NGƯỜI XỨ QUẢNG

NGƯỜI XỨ QUẢNG (P.1)

FB. Thuy Nguyen (Nhà báo, cựu học sinh chuyên văn Đồng Khánh – Hai Bà Trưng)

Cuối năm học thứ nhất bậc Đại học, vào khoảng tháng 5 năm 1986, theo kế hoạch của nhà trường và của Khoa Ngữ Văn, lớp chúng tôi thực hiện chuyến đi sưu tầm Văn học Dân gian ở thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Vô tới Tam Kỳ, lớp tôi được chia thành nhiều nhóm, về các xã khác nhau, trải dài từ Tam Xuân, Tam Ngọc lên tới Tam Dân….

Nhóm tôi được phân về xã Tam Thái (bây giờ thuộc huyện Phú Ninh). Sau khi về xã rồi thì cứ 3-4 đứa được gửi ở nhờ nhà một người dân địa phương để bắt đầu quá trình đi sưu tầm.

Gia đình tôi ở nhờ là một gia đình nông dân gốc Quảng Nam chính hiệu, có ngôi nhà lợp tôn khá rộng rãi, quay mặt ra con đường chạy dọc theo kênh đào dẫn nước từ hồ Phú Ninh về.

Niềm vui háo hức được cùng nhau làm một chuyến đi xa, tới một vùng đất mới, thực hiện một công việc mà trước đó tôi cho là khá dễ dàng… đã nhanh chóng qua đi. Thay vào đó là một loạt những khó khăn, lo lắng. Khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải lúc bấy giờ là vấn đề… ngôn ngữ.

Buổi sáng đầu tiên, tôi còn nhớ đó là sáng thứ Hai đầu tuần, vừa thức giấc, tôi đã nghe tiếng bà chủ nhà nói với cậu con trai lớn: “Mi chủn bị bô gộ, cột lên xa độp đem roa Đòa Nẽng mà eng”[1]. Người con liền trả lời: “Lầng ni tui roa lồm bố cố cho hội thổ rồi tui dìa nên không cầng đem gộ”[2].

Bây giờ tôi “ký âm” lại, mọi người đọc đều có thể hiểu được nhưng thiệt tình lúc đó, tôi không thể hiểu họ nói gì, dù bình thường tôi vẫn nghe được giọng nói khá nặng của một số vùng miền khác ở Bắc Trung bộ. Thậm chí, giọng rất khó nghe của người dân ở cái làng nhỏ kế bên làng ngoại của tôi (thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang) mà mọi người hay gọi đùa là giọng An Bường, tôi nghe được tuốt.

Quả là, tiếng Quảng Nam có hệ thống ngữ âm vào loại phức tạp nhất trong số các phương ngữ tiếng Việt. Với nhiều âm cuối gốc lưỡi, khi nói, người Quảng tạo ra âm thanh khác biệt với từ gốc khiến người nghe ở vùng miền khác khó mà hiểu được.

Bên cạnh rào cản ngôn ngữ, tôi còn gặp không ít “vấn nạn” khác. Một trong số đó là đỉa. Để có thể sưu tầm được những câu thành ngữ tục ngữ, ca dao dân ca của địa phương, chúng tôi phải “3 cùng” với người dân, tức cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Người nông dân ở đây ra ruộng từ sáng sớm, chiều tối mới về. Ngay buổi đầu đi theo vợ chồng bác chủ nhà, tôi đã một phen hồn xiêu phách lạc khi vừa lội xuống vũng nước cạn đã bị mấy con đỉa đen thui phát hiện, bơi tới gần. Tôi phóng ngay lên bờ, tim đập như muốn nhảy khỏi lồng ngực.

Từ bỏ ý định đi theo những người ra làm đồng, tôi được mách nước là nên tìm tới “hạc hủa ngừi cô tủi”[3]. Việc tìm tới nhà hỏi chuyện người cao tuổi tuy không sợ đỉa nhưng lại gặp những khó khăn khác. Người lớn tuổi thường nặng tai. Hai bên đều không nghe rõ người kia nói gì nên cứ phải nói lớn như một cuộc cãi nhau. Có hôm, tới nhà một cụ già, sau màn chào hỏi, tôi liền gợi chuyện: “Mệ ơi, con kênh chảy qua làng mình nước trong vắt đẹp thiệt. Mệ có nhớ câu ca mô gắn với con kênh ni không mệ?” Mệ thủng thẳng đọc: “Phú Ninh phẩn nổi lình phình”. Tôi mừng húm, vội vàng hý hoáy ghi vào sổ mà không suy nghĩ ý nghĩa câu ca đó là gì. Buổi tối về, đem khoe với bác chủ nhà, bác nói luôn: “Lồm chi mòa có, ai núa tồ lô rứa?”[4]

