Kỳ duyên…

Hương Thủy

Hôm nay, với tôi là một ngày hạnh phúc. Cuối cùng, sau bao nhiêu khó khăn và trông ngóng, món quà quý đã đến…Tôi đang cầm trong tay cuốn Hồi ức “Tháng ngày qua” của bà Nguyễn Tường Nhung, trưởng nữ nhà văn Thạch Lam và là phu nhân của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Nguyên Tư Lệnh Vùng I Chiến thuật kèm theo lời đề tặng đích danh.

Khi cuốn sách này được giới thiệu trên mạng và đài VOA, tôi đã hỏi một anh bạn ở Mỹ nhờ mua nhưng không được. Tìm trên Amazon cũng không thấy. Thôi đành thở dài tiếc nuối. Tình cờ, một học trò cũ của anh LBB – dân Quốc Học, đồng niên 65-72 với tôi, nguyên SVSQVBĐL K 30 – đang ở Mỹ lại là chỗ thân tình với bà Nhung. Anh được bà có nhã ý tặng một cuốn. Tôi hớn hở xin anh bản copy. Như thế cũng thỏa nguyện lắm rồi.

Nhưng thật không ngờ, tập truyện ngắn “Dẫu lìa ngó ý” của tôi, xuất bản ở Mỹ năm ngoái, không biết bằng cách nào bà Tường Nhung đã đọc được, đã có lòng mến mộ, đã có lời ngợi khen và đó là nguyên nhân tôi được bà tặng sách!

Dẹp hết phiền muộn riêng tư, tắt điện thoại. Tôi ngồi xuống và bắt đầu những trang sách.

Sách in đẹp, bìa cứng, Thạch Ngữ xuất bản năm 2021, dày 412 trang và chia làm bốn phần: Ngược dòng thời gian; Ngày tháng bên Anh; Lòng chợt bình yên; Hình ảnh gia đình và thân hữu…

Trước 1975, không có một học sinh trung học nào ở miền Nam mà không biết đến Tự Lực văn đoàn và mê say những tác phẩm có lối hành văn trong sáng của họ. Chính văn đoàn này đã có công lớn trong việc cách tân văn học, đưa Văn học Việt Nam bước vào con đường hiện đại hóa với những nhà văn tên tuổi và trụ cột là anh em dòng họ Nguyễn Tường. Trong đó Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là Chủ súy cùng với các em Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, Thạch Lam Nguyễn Tường Vinh – sau đổi thành Nguyễn Tường Lân -, người bạn thân Khái Hưng Trần Khánh Giư, Thế Lữ… Và nhà văn Thạch Lam là thân phụ của bà Tường Nhung.

Ngày còn ở bậc phổ thông, khi đọc về thân thế của các nhà văn dòng họ Nguyễn Tường, tôi đã thấy được nhãn lực của cụ Phán Nguyễn Tường Nhu qua cách đặt tên bảy người con của mình. Nếu ráp tên của họ lại, ta sẽ thấy đươc câu: “Thuỵ Cẩm Tam Long Vinh Bách Thế”. Phải chăng ba con rồng ấy đã ứng vào ba nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam?

Nếu tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng là những tiểu thuyết luận đề – Roman à thèse – tuyệt đối bênh vực cho cái mới, sự tiến bộ trong tư tưởng Tây phương thì tác phẩm của Thạch Lam – phần lớn là truyện ngắn -, lại bàng bạc chất thơ, đưa người đọc trở về thế giới của những người dân nơi phố huyện nghèo nàn nhỏ bé với một lối trần thuật sâu lắng, bàng bạc hồn quê, tình quê và thấm đẩm giá trị nhân đạo. Tôi đã chảy nước mắt, thương biết bao nhiêu hình ảnh bà mẹ Lê (Nhà mẹ Lê), cô Tâm hàng xén (Cô hàng xén), chị em Liên, An (Hai đứa trẻ), cô Dung (Hai lần chết)… kể cả hai cô gái điếm Liên và Huệ trong truyện ngắn Đêm ba mươi. Những truyện ngắn không có chuyện chỉ ghi lại những khoảnh khắc tâm trạng trong Sợi tóc, Dưới bóng hoàng lan… hướng người đọc đến cái Thiện, đến thứ hạnh phúc đơn giản mà thanh cao. Tôi cả tin rằng, chắc sẽ có nhiều người như tôi, kết luận Thạch Lam là nhà văn xuất sắc nhất của Tự Lực văn đoàn!

