liền. Tin lời nên tao đưa cho hắn mượn. Hôm sau không thấy hắn mang trả. Tao có nhắc nhiều lần mà không biết vì cớ gì mà hắn cứ hẹn hết ngày này sang ngày khác. Sau đó tao quên bẳng luôn việc đòi sách và cũng quên luôn việc tao đã mượn cuốn đó của thằng Mại.

Mày biết không? Một hôm vừa vào đến sân trường thì mấy thằng cùng lớp cho hay là sáng hôm trước thằng Mại bị xe nhà binh đụng chết tại ngả ba chùa gần cây xăng. Tao nhớ ngay là chưa trả cuốn “Liêu Trai Chí Dị” cho hắn. Tối hôm đó tao ngủ thấy thằng Mại hiện về đòi sách. Trong chiêm bao hắn bảo: “vì cho mày mượn cuốn “Liêu Trai Chí Dị” không trả nên khi anh tao thấy trong kệ sách mất cuốn đó thì hạch hỏi tao. Tao không dám nói cho mày mượn và bị anh tao tát cho hai bạt tai…” Bẳng đi cả tuần lại xảy ra việc tao đi học nhưng không đi đến trường mà lại đạp xe đến ngả ba chùa liên tiếp trong ba buổi sáng. Tao nghĩ đến việc phải tìm cách trả lại cuốn “Liêu Trại Chí Dị” cho hắn.

Mày biết không? Không biết trời xui đất khiến thế nào mà thằng bạn tao mang cuốn “Liêu Trai Chí Dị” trả lại và tao tìm đến nhà để trả cho anh hắn. Đến nơi thì hàng xóm cho biết gia đình hắn đã dời đi nơi khác. Đạp xe từ ấp Cô Giang để về nhà thì trời đã chập choạng tối và suơng mù không biết nơi đâu kéo về che che cả đường đi. Tao đạp xe ngang qua ngả ba chùa, đến cây xăng nơi tao bị vật té ba lần thì dừng lại, vào hỏi người bán xăng là trước đây có người học trò bị đụng xe ở đây phải không? Người bán xăng nhìn tao và đưa tay chỉ phía trái cây xăng nơi có mấy nhánh hoa glaieul đã héo tàn nằm bên vệ cỏ. Lúc đó bên tai tao nghe tiếng của thằng Mại: “Hãy đưa sách cho tao…hãy đưa sách cho tao…”. Thế là tao cầm cuốn “Liêu Trai Chí Dị” đến đặt ngay bên mấy nhánh hoa tàn xong vội vã phóc lên xe đạp một mạch về nhà. Cả người tao ướt đẫm mồ hôi mặc dầu trời lúc ấy rất lạnh.

Người kể câu chuyện trên tên Lê Văn Hải học cùng lớp nhưng khác ban với kẻ viết lại câu chuyện này. Hải đi Võ Bị khóa 19. Noel năm 1971 tình cờ gặp Hải trong quán Brodard trên đường Tự Do ở Sài Gòn khi Hải về phép. Sau vài câu thăm hỏi, chúng tôi nhắc vài mẫu chuyện xưa khi còn đi học và Hải đã kể cho tôi nghe câu chuyện trên và lúc nào Hải cũng bắt đầu câu nói bẳng “Mày biết không? Mày biết không?” khiến tôi nhớ mãi. Hải tử trận vào ngày 26 tháng giêng năm 1973, một ngày trước hiệp định Paris được ký kết!

Phong Châu                                                                                                            

Halloween 2023

Phan Nữ Lan chuyển từ bạn

THƯƠNG NGÀN & THƯƠNG NGƯỜI

Nguyễn Hoài Nam

THƯƠNG NGÀN & THƯƠNG NGƯỜI

Vĩnh Quyền là một nhà báo kỳ cựu, một cây phóng sự, bút ký xuất sắc của báo Lao Động, tờ báo vốn nổi danh trong làng báo Việt Nam về thể loại này. Ông đồng thời là một nhà văn luôn nỗ lực tự đổi mới nghệ thuật trong và qua các sáng tác văn chương đa dạng của mình. Tính cho đến nay, nhà văn Vĩnh Quyền đã là tác giả của trên hai mươi tập tản văn, bút ký, truyện ngắn và tiểu thuyết gây được nhiều quan tâm của độc giả. Ông vừa cho ra mắt tác phẩm mới nhất, tiểu thuyết có tên “Thương ngàn” (NXB Trẻ, 2023).

1. Rút gọn

“Thương ngàn” được kể bắt đầu từ ngôi thứ nhất số ít, với nhân vật người kể chuyện xưng Tôi, một người đàn ông Huế ham đọc, ham chơi, một kẻ nghiện rừng, “đã có hơn mười năm lang bạt nơi các cánh rừng thâm nghiêm từ Tây Nguyên đến miền Trung”. Và ở thời điểm của truyện kể, Tôi đang trong rừng, tham gia một dự án phục hồi rừng nguyên sinh miền tây tỉnh Quảng Nam. Ở đây, Tôi cộng tác và trở thành bạn thân với một già làng Katu, người sẽ kể cho anh nghe, bên bếp lửa nhà sàn, một câu chuyện bi thương khởi nguồn từ tập tục săn máu cúng Giàng rất cổ xưa của người Katu. Ở đây, một cách ngẫu nhiên, Tôi bắt gặp một bản chúc thư viết bằng chữ Nôm của một di thần triều Tây Sơn, vì trốn triều Nguyễn tầm nã nên đã chạy đến nương thân dưới chân đỉnh Zi’lieng thần thánh của người Katu, và lập thệ đời đời bất hợp tác với nhà Nguyễn. Ở đây, sau vài dè dặt ban đầu, Tôi được một cộng sự trong dự án phục hồi rừng kể chuyện đời của anh ta, một kẻ cũng nghiện rừng và từng dấn mình vào sự kiện cháy rừng khốc hại nhất trong lịch sử nước Úc, “Black Summer”, từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 3 năm 2020.

Ngoài ra, còn có câu chuyện của chính Tôi, được kể lại từ những hồi ức về gia đình, và kể lại dưới dạng một bức thư gửi cho vợ, một cuộc tự phẫu tâm hồn chân thành và đau đớn mà Tôi gọi là một “đối thoại độc thoại”. Và không thể không nói đến câu chuyện được “kể” từ chính những ghi nhận tức thời của Tôi về một vụ lở núi trong thảm họa Rào Trăng kinh thiên động địa ở miền Trung Việt Nam vào mùa đông năm 2020. Nghĩa là, trong tiểu thuyết “Thương ngàn” của Vĩnh Quyền có rất nhiều câu chuyện, được kể lại dưới nhiều hình thức. Có những câu chuyện được đặt cạnh những câu chuyện. Có những câu chuyện nối tiếp những câu chuyện. Có những câu chuyện cuộn kén trong lòng những câu chuyện. Nói một cách khác, ở tác phẩm này, như nối tiếp cái mạch tiểu thuyết đã khởi đi từ các tác phẩm trước đó: “Mảnh vỡ của mảnh vỡ”, và nhất là “Trong vô tận”, nhà văn Vĩnh Quyền đã thể hiện một nỗ lực làm mới nghệ thuật tự sự của mình, cho chính mình, bằng những hình thức rất gần với điều mà các nhà tự sự học thường gọi là “siêu hư cấu”, hoặc “siêu tiểu thuyết”.

“Thương ngàn”, nhan để tác phẩm của Vĩnh Quyền, nghĩa là thương rừng. Ý nghĩa cốt tủy của cuốn tiểu thuyết đã nằm ở chính nhan đề của nó. Thương ngàn, thương cho rừng bị tàn phá, thương cho tự nhiên bị hủy diệt bởi lòng tham và sự ngu dốt của con người, thương cho con người vì lòng tham và sự ngu dốt nên đã phải hứng chịu những hậu quả khốc liệt của sự mất cân bằng sinh thái và biến đổi khí hậu. Đào sâu nữa, thương ngàn còn là thương cho cái thiên tính, “tính tự nhiên”, trong bản chất tâm hồn của con người đã trở nên khô cằn, chai sạn, lệch lạc, méo mó, vì bị đủ thứ định kiến nhân vi ngụy tạo chồng lấp, ăn mòn. Theo ý nghĩa này, tiểu thuyết “Thương ngàn” của Vĩnh Quyền xứng đáng được xem như là một trong những tiếng kêu tha thiết và thống thiết nhất của văn chương sinh thái ở Việt Nam, từ trước đến nay.

2. Mở rộng

Rút gọn tác phẩm thì là như vậy. Nhưng làm vậy, “Thương ngàn” sẽ chỉ còn đọng lại thành đúng một tiếng kêu thương, một ký hiệu biểu đạt cho nỗi đau tự nhiên và nỗi đau con người trong cảnh thế giới tự nhiên bị tàn phá, bị hủy diệt đến kiệt cùng. Trong khi văn bản của tác phẩm tiểu thuyết này vốn dung chứa nhiều hơn thế, những đa dạng đa tạp của đời sống xã hội và đời sống trong lòng người, những suy nghĩ gợi mở về con đường văn chương của một nhà văn, và có thể, của nhiều nhà văn khác.

