Ocean Vương. “Thoáng rực rỡ”… nơi quê nhà

Ocean Vương là tác giả Mỹ gốc Việt nổi tiếng hiện nay. Vương sinh năm 1988 tại vùng nông thôn ngoại ô Sài Gòn, theo gia đình đến Hartford, Connecticut (Mỹ) khi mới 2 tuổi.

Những năm đầu ở nước ngoài, Vương chủ yếu giao tiếp tiếng Việt với người thân. Khi vào mẫu giáo, anh nhanh chóng nói thành thạo tiếng Anh nhưng đọc, viết kém. Từ đó, Vương cố gắng vươn lên và thường bị đối xử bất công. Tuy vậy, nhà thơ, tiểu thuyết gia Ben Lerner, thầy giáo của anh tại trường, nói về học trò của mình: “Thỉnh thoảng, bạn gặp một sinh viên không thi để trở thành nhà văn, nhưng bản thân anh ta đã là một cây bút”.

Với những cố gắng vượt bực, năm 50 tuổi, Ocean Vương đã được giới trí thức Mỹ vinh danh là một “Thiên Tài” với cuốn tiểu thuyết đầu tay “On Earth We’re Briefly Gorgeous.”

Con đường văn học của Ocean Vương được ghi nhận: Năm 2016, anh xuất bản tập thơ Night Sky with Exit Wounds (Trời đêm những vết thương xuyên thấu). Năm 2019, tiểu thuyết On Earth We’re Briefly Gorgeous (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian) ra đời. Và tháng 4/2022, tập thơ mới nhất của anh Time is a mother (Thời gian là một người mẹ) được phát hành.

Ra mắt với tư cách nhà thơ nhưng tiểu thuyết “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” giúp Ocean Vương trở thành tên tuổi nổi bật trên văn đàn. Theo The Conversation, cuốn sách là những tâm sự thầm kín, đầy chất thơ mà cậu con trai có biệt danh Chó Con gửi người mẹ tên Rose. Dù được giới thiệu là tiểu thuyết hư cấu, người đọc nhận ra một số điểm tương đồng giữa Vương và người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Cả hai đều có cha mẹ là người Mỹ gốc Việt nhập cư, là người đồng tính và lớn lên ở Connecticut. Mẹ nhân vật làm việc tại tiệm nail, hút thuốc Marlboro và mắc chứng rối loạn căng thẳng do ám ảnh chiến tranh khi còn nhỏ.

Bằng những kinh nghiệm, Ocean Vương viết để phá vỡ định kiến về đồng tính, và lối sống của các gia đình nhập cư Mỹ. Vương còn lột tả nỗi đau của tàn dư chiến tranh trong gia đình gốc Việt. Bà của Chó Con, mắc bệnh tâm thần phân liệt, từng từ chối cuộc hôn nhân sắp đặt năm 17 tuổi, cuối cùng bị gia đình ruồng bỏ, rồi trở thành gái mại dâm. Anh viết về công việc làm móng độc hại, lợi tức thấp của người nhập cư, về những giấc mơ dần phai nhạt của họ trên đất Mỹ.

Theo tờ NPR, ngôn ngữ của tác giả bay bổng khi viết về cái đẹp, sự sinh tồn và tự do. Anh khẳng định mình và mẹ không phải được sinh ra từ chiến tranh như chính anh nghĩ bấy lâu, mà từ cái đẹp.

Tiểu thuyết “On Earth We’re Briefly Gorgeous” là một lá thư dài Chó Con viết cho người mẹ mù chữ. Anh trút cả tâm tư và cuộc sống của anh lên giấy trắng mực đen với mong ước người mẹ mù chữ hiểu, tuy biết chắc chắn rằng bà sẽ không thể nào đọc được.

Đa số các nhà văn người Mỹ gốc Việt thường dùng chiến tranh làm chủ đề chính, để bắt đầu, giải thích, và kết thúc một mảnh đời hoặc một phần lịch sử nước Việt đang bị cố tình lãng quên. Riêng Ocean Vương chọn bối cảnh miền quê nước Mỹ thuộc vùng Hartford, tiểu bang Connecticut, nơi anh lớn lên. Cuốn tiểu thuyết nói về những mảnh đời của một lớp người tị nạn mới hội nhập xã hội Mỹ thời thập niên 1990. Trong đó, nhân vật cậu bé Chó Con (Little Dog) sống với mẹ – tên là Rose – bị chấn thương tinh thần từ thời loạn lạc, và bà ngoại – tên Lan – mang chứng bệnh tâm thần phân liệt.