Tiếc thay, với “bệnh ấu trĩ tả khuynh”, để tư tưởng chính trị lấn át tài năng văn chương, sau 1975 người ta đã loại những tác phẩm của TLVĐ ra khỏi chương trình Văn học Việt Nam và đó là một thiệt thòi lớn cho học sinh trung học.

Nhà nghiên cứu văn học người Pháp Buffon nói “Văn tức là người”. Yêu văn Thạch Lam, tôi đi tìm con người Thạch Lam, gia đình Thạch Lam.

Tôi tìm nhà văn qua “Chú Sáu” của người cháu Thế Uyên đăng trong Tập san Văn. Tôi biết về căn nhà ở làng Yên Phụ có cây liễu rủ ven hồ, biết về những ngày cuối đời của nhà văn tài hoa chết trẻ. Tôi đã đọc hồi ký của bác sỹ Nguyễn Tường Giang, con trai út của Thạch Lam, người từng bị ám ảnh khi nghe kể lại lời của ông thầy bói “nếu sinh con trai thì ông bố không cứu được”. Và sự ra đời của người con trước ba ngày đánh dấu cái chết của người cha! Tôi đọc về sự tỉnh táo của Thạch Lam trước khi chết trong sự bất lực của “Chú Bảy” Bác sỹ Nguyễn Tường Bách ngồi gần đó. Tôi biết về sự hiền lành của bà Thạch Lam và những ly cà phê tuyệt vời bà dành cho chồng trước đây và con trai Nguyễn Tường Giang sau này. Tôi dõi theo bước chân của Thế Uyên và thầy John Shafer – chồng của Cô Cao Thị Như Quỳnh, hai vợ chồng đều dạy ở Đại Học Văn Khoa Huế trước 75 – khi ra Hà Nội tìm về làng Yên Phụ…

Lần đầu về Hội An, mọi người đua nhau chụp hình ở Chùa Cầu, đi nghe Hô Bài Chòi, ăn Cao Lầu… thì tôi lặng lẽ đi tìm Nhà thờ Tộc Nguyễn Tường sát bên Miếu thờ Khổng Tử.

Với bà Tường Nhung, tôi chỉ biết bà là phu nhân của một vị sỹ quan cao cấp của VNCH cụ thể là tướng Ngô Quang Trưởng, thì khi vào Đại học tôi mới rõ ràng hơn. Cư xá Nữ sinh viên Jeanne D’arc quay lưng vào tư dinh của ông nằm trên đường Duy Tân ở Huế. Ma soeur Victoire chỉ cho tôi hai đứa con của ông bà trong đám trẻ pensionnaire đang chơi trong sân.

Bà Tường Nhung là con gái cả của nhà văn Thạch Lam. Cảm tình với những nhà văn Tự Lực văn đoàn, tôi thích luôn những người con, cháu của họ. Tội đọc hồi ký của Nguyễn Khánh Triệu – con trai nhà văn Nhất Linh và cũng là con nuôi của nhà văn Khái Hưng -, Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Tường Giang, Duy Lam, Thế Uyên…Và hôm nay, bà Tường Nhung cho tôi rõ thêm những điều quý báu.

Lâu lắm rồi, trong một đoản văn của nhà văn Băng Sơn – chuyên viết về Hà Nội nhưng gốc Cẩm Giàng, Hải Dương – có nhắc đến con gái của nhà văn Thạch Lam trong những ngày tản cư về quê. Chỉ mấy dòng ngắn ngủi nhưng cũng để tôi nhân ra cảm tình của ông đối với “cô bé Nhung” xinh xắn giữa bầy trẻ con lau nhau đi “sinh hoạt kháng chiến”.

