BÀI CA HỌC TRÒ

Một bài thơ, một kỷ niệm. Cám ơn Phan Dung Dalat. Cám ơn FB.

Thanhnha Dang

***

“Em học trò! sẽ không bao giờ em còn đi học!”.

Cuối hè năm 1974 tôi rời Huế trở về Đà Lạt. Cũng năm đó dì Thanhnha Dang, mà tôi hay gọi đùa là “bà dì nho nhỏ”, nhận nhiệm sở ở Đà Nẵng để theo nghiệp gõ đầu trẻ. Chúng tôi vẫn thư từ qua lại để kể cho nhau nghe những buồn vui đời thường và để nhớ những kỷ niệm về bạn bè, về Huế.

Trong một bức thư đó, dì Nhã chép cho tôi một bài thơ, bài thơ mà Dì nói “không biết tựa đề, không biết tác giả, chì vì thấy cùng tâm trạng mà chép cho Dũng”. Bài thơ nhẹ nhàng, viết theo giọng kể truyện đều đều mà thắm thiết. Tôi rất thích.

Từ đó đến nay tôi vẫn âm thầm tìm nguyên bản và tác giả bài thơ nhưng vô vọng, một phần vì thiếu thông tin tác giả, một phần vì thời đó chưa có phương tiện intenet như ngày nay.

Sáng nay, qua một status của người bạn trẻ, anh TuanPolo Vo, được gặp lại bài thơ này như gặp lại một thời trai trẻ. Một thời đã được yêu, được sống trong vòng tay của người thân và bạn bè một thời lãng tử. Một thời bay nhảy giữa 2 thành phố đầy mơ mộng ĐÀ LẠT – HUẾ.

Theo nguồn tư liệu này “Bài ca học trò” có thể là bài thơ của Cao Huy Khanh. Xin chép lại ờ đây với nỗi niềm:

Em học trò! sẽ không bao giờ em còn đi học!

FB. Phan Dung Dalat

**************

BÀI CA HỌC TRÒ

Em học trò, sao hôm nay em không đi học.
Vì đường mưa vẫn vắng người qua âm thầm
Chân em rất nhỏ, làm ơn chỉ dùm em lối nhỏ em đến trường

.Em học trò, sao hôm nay em không đi học
Nghe con dế gáy, em thương cái góc nhà
Ngoài kia có người nào vừa mới thở dài
Bây giờ đã hoàng hôn hay chỉ mới sớm mai

Em học trò, sao hôm nay em không đi học
Sao bỏ lớp ra chơi dưới gầm cầu
Soi đôi mắt xanh trong giòng nước chảy
Tưởng là giọt lệ dành cho ngày lớn khôn

Em học trò, sao hôm nay em không đi học
Trong sân trường em có biết
Gió vẫn lạnh đìu hiu.

Em học trò, sẽ không bao giờ em còn được đi học.

***

BÀI THƠ HAY NHẤT CỦA TÔI  

Cao Huy Khanh                                        

            Năm 1967 tốt nghiệp Quốc Học tôi rời trường vào Nam, đến năm 1970 thì lưu lạc xuống Vĩnh Long hành nghề dạy học.

            Dân Huế chính cống mà nay số phận đẩy đưa lang thang tới vùng đất lạ xa xôi với con người, cảnh vật đều khác hẳn làm nhiều lúc tôi nhớ quê đến quặn lòng. Đã vậy bây giờ lại bước lên bục giảng làm thầy ở một trường học mới xây nơi đồng trống heo hút khác xa trường cũ một trời một vực càng làm tôi nhớ da diết đến trường Quốc Học, đến thầy cô bạn học thủa nào bây giờ chẳng biết ở đâu. Bởi ở đó – Huế, Quốc Học – đã ghi dấu ấn quá đậm tuổi trẻ cuộc đời tôi, nhiều đêm tôi còn nằm mơ thấy mình “trôi” về Huế đến trước bến đò Thừa Phủ!

            Từ đó tôi vốn dĩ ít ham làm thơ mới làm bài thơ cho đến bây giờ được xem là “hay nhất” của mình, bài “Trốn học”: 

                                    TRỐN HỌC    

            “Em học trò sao hôm nay em không đi học?
            Sao bỏ lớp ra chơi dưới gầm cầu.
            Soi đôi mắt xanh trong dòng nước chảy
            Tưởng là giọt lệ gửi ngày lớn khôn.

            Em học trò sao hôm nay em không đi học?
            Nghe con dế gáy sao em thương cái góc nhà.
            Ngoài kia có người nào mới thở dài
            Bây giờ đã hoàng hôn hay chỉ mới sớm mai.

