Ocean Vuong

Mạnh Kim

Báo Tuổi Trẻ ngày 19-5-2024 cho biết, quyển “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của Ocean Vuong đã “được phép” tái bản, không bị cắt gọt thay đổi gì, trừ việc được dán nhãn 18+. Cuối cùng thì số phận một quyển sách từng gây chấn động văn đàn Mỹ của một tác giả gốc Việt đã không bị đối xử một cách không đáng có. Đáng lý các trường trung học lẫn đại học Việt Nam từ lâu nên đưa sách của Ocean Vuong vào hệ thống sách tham khảo bắt buộc; thậm chí tác giả Ocean Vuong nên được mời về nói chuyện với giới trẻ trong nước.

So với vài tên tuổi gốc Việt khác nổi tiếng trên văn đàn Mỹ, Ocean Vuong nhẹ nhàng hơn, khiêm tốn hơn, không tỏ ra lên gân và thích “gồng”. Ocean Vuong đã là gương mặt quen thuộc được mời nói chuyện trong rất nhiều chương trình. Tìm trên YouTube, người ta thấy Ocean Vuong trong Late Night with Seth Meyers, Louisiana Channel, Strand Book Store, The On Being Project, Archive on Demand, The Royal Society of Literature, Cultured Magazine, PBS NewsHour, City Arts & Lectures, APAInstitute (Asian|Pacific|American Institute at NYU), Amanpour and Company (kênh YouTube của nhà báo lừng danh Christiane Amanpour)…

Đáng nói nhất, trong nhiều chương trình, Ocean Vuong thường nhắc đến gốc gác mình. “In our culture…” là câu Ocean Vuong thường nói. Trong vài buổi nói chuyện, Ocean Vuong dùng từ “bà ngoại” trước khi dịch sang tiếng Anh để khán giả Mỹ có thể hiểu nghĩa là gì. Ocean Vuong nói về giá trị của thơ trong văn hóa dân gian Việt Nam, về lời ru của mẹ, về đời sống thơ ăn sâu vào đời sống văn hóa Việt như thế nào… Trong một cuộc phỏng vấn khác, Ocean Vuong giải thích tại sao anh bàn với Khánh Nguyễn (người dịch “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”) về việc anh thích dùng từ “mẹ” thay vì “má”. Việc nói tiếng Việt bập bẹ của Ocean Vuong (một số từ thậm chí phát âm sai) cho thấy việc thể hiện ngôn ngữ qua cách phát âm vụng về không đồng nghĩa với việc cảm nhận sâu sắc như thế nào về văn hóa cội nguồn của mình.

Tiểu sử Ocean Vuong có nhiều trên mạng nhưng Ocean Vuong có nhiều điều thú vị hơn là những thông tin về quê quán gốc gác. Đã thâm nhập rất sâu vào dòng chính của thế giới văn học Mỹ nhưng luôn tự hào với bản thể dân tộc, Ocean Vuong có lẽ chịu ảnh hưởng rất mạnh từ mẹ. Có thể bằng sự giáo dục theo bản năng của một phụ nữ thuần túy Việt Nam, mẹ của Ocean Vuong – như nhiều bà mẹ Việt Nam khác – đã dạy anh, trước hết là trách nhiệm đối với chính mình và với thế giới bên ngoài, sau đó là trách nhiệm của một người Việt, một người sống xa quê hương, chứ không phải “lưu vong”. Nếu không nhìn nhận điều này, có thể người ta, ở một góc độ nào đó, đang vô tình tước đi quyền được thể hiện “tôi là người Việt” của những người xa quê như Ocean Vuong.

Với Ocean Vuong, bản thể Việt Nam in rất sâu vào tim óc anh. Trong một cuộc phỏng vấn với Kenneth Nguyen (trên kênh The Vietnamese with Kenneth Nguyen), Ocean Vuong nói bằng tiếng Việt:

“Xin chào các bạn, Ocean Vương, hay là Hải Vương, rất là vui lòng và tự hào là người tác giả Việt Nam, có gốc Việt Nam ở Mỹ. Mình rất là vui vẻ, mà rất là hãnh diện có một cái tiếng trong cái văn chương của nước Mỹ, và tiếng Anh, và mình lúc nào cũng nhìn cái gốc của mình là trên nhứt, cái rễ của mình là người Việt Nam, cái đó là… (vài giây ngưng vì xúc động mạnh). Không có đặc biệt hơn một cái quê hương.

Mình có cái rễ rồi thì mình phải chăn sóc nó. Mình trồng cây, mình trồng lúa, mình thấy cái rễ nó bị nhiễm trùng thì nó sẽ rớt, nó sẽ tan, thì cái nghiệp nó chỉ nhau như vậy, thì với anh Kenneth, với Ocean, thì mình đang chăn sóc cái rễ để cho protect nó, để cho nó có, nó càng đi. Mà mình nghĩ là cái cây nó phải đi lên. Mà thật sự cái cây nó càng lên, nó càng nở, cái rễ nó cũng vẫn còn nở ở dưới nữa, đó, thì mình phải chăn sóc ở trên và ở dưới, thì cái rễ của mình, cái rễ Việt Nam, thì mình rất là tự hào có cái rễ đó, nhưng mà kiếp sau mình cũng hổng muốn làm người khác, mình cũng vẫn còn tiếp tục làm người Việt Nam”.

Còn tiếp tục làm người Việt Nam. Chỉ đơn giản vậy. Vì, mình có cái rễ rồi.

_________

-Ocean Vuong phát âm “chăn sóc” thay vì “chăm sóc”

-Các bạn học sinh trung học với vốn tiếng Anh khá hoặc sinh viên Anh ngữ nên tìm đọc nguyên tác “On Earth We’re Briefly Gorgeous”. Rất dễ đọc, không cần trình độ tiếng Anh cao siêu gì cả.

Nguồn: FB. Manh Kim

Bình luận về bài viết này