“VỀ ĐÂY NGHE EM”

“VỀ ĐÂY NGHE EM”. (*)
 
“Người tình rồi quên, bạn bè rồi xa
Ôi tháng năm, những dấu chân người cũng bụi mờ.”
(TCS)
Như một thói quen được default bởi đồng hồ sinh học, chỉ khác là sớm trễ chút ít, sáng nào thức dậy ít nhất tôi cũng lướt qua mailbox coi thử mình có những email nào, của ai và subject gì?. Vài ngày trước thấy email của chị bạn lớp trên báo tin buồn: chị bạn cùng lớp với tôi hồi học ở trường ĐHSP qua đời.
Tin này đến với tôi không đột ngột vì tôi đã hình dung khi một người bạn, bốn mươi năm trước là trưởng lớp, bây giờ vẫn “tự nhận” trách nhiệm tìm hiểu thông tin làm cầu nối giữa bạn bè trong lớp kể lại khi chúng tôi gặp nhau rằng hôm mùng ba Tết rằng anh gọi cho chị để đến chúc Tết, chị cho biết là chị bị ung thư giai đoạn ba!. Mùng năm, bạn gọi lại, chị bảo là đang chuẩn bị đi, không biết có về được để gặp nhau không, câu nói như một lời trăn trối vì chị biết rõ bệnh trạng của mình!
Ngày ở trường sư phạm, tôi ít thân  chị chỉ vì lẽ đơn giản, chúng tôi khác nhau về tư tưởng lẫn tính cách nên dầu tôi về quê mỗi năm vài lần, ít nhất là một lần vào nghỉ hè vậy mà, không hiểu sao tôi không hề hỏi thăm chị cho đến Tết vừa rồi, mà chuyện về chị cũng chỉ là do bạn tôi tự kể?.
Qua facebook, một người bạn văn nghệ ở Nha Trang báo tin một anh bạn làm kiến trúc  qua đời, và việc này tôi cũng biết trước không lâu khi một bạn khác upload một bài thơ ngắn kể chuyện anh kiến trúc vào bệnh viện. Nhìn lại, hai người ở hai nơi khác nhau, bạn ở hai thời kỳ khác nhau cùng chết ở tuổi 66! Chuyện sống chết, vẫn biết là lẽ thường nhưng nghe tin một ai đó trong người thân, bạn bè ra đi cũng cứ thấy xót xa!
Tháng 10.1974, khóa ĐHSP Huế mang tên nhà duy tân Huỳnh Thúc Kháng ra trường, mười bảy con chim ban Sử Địa cùng các khoa khác bay đi khắp nơi ở miền Nam đến tận Bình Thuận và cao nguyên, ai cũng ôm ấp ước mơ đem tri thức học được ở trường ra thi thố, làm một cái gì đó cho đời nhưng chỉ dạy được chưa đầy ½ năm thì miền Nam Việt Nam đổi chủ, lại phải mày mò tìm hiểu chương trình dạy lạ hoắc để tồn tại, làm một anh “giáo viên lưu dung” để có chỗ đứng trong xã hội mới mà có thể có người trong chúng tôi, đôi lúc còn thấy mừng vì  ít dính dáng với chế độ cũ nghĩa là ít có tội với nhân dân!
Tháng 6.1975, những giáo sư cũ của miền Nam từ Đà Nẵng vào đến Khánh Hòa tập trung học 5 tuần  chính trị và nghiệp vụ ở trường Sư phạm Quy Nhơn để làm quen với nền giáo dục mới trước khi vào năm học. Cuộc sống mới đầy khó khăn, khắc nghiệt phải đối đầu khiến sau khi chia tay từ Qui Nhơn chúng tôi không còn nhớ đến bạn bè cùng lớp, ai ở đâu, dạy trường nào, trừ những người ở gần nhau hoặc gặp vào những dịp về Tết, về hè!
So với bạn bè, tôi không được nền giáo dục mới ưu ái gì nên phải chuyển công tác nhiều nơi, sóng gió cuộc đời cuốn gia đình tôi đến nhiều bến đỗ khác nhau rồi phải bỏ nghề sớm do vậy mà trong kho tàng ký ức thời sinh viên, bạn bè bỗng trở thành xa xăm, hẵn là xa hơn so với những bạn cùng dạy ở nơi này nơi khác trừ một số rất ít liên lạc thường xuyên hoặc gần nhà mẹ và nhà cha mẹ vợ của mình.
Qua chuyện chị bạn bệnh, tôi và người bạn nhẩm lại danh sách ngày ra trường thì có một người không ai biết ở đâu, ba người qua đời, một người đi đoàn tụ gia đình ở Mỹ. Bầy chim ngày xưa đã không còn đủ đầy như trước mà nếu có thì cũng mỏi cánh qua một chặng bay quá dài, kể cả bay qua giông bão.