Trước hết, nói về văn chương sinh thái. Thật ra văn chương Việt Nam, từ thời cổ trung đại đến cận, hiện đại và đương đại đã hình thành một truyền thống yêu thiên nhiên, khao khát tìm đến và hòa mình vào thiên nhiên, trò chuyện với thiên nhiên, và có khi hóa thân vào thiên nhiên để từ đó cất lên tiếng nói của trời cao, biển rộng, rừng núi, ruộng đồng, chim muông, cỏ cây, hoa lá, vạt nắng, cơn mưa… Điều đó xuất hiện nhiều trong thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương thời trung đại; của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử thời hiện đại; rồi trong bài ký “Trò chuyện với cây xanh” của Nguyễn Minh Châu, trong tiểu thuyết “Rừng động” của Mạc Phi, trong truyện ngắn “Muối của rừng” của Nguyễn Huy Thiệp, hay trong truyện vừa “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư v.v… Nhưng đó không/ chưa phải là văn chương sinh thái đích thực. (Và vì thế, gần như mọi diễn giải về văn chương sinh thái qua/ bằng những tác phẩm này, rốt cuộc chỉ là những nỗ lực áp lý thuyết phê bình sinh thái từ phương Tây vào văn chương Việt Nam theo các cách ít nhiều gượng gạo, dẫu có thừa nhiệt tình thành thật. Hệ quả là, sự thực hành phê bình sinh thái trên những đối tượng văn chương ấy hiện ra cứ như một sự… đánh tráo cái tên, ví dụ, từ “Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi” thành “Thơ Nguyễn Trãi từ góc nhìn sinh thái”, với vài thuật ngữ chuyên môn thêm vào, là xong). Không khó để nhận thấy ở các tác giả tác phẩm kể trên, dù có nói nhiều bao nhiêu và bộc lộ niềm yêu thiên nhiên tha thiết đến nhường nào, thì thiên nhiên vẫn chỉ là thiên nhiên của một cảm quan “con người trung tâm luận” mà thôi. Con người là cái rốn của vũ trụ và là chủ tể của muôn vật muôn sự trong tự nhiên. Con người có quyền năng trên tất cả, từ quyền năng hưởng dụng tùy thích đến quyền năng lấy mình ra làm kiểu mẫu của muôn loài, “bóp” hình ảnh của thế giới tự nhiên theo cảm xúc, cảm giác nhất thời của mình (Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Nguyễn Du). Trong khi đó, để có thể khẳng định là văn chương sinh thái, mối quan hệ, tương tác giữa con người với tự nhiên trong văn chương ấy phải được thay đổi triệt để. Nó phải được đặt trong cảm quan “tự nhiên trung tâm luận”, như một nhận định của Sylvia A. Earle: “Phần còn lại của thế giới tự nhiên có thể tồn tại mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại mà thiếu phần còn lại của thế giới tự nhiên”, mà Vĩnh Quyền đã lấy làm đề từ cho tiểu thuyết “Thương ngàn”.

Dĩ nhiên, chỉ một đề từ này không đủ để làm nên “Thương ngàn” như một tác phẩm văn chương sinh thái đích thực (nhà văn vẫn có thể tuyên ngôn một đằng nhưng viết lại thành ra một nẻo khác). Mà bởi, toàn bộ cuốn tiểu thuyết, từ cái cảm hứng lớn nhất, mạnh nhất, đến những sự kiện và chi tiết tế vi của nó, đều hướng tới và là hiện thể cho một thế giới chỉ có thể tồn tại bền vững khi con người xác tín và thực hiện được mối quan hệ cộng sinh hài hòa bình đẳng với tự nhiên. Tự nhiên có những quy luật và những trật tự của tự nhiên – “văn hóa của tự nhiên”, có thể nói như vậy – và con người cần phải học để biết tôn trọng những quy luật, những trật tự ấy. Không gian nghệ thuật chủ yếu trong “Thương ngàn” là rừng, rừng Trường Sơn – Tây Nguyên, vốn hùng vĩ nguyên sinh nhưng bị hủy diệt tàn bạo, nơi nhà văn có lẽ đã tích lũy được khối kinh nghiệm thực địa đủ lớn và sự suy ngẫm đủ sâu để hình thành cảm quan “tự nhiên trung tâm luận” của mình. Trong không gian ấy, và trong câu chuyện của nhân vật người kể chuyện xưng Tôi, ít nhất đã có hai vụ lở núi – khi Tôi đang trên đường về huyện cùng già Koong, và khi Tôi đang trong chuyến khảo sát cùng Kiên – cả hai đều có nguyên nhân chính là từ lòng tham và sự ngu dốt của con người. Nhưng cũng trong không gian ấy, có khi chỉ cần một vài chi tiết nhỏ cũng đủ tạo sự thấm thía về mối quan hệ và ứng xử cần thiết giữa con người với tự nhiên. Ví như lời nhắc của già Koong khi thấy Tôi âu yếm bế chú khỉ hoang Kiki: “Nếu mày còn ý định trả nó cho rừng thì đừng tiếp tục coi nó như bé con. Thân thiện với con người không giúp nó sinh tồn trong hoang dã đâu”. Hay như câu chuyện Kiên kể lại cho Tôi nghe về chuyến khảo sát loài sói đỏ, “sói hoàng hôn” Tây Nguyên, mà anh thực hiện cùng Katy, nhà động vật học người Úc: khi nghe tiếng tru dài hào sảng của sói đỏ, con chó cái của họ “run bắn, rít nhắng rồi phóng vụt theo mùi đực”, Kiên định lao theo, thì Katy níu lại, khẩn thiết: “Để chúng tự do”.

Như vậy, hiểu biết “văn hóa của tự nhiên” để không can thiệp thô bạo vào các quá trình tự nhiên, chính là một khía cạnh thể hiện cảm quan “tự nhiên trung tâm luận” của Vĩnh Quyền trong tiểu thuyết “Thương ngàn”. Và điều đó không chỉ xảy ra trong tự nhiên, trong không gian rừng Trường Sơn – Tây Nguyên, mà nó còn xảy ra trong những không gian đẫm mùi người, không gian của đô thị Huế, Sài Gòn, và cả nước Mỹ xa xôi. Theo dòng hồi ức của nhân vật người kể chuyện xưng Tôi, độc giả được dịch chuyển từ rừng xanh của cao nguyên trung phần Việt Nam sang nước Mỹ, nơi Tôi tái ngộ vợ mình sau mười năm xa cách. Tái ngộ cũng chỉ để nhận ra rằng mọi việc đã khác, “Nồng ấm ấy không nuôi được lâu, nguội dần theo ngày”, và xét cho cùng thì Tôi là loài thảo mộc không thích hợp để bám rễ vào thổ nhưỡng đời sống nước Mỹ. Vì thế Tôi nhanh chóng trở về nước, sau khi đã để lại cho người vợ một bức thư mà Tôi gọi là “độc thoại qua đối thoại”. Từ cái “độc thoại qua đối thoại” ấy của Tôi, hiện lên hình ảnh một gia tộc, có thể là cự tộc, ở Huế, với những người đàn ông và những người phụ nữ Huế đặc biệt: vừa sang trọng, lễ giáo chỉn chu, vừa ngầm ẩn một tinh thần phóng túng, kiêu hãnh, kiêu hãnh ngay trong cái vẻ cam chịu bí ẩn nào đó. Ở dòng hồi ức về gia đình xuất hiện chi tiết hai cây hoa đỗ quyên: từ rừng Bạch Mã chúng được cha Tôi bứng về trồng trong vườn nhà, rồi từ vườn nhà chúng lại được ông mang trả về rừng Bạch Mã, bên con thác đẫm sương, bởi một sự thức nhận mà ông nội Tôi gián tiếp chia sẻ: “Cái gì thuộc nơi nào hãy trả về nơi đó”. Có thể nói, đó là “trật tự tự nhiên của tự nhiên”, và đó cũng là “trật tự tự nhiên của văn hóa” mà con người cần học, và biết để tuân thủ cho đúng. Điều này sẽ góp soi sáng phần nào cái khoảng tối, lặng trong mối tình lỡ dở của ông nội Tôi, trong đời sống vợ chồng nhiều bí ẩn của cha mẹ Tôi, và trong cả cái quyết định của Tôi: về nước, chấm dứt đời di trú bên Mỹ dưới mái nhà vợ. Ấy là bởi Tôi đồng thuận với cái dự cảm mà Vy, vợ Tôi, một nhà thiên văn học, đã viết trong bài báo khoa học về “một vũ trụ nở rộng theo thời gian, ngày càng tối hơn, lạnh lẽo cô đơn hơn, mỗi hành tinh trở nên xa vắng hơn với những hành tinh khác từng cuốn hút nhau, để cuối cùng là viễn cảnh băng giá toàn trị”. Ấy là trật tự của tự nhiên mà con người, chủ thể của văn hóa, phải chấp nhận, không nên và cũng không thể cưỡng lại được.

