KÝ GIẢ THỂ THAO HUYỀN VŨ – VUA “NÓI” VỀ “QUẢ DA” Ở SÀI GÒN!

Lê Văn Nghĩa, một người đa tài, một người vừa mới rời xa trần thế vào đêm 25-7-2021, một người mà Báo Tuổi Trẻ đã gọi là “Một người Sài Gòn rất Sài Gòn” đã từng nói rằng: “Hơn 50 năm trước và cho đến nay, Huyền Vũ xứng danh là một “Huyền thoại” trực tiếp tường thuật đá banh chưa ai qua tại đất Sài Gòn…”.

Có hai người nổi tiếng trong làng báo thể thao Sài Gòn, đó là Thiệu Võ và Huyền Vũ. Nếu như Thiệu Võ là ký giả “Viết Thể thao” hay nhất, thì Huyền Vũ là ký giả “Nói Thể thao” hay nhất.

Nhưng Huyền Vũ không chỉ “Nói số 1” mà còn “Viết” thuộc hàng “cao thủ” của báo chí Sài Gòn không chỉ trong lĩnh vực thể thao mà còn trong làng văn chương, chính trị.

TIẾNG NÓI CỦA MỌI NGƯỜI, MỌI NHÀ

Sài Gòn ngày trước có hai Đài phát thanh: Quân Đội và Sài Gòn. Người chỉ huy của Đài nào thường cũng là người của quân đội. Dù vậy, cả hai Đài đều “cạnh tranh” sòng phẳng để khẳng định vị thế số 1. Nhưng, kể từ khi Đài Sài Gòn có ông Huyền Vũ, nhà tường thuật đá banh, thì Đài Quân Đội phải xin “Quý Đài Sài Gòn cho nhập sóng” để quân nhân ở các đồn xa được nghe ông Huyền Vũ chứ không phải người khác.

Ví dụ này là dẫn chứng hùng hồn nhất để kết luận ngay và luôn là: Ông Huyền Vũ đã trở thành người không thể thiếu của tất cả những trận đá banh của Sài Gòn trước những năm 1975.

Nhưng làm thế nào để có được vị trí đỉnh của đỉnh này khi mà Huyền Vũ chưa một lần thông qua trường lớp đào tạo về tường thuật trực tiếp đá banh?

Trong hồi ký “Tôi làm Ký giả Thể thao” ra mắt năm 1988, Huyền Vũ đã viết: “Bản tính thích thể thao từ nhỏ (chúng tôi thích đọc sách, báo về thể thao, khoa học và du hành Science et Voyage) về tiểu thuyết trinh thám của Simenon (Pháp) lúc ấy tôi là trọng tài của Tổng cuộc túc cấu Nam Việt. Nếu tiếp tục nghề này chúng tôi đã được đề nghị trọng tài quốc tế một lượt với Trương Văn Ký, trọng tài Quốc tế Việt Nam đầu tiên…”

Thế thì tại sao Huyền Vũ lại thôi không làm trọng tài? Huyền Vũ giải thích rất ngắn gọn: “Để ngòi viết của mình được vô tư hơn”.

Từ viết rồi ông kiêm thêm nghề nói, chính xác hơn là tường thuật trực tiếp các trận đá banh trên đài phát thanh.

Thời gian đầu Huyền Vũ đã nhận liều thuốc đắng, đó là bức thơ của một thính giả ở Bến Tre phê bình kỹ thuật “trực tiếp” của ông. Vị thính giả này là một sinh viên du học bên Pháp về, đã so sánh cuộc “trực tiếp” của Huyền Vũ với kỹ thuật của phóng viên Pháp tại Ba Lê (ngày nay gọi là Paris).

Với Huyền Vũ, đó là những phê phán rất thẳng thắn, xây dựng.

Kể từ đó ông mới tìm hiểu sâu rồi tự phân chia tường thuật cùng lúc cho nhiều đối tượng từ thấp đến cao: những người không am hiểu và am hiểu đá banh không có mặt ở vận động trường; những người không am hiểu và am hiểu đá banh có mặt ở vận động trường; những cầu thủ, huấn luyện viên, chuyên gia sành sõi đá banh không có và có mặt ở vận động trường…

Huyền Vũ cho biết ông thành công là nhờ những góp ý thậm chí phê bình gay gắt của các thính giả.

Có thể khẳng định chính những gì mà Huyền Vũ tường thuật trên làn sóng điện, những lời bình luận về đấu pháp, những nhận xét về chiến thuật toàn đội hoặc về tài nghệ cá nhân của các tuyển thủ, mới là chi tiết được ghi lại trong tâm não của khán giả ngồi xem ngay trong cầu trường chứ không phải những gì do chính mắt họ nhìn thấy. Ngày đó, nhiều khán giả, dù đang ngồi trong cầu trường theo dõi trận đấu, mà vẫn áp tai vào chiếc radio cầm tay để nghe Huyền Vũ tường thuật.