Thấm thoắt đã sang tới tuần lễ cuối cùng của đợt đi thực tế. Nhìn lại vốn liếng mới có mấy câu lèo tèo, tôi lo lắng vô cùng. Niềm vui của những đêm trăng sáng, cả nhóm rủ nhau băng đồng đi uống nước mía hay tụ tập ở bờ kênh, giao lưu văn nghệ với thanh niên địa phương… cũng không giúp tôi vơi đi nỗi lo không đủ định mức sưu tầm.

Tôi đã tính tới phương án mỗi ngày sẽ cố gắng sáng tác ra vài câu để cuối đợt đem nộp cho Thầy. Xét cho cùng, ca dao dân ca là các sáng tác khuyết danh, được lưu truyền trong nhân dân, ai biết gốc gác nó từ đâu. Nhưng nói vậy chứ làm thì không dễ vì ca dao hò vè gì gì đi nữa cũng phải gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân. Trong khi tôi, đến nghe còn chẳng hiểu nói chi chuyện sáng tác vẽ vời thêm.

Đúng lúc mọi chuyện tưởng lâm vào ngõ cụt, tôi lại tìm được lối thoát. Bình thường, tôi là người rất… bình thường, thế nhưng khi gặp chuyện khó khăn, gay cấn, tôi hay trở nên thông minh đột xuất. Lần này cũng thế. Tôi bỗng nhớ ra người có thể giúp mình vượt qua “kiếp nạn” này.

(còn tiếp)

Hồ Phú Ninh ngày nay đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam

NGƯỜI XỨ QUẢNG ( P.2)

Vị cứu tinh mà trong giây phút thông minh đột xuất tôi chợt nhớ ra là vợ chồng anh chị Phương-Hằng.

Anh Phương người Tam Kỳ, ra Huế học Tổng hợp Sử. Anh, hay nói đúng hơn là một nhóm bạn của anh, gồm có các anh Tịnh, Bốn, Hùng…là bạn của chị Hai tôi. Các anh hay lên nhà tôi chơi nên đôi khi tôi cũng trò chuyện với các anh. Việc các anh hay lên nhà tôi, sau này, theo như lời anh thú thiệt là do… Mẹ của tôi. Mẹ tôi là người rất hiếu khách, Bà đặc biệt quý bạn bè của con nên hễ nhà có gì ngon, thấy bạn bè con đến chơi Bà đều đem ra đãi. Có những lần tôi rất ấm ức vì món ngon đó, tôi chưa hề được nếm qua nhưng khi đem ra đãi khách, Bà lại nằn nì: Các cháu cứ ăn hết đi, em nó ăn rồi, ăn chán rồi (?). Và câu nói muôn thuở của Bà nhằm giải tỏa nỗi ấm ức cho tôi là: “Người ta ăn thì còn, con mình ăn thì mất”.

Trong những năm học ở Huế, anh Phương quen rồi yêu chị Hằng. Chị người Triệu Phong, Quảng Trị, học Sư Phạm Văn K4. Hồi đó tôi hay lượn vào Ký túc xá Đội Cung chơi nên cũng biết chị sơ sơ, chủ yếu là gặp chị đi cùng anh lên thư viện ĐH Tổng hợp học. Ra trường, chị theo anh về làm dâu xứ Quảng. Trong một lần ra Quảng Trị thăm quê, xe tới Huế thì trời đã tối nên chị ghé nhà tôi ngủ lại một đêm. Nhờ vậy tôi mới biết chị vào Tam Kỳ dạy ở trường PTTH Trần Cao Vân, còn anh làm ở một cơ quan thuộc khối hành chính sự nghiệp cùng thị xã.

Dù không chắc anh chị có thể giúp được cho tôi không nhưng việc nhớ ra “nhị vị cứu tinh” cũng khiến lòng tôi ngập tràn hy vọng. Sáng sớm hôm sau, tôi đi bộ ra quốc lộ 40B rồi cứ nhằm hướng thị xã Tam Kỳ thẳng tiến.

Không nhớ tôi đã đến những nơi nào để hỏi nhưng gần trưa thì tôi tìm được đúng khu tập thể có gian nhà nhỏ của gia đình anh Phương. Lúc tôi đến, chị Hằng vừa đi dạy về còn anh thì đang bồng một đứa trẻ khoảng chừng 2 tuổi, đi đi lại lại ở dãy hành lang trước khu nhà cấp 4 thấp lè tè. Đứa bé cứ khóc ngằn ngặt.