Tư tưởng về “trật tự tự nhiên của tự nhiên” và “trật tự tự nhiên của văn hóa” còn lan thấm các câu chuyện khác trong tiểu thuyết “Thương ngàn”: câu chuyện về tập tục săn máu cúng Giàng của người Katu mà già Koong kể cho Tôi nghe, và câu chuyện từ bức chúc thư của một cô trung triều Tây Sơn đã ẩn thân hàng chục năm dưới chân núi thiêng Zi’lieng. Trong câu chuyện săn máu, cô gái người Katu xé rào tabou của tộc người để cứu mạng kẻ thù, chàng trai người Kinh đã hạ sát người cô yêu, nhưng sau cùng cô không theo chàng về xuôi, mà vẫn ở lại rừng, trốn sự truy đuổi ở trong rừng, bởi vì đó là trật tự tự nhiên: rừng mới chính là nơi cô có cuộc sống và cái chết thực sự. Còn câu chuyện về bức chúc thư: rốt cuộc nó còn có một phần phụ lục do cháu nội của cô trung triều Tây Sơn viết, nói về việc anh ta bước qua lời nguyền gia tộc để ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi. Không gì khác, đó là trật tự tự nhiên của văn hóa, khi chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy, chiếm thế ưu thắng, đẩy những nguyên tắc gia tộc xuống hàng thứ yếu.

Trong tiểu thuyết “Thương ngàn”, ở những câu chuyện ngoài câu chuyện do Tôi kể, người đọc nhận thấy hồi quang của đề tài lịch sử và truyện đường rừng mà nhà văn Vĩnh Quyền từng viết trước đó, rất sớm, khi ông khởi nghiệp văn. Nhưng tất cả đều trở nên mới mẻ hơn bởi được nhúng trong cảm quan “tự nhiên trung tâm luận”, trong sự lo lắng về sinh thái, một trong những mối bận tâm mang tính toàn cầu của con người đương đại. Vẫn có ở đây một kiểu nhân vật đàn ông Huế vừa nghiêm cẩn gia phong, lại vừa lãng tử phóng khoáng. Nhưng đàn ông Huế ấy còn thêm phần thâm trầm mới mẻ khi dấn thân vào tự nhiên để suy tư về “ký ức tương lai” qua hình ảnh cây lim xanh già cỗi độc trọi trên triền núi, một dấu chỉ mà Trường Sơn nguyên sinh để lại giữa đời. Chính những điều đó, ở bề rộng, đã làm nên cái ổn cố và cái lưu chuyển trong văn chương hư cấu của Nguyễn Phúc Vĩnh Quyền.

Cậu Thợ Khóa

Hướng Thiện

Tôi đến cậu thợ khóa hay ngồi ở đầu phố để làm thêm một chìa khóa dự trữ đề phòng khi thất lạc, mình già rồi, hay lẩn thẩn.

Cậu thao tác thoăn thoắt, loáng một cái đã xong, chưa đến 10 phút. Tôi đứng lên vừa trả tiền vừa khen:

– Rất nhanh, rất sáng tạo. Thiết bị cũng gọn nhẹ. Cháu giỏi lắm!

– Cháu làm nghề này thú vị đấy!

– Dạ, đâu có gì thú vị ạ. Cái nghề này tuy chân chính mà lại gắn bó với một biểu tượng nhục nhã của xã hội đó bác.

– Sao?

– Dạ, cái khóa là một biểu tượng của sự không tin cậy giữa con người với con người.

Hết sức ngạc nhiên trước câu nói này, tôi lại ngồi xuống nghe chuyện. Nhìn kỹ cậu thợ khóa trẻ, cũng có vẻ thư sinh. Hơi đen chắc do cả ngày ngoài nắng gió.

– Cháu làm thợ khóa bao lâu rồi?

– Dạ ba năm rồi ạ.

– Trước đó cháu làm gì?

– Dạ … dạ… con dạy học.

Tôi lấy làm lạ .

– Cháu dạy môn gì và vì sao thôi dạy học?

– Dạ con dạy Sử cấp ba. Do con bị viêm thanh quản, nói tiếng khao khao như thế này. Không chữa được. Cũng không muốn nhà trường khó nhọc tìm việc khác cho mình, con xin nghỉ.

– Thế làm thợ khóa thu nhập ra sao?

– Dạ cũng tương đương khi đi dạy.

Tôi thấy thích anh chàng nầy.

– Cháu nói về cái khóa sâu sắc lắm .

Dường như tôi bắt đúng làn sóng của cậu ấy, cậu sôi nổi:

– Bác thấy đó, người ta liên tục sáng tạo ra các loại khóa mà kẻ gian cũng liên tục sáng tạo ra cách mở trộm. Có người ghé hiệu thuốc chỉ 5 phút cũng phải khóa xe máy, nhưng kẻ gian chỉ cần 10 giây để mở được khóa và trộm xe.

Trong Thành phố, biết bao ngôi nhà phải có rào sắt kiên cố, trên đỉnh rào còn phải có hàng lưới mác nhọn ghê hồn. Có người còn chưa yên tâm, quấn thêm dây thép gai lưỡi búa sắc như dao trên đầu rào. Còn ổ khóa cổng thì muôn phần hiện đại chắc chắn. Sao lại phải đến thế?

Có vẻ thấy tôi chăm chú nghe, cậu nói tiếp:

– Hằng ngày con thường đi qua một nhà hàng ở phường Thảo Điền này. Ông bà chủ người Tây ban Nha phải dùng xích sắt khóa cái thùng rác bằng nhựa của họ vì đã từng bị mất cắp. Có nhục không? Họ nghĩ về môi trường xã hội, về con người VN thế nào?

Tôi thở dài:

– Ờ, trước đây từng có thời nhà không cần cổng, vườn không cần rào. Có thể khép cửa không cần khóa mà yên tâm cấy cày cả buổi ngoài đồng.

– Dạ đó quả là một xã hội thân thiện, tin cậy lẫn nhau đến thế. Con cũng từng nghe như vậy, nay đâu rồi bác?

Tôi hiểu cậu ấy không chờ tôi trả lời. Cậu không nhìn tôi, thấp giọng nói tiếp:

– Lòng tin con người bị sứt mẻ ở khắp nơi. Sáng đi chợ, mua một mớ rau cho vợ con ăn, con cũng xót xa rằng khó mà tránh được hóa chất độc hại do người trồng sử dụng vì hám lợi. Trưa ghé hiệu thuốc mua một hộp tinh bột nghệ chữa dạ dày cho vợ, không biết có pha bột màu xây dựng trong đó không? Nếu tinh bột nghệ giả bằng bột sắn dây hay bột mì thì đó còn là sự lừa đảo có lương tâm. Ôi lòng tin ở con người !

Cậu nói với sự xúc động của một cha, một người chồng bất lực.

Chúng tôi cùng im lặng.

Một người trẻ như cậu ấy cũng trăn trở với tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội. Sự dối trá, vô cảm, bạo lực xảy ra quá phổ biến nên trở thành bình thường. Trên TV, trên báo mạng đưa đầy rẫy chuyện cướp bóc, trộm cắp, đâm chém… nghe mãi rồi thành quen, không còn quá xót xa vì nhân tình, không còn quá nhức nhối vì quốc thể, ấy mới là điều đáng sợ.

Cậu ấy cầm cái dũa gạch gạch mạnh trên nền xi măng. Tôi cảm nhận sự bức xúc của cậu .

– Cháu nói đúng với thực tế lắm. Bác cũng có những trải nghiệm và nhận xét tương tự.

Nhưng…

Tôi định làm không khí nhẹ bớt bằng những câu chuyện đầy tình người trong đại dịch vừa qua thì đúng lúc đó một khách hàng khác đến chữa khóa, chấm dứt câu chuyện của chúng tôi…

Tôi đứng dậy chào ra về. Cái ống khóa trì nặng trong túi tôi như dòng suy tư nặng nề chưa dứt.

Hướng Thiện

Nguồn: https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/10/cau-tho-khoa-huong-thien.html

(Phan Nữ Lan chuyển từ bạn)

***

Bí mật nghề… thợ khóa

31-03-2005 – 23:26|Pháp luật

Nghề thợ khóa đôi khi đứng giữa làn ranh… thiện – ác và cảá những tình huống đầy kịch tính… Thời buổi hiện đại, để bảo quản tài sản, người ta dùng khóa điện tử, khóa kỹ thuật số cho “chắc ăn”, nên tôi nghĩ, rồi đây hình ảnh bác thợ khóa già lọm khọm bên tủ đồ nghề sẽ đi vào dĩ vãng.