Câu chuyện rất gần với cuộc sống thực của Ocean Vương. Nhưng người đọc sẽ thấy được cách sống mạnh mẽ và thái độ can đảm của hai người đàn bà quan trọng, mẹ và bà ngoại của Chó Con. Ocean không kể lể, không trách móc, mà từ tốn cho người đọc thưởng thức những thước phim của những mảnh đời không có tiếng nói.

Bà ngoại và mẹ của Chó Con không có tiếng nói thật. “Họ không biết đọc, không biết viết, nhưng không vì thế mà họ không phải là nhà văn nhà thơ, nhờ họ tôi biết được các câu ca dao tục ngữ truyền miệng, những khúc hát dân dã và những chuyện dân gian truyền từ đời này qua đời khác của Việt Nam,” Ocean nói.

Ocean Vương tới Mỹ cùng với bà ngoại và mẹ mình. Họ đi mang theo những ám ảnh của chiến tranh, mang theo sự thiếu hiểu biết và phải vật lộn nơi xứ người một cách đầy đau khổ để thích nghi và sống còn. Số phận của gia đình này mở ra cho chúng ta thấy một thân phận khác của những người nhập cư vào “giấc mơ Mỹ”: sợ hãi, bất lực, nhức nhối, thương tổn. Chưa hết, một ngày Chó Con phát hiện ra mình là người đồng tính. Từ đây cậu phải bắt đầu một hành trình mới giữa những định kiến, sỉ nhục và bạo lực: hành trình “mi muốn được là thật”. Và “Chỉ bằng cách sống sót vượt qua nó mới được nhận cái tên đó”. Nghĩa là một nỗ lực để sống sót giữa một hoàn cảnh đầy những đe dọa và hiểm nguy.

Năm 15 tuổi Chó Con gặp Trevor, một chàng trai Mỹ da trắng trên cánh đồng thuốc lá khi đi làm thuê cho ông của cậu ta. Chó Con tìm thấy tình yêu của mình với một người đồng giới. Một tình yêu ngơ ngác, đầy thách thức, khát khao, bạo lực và tính lãng mạn. Ở đó có những giằng xé, nghi ngờ, liều lĩnh và mạo hiểm. Nhưng cuối cùng họ đã vượt qua để được thành thật với chính bản thân mình. Cái khát khao “muốn được nhìn thấy” trong mắt một người khác tức là khát khao được thừa nhận, khát khao thành thật. Đây có lẽ là “cuộc chiến” khốc liệt nhất của Chó Con nơi đất khách. Sau tất cả, tình dục là rào cản lớn nhất đối với họ, là sự thách thức nghiệt ngã nhất để cậu thực hiện khát khao đó. Và cuối cùng, họ đã làm được: trong sự vụng về, đau đớn, lầy lội. Họ đã làm được, tức là bước qua khỏi ranh giới của định kiến và sự ruồng rẫy, ruồng rẫy không phải chỉ từ phía tha nhân mà còn khốn khổ ở chỗ, từ chính bản thân mình.

Phát hành ở Việt Nam qua bản dịch của Khánh Nguyên, tác phẩm tạo nên “cơn sốt”, và được tái bản sau một tháng. Tác phẩm đã bị công kích. Hôm 2/5, bài đăng trong nhóm phụ huynh các trường quốc tế gây xôn xao với nội dung một người mẹ phản ảnh có con – học lớp 11 tại trường Quốc Tế TP HCM, ISHCMC – được giáo viên phát cuốn sách của Ocean Vuong để đọc tham khảo. Khi đọc cùng con, phụ huynh bất bình vì cho rằng sách chứa nội dung “khiêu dâm”, miêu tả cảnh quan hệ tình dục của hai nam thiếu niên, có thể khiến con chị bị “đầu độc về mặt tinh thần”.