Trong thư viết cho một người bạn vừa biết địa chỉ, tôi giả sử rằng, qua 40 năm từ ngày rời trường, thời gian đủ để, (nếu ngày ấy) một bé gái chào đời (thì bây giờ, bé gái ấy dễ chừng) đã trở thành bà nội, bà ngoại. Thời gian là một liều thuốc xóa đi trong tâm tưởng con người những âu lo phiền muộn, thời gian cũng làm vơi dần những niềm vui, hạnh phúc và thời gian cũng làm nhạt nhòa những kỷ niệm nếu kỷ niệm đó không sâu sắc đối với người trong cuộc nhưng thời gian xa cách của chúng tôi không hề tạo ra những ngỡ ngàng khi gặp lại nhau vì chúng tôi có chung một mẫu số chung lớn:  cùng được học dưới mái trường có tên là ĐHSP Huế, cùng phải lận đận gian truân khi chưa đóng góp được gì, chưa hưởng được ân sủng gì thì phải đối dầu với bao khó khăn gian khổ mà cuộc phế hưng đem đến cho tất cả và cho mỗi phận người.
Tình thân ái giữa chúng tôi đã được thực chứng qua rất nhiều lần hai khóa kề nhau cùng tổ chức họp mặt (chữ dùng bây giờ là hội trường, hội khóa) trong khỏang 10 năm trở lại đây, phần lớn tổ chức ở cái nôi kỷ niệm ngày xưa: Huế, trường chúng tôi học trước 1975, tôi không nhớ khoảng cách giữa hai lần là mấy năm nhưng cũng có năm (2010) tổ chức ở Nha Trang, (2013) ở Đà Lạt và sắp đến là Huế, lần sau so với lần trước thường đông hơn, có thêm người mới nhờ tìm được địa chỉ liên lạc nhưng cũng đi kèm một vài vắng mặt do sức khỏe, do đi định cư ở ngoại quốc hoặc qua đời.
Những người tổ chức họp mặt cũng đã lập được hai trang blog để thông tin và trao đổi tâm tình, mỗi ngày một vài, đã quy tụ được > 90 địa chỉ email của bạn bè hai khóa để mỗi lần có chuyên buồn vui anh chị em thông báo cho nhau, để cùng  share joys and sorrows!
Không có đồng hồ đếm ngược nhưng có vẻ ai trong chúng tôi cũng tạo cho mình một… cái đồng hồ, tự nhẩm tính xem còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến ngày được gặp nhau ở Huế, trong đầu đặt ra nhiều câu hỏi: ngày đó “lớp mình” sẽ có được bao nhiêu bạn về, thầy cô còn được những ai, bạn…không biết có về được hay  anh một thời dong ruỗi, em tay bế tay bồng (mà bây giờ là bồng cháu nội, cháu ngoại)?.
Hội khóa kỷ niệm 40 năm ra trường đang nóng lên từng ngày khi từ cách đây 10 ngày nghĩa là trước giờ G cả tháng, cứ vài ngày chúng tôi nhận một điện thư của ban tổ chức, khi thì báo tin kèm hình ảnh việc tìm nhà hàng khách sạn để người ở xa về đi dã ngoại, khi thì đăng một bài thơ rủ rê kèm link của hàng chục phim Youtube về Huế, có lần thông báo việc anh Ái, giám đốc NXB Giáo dục, phu quân của Thúy Liên lớp Pháp văn tài trợ chi phí in 200 tập san kỷ niệm hội khóa…Tất cả đã làm cho chúng tôi vốn đã trông chờ càng thấy nôn nao nhất là những bạn đã bốn mươi năm chưa một lần quay về dầu trong đầu thì cứ âm ỉ hoài câu hỏi:  Huế của ta ra sao bao thăng trầm của thời thế, bao dâu bể cuộc đời? nhất là lần này có thể có cả “nữa còn lại” trong hoặc ngoài ngành cùng về kết hợp dự Festival Huế! Ngày chàng thẩn thờ đi qua lớp nàng rồi quen nàng, bạn bè xì xầm to nhỏ, bây giờ ra mắt bè bạn thì đã…bốn mươi năm!
Hôm tôi về Huế, nhân đi điếu tang mẹ một chị lớp Việt Hán, tôi có ý mời những bạn bè đi hôm đó cũng là chức sắc của hội khóa và làm tập san đi uống cà phệ để thăm và nói lời cáo lỗi là mình ở xa, không về được. Vậy mà lâu nay vẫn theo dõi thường xuyên những diễn biến trong việc tổ chức trước hội khóa và vẫn đau đáu nghĩ về. Từ suy nghĩ đó, thật tiếc cho những bạn không có điều kiện hoặc không có thiện chí tìm về. Rồi lại nghĩ, cũng phải biết accept difference vì ngay chính mình, không về được chỉ là sự thiệt thòi cho mình.
Nhớ mãi những cái bắt tay thật chặt của các anh, những cái chào đầy lưu luyến của các chị và cũng không thể quên một an ủi rất đậm tình:  hẹn gặp nhau 2016 bạn nhé!
(*) Lấy theo đề tựa một nhạc phẩm của Trần Quang Lộc
                                                                                                                                20.3.2014

2 thoughts on ““VỀ ĐÂY NGHE EM”

Bình luận về bài viết này