Nhưng hóa ra không phải vậy. anh Nguyễn Văn Hùng, người có thâm niên gần 30 năm chuyên đánh chìa, sửa khóa ở góc đường Phan Đăng Lưu-Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), quả quyết: “Gì thì gì chứ người làm nghề này sẽ chẳng bao giờ thất nghiệp. Cuộc sống khấm khá, người ta càng cần bảo quản tài sản thì nghề này càng dễ kiếm ăn…”. 

Nghề đang gặp… thời 

Tôi thử đi một vòng kiểm chứng lời của Hùng thì quả thật thợ khóa xuất hiện “trên từng cây số”. Nhiều con đường, góc phố trước đây không hề thấy bóng dáng thợ khóa thì nay xuất hiện những người thợ lui hui với thùng đồ nghề và những xâu chìa lủng lẳng. Chỉ một đoạn đường Quang Trung, quận Gò Vấp, tôi đã đếm được gần 15 điểm “hành nghề” thợ khóa. Anh Hùng nói vui rằng cái nghề thợ khóa này “ăn theo” những căn nhà mới cất, tài sản mới tậu và xe cộ mới sắm. Ngồi nói chuyện với tôi, anh Hùng vẫn luôn tay hết loay hoay khơi những hòn bi trong các ổ, đục rồi lại giũa những chiếc chìa… Câu chuyện thỉnh thoảng ngắt ngang vì khi thì một cô gái mặt méo xệch, dắt chiếc Attila cồng kềnh để “Anh làm giúp chiếc chìa”; lúc là chị phụ nữ sồn sồn, mặt đầy bí ẩn kề tai anh Hùng nói nhỏ: “Anh đến nhà làm gấp giùm chiếc chìa khóa tủ sắt. Xem thử ông chồng tui cất cái quái gì ở trỏng mà cứ đi là phải khóa chặt lại. Đi liền nha, kẻo ổng về…”… Những lúc như vậy, vai trò người thợ khóa trở nên… cực kỳ quan trọng. Tôi rất hiểu điều này vì bản thân cũng đã không ít lần thở hồng hộc, dắt chiếc xe gắn máy cà tàng bước ra từ quán nhậu, cầu cứu bác thợ khóa lề đường vì chìa khóa xe để đâu chẳng biết… Anh Hùng nói, mỗi tháng anh có thể kiếm được không dưới 5 triệu đồng. Bình quân, một miếng kim loại mẫu làm chìa mua sỉ chưa đến 1.000 đồng, nhưng khi đánh ra thì giá lên tới 10.000 – 15.000 đồng. Đối với các chìa có mẫu sẵn như chìa xe gắn máy thì công đánh cũng phải 7.000 – 8.000 đồng một chiếc. Riêng với các loại chìa két, các loại tủ đặc biệt thì giá rất vô chừng. Đôi khi tùy thuộc vào… lương tâm người thợ khóa. Bởi vì, khi cần kíp, có ‘hét” giá bao nhiêu thì người ta cũng phải chịu. Có không ít vị khách còn sẵn sàng “bo” rất sộp. Anh Hùng bảo nhiều khi nửa đêm cũng có người gõ cửa nài nỉ giải quyết chuyện… “vừng ơi mở cửa”. Anh Hùng nhiều lúc phải huy động thêm cậu con trai vừa tốt nghiệp… đại học kinh tế nhưng chưa có việc làm ra phụ bố. Gia đình có truyền thống đã 3 đời làm nghề này, nhưng chỉ có đến thời của anh là “ăn nên, làm ra”. “ Có lẽ vì kinh tế ngày càng sung túc nhưng xã hội thì cũng phức tạp hơn nhiều so với trước. Do vậy, muốn gì thì muốn, cái gì cũng cứ… khóa lại cho chắc ăn” – anh Hùng lý giải. 

Chuyện bây giờ mới kể… 

“Người ta bảo rằng nghề thợ khóa đứng giữa làn ranh… thiện và ác, cậu tin không?” anh Tùng, thợ khóa trên đường An Dương Vương hỏi tôi như vậy. Tôi lắc đầu. Anh có vẻ tự ái, bảo: “Cậu không vào nghề làm sao hiểu được. Nghề thợ khóa có những tình huống đầy kịch tính mà người ngoài cuộc khó hình dung được”. Thì ra, bi hài kịch mà anh Tùng muốn nói với tôi ở đây chính là lần chàng thợ khóa đẹp trai này được một phụ nữ xinh đẹp mời về nhà mở giùm cái tủ trong phòng ngủ… Anh Tùng hí hoáy, mày mò sửa khóa được một lúc thì ngửi mùi nước hoa thơm nồng tỏa bên cạnh mình. Anh ngẩng lên thấy cửa phòng đã được khép lại, người phụ nữ trong bộ đồ ngủ rất khêu gợi đang cúi xuống, mỉm cười rồi quàng hai tay… ôm lấy người anh… “Thử hỏi cậu, thằng đàn ông như mình trong tình huống này phải… “xử lý” ra sao? May mà mình còn kịp… bình tĩnh… gỡ tay cô ta”. Nhưng chuyện xui xẻo vẫn xảy ra khi đúng lúc ấy anh chồng trở về nhà. Cửa buồng xịch mở, tình ngay, lý gian… Lần khác, anh được một thanh niên mời đến nhà mở giùm cái két sắt. Ba ngày sau, đang sửa khóa thì anh “được”… công an phường mời lên làm việc. Hóa ra, người thuê anh mở két chỉ là đứa cháu mà chủ nhà nhờ đến trông nhà giúp vài ngày khi ông ta đi vắng. Không ngờ, anh này lại có ý gian biến anh Tùng thành đồng phạm. Sự việc sáng tỏ, anh Tùng mới… tai qua, nạn khỏi. Từ đó, mỗi khi ai nhờ đến nhà để giúp chuyện “vừng ơi mở cửa”, và phải “mở” những thứ “nhạy cảm” như két sắt, cửa phòng ngủ…, anh nhất định phải gặp được chủ nhà hoặc người lớn tuổi mới dám nhận. “Làm nghề thợ khóa này “chua” nhất là khi người ta kêu về nhà. Nếu không cẩn thận là rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười như chơi…” – anh Hoàng Văn Đạt, hành nghề thợ khóa ở chợ Ông Tạ, cho biết. Trong gần 20 năm “hành nghề”, không dưới 30 lần anh bị chủ nhà nghi ngờ mình là… kẻ trộm. Cứ đúng vào lúc mình đến nhà ai sửa khóa, lỡ sau đó mất món đồ gì họ cũng đều đổ riệt cho mình. Thậm chí có lần anh còn bị những trận đòn “hội đồng” do cả gia đình thân chủ kéo đến hành hung và buộc anh phải trả lại… 10.000 USD mà họ vừa mất. “Dù sau đó sự việc trắng đen có rõ ràng thì mình vẫn bị thiệt thân và mệt mỏi vì rắc rối”. Anh Đạt bảo làm thợ sửa khóa cũng còn chứng kiến lắm chuyện thế thái nhân tình, cười ra nước mắt, tựa như… trong phim. Chuyện ông con trai đi vắng “nhốt” mẹ ruột đã lớn tuổi, bị lẩm cẩm vào buồng để khỏi… dơ nhà nghe ra thật quá xót xa. Cô con dâu cảm thấy bất nhẫn nên đến nhờ anh mở khóa để bà cụ đi lại thoải mái. Lại có trường hợp, có bà “trừng trị” chồng hay đi nhậu bằng cách cứ vào buổi chiều, tối… nhốt chồng trong phòng ngủ, khóa lại. 

Ba điều răn

“Làm công việc này thứ nhất là không được tham, thứ hai là phải hết sức nâng cao cảnh giác để không trở thành đồng phạm của bọn tội phạm. Thứ ba là phải yêu nghề vì công việc này bất kể giờ giấc, lúc thì ngồi nắng nôi ở lề đường, lúc lại lăng xăng ở nhà này, cơ quan nọ”, anh Hùng đúc kết kinh nghiệm mấy chục năm làm nghề của mình như vậy. Anh được xem là bậc “cao niên” trong nghề và có khả năng “trị” bất kỳ loại khóa nào, dù là khóa két sắt là loại khó “chơi” nhất. Tuy vậy, anh rất cẩn thận khi nhận bất kỳ vụ mở khóa nào mà “nghi ngờ” thấy có điều bất ổn. Hiếm khi anh nhận làm chìa theo mẫu vẽ sẵn trên dép xốp, bánh xà phòng vì “biết đâu có một âm mưu gì đó”.

Thật ra, trong giới thợ khóa cũng có người vì lòng tham mà “cuỗm” luôn đồ của khách hàng hay sẵn sàng làm những “phi vụ đen” như “chế tạo” chìa cho những tên chôm chỉa. “Nhưng dạng đó rất ít và nếu không bị pháp luật phát hiện, trừng trị thì cũng bị dân trong nghề, khách hàng tẩy chay, đào thải. Làm nghề này muốn trụ lâu phải có cái tâm” – nhiều thợ khóa khẳng định với tôi như vậy.