Sau khi nghe tôi “trình bày hoàn cảnh”, chị Hằng bảo em cứ ở lại đây ăn cơm với anh chị, chuyện đó dễ mà. Đứa bé xem chừng khóc chán bắt đầu thiu thiu ngủ. Anh Phương đưa nó vào giường rồi quay ra, rút trên giá sách một quyển còn mới tinh, đưa cho tôi và bảo: “Em cứ ngồi chơi, đọc sách đi!” Tôi mở lướt ra phía trong trang bìa, góc trên bên phải có dòng chữ ghi nắn nót: Cho con Phan Diễm Đoan Trang. À, thì ra đứa bé con đầu của anh chị có tên là Đoan Trang. Tôi gấp quyển sách lại rồi xuống bếp phụ chị nấu ăn.

Bữa cơm trưa hôm đó có món sang nhất là trứng chiên. Cả hai anh chị đều có ý nhường tôi nên đến cuối bữa mà dĩa trứng vẫn còn hơn nửa. Cơm nước xong xuôi, biết tôi sốt ruột, chị Hằng lục tìm rồi đưa cho tôi một cuốn sổ bìa simili màu xanh sẫm. Tôi chỉ thiếu nước hét lên vì mừng rỡ. Đó là cuốn sổ chị ghi lại những câu ca dao, tục ngữ… xứ Quảng, nhiều nhất vẫn là của Tam Kỳ. Thế là cả buổi trưa hôm đó, tôi ngồi cắm cúi ghi chép lại.

Vẫn là quãng đường hơn chục cây số tôi đã đi buổi sớm mai nhưng lượt về đôi chân nhẹ bẫng. Cái nắng tháng 6 chói chang cũng có vẻ dịu đi, chẳng còn rát rạt như những ngày tôi đi lang thang rồi phải về tay không trước đó.

( còn tiếp)

Nhị vị cứu tinh của tôi, hi hi…

NGƯỜI XỨ QUẢNG (Phần cuối)

Tối hôm đó, tôi ngủ một giấc ngon lành. Phần vì mệt sau một ngày đi bộ hơn hai chục cây số, phần vì từ nay không còn lo lắng gì nữa.

Sáng hôm sau, nhờ đã có “bảo bối” trong tay, không phải đi sưu tầm nữa, tôi quyết định tới nhà anh Thành chơi.

Tôi quen anh Thành qua mấy lần đoàn sinh viên chúng tôi giao lưu với Chi đoàn thanh niên địa phương. Tôi nghĩ anh mến tôi nên tha thiết mời tôi ghé nhà anh chơi. Còn cụ thể vì sao mến thì tôi không biết.

Nhớ lại đêm giao lưu văn nghệ đầu tiên, sau bài hát “chào sân” của một cây đơn ca nữ lớp tôi, đến lượt Chi đoàn bên anh “đáp lễ”. Khi anh vừa cất giọng “Đồ dừa roa hoa, cèng loá giố đưa dầng treng toà…”[5] cả đám tụi tôi cười nghiêng ngả. Đến đoạn “biếc cheng chèng ơi, tình Koachusoa đeng chồ…”[6] thì có đứa đã bò lăn ra bãi cỏ khiến anh lúng túng, đỏ mặt rồi ngưng hát luôn.

Vì vậy, nhân dịp này tôi cũng muốn tới gặp anh để nói anh thông cảm cái vụ cười vô duyên của tụi tôi hôm trước.

Hồi đó, đa số dân Tam Thái rất nghèo. Nhưng nếu so với những nhà tôi đã có dịp ghé qua thì nhà anh Thành nghèo hơn cả.

Anh lấy cái chén ăn cơm, rót mời tôi một chén nước lá mà người ta hay gọi là lá mùng 5, có đủ vị ngọt và đắng, chát.

Chờ tôi uống xong lưng chén nước, anh vào đề luôn mà không cần rào đón. Anh nói đại ý, biết tôi chỉ còn ở lại đây vài ngày nữa nên anh muốn gặp tôi để kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời anh. Không chỉ sẻ chia để nhẹ lòng, anh nói chắc như đinh đóng cột rằng thế nào sau này tôi cũng sẽ trở thành một “nhoà deng”[7] nên muốn tôi viết lại chuyện đời anh.