Được biết, ngay sau khi được thông tin về sự việc, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu nhà trường thu hồi toàn bộ sách đã cấp phát cho học sinh lớp 11. Sở cũng yêu cầu trường nghiêm túc khắc phục và tùy theo mức độ vụ việc kiểm điểm phê bình giáo viên do không kiểm soát được nội dung cuốn sách đã dẫn đến thông tin tiêu cực, phản cảm. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với nhà trường đang rà soát, tìm hiểu cụ thể và có hướng “xử lý” theo quy định.

Ngoài ra, có những luồng ý kiến trái chiều về sự việc này. Rất nhiều phụ huynh cảm thấy bị sốc, sợ hãi và hoang mang vì cho rằng những trang viết trong cuốn sách hoàn toàn không phù hợp với học sinh, khó chấp nhận cuốn này cho học sinh đọc.

Theo TS. Đào Lê Na, giảng viên tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, những trích đoạn dùng làm dẫn chứng để kết luận rằng đây là một tác phẩm khiêu dâm, đồi trụy là không thỏa đáng vì đó chỉ là những chi tiết rất nhỏ so với tổng thể câu chuyện vốn khai thác những chủ đề rộng lớn hơn.

Một luồng ý kiến khác (đa số là những người đã đọc) lại cho rằng cuốn sách là một tác phẩm văn học có giá trị nhưng nên đọc nó “dưới sự hỗ trợ của giáo viên” – nhà văn Trang Hạ.

Nhà văn Trang Hạ đánh giá cao người chọn cuốn này để dạy văn học từ sách, tuy nhiên giáo viên lại thiếu tinh ý và không phù hợp khi “thả” sách cho học sinh đọc tự do trước khi học mà không có cảnh báo hoặc sự chuẩn bị phù hợp.

Cũng theo nhà văn Trang Hạ, với một cuốn nhạy cảm như thế này (nếu gắn nhãn sách thì nó sẽ là sách có chứa nội dung 18+) thì tốt nhất là giáo viên nên trao đổi tập thể trước với các phụ huynh về cách tiếp cận tác phẩm và được sự đồng ý, cũng như sự hỗ trợ của phụ huynh trong quá trình giúp các con đọc sách. Nhà văn Trang Hạ còn chia sẻ “… ‘Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian’ của Ocean Vương là cuốn sách hay nhất trong số hơn 40 cuốn được chú ý mà mình đã đọc trong năm 2023…”

Theo Tiến sĩ Đào Lê Na, người từng có nhiều cơ hội làm việc với Ocean Vương, nhà văn là người sống cảm xúc, luôn ưu tiên dành thời gian cho người thân. Sang Mỹ từ năm 2 tuổi, không có nhiều điều kiện tiếp xúc văn hóa quê hương nhưng anh yêu tiếng mẹ đẻ, thích tìm hiểu ngôn ngữ, những câu chuyện về quê hương. Nhà văn là một Phật tử, ngưỡng mộ thiền sư Thích Nhất Hạnh, yêu triết học phương Đông, thích tìm hiểu ca dao, tục ngữ Việt.

“Trong tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, anh vận dụng cách viết của nhiều nhà văn Châu Á – với cốt truyện đa tuyến, trong truyện có nhiều câu chuyện nhỏ. Bằng những chất liệu từ cuộc sống mà anh quan sát và kinh nghiệm, Vương đã viết một tác phẩm đậm đặc chất Việt Nam, chân thật và gần gũi”, Tiến sĩ Đào Lê Na nói.

Nhiều ý kiến nữa của các tác giả trong nước, như Nguyễn Thị Tịnh Thy, ca ngợi ‘Một Thoáng Ta Rực Rỡ’ khi viết ‘Rồi một ngày ta sẽ yêu Ocean Vương’. Riêng với Ocean Vương dù sao đi nữa cũng đã có được một thoáng rực rỡ ở quê nhà.

Vương và mẹ tại Công viên Elizabeth ở Hartford, Connecticut, khoảng năm 1992. ẢNH: TIME

TN – TỔNG HỢP TỪ TIN INTERNET

Trẻ Magazine 1406 – Ngày 27 tháng 6 – 2024

Bình luận về bài viết này