Nguyễn Bình

Nguồn: https://nld.com.vn/phap-luat/bi-mat-nghe-tho-khoa-114977.htm

NHỮNG NGÔI CHÙA MANG TÊN LINH ỨNG Ở ĐÀ THÀNH

Huyền Tôn Nữ Huệ-Tâm

Hình:Chùa Linh Ứng, Sơn Trà, Đà Nẵng

NHỮNG NGÔI CHÙA MANG TÊN LINH ỨNG Ở ĐÀ THÀNH

 
          Đến Đà Nẵng du khách rất thích thú khi nhìn những bãi biển đẹp tuyệt vời như Mỹ Khê, Non Nước, Bắc Mỹ An… Còn gì thú vị hơn khi chiều xuống, lang thang trên bờ biển ngắm mặt trời đỏ rực, to như chiếc nong của nhà nông, đang chìm dần trong làn nước xanh biếc.

Bên cạnh loại hình “du lịch biển” khoảng mấy năm trở lại đây, “du lịch cầu” cũng nở rộ song song với những cây cầu đẹp mới hoàn thành bắc ngang sông Hàn như : CẦY QUAY SÔNG HÀN, CẦU RỒNG, CẦU THUẬN PHƯỚC…Ban đêm những chiếc cầu chan hòa ánh điện. Hiệu ứng ánh sáng tạo nên một không gian sông nước rực rỡ, lung linh trên sông Hàn, rất bắt mắt du khách.

Khách hành hương ngang qua thành phố sông Hàn cũng rất yêu mến phong cảnh hữu tình mà tôn nghiêm của những ngôi chùa có lịch sử khá lâu đời ở nơi này. Họ rất thích đi “du lịch chùa chiền” – có nghĩa là đi thăm viếng những ngôi chùa. Hệ thống chùa chiền ở Đà Nẵng rất phong phú và đủ các hệ phái. Có thể kể tên những ngôi chùa nhiều người biết đến như: chùa Pháp Lâm ở đường Ông Ích Khiêm, chùa Quang Minh (còn gọi là chùa Tượng Phật) ở Hòa Minh, chùa Quan Âm ở Non Nước…Đặc biệt du khách trong và ngoài nước, khách hành hương, hay Phật tử rất ngưỡng mộ ba ngôi chùa mang tên Linh Ứng! Phải chăng vì chính tự thân tên gọi gợi sự linh thiêng hay là do phong cảnh rất hữu tình và cũng là những địa điểm du lịch lí thú?

*****

1/ CHÙA LINH ỨNG, SƠN TRÀ, ĐÀ NẴNG

Trang Du Lịch Đà Nẵng có viết như sau về chùa Linh Ứng, Sơn Trà, Đà Nẵng:

“Chùa Linh Ứng, Bãi Bụt tựa lưng vào đỉnh Sơn Trà vững chãi, mặt nhìn ra biển Đông bao la, xa xa bên tả là đảo Cù lao Chàm án ngự, phía hữu là ngọn Hải Vân ngăn che với dòng Hàn giang hiền hòa thơ mộng. Sơn Trà còn là nơi giao hòa giữa biển trời với núi sông trong khoảng không trầm lặng, với tiếng vỗ rì rầm của biển cả và lời kể về một câu chuyện thuở xưa: Vào thời vua Minh Mạng, dân chài ven biển nơi đây đã phát hiện một tượng Phật trên bãi cát, bèn lập am thờ tự. Và rồi, Ngài Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn xuất hiện cứu người vượt vòng trầm luân, kể từ đó sóng yên biển lặng, dân chài yên ổn làm ăn, từ đó nơi đây có tên gọi là Bãi Bụt, hay còn gọi là Cõi Phật giữa chốn trần gian” .

Chùa Linh Ứng, Sơn Trà khởi xây năm 2004, khánh thành vào tháng 7 năm 2010. Khách hành hương đến chùa Linh Ứng, Bãi Bụt, Sơn Trà một phần vì phong cảnh bán đảo Sơn Trà rất đẹp: núi cao, bên dưới là biển xanh ngăn ngắt, sơn thủy hữu tình! Phần khác do yếu tố tâm linh huyền bí được lưu truyền trong dân gian. Họ đến để chiêm ngưỡng và cầu nguyện dưới pho tượng Phật Quan Thế Âm cao 67 mét bằng thạch cao trắng, mặt tượng nhìn ra biển bao la. Theo lời những thủy thủ ra vào cửa biển: Mẹ từ bi, hiền dịu, linh thiêng là chỗ dựa tinh thần cho những tay thuyền, làm họ cảm thấy vững vàng tay lái và an tâm khi ra biển cả mênh mông!.
 


Hình: Tượng Phật Quan Thế Âm chùa Linh Ứng, Sơn Trà
(Hình do HTN.Huệ-Tâm chụp ngày 11/11/2011)

Do vậy, chùa Linh Ứng, Sơn Trà với vị thế lí tưởng: non nước hài hòa, kiến trúc đẹp, thu hút rất nhiều khách du lịch đến viếng. Khách hành hương và Phật tử cũng đến tham bái rất đông.

Đây đó, dưới những gốc cây hay trên ghế đá có thể nhìn thấy những vị khách đang ngồi thiền. Họ đang hướng tâm tư về cõi Phật hay tìm chút bình lặng tĩnh tâm cho chính mình!
 

Hình: Thúy Liên và Huệ-Tâm viếng chùa Linh Ứng, Sơn Trà ngày 11/11/2011.
 

Đến chùa Linh Ứng, Sơn Trà, sau lúc bái Phật, du khách có thể tìm cho mình một vị trí thích hợp để nghe tiếng kinh cầu, tiếng chuông mõ, tiếng gió hòa với sóng biển rì rầm…Tất cả thanh âm hòa quyện như một bản nhạc giao hưởng với những cung bậc thăng giáng tuyệt vời! Trong khung cảnh hữu tình đó, con người cảm thấy thật nhỏ bé trước tạo vật. Một tiếng chuông ngân đủ làm hồn ta bình an và hạnh phúc như khi được quì dưới chân Mẹ hiền dịu. Một vài giọt sương rơi rơi, bay bay…hay đó là giọt nước từ bình Cam Lồ của Mẹ Quan Âm rưới trên đầu ta!

Ôi! Tuyệt vời! “Cõi Phật chốn trần gian” có thể làm ai đó rũ bỏ bao bụi bặm, nhọc nhằn cơm áo đời thường… Có lẽ vì vậy mà nhiều người thường tìm lên chùa Linh Ứng, Sơn Trà chăng?
 

Hình: Biển xanh rì rào trước mặt chùa Linh Ứng, Sơn Trà.
 

Có những vọng lâu rất đẹp nhìn ra biển bao la…
 


Nếu đứng ở góc này sẽ nghe những điệu nhạc du dương của biển, núi, chuông chùa ngân vọng…
 


Ban đêm từ tam quan chùa Linh Ứng, Sơn Trà, hướng mắt về bên dưới xa xa, ta có thể thấy được thành phố Đà Nẵng lung linh ánh điện theo một vệt sáng dài đủ sắc màu.
 


Rời chùa Linh Ứng, Sơn Trà du khách đi về hướng Đông Nam khoảng nửa giờ đi ô-tô sẽ thấy Ngũ Hành Sơn in trên nền trời xanh thẳm Đà Nẵng.

2/ CHÙA LINH ỨNG, NGŨ HÀNH SƠN, ĐÀ NẴNG
 

Hình: Chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn ngày 24/9/2014
 

Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn tọa lạc ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Chùa cách trung tâm thành phố khoảng 8 km về phía Đông Nam. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, nằm trên ngọn Thủy Sơn, Ngũ Hành Sơn.

Huyền thoại về Ngũ Hành Sơn còn lưu truyền đến ngày nay: Thuở trời đất còn hỗn mang, vợ Long Vương vượt biển Đông vào đây đẻ trứng trên bãi cát, nhờ thần Kim Quy bảo vệ. Qua nhiều năm tháng hấp thụ khí âm dương, một hôm, trời nổi sấm sét, đất chuyển ầm ầm, trứng rồng nứt vỏ. Một Long Nữ chào đời, bay thẳng về trời. Những mảnh vỏ trứng biến thành năm ngọn núi…

Vua Minh Mạng đặt tên các núi này là Ngũ Hành Sơn: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn.

Thủy Sơn có tên là núi Chùa hay núi Tam Thai là ngọn núi lớn nhất, cao 106m, rộng khoảng 15 hecta, có ba ngọn…

Ngọn ở phía Đông, có 123 bậc cấp lát bằng đá dẫn đến chùa Linh Ứng, thường được gọi là chùa Ngoài. Trước năm 1891, chùa có tên là Ứng Chân. Sách Danh thắng Non Nước – Ngũ Hành Sơn (Nguyễn Trọng Hoàng, Đà Nẵng, 2000) cho biết vào đời Vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786) có Hòa thượng Quang Chánh, hiệu Bảo Đài đến tu tại động Tàng Chân. Ngài dựng am Dưỡng Chân, sau sửa chữa lại gọi là Dưỡng Chân đường. Đến đời Gia Long, Dưỡng Chân đường được đổi thành chùa Ứng Chân. Sau khi Vua Minh Mạng đến vãng cảnh chùa đầu tiên vào năm 1825 thì các ngôi chùa tranh tre ở đây mới được thay bằng gạch ngói. Vua đã ban cho chùa tấm biển có ghi Ngự chế Ứng Chân Tự, Minh Mạng lục niên. Đến đời Thành Thái, do kỵ húy tên một vị vua nhà Nguyễn nên chùa được đổi tên là Linh Ứng.