Huyền Vũ được coi như linh hồn của trận đấu.

Trong chương trình “Lịch Sử Bóng Tròn Việt Nam” năm 2011, ký giả Phạm Trần có hỏi Quang Đức Vĩnh, cựu tuyển thủ VNCH, Vua phá lưới mùa bóng 1970-1971: “Anh nghĩ như thế nào về tầm ảnh hưởng của ký giả Huyền Vũ đối với nền bóng tròn VNCH?”.

Quang Đức Vĩnh, sau ngày đất nước thống nhất đá cho Tổng cục vật tư và đội tuyển TP.HCM trả lời ngay: “Về bóng tròn, nếu không có Huyền Vũ thì chắc chắn sẽ mất đi phần hấp dẫn và lôi cuốn khán thính giả, còn về phía cầu thủ thì tầm ảnh hưởng của ký giả Huyền Vũ rất lớn lao”.

Với giọng nói thiên phú, ông đã biến những cầu thủ chúng tôi thành những thần tượng từ thành thị đến thôn quê kể cả đi xuyên qua bức màn sắt. Tôi xin đơn cử một trường hợp, vào năm 1976, đội banh Tổng Cục Vật Tư đang thao dợt tại sân Hoa Lư thì có hai người bước xuống bắt tay tôi và Võ Thành Sơn, đó là hai danh thủ bóng tròn của miền Bắc mà họ gọi là “kiện tướng Nguyễn Thế Anh và Nguyễn Cao Cường”. Hai anh nói đã đã nghe tiếng chúng tôi trước 75 trên đài phát thanh. Nếu không có ký giả Huyền Vũ làm sao những người này biết chúng tôi.

THI VỊ HÓA NGÔN NGỮ TIẾNG VIỆT TRONG ĐÁ BANH

Họa sĩ Trịnh Cung sinh năm 1938, định cư ở Mỹ năm 2013. Ông là một trong những tài năng hàng đầu của làng mỹ thuật Việt Nam nổi danh từ trước năm 1975. Nhắc đến cột mốc thời gian để chúng ta hiểu hơn những năm tháng ông Trịnh Cung nghe ông Huyền Vũ tường thuật trực tiếp đá banh ít hơn là ông nghe và xem thế hệ sau 1975.

Sau khi hay tin Huyền Vũ qua đời ở tuổi 90 lúc rạng sáng ngày 24-8-2005, tại thành phố New Port News, Virginia (Mỹ), ông có trả lời với báo chí rằng:

– Không ai có thể thay thế Huyền Vũ được. Thời đó chưa có truyền hình, ông Huyền Vũ chỉ có tiếng nói qua “làn sóng điện” chứ không có hình, vậy mà nghe ông, thính giả cứ tưởng như đang được coi một trận đấu thực thụ đang diễn ra từng pha bóng trước mặt mình. Nghe ông ấy truyền thanh từng đường banh: “Đi tới trước khung thành rồi, Ngầu đang lừa banh, qua rồi, Há đứng đợi bên trong, đưa banh, Há bỏ cho Ngầu, Liêm ở phía sau sẵn sàng, cú sút như trái phá… nhưng “quả da” đụng khung thành bật ra. Tam Lang lại được banh từ giữa sân, đưa dài lên, cú sút của Tư chéo góc… Dzô! Dzô! Dzô, tuyệt tác. Sân cỏ nổ tung! Rồi Đực, rồi Rạng với đường banh huê mỹ vặn chéo người cứu một bàn thua trông thấy khiến khán giả choáng váng…”. Ông ấy làm tôi ở nhà cũng choáng váng theo.

Phải kể như ông ấy là một thiên tài. Một thiên tài trăm năm trước không có, trăm năm sau chắc cũng chưa thể có.

Quả thực so sánh giữa Xưa và Nay luôn khó, giống như so sánh giữa Pele, Maradona, ai hay hơn ai. Bởi xem lại thì thấy thời Vua Pele, khi nhận banh, các cầu thủ có nhiều không gian và thời gian để xử lý hơn “Cậu bé vàng” Maradona. Do đó, so sánh là khập khiễng.

Ngay như ông Huyền Vũ nói quả banh là “Quả da” cũng không phù hợp với ngày nay. Nhưng, có một điều có thể kết luận được ngay, Huyền Vũ là nhà báo làm đẹp văn chương thể thao, nhất là trong đá banh.

Chúng ta cùng nhau nghe lại một đoạn mô tả Huyền Vũ tường thuật trong trận Hội tuyển Sài Gòn thắng Djurgarden, đương kim vô địch Thụy Điển 3-1 trên sân vận động Cộng Hòa vào ngày 25 tháng 11 năm 1959 như sau:

– Trung phong đội bạn là Djurgarden đánh đầu quả da vào từ góc trái. Cả cầu trường im phăng phắc. Còn trung phong đội bạn giơ cao cánh tay chuẩn bị mừng bàn thắng thì bất ngờ… Phạm Văn Rạng đã búng ngược người như một con tôm, dùng tay đẩy bóng qua xà ngang cứu một bàn thua trông thấy…”.