Tôi nghe anh kể suốt hai buổi sáng liền. Câu chuyện cuộc đời anh là một câu chuyện buồn, rất buồn. Anh đã gặp nhiều biến cố, nhiều tai ách trong thời tuổi trẻ của mình và bị cái đói, cái nghèo đeo bám riết nhưng không vì thế mà anh buông xuôi hay sống kiểu bất cần. Lúc chia tay, anh có đưa cho tôi một cuốn tập học sinh. Anh nói đây là nhật ký anh ghi trong những ngày buồn nhất của anh. Em đem về đọc để hiểu thêm tâm sự của một người có lúc tưởng như đã rơi xuống đáy của sự tuyệt vọng nhưng vẫn tìm mọi cách để vươn lên. Anh còn dặn tôi rằng, sau này, khi đã trở thành “nhoà deng có tênh tủi”[8], đừng quên gởi sách tặng anh.

Bây giờ, sau mấy mươi năm, kể lại câu chuyện này tôi vẫn còn áy náy và xấu hổ.

Nhiều người khen tôi có trí nhớ tốt. Thực ra không hẳn vậy. Tôi chỉ có thể nhớ những gì tôi tận mắt chứng kiến và trải nghiệm.

Phần lớn các câu chuyện được nghe kể tôi đều rất nhanh quên hoặc chỉ nhớ một cách mơ hồ. Đối với câu chuyện của anh Thành cũng không ngoại lệ. Thêm nữa, sau vài lần chuyển nhà, tôi đã làm mất quyền sổ ghi nhật ký mà anh tin tưởng giao cho tôi làm tư liệu để “diếc deng”[9].

Sau này, những lần ngược xuôi trên con đường từ Sài Gòn ra Huế, tôi rất muốn dừng chân ở Tam Kỳ để tìm thăm lại cảnh cũ người xưa nhưng chưa đủ duyên nên mong muốn không thành hiện thực.

Riêng anh Phương, chị Hằng thì thỉnh thoảng chúng tôi vẫn có dịp gặp nhau ở Sài Gòn. Sau này, chuyển sang làm báo, Anh có những phóng sự rất đặc sắc về đất và người xứ Quảng quê anh. Có lần anh còn vào làm phim về người Quảng ở chợ Bà Hoa khu Bảy Hiền nữa.

Cô bé Đoan Trang ngày nào tôi gặp còn ẵm trên tay nay đã là mẹ của ba đứa con, làm việc trong ngành tài chính-ngân hàng. Còn cô gái út của anh chị cũng an cư lạc nghiệp ở Sài Gòn, hiện là bác sĩ ở một bệnh viện tư nổi tiếng.

Nhìn vào sự thành đạt của hai cháu, nhiều người nói gia đình anh chị thật may mắn.

Tôi thì nghĩ khác. May mắn-nếu có chăng-cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Cuốn sách anh đưa cho tôi trong buổi trưa hè ở Tam Kỳ gần 40 năm trước, dù tôi chưa kịp đọc một dòng nào nhưng tôi đoan chắc rằng, nó có liên quan tới sự trưởng thành, hiếu thuận và cuộc sống nhiều người mơ ước của hai cô con gái anh chị hôm nay.

Tôi luôn cảm nhận được vẻ đẹp của tri thức ở những đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình mà ở đó, sách là tài sản quý giá được cha mẹ tích cóp làm của để dành cho con cái. Thêm vào đó, hai cháu còn thừa hưởng được tính cách lạc quan, tinh thần vượt khó và truyền thống hiếu học của người xứ Quảng.

Những nét tính cách này không phải do tôi phát hiện ra. Nó được lưu truyền qua những câu ca mà tôi đã “sưu tầm” theo cái cách khá đặc biệt như câu chuyện tôi vừa kể.

“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng đào chưa nhắm đà say”

Tôi rất thích hai câu ca dao này bởi đã từng “say” cái nghĩa cái tình của người xứ Quảng./.

(Saigon, 9/6/2024)

Thuy Nguyen

Mùa hoa sưa nở rộ ở Tam Kỳ

[1] Mi chuẩn bị bao gạo, cột lên xe đạp đem ra Đà Nẵng mà ăn

[2] Lần ni tui ra làm báo cáo cho hội thảo rồi tui về nên không cần đem gạo.

[3] Học hỏi người có tuổi

[4] Làm chi mà có, ai nói tào lao rứa?

[5] Đào vừa ra hoa cành lá gió đưa vầng trăng tà…

[6] … biết chăng chàng ơi, tình Kachiusa đang chờ.

[7] Nhà văn

[8] Nhà văn có tên tuổi

[9] Viết văn

Bình luận về bài viết này