Chùa được trùng tu nhiều lần. Năm 1993, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện đã tổ chức trùng tu ngôi chánh điện. Chánh điện xây kiểu chữ “Nhất”, bên phải là nhà tổ, giảng đường, nhà khách, nhà thiền và nhà trù. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Gian giữa thờ đức Phật Thích Ca, gian hai bên thờ Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Địa Tạng, phía ngoài có tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện. Trước chùa, Thượng tọa cho đắp tượng đức Phật Thích Ca cao 10m, xây đài Quan Âm, tạo vườn cây cảnh.

Năm 1997, Thượng tọa cho xây tháp Xá Lợi bên trái chùa, cao 30m, đường kính tầng dưới 11m, đặt thờ gần 200 tượng Phật, Bồ tát, La hán.
(Theo tư liệu của trang Du Lịch Đà Nẵng)
 

Hình: Tháp Xá Lợi trên ngọn Thủy Sơn.

Hình: Tượng Phật Thích Ca cao 10 mét ở chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn.

Hình: Đài Quan Âm chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn.

*****

Ngày 24/9/2014 chúng tôi -các cựu sinh viên Đại học Sư Phạm Huế, khóa Lương Văn Can &Huỳnh thúc Kháng là: Huệ-Tâm, Như Ánh, Thúy Liên- tổ chức du lịch NGŨ HÀNH SƠN. Cả nhóm lên ngọn THỦY SƠN, ngọn núi đẹp nhất trong quần thể Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Đi về trong ngày. (Đi lúc 2h chiều về lúc 6h) .

Nắng thu đẹp đến ngỡ ngàng! Từng giọt nắng vấn vương trên tóc và theo gót chân chúng tôi. Núi Ngũ Hành được cơn mưa thu đầu mùa hồi sáng 24/9/2014 gội sạch bao bụi bặm, đón chúng tôi lên thăm chùa và các hang động.

Không khí trong lành, Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng chớm thu sang (1) rất thơ mộng: chim hót líu lo, hoa nở rộn ràng đẹp tươi, hương trầm bay trong gió, sương núi bàng bạc… Những hang động, chùa chiền nối tiếp nhau không dứt.

Trèo núi, thăm thú khắp nơi mà người vẫn khỏe khoắn.

Ôi, Mừng biết bao!

Cuộc hạnh ngộ thật dễ thương như trời thu xanh ngắt thơm ngát hương núi Ngũ Hành Đà Nẵng.

Dưới ánh nắng chiều thu ngày 24 tháng 9 năm 2014 chúng tôi cùng du khách đến thăm chùa Linh Ứng. Những luồng nắng thu màu vàng mơ quyện những sợi khói hương tạo nên những mảng màu sắc lung linh huyền ảo. Khách hành hương sau lúc lễ bái đều ra trước sân chùa ghi vài tấm ảnh ở nơi chốn linh thiêng này!
 

Hình: Huệ-Tâm và Thúy Liên trước sân chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn ngày 24/9/2014.
 

Từ chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn du khách phóng tầm nhìn xuống bên dưới là biển Non Nước xanh ngắt bao la. Những cánh buồm du lịch lả lướt, người người đang thả mình trên sóng nhấp nhô… Cảm giác lâng lâng trộn lẫn giữa cõi tiên và cõi tục dường như tìm được mối giao thoa khi ta đắm mình trong chút nắng huyền ảo ở chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn.

Ai ngờ, ngay giữa lòng thành phố cảng xinh đẹp Đà thành, mọi người cũng có thể tìm thấy được “cõi tiên” khi lên núi Ngũ Hành. Các ngôi chùa và những hang động long lanh sắc màu thạch nhũ nối tiếp nhau khiến du khách ngẩn ngơ như lạc vào cõi bồng lai!
 

Huệ-Tâm và Như Ánh trong một hang động ở Ngũ Hành Sơn (ngày 24/9/2014).
 

Hình: Biển Non Nước xanh ngắt nhìn từ chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn.
 

3/ CHÙA LINH ỨNG, BÀ NÀ, ĐÀ NẴNG
 

Hình: Chùa Linh Ứng, Bà Nà ngày 23/4/2014.
 

Chùa Linh Ứng, Bà Nà nằm trên đỉnh Bà Nà. Chùa nằm ở độ cao gần 1.400m, chùa Linh Ứng, Bà Nà được khánh thành vào ngày 06/03/2004. (16/02 năm Giáp Thân)

Về lịch sử, ngày 21/09/1999 (12/08 năm Kỷ Mão), Thượng tọa Thích Thiện Nguyện, trụ trì chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể lễ đặt đá xây dựng chùa Linh Ứng, Bà Nà và Thích Ca Phật đài.
 

Hình: Thúy Liên và Như Ánh dưới chân tượng Phật Thích Ca

trên núi Bà Nà ngày 23/4/2014 (hình do HTN.Huệ-Tâm chụp).
 

Bức tượng Bổn sư Thích Ca uy nghi, cao 27m màu trắng, ngang gối 14m, thiền định trên đài sen cao 6m nổi bật trên nền trời Bà Nà, Đà Nẵng. Từ thành phố Đà Nẵng, vào những ngày nắng ráo, có thể nhìn thấy bức tượng Thích Ca trên bầu trời xanh thẳm của khu du lịch nổi tiếng Bà Nà – Núi Chúa.

Về kiến trúc và thờ tự, hai ngôi chùa mang tên Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn cũng như Bà Nà được thực hiện giống nhau, và cùng một thầy trụ trì.
Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

(Tổng hợp từ trang Du lịch Đà Nẵng)

*****
 

Ngày 23/4/2014 các cựu sinh viên Đại Học Sư Phạm Huế khóa Lương Văn Can-Huỳnh Thúc Kháng đã tổ chức du lịch lên núi Bà Nà bằng phương tiện cáp treo. Vé cả đi và về: 500.000 đồng cho khách ngoại tỉnh, 300.000 đồng cho khách Đà Nẵng (có xuất trình chứng minh nhân dân khi mua vé).

Cổng lên chùa Linh Ứng, Bà Nà.

Xuống cáp treo ga Tóc Tiên, chúng tôi tìm đường lên chùa Linh Ứng, Bà Nà. Ngày hè nắng ráo nhưng núi vẫn mù sương, mát lạnh. Trèo núi ước chừng trên 300 bậc, đường núi quanh co gấp khúc, mấy chú sóc chạy trốn khi thấy người đi lên. Vẫn còn xa. Mỏi chân nhưng chúng tôi quyết tâm bái Phật. Có đi có đến… thì thấy tam quan chùa Linh Ứng, Bà Nà. Mừng ơi là mừng!

Tam quan chùa Linh Ứng, Bà Nà phía từ bên dưới núi đi lên.
 

Từ trong chùa nhìn ra tam quan, phía bên dưới sương mù dày đặc.
 

Chúng tôi chụp hình cùng đoàn khách du lịch Úc

trước chùa Linh Ứng, Bà Nà ngày 23/4/2014.

Lễ Phật, đóng góp phước sương xong, chúng tôi rủ nhau dạo chơi thăm viếng mọi nơi để được hưởng chút “hương Phật”! Phúc đức thay, cả nhóm ai cũng khỏe khắn vui tươi dù trèo núi mệt lử.


Nếu đi từ bên dưới lên chùa Linh Ứng, Bà Nà, sau khi bước vào tam quan, phía bên trái chùa, là đường đi lên tượng Phật Thích Ca, chót vót trên ngọn núi.
Những đêm rằm trời trong sáng, vầng trăng treo lơ lửng trên bầu trời, sương đêm lóng lánh rơi. Pho tượng Phật Thích Ca trắng xóa nổi giữa trời xanh Bà Nà. Một tiếng chuông vang vọng giữa thinh không lay động tâm tư lữ khách. Phải chăng đây là cảnh tiên!
 


Đường đi lên tượng Phật Thích Ca có những bậc đá rất dốc, khó trèo, khách hành hương lớn tuổi mồ hôi dầm dề, phải bám vào vách núi mà đi cho khỏi vấp té. Có một cặp vợ chồng già ngồi thở dốc ở góc núi, thấy chúng tôi đi xuống liền hỏi: “Còn bao xa hở cô?”. Họ nói: “Khát nước quá mà quên mang nước theo!”. Chúng tôi động viên: “ Đã lên tới đây thì cố gắng trèo cho đến đích kẻo hối tiếc, còn mỗi một đoạn là tới nơi rồi! Tặng cho ông bà chai nước khoáng mới mua để uống lấy sức nhé!”. Rồi chúng tôi xuống núi.
 