… Quả da đã đi tới khung thành rồi. Ngôn đang lừa banh, qua rồi. Tam Lang đang đứng đợi bên trong, đưa banh. Tam Lang bỏ cho Đỗ Thới Vinh. Ngôn ở phía sau sẵn sàng, cú sút như trái phá”. Giọng Huyền Vũ bỗng dưng vang ra thật lớn: “S… ú… t”… và rồi như nhỏ lại và buồn tẻ: “Nhưng quả da đụng khung thành bật ra… Ta đã uổng một dịp thắng bằng vàng”.

Huyền Vũ chất giọng miền Nam có sức thu hút lạ lùng, khi thì ung dung như quả bóng đang lăn chậm chạp trên sân cỏ, khi thì dồn dập như mưa sa bão táp cuốn hút người nghe vào những pha công phá đang diễn ra sôi nổi trước khung thành. Cứ sau mỗi pha đầy gây cấn như vậy thì người ta lại nghe ông kể lại cách sắp xếp của hàng tấn công và hàng phòng thủ của 2 đội, chẳng khác nào một cuốn phim được quay chậm trở lại trên màn ảnh để khán giả có thể biết được một cách rõ ràng hơn.

Huyền Vũ dùng những cụm từ mà những người theo dõi qua radio không thể nào quên: khi trận đấu chưa có bàn thắng, ông dùng cụm từ “màng lưới đôi bên vẫn còn trinh bạch”.

Ông Huyền Vũ là người sáng tạo ra nhiều từ ngữ trên sân cỏ trở thành phổ thông trong dân gian như: “uổng dịp thắng bằng vàng”, “Con én không mang lại mùa xuân”, “Hụt thắng trong đường tơ kẽ tóc”, “Cú sút sấm sét”, “Cứu một bàn thua trông thấy”, “Cú ngả bàn đèn”, “Những đường banh huê dạng”.

***

Với những ai từng được nghe Huyền Vũ tường thuật trực tiếp đá banh đều nhìn nhận, tiếng nói của Huyền Vũ chính là tiếng nói của họ. Nghe Huyền Vũ tường thuật trực tiếp nhiều khi muốn… rớt tim ra ngoài.

Huyền Vũ là “Từ điển sống” đá banh, Huyền Vũ là “Vua nói”, Huyền Vũ giúp người hâm mộ “Coi” đá banh bằng… tai, Huyền Vũ đúng là nhà tường thuật trực tiếp, nhà bình luận đá banh số 1 Việt Nam qua mọi thời đại.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'HUYÊN ത00 bồiky ký Tôi làm ký giả THỂ THAO Ngày Nay Xuất Bản'
Có thể là hình ảnh về 1 người

· Bìa hồi ký “Tôi làm ký giả Thể thao” của Huyền Vũ phát hành năm 1988. Huyền Vũ tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung. Sinh ngày 1/10/1905 tại Phan Thiết. Đến Mỹ và định cư ở Newport News, Virginia năm 1975.

Có thể là hình ảnh về 4 người và mọi người đang đứng

· Ngày 28/8/1999 những người hâm mộ đã làm lễ vinh danh ông Huyền Vũ. Người mặc áo xanh là danh thủ Quang Đức Vĩnh và người mặc veston là con trai Huyền Vũ, cựu thủ môn đội tuyển VNCH Nguyễn Quốc Bảo

Có thể là hình ảnh về 7 người và mọi người đang đứng

· Từ trái qua phải: Trung vệ Nguyễn Văn Cư, Nguyễn Thanh Long, Doer Sockhom, trung phong số 1 Campuchia, thủ môn Nguyễn Quốc Bảo, Huyền Vũ, thủ môn số 1 Đông Nam Á Lim Sak (Campuchia) và thủ quân Nam Dương

Có thể là hình ảnh về 5 người và mọi người đang đứng

· Huyền Vũ (ngoài cùng bên phải) trong Đêm trao giải “Lực sĩ số 1 năm 1958” cho cầu thủ Đỗ Quang Thách (thứ 2 từ phải qua)

ĐÓC ĐỌC NGÀY MAI: KỶ NIỆM VỀ NGƯỜI CHA HUYỀN VŨ QUA LỜI KỂ CỦA CON TRAI NGUYỄN QUỐC BẢO – THỦ ĐỘI TUYỂN VNCH

(Bài viết từ nhà báo Đặng Hoàng)

Nguồn: FB. Lệ Băng

1 thoughts on “KÝ GIẢ THỂ THAO HUYỀN VŨ – VUA “NÓI” VỀ “QUẢ DA” Ở SÀI GÒN!

  1. Pingback: Feb-2023_w4 | Chotram

Bình luận về bài viết này