            Em học trò sao hôm nay em không đi học?
            Những ảo mộng nào em không nói cho ai nghe.
            Có người tử trận ngoài biên giới
            Có người nằm ngủ trên hè phố đêm nay.

            Em học trò sao hôm nay em không đi học?
            Đã có biết bao chuyến tàu đưa em về quê.
            Em đứng làm chi trên bến nước
            Con sóng miền xa đã trôi giạt xa rồi.

            Em học trò sao hôm nay em không đi học?
            Sao đường đi vẫn vắng người qua âm thầm.
            Tay em rất nhỏ em ôm cặp sách
            Làm ơn chỉ em lối nhỏ em vào trường.

            Em học trò sẽ không bao giờ em còn đi học
            Trong sân trường em ơi lá vẫn rụng đìu hiu.”

            Bài thơ muốn nói hết tâm sự của một cậu học trò Quốc Học “ham chơi” ngày nào nay phải tha phương cầu thực không biết bao giờ mới được ngộ cố hương ngộ cố nhân. Ở đó thấp thoáng có đủ những dấu vết của một thời Huế một thời Quốc Học – Đồng Khánh: Sông Hương với cầu Tràng Tiền, sông Bao Vinh đưa tôi về quê nội phá Tam Giang, cúp cua để lẽo đẽo theo chân ai đó đến… đoạn đầu đài, cây lá sân truờng che phủ tuổi thơ, ám ảnh chiến tranh từ nhạc Trịnh…

            Nhớ Huế không chịu nổi, năm 1973 tôi xin chuyển về dạy ở Nha Trang nơi có nhiều “hơi hướm” Huế hy vọng cho đời đỡ buồn một chút. Không ngờ chỉ được hơn một năm thì… “đứt bóng” bị “mất dạy”! Khiến có em học sinh sau này ngồi bán rau muống bên đường gặp tôi lên Long Thành (Đồng Nai) tìm đất làm rẩy thấy mà không dám chào bèn tối về làm một bài thơ khác “nhại” tôi: “Ông thầy ơi sao hôm nay ông không đi dạy?”!

                                                                        ————————

            Tôi đã đi nhiều nơi, sống ở nhiều nơi để có thể tin chắc một điều rằng không có nơi đâu lý tưởng nhất để trải qua tuổi học trò quá đẹp bằng Huế (lên đại học thì khác). Vì nơi đây hội đủ các yếu tố, điều kiện cho tuổi trẻ học hành: Truyền thống hiếu học kể cả ở nông thôn, truyền thống tôn sư trọng đạo, vinh danh dạy học là nghề cao quý, truyền thống gia đình bạn bè sâu đậm lâu đời truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác (xem bạn con mình như là con mình), không khí trong lành yên tĩnh phù hợp chuyện đèn sách, phong cảnh lãng mạn hữu tình làm giàu thêm cho vốn cảm xúc tuổi mới lớn… Từ đó làm nên Quốc Học – Đồng Khánh “lò” đào tạo nhân tài xưa nay ai đều biết tiếng cũng như Huế là thành phố của nhà giáo. 

            Mà kỷ niệm sâu nặng nhất đời người chính là kỷ niệm thủa học trò khi tâm hồn ai cũng còn trong sáng nên kỷ niệm tuổi học trò Huế càng da diết hơn. Vì thế nếu để ý sẽ thấy dân Huế tha hương có lẽ là dân hay hoài nhớ cố hương nhiều nhất nước – và tự hào về Huế – từ giọng nói đến sáng tác thơ văn.

            Mãi đến 30 năm sau tôi mới có dịp trở lại quê nhà ngộ cố hương. Nhưng tôi biết có biết bao người dân Huế khác đã 40 năm thậm chí 50 năm chưa một lần quay bước trở về vì những lý do nào đó song tôi biết đôi lúc chạnh lòng họ cũng đau đớn lắm.

            Ngoại trừ một vài thành phố lớn đã có, ở những tỉnh nhỏ tỉnh xa – ở vùng cực nam, biên giới phía bắc biết đâu… — nên thành lập những Hội Đồng hương Huế để làm nhịp cầu gắn họ lại gần nhau bảo vệ “đặc sản” Huế và tạo điều kiện đưa những đứa con lạc loài này ít ra cũng một lần về thăm lại sông Hương và cầu Tràng Tiền, được vào dịp Festival càng đẹp thêm…

                                    CAO HUY KHANH, SÀI GÒN 2008

Nguồn: https://sites.google.com/site/vanvietloc/truyen-ngan/van-hoc/tuy-but/caohuykhanh

Bình luận về bài viết này