Hai bên đường lên và xuống chùa Linh Ứng Bà Nà, hoa cẩm tú cầu khoe sắc, đẹp vô ngần!
 


Dù trời nắng nóng nhưng ở Bà Nà vẫn mát lạnh. Trên đỉnh Bà Nà mù sương, (2) mây giăng bốn bề.
 

Chúng tôi lo xuống núi nhanh kẻo trời mù, sợ không thấy đường!

Nhìn từ đàng xa thấy cáp treo từ Đà Nẵng lên khu du lịch Bà Nà lơ lửng trong mây mù.

*****

Chúng tôi và khách hành hương đã thăm viếng, bái Phật ba ngôi chùa mang tên Linh Ứng ở Đà thành. Đúng như tên gọi cả ba ngôi chùa rất “LINH ỨNG”! Bởi không chỉ được thưởng thức cảnh đẹp, tĩnh tâm mà khi trở về ta còn cảm thấy nhẹ phận người, chăm làm việc thiện, bớt nóng giận, tham sân si… Cho dù cuộc đời vẫn còn bộn bề nỗi lo toan, nhiều ngang trái… nhưng trong thâm tâm khách hành hương vẫn mong chút “hương Phật” mà mình đã nhận được từ chùa Linh Ứng sẽ xoa dịu những nhọc nhằn, những muộn phiền, bất trắc… Những nụ cười luôn nở trên môi, cuộc sống sẽ đẹp hơn và tâm ta thanh tịnh hơn…

Huyền Tôn Nữ Huệ-Tâm
Đà Nẵng, 12/10/2014

Chú thích:

Kính mời coi thêm các bài thơ và video có liên quan, Link:

(1) Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng chớm thu sang

(2) Trên đỉnh Bà Nà mù sương

Nguồn tư liệu:

HTN.Huệ-Tâm tổng hợp từ trang du lịch Đà Nẵng.

Bài vở và hình ảnh: Do HTN.Huệ-Tâm thực hiện.


—–HẾT—–
 

art2all.net

Nguồn: https://art2all.net/tho/huetam/nhungngoichuamangtenlinhung.html

PHÙ BÀI LÀNG XƯA

Bùi Kim Chi (VH-LVC)

“Tiên tổ phương danh lưu quốc sử
Tử tôn tích đức kế gia phong”  

Đây là hai câu thơ mà ba tôi tâm đắc nhất và đã truyền lại cho tôi – con dâu trưởng của ba. Tôi rất thương và quý ba tôi, một mẫu người nhân hậu hết lòng với việc làng, việc họ. Bản thân ba bao giờ cũng lo giữ trọn hiếu đạo, tuy sống ly hương nhưng không lìa tổ; ba luôn cố gắng làm tròn nghĩa vụ của người kế thừa sự nghiệp của tiên tổ để lại trong một ngôi làng nổi tiếng về địa danh và có truyền thống nổi bật về việc làng, việc họ. Suốt 33 năm làm dâu họ Ngô làng Phù Bài, về thăm làng nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi được ở lại đêm tại làng và được nghiên cứu “Phù Bài sử cương” của ba tôi để lại nhân dịp lạc thành đại trùng tu từ đường Phái Ngô Đức (thờ các ngài Ngô từ đời thứ 13 đến đời thứ 18). Tôi cảm thấy hãnh diện vì mình là con dâu của làng. 

Hồi nhỏ, khi chưa lấy chồng tôi vẫn nghe tiếng thơm về làng Phú Bài. “Phú” chứ không phải “Phù” nhưng đến khi về làm dâu của làng thì tôi mới vỡ lẽ ra tên làng là “Phù Bài”. Theo lời ba tôi – cụ Ngô Đức Đoàn đích tôn đời thứ 18, con trai trưởng của cụ Tự Thừa Ngô Đức Trác – cho biết sở dĩ làng có tên là Phù Bài vì Ngài Bổn thổ Thành hoàng Ngô Phủ Quân, vị tổ đầu tiên sáng lập ra làng là một đạo sư có đặc tài phù phép, thường dùng oai linh Thần phủ, Linh phù, Lệnh bài để trừ gian tặc và ma quỷ hãm hại dân làng. Công lao to lớn của Ngài đã khắc sâu vào tâm tư, tình cảm của dân làng và được truyền tụng từ đời này sang đời khác.

Làng Phù Bài nằm ở vị trí cực nam huyện Hương Thủy và phía nam tỉnh Thừa Thiên – Huế. Phía đông giáp sông Lợi Giang và các làng Tân Tô, Tô Đà, Lương Văn … Phía tây giáp dãy Trường Sơn có nhiều núi cao, đặc biệt có hòn Thất Sơn thường gọi là núi Quách. Tục truyền khi mới lập làng, các vị thủy tổ khai sinh ra làng đã đi tìm sắt để xây dựng ở núi Quách cách làng chừng 2km thì gặp một ông lão chỉ cho chỗ đào sắt. Đào được sắt, các vị mừng rỡ hỏi danh tánh lão ông và được biết ông người Hồ quốc. Một thời gian sau ông lão đi đâu không rõ, dân làng thời ấy thường gọi ông là “Ngài Đại tài”. Theo lời ba tôi, trong bản văn chữ triện (ô vuông) có đề cập đến Ngài Đại tài, người tỉnh Hồ Bắc bên Trung Hoa và thuộc dòng họ Ngô. Về sau các đời con cháu liên tiếp trong làng trước khi đi làm sắt đều có thiết lập bàn thờ để tế trời đất và khấn:

Thái Thượng Huyền Nguyên
Bổn thổ Thành hoàng Ngô Phủ quân

Phía Bắc của làng có truông cát rộng, tiếp giáp địa phận các làng Thần Phù, Lang Xá, Văn Giang, Dạ Lê Thượng, Thanh Thủy Thượng, Lương Hà, Lương Miêu. Phía Nam giáp làng An Nong huyện Phú Lộc. Địa thế làng rộng mênh mông, diện tích khoảng chừng 38km2 tức hơn 7.600 mẫu đất (mỗi mẫu 4.900m2). Làng có nhiều cát sạn, khai thác mấy cũng không hết còn cho các vùng lân cận sử dụng.

Sông Phù Bài ngày xưa còn có tên là sông Cừ Giang vì có nhiều cây cừ to lớn rễ mọc tua tủa hai bên mé sông. Sông chảy ngang giữa làng thì chia làm hai chảy qua bàu ruộng Nhị Thiên Mẫu rồi phân thành hai xứ ruộng bàu Đông và ruộng bàu Tây, chảy tiếp ra sông Lợi Giang, xuống đầm Hà Trung kế phá Cầu Hai rồi đổ ra biển Đông qua cửa Tư Hiền. Hàng năm, dân làng ra sức đắp đê bao vòng quanh bàu ruộng Nhị Thiên Mẫu để làm ranh giới và ngăn ngừa lũ lụt, nước mặn từ đầm Hà Trung tràn vào đồng ruộng làm thiệt hại mùa màng. Sông Phù Bài có nguồn lợi rất lớn, cung cấp nhiều cá tôm đủ thức ăn cho dân làng quanh năm . 

Với địa thế như vậy, theo ba tôi thì làng Phù Bài có nhiều điều kiện thuận lợi dể phát triển về văn hóa và xã hội. Về văn hóa, lớp học đầu tiên của làng đặt tại nhà tăng của Ngài Đại tông, sau đó làng mới bắt đầu xây dựng một ngôi trường bằng ngói có 3 lớp học bên cạnh đình làng, lúc đầu chỉ có 20 học sinh dần dần lên đến 50 học sinh và phát triển dần thành một trường học có 5 lớp vào năm 1945. Đến năm 1954 làng xây cất thêm 3 phòng học nữa để hoàn chỉnh thành một trường tiểu học có đủ phòng ốc và bàn ghế cho học sinh ngồi. Năm 1962, làng mở thêm một trường trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở bây giờ) với 300 học sinh ban đầu. Đa số học sinh học hết trường làng thì lên huyện hoặc tỉnh để học tiếp trường trung học đệ nhị cấp (trung học phổ thông). Tốt nghiệp được tú tài toàn phần thì theo học các trường Đại học ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn. Con cháu đời nay của làng có nhiều người đỗ đạt được học vị cao: Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ, Kỹ sư, Giáo sư…

Để khám chữa bệnh cho dân, năm 1958 trong làng mới bắt đầu xây dựng được một nhà bảo sanh bằng ngói với 10 giường do ngân quỹ của Hội Phước thiện bảo sanh xã. Công trình này được khởi công xây dựng dưới sự giám sát của ông hội trưởng là cụ Thất phẩm Ngô Đức Tháo. Về sau nhà bảo sanh này được cải tiến thành bệnh xá khang trang với 20 giường nằm cho bệnh nhân và 10 giường nằm cho sản phụ, có thêm phòng khám bệnh, phòng phát thuốc và có y sĩ điều trị.