Hồi ức của bà Tường Nhung giúp mọi người rõ hơn về tài thao lược đảm đang của bà Nội Nguyễn Tường Nhu với Trại Cẩm Giàng, chân dung và cuộc sống gia đình nhà văn Thạch Lam, của vợ chồng Tướng Ngô Quang Trưởng… Tôi từng nghe một giai thoại thú vị, cao thượng về cuộc hôn nhân của hai ông bà.

Tướng Trưởng là một cái tên lừng danh trước 75 ở miền Nam về sự thanh liêm: “Nhất Thắng nhì Chinh, tam Thanh tứ Trưởng”. Ông xuất thân khóa IV Cương Quyết của trường Võ khoa Thủ Đức. Ông gắn bó với quân dân vùng Trị Thiên. Ông từng là Tư lệnh Sư đoàn I Bộ Binh, chuyển về làm Tư lệnh Quân đoàn IV rồi trở lại làm Tư Lệnh Quân Đoàn I Quân Khu I từ 1972 cho đến tháng Ba năm 75… Ông gắn bó với vùng đất Trị Thiên đến nổi đặt tên con trai út là Ngô-Trị-Thiên.

Bà Nhung cho ta rõ hơn về đời sống thanh bạch của gia đình một vị tướng tiếng tăm. Xe Tư lệnh “luôn đúng giờ, không còi hụ, không hộ vệ, chỉ có một tùy viên”. Phương tiện di chuyển của gia đình là “một chiếc xe Jeep cũ mang biển số dân sự”, nhường chiếc xe du lịch Huê kỳ màu đen cho gia đình Tư lệnh phó. Bữa ăn của gia đình cũng phải tính toán “chú bếp phải tính mua những món ít tiền mới đủ”. Còn bửa ăn sáng của ông là “một bát cháo trắng với muối đường và một ly nước trà nóng pha đậm”. Luôn xuất hiện trên báo chí, T.V miền Nam trước 75 hình ảnh của một vị Tướng tầm thước, gầy gò trấn giữ vùng hỏa tuyến. Nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai Nhất Linh cũng chỉ gặp người chồng nổi tiếng của cô em họ vỏn vẹn có bốn lần ngắn ngủi trong suốt 30 năm chứ nói chi đến chuyện nhờ vả!!!

Hồi ức của bà cho thấy tình cảm của Ông Bà đối với cảnh và người miền Trung, tâm trang đau buồn của Tướng Trưởng trước mệnh lệnh không nhất quán của Thượng cấp vào những ngày hấp hối của thành phố Huế.

Lưu vong bất đắc dĩ, ông luôn giữ im lặng, không tham gia Hội đoàn, không tuyên bố vung vít. Ông cho rằng “Bại binh chi tướng bất khả ngôn Dũng. Vong quốc chi đại phu bất khả ngôn Trí”. Nhưng điều làm chúng ta xúc động nhất,- đặc biệt là người dân Miền Trung- trong di ngôn, ông đã yêu cầu đem tro cốt của mình về Việt Nam rãi trên đỉnh đèo Hải Vân – ranh giới giữa Đà Nẵng và Huế -, vùng đất Quân khu I ông từng gắn bó. Và bà Tường Nhung cùng gia đình đã thực hiện ước nguyện cuối cùng của ông.

Hồi ức của bà Nguyễn Tường Nhung là những trang viết chân thực và xúc động. Sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng của người bạn đời của họ. Đằng sau sự liêm chính, dũng cảm, kiên cường của Tướng Trưởng là một tình yêu sâu sắc, chung thủy cho đến tận cuối đời. Người con của một gia đình đại điền chủ miền Nam kết hợp với dòng máu tài hoa của dòng họ Nguyễn Tường đã tạo nên một nhân cách đáng quý mà “Phe thắng trận” cũng phải nghiêng mình kính phục.

Gấp trang sách lại, trong tôi tràn ngập sự ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ về một dòng họ; ngưỡng mộ về một nhân cách; ngưỡng mộ về một tình yêu…

Trân trọng cảm ơn bà Nguyễn Tường Nhung đã cho hậu thế biết thêm những điều cần biết.

Hương Thủy (VH khoá 1972-1976, ĐHSP Huế)

Bình luận về bài viết này