Ngày xưa, dân làng họp chợ vào buổi chiều trên một khu đất cạnh đình làng bên sông. Năm 1947 chợ được dời về họp trên một đám đất gần đầu cầu quốc lộ về phía bắc. Đến năm 1954, thấy khu đất họp chợ chật hẹp nên ông xã trưởng Ngô Phước Truyền đã cho dời chợ sang địa điểm ở phía nam cầu quốc lộ. Nơi đây, đường sá giao thông tiện lợi nên dân cư các vùng lân cận như Tô Đà, Tân Tô, Nong, Truồi… đến họp chợ đông đúc; thậm chí có bạn hàng ở Huế mang hàng hóa, vải vóc, áo quần về bán; lại có cả bạn hàng ở đầm Cầu Hai mang cá, tôm tươi đến bán rất đông đảo. Chợ Phù Bài trở thành khi thị tứ lớn phồn vinh nức tiếng một vùng. 

Đã lâu đời, làng có một ngôi chùa bằng ngói ở đầu làng (ấp 7), phong cảnh ở đây thanh u, tịnh mịch, gần núi, cạnh sông, cách xa nhà ở để thờ Đức Phật tổ. Hàng ngày có một thầy tăng tụng kinh niệm Phật. Làng dành một mẫu ruộng để cúng lễ hàng năm như lễ Phật đản, lễ Thành đạo, lễ Vu lan, các ngày vía Phật và rằm tứ quý. Đến năm 1960, khuôn hội Phật giáo xã được thành lập và đã xây cất “Niệm Phật đường” bằng ngói cao ráo, rộng rãi, khang trang giữa làng cạnh đường quốc lộ để phật tử dễ dàng đến lễ bái, có một vị đại đức trụ trì niệm Phật. Xưa làng Phù Bài không có một người Công giáo nào, đến năm 1928 có một đức cha đến truyền đạo tên là cha Bá. Khi đó trong làng mới có 3, 4 gia đình theo đạo Công giáo. Sau đó các cha cố Thiên Chúa giáo về làng xin sở đất tại xứ Kênh Giàng để xây nhà thờ truyền đạo và con chiên đến lễ.

Đặc biệt dưới thời Pháp thuộc, làng Phù Bài được xây dựng một phi trường trên một bãi truông cát lớn, rộng hơn 3km, dài 4km. Đây là một phi trường có hạng ở Việt Nam cách thành phố Huế 13km. Cũng nhờ vậy mà người trong nước cũng như nước ngoài đã biết đến địa danh Phù Bài, quê tôi. Tôi cảm thấy tự hào về đất nước tôi, về làng Phù Bài quê hương tôi với truyền thống vẻ vang của dòng họ Ngô mở đầu là Ngài Bổn thổ Thành hoàng Ngô Phủ Quân. Ngài vốn dòng dõi người Trung Hoa. Ngày ấy, Ngài luyện Tiên phù, dạo chơi miền sơn thủy thấy vùng đất Phù Bài có bề thế đẹp, non nước hữu tình, địa thế rộng lớn có thể sinh cơ lập nghiệp được lâu dài, vĩnh viễn nên Ngài ở luôn tại đất Việt dựng cõi đắp bờ, khai khẩn đất hoang để mở làng. Lúc đầu rừng núi còn hoang vu, cây cối um tùm, gian tặc, tà ma còn lẫn trốn nhiều nơi, thú dữ thường hay quấy nhiễu dân làng, phá hoại mùa màng. Với pháp thuật cao cường, mưu chước, Ngài mới tiêu trừ được gian tặc, thú dữ đem lại cuộc sống an lành, hạnh phúc cho dân làng. Do đó dân làng rất biết ơn Ngài và ca tụng Ngài qua hai câu ca dao truyền đời :

“Đức Ông thiệt đấng có tài
Phép cao đuổi tặc chạy dài khiếp oai”

Ngày xưa để tạ ơn Ngài, hàng năm khi làng tế Giang sơn và Thiên thần xong thì làng sắm trầu rượu, lễ vật làm lễ tạ ơn Ngài đã có công đầu trong việc sáng lập và gây dựng cơ đồ cho làng. Sau khi Ngài thọ chung, làng lập điện thờ Ngài do Tự Thừa phụng tự, có trùm gia tơ lo lễ vật tế lễ và 2 từ phu trông giữ điện thờ.

Làng tôi nổi tiếng về việc thờ tự, lễ nghi. Theo gia phả dòng họ Ngô thì kế thừa Ngài Bổn thổ Thành hoàng Ngô Phủ Quân là các Ngài truyền đời kế tiếp: Ngài Khai canh đại tông, Ngài Tùng bổn thổ khai khẩn, Ngài Dự bổn thổ khai khẩn và các Ngài Thủy tổ các tộc. Việc thờ tự các Ngài, làng tôi phân công phụng tự như sau: Ngài Bổn thổ Thành hoàng do Tự thừa phụng tự (nhiệm kỳ của Tự thừa là từ 4 đến 5 năm). Ngài Khai canh đại tông do Chánh trưởng phụng tự (nhiệm kỳ của Chánh trưởng là 3 đến 4 năm). Ngài Tùng bổn thổ khai khẩn. Ngài Dự bổn thổ khai khẩn do Hương trưởng phụng tự (nhiệm kỳ của Hương trưởng là 3 đến 4 năm) và Ngài Thủy thổ các tộc do Tộc trưởng phụng tự (nhiệm kỳ của Tộc trưởng là 2 đến 3 năm). Ngài Bổn thổ Thành hoàng Ngô Phủ Quân là một bậc “Nhân thần” đem lại hạnh phúc cho dân làng, được tôn phong công thần “Hộ Quốc Tý Dân” được triều đình liệt vào tự điển và trải qua sáu triều đại sắc phong Ngài được tặng Quang ý Trung đẳng Thần. Ông nội tôi, cụ Tự thừa Ngô Đức Trác phụng tự Ngài Bổn thổ Thành hoàng Ngô Phủ Quân được hai nhiệm kỳ. Theo lời ba tôi, làm việc làng, việc họ rất công phu, chí công, vô tư và nhất là phải có cái tâm thì mới đảm đương được công việc; phải làm ruộng hương hỏa có nếp gạo để bày cỗ tế tự, nuôi heo để giỗ chạp hàng năm, hội họp làng họ. Công việc này phải trải qua hàng chục năm mới thành thục được. Theo tục lệ của làng, Tự thừa, Chánh trưởng, Hương trưởng, Tộc trưởng khi nhậm chức phải thiết lễ yết kiến thủy tổ và làm tiệc khao đãi làng xóm, họ hàng và nhất là phải một lòng phụng tự các Ngài chu đáo.

Điện thờ các Ngài tọa lạc tại xứ Thành Võ gần lăng mộ. Dưới triều Nguyễn, ngôi chính điện được tu tạo lại bằng ngói âm dương, ba gian, hai chái; có tiền đường, hậu trẫm. Phía trước có xây cửa tam quan, trụ biểu, la thành; có hồ thủy tạ, cây cối xanh tươi. Trên nóc tiền đường có khắc bốn chữ “Hiển Hách Anh Linh”.

Ngoài việc phụng thờ các Ngài, hàng năm làng còn tổ chức ba đại lễ là tết Nguyên Đán, Đại tế Kỳ phúc và lễ Thanh minh.

Trải qua bao thế kỷ, điện thờ các Ngài vẫn được con cháu truyền đời phụng tự chu đáo và trùng tu nhiều lần, trở thành một ngôi điện uy nghi, khang trang, đẹp đẽ. Đây là di sản tinh thần vô cùng quý báu của dòng họ Ngô làng Phù Bài.

Đêm nay, ở lại đây tại ngôi làng Phù Bài trong nhà thờ Phái Ngô Đức lòng tôi bồi hồi, xúc động. Ngày mai, Phái tổ chức lạc thành đại trùng tu từ đường. Nhìn ba gian điện thờ uy nghi, sáng rực đèn hoa tôi chạnh nhớ đến ba tôi. Ba ơi ! Uống nước nhớ nguồn. Phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ Ngô làng Phù Bài, chúng con đã thực hiện đầy đủ di bút của ba để lại. Xin mượn lời thơ của ba tôi – cụ Phù Sơn Ngô Đức Đoàn để chấm dứt bài viết này:

“ Phù Bài có động Sơn Phèn
Có đồi Ngũ Nhạc có dòng Cừ Giang
Có hòn núi Thiết danh vang
Có rừng Thuận trực, có truông cát dài
Bảy ngàn sáu mẫu hoang khai
Hai ngàn hai mẫu đất đai ruộng đồng
Đông tây hai giáp mêng mông
Lòng Dân muôn thuở nhớ công Thành hoàng”

Bùi Kim Chi

(Đồng Nai)

chân trần

art2all. net